Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

Ảnh Đỗ thị Minh Giang

Lá Thư Úc Châu


Trang Thơ Nhạc Xuân Bính Thân
Trầm Tử Thiêng - Ngọc Hạ: Thư Xuân Hải Ngoại
Nguyễn Bính - Huy Thục - Anh Thơ: Mưa Xuân
https://www.youtube.com/watch?v=q_3n8CzzDIM
Nguyễn Tường Thụy:
 "Thơ Nguyễn Bính hay hơn ở những sáng tác trước năm 1945, tức là khi ông chưa sáng tác theo phương pháp hiện thực XHCN, chưa có tính đảng. Đây cũng là nét chung của các nhà thơ trong phong trào thơ mới như Xuân Diệu, Tế Hanh, Huy Cận, Chế Lan Viên…Trong giai đoạn này thì thời kỳ 1936-1940 là thời kỳ rực rỡ nhất của thơ Nguyễn Bính, trong đó thành công hơn cả là mảng mùa xuân – làng quê – tình yêu. Sau đó thì đuối dần.

Khi chọn 100 bài thơ hay nhất thế kỷ 20, chia đều cho100 tác giả, mỗi tác giả 1 bài thì với Nguyễn Bính, người ta chọn bài “Những bóng người trên sân ga”. Không ai phủ nhận đấy là một bài thơ hay nhưng nếu được quyền, tôi sẽ chọn bài “Mưa xuân”... Mùa xuân trong bài thơ có mưa bụi, có hoa xoan, có hội chèo. Ba nét ấy là những nét chấm phá nói về mùa xuân ở làng quê. Bức tranh làng quê sống động hẳn qua ngòi bút của ông. Cách dùng chữ của ông thật tài tình. Mùa xuân đẹp đến hạt mưa cũng bay phơi phới, như nỗi lòng con gái dậy thì, đầy nhựa sống và xúc cảm. Tác giả đã thổi hồn vào hạt mưa thật đẹp. Chữ phơi phới nhiều người dùng, nhưng dùng làm tính từ kèm theo mưa xuân thì chỉ Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính không cố đi tìm những từ lạ, lối diễn đạt lạ. Ông chỉ sử dụng ngôn ngữ bình dân nhưng với ngòi bút tài hoa, ông đã để lại cho đời nhiều bài thơ xuất sắc, trong đó “Mưa xuân” – một bài thơ tình tuyệt đẹp là ví dụ điển hình...".

Tình thân,
NNS
....................................................................................................................
(1) Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Ts Nguyễn Văn Tuấn: Bán nước ?
Thỉnh thoảng tôi chú ý có vài người vào blog tôi viết comment một cách giận dữ. Một trong những comment đó là “bọn nguỵ bán nước”, hàm ý cáo buộc chế độ VNCH ngày xưa là bán nước. Lại có comment kiểu như “bọn Nam kì các anh toàn là một lũ bán nước chạy qua tận Mĩ tìm bơ thừa sữa cặn …” Tôi có cảm giác đây là một luận điệu khá phổ biến ở những người cuồng tín. Nhưng tôi muốn tìm hiểu cái luận điệu này nó xuất phát từ đâu.
Rất có thể cái điệp khúc “bán nước” này đã được gieo vào đầu óc của những người ngoài Bắc từ rất lâu. Nó có thể khởi đầu từ những bài báo và phát biểu của ông Hồ Chí Minh, một người rất hăng hái trong việc chửi triều Nguyễn. Trong những bài viết và phát biểu về triều Nguyễn, ông Hồ đưa ra những cáo buộc hết sức ghê gớm. Chẳng hạn như trong bài ”Nên học sử ta” đăng trên báo Việt Nam độc lập, ngày 01/02/1942, ông viết: ”Vì muốn giành làm vua mà Gia Long đem nước ta bán cho Tây. Thế là giang san gấm vóc tan tác tiêu điều, con Lạc cháu Hồng hoá làm trâu ngựa”.
Trong ”Báo cáo đọc tại Đại hội các đoàn thể cách mạng Việt Nam ở nước ngoài” họp tại Thành phố Liễu Châu (Tàu), vào tháng 3/1944, ông nói: ”Năm 1862, vua Tự Đức ký hiệp ước bán nước, cắt nhượng ba tỉnh Sài Gòn, Biên Hoà, Mỹ Tho cho giặc Pháp”. Ông tố cáo Bảo Đại: ”Vĩnh Thụy trở về nước với hơn 10.000 viện binh Pháp để giết hại thêm đồng bào Việt Nam. Vĩnh Thụy cam tâm bán nước. Vĩnh Thụy làm tay sai cho thực dân, là một tên phản quốc”. (Một điều thú vị là dù chửi Bảo Đại là phản quốc như thế, nhưng sau này chính ông Hồ lại mời Bảo Đại tham chính!)
Dễ dàng thấy những câu chữ trên rất nặng nề. Nhưng cái mẫu số chung của các cáo buộc đó là ông hoàn toàn không trưng bày một chứng cứ thuyết phục, mà chỉ nói ra nhận định cá nhân. Nếu là người thường mà nói như thế thì chắc chẳng ai quan tâm, nhưng trong một thể chế toàn trị, người trong tư cách lãnh đạo như ông Hồ mà nói như thế thì người ta hiểu đó là những chân lí. Rồi từ đó, cái luận điệu “nguỵ bán nước” lan toả sang báo chí, tuyên truyền, và rất có thể cả sách giáo khoa. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy những dư luận viên và ngay cả một số quan chức bị đầu độc với những từ như “bán nước”, “tay sai”, “phản động”, và họ thốt ra những chữ đó như là những con vẹt lải nhải theo quán tính, chứ không làm theo lí trí.
Nói theo Daniel Kahneman những người này (nói theo quán tính) dùng Hệ thống I trong phản ứng. (Hệ thống II là suy nghĩ cẩn thận và phản ứng theo lí trí, đòi hỏi thời gian). Hễ nghe ai nói gì trái ngược với niềm tin của họ, thì họ thốt ngay chữ “phản động”; hễ nghe người miền Nam nói về tình hình suy thoái của xã hội, đầu óc họ phọt ngay “bán nước”. Vẫn theo Kahneman, phản ứng theo hệ thống I được hình thành từ tiến hoá. Loại phản ứng đó đã giúp con người thích ứng với môi trường và tồn tại trong quá khứ (như thấy con cọp thì phản ứng đầu tiên là phải … chạy — không cần phải suy nghĩ thêm). Tương tự, chúng ta cũng có thể đoán rằng cái phản ứng “bán nước” của DLV là hệ quả của một quá trình tiến hoá. Cha mẹ họ đã sống trong cái xã hội bị tẩy não nặng nề, một xã hội đòi hỏi sự tuân thủ tuyệt đối vào một đảng phái, bất cứ ai đi ra ngoài giáo điều sẽ dễ bị triệt tiêu. Do đó, để tồn tại trong xã hội đó, họ phải thích ứng, phải “tụng niệm” những câu chữ quen thuộc bất kể sự thật ra sao. Nghe nhạc vàng? Phản động. Sĩ quan VNCH? Bán nước. Và, theo thời gian cái hệ thống I tích tụ trong đầu họ, và di truyền qua nhiều thế hệ cho đến nay.
Hiểu như thế thì chúng ta có thể thông cảm cho những kẻ mà ngày nay vẫn còn phát biểu “nguỵ bán nước”, vì thời gian chưa đủ để họ được tiến hoá, nên phản ứng quán tính theo hệ thống I còn lấn át phản ứng với lí trí theo hệ thống II.
_____
TB: Nhân đây xin trích lại một đoạn trong Hồi kí của học giả Nguyễn Hiến Lê viết về tình cảnh sau 1975: Xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam sau năm 1975 qua cuốn Hồi kí của học giả Nguyễn Hiến Lê
Sự khinh rẻ giữa Bắc – Nam:
Người Bắc coi người Nam là nguỵ, đối xử người Nam như những thực dân da trắng đối với dân “bản xứ”, tự cao tự đại, tự cho rằng về điểm nào cũng giỏi hơn người Nam, đã thắng được Mĩ thì cái gì cũng làm được. Chỉ cho họ chỗ sai lầm trong công việc thì họ bịt miệng người ta bằng câu: “Tôi là kháng chiến, anh là nguỵ thì tôi mới có lí, anh đừng nói nữa”. Chẳng bao lâu người Nam thấy đa số những kẻ tự xưng là kháng chiến, cách mạng đó, được Hồ Chủ tịch dạy dỗ trong mấy chục năm đó, chẳng những dốt về văn hoá, kĩ thuật – điều này không có gì đáng chê, vì chiến tranh, họ không được học – thèm khát hưởng lạc, ăn cắp, hối lộ, nói xấu lẫn nhau, chài bẩy nhau… Từ đó người Nam chẳng những có tâm trạng khinh kháng chiến mà còn tự hào mình là nguỵ nữa, vì nguỵ có tư cách hơn kháng chiến. Và người ta đâm ra thất vọng khi thấy chân diện mục của một số anh em cách mạng đó, thấy vài nét của xã hội miền Bắc: bạn bè hàng xóm tố cáo lẫn nhau, con cái không dám nhận cha mẹ, học trò cấp II đêm tới đón đường cô giáo để bóp vú… Thì ra: “Nhìn xa ngỡ tượng tô vàng…”
Và trong chăn mới biết có rận:
Ngay giữa các đồng chí cũng không có tinh thần đoàn kết…Chính vì thiếu đoàn kết nên trong cuộc hội họp nào người ta cũng hô hào “Đoàn kết, đại đoàn kết”. Còn ở trong phòng họp thì ai cũng hoan hô tinh thần đoàn kết, ra khỏi phòng rồi thì hết đoàn kết. Người ta chỉ đoàn kết với nhau vì quyền lợi thôi; do đó mà có tinh thần bè phái, gia đình trị, và miền Bắc có câu này: nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế.
Cái thất bại thứ nhì:
Điểm thứ nhì làm cho chúng ta thất vọng là xã hội còn bất công hơn hồi trước nhiều.
Sự bất công (cũng như tham nhũng) xẩy ra đầy rẫy trong xã hội, suốt cả chiều ngang lẫn chiều dọc, điển hình là:
Có người nói một số “ông lớn” đi đâu cũng có người hầu xách bình nước sâm Cao Li để ông lớn uống thay trà; một ông nọ luôn luôn có một bác sĩ ở bên và một thiếu nữ quạt hầu vì ông không chịu được quạt máy. Tôi không biết những tin đó đúng hay không, chỉ biết những tin đó do “anh em cách mạng” đưa ra cả… Sài Gòn đưọc giải phóng vài năm thì ta thấy xuất hiện ngay một hạng giàu sang mới nổi, thay thế bọn giàu sang thời Thiệu,, và cũng thích những xa xí phẩm (áo hàng thêu, hột xoàn, máy điều hoà không khí v.v…) của thời Thiệu. Tiền đâu mà họ mua những thứ đó nhỉ?
Sự bất công chướng nhất, tàn nhẫn nhất là lương công nhân viên từ năm 1975 cứ đứng yên trong khi sự phân phối nhu yếu phẩm giảm đi gần hết, chỉ còn gạo, bo bo là tạm đủ, nhất là trong khi mãi lực của đồng bạc năm 1980 chỉ còn 1/10 năm 1975; thành thử lương một công nhân viên chỉ đủ để mua củi chụm, lương một bác sĩ mới ra trường chỉ đủ để mua rau muống ăn. Khắp thế giới không đâu có chế độ lương bổng như vậy. Người nào cũng phải bán đồ đi mà xài, nhờ cha mẹ giúp đỡ, nếu không thì phảo xoay xở mọi cách, làm sao sống được thì làm, chính phủ không biết tới. Một cán bộ ở Hà Nội đã phàn nàn: “Người ta có rất nhiều quyền hành mà không có một chút tinh thần trách nhiệm nào cả. Thật lạ lùng!”
Cái thất bại thứ ba:
Không ai có trách nhiệm mà tinh thần bè phái quá nặng nên không có kỉ luật, dưới không tuân trên, loạn.
Nguyên nhân là cán nặng hơn gáo, dưới chẳng nghe trên, vì:
… mỗi tỉnh là một tiểu quốc…
Và:
Vì mất kỉ luật cho nên thanh niên mới trốn nghĩa vụ quân sự… Tinh thần vô kỉ luật đó, không biết một phần có phải do chính sách giáo dục trẻ em không… trẻ em càng được thể làm biếng, sức học rất kém, mà tính ngỗ nghịch (bóp vú cô giáo như trên đã nói) thì quá sức tưởng tượng. Một cán bộ già ở Bắc vô nhận rằng trẻ em trong này ngoan ngoãn, lễ phép. Nhưng tôi sợ rằng ít năm nữa, chúng đuổi kịp bạn chúng ở Bắc mất.
Cái thất bại thứ tư:
Sự thất bại hiển nhiên nhất của chế độ là sự suy sụp của kinh tế mà tôi đã trình bày sơ lược trên.
Từ ngày 30-4-75, do những đồng bào ở Bắc vào, chúng ta ở Nam mới lần lần biết cảnh điêu đứng của dân tình ngoài đó sau hai chục năm sống dưới chế độ mới. Từ trên xuống dưới ai cũng phải ăn độn có khi tới 60%-70% (tháng 8-1980, một cán bộ giáo dục ở Hà Nội vào bào tôi bây giờ họ phải ăn độn 90%, cực khổ hơn những năm 1973-1974 nhiều lắm, mà tình trạng đó còn kéo dài lâu. Thân phận không bằng con heo ở trong Nam); có hồi gạo quí tới nỗi người ta cất vào trong những cái thố, cái liễn, trân trọng như nhân sâm, chỉ khi nào đau ốm mới lấy ra một nhúm để nấu cháo; ngày tết mà có đủ gạo nấu cơm cúng ông bà là mừng lắm; khi nào được ăn một bữa cơm không độn với nước mắm thôi thì coi như được dự một bữa tiệc. Nước mắm rất hiếm, có người ở Nghệ An hay Hà Tĩnh mấy năm không có nước mắm ăn, gặp người trong Nam ra đem theo nước mắm, xin một vài muỗng rồi nuốt ực ngay hết, không đợi đem về nhà. Bát ăn mỗi người mỗi năm chỉ được một cái, hễ vỡ thì phải ăn bằng sọ dừa. Vài mỗi năm chỉ được phát một hai thước đủ để vá áo (ở miền Nam năm 1980, có nơi mội người chỉ được 6 tấc). Nhiều người vào Sài Gòn thăm bà con, khi ra vơ vét đủ thứ, từ cây đinh, khúc dây chì, lon sữa bò, ve chai…đem ra, vì ở ngoài đó thường cần dùng tới mà không kiếm đâu ra. Họ cho miền Nam này là thiên đường.
Con người mất nhân phẩm:
Trong một xã hội như vậy, con người dễ mất hết nhân phẩm, hoá ra đê tiện, tham lam, bất lương, nói láo, không còn tình người gì cả.
Năm 1975 đa số các cán bộ, công nhân viên ở Bắc vào thăm gia đình, họ hàng ở trong Nam, còn giữ chút thể diện “cách mạng”, bà con trong này tặng họ gì thì họ nhận, chứ không đòi; về sau họ không giữ kẽ nữa, tặng họ một thì họ xin hai, không tặng họ cũng đòi, khiến một ông bạn tôi bực mình, nhất định đóng cửa không tiếp một người bà con, bạn bè nào ở Bắc vào nữa… Đa số cán bộ ở Nam đã tư bản hoá rồi, một xã hội chủ nghĩa xã hội mà như vậy thì chủ nghĩa đó chỉ còn cái tên thôi.
Cái mất tình người:
Sống dưới chế độ cộng sản, con người hoá ra có hai mặt như Sakharov đã nói: chỉ giữa người thân mới để lộ mặt thật, còn thì phải đeo mặt nạ; luôn luôn phải đề phòng bạn bè, láng giềng, có khi cả người trong nhà nữa. Người ta tính cứ 5 người thì có 1 người kiểm soát từng ngôn ngữ, hành vi của 4 người kia… Ở Nga thời Staline như vậy, ở Bắc những năm 1954-1960 cũng gần như vậy; ở Nam đỡ hơn vì đa số người trong này không chịu làm thứ mật thám chìm đó…
Nạn làm tiền, tống tiền lan tràn khắp các ngành, cả trong ngành cứu nhân độ thế và ngành tống táng.
Ôi chao! Ngành tống táng? Tôi không ghi ra đây một thí dụ của ông về chuyện này. Đại loại là nếu không có đủ tiền đút lót thì việc chôn cất hoặc hoả thiêu người chết sẽ không được làm một cách suôn sẻ. Trong một xã hội mà ngay người đã khuất rồi mà vẫn còn bị làm tiền thì ta không thể tưởng tượng được cái nhân tính thời đó tệ hại ra sao. Nguyên do?
Tất cả chỉ tại cái lệ chính phủ định giá, định lương rẻ quá không cho dân đủ sống, dân phải xoay xở lấy, bóc lột lẫn nhau. Cổ kim chưa một xã hội nào phi lí như vậy. Vì biết mình phi lí nên có nơi chính quyền làm ngơ cho bác sĩ làm ăn, cho phép các giáo viên nguỵ dạy thêm tại nhà. Nói cho ngay, thời nào trong xã hội cũng có một số người lương thiện. Và ông Phạm Văn Đồng đã nhận rằng thời này hạng đó thiệt thòi nhất. Tôi được biết một hai cán bộ trung cấp liêm khiết, chịu nghèo, nuôi heo thêm, chứ không tham nhũng. Gia đình họ phải ăn rau muống; quần áo thì vá đụp; có thể nói họ nghèo như các nông dân nghèo nhất thời xưa.
Tóm lại sau 5 năm chúng ta không thấy chút tiến bộ nào cả mà chỉ thấy sự chia rẽ trong xã hội, sự tan rã trong gia đình, sự sa đoạ của con người, sự suy sụp của kinh tế.
Ông Hồ Chí Minh có lần nói: “Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa thì phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Con người vẫn là quan trọng hơn cả. Có chế độ tốt, chính sách tốt mà không có con người tốt thì cũng hỏng hết. Ai cũng phải nhận rằng tinh thần, tư cách đại đa số cán bộ càng ngày càng sa sút, hủ hoá mà xã hội chủ nghĩa mỗi ngày một lùi xa. Ông Hồ đã thấy trước cái mòi suy vi đó khi thốt ra lời trên chăng?

(ii) Ts Phan Hồng Giang: 
Nhân loại có chung nhiều giá trị Văn hóa phổ quát

Đặt đầu đề như trên cho bài viết của mình, tôi có đôi chút lăn tăn : Có phải mình đã cố tình định “tái phát minh ra cái xe đạp” trong khi  cái xe đó đã tồn tại từ hàng trăm năm nay ?  “Nhân loại có chung nhiều giá trị văn hóa phổ quát” là một thực tế hiển nhiên như 2x2 = 4, việc gì phải nhắc lại ? Nhưng mà, như bạn đọc sẽ thấy sau đây, có nhiều lý do để phải khẳng định lại điều đó.
Do tác động của những điều kiện lịch sử, địa lý, kinh tế khác nhau mà mỗi dân tộc đều ít nhiều có bản sắc văn hóa riêng. Điều này thể hiện dễ thấy nhất ở phong tục tập quán, lối sống, nếp sống. Trang phục mỗi nước một khác, nơi quần quần áo áo, nơi chỉ cần mảnh vải quấn quanh thân. Không ít nước coi “miếng trầu là đầu câu chuyện”, trước đây răng đen tuyền hạt na đã từng là duyên dáng, cổ cao đeo hàng chục vòng bạc là mẫu  mực nhan sắc. Đàn ông theo Hồi giáo có thể lấy 4 vợ, trong khi nhiều nước nghiêm cấm đa thê. Nước trọng sinh con trai “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nước sinh trai hay gái đều được quý như nhau. Một số nước có tục dâng hương , bày mâm lễ thờ cúng tổ tiên, nhiều nước lại chỉ giữ kín trong lòng  sự kính trọng ông bà. Văn hóa phương Đông đề cao phụ nữ giữ trinh tiết trước khi lấy chồng, trong khi đàn ông châu Âu lại không coi đó là tiêu chuẩn đạo đức cần thiết khi tìm bạn đời…
Thừa nhận sự khác biệt, sự đa dạng văn hóa của các dân tộc là yêu cầu của mọi xã hội văn minh. Tuy nhiên, điều đáng nói là có không ít lý luận gia, vì những lý do dường như ngoài văn hóa, đã “phóng đại” (?) những nét đặc thù văn hóa, những điều kiện lịch sử riêng của dân tộc mình để  quay lưng với những giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại.
Họ quên mất thực tế hiển nhiên là  con người dù khác nhau về màu da, vóc dáng, gương mặt, ngôn ngữ, nếp sống… đều thuộc một loài chung là loài người, đều có chung nụ cười  khi vui và nước mắt khi buồn. Nụ cười và nước mắt không cần ai phải dịch, - và đó là cội nguồn của những điều chung.
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh,  trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9/1945 đã nhắc lại câu nói bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 : “Mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Cần nói thêm ngay rằng “mọi người” ở đây là “mọi người của mọi dân tộc”.
Nhu cầu được hưởng những quyền cơ bản của con người là chung cho con người của mọi dân tộc.
Không một ai muốn mình bị  coi thường, bị đánh giá bất bình đẳng. Không một ai muốn mình bị trói buộc, mất tự do thân thể và tự do tinh thần. Không một ai muốn mình bị ngăn trở, cấm đoán trong cuộc  hành trình mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân và gia đình mình, cũng như cho cộng đồng. Muốn vậy con người cần có quyền sở hữu tài sản, quyền sáng tạo và quyền tự do kinh doanh  không trái pháp luật.
Không một ai , ở bất cứ dân tộc nào, thích bị bịt miệng, không được nói ra ý nghĩ và mong muốn của mình. Hồ Chủ tịch đã từng có định nghĩa ngắn gọn, chân xác về dân chủ : “Dân chủ là để  người dân được mở miệng ra mà nói !”.
Người của dân tộc nào thì cũng cần thừa nhận “bách nhân bách tính”, thừa nhận sự khác biệt tương đối trong  suy nghĩ ở nhiều người, nhưng không hề vì thế mà khó chịu khi thấy ai đó nghĩ khác mình. Họ cần phải hiểu rằng nếu thấy người khác nghĩ khác mình thì khi đó chính mình cũng đã nghĩ không giống người khác ! Càng không nên kiên trì ý định áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Chỉ có thể đạt tới sự đồng thuận thông qua tranh luận, thuyết phục nhau một cách có lý có tình.
Người ở bất cứ đâu thì cũng đều có thiên hướng được tụ hợp lại với nhau theo  sở thích và ý nguyện tương đồng, được tự do bày tỏ một cách ôn hòa tình cảm yêu ghét của mình mà không sợ  bị  coi là  “làm mất trật tự công cộng”.
Người dân tộc nào thì cũng đều muốn được bình đẳng lựa chọn ra người lãnh đạo giỏi hơn mình,tốt hơn mình thông qua bầu cử công khai, có cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh…
Tôi đã lược qua trên đây những  ý nguyện chung cho con người ở mọi dân tộc. Đó chính là những giá trị phổ quát chung của toàn nhân loại mà chúng ta không thể nấp sau tấm bình phong “đặc thù” của văn hóa mỗi dân tộc mà phủ nhận chúng để rồi bị rơi vào tình trạng dường như là “bế quan tỏa cảng”, đi một mình một đường dẫn đến kết cục không ai mong chờ là tụt hậu và… tụt hậu.
Chúng ta hãy cùng tỉnh ngộ trước khi quá muộn!
(Phan Hồng Giang là Tiến sĩ khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật - thuộc Bộ Văn hóa. Ông là con trai của Nhà văn Hoài Thanh (Tác giả Thi nhân Việt Nam)).

(iii) Cô Tư Sài Gòn: Khỉ, Vượn trong Thơ (nhân Xuân "con Khỉ " Bính Thân)
Hình ảnh thiên nhiên trong thơ ca việt Nam có nhiều, nhưng phần lớn là hoa lan, hoa mai, cành trúc, cành đào...
Tranh dân gian cũng thế, cũng nhiều hoa, nhưng đặc biệt là hình ảnh các con thú gần với người, như tranh ngựa, tranh gà, tranh chuột, tranh heo...
Hình ảnh khỉ, vượn ít hơn, nhưng cũng vẫn là một nét độc đáo.
Trong đó, nổi bật là nhà thơ Bùi Giáng, người từng tự nhận là “Đười Ươi Thi Sĩ”...
Như hình ảnh đười ươi trong lời thơ lạ lùng của Bùi Giáng như sau:
Thoạt rằng người cũng là tôi
Hay là tôi cũng là tôi như người
Ấy rằng tinh thể đười ươi
Lời rằng quyết tuyệt và tươi vui và
Ấy rằng một cũng là ba
Là hai mai một mốt là hôm nay...
Tuyệt vời. Thi sĩ làm được những dòng lục bát tinh ròng như thế, vẫn tự đùa cợt mình qua hình ảnh khỉ, vượn, đười ươi...
Đó là những dòng rất vui, âm vang... nhưng rồi mấy dòng sau đây cũng của Bùi Giáng, hóa ra lại nghe những ngậm ngùi, như:
Ấy là thơ thuở chưa điên
Ở trong dấu ngoặc quàng xiêng reo cười
Bây giờ xoang điệu đười ươi
Diệu hoa lầu các ngậm ngùi dấn thân
Nhìn lùi lại thời gian, có cụ Nguyễn Đình Chiểu, cũng nhắc tới “vượn hú” nhưng là để chỉ cho những gì rất mực xa vời.
Cụ Đồ Chiểu viết trong Lục Vân Tiên, trích:
Thôi thôi em hỡi Kim Liên
Đẩy xe cho chị qua miền Hà-Khê
Trải qua dấu thỏ đàng dê
Chim kêu vượn hú tứ bề nước non.
Vái trời cho đặng vuông tròn
Trăm năm cho vẹn lòng son với chàng.
Và trước đó, nhà thơ Nguyễn Du cũng nhắc tới hình ảnh “vượn hót” trong Truyện Kiều, khi kể tới đoạn sau khi Hồ Tôn Hiến dụ Kiều khuyên Từ Hải rạ hàng, rồi mai phục làm Từ Hải chết đứng giữa chiến trường, rồi ép nàng Kiều dâng rượu, đánh đàn.
Thi hàọ Nguyễn Du viết đoạn này như sau:
Bắt nàng thị yến dưới màn
Dở say lại ép cung đàn nhặt tâu
Một cung gió thảm mưa sầu,
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay!
Ve ngâm vượn hót nào tày,
Lọt tai Hồ cũng nhăn mày rơi châu.
Hỏi rằng: "Này khúc ở đâu?
Nghe ra muôn oán nghìn sầu lắm thay!"
Thưa rằng: Bạc mệnh khúc này
Phổ vào đàn ấy những ngày còn thơ
Cung cầm lựa những ngày xưa
Mà gương bạc mệnh bây giờ là đây...
Về dân ca Nam Bộ, hình ảnh vượn được mô tả như là nơi xa lắm... Bài ca “Lý Qua Đèo” thường được hát ở Miền Tây, không chỉ vì nhạc hay, mà lời cũng ngậm ngùi xa vắng:
Lý Qua Đèo
À ơi... à ơi.../ Chiều chiều dắt mạ qua đèo
Chim kêu chừ bên nớ / À ơi, chim kêu bên nớ vượn trèo bên ni
Chiều chiều dắt mẹ, dắt mẹ tà là đèo qua đèo / Tà là đèo qua đèo
Chim kêu, chim kêu tình như bên nớ / Ủy - oả - chi rứa - chi rứa
Ơi hỡi vượn trèo, /  Vượn trèo tà là kia bên kia, tà là kia bên kia / Ơi hỡi vượn trèo tà là kia bên kia
Chiều chiều dắt mẹ..., dắt mẹ tà là đèo qua đèo / Tà là đèo qua đèo
Chim kêu, chim kêu tình như bên nớ / Ủy - oả - chi rửa - chi rửa
Ơi hỡi vượn trèo, / Vượn trèo tà là kia bên kia, tà là kia bên kia / Ơi hỡi vượn trèo tà là kia bên kia
Chiều chiều dắt mẹ, dắt mẹ tà là đèo qua đèo / Tà là đèo qua đèo
Chim kêu, chim kêu tình như bên nớ / Ủy - oả - chi rửa - chi rửa
Ơi hỡi vượn trèo, / Vượn trèo tà là kia bên kia, tà là kia bên kia / Ơi hỡi vượn trèo tà là kia bên kia
Chiều chiều... qua đèo - chiều chiều... qua đèo / chiều chiều... qua đèo - chiều chiều... qua đèo...
Và sau cùng, xin chúc quý độc giả một mùa xuân Bính Thân lúc nào cũng vui.
(iv) Ngô Nhân Dụng (NV): Lễ gia tiên ngày Tết
Hiện nay dù theo tôn giáo nào, người Việt Nam cũng có thể thắp nén nhang, lạy trước bàn thờ tổ tiên vào ngày giỗ, tết. Ðối với người Việt ở xa quê hương lễ gia tiên còn quan trọng hơn khi ở quê nhà. Vì đó là một cơ hội cho chúng ta nối quá khứ với hiện tại, hướng thế hệ trẻ về tương lai với một niềm tin vào truyền thống.
Ngày Tết là cơ hội mọi gia đình nhắc nhở con cháu biết lịch sử của ông bà, tạo cơ hội giải thích với con cháu tại sao phải lễ lạy trước bàn thờ. Chúng ta có thể tạo cho các thế hệ trẻ về niềm tự hào truyền thống văn hóa dân tộc, trong đó có phong tục làm giỗ, làm lễ và tưởng nhớ tổ tiên.
Người Việt Nam có phong tục thờ cúng tổ tiên từ nhiều thế kỷ trước khi bị các quan thái thú đời Hán ép sống theo văn hóa Trung Hoa, trong các cuốn sách về lịch sử Giáo Sư Lê Mạnh Thát đã nêu nhiều chứng cớ. Những ngôi mộ cổ từ hàng ngàn năm trước Tây lịch cho thấy nhiều vật tùy táng chôn theo trong mộ. Hiện tượng này chứng tỏ người Việt đã coi những người đã chết như còn vẫn tiếp tục sống ở một thế giới khác. Trong Tiền Hán Thư đã kể chuyện một người Việt trình bày cho Hán Vũ đế nghe về phong tục thờ vong và gọi hồn người chết. Thời Tiền Hán kéo dài trong hai thế kỷ trước Công Nguyên (206 TCN - 9 CN).
Lê Mạnh Thát (Tuệ Sỹ) thấy trong Lục Ðộ Tập Kinh đã trình bày quan niệm về đạo Hiếu. Kinh này được thiền sư Khương Tăng Hội, sống ở nước ta vào thế kỷ thứ ba, dịch sang chữ Hán. Thân phụ nhà sư di cư từ bán đảo Ấn Ðộ sang nước ta, thân mẫu ngài chắc là người Việt. Kinh Lục Ðộ Tập hiện nằm trong bộ đại tạng chứ Hán, nhưng được dịch từ ngôn ngữ nào? Lê Mạnh Thát biện luận rằng bản gốc không viết bằng chữ Phạn mà có thể bằng tiếng Việt, vì trong kinh có nhiều từ ngữ và khái niệm mà các kinh văn chữ Phạn không bao giờ nói tới. Thí dụ, kinh nói đến tục chôn người chết, tục bỏ tiền vào miệng thi hài, những tục đó không thông dụng ở Ấn Ðộ cũng như Trung Hoa, còn người Việt đã theo từ lâu. Những luận giải trong kinh này về Hiếu, Hạnh, không thấy trong văn học chữ Phạn mà cũng không giống quan niệm Nho giáo ở Trung Hoa trong các thế kỷ đầu công nguyên. Ngoài ra, cấu trúc ngôn ngữ nhiều chỗ lại viết theo văn pháp tiếng Việt, ngược với văn pháp chữ Hán. Thí dụ, trong kinh viết Tượng Phật theo văn pháp tiếng Việt, người Hán phải viết Phật Tượng; có hàng chục trường hợp tương tự, đặt tĩnh từ sau danh từ. Lê Mạnh Thát kết luận rằng Kinh Lục Ðộ Tập đã thông dụng với tổ tiên người Việt chúng ta trong mấy thế kỷ trước và sau Công Nguyên. Trong kinh đó đã bàn đến đạo Hiếu, chứng tỏ các quan niệm này đã phổ thông với người Việt từ rất lâu. Sau một ngàn năm bị người Trung Hoa cai trị, người Việt Nam đã hấp thụ Nho giáo, hòa lẫn tư tưởng đạo Nho với phong tục thờ cúng tổ tiên có sẵn. Nhưng so sánh với người Trung Hoa người Việt không quá chú trọng đến hình thức như họ. Từ đời Hán người Trung Hoa coi chữ Hiếu là đứng đầu các tính tốt, họ theo đạo Hiếu với một thái độ “giáo điều.” Con có hiếu là “vững lập trường,” có đủ mọi đức hạnh, ai không giữ hiếu là vứt đi! Trong khi đó đối với người Việt, như Lê Mạnh Thát thuật lại theo Kinh Lục Ðộ Tập, thì chữ Hiếu không có vai trò độc tôn. Giá trị của chữ Hiếu còn ở dưới lòng thương người, thương muôn vật, tình thương này là quan trọng nhất.
Ngày nay chúng ta làm lễ tổ tiên như thế nào? Bàn về việc hành lễ, đức Khổng Tử nói:“Tế như tại” (Luận Ngữ, Thiên Bát Dật, câu 12). Theo tinh thần đó, khi làm lễ tổ tiên chúng ta cung kính như thể tổ tiên đang ở trước mặt mình.
Nghi lễ đặt ra không phải chỉ vì người ta muốn làm bổn phận với Trời, Phật, Tiên Tổ, mà còn một mục đích quan trọng khác là tác dụng trên lòng người, giúp con người hướng đến điều lành, ghi khắc trong lòng các giá trị trong truyền thống. Việc thờ cúng ông bà chỉ có tác dụng nếu người hành lễ chú tâm tưởng niệm. Những lời khấn mời ông bà về họp mặt cùng con cháu nhân ngày giỗ, ngày Tết, chỉ cần nói một cách chân thành, giản dị, như thể có dịp trò chuyện với tổ tiên, tất cả hiện diện trước mặt mình. Ðiều mà các bậc phụ huynh chúng ta cần giải thích cho con em là, tổ tiên lúc nào cũng có mặt ở bên ta, nói đúng ra, ở ngay trong mỗi con người chúng ta.
Ðiều các em có thể hiểu, nói một cách khoa học, là trong mỗi cá nhân đều có những hạt giống, có dòng máu di truyền của ông bà, cha mẹ. Những hạt giống di truyền đó nằm ở trong mình, ở với chúng ta suốt cuộc đời. Mỗi người sẽ truyền lại hạt giống di truyền cho các thế hệ sau. Có thể nói mỗi người đều mang trong mình một phần những tế bào sống và những kinh nghiệm đạo lý, tâm linh mà tổ tiên đã thu nhận, đã nuôi dưỡng. Di sản của tổ tiên còn gồm cả những việc làm, những lời nói của người đã khuất. Khi còn sống, tổ tiên đều ý thức các hành động của mình sẽ ảnh hưởng tới con, cháu, nhiều thế hệ. Tổ tiên người Việt lúc nào cũng ước ao, cũng mong mỏi những việc mình làm sẽ đem kết quả tốt lành cho các thế hệ sau. Quan niệm đó, người Việt gọi là Phước Ðức Ông Bà. Khi một người Việt làm điều thiện, tránh điều ác, hành động đó không phải chỉ cốt tạo ra những hậu quả tốt cho chính mình, mà còn muốn, có khi chỉ làm với mục đích “để dành phước đức,” truyền lại cho con cháu. Người Việt Nam tin vào Phước Ðức. Ðây cũng là một niềm tin đặc biệt Việt Nam, người Trung Hoa hay Ấn Ðộ không đề cao niềm tin vào Phước Ðức như vậy. Người Việt nghĩ rằng mỗi cá nhân có một “kho” các điều lành, gọi là “Phước Ðức.” Cái kho đó do mình tạo ra, do các hành động của chính mình; nhưng kho Phước Ðức cũng thu nhận hậu quả các hành động do cha mẹ, ông bà đã làm. Niềm tin đó nối liền các thế hệ. Nó khiến mỗi cá nhân cố gắng làm điều lành, tránh điều ác, không những để mình nhận được hậu quả tốt lành mà còn “góp vốn” cho con cháu đời sau được hưởng phước. Hoặc ít nhất con cháu “không phải trả nợ” những lỗi lầm vì những việc mà ông cha đã làm. Cũng vậy, mỗi thế hệ cũng nghĩ rằng trong đời mình có khi gặp được điều tình cờ may mắn không hiểu được tại sao, thì sẽ giải thích may mắn đó một phần là do Phước Ðức ông bà để lại. Với niềm tin tưởng vào Phước Ðức, mỗi thế hệ đều biết ơn tổ tiên vì những phước đức tích lũy từ đời trước. Rồi đến lượt chính mình cũng muốn làm điều thiện để cất đầy trong kho phước đức chung, cho con cháu đời sau được hưởng.
Tổ tiên chúng ta đều chia sẻ niềm tin vào Phước Ðức, từ bao nhiêu thế kỷ nay vẫn giữ niềm tin này. Trong giống dân nào cũng vậy, ông bà cha mẹ đều cầu mong con cháu gặp mọi sự tốt lành, muốn để lại cho con cháu những di sản có giá trị. Nhưng đặc biệt trong truyền thống của chúng ta, niềm tin vào Phước Ðức khiến tổ tiên chúng ta không phải chỉ dùng lời nói để cầu khẩn, ước mong. Vì tin vào Phước Ðức, tổ tiên chúng ta cầu chúc cho con cháu bằng các hành động lương hảo, nhân từ, bác ái. Tổ tiên đã dùng chính bản thân, chính cuộc đời của mình để chúc lành cho con cháu. Khi hiểu như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy một sợi dây thiêng liêng nối liền các thế hệ, sẽ nhớ tới tổ tiên với một niềm biết ơn sâu xa. Và chúng ta hiểu chính mình cũng phải làm bổn phận như vậy cho các thế hệ sắp tới.
Thế hệ trẻ có thể hiểu dễ dàng rằng trong mỗi người chúng ta mang các hạt giống di truyền của tổ theo sinh học. Quan niệm Phước Ðức giúp họ thấy mình cũng mang theo hạt giống của các điều thiện mà tổ tiên để lại. Các bạn trẻ có thể cảm thấy sự hiện diện của tổ tiên rõ ràng hơn. Tổ tiên đang hiện diện thật sự trong bản thân họ. Khi đó việc cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên có một ý nghĩa sâu xa hơn; châm ngôn “Tế như tại” được thể hiện.
Nghi lễ cúng bái tổ tiên không cần phải phức tạp hay sang trọng. Ðức Khổng Tử cũng nói “Lễ, dữ kì xa dã, ninh kiệm,” nghĩa là việc hành lễ mà xa xỉ thì nên kiệm ước còn hơn. (Luận Ngữ, Bát Dật, 4.) Ðể cho thế hệ trẻ tham dự nghi lễ thờ cúng ông bà một cách tự nhiên, thoải mái, chúng ta cần hành lễ theo cách nào đơn giản hơn cả, chú ý đến nội dung hơn là hình thức. Như lời Khổng Tử nói về tang lễ, trong cùng đoạn trên, “Tang, dữ kì dị dã, ninh thích” (Tang lễ mà quá chú trọng nghi tiết thì chỉ bày tỏ lòng thương xót còn hơn.) Nhưng giản dị không có nghĩa là vội vàng, cẩu thả. Lòng thành kính phải được thể hiện ra với hình thức bên ngoài, trong y phục và cử chỉ người lễ.
Hành lễ với khung cảnh, thái độ cung kính và trang nghiêm sẽ tạo được tác dụng sâu xa trong lòng các bạn trẻ, giúp họ tham dự vào phong tục thờ cúng ông bà. Giữ phong tục thờ cúng tổ tiên sẽ truyền lại cho các thế hệ sau một di sản văn hóa quý báu của Dân tộc Việt Nam.
(2) Thơ Xuân từ Bạn bè
(i) Nguyễn Đông Giang: Mùa xuân ở Mỹ
mùa xuân lại về, trên đất Mỹ
có tuyết bay bay, có lạnh lùng
có ta vụng nghĩ, xuân như khách
chẳng thân tình, cũng chẳng dửng dưng
      cảm thấy nhớ nhà, chỉ cảm thấy
      bớt xót xa lòng, như mới qua
      ngâm bài thơ cũ, cho ngày cũ
      ngày cũ người ơi!, buồn vô cùng
mùa xuân ở Mỹ, cho dân Mỹ
mùa xuân Việt Nam cho dân mình
ta biết phận mình, thân tầm gởi
tưng bừng cho lắm, thêm tủi thân !
      xuân ở Mỹ, cho người ở Mỹ
      ta được gởi thân, tránh tử thần
      pháo đây nổ, quê nhà còn nổ ?
      sao lạ trong hồn, nỗi bâng khuâng !
ta, bao người, được định cư Mỹ
xâm minh hồi hương, chỉ có vài ?
có em về Việt Nam, ăn tết
có ta buồn, như vừa mất ai !
      ta đang ở Mỹ, quên mình Mỹ
      còn trái tim đau, hướng quê nhà
      còn xuân dân tộc, mọi người đợi
      ngày đó về, Tổ quốc nghìn xa. (nđg - Cali, Xuân Bính Thân)

(ii) Hồ Chí Bửu: Liên Khúc Xuân. 
1. cứ đến mùa xuân là ta lên núi
chẳng biết làm gì , chẳng có đợi ai?
cũng chẳng hẹn hò, cũng không cầu nguyện
lên đỉnh sầu đời, nhìn mây trắng bay
2. chắc tại ta là dân tứ xứ
giũ bụi giang hồ trên núi cao
trong tay ta không hề ấn soái
chẳng phải Kinh Kha, chẳng chiến bào
3. ta lận lưng bi đông rượu đế
cóc ổi xoài trên núi thiếu cha
khi tới bến dựa lưng đá ngủ
hào khí gì ? ta cất tiếng ca.
4. “ Ngọc Hà ơi, cha của nàng là vua còn ta là giặc.
Vậy nàng hãy coi ta như con c. của cha …nàng”
5. ca hát giữa thinh không gió lộng
chẳng ai nghe, ta sướng một mình
ta đâu phải như phường nô bộc
nâng bi người xin bã lợi vinh
6. thị xã dưới kia trong tầm tay với
đang có một người thương nhớ một người
nếu thấy kiếp nầy không duyên không nợ
thì xin xù luôn cái kiếp lai sinh
7. mùa xuân lên núi, nghe tiếng chuông phổ độ
cốt để cho lòng vơi bớt nỗi sân si
còn mê rượu mà làm sao giác ngộ
xin lỗi ngài cho con uống vài ly
8. Phật hãy để cho con phân bua một chút
Phật cũng từng là một chúng sinh
giờ thành Phật nên cõi lòng thoát tục
mà con thì vốn mê gái bẫm sinh
9. trời ạ, thương người đâu có tội
ai thương ta là ta chẳng chối từ
ta là tên lạc quyên cơ hội
vay một ngàn trả lại ngàn tư !
10. ta vẫn sống bằng bản năng hiện hữu
đừng màu mè cỡi ngựa xem hoa
đừng vỗ ngực xưng mình là trí thức
nhưng vắng người thì dỡ giọng điêu ngoa
11. thiếu gì lủ bảo mình là đạo đức
làm những điều ném đá giấu tay
lập bè nhóm kẻ tung người hứng
ta độc hành chơi cũng như ai.
12. có mấy gã võ công cà chớn
cũng thượng đài nhảy múa lung tung
không lượng sức ham vui làm bậy
biết vài chiêu cũng làm bộ anh hùng.
13. “ta đâu phải giận đời rồi trách móc
như những thằng hề chỉ biết múa may”
ta là thế, Điền Bá Quang cô độc
vạn lý độc hành, chơi đến trắng tay
14. mỗi mùa xuân ta hiền thêm một chút
buổi xế đời về cổ tự tu thân
đã hỉ xả sao lòng còn dung tục
bố thí
vèo
như một áng phù vân…

.....................................................................................................................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét