NHỮNG SAI LẦM CỦA “NHÀ SỬ HỌC, NHÀ VĂN HÓA HỌC” NGUYỄN KHẮC THUẦN TRONG BỘ “TUYỂN TẬP CÁC TÁC PHẨM CỦA LÊ QUÝ ĐÔN”
Thái Quốc Mưu
Bài 1:
TS. Nguyễn Khắc Thuần nhận bằng Tiến sĩ danh dự từ ông Thomas Bains -
Hiệu trưởng Đại học Kỷ lục Thế giới. Ảnh: Tư liệu
Đoạn dưới đây người viết copy từ trang Blog của Tiến sĩ Bùi Việt Hải:
Trích: “Trước khi bước vào lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, ông Nguyễn Khắc Thuần từng làm việc tại Báo Văn nghệ giải phóng trong thời kỳ chiến tranh. Sau năm 1975, ông giảng dạy về lịch sử - văn hóa, là giảng viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP. HCM. Tuy đã về hưu nhiều năm nhưng ông vẫn được mời làm Trưởng Khoa Việt Nam học, Trường Đại học Bình Dương. Ông được một số trường đại học nước ngoài phong học hàm giáo sư, nhưng ở trong nước thì chưa được phong. Ông thường vui vẻ yêu cầu: “Xin hãy gọi tôi là Nhà sử học hay Nhà văn hóa học”.
Tuy vậy, nhiều người vẫn nghiễm nhiên tôn xưng ông là “giáo sư Nguyễn Khắc Thuần” mà chẳng hề có ý kiến phản đối. Và chắc ông cũng là người duy nhất ở Việt Nam không có bằng tiến sĩ mà vẫn là người thầy đáng kính của bao nhiêu vị tiến sĩ! Đó là bởi uy tín rất lớn của ông với kiến thức uyên thâm trong nghiên cứu, giảng dạy và những công trình đồ sộ.
Ông là tác giả của 313 cuốn sách đã xuất bản và được tái bản nhiều lần. Trong đó có nhiều tác phẩm lớn và nổi tiếng như Việt sử giai thoại (8 tập); Danh tướng Việt Nam (5 tập); Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam (5 tập); Trông lại ngàn xưa (3 tập); Thế thứ các triều vua Việt Nam; Đại cương lịch sử cổ trung đại Việt Nam; Các đời đế vương Trung Hoa… Ông còn dịch và hiệu đính rất nhiều tác phẩm khác, đáng kể nhất là bộ sách Lê Quý Đôn tuyển tập. Đặc biệt, hai bộ sách Lịch sử văn hóa Việt Nam dày hơn 3.000 trang và Lê Quý Đôn tuyển tập gồm bốn cuốn, dày hơn 5.000 trang của ông đã được công nhận Kỷ lục Guinness Việt Nam năm 2011.
Để có được những công trình để đời đó, ông đã miệt mài làm việc không ngưng nghỉ. Ngay cả khi đã ở lứa tuổi “xưa nay hiếm”, thời gian biểu của ông vẫn rất sít sao mà tác phong vẫn nhanh nhẹn, đầu óc vẫn minh mẫn lạ lùng. Trong đời thường, nhà học giả uyên bác và nổi tiếng này rất vui tính, dễ mến với lối giao tiếp lịch thiệp mà hài hước, dí dỏm….”
Tiến sĩ Bùi Việt Hải
***
Đọc đoạn văn trên đây của Tiến sĩ Bùi Việt Hải cho chúng ta biết “Ông (Nguyễn Khắc Thuần) được một số trường đại học nước ngoài phong học hàm giáo sư), nhưng không nêu được đích danh trường nào? Nước nào? Đấy là lối viết vu vơ, thiếu thực tế. Nói kiểu đó, ai mà chẳng nói được? Và, “Ông (Nguyễn Khắc Thuần) thường vui vẻ yêu cầu: “Xin hãy gọi tôi là Nhà sử học hay Nhà văn hóa học”. Như vậy, có nghĩa ông Nguyễn Khắc Thuần tự xưng “ta” là “Nhà sử học hay Nhà văn hóa học”.
Ts. Bùi Việt Hải còn cho chúng ta biết ông Nguyễn Đình Thuần là “nhà học giả uyên bác và nổi tiếng”
Dưới đây, người viết xin cống hiến quý độc giả biết thêm, “Nhà Sử học, Nhà Văn Hóa học, Nhà Học Giả Uyên Bác và Nổi Tiếng” của ông Tiến sĩ Bùi Việt Hải“UYÊN BÁC và NỔI TIẾNG” như thế nào?
***
Chúng tôi xin đưa Bộ tuyển tập các tác phẩm của Lê Quí Đôn (1726 - 1784), ra đây để chứng minh.
Tài liệu dưới đây được trích dẫn từ bài phê bình “Nói Chuyện Học Thuật Bên Kia Bờ”, của học giả Minh Di, hiện định cư tại Úc Châu.
Bộ tuyển tập các tác phẩm của Lê Quí Đôn gồm 8 Tập, phân như sau:
+ Tập 1: Đại Việt Thông Sử.
+ Tập 2 & Tập 3: Phủ Biên Tạp Lục.
+ Tập 4 & Tập 5: Kiến Văn Tiểu Lục.
+ Tập 6 & Tập 7 & Tập 8: Vân Đài Loại Ngữ.
Nguyễn Khắc Thuần dịch, chú thích và hiệu đính.
Nhà Xuất Bản Giáo Dục TP Hồ Chí Minh ấn hành.
Mỗi Tập, phần đầu là phần chuyển dịch và chú thích của người dịch, kế đó phần sau là phần nguyên bản Hán văn.
Sau đây là phần duyệt đọc, phê bình của học giả Minh Di về bản dịch. Và, phần Chú thích Tác phẩm Kiến Văn Tiểu Lục (phần 2, Tập 5) của Nguyễn Khắc Thuần ở trong nước.
Phê bình ở đây chủ yếu nhắm vào các chú thích của Nguyễn Khắc Thuần! Phần dịch chính văn thì trong khi trích dẫn nếu thấy có sai lầm hiển nhiên học giả Minh Di sẽ có vài giòng.
Chúng ta cùng đi vào nội dung:
+ Nguyễn Khắc Thuần, viết: “Sách LÍ QUẬT của Hoành Cừ Tử viết rằng…”. (Qu. 5. Tài Phẩm. trang 10).
Chú thích của Nguyễn Khắc Thuần: “LÍ QUẬT nghĩa là cái hang chứa đạo lí”. Sai!
Phê bình của học giả Minh Di.
Nguyễn Khắc Thuần chú thích thiếu chính xác về cả 2 phương diện Tên của Tựa Sách và ý nghĩa của Tựa Sách.
1). Danh xưng đầy đủ của Tác phẩm trên đây là “Kinh Nghĩa Lí Quật”.
2). Tiếng “Lí Quật” có nghĩa là “ngôn luận đầy nghĩa lý cao xa”.
Tiếng “Lí Quật” xuất từ tập “Thế Thuyết Tân Ngữ” của Lưu Nghĩa Khánh (403 - 444):
- “Trương Bằng…… kí tiền, Phủ Quân dữ chi thoại ngôn, tư ta xưng thiện, viết: “Trương Bằng bột tốt vi lí quật. Tức dụng vi Thái thường Bác sĩ”. Thế Thuyết Tân Ngữ. Văn học đệ tứ.” Dịch: “Trương Bằng… khi đã được vào gặp (Phủ Quân), Phủ Quân và Trương Bằng đàm luận, (Phủ Quân) tấm tắc khen hay, nói rằng: “Ngôn luận của Trương Bằng đầy những nghĩa lý (cao xa). (Phủ Quân) liền phong Trương Bằng làm Thái thường Bác sĩ”.
Phụ chú:
- Phủ Quân tức Giản Văn đế Tiêu Cương (503 - 551; tại vị: 549 - 551), vị hoàng đế thứ 2 của Lương triều (502 - 557).
- Thái thường Bác sĩ. Danh xưng đầy đủ là Thái Thường Tự Bác sĩ.
Trong 2 thời Tây Hán (206 tr. Cn - 08 Cn), Đông Hán (25 -220) chức Bác sĩ ở Cơ quan Thái Thường Tự có các trách vụ chế lễ, nghị chính sự, dạy các con em của quan lại.
Nhưng đến các triều đại tiếp sau đó thì khác.
Từ các triều Ngụy (220 - 265), Tấn (265 - 420) Thái thường Bác sĩ bắt đầu là một chức chuyên về Lễ nghi. Thời Đường (618 - 907) đặt 4 vị Bác sĩ ở Thái Thường Tự, chức vụ chủ yếu chuyên việc nghị luận Thụy hiệu.
Đến 2 triều Minh (1368 - 1644), Thanh (1644 - 1911) sau đó thì mức độ quan trọng của chức vụ Bác sĩ giảm dần, để thành một chức quan coi về việc soạn thảo văn thư].
+ Nguyễn Khắc Thuần, viết:
- “Sách NGỤ GIẢN của họ Thẩm viết rằng……”. (Qu. 5. Tài Phẩm.10).
Chú thích của Nguyễn Khắc Thuần:
- “Chúng tôi (Nguyễn Khắc Thuần) chưa được rõ về tác giả người họ Thẩm và tác phẩm NGỤ GIẢN của ông”.
Học giả Minh Di dẫn giải:
Họ Thẩm ở đây là Thẩm Tác Triết (? - ?), người thời Triệu Tống (960 - 1279).
Tra các Từ điển nhân danh Trung Hoa thì không thấy có tên Thẩm Tác Triết, tra ngược lên duyệt bộ “Tống Sử” trong mục Liệt Truyện cũng không thấy.
Tiểu sử của Thẩm Tác Triết chỉ được thấy vài giòng sơ lược trong một số thư tịch về Thư mục và Từ điển về các Văn học gia.
Trần Chấn Tôn (? - ?), Thư Mục học gia trứ danh thời Nam Tống (1127 - 1279), viết:
- “Ngụ Sơn Tập tam Quyển.
Ngô Hưng Thẩm TRỌNG TRIẾT Minh Viễn soạn. Thừa tướng Cai chi điệt, Thiệu Hưng ngũ niên Tiến sĩ, cải quan vi Giang Tây vận quản. Thường vi “Bi Phiến Công” thi, ngỗ Ngụy Lương Thần, hãm dĩ thâm văn, đoạt tam quan, bất đắc chí dĩ tốt”.
/ Trực Trai Thư Lục Giải Đề. Qu. XX. Thi Tập loại. Hạ /. Ngụ Sơn Tập 3 Quyển.
Thẩm TRỌNG TRIẾT, (Tự là Minh Viễn), người đất Ngô Hưng soạn. (Ông) là cháu của Thừa tướng (Thẩm) Cai, Tiến sĩ năm thứ 5 Niên hiệu Thiệu Hưng, thuyên chuyển đến Giang Tây coi về việc chuyển vận. Ông từng làm bài Thơ “Bi Phiến Công”, đụng chạm Ngụy Lương Thần, Ngụy Lương Thần lợi dụng luật pháp soạn một bản văn bới móc để kết tội ông, tước quan tịch, ông bất đắc chí mà chết”.
Về “Ngụ Sơn Tập”, phần lược Truyện Thẩm Trọng Triết “Văn Hiến Thông Khảo” của Mã Đoan Lâm (1254 - 1323) đã dẫn nguyên văn trên đây của Trần Chấn Tôn (? - ?) trong “Trực Trai Thư Lục Giải Đề”. (Tham khảo Văn Hiến Thông Khảo. Qu. CCXLV. Kinh Tịch Khảo 72. Tập. Thi tập).
Trần Chấn Tôn ghi là “Ngụ Sơn Tập” của Thẩm Trọng Triết tất cả gồm có 03 Quyển trong khi Mã Đoan Lâm lại ghi là 30 Quyển! Chẳng rõ ai đúng? cũng chưa rõ Bản hiện lưu hành số Quyển là bao nhiêu?
Đàm Chính Bích, một tác giả đương đại, có vài giòng sơ lược về Thẩm Tác Triết trong cuốn “Trung Quốc Văn Học Gia Đại Từ Điển” như sau:
- Thẩm Tác Triết (Ước Công nguyên 1147 niên tiền hậu tại thế. Dịch:“Thẩm Tác Triết (Khoảng trước sau năm 1147 Công nguyên còn tại thế)”.
- Thẩm Tác Triết (Văn Hiến Thông Khảo tác Trọng Triết) Tự Minh Viễn, Hiệu Ngụ Sơn, Hồ Châu nhân, sinh tốt quân bất tường, ước Cao tông Thiệu Hưng trung tiền hậu tại thế. Dịch:T hẩm Tác Triết (Văn Hiến Thông Khảo ghi là Trọng Triết), tên Tự là Minh Viễn, tên Hiệu là Ngụ Sơn, người ở Hồ Châu; năm sanh, năm tử của ông đều không được rõ, đại để trong khoảng trước sau Niên hiệu Thiệu Hưng ông vẫn còn sống!
- Thiệu Hưng ngũ niên tiến sĩ, Thuần Hi gian dĩ Tả phụng Nghị lang vi Giang Tây Tào Ty Tư cán quan. Nhân thi ngỗ Tào súy Ngụy Đạo Bật, bị hặc, đoạt tam quan, bất đắc chí dĩ tốt. Dịch: “Đậu tiến sĩ năm thứ 5 Niên hiệu Thiệu Hưng, trong khoảng Niên hiệu Thuần Hi với chức Tả Phụng Nghị Lang ông đổi về tỉnh Giang Tây làm việc tại Cơ quan Chuyển vận. Nhân làm thơ đụng chạm viên Trưởng Cơ quan Ngụy Đạo Bật, bị hài tội, đưa qua bên Tam quan định đoạt, ông vì thế bất đắc chí mà qua đời.
- Tác Triết sở trứ hữu Ngụ Sơn Tập, tam thập Quyển (Văn Hiến Thông Khảo), Ngụ Giản thập Quyển (Tứ Khố Tổng Mục), khảo chứng hữu đặc thức”. Dịch: “Tác phẩm của Thẩm Tác Triết có Ngụ Sơn Tập 30 Quyển (theo Văn Hiến Thông Khảo), Ngụ Giản 10 Quyển (theo Tứ Khố Tổng Mục), về mặt khảo chứng có những nhận thức đặc biệt”.
Phụ chú.
- Niện hiệu Thiệu Hưng (1131 -1162).
- Niên hiệu Thuần Hi (1174 - 1189)
- Ngụy Đạo Bật tức Ngụy Lương Thần (? - ?), Đạo Bật là tên Tự.
- Tam quan. Tức chỉ Đình Úy Chính, Đình Úy Tả Giám, Đình Úy Tả Bình, là 3 chức quan về Hình sự, chuyên xét xử quan lại].
Sau cùng.
Trong Tập “Nam Tống Chế Phủ Niên Biểu” của Ngô Đình Tiệp có tên của 1 viên chức tên Thẩm Tác Tân, không rõ người này có liên hệ gì với Thẩm Tác Triết hay không?
Trở lại với tập “Ngụ Giản” Lê Quí Đôn đề cập.
Về tập “Ngụ Giản” này bộ Từ điển Từ Nguyên có vài giòng giản lược như sau:
- “Ngụ Giản”. Tống Thẩm Tác Triết soạn. Thập Quyển.
Bút Ký thể. Ký lục Tống đại dật sự, điển chế, tịnh gia khảo chứng. Tự Tự xưng tĩnh cư sơn trung, ngẫu hữu sở đắc, tả tại giản độc chi thượng, cố dĩ ‘Ngụ Giản’ vi Thư danh”.
- “Ngụ Giản”. Thẩm Tác Triết thời Tống soạn. 10 Quyển.
- Sách Ngụ Giản” viết Thể Bút ký. Ghi chép các dật sự, điển chương chế độ của Tống triều, lại có thêm phần khảo chứng. Trong Phần Đề Tựa nói rằng mình ẩn cư trong núi thỉnh thoảng đọc được điều gì thì ghi ra giấy, do đó lấy 2 chữ ‘Ngụ Giản’ đặt tên cho Sách”.
Phụ chú.
Chữ “Giản” ở đây tức “Giản độc”, cũng gọi “Thư độc”, chỉ chung sách vở, văn thư.
Do đó, học giả Minh Di dịch “giản độc chi thượng” là “ghi ra giấy”. Ngụ nghĩa là “cư trú”, là “gởi”.
Dương Gia Lạc ghi trong “Tứ Khố Toàn Thư Đại Từ Điển” như sau:
- “Ngụ Giản thập Quyển.
- Tống Thẩm Tác Triết soạn. Thị thư hỉ dĩ Thiền giải Dịch, nhiên sở ngôn dữ Thẩm Cai Dịch Tiểu Truyện hữu biệt”. Dịch: “Thẩm Tác Triết thời Tống soạn. Sách này thích lấy Thiền giải DỊCH, có điều là những giải thuyết này của Sách có khác với cuốn “Dịch Tiểu Truyện” của Thẩm Cai”.
- “Ngụ Giản 10 Quyển.
Phụ chú.
- Lấy Thiền giải Dịch cũng là một khuynh hướng trong Dịch học Trung Quốc thời Tống.
Cuốn “Dịch Tiểu Truyện” của Thẩm Cai (? - ?) phân 06 Quyển. Vì từng là Thừa tướng nên sách này của Thẩm Cai còn được gọi là “Thẩm Thừa Tướng Dịch Truyện”.
- Thẩm Cai căn cứ Chính Thể (tức Chính Quái) phát huy tông chỉ của Hào, Tượng, lấy Biến Thể (tức Biến Quái) để suy cầu bản ý của biến động, lí giải ở đây nhằm sao cho phù hợp tông chỉ “Quan Tượng ngoạn từ”, “Quan Biến ngoạn chiếm” của Dịch Kinh.
- Về Chiếm pháp của Dịch, Thẩm Cai hoàn toàn theo các phương thức ghi lại trong các Sách Xuân Thu, Tả Truyện, mà không theo đương thời.
- Có thể nói về phương diện Dịch học Thẩm Cai bỏ mặt Lý của Trình Di (1033 - 1107) để theo quan điểm Số của Thiệu Ung (1011 - 1077) - thế nhưng, ông lại không chấp nhận thuyết Đồ Thư (tức Hà Đồ và Lạc Thư) của Thiệu Ung].
- Vĩnh Dung (1743 - 1790) và nhóm biên soạn “Tứ Khố Toàn Thư Giản Minh Mục Lục” có một số nhận định chi tiết hơn về Thẩm Tác Triết và cuốn “Ngụ Giản” như sau:
- “Ngụ Giản thập Quyển.
- Tống Thẩm Tác Triết soạn. – Kỳ tài biện tung hoành tự Tô Thức, kì phỉ bạc Vương An Thạch, để ngỗ Trình tử, dĩ cập đàm Dưỡng sinh, đam Thiền duyệt, trì luận dịch giai tự Thức, cái Mi Sơn chi dư Phái dã! Dịch:“Thẩm Tác Triết đời Tống soạn. Tài học và biện luận của ông tương tự Tô Thức, việc ông chê Vương An Thạch là thiển lậu, chỉ trích Trình tử, cho tới việc luận đàm về các phương diện Dưỡng sinh, nỗi say mê Thiền, về các phương diện này, lí luận của ông đều giống (Tô) Thức, nói chung đây là cái dư hưởng của Phái Mi Sơn.”
- Kỳ khảo cứ phả đa tinh cai, duy dĩ Thiền giải Dịch vi chi li nhi bất khả huấn. Dịch:Về mặt khảo cứu, ông có rất nhiều kiến giải tinh thẩm xác đáng, chỉ mỗi việc lấy Thiền giải Dịch là rườm rà, không thể coi như mẫu mực được”.
- “Ngụ Giản 10 Quyển.
Phụ chú.
- Vĩnh Dung là con thứ 6 của Thanh Cao tông (1711 - 1799; tại vị: 1735 - 1795).
- Vĩnh Dung tinh thông Thư pháp, Hội họa. Về Thư pháp đạt được “bút ý” của Thư pháp Từ Hạo (703 - 782) thời Đường, về Hội họa về các tranh Sơn thủy thì theo phong cách Vương Thời Mẫn (1592 - 1680) sơ kì Thanh triều, còn “bút pháp” nói chung Vĩnh Dung noi theo Họa pháp của Hoàng Công Vọng (1269 - 1355) Nguyên triều.
- Phái Mi Sơn. Tô Thức quê ở Mi Sơn, đất Thục (sau này là tỉnh Tứ Xuyên) cho nên các tư tưởng, quan điểm của Tô Thức được gọi là Phái Mi Sơn, cũng gọi Thục Phái, hoặc còn gọi là “Thục Đảng”, nếu nói về phương diện Chính trị
- Dưới triều Tống Triết tông (1077 - 1100; tại vị: 1085 - 1100) thời Bắc Tống (960 - 1127) trong khoảng Niên hiệu Nguyên Hựu (1086 - 1094) có 3 Đảng chính trị phản đối những biện pháp cải cách Chính trị, Xã hội, gọi là “Tân pháp”, hay còn gọi là “Biến pháp” của Vương An Thạch (1021 - 1086), là Lạc Đảng, Thục Đảng, Sóc Đảng, được gọi chung là “Nguyên Hựu Tam Đảng”. Lãnh tụ Lạc Đảng là học giả Trình Di (1033 - 1107), còn Thục Đảng Tô Thức cầm đầu, và Sóc Đảng có Lưu Chí, Lương Hi, Vương Nham Tẩu và Vương An Thế. Tên gọi Đảng căn cứ địa phương của lãnh tụ Đảng: Trình Di quê ở Lạc Dương nên gọi là Lạc Đảng, Tô Thức ở đất Thục nên gọi Thục Đảng, và tất cả các người của Sóc Đảng đều là người ở Miền Bắc Trung Hoa.
- Thời cổ, lúc chưa có giấy, viết trên phiến gỗ gọi là “Độc”, viết trên thẻ tre gọi là “Giản”.
- Chữ “Giản” trên Bộ “Trúc”, dưới là chữ “Gian” (Không gian, khoảng trống).
- Chữ “Độc” bên trái là Bộ “Phiến” (Cắt ra, chia ra), bên phải là chữ “Mại” (Bán).-
- Ngoài ra, thời cổ còn phân biệt “Giản” và “Sách”.
- Sách là thẻ tre lớn, để ghi chép việc lớn. Giản là thẻ tre nhỏ, để ghi chép việc nhỏ.
Học giả Đỗ Dự (222 - 284) đề Tựa bản chú Xuân Thu Tả Truyện, viết:
- “Chư hầu dịch các hữu Quốc sử, đại sự thư ư Sách, tiểu sự giản, độc nhi dĩ”.
/ Xuân Thu Tả Thị Truyện Chú. Tự. Dịch: “Các nước chư hầu nước nào cũng có Quốc sử, việc lớn thì ghi trên Thẻ tre lớn, còn việc nhỏ thì chỉ ghi trên thẻ tre nhỏ và trên phiến gỗ mà thôi”.
Về kích thước của Trúc giản.
Trong bài đề Tựa cho cuốn “Mục Thiên Tử Truyện” Tuân Húc (? - 289) viết:
- “Thái Khang nhị niên Cấp huyện dân Bất Chuẩn đạo phát cổ trủng sở đắc thư dã giai trúc giản, tố ti biên. Dĩ thần Húc tiền sở khảo định cổ xích độ, kì GIẢN trường nhị xích tứ thốn, dĩ mặc thư, nhất giản tứ thập tự”. Dịch:“Những Sách mà Bất Chuẩn, dân ở Cấp huyện, đào trộm mộ cổ năm thứ 2 Niên hiệu Thái Khang đào được đều là những thẻ tre kết lại với nhau bằng sợi tơ trắng. Như sự khảo định trước đây của thần Húc tôi về độ dài của thước thời cổ thì mỗi Thẻ tre này dài 2 thước 4 tấc, chữ viết trên thẻ có màu đen, mỗi thẻ gồm 40 chữ”.
Phụ chú.
- Niên hiệu Thái Khang (280 - 289) của Tấn Vũ đế (236 - 290; tại vị: 265 - 290).
Tuân Húc sống vào khoảng đầu đời Tây Tấn (265 - 317), độ dài của 1 XÍCH thời kỳ này có 2 trị số khác nhau phân ra 2 giai đoạn:
- Từ năm 265 đến năm 273: 1 xích = 24.12 cm.
- Từ năm 274 đến năm 316: 1 xích = 23.04 cm.
Những thẻ tre ở mộ cổ ở Cấp huyện được tìm ra năm thứ 2 Niên hiệu Thái Khang tức năm 281, tức trong khoảng từ 274 đến 316, vậy độ dài của 1 xích ở đây là 23.04 cm.
Vậy, 1 thẻ tre dài “2 thước 4 tấc” lúc Tuân Húc khảo định nói ở đoạn dẫn trên sẽ là:
(23.04 cm x 2) + (2.304 cm x 4) = 46.080 cm + 9.216 cm = 55.296 cm. 1 xích = 10 tấc].
Tiếp liền sau đoạn vừa dẫn trên Tuân Húc viết:
- “Cấp giả, Chiến Quốc thời Ngụy địa dã. Dịch:“Cấp huyện thời Chiến Quốc thuộc lãnh thổ nước Ngụy.
Án: - Sở đắc kỷ niên, cái Ngụy Huệ vương Thành vương tử Lệnh vương chi trủng dã. Ư Thế Bản, cái Tương vương dã. Dịch:“Xét: Theo thời điểm nêu trong sách thì biết đây là mộ của Lệnh vương, là con Ngụy Huệ Thành vương. Theo sách Thế Bản thì Lệnh vương tức Ngụy Tương vương.”
Án: - Sử Ký Lục quốc Niên biểu tự Lệnh vương nhị thập nhất niên chí Tần Thủy hoàng tam thập tứ niên ‘Phần thư’ chi tuế bát thập lục niên, cập chí Thái Khang nhị niên sơ đắc thử thư phàm ngũ bách thất thập cửu niên”. Dịch: “Xét: Theo Niên biểu về Lục quốc trong bộ Sử Ký thì từ năm thứ 21 thời Lệnh vương đến sự kiện “Đốt sách” vào năm thứ 34 đời Tần Thủy hoàng là 86 năm, và đến lúc tìm được sách này vào đầu năm thứ 2 Niên hiệu Thái Khang là 579 năm”.
Phụ chú.
- Chiến Quốc (403 - 221 tr. Cn). Năm 403 trước Tây lịch là thời điểm nước Tấn tam phân thành 3 nước Hàn, Triệu, Ngụy, tạo thành thế Thất Quốc mà Sử gọi là Chiến Quốc.
Nói “Thời điểm nêu trong sách”, Sách đây là Bộ “Mục Thiên Tử Truyện” mà Tuân Húc viết bài Đề Tựa.
- Ngụy Huệ Thành vương (400 - 319 tr. Cn; tại vị: 370 - 319) tức Ngụy Huệ vương, còn danh xưng Thành vương là Miếu hiệu.
- Ngụy Tương vương (? - 296 tr. Cn; tại vị: 318 - 296). Miếu hiệu: Ai vương.
- Năm thứ 21 đời Ngụy Tương vương là năm 298 trước Công nguyên.
- Năm thứ 34 Tần Thủy hoàng “Đốt sách” là năm 213 trước Công nguyên.
- Năm thứ 2 Niên hiệu Thái Khang (280 - 289) là năm 281 Công nguyên.
- Khi đào mộ Ngụy Tương vương (có thuyết nói mộ của An Li vương) thì tìm thấy được mấy chục xe trúc thư và 13 thiên Kỉ Niên. (Tấn Thư. Qu. LI. Thúc Tích truyện)].
- Và như vậy, kích thước của trúc giản (thẻ tre) nói ở đây là trúc giản thời Chiến Quốc. Trước nữa, ngược lên thời Xuân Thu (770 - 403 tr. Cn) thì không rõ là kích thước của thẻ tre là bao nhiêu? Ngoài ra, Tuân Húc không cho biết vài chi tiết cũng cần biết nữa như bề rộng thẻ tre là bao nhiêu, mỗi thẻ tre viết được mấy hàng chữ...
Người viết xin hỏi:
1/- Ông Tiến sĩ Bùi Việt Hải:
- “Ông viết Nguyễn Khắc Thuần, là “Nhà học giả uyên bác và nổi tiếng”. Nhưng chỉ mỗi tên Thẩm Tác Triết và bộ sách Ngụ Giản mà Nguyễn Khắc Thuần đã phải thú nhận: “Chúng tôi chưa được rõ về tác giả người họ Thẩm và tác phẩm NGỤ GIẢN của ông”. Thế thì, Nhà giáo Nguyễn Khắc Thuần “UYÊN BÁC” thì “UYÊN BÁC” ở chỗ nào?”
2/- Ông Nguyễn Khắc Thuần:
- “Với kiến thức của ông, ông bảo mọi người phải gọi ông bằng “NHÀ SỬ HỌC” hay “NHÀ VĂN HÓA HỌC”, ông có cảm thấy tự xấu hổ không?”
Thái Quốc Mưu
_______________
Tham khảo:
- Tuyển tập Lê Quý Đôn của Nguyễn Khắc Thuần
- Nói Chuyện Học Thuật Bên Kia Bờ của Học giả Minh Di
- http://www.buiviethai.com/2012/10/nha-su-hoc-nguyen-khac-thuan-va-chuyen.html
(Xin mời xem tiếp bài 2)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét