Thứ Ba, 16 tháng 2, 2016

Ảnh Tác Giả

Phiếm Chữ Nghĩa Mà Chơi

NHỮNG SAI LẦM CỦA “NHÀ SỬ HỌC, NHÀ VĂN HÓA HỌC” NGUYỄN KHẮC THUẦN TRONG BỘ TUYỂN TẬP CÁC TÁC PHẨM CỦA LÊ QUÝ ĐÔN
Thái Quốc Mưu
(Trích dẫn theo nguyên tác của Học giả Minh Di)



Bài 2:

+ Nguyễn Khắc Thuần viết:

- “Nay thấy trong KIÊN HỒ TẬP 13 có chép về……”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 15).

Chú thích của Nguyễn Khắc Thuần:

- “Cũng có dịch giả phiên âm là KIÊN BIỀU TẬP nhưng căn cứ vào mặt chữ Hán, chúng tôi đọc là KIÊN HỒ TẬP. Dẫu vậy, chúng tôi cũng đồng ý rằng phải viết là KIÊN BIỀU TẬP mới đúng”.


Phê bình của học giả Minh Di:

Thế là thế nào? Thế thì viết “KIÊN BIỀU TẬP” đúng, mà ghi là “KIÊN HỒ TẬP” là sai?

Nếu đã nói “KIÊN BIỀU TẬP” là đúng thì phải viết ra, ghi xuống là “KIÊN BIỀU TẬP” chứ! Viết một câu như vậy mà Nguyễn Khắc Thuần cũng viết được thì thực là vớ vẩn!

Không rõ Nguyễn Khắc Thuần căn cứ vào đâu, từ Sách vở nào, để nói rằng danh xưng của tác phẩm ở đây phải là “KIÊN BIỀU TẬP mới đúng”?

Chữ “Hồ” này nghĩa là trái Bầu - thuộc Bộ Qua (dưa), bên trái là chữ “khoa” có một số nghĩa như xa xỉ, nói quá (khoa trương) đẹp đẽ……

Còn chữ Nguyễn Khắc Thuần nói là chữ “biều” viết khác; chữ này cũng Bộ Qua, ở bên trái là chữ “phiêu” nghĩa là sáng rõ, là nhanh…… Chữ này đúng phải đọc là “Phiêu” và có nghĩa là khoét ruột trái bầu để làm bình đựng nước, hay đựng rượu.

+ Danh xưng “Kiên Hồ Tập” lấy từ một ngụ ngôn trong sách “Hàn Phi Tử”.

Hàn Phi (280 - 233 tr. Cn) viết: Tề hữu cư sĩ Điền Trọng giả, Tống nhân Khuất Cốc kiến chi, viết: “Cốc văn tiên sinh chi nghĩa, bất thị nhân nhi thực, kim Cốc hữu thụ hồ chi đạo, kiên như thạch, hậu nhi vô khiếu, hiến chi.” Dịch: “Nước Tề có cư sĩ Điền Trọng, người nước Tống là Khuất Cốc tới gặp ông và nói: “Cốc tôi nghe nói tiên sinh là người nghĩa khí, không ăn bám người khác, Cốc tôi đây có giống bầu cứng như đá, dày chắc mà đặc ruột, xin biếu tiên sinh”.

Trọng viết: “Phù hồ sở quí giả, vị kỳ khả dĩ thành dã. Kim hậu nhi vô khiếu, tắc bất khả phẫu dĩ thành vật; nhi nhiệm trọng như kiên thạch tắc bất khả dĩ phẫu nhi dĩ châm. Ngô vô dĩ hồ vi dã. Dịch: Điền Trọng nói: Trái bầu quí ở chỗ có thể dùng làm vật chứa. Bây giờ trái bầu (của ông) dày chắc mà ruột không rỗng thì không thể xẻ khoét để chứa đựng; lại cứng như đá thì không thể xẻ    khoét để đựng nước, đựng rượu. Tôi không làm gì được với thứ bầu này.”

Viết:
- Nhiên, Cốc tương khí chi! Dịch: (Khuất Cốc) nói: “Nếu vậy Cốc tôi sẽ bỏ giống bầu này đi!”

Kim Điền Trọng bất thị nhân nhi thực, dịch vô ích nhân chi Quốc, dịch kiên hồ chi loại dã!” Dịch: “Bây giờ Điền Trọng không nương tựa vào người khác mà ăn thì cũng như Quốc gia mà không làm điều lợi ích cho con người, thì cũng như loại bầu cứng ruột vậy!”
(Hàn Phi Tử Tập Giải. Qu. XI. Ngoại Trừ Thuyết. Tả Thượng đệ 32).

Phụ chú.
Cư sĩ trong đoạn trên chỉ người có học thức mà không ra làm quan.

Tác giả của “KIÊN HỒ TẬP” là Trữ Nhân Hoạch, tên Hiệu là Giá Hiên, vì thế, cũng được gọi là Trữ Giá Hiên, học giả sơ kỳ Thanh triều (1644 - 1911).

- “KIÊN HỒ TẬP” là danh xưng chung của một Tổng tập Bút kí gồm 6 Tập, mỗi Tập có một tên gọi riêng:
1/. Kiên Hồ Tập. Tập này lại phân 10 Tập, từ ‘Thủ Tập’ (Tập Đầu) đến ‘Thập Tập’, và phân đều mỗi Tập gồm 04 Quyển, cộng tất cả 40 Quyển.
2/. Kiên Hồ Tục Tập. 04 Quyển.
3/. Kiên Hồ Quảng Tập. 06 Quyển.
4/. Kiên Hồ Bổ Tập. 06 Quyển.
5/. Kiên Hồ Bí Tập. 06 Quyển.
6/. Kiên Hồ Dư Tập. 04 Quyển.
Cộng 6 Tập được tất cả 66 Quyển.

+ Nội dung “Kiên Hồ Tập” cực kỳ phong phú, tự thuật bao quát rất nhiều lãnh vực, như Kinh, Sử, Thi văn, Nhân vật, Phong tục Tập quán, ẩm thực, Danh lam Thắng cảnh…

Lấy 2 chữ “KIÊN HỒ” đặt Tựa Sách Trữ Nhân Hoạch có ý khiêm tốn là Bút ký của mình vốn không có ích lợi gì về mặt thực tế.

Đề Tựa cho cuốn “Kiên Hồ Tam Tập”, Mao Tông Cương (1632 - 1710 ?), Phê bình gia trứ danh trong lãnh vực tiểu thuyết sơ kỳ Thanh triều có đoạn viết:

- “… Cố thư thành nhi thủ nghĩa ư vật chi vô dụng như kiên hồ giả dĩ danh kỳ biên”.

- “... Cho nên sách viết xong thì lấy ý nghĩa 1 vật vô dụng như trái bầu cứng đặc mà đặt tên cho tập sách của mình”.

- Năm sinh, năm tử đích xác của Trữ Nhân Hoạch cho đến nay vẫn chưa truy cứu ra.

Cuối bài đề Tựa đã dẫn trên Mao Tông Cương ghi:

- “Đồng học Kiết Am Mao Tông Cương, Tự Thủy Thị, mạn đề”.

- “Bạn đồng học, Kiết Am Mao Tông Cương, Tự là Thủy Thị, tùy tiện đề (mấy giòng)”.   

+ Cứ đó thì có thể suy đoán Trữ Nhân Hoạch sinh trong khoảng 1630 đến 1632 - hoặc trễ lắm là trước, sau năm 1635 một chút. 

Bởi không biết KIÊN HỒ TẬP là của ai, ý nghĩa tựa sách là gì, xuất xứ từ đâu, nội dung nói gì, cho nên Nguyễn Khắc Thuần mới chú thích và nhận định vớ vẩn như thế!

Cho nên là, cái ông dịch giả nào đó Nguyễn Khắc Thuần nói đã phiên âm tên tác phẩm của Trữ Nhân Hoạch là “KIÊN BIỀU TẬP”, cái ông dịch giả này đã viết tầm bậy, tầm bậy là vì không biết ý nghĩa của Tựa sách như đã nói trên.

Và ở đây có một chuyện quan trọng lẽ ra ông Nguyễn Khắc Thuần phải làm, nhưng đã không làm - mà cũng không thể làm được, là khi đồng ý với ông dịch giả nào đó cho tựa Sách “Kiên Biều Tập” đúng Nguyễn Khắc Thuần phải chứng minh tại sao đúng, và mặt kia, tại sao tên gọi “Kiên Hồ Tập” lại sai? Nguyễn Khắc Thuần làm việc kiểu gì đây tôi không thể nào nghĩ, tưởng ra được!

Sau hết, Kiên Hồ Tập là một trong những tập Bút kí của Trung Hoa có một số ghi chép về An Nam trước đây.

Sau đây là lược một vài điều ghi trong Kiên Hồ Tập về đất nước An Nam.

+ Kiên Hồ Bổ Tập. Qu. IV. An Nam Cống sứ.
Tự thuật về một kỳ triều cống của An Nam, liệt kê các cống vật, và cho biết về một số chữ Hán người Việt viết khác với Trung Hoa, cũng như thi văn của Cống sứ.

+ Kiên Hồ Dư Tập. Qu. I. An Nam Thí Lục.
Nói về chế độ khoa cử An Nam thời Lê Thánh Tông và so sánh với chế độ khoa cử của Trung Hoa, rồi cho biết là chế độ khoa cử của An Nam còn chi tiết hơn cả ở Trung Hoa đồng thời tán thưởng trình độ văn chương, thi phú của An Nam đương thời qua một số bài khảo hạch trong Khoa thi năm Tân Mão (năm 1471) ở Đạo An Bang.  

+ Kiên Hồ Dư Tập. Qu. IV. Ngoại quốc nhân tiến sĩ.
Liệt kê danh tánh, và tịch quán của một số người Giao Chỉ thi đậu tiến sĩ ở Trung Quốc thời Minh triều trong khoảng từ năm 1454 đến năm 1523.


+ Nguyễn Khắc Thuần, viết:

- “Chiêm Thành tuy là một nước nhỏ nhưng nhân tài cũng không ít”.
(Qu. 5. Tài Phẩm. 29).

Học giả Minh Di phê bình:

Ông có đọc nguyên tác Hán văn không đây ông Nguyễn Khắc Thuần?

Nguyên tác ghi rành rành như sau:

- “Chiêm Thành nhất quốc nhân tài dịch phi thiểu dã!” Dịch nghĩa: “Nhân tài của cả nước Chiêm Thành cũng không phải là ít!”.

Đối chiếu thì độc giả thấy ngay ông Nguyễn Khắc Thuần đã dịch không chính xác, dịch không đúng với nguyên tác!

Làm gì có cái ý “tuy là một nước nhỏ” ở đây, thưa ông Nguyễn Khắc Thuần?

Nếu ông dịch sai thì do trình độ, tài học ông còn kém, kém nhưng dầu sao ông cũng có ghé mắt vào nguyên tác! Trong khi ở đây nguyên tác không ghi, không chép, vậy mà không biết ông lấy từ đâu ra để mà dịch câu “tuy là một nước nhỏ”? Không có ông làm cho thành có, thực là đáng ngờ hết sức!

Nguyễn Khắc Thuần có đọc bản Hán văn không đây, hay là ông chỉ biết nhắm mắt mà “cóp” từ một bản dịch ba láp nào đó, và cứ thế bê vào bản dịch của ông mà không cần đối chiếu với nguyên tác (mà tôi đây cũng chẳng rõ là ông kia có rành rẽ Hán văn hay không để có thể đối chiếu hay không nữa?).

Ở đây, cũng như ở trang trước, một lần nữa, Nguyễn Khắc Thuần đã để lộ cho độc giả thấy là chừng như ông ta không đọc nguyên tác Hán văn; vì nếu ông ta thực sự có đọc ông ta không thể nào phạm những sơ sót như tôi trưng ra ở đây!
 
+ Nguyễn Khắc Thuần, viết:
- “Nhà ở của (Lê) Niệm có tên là Thoát Hiên, ngụ ý hâm mộ ý chí khí Đào Chu 1...”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 32).

Chú thích của Nguyễn Khắc Thuần: “1 Đào Chu nói ở đây là Phạm Lãi, người Trung Quốc thời Xuân Thu. Ông là người đã giúp Việt Vương Câu Tiễn hạ được Ngô Phù Sai, nhưng sau đó thì bỏ đi chu du khắp Ngũ Hồ chứ không chịu ra làm quan cho Việt Vương Câu Tiễn”.

Học giả Minh Di phê bình:
Nguyễn Khắc Thuần lẽ ra phải chú thích tại sao Phạm Lãi lại được gọi là Đào Chu.

Danh xưng Đào Chu của Phạm Lãi liên quan nghề Gốm của Trung Quốc.

Nói tới Bình Trà đất nung trong “Trà nghệ Trung Quốc” thì không thể không đề cập loại bình trà gọi là “Tử sa Trà hồ” sản xuất tại huyện Nghi Hưng thuộc tỉnh Giang Tô.

Đất Nghi Hưng vào các thời Xuân Thu (770 - 403 tr. Cn), Chiến Quốc (403 - 221 tr. Cn) có tên là Kinh Khê, vì gần Kinh Nam Sơn, lại nữa ngọn Thương Sơn trong địa hạt có một cái khe nước tên Thanh Khê, do đó được mệnh danh là Kinh Khê.
Sau đó, trải các triều Tần (221 - 206 tr. Cn), rồi Hán (206 tr. Cn - 220 Cn) đất Kinh Khê được đổi tên thành Dương Diễn. Cuối thời Tây Tấn (265 - 317), Chu Khởi (258 - 313) tại đất này đã trước, sau 3 lần hưng nghĩa quân tham gia việc đánh dẹp cuộc nổi dậy của Thạch Băng (? - 304) và sau đó là Trần Mẫn (? - 307), Tiền Khoái (? - ?), vì thế mà sau đó đất này lại được đổi tên thành Nghĩa Hưng.

Sau đó, tới thời Triệu Tống (960 - 1279), vì Tống Thái tông (939 - 997; tại vị: 976 - 997) tên Triệu Quang Nghĩa cho nên đất Nghĩa Hưng đã phải đổi tên lại thành Nghi Hưng vào đầu Niên hiệu Thái Bình Hưng Quốc (976 - 984).

Nghề Gốm, nghề Sứ tại Nghi Hưng có một Lịch sử rất lâu đời. Theo truyền thuyết đã khởi đầu từ quan đại phu Phạm Lãi (? - ?) nước Việt vào cuối thời Xuân Thu. Gia đình Phạm Lãi ở đất Kinh Khê làm nghề gốm mà trở nên giàu có và Phạm Lãi được gọi qua biệt hiệu “Đào Chu Công”, chữ “Đào” có nghĩa là “Đồ Gốm”. Cũng vì thế mà giới hành nghề Gốm ở Nghi Hưng thời trước đã tôn Phạm Lãi là “Đào Tổ”, (Tổ nghề Gốm). 

+ Nguyễn Khắc Thuần, viết:
- “Lê Thánh Tông khi còn ở Phiên Để 4 ...…”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 33).

Chú thích của Nguyễn Khắc Thuần: “Phiên Để là nơi ở trước khi lên ngôi của các bậc Đế Vương”.

Học giả Minh Di phê bình:

Nguyễn Khắc Thuần chú thích thật hàm hồ! Nơi ở trước khi lên ngôi nó ra làm sao đây thưa ông Nguyễn Khắc Thuần?

Từ điển Từ Nguyên:
- “Phiên để”. Chư hầu vương đích phủ đệ”. Dịch“Phủ đệ của các bậc vương của chư hầu”.

Nghĩa của tiếng “Phiên để” giản dị chỉ là một danh xưng chỉ dinh thự của bậc vương nói chung, chứ không chuyên chỉ “nơi ở trước khi lên ngôi của các bậc Đế Vương” như Nguyễn Khắc Thuần đã giải thích ba láp!

Bậc vương nào cũng có phủ đệ riêng, và như vậy, không lẽ bậc vương nào có phủ đệ rồi cũng được lên ngôi vua? Thiệt là ba láp!

Dũ Tín (513 - 581) thời Bắc Chu (557 - 581) viết:
- Hữu mỹ lệnh đức,
- Mậu thân phiên để.
Dũ Tử Sơn Tập. Qu. XV. Chí minh.
Chu Đại Tướng Quân Nghĩa Hưng Công Tiêu công mộ chí minh /.
Có đức tốt đẹp,
Người thân đầy phủ.

Trên đây là bài minh Dũ Tín tự thuật công nghiệp, đức độ của Tiêu Thế Di (? - 568), là đại thần triều Bắc Chu. Tiêu Thế Di có phải là hoàng đế đâu Nguyễn Khắc Thuần?
Tiêu Thế Di có Truyện trong bộ Chu Thư (Qu. XLII).

+ Nguyễn Khắc Thuần, viết:
- “Mưu việc nước mỗi lần đều như Lý Bí 1 thời Đường”. (Qu. 5. Tài Phẩm. 36).

Chú thích của Nguyễn Khắc Thuần:
- “Nguyên bản viết là… nên chúng tôi phải phiên âm là Lý Bí chứ có lẽ đây là nhân vật Lý Bật, một văn thần xuất sắc của Trung Quốc thời nhà Đường. Ông người Kinh Triệu, làm quan dưới các thời Đường Túc Tông (756 - 762), Đường Đại Tông (762 - 799), Đường Đức Tông (779 - 805)”.

Học giả Minh Di phê bình:
Nguyễn Khắc Thuần lại viết tầm bậy! Đúng ông lại viết cho thành sai, lại chú thích cho lòi cái khả năng kém cỏi của ông ra!

Lê Quí Đôn đã viết đúng, nhân vật này đúng là Lý Bí (722 - 789), đại thần đời Đường.

Lúc Đường Túc tông (711 - 762; tại vị: 756 - 761) tức vị thì triệu Lý Bí ra làm tham mưu Quân sự.

Chưa được bao lâu thì bị Lý Phụ Quốc (704 - 762) - hoạn quan sủng ái của Túc tông vu cáo hãm hại nên Lý Bí về ẩn ở Hành Sơn.

Đường Đại tông (726 - 779; tại vị: 762 - 779) tức vị, lại triệu ông về triều, giao cho chức Hàn lâm Học sĩ, và sau đó xuất nhiệm Thích Sử Sở Châu.

Thời Đức tông (742 - 805; tại vị: 779 - 805), năm 787 ông đang tại chức Quan Sát sứ ở đất Tây Quách,Thiểm Châu, thì triều đình triệu về giao chức Trung Thư Thị Lang - và Đồng Bình Chương Sự (chức quan do Đường triều lập, tức như Tể tướng).

Trong thời gian nắm giữ Chính sự Lý Bí khuyên Đức tông không nên nghi kỵ công thần đồng thời kiến nghị về mặt đối ngoại ở phương Bắc hòa hoãn với Hồi Hột, ở phía Nam liên minh với Nam Chiếu, và ở mặt Tây thân với nước Đại Thực để cô lập Thổ Phồn.
(Phụ chú. Hồi Hột là hậu duệ của Hung Nô. Đại Thực tức Á Rập).
Các đề nghị trên đây đều được Đường Đức tông nghe theo.

Lý Bí chứ Lý Bật nào ở đây, Nguyễn Khắc Thuần?

Duyệt Lịch sử, và Văn học sử, Đường triều thì không thấy có “văn thần xuất sắc” nào tên là Lý Bật, như Nguyễn Khắc Thuần nói cả! Không rõ Nguyễn Khắc Thuần tìm kiếm được nhân vật này ở đâu? Ngoài ra, Nguyễn Khắc Thuần còn sai 1 điểm nữa là Đường Túc tông chỉ làm vua đến năm 761, chứ không phải năm 762 như Nguyễn Khắc Thuần ghi ở phần chú thích.  

+ Nguyễn Khắc Thuần, viết:
- “Sự nghiệp mãi còn…”. (Qu. 5. Tài phẩm. 58).

Chú thích của Nguyễn Khắc Thuần:
- “Sự nghiệp mãi còn: Nguyên bản viết là Diêm mai vĩnh tế. Trong đó, diêm là muối, mai là quả mơ chua - hai gia vị không thể thiếu khi nấu ăn. Hai gia vị này mãi còn thì phúc nhà cũng sẽ mãi còn. Vĩnh tế là mãi đầy, không bao giờ vơi”.

Học giả Minh Di phê bình:

Nguyễn Khắc Thuần lại giải thích bậy!

Nguyễn Khắc Thuần không biết rằng 2 chữ “diêm mai” là chữ xuất từ “Thượng Thư”:
“Nhược tác hòa canh, nhĩ duy diêm mai”.
Thượng Thư. Thương Thư. Duyệt mệnh. Hạ.

- “Nếu nói nấu canh thì ông như muối và trái mơ”.
(Phụ chú: Trên đây là lời Ân Cao tông nói với Phó Duyệt). 

Thái Trầm chú giải câu trên viết:

- “Phạm thị viết:... Canh phi diêm mai bất hòa, nhân quân duy hữu mỹ chất tất đắc hiền thần phụ đạo nãi năng thành đức… Canh giả diêm quá tắc hàm, mai quá tắc toan, diêm mai đắc trúng nhiên hậu thành canh. Thần chi ư quân, đương dĩ nhu tế cương khả tế”.
- “Họ Phạm nói: ~ ....... Canh mà không có muối và trái mơ thì không vừa miệng, bậc quân chủ có tư cách tốt thì chắc chắn sẽ gặp bậc hiền thần phụ giúp, lúc đó mới có thể thành cái đức của một người cai trị tốt..…Canh mà bỏ muối nhiều quá thì mặn, trái mơ nhiều quá thì chua, muối và vị mơ đúng lượng thì canh mới thành. Bề tôi đối với vua nên mềm mỏng để trợ giúp vua thì chính sự mới hoàn thành (tốt đẹp) được”.

Ở đây nói việc nêm canh để chỉ việc chỉnh lý quốc sự.

Nguyễn Khắc Thuần giải thích 2 tiếng “vĩnh tế” là “mãi đầy, không bao giờ vơi” thì thực là không biết gì cả! “Tế” có nghĩa là “đã qua bên kia bờ”, là “thành công”, bởi vậy ở đây 2 tiếng “vĩnh tế” có ý nói mọi việc hoàn thành tốt đẹp dài lâu.

Sau này, trong thi văn 2 chữ “diêm mai” thường được dùng để chỉ Tể tướng, hay chức quyền tương đương Tể tướng.

Dũ Tín (513 - 581) thời Bắc Chu (557 - 581) viết:
            Nhược thiệp đại xuyên,
            Ngôn bằng chu tập.
            Như hòa đỉnh thực,
            Hữu ký ư diêm mai.
            Quân thần nhất thể,
            Khả dĩ tĩnh phần ai.
            Đắc nhân tắc trị,
            Hà thế vô kỳ tài?
 (Dũ Tử Sơn Tập. Qu. VI. Giao Miếu ca từ. Thương điệu khúc)
            Như vượt sông lớn,
            Phải nhờ mái chèo.
            Như nêm thức ăn,
            Nêm muối nêm mơ.
            Vua tôi một lòng,
Mới lắng được trần ai.
Được người thì yên,
Thời nào không kỳ tài?

Minh Di án:
Từ điển Từ Nguyên nói Bài thơ dẫn trên ở Quyển VII của “Dũ Tử Sơn Tập”, điểm này không chính xác. Như đã dẫn ở trên, bài này thuộc Quyển VI.
(Tham khảo Từ Nguyên: Mục giải nghĩa tiếng Diêm mai)

Thái Quốc Mưu trích dẫn theo nguyên tác của học giả Minh Di.

Tham khảo:
- Tuyển tập Lê Quý Đôn của Nguyễn Khắc Thuần
- Nói Chuyện Học Thuật Bên Kia Bờ của Học giả Minh Di
- http://www.buiviethai.com/2012/10/nha-su-hoc-nguyen-khac-thuan-va-chuyen.html






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét