Chủ Nhật, 13 tháng 3, 2016

Ảnh Tác Giả

18.Tản văn NHỚ QUÁ PHÀ ƠI!
Kha Tiệm Ly


Theo tàng thư thì phà Rạch Miễu ra đời từ năm 1924. Lúc đó bến phà đặt tại cuối đường Trần Quốc Tuấn, sau đổi lại là đường Ông bà Nguyễn Trung Long, và bây giờ là Nam Kì Nhởi Nghĩa.

Bấy giờ, đất thưa người ít, phương tiện di chuyển do đó cũng không nhộn nhịp lắm. Chỉ cần mấy chiếc phà chuồi 25 tấn cũng thừa sức làm nhiệm vụ đưa xe, đưa khách sang sông.
Chuyện “kẹt xe” ít xãy ra. Vào những ngày gần Tết, lượng xe đậu chờ phà chỉ kéo dài đến đại lí bia BGI (nhà Nhà Văn Hoá Tỉnh) thì đã là chuyện lạ mắt!

Bến phà lúc đó cũng không được rộng rãi và an toàn như sau nầy: “Trái nổi” (cầu phao) nhỏ hẹp và lỏng lẻo lắm! Trên cầu phao là  một dàn hình chữ thập bằng cây, nẳm trên những bánh xe nhỏ. Khi xe xuống phà, bốn nhân viên cùng xoay cho một đầu dàn chữ thập nối liền với đầu cầu để xe từ từ chạy xuống nằm giữa chữ thập; và rồi phải xoay cho đầu xe hướng về mỏ phà để xe chạy lên phà! Bởi vậy thời gian phà lên phà xuống khá lâu, khá cực nhọc, và cũng khá nguy hiểm! Chỉ cần tài xế “canh” không ngay chữ thập, hay thắng không “ăn” một tí, thì tai nạn xảy ra như chơi!

Về sau, vì nhu cầu hành khách và phương tiện vận chuyển ngày càng nhiều, nên bến phà phải bỏ điểm cũ (nay có địa danh là “Cầu Bắc cũ”) , mà “chuyển hộ khẩu” về chợ Đồng Xanh , phường 6, để được cải tiến qui mô hơn về mọi mặt: Xe lên xuống chỉ cần chay một mạch từ cầu xuống phà; từ phà lên cầu một cách thong thả,  bởi cầu phao nối liền cầu với phà rất rộng rãi, an toàn. Và từ những chiếc phà chuồi 25 tấn, đã được thay bằng những 13 chiếc phà hiện đại 100 tấn, và mấy chiếc 40 tấn,  60 tấn. Thế mà vào những ngày lễ, dịp tết, những chiếc phà nầy dù phục vụ hết công suất của mình vẫn không kham nổi số lượng hành khách xe cộ quá đông (có khi hơn 50 ngàn lượt khách /ngày!). Nạn kẹt xe vài tiếng đồng hồ để chờ qua phà không còn là chuyện lạ.

Bến phà đến đâu là kéo theo sự sầm uất đến đó. Hai dãy nhà hai bên bến phà bày bán đủ mọi mặt hàng cần thiết cho khách vãng lai; lại kéo theo đội quân bán dạo bánh kẹo, thức ăn, nước uống, vé số, bánh mì … cả trăm người nên càng náo nhiệt.

Khi cầu Rạch Miễu đưa vào sử dụng, thì phà ngưng hoạt động (2008), thì không gian bến phà thật tiêu điều, vắng lạnh như “Cầu Bắc cũ” năm xưa!

Thủy trình phà Ràch Miểu tính từ bờ chợ Đồng Xanh, Mỹ Tho, đến bờ Tân Thạch, Bến Tre, khoảng 3km2, là thuỷ trình khá dài; nếu đi phà 100 tấn thì cũng mất trên 30 phút; đó là chưa kể thời gian chờ phà, thời gian lên, xuống. Cho nên mọi người đều ao ước có một cái cầu nối liền hai bờ cho sự giao thông thuận lợi hơn.

Thế mà khi cầu Rạch Miễu hoạt động, thỉnh thoảng người dân ngang qua bến phà cũ, thấy sự hoang vắng, không ai lại chẳng cảm thấy ngùi ngùi thương tiếc những hình bóng những chiếc phà năm xưa!

Những người thường đi phà, họ không sao quên được cảm giác thơ mộng khi bồng bềnh trên sóng nước, nhất là những chuyến phà đêm vắng khách; đứng trên mũi phà mà nhìn về thành phồ Mỹ Tho với những ánh đèn rực rỡ  đủ màu; hay nhìn qua dãy cồn Phụng, cồn Thới Sơn, theo những rặng bần ven sông, hàng triệu con đom đóm lấp lánh kêu gọi bạn tình, trông như những hàng cây Nô-el  khổng lồ khoe sắc; người nhiều tưởng tượng hơn thì cho giống như những chòm sao của dãy thiên hà bay xuống trần gian trong lúc người dân bên cồn đang chìm trong giấc ngủ!

Phà Rạnh Miễu đã gần một thế kỉ làm sứ mạng đưa khách sang sông. Phà đã “về hưu” khi cầu Rạch Miễu đứng lên thay thế làm nhiệm vụ cao cả ấy. Trong một trăm năm qua, phà đã gắn sâu vào lòng người không biết bao nhiêu kỉ niệm buồn, vui, thương yêu, lẫn… cả bực mình (vì trễ phà, chờ phà!).

Cầu Rạch Miễu được xây dựng nhằm vào sự phát triển kinh tế vĩ mô của đất nước. Không một ai lại không thấy sự lợi ích to lớn đó.

Tuy nhiên, với khía cạnh tình cảm thiết tha đáng quí của người dân, họ không sao quên được ân tình của “kẻ” đã từng âm thầm, chẳng quản mưa nắng đưa người sang sông suốt bao thế hệ. Nhất là những nhà văn, nhà thơ thì tình cảm nầy càng được nhơn lên. Nhà thơ Nguyệt Lãng một lần về quê hương Bến Tre, đã phải ngậm ngùi khi dừng chân trên cầu Rạch Miễu:

“Chẳng còn ngăn kéo nào để giấu,
Ta trút vào sông hết nỗi niềm.
Có cả hồn ta trong chén rượu,
Cuối cùng tiễn biệt chuyến phà quen”

Và:

“Ngày nay đã có cầu Rạch Miễu,
Giờ muốn qua sông hết lụy đò…
Mấy nhịp chênh vênh nghe nín thở
Bàng hoàng để rớt một câu thơ!”


19. Tản văn NHỚ… SƠN ĐÔNG MÃI VÕ.
Kha Tiệm Ly

Quê tôi hồi ấy (1955) chưa có “ra dô” (radio), lâu lâu mới có hai nguồn giải trí chính. Một là gánh hát cải lương (hay hát bội) về, hai là “gánh hát Sơn Đông” tới.

Mỗi khi gánh hát cải lương về, thì làng tôi như trẩy hội; người coi thì chật rạp, mà người đi chơi cũng nghẹt cả sân nhà lồng, lại kéo thêm đội quân bán nước đá nhận, mía khúc... nên không khí huyên náo khác thường. Với “gánh hát Sơn Đông” thì không đến nỗi ồn ào như thế nhưng số người tụ lại xem cũng khá xôm trò.

Cụm từ “Gánh Hát Sơn Đông”, hay “Hát Thuật Sơn Đông” của người quê tôi quen dùng là chỉ đoàn bán thuốc “gia truyền”, xen kẻ với những màn ảo thuật hoặc biểu diễn “nghề võ” hay ca cổ.

Khác với gánh hát thường lưu lại làng tôi dăm ba ngày; các đoàn Sơn Đông  thì chỉ diễn có một buổi rồi đi.

Đoàn Sơn Đông đến không có “rao bảng” (*) như các đoàn cải lương, nhưng nhờ mọi người truyền miệng nhau, nên chẳng bao lâu sân nhà lồng cũng chật ních người.

Cũng như các đoàn cải lương, các đoàn Sơn Đông cũng tùy lớn nhỏ mà cơm ghe bè bạn có khác nhau. Thường thường thì “đào kép”, đồ nghề chỉ vỏn vẹn trên một chiếc “xe hơi” cỡ chiếc bảy chỗ hay mười lăm chỗ ngồi như bây giờ.

“Hát Sơn Đông” đến làng tôi thì nhiều, nhưng chỉ có hai “gánh” tính tới bây giờ, dù đã hơn năm mươi năm, mà thỉnh thoảng vẫn còn có người nhắc tới: Đó là “gánh” Ngô Văn Long , biểu diễn võ thuật; và “gánh” Đại Từ Bi, biểu diễn cổ nhạc và trích đoạn cải lương.

Dù với đoàn nào, sau khi thấy bà con tụ tập đông đủ, thì “ông bầu” vẫn là người điều khiển chương trình, và luôn có một hay hai anh hề lập lại lời ông nói; nối tiếp là tiếng trống, tiếng chập chỏa cổ vũ theo. Đại khái như vầy: (chúng tôi không chi thêm lời anh hề lập lại)

“Thưa bà con cô bác (tùng tùng, xèng!), thưa các cụ ông (tùng tùng, xèng!), thưa các cụ bà (tùng tùng, xèng!), thưa quý bác (tùng tùng xèng!), thưa quý chú (tùng tùng, xèng!), thưa quý cô (tùng tùng, xèng!), thưa quý dì (tùng tùng, xèng!), thưa quý anh trai (tùng tùng, xèng!), thưa quý chị gái (tùng tùng, xèng!), thưa mấy … con nít (có nhiều tiếng cười / tùng tùng, xèng!). Hôm nay đoàn quảng cáo thuốc chúng tôi hân hạnh giới thiệu loại thuốc gia truyền trị nhức mỏi….  Đánh trống lên! (Tung tung, tung! Tung tung, tung!). Cô bác nào đau cái vai (tung tung, tung!), đau cái cổ (tung tung, tung!), đau cái lưng (tung tung, tung!)…. Quý ông bà cô bác hãy mua thử về xài (tung tung, tung!), không cần mua nhiều (tung tung, tung!), Coi như trước mua vui, sau làm nghĩa! (tung tung, tung! Tung tung, tung!)…”

Sau màn giới thiệu công năng và hiệu quả của thuốc, thì nhiều bàn tay trong đám đông cầm tiền giơ lên “ bán tui hai gói”, “ tui một gói”, … Số người mua cũng khà đông, lúc đó ông bầu cầm micro chỉ từng người một cho nhiều người trong đoàn mang thuốc đến: “Bên nây hai gói”, “bên kia một gói!”, hoặc “bên nây mua!”, “bên nây mua!”.…

Sau màn bán thuốc là màn biểu diễn “nghề võ” (hoặc ảo thuật, ca cổ); đây cũng là màn mà bọn trẻ chúng tôi mong đợi! Với múa đao, múa thương loang loáng; với đập cong thanh sắt vào ngực; hay với màn  nằm trên bàn chông với mấy tảng đá chồng lên ngực rồi cho một người dùng búa tạ đập lên, khiến ai cũng le lưỡi, lắc đầu.

Và cứ một màn bán thuốc, một màn biểu diễn “nghề võ” xen kẽ nhau cho đến khi nào hết người mua thuốc thì thôi!

Với Đoàn Đại Từ Bi, thay vì biễu diễn “nghề võ”, thì đoàn biểu diễn ca cổ nhạc sau những màn bán thuốc. Cuối cùng, “theo lời hứa với bà con”, đoàn biểu diễn trích đoạn một tuồng hát, hay “màn một” của một vở tuồng nào đó. Tôi không quên là sau khi diễn “màn một” của tuồng Thoát Ly và hẹn “lần sau sẽ diễn tiếp màn hai”, thì không biết nguyên do gì mà đoàn không trở lại nữa, điều nầy làm những bà con mê cải lương luôn ấm ức, không biết “kết cục nó làm sao!”. (sau nầy nghe nói nghệ sĩ Ngọc Giàu đã từng cộng tác cho đoàn nầy)

Thuốc bán thì thường là thuốc nhức mỏi, thuốc điều hòa kinh nguyệt, thuốc xổ lải, thuốc đau răng, thuốc ho, thuốc dán, thuốc cảm mạo…. Thuở ấy tôi còn quá nhỏ nên chưa từng mua bất cứ loại thuốc nào của gánh hát Sơn Đông, nhưng theo nghe cô bác nói thì thuốc uống hay lắm. Và thương hiệu “thuốc dán hiệu con rắn” và nhất là “thuốc xổ lải mộng dừa” ở làng tôi ai cũng ca tụng vì sự hiệu quả của nó.

Trước khi lên đường, “ông bầu” lúc nào cũng cám ơn bà con với những lời lẽ rất lịch sự  và không thiếu chất văn hoa. Cuối cùng là cái gập mình tạm biệt.

Sơn Đông mãi võ lưu diễn đến làng tôi trong khoảng thời gian từ năm 55 đến năm 60, thời gian không dài, nhưng “văn hóa Sơn Đông” ảnh hưởng không ít với người dân làng tôi: Các bài ca mà các anh hề hát để chờ khách đến đông đủ có thể nói rằng từ nhỏ đến lớn ai cũng thuộc nằm lòng như : Bắn con thỏ, nó quây xà quây/ Cẩu (cậu) bắn thật hay/ Nhìn xem, ngoài kia, chòm cây/ Đừng rục rịch coi chừng nó chạy/ Bắn nó ngay đầu/ Thôi rồi, nó chết rồi. (Điệu Sơn Đông Hướng Mã); hoặc có bài hát lời nghe… vô duyên nhưng cũng xin ghi lại cho bạn đọc xem: Gió cuốn mây bay , phừng phừng dầu lửa dầu xăng, dầu lửa dầu xăng/ Phừng lên cháy liền/ Cháy cho hết cái loài tham tàn/ Để… tiền góp ăn mắc quá trời/ Vui, khoái vui! Nhà bà hai đã cháy/ Bớ người ta/ bớ người ta/ Ngọn lửa cao quá trời/ Cái trời đất ơi! (Điệu Trong Ánh Nắng/ giờ cổ nhạc ít ai xài)

Có một chuyện vui, xin kể hầu bạn đọc: Đôi khi các đoàn cũng “hát thuật” (ảo thuật)  cho bà con xem, mà thường là “thuật ra tiền”: Người làm ảo thuật bỏ một mớ giấy vào một hộp cây, đây nắp kín lại, dùng phù phép, gõ gõ mấy cái rồi mở ra, thì lạ chưa? Một xấp bạc một đồng (mua được 20 cục kẹo) cáu cạnh nằm dưới đáy hộp! Người ảo thuật bèn tặng cho bọn trẻ chúng tôi mỗi đứa một tờ và căn dặn: “Đây là tiền giả, mấy em để dành chứ không được xài, xài “lính” bắt ráng chịu!”. Tôi là một trong những đứa trẻ hân hạnh được tặng tờ bạc đó. Cầm tờ bạc, chúng tôi mừng quýnh và… hôn vào nó lia lịa! Cất chán chê; đến một khi thèm kẹo, nhưng chúng tôi cũng không dám mang ra tiệm mua vì sợ… “lính bắt”. Giữ mãi cho tới lúc có chút trí khôn, biết nó là tiền thật, thì giá trị của nó không còn nữa! 

Đừng lầm những người bán thuốc dạo với một manh nylon trải dưới đất và vài thứ thuốc trời thần là Sơn Đông mãi võ! Những người nầy có khi vừa bán thuốc vừa  kiêm “nha sĩ” nhổ răng! Không ít trường hợp người đau cái răng nầy mà nhổ cái răng kia, hay “nhổ một cái,… tặng một cái” là chuyện vẫn thường xảy ra!

Với phương tiện truyền thông bùng nổ hiện nay, người ta có thể xem những màn võ công cực kì đẹp mắt hơn; và những nghệ sĩ cải lương tài hoa hơn; nhưng tôi vẫn “thèm”, vẫn nhớ những lời ca và cung cách biểu diễn của những nghệ sĩ giang hồ Sơn Đông mãi võ. Nhưng không thể nào nghe được, xem được nữa rồi, vì nó đã bị khai tử từ gần bốn chục năm qua!

Chú thích: * “Rao bảng”: Chỉ việc các đoàn hát cải lương đi quảng cáo tuồng hát: Một chiếc xe ngựa, xung quanh được treo hình ảnh, tên vở tuồng tối hôm đó hát; trên xe được đặt một cái trống chầu, liên tục đánh từng ba dùi một từ đầu làng đến cuối làng.


20.

Nhân kỉ niệm 332 năm ngày thành lập thành phố Mỹ Tho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét