Thứ Sáu, 8 tháng 4, 2016


Lá Thư Úc Châu
Trang Thơ Nhạc cuối Tuần (8/3/16)
Tám Điệp Khúc - Anh Việt Thu - Hoàng Oanh - Gs TranNangPhung - NNS
https://www.youtube.com/watch?v=H73qsNoupO0&nohtml5=False
Màu Hoa Bí - Võ Đông Điền - Như Quỳnh - GsTranNangPhung - NNS
https://www.youtube.com/watch?v=XKDj8sczKgU&index=6&list=PLFmq6qaeF1N5UuHtlR0HTu2Bp9U7SfG0t
Vuốt Mặt: Anh Việt Thu - Việt Dzũng - Gs TranNangPhung - NNS
https://www.youtube.com/watch?v=tU5W7ODWRYs&list=PL6putU9qTMY57mTgt7g15Qpv9jsFYBdPl&index=49
Tình thân,
 NNS
.........................................................................................................................
1. Chuyện Thời sự & Xã hội
(i) Ts Nguyễn Đình Cống: Bàn về vỗ tay
Bình thường vỗ tay là để tỏ ý tán thưởng, động viên, khen ngợi một phát biểu, một biểu diễn của ai đó. Vỗ tay có giá trị  cao khi nó xuất phát một cách tự động, bất chợt, là sự bùng nổ ngẫu nhiên do cảm nhận được cái hay, cái tuyệt vời. Lúc này vỗ tay càng to, càng kéo dài chứng tỏ sự hưởng ứng, sự ca ngợi càng mãnh liệt. Trong tiếng vỗ ấy người ta cảm nhận được cái hồn, khơi dậy được nguồn năng lượng tinh thần.
Vỗ tay còn để thể hiện thái độ lịch sự khi tiếp nhận một biểu diễn nào đó.
Trong 2 trường hợp trên người  ta căn cứ vào mức độ tiếng vỗ tay để phán đoán tầm thành công của biểu diễn. Vỗ tay vì lịch sự thường chỉ lẹt đẹt vài ba tiếng mà thôi.
Cũng thường gặp vỗ tay theo “mồi”. Đó là khi người trên diễn đàn, phát biểu xong một ý nào đó, rất muốn cử tọa hưởng ứng nhưng chẳng có ai vỗ tay, đành tự mình vỗ tay trước để làm mồi cho người ta vỗ theo. Kiểu vỗ tay như thế thường rời rạc, dựa vào sự nể nang.
Có một loại vỗ tay theo chỉ đạo, được dàn dựng trước. Đó là vỗ tay trong các buổi mit tin để chào mừng ai đó hoặc sự kiện nào đó , trong các đại hội . Kiểu vỗ tay này là theo nhiệm vụ, theo kịch bản, đầy tính xu nịnh. Vỗ rất to, rất dài, nhưng đấy chỉ là những tiếng động vô hồn. Trong mớ hỗn độn âm thanh ấy người ta cảm nhận được sự rời rạc, sự áp đặt, kể cả sự khinh bỉ. Điển hình cho sự vỗ tay này xẩy ra tại đại hội đảng cộng sản Rumani năm 1989 khi nghe bài phát biểu của Tổng bí thư Ceausescu. Người ta vỗ tay rất to, rất nhiều lần, mỗi lần rất dài. Tưởng rằng như vậy thì Ceausescu đang ở trên đỉnh cao của uy tín và quyền lực, không ngờ chỉ sau vài ngày ông đã bị nhân dân vùng lên, lật đổ, bị tòa án kết tội tử hình và bị bắn ngay sau đó.
Gần đây lại thấy xuất hiện nhiều kiểu vỗ tay “từ thiện”. Tại các tiệc cưới hoặc buổi liên hoan, thậm chí tại buổi thuyết trình, có vài người ( chủ yếu là người dẫn chương trình MC ) đề nghị, xin xỏ  : “ Xin bà con cho một tràng pháo tay để…”. Vỗ tay là tỏ ý tán thưởng, thế mà  phải đi xin thì quá yếu. Các MC tưởng nhầm thế là lịch sự vì cúi đầu xuống để xin, nhưng chưa thấy được sự hèn kém ẩn dưới chữ xin đó.
Xin kể câu chuyện. Hồi tháng 5/ 2014 tôi thuyết trình tại Đại học Xây dựng Miền Trung về Nghệ thuật giao tiếp. Khi tôi kết thúc, thính giả mà phần lớn là sinh viên đã nhiệt liệt vỗ tay. Tiếp theo là phần giao lưu, giải đáp, thảo luận. Sau vài ý kiến, một bạn trẻ  phát biểu : “ Trước khi em nêu nhận xét và câu hỏi, em xin các bạn một tràng pháo tay thật to để cám ơn giáo sư Cống đã thuyết trình rất hay”. Nghe đến đây tôi vội vàng  giơ tay ra hiệu ngăn lại và  nói lớn ; “ Xin đừng, xin đừng”. Sau đó tôi nói tiếp : “ Tôi cám ơn bạn trẻ vừa rồi vì lòng tốt và sự kính trọng đối với tôi mà xin các bạn vỗ tay, nhưng tôi không muốn nhận sự vỗ tay do xin xỏ ấy. Các bạn đã thật lòng vỗ tay rồi, tôi đã cảm nhận được tấm lòng đó, bây giờ lại xin vỗ tay thì tôi chẳng thấy vinh dự hơn mà còn cảm thấy bị xúc phạm, nào, bạn trẻ, có nhận xét hoặc câu hỏi gì cứ nêu ra”.
Thế còn khi bạn phát biểu xong mà cả hội trường im phăng phắc, không một tiếng vỗ tay thì sao.  Xin kể 3 chuyện.
Chuyện 1-Tại cuộc họp Quốc hội sáng ngày 01 tháng 4 vừa qua xẩy ra một việc như vậy ( tôi không được chứng kiến kiểu  “kỳ mục sở thị” mà chỉ biết qua tường thuật ). Đó là phát biểu nổi tiếng của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, phó chủ tịch Hội Luật gia VN. Trong 7 phút LS Nghĩa đã hùng hồn phát biểu những vấn đề quan trọng và cấp thiết của đất nước, những sự thật mà ít ai dám nói tới hoặc tìm mọi cách che dấu hoặc nói ngược lại. Phát biểu xong không có tiếng vỗ tay nào. Hình như gần 500 đại biểu QH, khi nghe xong cảm thấy tự đau xót, thấm thía, xấu hổ, bất động như bị đánh trúng tử huyệt. Cũng có nhận xét là gần 500 đại biểu chỉ là nghị gật, phải cúi đầu xấu hổ trong thân phận bù nhìn.
Chuyện 2-Tại cuộc Hội thảo do Hội Cựu giáo chức tổ chức bàn về  “Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong đổi mới giáo dục” vào tháng 11 năm 2013 tại Hà Nội ( do GS Phạm Minh Hạc điều khiển), tôi được đọc tham luận. Đọc xong phần chính đã được duyệt, tôi phát biểu thêm mấy câu sau ( không có trong bài chuẩn bị sẵn nộp cho ban tổ chức) : “Trong  hội thảo này tôi nghe có 3 tham luận nhấn mạnh rằng phải kết hợp chặt chẽ tư tưởng Hồ Chí Minh với Chủ nghĩa Mác Lê nin. Tôi cho rằng việc đó không những không cần thiết mà còn có hại. Càng ngày càng thấy rõ Chủ nghĩa Mác Lênin chứa nhiều độc hại, nếu kết hợp với tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ làm cho tư tưởng đó bị xấu đi. Tôi đề nghị, để phát triển giáo dục cũng như phát triển đất nước thì nên từ bỏ Chủ nghĩa Mác Lê nin. Xin hết “. Tôi kết thúc tham luận, bước xuống trong không khí im lặng gần như tuyệt đối, không một tiếng vỗ tay, không một tiếng xì xào, không gian như bị đông cứng lại. Vừa đi xuống, tôi nhìn sang hai bên, nhận được những ánh mắt thông cảm, cổ vũ, và cả vài ánh mắt, bộ mặt hằn học, thù hận. Khi giải tán, tôi cố nấn ná lại khá lâu trước cổng để nhận những cái bắt tay thân thiện và một vài lời thì thầm “ được, tớ đồng ý…, giỏi, dũng cảm…”. Tôi có hỏi vài người quen “ sao không vỗ tay”. Nhận được câu trả lời : “ Ủng hộ trong lòng là được rồi, vỗ tay có mà…”. Đó là năm 2013 !
Chuyện 3- Xa hơn chút nữa, tháng 11 năm 2000. Trong chuyến thăm VN của Tổng thống Mỹ  Bill Clinton,  có buổi gặp gỡ với sinh viên Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Tôi không được dự buổi gặp này, chỉ được nghe nói rằng những thầy cô giáo và sinh viên đến dự phải được lựa chọn trước, được căn dặn là phải ngồi yên ( không được đứng dậy chào mừng) khi Tổng thống Mỹ vào hội trường, không được vỗ tay khi nghe ông ta nói chuyện. Không biết chỉ thị đó từ ai phát ra. Có người đoán là từ Tổng bí thư đảng Đỗ Mười. Đây là kiểu không được vỗ tay theo mệnh lệnh. Tôi có nghe tường thuật trực tiếp buổi đó. Nhiều điều tôi cho là mới lạ, rất hay, đáng ra phải được vỗ tay nhiệt liệt, thế mà hội trường vẫn im phăng phắc. Tôi hết sức thông cảm với những người dự trực tiếp, được nghe những lời quá hay mà phải kìm nén. Ôi chao, các phóng viên ngoại quốc sẽ đánh giá trình độ văn hóa của thầy trò đại học VN ở mức nào.
Thế mới biết, chuyện vỗ tay hay không, tưởng là đơn giản nhưng nhiều lúc chẳng đơn giản chút nào.
*** Hèn đến thế là cùng
Trong truyện ngắn “Đôi mắt” của Nam Cao, khi nghe vợ đọc xong một đoạn của “Tam quốc”, anh chàng Hoàng hạ một câu để đời: “Tài thật, tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư anh Tào Tháo”.
Ngày nay, khi nghe chưa xong đầu đuôi chuyện thời sự, ông bạn già của tôi lẩm bẩm: “Hèn thật, hèn thật, hèn đến thế là cùng”. Tôi chờ xem ông có tiếp thêm câu gì nữa không, đại khái như… tiên sư anh nào đó, nhưng chỉ nghe thấy ông nuốt ực một tiếng, cố ghìm lại cái gì đấy đang muốn trào qua cổ họng. Tôi vội vỗ lưng ông mấy cái và khuyên bớt bức xúc, không thì huyết áp lại tăng. Chuyện thời sự gì mà nóng vậy. Thưa rằng chuyện “dân chủ đến thế là cùng”.
Nhưng trước khi bàn tiếp vấn đề dân chủ, xin kể vài chuyện liên quan đến thái độ hèn.
Chuyện xưa, Hàn Tín lúc còn hàn vi, vui vẻ chui qua háng anh hàng thịt, nhiều người đương thời cho là hèn, quá hèn, nhưng đời sau cho là dũng cảm, quá dũng cảm. Quản Trọng khi còn trẻ, đi lính, khi xông trận thường tìm cách lùi lại phía sau, nhiều người cho là hèn, chỉ có Bảo Thúc Nha bênh vực, và về sau mới thấy rõ  Quản Trọng không phải người hèn.
Chuyện gần đây. GS Tạ Quang Bửu, sinh thời kể 2 chuyện liên quan. 1- Năm 1952, giữa rừng Việt Bắc, đêm tối như bưng, mưa gào gió thét, sấm chớp vang trời, ông nằm một mình trong lều, sợ quá, rất muốn chui sang lều bên cạnh, cùng với tướng Nguyễn Chí Thanh cho bớt sợ, nhưng không dám, ngại bị mang tiếng sợ sấm sét. Không ngờ tướng Thanh chui vào lều ông và nói: “Anh Bửu ơi, anh có sợ không, tôi sợ lắm nên sang đây với anh cho bớt sợ”. 2- Năm 1973. Chính phủ họp bàn chuyện mở rộng Thủ đô lên Xuân Hòa. Trước cuộc họp GS Bửu đã bàn với GS thiếu tướng Trần Đại Nghĩa sẽ phát biểu không tán thành. Cuộc họp do thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ trì, thảo luận một hồi rồi lấy biểu quyết. GS Bửu thấy mọi người đều giơ tay, cũng rụt rè giơ theo. Bỗng sực nhớ ra, quay sang bên cạnh thấy tướng Nghĩa ngồi im, khoanh tay trước ngực. Kết thúc câu chuyện GS Bửu nhận xét: “Như vậy mình cũng chưa thoát được là một anh hèn, phải như anh Thanh, anh Nghĩa mới là dũng cảm”.
Thế mới biết giữa hèn và dũng cảm nhiều khi cũng khó phân biệt.
Chuyện thời nay. Một số không ít trong tầng lớp trí thức đề cao phương châm “Biết sợ để tồn tại”. Mà sợ đẻ ra hèn. Tưởng trí thức chịu hèn đã là quá đáng. Người ta trông chờ vào sự dũng cảm của một số người khác được cho là ưu tú trong hàng ngũ chính khách. Thế nhưng càng trông càng chẳng thấy. Tại hội nghị lần 6 của BCH TƯ ĐCSVN và sau đó tại cuộc bầu bổ sung vào Bộ Chính trị người ta thấy manh nha một vài hành động dũng cảm, dám biểu quyết ngược lại đề xuất của Tổng bí thư, người ta hy vọng… Nhưng rồi hình như có quân sư đã tìm ra được cách để Tổng bí thư áp đặt được nghị quyết 244 (về quy tắc bầu cử) lên BCH TƯ khóa 11. Nhiều người đã vạch ra rằng những điều chủ chốt của  nghị quyết 244 vi phạm trắng trợn điều lệ Đảng. Không biết trong số các ủy viên TƯ 11 có ai phát hiện ra và chống lại không.
Cái sai rõ ràng nhiều người thấy mà mình không thấy thì mang tội u mê, nếu thấy rồi mà không dám nói thì mang tội hèn. Nếu không có ai trong TƯ 11 chống lại cả thì không lẽ toàn bộ chịu mang tiếng hèn. Thôi thì tạm bỏ qua TƯ 11, người ta hy vọng vào các đại biểu của Đại hội 12. Biết rằng đa số đại biểu đến ĐH cho có hình thức, (một số còn tranh thủ ngủ gật), hy vọng may ra có được một số ít tránh được cả u mê và hèn, thể hiện là người có trí tuệ và dũng cảm để dám phản bác NQ 244. Không biết trong hội nghị trù bị đã thảo luận như thế nào, cuối cùng NQ 244 vẫn được thông qua và đem dùng cho ĐH. Không lẽ 1510 đại biểu đều hèn.
Thế rồi đến chuyện Tứ trụ triều đình. Thôi thì Tổng bí thư là việc của Đảng, tạm xong rồi. Tam trụ còn lại là việc của Quốc hội khóa mới, nhưng vì lý do nào đó mà Đảng không chờ được, phải thay ngựa giữa dòng. Việc này, người thì cho là đảo chính, người lại bảo là vi phạm hiến pháp. Đảng lại có cái lý của mình, có cái quyền của mình. Để cho có vẻ thuận chiều thì phải tạo ra việc Tam trụ đồng loạt xin từ chức. Trước đây ít lâu nghe phong thanh là Chủ tịch Sang và Thủ tướng Dũng không từ chức, có người đã vội nhận xét là có gan, việc đó được nhiều người ủng hộ. Nhưng rồi chỉ là tin vịt. Cả 3 vị đều ngậm ngùi bị buộc phải ngậm bồ hòn xin từ chức. Nghe đến đây ông bạn già của tôi thốt lên: “Hèn thật, hèn thật, hèn đến thế là cùng”.
Tôi phân tích cho ông bạn: “Chắc các vị ấy cũng thấy như thế là quá hèn nhưng cũng nên thông cảm cho nỗi khổ của họ. Họ tuy không còn là UV BCT nhưng vẫn là đảng viên, phải tuân thủ kỷ luật Đảng, mà Đảng tự cho mình quyền quyết định nhân sự từ thấp lên cao, tự cho mình quyền ngồi lên trên Quốc hội và Hiến pháp, Đảng có quân đội và công an hùng hậu thề trung thành, thế thì việc thay ngựa giữa dòng có là cái đinh gì, hơn nữa kể từ trước ĐH 12, Đảng đã cử ra 3 vị để thay thế. Từ đó đến nay, mỗi chức vụ có 2 người, đương nhiệm và mới, cứ song song tồn tại. Thật là khó chịu cho cả hai bên. Bên đương nhiệm có danh nghĩa nhưng rồi nói chẳng mấy ai thèm nghe, chẳng khác bù nhìn, bên sắp thay lo gây thế lực và chỉ đạo ngầm, tập hợp lực lượng. Thôi thì ngậm bồ hòn mà xin từ chức cho thoát nợ đời”.
Ông bạn bổ sung: “Rút cục vẫn là quá hèn vì quá sợ. Nhiều kẻ có quyền lực có một nỗi sợ kinh khủng là sợ người ngoài phát hiện, nắm được tội lỗi của mình, sợ bị mang ra xét xử công khai. Chắc là thời gian qua Đảng đã tạo cơ hội cho các vị phạm nhiều tội lớn và nắm chắc chứng cớ để khống chế. Đảng trao cho các vị con dao rồi giữ chặt lấy đầu cán, đưa đầu lưỡi cho các vị nắm, đặt các vị vào tình thế một sống một chết. Mà các vị đang quá sợ chết nên không còn giữ được chút liêm sĩ cuối cùng, biết là quá hèn nhưng đành chịu tiếng xấu để đời chứ không như tôi với ông. Vì không sợ nên ông mới tuyên bố bỏ Đảng một cách thanh thản”.
Hình như trong tôi còn lại một chút xíu nào đó lòng thương cảm đối với các vị nên nói vớt vát:   “Biết đâu lịch sử sẽ minh oan và cho việc họ làm bây giờ không phải là hèn mà là dũng cảm cũng nên, như chuyện của Hàn Tín và Quản Trọng thời xưa”. Ông bạn tôi cãi lại: “Việc làm của Hàn Tín và Quản Trọng là lúc họ non trẻ, còn các vị đã là U70”.
Galilê khi bị tòa án giáo hội buộc phải công nhận Thuyết Nhật tâm, chịu hèn một lúc, khi ra khỏi phòng còn lẩm bẩm: “Dù sao nó vẫn quay”. 
Không biết các vị Tam trụ của VN, sau khi bị ép buộc xin từ chức có lẩm bẩm được câu gì hay không.
(ii) Ts Nguyễn Hưng Quốc: "Ráng làm người tử tế"
Chủ trì phiên họp cuối cùng nhằm từ biệt các thành viên nội các ngày 26 tháng 3, sau khi cám ơn mọi người, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khuyên những người sắp về hưu như ông “ráng giữ gìn sức khỏe, làm công dân tốt, đảng viên tốt, ráng làm người tử tế, sống tử tế”. 
Lời khuyên trên bao gồm bốn ý chính. Chuyện “giữ gìn sức khoẻ”, “làm công dân tốt” và “đảng viên tốt” không có gì lạ. Lạ nhất là ý cuối “làm người tử tế”. Lạ vì nó ngược với thực tế: Muốn làm một đảng viên tốt thì khó mà sống tử tế được.
Nhớ, trong cuốn phim tài liệu “Chuyện tử tế”, sản xuất vào năm 1985, đạo diễn Trần Văn Thuỷ đã trăn trở đi tìm ý nghĩa của sự tử tế trong xã hội cộng sản thời bao cấp. Cuối cùng, ông tìm ra sự tử tế ở những nơi khuất vắng, ít người biết nhất: một bà mẹ bị bệnh cùi, hằng đêm làm gạch để xây nhà cho đứa con còn bé dại, và đặc biệt, ở bệnh viện cùi với các nữ tu Công giáo, bất chấp những hiểm nguy lây bệnh, tận tình chăm sóc cho các bệnh nhân lở loét đau đớn. Bộ phim đầy những hình ảnh tương phản: bên cạnh những người ăn nhậu thoả thuê là những người nghèo khổ rách rưới lam lũ đói khát dọc hai bên đường; bên cạnh hình ảnh hàng ngàn người chen chúc mua vé xe đò là hình ảnh những cán bộ cao cấp đi xe hơi và bước trên những chiếc thảm đỏ sang trọng mới tinh. Những sự tương phản ấy gợi lên ấn tượng: giới lãnh đạo cộng sản không hề tử tế.
Trong bài “Tao là đứa bé ngoẻo trên lưng Linda Lê”, Nguyễn Quốc Chánh, hiện sống trong nước, nhận định một cách khái quát:
Có 3 thứ không thể kết hợp với nhau nổi. Đó là: Thông minh, lương thiện & cộng sản":
Một người thông minh & lương thiện thì không thể cộng sản,
Một người thông minh mà cộng sản thì không thể lương thiện, &
Một người lương thiện mà cộng sản thì chắc chắn không thông minh”. 
Ở đây có hai vấn đề: Một, thế nào là tử tế (hay lương thiện)? Và hai, tại sao những người cộng sản, ít nhất là lúc tại chức, không thể tử tế?. Khái niệm tử tế, theo tôi, có hai nội dung chính: Thứ nhất, sống theo một chuẩn mực đạo đức phổ quát; và thứ hai, biết nghĩ đến người khác.
Đảng Cộng sản, bất cứ là đảng Cộng sản nào, khi lên cầm quyền, đều hăm he tiến hành ba cuộc cách mạng: cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng văn hoá tư tưởng. Một trong những nội dung chính của cuộc cách mạng văn hoá tư tưởng là xoá bỏ những bảng giá trị truyền thống mà họ cho là tàn tích lỗi thời của chế độ phong kiến cũng như những mầm mống hư hoại của chủ nghĩa tư bản. Ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, cái gọi là giá trị truyền thống ấy chính là những hệ thống đạo đức gắn liền với Nho giáo cũng như với văn hoá làng xã. Những quan hệ tốt đẹp giữa người và người như tình nghĩa và nhân nghĩa vốn kết tinh trong xã hội cả hàng ngàn năm bỗng dưng bị phê phán và đả kích kịch liệt. Cuộc cải cách ruộng đất tàn khốc vào giữa thập niên 1950 phá vỡ mọi quan hệ tốt đẹp giữa người và người. Hậu quả là sau mấy chục năm cầm quyền, đảng Cộng sản làm cho mọi giá trị đạo đức truyền thống sụp đổ. Sau này, một số người cố gắng phục hồi lại Nho giáo nhưng đó chỉ là một nỗ lực lẻ tẻ và muộn màng: Những gì bị đánh sập thì khó mà vun đắp lại được. Thành ra, ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt trong giới đảng viên, hầu như không có một bảng giá trị phổ quát nào còn tồn tại.
Ngoài việc phá hoại những bảng giá trị truyền thống, đảng Cộng sản còn đề cao việc đấu tranh giai cấp. Một trong những nội dung chính của cuộc đấu tranh giai cấp ấy là giành giật quyền lợi từ những tầng lớp thượng lưu vào tay mình. Trong một bài viết ngắn trên facebook, nhà nghiên cứu âm nhạc và văn học Hoàng Ngọc-Tuấn phát hiện ra một điểm lạ trong bản tiếng Việt của bài “Quốc tế ca”. Câu “Le monde va changer de base / Nous ne sommes rien, soyons tout” trong nguyên tác tiếng Pháp của Eugène Pottier (viết năm 1871) có nghĩa là “Thế giới sẽ thay đổi từ căn bản / Chúng ta chẳng là gì, chúng ta hãy là tất cả” được Trần Phú, Tổng bí thư đầu tiên của đảng Cộng sản, dịch là “Nay mai cuộc đời của toàn dân khác xưa / Bao nhiêu lợi quyền tất qua tay mình”. Bản dịch ấy, từ mấy chục năm nay, trở thành lời ca chính thức tại Việt Nam.
Điều đó cho thấy mục tiêu lớn nhất mà đảng Cộng sản Việt Nam nhắm tới, từ lúc mới sơ sinh, là giành giật “lợi quyền” vào tay họ. Khi giành được rồi, hầu như toàn bộ nỗ lực của họ là làm sao giữ được những quyền lợi ấy. Trong chiều hướng ấy, đứng trước nguy cơ “diễn tiến hoà bình”, để mua chuộc sự trung thành của các đảng viên, đặc biệt trong lực lượng công an, họ đặt ra câu khẩu hiệu “Còn đảng còn mình”. Để bảo vệ quyền lợi, có khi họ sẵn sàng hy sinh cả đất nước, điều được dân gian khái quát hoá qua câu nhận định sắc sảo: “Đi với Mỹ thì mất đảng, đi với Trung Quốc thì mất nước. Thà mất nước còn hơn mất đảng.” Có thể nói một cách tóm tắt, từ khi được thành lập đến nay, mục tiêu tối hậu của đảng Cộng sản là giành và giữ quyền lực và quyền lợi cho họ. Cái gọi là “vì dân” của họ chỉ là một chiêu bài rỗng tuếch.
Bởi vậy, khái niệm “đảng viên tốt” rất khó đi liền với khái niệm “sống tử tế”.
Tuy nhiên, có một vấn đề khác cũng cần được chú ý: Lời khuyên làm người tử tế và sống tử tế của Nguyễn Tấn Dũng chỉ được thốt ra khi ông sắp sửa về hưu. Hiện tượng ấy cũng khá phổ biến. Hầu hết những đảng viên lên tiếng phản biện lại chính quyền và đảng cầm quyền cũng như hô hào cho tiến trình dân chủ hoá tại Việt Nam hiện nay đều là những người đã nghỉ hưu. Điều ấy cũng cho thấy khi còn nằm trong bộ máy quyền lực, người ta không thể tử tế được.
Muốn tử tế, người ta phải đi ra ngoài bộ máy quyền lực của đảng, thậm chí phải đi ra khỏi đảng. (RFA).
(iii) Nguyễn Gia Kiểng: Anh Hùng nước Nam
Hồi còn ở tiểu học, tôi có làm một bài luận với đầu đề: “Trong những anh hùng nước Nam, em thích vị nào nhất? Hãy nói tại sao?”. Bài luận này rất phổ thông, hình như người nào học tiểu học chương trình Việt cũng đã gặp. Chỉ sau khi đảng cộng sản nắm chính quyền, câu hỏi mới không đặt ra nữa, vì lúc đó người anh hùng vĩ đại nhất từ xưa đến nay của Việt nam dĩ nhiên bắt buộc phải là chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tôi chọn vua Quang Trung, tức Nguyễn Huệ. Lý do là vì ông ấy giỏi võ và đánh thắng năm mươi vạn quân Thanh tại trận Đống Đa. Trong lớp tôi có tới gần một nửa cũng chọn Nguyễn Huệ. Phần còn lại chọn Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng, một vài đứa chọn Ngô Quyền, Trần Bình Trọng, Lê Lợi, Lê Lai, Trần Quốc Toản, Lý Thường Kiệt.
Sau khi du học Pháp về lôi hỏi một số giáo viên tiểu học về bài luận. Họ cho biết năm nào cũng ra đề tài này và Nguyễn Huệ luôn luôn về nhất khá xa, kế tiếp là Trần Hưng Đạo, Đinh Tiên Hoàng. Thỉnh thoảng có Nguyễn Trãi, Ngô Quyền, Trần Bình Trọng, Nguyễn Công Trứ. Nói chung ba ngôi vị đầu vẫn thế, ở đoạn cuối bảng danh dự đã bắt đầu xuất hiện những nhân vật mới có thành tích về văn hóa. Nhưng mẫu số chung giữa các vị anh hùng này vẫn không đỗi: tất cả đều là võ tướng. Nguyễn Trãi tuy xuất thân là nho sinh nhưng đã cầm quân đi đánh giặc và làm quân sư (ở đây xin chú thích chữ “quân sư” thường được hiểu trong ngôn ngữ dân gian là người bày mưu kế nhưng thực ra nó có nghĩa là tư lệnh, các quân sư được ra lệnh cho các tướng). Nguyễn Công Trứ tuy có sự nghiệp văn chương lớn, nhưng cũng là võ tướng, cầm quân đánh dẹp khắp nơi, từng là Bình Tây Đại Tướng, ông được coi là người văn võ kiêm toàn.
Tuyệt đối không thấy Nguyễn Du, Lê Quí Đôn, Chu Văn An, Ngô Sĩ Liên, Lê Văn Hưu, Phan Huy Chú. Như thế anh hùng của Việt nam bắt buộc phải là võ tướng, và hơn thế nữa phải thắng trận. Trần Bình Trọng, Lê Lai là những võ tướng được tôn vinh vì lòng can đảm, nhưng dần dần lọt sổ. Trường hợp Nguyễn Trãi có điều đáng nói. Ông giúp Lê Lợi, cầm quân đánh giặc giành lại được độc lập cho nước ta, nhưng gặp nạn ở cuối đời, bị tru di tam tộc, về sau mới được Lê Thánh Tông phục hồi danh dự. Sự oan nghiệt đó có lẽ đã không khiến ông xuất hiện một cách lộng lẫy dưới con mắt của trẻ thơ. Trẻ thơ là tấm gương soi tâm hồn của một dân tộc. Từ những bài luận của học sinh tiểu học, phải suy ra rằng người Việt nam có tâm lý tôn thờ bạo lực rất mạnh. Bạo lực càng nhiều, công đức càng cao.
Nguyền Huệ xuất thân là tướng cướp, nhờ liên hệ với quân Thượng và quân gốc Chiêm Thành và đám cướp biên người Tàu mà mạnh dần lên, rồi nhờ tài dùng binh mà lên làm vua. Ông là người đặc biệt hung tợn và hiếu sát. Sự nghiệp của ông là những trận đánh khốc liệt trong đó người Việt nam tàn sát lẫn nhau; chỉ có hai ngoại lệ là một trận đánh thắng quân Xiêm và một trận Đống Đa, trong đó ông phá tan quân Thanh. Trong một bài sau tôi sẽ trở lại với nhân vật Nguyễn Huệ và trận Đống Đa. ở đây tôi chỉ xin đưa một nhận định tạm thời. Nếu nhìn một cách bình tĩnh thì công lao của Nguyễn Huệ thực ra không thấm tháp gì so với những tàn phá và chết chóc mà ông đã gây ra cho đất nước. Việc ông được tôn sùng quá đáng tố giác một tâm lý kính sợ bạo lực của người Việt nam; việc người ta tô vẽ cho ông nhưng đức tính mà ông hoàn toàn không có như giỏi trị nước an dân, có lòng nhân ái, v. v… chứng tỏ rằng ta tôn sùng bạo lực tới độ ta sẵn sàng làm đẹp nó. Hình như ta còn cho rằng chỉ có những chiến công mới là đáng kể, những gì đạt được phải đạt bằng bạo lực mới là hay. Chu Văn An đã viết ra nhiều sách, Lê Quí Đôn có công làm ra bộ tự điển bách khoa đầu tiên, Lê Văn Hưu mở đầu cho khoa sử ở nước ta, Ngô Sĩ Liên là người đầu tiên biết nhận định lịch sử một cách chính xác, có thể coi như nhà lý luận chính trị đầu tiên của nước ta, Phan Huy Chú là tác giả công trình biên khảo lớn nhất. Tuy vậy, tất cả đều không phải là những anh hùng dân tộc. Nguyễn Du chỉ được biết tới như một nhà thơ lớn.
Không những người cộng sản, mà cả nhưng người chống cộng, đều nghĩ rằng thành tích to lớn nhất và cũng là nền tảng của sự chính đáng của đảng cộng sản là đã đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh phe quốc gia. Nhưng nếu không đánh thì sao? Nếu biết vận dụng trí tuệ để tranh đấu bất bạo động chắc chắn chúng ta cũng đã được độc lập và thống nhất không muộn hơn, mà lại không phải trải qua những đỗ vỡ trầm trọng. Ta tôn thờ bạo lực ngay cả khi bạo lực có hại.
Người cộng sản không có độc quyền tôn thờ bạo lực. Việt nam Quốc Dân Đảng dù không có một hy vọng mảy may nào thắng được người Pháp bằng bạo lực vẫn chủ trương dùng con đường bạo lực ngay từ đầu. Quyết định khởi nghĩa năm 1930 chỉ là một quyết định tự sát.
Sự hấp dẫn của bạo lực đối với chúng ta quá mạnh. Mạnh đến nỗi ta không những chấp nhận mà còn mơ ước bạo lực. Khi không có bạo lực, ta phải cố bịa đặt để tưởng tượng rằng mình có bạo lực. Các tổ chức chống cộng hải ngoại trước đây đều đồng thanh chủ trương phải giải phóng quê hương bằng bạo lực, dù hoàn toàn không có phương tiện của bạo lực. Ông Võ Đại Tôn có lực lượng gì đâu, ông chỉ cùng với hai ba người qua biên giới Lào chụp ảnh để gây ấn tượng trong cộng đồng người tị nạn. Ông Hoàng Cơ Minh lập một doanh trại ở Thái Lan rồi bảo đó là chiến khu quốc nội. Trách họ là bịp bợm có thể đúng nhưng quả là quá dễ và, theo tôi, không công bình. Họ phải làm như thế để tranh thủ sự ủng hộ. Giả thử nếu ông Võ Đại Tôn không tạo cái ảo tưởng là có bạo lực thì ông cũng không khác nhiều người hoạt động khác. Nếu ông Hoàng Cơ Minh không lập “chiến khu” thì liệu ông có được sự ủng hộ mạnh mẽ đến thế không?...Sự thực ra cũng không thể trách họ là bịp bợm. Tôi sang Pháp lúc ông Hoàng Cơ Minh đang nỗi như cồn. Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người, và không ai, kể cả những người ủng hộ ông, tin là ông có chiến khu thực sự đâu. Vậy làm sao có thể nói là đã bị lừa gạt? Nói như vậy là không thành thực. Sở dĩ người ta ủng hộ ông là vì ông đã có công tạo ra một ảo tưởng bạo lực, và ảo tưởng đó là giấc mơ của đa số người tị nạn thời đó. Họ đóng góp cho ông Hoàng Cơ Minh vì ông cho phép họ nuôi dưỡng giấc mơ đó. Họ đóng góp cho ông để ông diễn tuồng kháng chiến võ trang cho họ xem. Ông Võ Đại Tôn đã phải trải qua mười năm tù tội. Ông Hoàng Cơ Minh đã thiệt mạng. Nhiều người khác đang mòn mỏi trong các nhà tù. Họ là những nạn nhân đáng thương của tâm lý tôn sùng bạo lực của người Việt nam.
Tôi không bao giờ tán thành bạo lực, và hoàn toàn không tán thành đường lối đấu tranh của họ. Nhưng đối với họ tôi luôn luôn có một tình cảm bùi ngùi, thương xót. Điều đáng trách là tâm lý tôn sùng bạo lực của con người Việt nam.
Một dân tộc không nhiều thì ít cũng xứng đáng với số phận của mình. Sở dĩ ngày hôm nay đất nước chúng ta kiệt quệ như thế này cũng vì cái tâm lý tôn sùng bạo lực ấy. Tất cả chúng ta đều có trách nhiệm. 
Chúng ta tôn sùng bạo lực và ngạc nhiên thấy mình là nạn nhân của bạo lực.
*** Ns Tuấn Khanh: Khi trẻ em bị gieo mầm dối trá và bạo lực
Mo Bo, một trong những người từng là Hồng vệ binh trong thời cách mạng văn hoá ở Trung Quốc đã nói rằng ông cùng rất nhiều bạn bè của mình trở thành những kẻ hoài nghi và mất hoàn toàn niềm cảm hứng với cuộc sống của mình, khi nhìn lại lịch sử và những gì mình đã tham gia. Mo Bo đã góp tiếng nói của mình trong các hồ sơ về kinh nghiệm bạo lực tuổi thiếu niêntrên tạp chí New Internationalist, sau khi đến Anh học ngành nghiên cứu về ngôn ngữ, định cư ở đó. “Sau những gì đã diễn ra, chúng tôi rơi vào tình trạng hoài nghi, luôn hoài nghi và không còn ai có thể nói với chúng tôi về lý tưởng được nữa, vì chúng tôi sợ hãi mình sẽ rơi vào một vòng xoáy, tạo ra những điều kinh hoàng khác”, ông Mo Bo nói, những kinh nghiệm “kinh hoàng” mà ông ta nói đến là ký ức của thời niên thiếu, khi ông mới 14 tuổi.
Tài liệu trên thư viện điện tử AsianHistoryAbout cho biết vào thời Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc từ năm 1966 – 1976, tư tưởng của Mao Trạch Đông đã tập hợp được hàng chục triệu Hồng vệ binh trẻ tuổi, có người chỉ mới 12 tuổi. Nhiệm vụ khởi đầu của các đứa trẻ đó là nhận lấy những quyền lực mà thầy cô, bạn bè, nhà trường phải e dè. Từ chuyện hạch sách những người bạn cùng lứa về kỷ luật học sinh, dần dần chúng phát triển đến chuyện theo dõi quan điểm của thầy cô để tố cáo, lập thành tích. Không khác gì những câu chuyện điện ảnh kinh dị của Hollywood về các đứa trẻ là hiện thân của quỷ, những Hồng vệ binh trẻ tuổi đó đã phấn khích tràn ra đường, đánh đập thầy cô của mình, lục soát nhà bạn bè mình, đập phá chùa chiền và các di tích cổ, cũng như góp phần vào đại nạn thảm sát hàng chục triệu người trong giai đoạn đó.
Mới đây, báo Tuổi Trẻ có đưa ý kiến của một giáo viên về chuyện nạn Cờ Đỏtrong các nhà trường.
Đây không phải là ý kiến đầu tiên được nói lên, mà lâu nay đã là những điều băn khoăn của giới phụ huynh và các nhà xã hội học, rằng việc trao cho những đứa trẻ trong cùng một môi trường công việc rình mò, theo dõi bạn bè mình và quyền lực “báo cáo” để trừng phạt có phản lại giá trị giáo dục chung hay không? Hơn nữa, bệnh thành tích và quyền lực giả tạo đó tạo nên những ảo tưởng và sự dối trá như một thói quen cho những đứa trẻ, sẽ tạo ra những nhân cách và phẩm chất gì cho xã hội trong tương lai? Nhưng không phải chỉ có những đứa trẻ bị trao quyền lực sớm bị tổn thương tinh thần, mà cả những đứa trẻ khác trong môi trường đó cũng bị ảnh hưởng. Bằng cách làm thân, cầu cạnh, hoặc “lót tay” cho các thành viên đội Cờ Đỏ để không bị ghi sổ khi đi học quên mang khăn quàng, cũng tạo nên một môi trường phản giáo dục và lừa dối thầy cô. “Không chỉ học sinh sợ thành viên trong đội Cờ Đỏ mà chính thầy cô giáo cũng không muốn làm mất lòng các em đó, bởi chúng nắm trong tay quyền sinh sát của lớp”, cô giáo Phạm Huyền, tác giả của bài viết đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày 3/4/2016, với tựa đề Đội Cờ Đỏ – “ngáo ộp” trá hình ở trường học đã nói đủ hết hiện trạng của nhiều trường học hiện nay, với chỉ vài dòng chữ.
Trong tài liệu về vệ sinh học đường Việt Nam do UNICEF tài trợ từ năm 2006, có tên “Formative Hygiene Research” với nhóm nghiên cứu hỗn hợp nhiều quốc gia, cũng ghi nhận việc theo dõi các bạn học sinh có “đủ vệ sinh” trong trường hay không, được giao cho các đội Cờ Đỏ (bản tiếng Anh viết là Red Flag Team) ghi vào sổ báo cáo, và rất nhiều em học sinh rất vui mừng khi trở thành người có quyền nhận xét ấy.
Trong sách nghiên cứu về nền giáo dục Việt Nam, có tên Vietnam’s Political Process: How Education Shapes Political Decision Making (2009) của Casey Lucius, giáo sư của trường Naval War College – và từng là trợ lý dự án cho toà đại sứ Mỹ tại Việt Nam, bà cũng giới thiệu về “mô hình” khá đặc biệt về các đội Cờ Đỏ trong các trường học Việt Nam, thường được giới thiệu với tư cách “trợ giúp” cho các học sinh bạn. Mô hình đội Cờ Đỏ này từ khi xuất hiện xuyên suốt trong cả nước vào năm 1976, đã vô hình trung vô hiệu hoá các công việc của đội ngũ thầy cô giám thị, giáo viên kỷ luật… cũng như các chức danh lớp phó kỷ luật, lớp phó học tập, lớp phó thi đua…Và hiển nhiên biến hình thái nhóm theo dõi và kiểm tra, thậm chí quyết định giá trị của bạn cùng lứa, trở thành một cơ cấu chính trị trong một môi trường giáo dục.
Cựu thành viên Hồng vệ binh Mo Bo nói rằng thời tuổi trẻ, ông tin rằng những điều mình làm là tạo ra con người và xã hội tốt đẹp. Cuộc gặp mặt những người bạn cùng thời, sau đó 50 năm, chỉ đem lại một cảm giác chua chát và niềm ước muốn tuyệt vọng: phải chi họ có được một cuộc sống học đường bình thường. Điều họ mang nặng là tuổi thiếu niên của mình, họ là những kẻ bị gieo mầm dối trá và bạo lực, khiến hôm nay họ ngại ngùng với cả con cháu. Trong sự cuồng điên và nhiệt thành của mình, các thiếu niên được trao quyền lực ấy luôn là ngọn lửa âm ỉ của nạn bùng phát bạo lực thiếu lý trí.
Lịch sử Trung Quốc ghi nhận rằng hàng triệu các di tích và văn hoá cổ quý giá của đất nước này bị tiêu diệt. Nhiều học giả và giáo sư bị đánh đập chôn sống bởi chính các học sinh và sinh viên của mình, mà ngày hôm qua họ chỉ mới làm nhiệm vụ nhỏ bé là theo dõi và ghi chú về trường học của mình. Rất nhiều bậc cha mẹ đã khóc và nói rằng họ đã thiếu dứt khoát và tri thức để ngăn con em mình tham gia các đội học sinh được giao quyền hành động ấy. Một khi môi trường giáo dục bị chi phối bởi những hoạt động không thuần tuý giáo dục, mà nặng về răn đe và trừng phạt, tức môi trường của trẻ em đã bị xoá mờ ranh giới của trừng giới và học đường.
Có thật sự các ngôi trường Việt Nam cần phải giao việc và quyền, khác với tôn chỉ của mình, cho các học sinh? Ở thế kỷ 21, việc mơ ước rằng các ngôi trường trên đất nước này chỉ có giáo dục – và thuần tuý giáo dục mà thôi – có phải là một điều quá nhiêu khê?
(iv) Tưởng Năng Tiến: Cái lon, chiếc nón & nùi giẻ rách
Cổ lai chính chiến kỷ nhân hồi? (Vương Hàn)
Bây giờ, trừ cái labtop, tôi rất ít để ý đến những vật dụng khác quanh mình. Sau tháng 4 năm 1975 – có lúc – tôi cũng không bận tâm đến bất cứ một thứ gì, ngoài cái lon Guigoz.
Tôi bắt đầu làm quen với nó vào mùa mưa năm 1975, trong trại cải tạo. Chịu đói là bài học đầu tiên mà chúng tôi được học, và đây cũng là bài học kéo dài suốt khóa. Ở vào hoàn cảnh này mà vớ được mấy củ khoai đào sót, một con ếch chậm chân, một nắm rau rừng cấu vội, hay một vốc gạo thừa – vét được sau những lần tạp dịch dọn kho – mà có sẵn cái lon Guigoz bên mình thì tiện lắm. Cất dấu tang vật rất dễ, và chỉ cần rất ít nhiên liệu trong việc nấu nướng. Hằng đêm chúng tôi đều được nghe giảng dậy về một cuộc sống mới không giai cấp, không còn cảnh người bóc lột người, mọi sản phẩm đều là của chung, làm việc theo khả năng và hưởng thụ theo nhu cầu… Chúng tôi cũng được động viên cứ yên tâm học tập, không phải bận tâm gì về thân nhân hay gia quyến. Cả nước đang đi từ giai đoạn ăn no mặc ấm, sang ăn sang mặc đẹp. Còn cả thế giới thì đang chuẩn bị bước vào thế giới đại đồng. Chúng tôi tiếp thu tốt, thảo luận tốt, viết thu hoạch tốt, nhất trí rất cao về tất cả mọi vấn đề. Sau đó – sau giờ học tập – mọi người lại lục đục mang tất cả những thứ “cải thiện” được trong ngày, bỏ vào lon Guigoz, lúi húi tìm một góc riêng đun nấu, để “sột sệt” cho đỡ đói.
Cái lon Guigoz đối với chúng tôi (những kẻ thuộc bên thua cuộc) không chỉ là một vật dụng thiết thân mà còn trở thành một kỷ vật, với những kỷ niệm rất buồn. Điều tôi không ngờ là nó cũng rất thân thiết, và cũng là một kỷ vật buồn (không kém) đối với những người thuộc bên thắng cuộc: Nhớ thằng bạn cùng đơn vị xưa kia kể lại, bà mẹ của cậu ta cứ nắc nỏm ao ước tìm đâu ra một chiếc hộp sắt để đựng kim chỉ khâu hay đựng thuốc cảm cúm, nhức đầu… Tìm đâu ra vài chiếc bình, chiếc chai thật đẹp để tích lạc, đựng vừng phòng ngày mưa gió, lụt lội. Vừa khô ráo, vừa tiện lợi, bày biện chỗ nào cũng sáng cả một góc nhà. Bà mẹ tơ tưởng vậy thôi, chứ đang thời bom rơi đạn nổ, mọi người chỉ sống nhờ vào mấy chiếc tem đậu phụ, tem thịt, vào những viên gạch xếp hàng giữ chỗ thay người trước một xe bán  rau,  trước cửa hàng bán nước mắm mậu dịch…, bới đâu ra chiếc hộp, chiếc chai bà ưng ý?. Ấy vậy mà hôm tiễn thằng bạn tôi vào chiến trường, không hiểu bằng cách nào, bà mẹ đã tìm được chiếc vỏ hộp sữa Guigoz đặt vào một bên túi cóc của cậu con trai. Nhờ cái vỏ hộp sữa ấy – chống được ẩm mốc, mưa nắng – cái ba lô lính của thằng bạn tôi thực sự trở thành một cái chạn di động. Không gặp thì chớ, hễ gặp nhau y như rằng nó sẵn sàng khoản đãi tôi đủ thứ “cao lương mỹ vị”: thịt nai sấy khô, mắm ruốc cá, thịt cheo sào gừng, sả… Tất cả chứa trong chiếc hộp sữa Guigoz đó! Bạn tôi hy sinh ở Bàu Bàng cuối năm 1969. Nhận được giấy báo tử người con trai đâu đó chín tháng hay một năm, bà mẹ ngã bệnh qua đời. Mãi hơn hai mươi năm sau, những đội viên Hội Chữ thập Đỏ phường Mã Mây mới tìm ra nơi chôn cất thằng bạn tôi. Họ kể lại, di vật của người hy sinh đã ẩm mục, rã rữa hết, chỉ còn tìm được chiếc vỏ hộp sữa Guigoz. Hôm đưa hài cốt bạn tôi về với bà mẹ cậu ta ở một khu phố cổ Hà Nội, người ta đã đặt chiếc vỏ hộp sữa bên cạnh bó hài cốt bạn tôi trước bàn thờ bà mẹ. Đủ lệ bộ ngay ngắn, họ mới thắp hương báo với bà con trai bà đã về. (“Nỗi Buồn Lâu Qua” – Tô Hoàng).
Ngày trở về của chiếc nón cối thì ồn ào, và hoành tráng hơn nhiều:
Năm 1968, người lính trẻ Hoa Kỳ là John Wast, khi lục soát trận địa tìm vũ khí, tài liệu, bất chợt trông thấy một chiếc nón cối có vết đạn, vẽ hình con chim bồ câu. Anh ta buộc chiếc nón vô ba-lô, và khi hồi hương vào năm tháng sau đó, anh ta mang theo làm kỷ niệm chiến tranh và đặt trên cái giá sách trong phòng. Có một cựu chiến binh làm công tác từ thiện đến gặp anh lính cũ và hỏi anh ta có muốn trả lại chiếc nón về nơi cũ chăng, bởi vì năm tháng qua đi, cũng chẳng còn khơi lại những đau thương nhức nhối nữa. Một phái đoàn có tên là “Đoàn phát triển kinh phí thiện nguyện tại Việt Nam” tìm ra gia đình anh bộ đội Bùi Đức Hùng, bị tử thương, nhưng hài cốt không bao giờ được thu hồi. Vào ngày Thứ Ba, bốn cựu chiến binh Hoa Kỳ mang hoàn trả chiếc nón cối cho gia đình anh Hùng qua một nghi lễ tại một ngôi làng cách Hà Nội 70 cây số; với nghĩa cử đề cao nhu cầu hòa bình và hòa giải. Ông Bùi Đức Dục, 52 tuổi, là cháu của liệt sĩ Hùng phát biểu, “Đây thật là giây phút thiêng liêng đối với gia quyến chúng tôi.” Ông Dục bật khóc khi chiến nón cối được mang đặt lên bàn thờ gia tộc, trước sự chiêm bái của những cựu chiến binh Hoa Kỳ, khoảng 100 dân làng và viên chức xã có mặt. Trong căn phòng cũng đặt một bức tượng ông Hồ Chí Minh, người đã lãnh đạo cuộc chiến tranh thắng lợi. Ông Dục ngỏ lời “Chúng tôi coi chiếc mũ này như chính một phần thân thể chú tôi, và sẽ bảo tồn nó để nhắc nhở cho thế hệ tiếp nối của gia tộc chúng tôi.”. Hơn ba triệu người Việt Nam đã chết trong chiến tranh qua thời gian Hoa Kỳ phải hành động để ngăn chặn làn sóng Cộng Sản tại Đông Nam Á. Ông Wast, nay đã 67 tuổi, là người dân vùng Toledo, bang Ohio, chưa từng du lịch Việt Nam. Lời nói của ông ta đã ghi và phát lại qua buổi lễ cho biết rằng liệt sĩ Hùng đã chiến đấu thành thạo và ngoan cường… (“46 years on, Vietnamese helmet returned.” Tran Van Minh. AP. Trans Y.Y).
Trường hợp của ông Nguyễn Chánh Nhường thì hơi khác, theo bản tin (“Sau 40 năm, liệt sỹ trở về thành hộ nghèo”) của báo Lao Động, số ra ngày 1 tháng 2 năm 2015:
Một sự kiện hy hữu vừa diễn ra tại xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) khi ông Nguyễn Chánh Nhường, đã có giấy báo tử và được công nhận Liệt sỹ tròn 40 năm bỗng trở về trước sự ngỡ ngàng của người thân và bà con xóm giềng. Ông Nhường hiện trí nhớ suy giảm, sức khỏe yếu được chính quyền địa phương xếp vào diện hộ nghèo. Vào ngày 10.4.2014, gia đình ông Nguyễn Chánh An, xóm 19 xã Quỳnh Lâm hết sức ngỡ ngàng khi thấy một người đàn ông ăn mặc rách rưới, dáng vẻ tiều tụy, khắc khổ xuất hiện trước cửa nhà. Sau phút định thần, gia đình ông An bàng hoàng nhận ra đây là ông Nguyễn Chánh Nhường, người anh em ruột của gia đình, đi bộ đội và được báo tử, truy điệu Liệt sỹ vào năm 1974, vừa tròn 40 năm.
Ông Nguyễn Chánh Nhường sinh năm 1949, quê quán xã Quỳnh Lâm, lớn lên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông xung phong lên đường nhập ngũ. Sau một thời gian bặt tin tức, vào năm 1974, cả gia đình ông chết lặng khi nhận được giấy báo tử của đơn vị gửi về, thông báo ông đã hi sinh ngày 6.4.1973. Địa phương và các tổ chức đoàn thể đến thăm hỏi, động viên gia đình và tổ chức lễ truy điệu. Gia đình ông được phát bằng Tổ quốc ghi công số DE 145, được lưu giữ trang trọng tại nhà ông anh cả Nguyễn Chánh Nghiệm…Bà Bùi Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm cho biết: “Sau khi nghe tin có ông Nhường trở về, chúng tôi đã thành lập đoàn xác minh thông tin. Kết quả cho thấy người trở về chính là ông Nguyễn Chánh Nhường, đã được công nhận Liệt sỹ cách đây 40 năm. Ông Nhường không có giấy tờ gì, trí nhớ cũng không còn minh mẫn, ngay cả nói cũng không mạch lạc…Bà Hường nói:“Chúng tôi chưa thăm, tặng quà ông Nhường, nhưng đã có kế hoạch tặng quà và đề xuất UBND huyện tặng quà cho ông trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Đây là một trường hợp hết sức hi hữu, mong rằng các cơ quan chức năng sẽ xem xét giải quyết chế độ phù hợp cho một người đã từng đi bộ đội, tham gia chiến đấu và được công nhận là Liệt sỹ.”
Ông Nhường trở về ngày 18 tháng 3 năm 2014, gần một năm sau (hôm 1 tháng 2 năm 2015) bà Phó Chủ Tịch UBND xã Quỳnh Lâm tuy vẫn chưa đến thăm nhưng đã có “kế hoạch” và “đề xuất UBND huyện tặng quà” rồi. Chả biết “đề xuất” này có được chấp thuận hay không nhưng (“tiếng chào cao hơn mâm cỗ”) thế cũng qúi hoá lắm rồi.
Nếu ông Nguyễn Chánh Nhường đi luôn, và chỉ có cái lon Guigoz hay chiếc nón cối trở về (thôi) thì việc tiếp đón – chắc chắn – sẽ long trọng và đình đám hơn nhiều. Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Đã đi chinh chiến mà còn (ráng) trở về làm chi nữa, cho nó thêm rách việc! 
(v) SOHA News: Buổi Hoàng hôn của một cường quốc
Tuần trước, thế giới đã bỏ qua một diễn biến rất quan trọng ở Nga.
Khủng bố ở Brussels hay chuyến thăm Cuba của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tốn nhiều giấy mực của báo chí tuần trước, và khiến đa số bỏ qua một diễn biến vô cùng hệ trọng ở Nga. Đương nhiên, những sự kiện nói trên đều có ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thế giới, nhưng nếu xét đến những hệ lụy mang tính bước ngoặt đối với địa chính trị toàn cầu, thì chúng vẫn phải xếp sau một diễn biến ở Nga tuần qua mà không mấy chú ý đến.
Nhưng New York Times (NYT) đã không bỏ qua diễn biến này.
Nhà báo Andrew Kramer, trưởng đại diện NYT tại Moscow cho biết, tuần trước, trong nỗ lực nhằm cứu vớt nền kinh tế Nga đang chìm trong khủng hoảng, lãnh đạo nước này đã cân nhắc việc “đánh liều”: Áp đặt khung thuế mới cho ngành công nghiệp dầu khí.
Bước đi này đã được suy đi tính lại nhiều lần trước đây, nhưng nay nhiều khả năng sẽ chính thức được thực thi. Và nếu điều đó xảy ra, thì theo đánh giá của nhà báo Max Fisher trên trang bình luận chính trị Vox, nó sẽ dẫn tới những hệ lụy mang tính bước ngoặt không chỉ cho tương lai của Nga, mà còn với cả thế giới.
Trước hết, hãy điểm qua một vài con số.
Khi giá dầu còn ở mức 100 USD/thùng, chính phủ Nga đánh thuế khoảng 74 USD trong số đó, theo số liệu phân tích của NYT. Ngoài ra, các tập đoàn dầu khí chi khoảng 15 USD chế biến dầu và xuất khẩu, như vậy lợi nhuận rơi vào khoảng 100 – 74 – 15 = 11 USD/thùng.
Nay, khi một thùng dầu chỉ bán được với giá 35 USD, thuế cũng chỉ còn 17 USD. Chi phí chế biến và xuất khẩu vẫn giữ nguyên, như vậy các tập đoàn dầu khí chỉ còn thu lãi khoảng 35 – 17 – 15 = 3 USD/thùng. Chính phủ Nga phụ thuộc rất nhiều vào tiền thuế thu về từ ngành công nghiệp dầu khí, khi phải “gánh vác” gần một nửa (!) ngân sách nước này. Và khi tiền thuế thu về tụt dốc từ 74 USD xuống chỉ còn 17 USD mỗi thùng, nền kinh tế Nga có thể nói đã gần như chạm đáy, thậm chí còn khiến các nhà phân tích lo ngại sẽ dẫn đến bất ổn chính trị. Đó cũng chính là lý do tại sao giới chức chính phủ Nga đang mạnh tay đề xuất tăng thuế đối với ngành công nghiệp dầu khí.
Nhưng hãy thử nhìn sự việc từ góc độ của các tập đoàn dầu khí, lợi nhuận của họ cũng giảm từ 11 USD xuống chỉ còn 3 USD/thùng.
Ai cũng biết các tập đoàn dầu khí quyền lực đến mức nào, và họ còn thu lời được bằng nhiều cách khác bên cạnh xuất khẩu. Song nói đi cũng phải nói lại, các tập đoàn này bỏ ra rất nhiều tiền trong việc tìm kiếm và phát triển các nguồn khai thác mới.
Khoan dò, tìm kiếm, phát triển công nghệ nhằm tối ưu hóa khai thác, tất cả các công đoạn đều rất công phu, tốn nhiều công sức cũng như tiền của đầu tư, và có thể phải tốn đến hàng năm, thậm chí hàng thập kỉ, mới đem lại kết quả.
Khung thuế mới mà chính phủ Nga đang hướng tới áp đặt sẽ nhắm vào khoản tiền mà các tập đoàn dầu khí nước này dùng để chi trả cho các hoạt động tìm kiếm và phát triển nguồn khai thác nói trên. Trong tương lai gần, bước đi này sẽ giúp Moscow “nhẹ gánh” hơn rất nhiều trong ngân sách.
Nhưng về lâu về dài, các tập đoàn dầu khí bị cản trở trong việc phát triển nguồn khai thác biết làm thế nào khi các mỏ dầu hiện nay cạn kiệt?
“Nga làm vậy chẳng khác nào ăn quả ăn luôn cả hạt giống” – ông Kramer nhận định. Nhà báo này dẫn một chi tiết trong bản báo cáo mới nhất của bộ Năng lượng Nga, đó là đến năm 2035, bộ này dự kiến sản lượng dầu của Nga sẽ chỉ còn một nửa.
Nói cách khác, kể cả khi giá dầu có tăng trở lại, thì sản lượng của Nga khi ấy cũng đã giảm quá sâu để có thể giúp nền kinh tế nước này phục hồi.
Theo ông Kramer, đây cũng không phải lần đầu tình trạng này xảy ra. Cuối những năm 80 của thế kỉ trước, kinh tế Liên Xô đã kiệt quệ do giá dầu giảm đến mức điện Kremlin không còn lựa chọn nào khác buộc phải “rút ruột” nền công nghiệp dầu khí nước này.
Tất nhiên Nga của ngày nay đã khác nhiều so với Liên Xô của những năm 80, và khả năng hệ thống chính trị Nga sụp đổ vì sức ép kinh tế rất khó xảy ra. Nhưng hậu quả những chính sách theo kiểu “thợ hàn” để lại luôn vô cùng nghiêm trọng, và Nga thời nay cũng không thể tránh khỏi.
Theo nhà báo Fisher, không sớm thì muộn, điện Kremlin sẽ phải làm một trong hai điều sau (hay thậm chí cả hai): đó là cắt giảm chi tiêu quân sự, con át chủ bài nâng tầm vị thế địa chính trị Nga, hoặc cắt giảm chi tiêu xã hội, một con dao hai lưỡi có thể gây bất ổn nội bộ.
Cái giá phải trả cho sự ổn định là rất đắt. Ông Fisher nhận định, Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể tại vị được nhiều nhiệm kì liên tiếp như vậy là nhờ được cả giới tài phiệt (hưởng đặc cách từ Putin), lẫn công chúng (đề cao năng lực bình ổn chính trị của Putin), ủng hộ.
Ngoài ra, Tổng thống Nga cũng giữ ổn định tại các điểm nóng như Chechnya bằng cách chi tiền hậu thuẫn chính quyền nhà nước tự trị, qua đó kiểm soát và tránh đi vào vết xe đổ của năm 1999-2000.
Giới tài phiệt quá quen với phú quý, người dân quá quen với những dịch vụ xã hội đầy ưu đãi, và tất cả cũng đều quá quen một lực lượng quân đội Nga hùng mạnh bảo vệ đất nước khỏi các mối đe dọa khủng bố, cũng như sự o ép của tư bản phương Tây.
Một khi Moscow xác định họ không còn cách nào khác và buộc phải áp dụng khung thuế mới nói trên để “sống qua ngày”, thì hệ quả tất yếu là kinh tế Nga về lâu về dài sẽ trượt dốc, và những gì người dân Nga đã quá quen, đã mặc định có sẵn như trên, không thể tiếp tục tồn tại được nữa.
Buổi hoàng hôn của một cường quốc
Trong bối cảnh hiện nay, cả hệ thống chính trị trong nước cũng như vị thế của Nga trên trường quốc tế đều được xây dựng dựa trên nền móng của lợi nhuận thu được từ dầu khí.
Ngành công nghiệp quốc phòng tuy có phát triển mạnh, nhưng rõ ràng không thể gánh vác trọng trách của công nghiệp dầu khí. Còn sức mạnh quân sự của Nga ư? Thử hỏi nếu ngân sách hạn hẹp thì Moscow lấy đâu ra tiền để bạo chi quân sự như vậy?
Và theo ông Fisher, cái nền móng ấy của Nga đang bị phá vỡ từng ngày. Thực tế là Nga có thể sẽ suy thoái trong hàng thập kỉ tới, và vị thế một cường quốc có thể ngẩng cao đầu đứng ngang hàng với Mỹ thời Chiến tranh Lạnh giờ chỉ còn là ánh hào quang quá khứ.
Brussels, Cuba, Syria, không thể phủ nhận những sự kiện tại đây có ý nghĩa rất lớn. Nhưng đề xuất tăng thuế dầu khí ở Nga, dù nhìn qua có vẻ không mấy quan trọng, mới thật sự là diễn biến mang tính bước ngoặt hàng đầu trong tình hình chính trị thế giới 7 ngày vừa qua.
Nó là điểm nhấn cho một thực tế đã hiện hữu trong nhiều năm trở lại đây – ánh hoàng hôn đã chiếu lên vị thế cường quốc của Liên bang Nga trên trường quốc tế.
Chưa rõ liệu những hệ lụy xuất phát từ chính sách thuế mới đối với ngành công nghiệp dầu khí Nga sẽ ra sao, nhưng có thể chắc chắn một điều rằng,
hậu họa sẽ vô cùng, vô cùng nghiêm trọng.
2. Thơ từ Bạn bè
(i) Hồ Chí Bửu: Ký ức tháng tư
Ta thức dậy khi bài thơ đã chín
Bài thơ buồn của những gã tha hương
Bài thơ có từ khi ta vào lính
Bài thơ ngông ta viết giữa chiến trường
     Đã đến rồi cái tháng tư chết tiệt
     Buồn nhiều người và vui của nhiều người
     Cái kỷ niệm của một thời chinh chiến
     Ta quay về mà nước mắt rơi rơi
Ta dự đoán những gì khi đổi mới
Ở hay đi ? Ta quyết định một mình
Ở thì mất những gì ta mong đợi
Đi thì hồn ôm mãi khúc điêu linh..
     Ta quyết định cứ chơi cùng với lũ
     Bởi vì ta còn mồ mả ông bà
     Ta còn có những nắm mồ vô chủ
     Của một thời binh biến đã trôi qua
Ai đó nói thiên đàng và địa ngục
Dạ xin thưa tôi nghe đã nhiều rồi
Chỉ còn đây với nỗi buồn tủi nhục
Kẻ phương nầy – người phương khác – nổi trôi..
     Ta đánh cược cả đời cho định mệnh
     Tuồng hết rồi khán giả tự về thôi
     Hãy chiêm nghiệm những bài ca rất sến
     Rượu tràn ly – cứ uống đến cuối đời…(hcb - 01.04.16)
(ii) Huy Uyên: Quay lại Khe Sanh
Mấy mươi năm quay lại chiến-trường
đạn thù còn ghim hầm hào cũ
tuổi hai mươi súng đạn dao găm
bao quanh bunker xám đen còn loang lổ .
     Hỏi linh-hồn cũ, anh còn đâu đó
     thoáng quanh đây đầy tiếng rên la
     mấy mươi năm một thời máu đổ
     tóc xanh xưa làm lính xa nhà .
Trở lại Khe-sanh, Hambuger hill
bạn thù vùi xác quên đời lính
ngày đi mẹ quê thắt-ruột-chín-chìu
người bỏ Khe-sanh dở mùa chinh chiến (*)
     Trên cao gọi sầu treo hoài niệm
     Khe-sanh chôn dấu máu quân thù
     đồng-đội xưa bao người nằm xuống 
     máu trào dâng hận mãi thiên thu .
Đồi quê người cỏ cháy làng Bù
ngày binh-lửa đốt bao tim chiến-sĩ
những buổi hành-quân đạn bom ngang đầu
và những ngôi mộ buồn lấp cỏ dại .
     Em gái Pakô, rẩy cà-phê ngút mắt
     bốn mươi tám năm về lại Khe-sanh
     những hố bom dấu người còn mất
     trên đồi xưa ai đăm mắt chong nhìn .
Vết thương người hỏi đã thay da
đất trời Khe-sanh hoài câm lặng
mùa đông lạnh đầy cơn mưa
trên đồi bazan
những đường băng chết trắng .
     Về Khe-sanh đâu đây còn nước mắt
     rừng ngút ngàn và thung lủng xanh
     thôi đâu nhớ đau lòng được mất
     thịt da người vùi chiến-trận tôi,anh ?
(*) Ngày triệt thoái Khe-sanh 7/1968

................................................................................................................
Kính,

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét