Mất dấu
Thủy Điển
Vừa bước vào nhà, mặt ông Phụng đang hầm hầm,
tay vừa rót ly nước, miệng vừa bảo.
-Chờ chiều nay thằng
Hoàng về, bắt nó chở quay lại chỗ ông Bác sĩ lần nữa thử xem sao.
Bà Phụng từ nhà bếp
chạy lên.
Bộ có chuyện gì
sao, nguy kịch rồi hả ông? Mà ông Bác sĩ bảo thế nào, ông bình tĩnh nói
cho tôi nghe coi và tại sao chiều nay phải bắt thằng Hoàng đến đó lần nữa ?
-Không có gì đâu.
-Tôi tin chắc là
có, ông lại giấu tôi rồi.
-Tôi bảo không là
không, cứ hỏi mãi.
-Tùy ông, nói ra
còn biết đường mà lựng, còn giấu giếm, lỡ, có mệnh hệ gì thì ráng mà chịu, đừng
đỗ thừa, trách móc vợ con không biết lo. Mà ông có đói chưa, để tôi dọn cơm ?
-Khỏi, tôi no lắm
rồi.
Năm 1992 Hoàng bảo lãnh ông bà Phụng sang Đức
với diện đoàn tụ gia đình. Trước khi sang Đức, ông đã mang trong người căn bệnh
đường cả mấy năm rồi, cứ lèn xèn mà không chịu hết. Vừa mới sang Đức độ một tháng
là Hoàng lo hết mọi thứ giấy tờ, để ông có thể đến Bác sĩ chữa trị tiếp. Hồi đầu
Hoàng chở ông đến Bác sĩ một lần bằng xe hơi, chỉ dẫn đường đi, nước bước thật
rõ ràng để đến Văn phòng Bác sĩ, kế đến Hoàng tập cho ông đi xe điện vài ba lần,
như thế nào cho đến nơi và ngược lại. Vì công việc hàng ngày Hoàng còn phải đi
làm, nên không đi cùng ông khám bệnh thường xuyên được. Thấy con bận bịu trong
công việc, nên ông đành đi và tập dần một mình. Tuy tuổi già, nhưng ông cố gắng
nghĩ ra cách làm sao cho dễ nhớ đường, như làm dấu tại một điểm cố định nào đó,
để khi đến cái dấu ấy, qua một trạm xe điện nữa thì xuống là chính xác.
Mặc dầu qua Đức nhà nước cho ông bà đi học
chín tháng tiếng Đức bắt buộc, nhưng cô giáo nói lỗ tai nầy, một lát sau, vội vàng
ra lỗ tai khác ngay. Kết quả sau chín tháng học tập ông chẳng thu thập được bao
nhiêu. Công việc tuổi già, bệnh tật của ông không ngoài chuyện là cứ đúng một
tuần (thứ hai) là ông lần mò theo cái dấu mà đi khám bệnh. Thời gian gần một năm
tất cả đều suông sẻ, trôi chảy. Hoàng nghĩ, cha mình đi như thế là hay lắm rồi,
nên chẳng cần phải quan tâm về việc đi đứng của ông nữa, mà lâu lâu chỉ hỏi thăm
chừng về sức khỏe mà thôi.
Một hôm như thường lệ, ông đi khám bệnh, ngồi
trên xe điện, mắt cứ chăm chú cái dấu hàng ngày, để xe qua thêm một trạm nữa rồi
xuống. Chờ hoài, chờ mãi chẳng thấy chiếc vải đỏ treo tòn ten đâu. Có lẽ, gió đã
làm bay mất rồi hay là chưa tới, nên không thấy. Nửa sợ sợ, nửa lo lo và cứ ngồi
miết trên xe, chiếc xe điện đã trượt qua chỗ ông Bác sĩ gần mười cây số.
Cũng may, vừa đến bến cuối cùng ông gặp một
người Việt Nam tử tế, thấy ông già, họ tận tình giúp đỡ và bảo. Ông đã đi lạc rồi.
Đồng thời họ cũng vui vẻ hướng dẫn, đưa ông ra xe khác để ông đi ngược về nhà.
Trong chuyện éo le nầy là gì, mấy ngày trước
đó Đội Vệ sinh Thành phố có lệnh dọn dẹp
khu vực nầy, nên đã vô tình gở tấm vải đỏ của ông xuống và cho vào sọt rác
mất rồi nên ông phải đành mất dấu.
Ngày hôm ấy làm ông không đến Bác sĩ được,
phải đành ra về trong nỗi buồn vô hạn. Ông nhất quyết chờ đến năm giờ chiều Thằng
Hoàng về và bắt nó phải chở đến chỗ cũ để gắn lại tấm vải đỏ khác làm dấu, còn
nếu không, tình trạng trượt bến sẽ xảy ra dài dài và cơn bệnh sẽ tăng dần thêm.
Ở nhà bà Phụng cứ nghĩ, hôm nay ông về
trong cơn buồn bực là gì, có lẽ Bác sĩ đã nói ông điều gì đó, ông biết, nhưng
không hiểu hết, nên ông thất vọng và chờ thằng Hoàng về chở đến đó để hỏi cho
ra chuyện. Nhưng không ngờ, khi ông nói ra chuyện mất dấu cái tấm vải màu đỏ mà
không đi khám bệnh được, bà nhẹ nhõm trong lòng.
Thủy Điền
Ngày 08, tháng 4, năm 2016
Thuy-Dien-Thivanviet.Jimdo.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét