Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

tản đà.jpg

BÁC TẢN ĐÀ VÀ BÁC MAI LÂM        

                        Nguyễn Phú Long


     Trong cuốn “Tản-Đà Vận Văn Toàn Tập” do nhà xuất bản Hương-Sơn Hà-Nội phát hành, Sống-Mới in lại ở Hoa-Kỳ, có bài “Viếng Thi Sĩ Tản-Đà” của Mai-Lâm mở đầu bằng hai câu như sau:

     Ôi thôi! Hỡi bác Tản-Đà,
     Suối vàng nay đã lánh xa cõi đời!



     Nhưng lúc đó, mùa hè 1933, thực sự thì nhà thơ miền núi Tản, sông Đà vẫn còn sống. Ông biết được tin ấy, rất lấy làm thú, thế ra ông còn may mắn hơn cả Nguyễn-Du!  “Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như.” Bèn đáp lại qua bài thơ “Cười Bác Mai-Lâm” cũng theo thể lục bát, gồm 26 câu, cũng có nhiều lần lập đi lập lại hai câu dzui thật là dzui!

     Nực cười cho bác Mai-Lâm,
     Thương nhau chi sớm mà lầm khóc nhau!

     Hai bài thơ này thời gian đầu tiên đã phổ biến lần lượt trên Tiểu Thuyết Thứ Bẩy số 32 và số 33  làm nên một giai thoại văn chương chan chứa tình người mà thật ngộ nghĩnh, ai đọc cũng thấy thoải mái, hào hứng…nực cười.

     Giai thoại về Tản-Đà  thì nhiều và cũng nhiều người đã biết, đã nhớ vì đều là mấy sự việc sẩy ra khá gần với thời đại chúng ta, lại nữa, các nhân chứng có thể vẫn thấp thoáng đó đây, họ có liên hệ, tiếp xúc, gần gụi. Họ viết ra, kể đi kể lại… nghe rất lôi cuốn, thú vị. Nhưng thú vị và lôi cuốn hơn cả theo nhiều người đó là chuyện rau sắng chùa Hương với nữ sĩ Song Khê sẩy ra năm 1923 và chuyện bác Mai-Lâm tự nhiên “Thương  nhau chi sớm mà lầm khóc nhau” vào một mùa hè mười năm sau đó.

      Nhớ lại hồi quan bố chánh Dương-Khuê qua đời (1898) Nguyễn-Khuyến cũng làm bài “Khóc Bạn” theo thể song thất lục bát, tổng cộng 38 câu, sở dĩ dài hơn bài của Mai-Lâm đôi chút, có thể vì hai người là bạn cùng đậu khoa thi hương năm 1864, đã cùng nhau uống rượu, làm thơ và hơn thế, còn có lần cùng… vui con hát nữa, nên khi biến cố sẩy ra, kẻ ở người đi, biết bao nhiêu kỷ niệm, tha hồ mà nỉ non kể lể, khác hẳn với trường hợp của Mai-Lâm. Thi sĩ Mai Lâm tự giới thiệu, giữa hai bên, chỉ là “người đồng bang!” bình thường:

     Tôi với bác, bác với tôi,
     Dẫu không quen biết cũng người đồng bang.

    “Không quen biết”.Vậy mà xúc động làm nên bài vĩnh biệt bộc lộ bao nhiêu tình nghĩa thắm thiết. “Viếng Thi Sĩ Tản-Đà” còn là một áng thơ độc đáo vì sự lầm lẫn rất đáng yêu của tác giả. Nguyên do chỉ vì có hôm trên chuyến tầu hỏa đang chậm chậm tiến vào sân ga, thi sĩ Mai-Lâm chợt nhìn thấy một người bạn cũng đang ngồi trên xe hoả nhưng chuyển bánh khởi hành về hướng ngược lại, người bạn ấy vẫy tay qua cửa sổ và chỉ kịp nói với Mai Lâm một câu:”Báo Tản-Đà chết rồi!” song vì giữa quang cảnh tấp nập, người xuống kẻ lên, tiếng hàng rong, rao bán, còi tầu síp-phơ-lê, xả sú-páp… khiến ông Mai-Lâm lại nghe là “ Bác Tản-Đà chết rồi” nên mới ra cơ sự.  

     Sự nhầm lẫn ấy có thể chẳng người nào quan tâm khi đọc hai bài thơ. Từ trước đến nay cũng chẳng ai lưu ý để ghi chép như một lý do, ngay trong cuốn “Tản-Đà Vận Văn” có in thêm lời chú thích ở dưới bài “Cười Bác Mai Lâm” ngõ hầu độc giả biết ít nhiều phần tiểu sử cũng vậy. Nguyên văn:

     “Ông Mai-Lâm làm giáo học trường Sacre-Coeur Cao-Bằng. Yêu văn chương thi sĩ, mơ tưởng gặp thi sĩ, rồi sau “An-Nam Tạp Chí” đình bản, ông được nghe người ta nói thi sĩ đã từ trần. Vì tiếc thương, ông làm bài thơ viếng trên đây. Rồi không ngờ thi sĩ hãy còn sống, lại đang viết giúp báo “Tiểu Thuyết Thứ Bẩy” nên ông Mai-Lâm gửi bài đó về nhờ thi sĩ sửa lại. Thi sĩ rất lấy làm thú là hãy còn sống mà được nghe người ta khóc mình. Liền cho đăng vào báo “Tiểu Thuyết Thứ Bẩy” và có bài đáp lại ở số báo sau. Vậy xin phép ông Mai-Lâm được đăng bài của ông ở đây vì có bài của thi sĩ Tản-Đà họa.” (H.S.)

     Lời xin phép của nhà xuất bản (chữ viết tắt H.S.có thể là Hương-Sơn) Khách quan mà nói, là một hân hạnh cho Mai-Lâm.Thi sĩ Mai-Lâm tên thật là Đoàn-Văn-Thăng sinh ngày 28 tháng 4 năm 1915 tại làng Hoàng Mai tỉnh Bắc-Giang, nhân-
viên công chức quan thuế (duoane) ở Lạng-Sơn, sau đảo chính Pháp Nhật thì đổi tới vùng biển Quất-Lâm rồi từ chức về dậy học tại Bùi-Chu, năm 1954 di cư vào Sài-Gòn vẫn tiếp tục làm giáo sư tại Trung học công lập Hồ-Ngọc-Cẩn như trước.

     Ông là tín đồ Thiên Chúa giáo nên đã sáng tác nhiều bài thơ thi hứng lấy từ Kinh-Thánh và từ các lời cầu nguyện, đặc biệt đã dịch rồi xuất bản toàn bộ 150 bài Thánh Vịnh mà môt người bạn của ông, mục sư đạo Tin-Lành, Vũ Đức-Chang. Cũng là một giáo sư trường Hồ-Ngọc-Cẩn, đang trú ngụ tại Pháp có lẽ hiện còn giữ được. ( Nhân tiện cũng  xin nói cho rõ, bài sưu tầm này, đã sử dụng mấy áng thơ mà mục sư Vũ-Đức-Chang vừa phổ biến trên đặc san Ninh-Cơ năm 2003 của nhóm cựu học sinh Hồ Ngọc-Cẩn ở Hoa-Kỳ. Còn tin tức lý lịch thì phần lớn nhờ được một thành viên trong gia đình thi sĩ Mai-Lâm cung cấp.) 

     Bài thơ Viếng Tản-Đà vì hơi dài, vì đã phổ thông và dễ dàng tìm đọc nơi mấy cuốn sách, cả bài Cười Bác Mai Lâm của Tản Đà cũng vậy nên với khuôn khổ một bài báo không chép ra đây. Thi sĩ Mai-Lâm mất ở Sài-Gòn sau tháng Tư năm 1975, ông còn để lại nhiều bài thơ tình (Theo thi sĩ Hoàng-Hưng “thơ tình và thơ tán gái là hoàn toàn khác nhau. Talawas tháng 5 năm 2008.), rải rác, đủ mọi thể loại từ lục bát, Đường luật, song thất lục bát… nay xin sưu lục một số ít, tiêu biểu để độc giả biết thêm về một thi sĩ xa xưa đã cùng Tản-Đà tạo ra một giai thoại văn chương khá thú vị cho làng văn học nước nhà.

     Khi lưu ngụ ở cao nguyên Bắc Kỳ ông Đoàn-Văn-Thăng có bài thơ tả cảnh Cao- Bằng thời Pháp thuộc với những sòng bài, chú Khách, rạp tuồng, cô Tây…

     Cao-Bằng Ban Đêm.
     Non nước vui chơi mãi hết ngày,
     Cao-Bằng đêm đến cảnh buồn thay!
     Lưa thưa ngọn điện đường loe đóm,
     Lụp xụp khu nhà mái khuất cây.
     Sòng bạc bi bô vài chú khách,
     Rạp tuồng nhí nhảnh mấy cô Tây.
     Nên thơ chỉ có cầu sông Hiến
     Dưới ánh trăng vàng nước cuộn mây.
                  Mai-Lâm.- Cao-Bằng 1934.

     Bài thơ sau đây nói về một vị hoạt động chính trị ở nước ta hầu như ai cũng biết, chứng tỏ ông cũng lưu tâm đến quốc sự đương thời:

     Viếng Cụ Sào-Nam.
     Khoanh tay buồn ngắm cảnh giang san,
     Tham tiếc gì đâu chút sống tàn!
     Bể rộng chứng cho lòng mến nước,
     Trời cao soi thấu dạ thương dân.
     Khua chuông gắng gọi hồn dân tộc,
     Mài kiếm hoài trông sức ngoại bang.
     Nấm đất cố đô vui chí cả,
     Anh hùng còn lại tiếng gian nan.
                   Mai-Lâm.- Hà-Nội 1940.

     Ông còn làm nhiều bài thơ bằng Pháp ngữ.

     À Mon Vieil Ami Nguyễn-Đình-Hưng.
     La journée est trop courte, nous sommes bien au soir;
     Le cimetière nous attend, voilà notre dortoir!
     Ami, tu crois en Dieu et en la viefuture
     Ton âme ira au ciel, mai en est-elle sure?
     Tout le pétrin, lessoins de cette vie présente
     Pèseront-ils très lourds, comme action méritante?
     “La foi qui n’agit point, est-ce une foi sincère?”
     Penses-y, au nom de notre amitié si chère.
                                             Mai-Lâm.

     Bài thơ tặng người bạn thân trên đây đã được tác giả tự dịch sang Việt ngữ như sau:

     Ngày ngắn quá và chiều đã tới,
     Nghĩa trang: phòng ngủ đợi chúng ta!
     Anh ơi sao chắc được là
     Hễ tin có Chúa, hồn qua nước trời?
     Những lo lắng cuộc đời cơm áo,
     Kể là công? Công hão mà thôi!
     Đức tin quên khuấy cũng hoài,
     Xin anh nhớ lại, nghe lời bạn thân.
                                 Mai-Lâm tự dịch.

     Mới đây tôi tình cờ hân hạnh biết và liên lạc với người con của giáo sư Đoàn-Văn-Thăng là Đoàn-Ngọc-Kiều-Nga, cô cũng là nhà thơ, mà năm 2007 “Thư Ấn Quán Hoa Kỳ” ở New Jersey của Trần-Hoài-Thư mới in tập thơ “Ngơ Ngác Ngó Quanh Đời.”  Trong đó có bài thơ Đường luật nhan đề ”Đường Thi Hoài Cảm” phảng phất kín đáo bầy tỏ tấm lòng ngưỡng mộ người cha đáng kính:

     Nét bút Rừng Mai hoài đậm sắc
     Vần thơ Núi Tản mãi lưu hương…
                      Đoàn-Ngọc Kiều-Nga. Saigon-2006

     Rừng Mai là Mai-Lâm là làng Hoàng Mai tỉnh Bắc Giang. Có lẽ ngôi làng vùng cao nguyên Bắc phần rất nhiều mai nên mới được đặt tên như thế. Làng nào thường thường cũng có hình ảnh cây đa cổ thụ như quê hương của nhạc sĩ Chung-Quân,  “Làng tôi có cây đa cao ngất từng xanh”.  Làng Hoàng-Mai hơi khác, không thấy nói tới cây đa mà ở đầu làng lại là một cây thị xum xuê bóng mát, hương thơm lan tỏa...để khi tới thăm Mai-Lâm nhà thơ Bàng-Bá-Lân đã ghi lại giới thiệu qua mấy câu thơ:

     Ai về… nhớ cảnh Hoàng-Mai
     Hỏi thăm cây thị còn sai quả vàng.
     Trăm năm đứng sững đầu làng,
     Đợi bao nhiêu khách qua đàng ngược xuôi.
                               Bàng-Bá-Lân

     Cô Kiều-Nga còn cho biết thi sĩ Mai-Lâm có làm đôi câu đối điếu Tản-Đà khi tác giả “Khối Tình Con” chết thật.

     Bác thật về sao? Tiệc rượu thần tiên đang đợi khách,
     Tôi còn ở mãi! Tình thơ non nước vẫn lưu người.

     “Bác thật về sao?” Câu hỏi mô tả sự kiện đột ngột, sửng sốt vô cùng đắc địa, hơn thế nữa nó còn như lờ mờ cái “bán tín bán nghi” liên hệ với câu chuyện “nực cười” thuở nọ. Sao lần này ông cụ chả sáng tác một bài thơ nữa mà lại làm đôi câu đối nhỉ? Có lẽ bác Mai Lâm không muốn lập lại. Bác đã có bài viếng hồi đó rồi, trước sau vẫn một tấm lòng, nay sáng tác đôi câu đối để thay đổi.

     Thi nhân không phải chỉ làm thơ mặc dù thơ là cô đọng, dễ rung động con người. Cho nên phân chia ra thi sĩ, văn sĩ đôi khi cũng là hơi quá chuyên môn. Thi sĩ viết văn (cả viết câu đối nữa,) là chuyện bình thường. Ngược lại, như cố văn sĩ Mai-Thảo qua tập thơ “Ta Thấy Hình Ta  hững Miếu Đền.” thực sự rất xứng đáng là thi sĩ, mặc dù nếu còn sống, chưa chắc ông đã chấp nhận danh vị này vì hàng ngũ thi sĩ hiện thời đông thật là đông và chẳng biết câu “Từ Chu Hán vốn sĩ này là quý.” Trong bài hát nói của người xưa, bây giờ còn đúng chăng?

     Theo ý kiến cá nhân tôi, trên lãnh vực văn học, làm thơ, nói riêng là khó vô cùng, ngoài sự cần đến cái năng khiếu, chút kiến thức, cái lòng rạt rào muốn bày tỏ, cái tâm tư muốn ký thác, cái ý chí muốn chống chọi với thời gian, không gian, trước sự hiện hữu nhỏ bé, yếu ớt của con người còn thật là nhiều nỗi khó khăn cần phải vượt qua. Làm sao để “đứa con” được phổ biến, lưu truyền, đón nhận, càng lâu, càng rộng, càng tốt… phải chăng đó là mục đích của sự mài miệt âm thầm làm việc của thi sĩ?   

     Bài thơ “Viếng Thi Sĩ Tản-Đà”  của Mai-Lâm phần lớn người Việt-Nam từng cắp sách tới trường đều biết, nó đã sống hơn nửa thế kỷ nay, tôi tin rằng nó còn được lưu truyền mãi mãi. Vậy tìm hiểu ghi lại đôi dòng tiểu sử về người sinh ra nó tưởng cũng không phải là dã tràng xe cát.

Nguyễn-Phú-Long                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét