Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2016

thơ mộng.jpg


Đinh Thị Quang Tuyết


        Tôi là chiếc cầu nối mang tên Nguyễn Hoàng Chân Dung & Kỹ Niệm. Chỉ còn một số nữa tôi sẽ khép lại những trang viết tâm tình. Một chút bâng khuâng với nhiều dấu hỏi. Còn có ai chưa một lần đặt chân vào vườn xưa?  Và tôi đã kết nối được bao nhiêu chuyến đò lưu lạc khắp bốn phương trời?

        Bạn chưa nói điều gì, sao không thổ lộ hết ra đi? Thời gian kiếm tìm hay ngồi bên nhau, đang từng giờ từng khắc rút ngắn vội vàng. Hàng cây đời rụng lần những chiếc lá, chiếc còn lại có lưu luyến cũng đã ngã vàng thu. Còn gì nữa để im lặng, để băn khoăn bạn nhỉ? Thôi thì ta hãy viết, hãy trút hết tâm tư …Có còn gì nữa đâu mà mình giử mãi trong lòng…


        Tôi đã nghe thấy lời kêu gọi của chiếc cầu. Tôi đã nhận ra rằng: Chỉ còn một bước nữa cầu đã khép lại bờ vui, nhưng còn biết bao nhiêu bạn bè vẫn mịt mù tăm cá, biết bao ray rức đang âm ỉ trong lòng anh, lòng chị, lòng tôi… Về thầy cô, về bạn bè, về những mối tình trắng trinh màu áo, miên mang trong ký ức, như tựa đề bài thơ và cũng là nỗi trăn trở của đàn anh NH “Sao hồi đó anh không cưới em”.

        Thôi thì xin hãy cùng nhau:…”. Tìm một chút hương xưa….Tìm về đường cũ nên thơ…và gặp người xưa ước mơ…”. Một lần nhớ về thôi, rồi khép cánh cửa đời cho tất cả thành trăm năm sương khói.

        Ngày xưa ấy… ba chữ thật đơn sơ, mà gợi bao nhiêu là câu chuyện, làm hồn người gợn sóng lao đao. Chuyện từ khi tiểu thuyết Vòng Tay Học Trò của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng xuất bản. Các cô nữ sinh tuổi mới lớn đâm ra mộng mơ lãng mạng, để rồi các vị thầy trẻ mới ra trường, thành hoàng tử trong tâm hồn các Nữ Sinh Trung Học ngây thơ.  Các nam sinh thì sao? chọn cô giáo nào thật hiền, thật xinh  để lý tưởng, có bạn nam  ngày nay đã thú nhận với bạn mình rằng: ngày xưa thích ngắm nhìn  cô Liên, vợ của Nha Sĩ Tài rồi đấy. Tôi kể lại cho mọi người nghe nhé. Hãy nhớ, chỉ một lần thôi, rồi xin cất dấu tất cả vào ngăn tủ ký ức.

        Bạn tôi: Mây Xanh, đem lòng mến mộ môt người thầy trẻ tài hoa. Thầy rất hiền, mái tóc dài nghệ sĩ. Giáo sư môn sinh ngữ 2; Pháp Văn, lại có biệt tài đàn hát. Thầy thường ôm Guitar thùng tập cho chúng tôi những ca khúc phản chiến, vào những lúc sinh hoạt lớp. Hồi ấy phong trào du ca rất nóng. Nên hình ảnh thầy lung linh làm sao. Đặc biệt làm sao.

        Một lần đến giờ kiễm tra bài tập Pháp Văn, thay vì làm bài, Mây Xanh bạo gan viết vào trang giấy dòng chữ:” Em Y. thầy”…Người thầy trẻ lặng đi, đỏ tía tai mặt mày nói chẵng nên lời. Chưa có đáp án nên chưa ngừng lại. Lần sau, Mây Xanh đứng lên xin thầy phát biểu giữa lớp: “Thưa Thầy!  Các bạn trong lớp nói em y. thầy”. Lại một lần nữa thầy đỏ mặt ngượng ngùng. Chúng tôi nói đùa: “Mây Xanh không thuộc bài, không làm bài sợ thầy gọi lên trả nên bạo gan gây sóng nhiễu từ…”. Đó không phải là sự nông nổi của tuổi học trò, chắc chắn đọc đến đây ai cũng sẽ nghĩ: Chao ôi! Lỳ thật..Gan thật..Lúc ấy tôi cũng nghĩ thế. Nhưng khi lớn lên, va chạm cuộc đời đến trầy vai rách áo vì miếng cơm, vì cuộc sống. Tôi hiểu ra rằng:  Sự ngưỡng mộ của Mây Xanh, đã thần tượng hóa hình ảnh người thầy nghệ sĩ, trong lòng của một cô gái đang tập tành làm người lớn, điều đó hoàn toàn không phải tình cảm nam nữ bình thường, mà chính là ước mơ của tuổi cập kê,  bên ngưỡng cửa cuộc đời.. Tuổi còn non nớt, làm sao tìm ra được nguyên nhân để mà lý giải?...  Nếu gặp trường hợp như thế này NAM NHÂN khác sẽ xử lý sao nhỉ? Tôi nhớ thầy im lặng, bình tỉnh khoát tay bảo:’” Em hãy ngồi xuống”, giải tỏa cho cả Mây Xanh một tình huống khó khăn, rồi tiếp tục giãng bài như không có gì xãy ra. Không biết thầy có gặp riêng Mây Xanh phân tích và khuyên nhủ không, nhưng kể từ đó Mây Xanh không hề có những biểu hiện gì khác nữa, và tất cả như gió bay thoáng qua tâm hồn cô học trò thơ dại.

        Qua bao năm xa cách, thầy lẩn trò mái tóc đã úa vì thời gian, gặp lại nhau tình cờ một sáng rất đẹp, tại khu resort của ngày họp thường niên Nguyễn Hoàng Đà Nẵng.  Nhắc lại chuyện xưa thầy cười hiền lành nói:” Câu chuyện ngày xưa ấy, là một kỹ niệm đẹp trong đời dạy học của thầy…” Và tặng Mây Xanh một cành Hồng đầy gai…Những gai này không làm tâm hồn ai rướm máu, mà chỉ đem lại chút bâng khuâng về một thời áo trắng sân trường. Vâng, đúng như thầy nghĩ: Chuyện xưa là một kỹ niệm đẹp.

        Một chuyện tình dễ thương của một đàn chị Nguyễn Hoàng: chị Thủy An. Em xin lỗi là chưa hỏi ý kiến chị đã công khai ngày xưa ấy của chị và anh. Sở dĩ em dám đưa ra, là vì một buổi sáng cuối thu, trời rất đẹp ở café VƯỜN NHÀ AI, khi bầy chim Bồ Chao lao xao chuyện xưa chuyện nay, Ngọc Chung tuyên bố:” Chừ còn chi nữa mà dấu, tự thú hết trước bình minh đi…” Và chị cũng đồng tình:” Thì nhắm mắt cho tôi tìm một chút hương xưa thôi…” Vì thế em tin chị sẽ vui vẻ đọc và không giận em, nhé chị kính yêu?

        Thuở ấy, chị còn ngây thơ chưa biết ưu tư. Người Hiệu Trưởng trường Nam Tiểu Học, thường lui tới nhà chơi với anh trai chị, đã chết chìm trong đôi mắt bồ câu của cô em gái bạn. Để rồi ngày nào cũng phải đến bên bậu cửa sổ nhà nàng, tựa cằm ngơ ngẫn nhìn chị ôm cặp sách đến trường. Chỉ chừng ấy thôi, chỉ một thoáng nhìn qua đã là tất cả, rồi vui vẻ đến trường làm việc. Mối tình không nói bằng lời, không một câu hẹn hò hoa mỹ, cứ thế…cứ thế.. không biết bao lâu, bằng cách nào anh đã làm lòng chị mềm đi, cãm nhận được sự chân thành của người thầy giáo si tình, đồng ý cho anh KHỚP NGỰA Ô đưa chị về dinh. Một kết thúc rất bình yên đẹp đẽ, một gia đình hạnh phúc cho đến ngày nay. Tôi rất ấn tượng những câu thơ ngẫu hứng, anh đã đọc hôm chúc mừng những old NH, cùng sinh trong tháng 9 tại café Cây Đa. Trong đó có chị, người PN dù bao nhiêu tuổi cũng vẫn là cô gái mắt nai duyên dáng trong lòng anh
Với  vợ:
Riêng mình không biết  ngày Sinh Nhật
Nên chẵng bao giờ nhận được hoa
Nay được phúc phần nương bóng vợ
Hưởng thêm chút lộc, chút hương hoa.

Với bạn Xiển:
Năm mươi năm thân nhau
Mới hay giờ Sinh Nhật
Cành hoa này chân thật
Gởi bạn tấm lòng ta.

         Tôi nao nao lòng, cay cay đôi mắt, khi nghe anh đọc những vần thơ chúc bạn, mừng vợ: dung dị mà chứa đựng biết bao tình cảm phải không các bạn?. Người thầy năm xưa, và đôi mắt bồ câu thuở nào vẫn thế, như dòng sông mãi rộn ràng cùng những con sóng xô bờ….

        Còn tôi, cũng nhớ và trăn trở về một người thầy, nhưng không mang ý nghĩa như Mây Xanh. Mà tôi nhớ thầy, nỗi nhớ về một người thân. Tôi kính yêu vô cùng người giáo sư tận tâm, và nhiệt huyết.  Thầy chính là người khuyến khích tôi làm thơ, viết văn. Thầy tập tôi làm quen hát trước đám đông, trong những buổi văn nghệ toàn trường cũng như trong lớp. Thầy cũng chính là người dẫn dắt tôi và các bạn tham gia phong trào Học Sinh Phật Tử. Một người thầy năng động, tác phong nhanh nhẹn, tính tình quyết đoán như người lính. Tính thầy rất dễ nổi nóng, nên phần đông HS Nam không dám gần gủi.  Nhiều lần thầy nói với tôi” Hành văn của em ướt át và uyển chuyển giống Thái Đào lớp trên. Cuộc đời của em sau này coi chừng khổ về tinh thần. …”Nhất là  khi tờ báo tường đầu tiên của lớp thành hình, Tôi là trưởng ban học tập, cùng bạn Nguyễn Phú Cường, một cây bút tài hoa của lớp miệt mài trang hoàng và  đăng bài các bạn. Trong đó có bài thơ ngắn của tôi, nỗi niềm người con trong bối cảnh gia đình, đọc xong thầy thở dài dặn dò tôi: “Hãy vững chãi, và sống mạnh mẽ lên nghe em”.

        Tất Niên năm ấy, tôi tập bài Hoa Xuân của NS Pham Duy. Hát lui, hát tới tôi cứ vào sai nhịp. Tức quá thầy quát cho một trận:” Không tập trung, nhịp Slow dể nhất mà hát mãi không xong”… Tôi khóc sướt mướt, giận thầy không chịu đi tập nữa. Mấy hôm sau đến giờ, thầy mĩm cười cóc đầu tôi và nói:” Hát sai thì ráng tập, gần Tất Niên rồi đó nghe” Và cho tôi bịch ô mai để ngậm cho thanh giọng. Mãi đến những năm sau này, tôi mới phát hiện ra là mình phải vào nhịp cuối mới không bị rơi.

        Những trưa đi học về, tôi thường gặp thầy tất tả trên chiếc xe Vespa màu lam khói, từ trường Bồ Đề chạy về nhà. Hết Bồ Đề, lại đến Nguyễn Hoàng như con thoi trên khung cửi. Thật vất vả.  Thời ấy, phần đông thầy cô dạy hai trường: TH Nguyễn Hoàng, và Bồ Đề. Có người dạy những ba trường vì thiếu giáo sư. Tôi có tiếng chạy xe Honda nhanh, nên không biết bao lần vào lớp, thầy lắc đầu than:” Thấy con Tuyết chạy xe mà ớn quá, như gió. Tóc bay dựng đứng”…Rồi lo lắng căn dặn, nhắc nhở như một người cha.

        Sau 1972, tan đàn xẽ nghé. Thầy trò lưu lạc bốn phương chẵng biết tin tức gì nhau. Chân ướt chân ráo năm ấy, vào Sài Gòn gặp lại các bạn hàn huyên, thăm hỏi mới biết  thầy ở Đà Nẵng. Cuộc sống khá vất vả như phần đông các thầy cô và người dân Quảng Trị khác. Tôi cũng rất khó khăn, tay nách bốn đứa con chưa ra ngô ra khoai, nên không biết làm sao tìm thăm thầy, dù Quảng Ngãi và Đà Nẵng chỉ cách nhau 120 km.  Thời gian ngắn sau thì nghe tin thầy mất, lòng canh cánh mãi như mất đi một người thân trong gia đình. Vậy mà đã bao năm rồi, tôi vẫn chưa một lần tìm đến nhà thầy, thắp nén nhang gọi là tưởng nhớ, làm sao lòng không ray rức?. Nào phải mất đi có nghĩa là không còn gì cả. Mỗi lần họp trường, hay đứng trên sân khấu tham gia văn nghệ, tôi lại xót xa nhớ thầy. 

         Mấy tuần nay, đọc được tin các anh chị CHS NH NK 64-71, liên tục viếng thăm thầy cô giáo cũ, lòng lại càng se sắt. Phải chi chưa mất, hẵn phong trào Nguyễn Hoàng còn vang tiếng hát của thầy, còn có bóng dáng năng nổ nhiệt tình, xây dựng và kết nối phong trào, để những học trò cũ như tôi còn cơ hội gặp gỡ, thăm hỏi…Nhưng mà người đã mất từ lâu. Tôi chỉ biết nhớ về thầy, về một người huynh trưởng, về một ngọn lửa đã tắt. Xin viết lên những dòng suy nghĩ này, như là  nén hương tưởng niệm, kính nhớ đến thầy: Giáo Sư Cố Vấn Phan Văn Cẩn. Người thầy em luôn kính yêu.

        Một người thầy nữa cho tôi một ấn tượng không phai mờ, đó là thầy Nguyễn Đức Đô. Thầy chỉ dạy chúng tôi mỗi một năm. Nhưng đó lại là năm đầu tiên bước vào Trung Học nên hình ảnh thầy vẫn hoài lung linh trong trí nhớ của tôi. Thầy thấp người, có hàm răng hơi hô (em xin lỗi thầy). Là giáo sư Quốc Văn, cố vấn Đệ Thất 1. Hình ảnh thầy đi liền với cô bạn gái xinh đẹp Nguyễn Thị Hà. Năm ấy, tôi và Hà rất thân nhau như hai chị em. Khi nghe tin sang năm Hà sẽ chuyển trường vào Huế theo gia đình, tôi buồn như “thất tình”. Giờ sinh hoạt, ai hát hay ngâm thơ sẽ được điểm. Tôi đã hát bài “ Yêu là ảo mộng” rất nức nở thầm tặng cho cô bạn thân yêu.( bắt chước anh Võ Văn Đạt). Ôi chao ôi! Mọi người có biết không, thầy đã cười ra tiếng khi thấy tôi mang hết tâm trạng vào bài hát, bằng những giọng ngân run rẩy bi thương theo khuôn Duy Khánh. Mà ai lại không cười cho được, khi cô bé hỉ mũi chưa sạch, lại ướt át trong bài hát có nội dung đau khổ vì tan vỡ duyên tình đôi lứa.

        Tôi nóng bừng hai lỗ tai vì mắc cỡ,  nhưng nào dám nói mình buồn vì sắp xa bạn, bây giờ nghĩ lại thấy rất tức cười thật…Em không biết thầy còn nhớ không ? Khi qua bao năm tháng dãi dầu, khi trong đời làm thầy giáo có biết bao học trò còn đặc biệt hơn em. Hết niên khóa, Hà chuyển vào Huế làm cô nữ sinh Đồng Khánh đài các xứ cố đô, vài ba thư kèm những giọt nước mắt xa bạn cũng dần dần khô ráo, và chúng tôi bặt tin nhau. Lên Đệ Lục thầy Đô cũng không còn dạy chúng tôi nữa.
      
VỀ BẠN:
        Những người bạn cùng lớp ngày nào chừ gặp lại, mỗi đứa mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận khác nhau. Nhưng chung một điều, là cãm xúc ngập tràn khi tìm ra thêm một đứa. Trong số Tập San CD&KN cũ tôi đã kể lại về “những người bạn của tôi”. Bây giờ sĩ số lớp nay đã tăng lên, dù chỉ là con số khiêm tốn. Đó là lớp trưởng Thất 1: Lê Duy Thống. Chúng tôi thường cặp đôi với chị lớp phó Nguyễn Thị Chim (không biết giờ chị ấy ở mô). Anh lớn tuổi hơn chúng tôi, thế mà trông anh còn rất khỏe và trẻ. Gặp nhau, nhưng chưa nói chuyện được nhiều, cứ mãi rộn ràng không khí ngày hội Nguyễn Hoàng ở Quảng Trị. Sau chuyến gặp gỡ ấy, anh lại bặt âm vô tín. Người mà tin tức nhận được vẫn bãng lãng như mây là Phan Chánh Tâm.

        Nhắn người này người kia vẫn chưa nghe lời đáp trả. Bạn ấy giờ ở đâu, cuộc sống ra sao vẫn ẩn trong dấu hỏi thật to. Bạn Nguyễn Phú Cường, một bàn tay tài hoa làm báo tường của lớp, cũng không hề có tin tức. Bạn Hoàng Quốc Việt từ ngày lưu lạc trời Tây, chẵng biết cuộc sống, sức khỏe thế nào, không một ai hay. Có anh chị nào biết xin cho chúng tôi thông tin với. Một Trần Thị Mỹ Hóa ở Lái Thiêu, sát nách TP HCM. Ông Xã của Hóa cũng là một CHS NH, khóa 64-71 mới hay chứ, vậy mà hai người lặng lẽ cho đến năm ngoái mới phát hiện ra địa chỉ liên lạc.

        Từ hôm ấy đến giờ, Hóa và anh Nguyên thỉnh thoảng tham gia sinh hoạt cafe Cây Đa, ngày họp mặt đầu năm cũng hăng hái về dự. Còn có Lê Thị Hoa, tức là Hoa Bắc Kỳ. Câu chuyện chiếc áo len tình nghĩa xãy ra năm nào nhỉ? chỉ nhớ trong lớp có một bạn nam rất nghèo, trời lạnh đi học mặc mãi chiếc áo sơ-mi phong phanh. Giáo sư cố vấn hô hào cả lớp góp tiền mua len, và người đan áo cho bạn chính là Lê Thị Hoa, với sự hổ trợ của chị gái, cũng là một HS NH. Cả hai chị em đêm ngày cắm cúi đan vì sợ cái lạnh cắt da mùa đông, bạn ấy sẽ không chịu nổi. Ngày nhận quà, bạn rưng rưng muốn khóc, cả lớp cũng lặng đi vì xúc động. Chiếc áo len ấy giữ hơi ấm, xua tan gió lạnh cho bạn suốt mấy mùa đông và cả lớp chúng tôi cũng thấy như ấm lòng chính mình…Bạn ấy tên gì nhỉ?...Trí nhớ tôi mơ hồ quá. Khi tôi ghi lại những dòng cảm nghĩ này, thì nhận được tin nhắn của NV Trị :” Các bạn Đệ Thất 1 hãy cùng quan tâm chia sẻ đến bạn Nguyễn Tường. Bạn ấy bị bịnh tim đang ở Đồng Nai…” Người hưởng ứng đầu tiên, cũng chính cô bạn Bắc Kỳ dễ thương Lê Thị Hoa.

        Phan Thị Hòa, PhạmThị Hiền hiện nhà gần nhau ở Đà Nẵng. Công này nhờ Phan Thị Quỳnh Thủy thông tin. Trong chuyến về Đà Nẵng cùng Cao Thị Yến, chúng tôi đã gặp được nhau tại nhà Bích Hường. Một buổi tối vui đến bến bờ Tình Bạn. Nguyễn Đức Thịnh thì ở Đức Trọng, Lâm Đồng. Dù mãi mê công việc xây dựng và thiết kế nhà cửa, vẫn  thường xuyên gọi điện thoại về thăm hỏi bạn bè, còn thông tin vui buồn một số bạn cho chúng tôi biết nữa. Các bạn Thất 1, rồi 10C gần như cùng lớp, đúng với câu” Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Một lời thăm hỏi biết bao nhiêu tình. Mỗi hoàn cảnh, mỗi số phận tỉ tê tâm sự, nổi buồn sẽ vơi đi khi chia sẻ. Hạnh Phúc nhân lên khi vui chung.

        Lê Quang Tịnh mồ côi vợ đã lâu, vẫn cô đơn làm thân gà trống nuôi con. Mấy chục năm không gặp, trông bạn thật khắc khổ. Mà bạn ấy còn nhớ cả số xe HonDa của tôi, trong khi tôi chẵng nhớ tí tẹo nào. Có lẽ hình ảnh ba trợn ngày xưa, của tay đua gắn máy nữ làm người ta khó quên chăng. Trong khó khăn thực tế, mà gần như café NH cuối tháng nào, Tịnh cũng dậy 4g sáng lai xe máy từ Dầu Giây, Long Khánh đèo Lê Thị Hoa, vào SG nhâm nhi Café Cây Đa, chỉ vì một lý do duy nhất: để được gặp, và chuyện trò với bạn bè. Đáng tuyên dương không? Sau này Nguyễn Văn Trị thấy vất vả, và đường sá xa xôi không an toàn cho hai bạn, nên đến kỳ Trị im hơi lặng tiếng. Nếu gọi Cafe Cây Đa là miền Tuổi Thơ, thì  nơi ấy đã cho chúng tôi nguồn sống tinh thần phong phú đấy. Mong sao các bạn chân cứng đá mềm để tụi mình còn thường xuyên gặp gở nhau.

        Tôi vừa  nhận được tin nhắn của Hoàng Đình Việt :” Quang Tuyết ơi! Mình vừa liên lạc được với Trần Hữu Xuyến. Đây là số điện thoại của Xuyến. Thật vui vô cùng. Xuyến: Người bạn da ngăm ngăm đen, miệng hơi rộng. Xuyến viết chữ rất đẹp và cũng nghịch ngợm như “học trò”. Bạn bây giờ ở Huế, công việc và cuộc sống thế nào chúng tôi chưa tâm sự cùng nhau, chỉ trọng tâm tán hươu tán vượn cho thỏa tình bạn. Qua tiếng nói chúng tôi biết bạn vẫn khỏe, vui vẻ và nặng lòng nhớ thương bạn bè. Cám ơn trời. Xin hẹn nhau về một ngày trong tháng 6 phó hội trùng dương…Hữu Xuyến nhé!

        Các anh chị và các bạn chắc chắn đã đọc câu chuyện cổ tích Phạm Công, Cúc Hoa rồi chứ? Hoàng Đình Việt, cúc cu một ba lô đồ nghề thợ mộc, cõng trên lưng đứa con trai bé nhỏ, hết tỉnh này sang xã khác để làm công, như hình ảnh nhân vật Phạm Công cõng con, xung trận trong truyện Cổ Tích cùng tên. Cậu bé ấy giờ đã là một Bác Sĩ tài đức của BV Truyền máu huyết học TP HCM rồi đó. Trưởng thành từ giọt mồ hôi trên lưng ba, nên cháu rất từ tâm và ý chí mạnh mẽ. Lúc mới gặp nhau, tôi không hình dung được khó khăn của bạn trước đây, để chống chèo và lo lắng cho bốn đứa con thành tài. Mãi đến sau này thân thiết, thỉnh thoảng tranh thủ được thời gian, hai đứa đi uống café, tán dốc ôn lại chuyện xa xưa. Có tâm sự vui buồn, mới rõ phần nào cuộc đời của Việt. Biết bao lần vì mặc cảm thua sút,  bạn không dám tìm gặp bạn bè, dù địa điễm họp thường niên gần nơi làm việc. Bạn kể cho tôi nghe những giọt nước mắt người cha, khi nhận giấy báo gần hết hạn nạp học phí cho con, mà túi thì rỗng tuếch, xứ lạ quê người biết làm sao xoay xở? Tìm đến người thân ư? người thân ngoảnh mặt. Tìm đến bạn xưa? Bạn lật đật quay lưng. Đạp chiếc xe lang thang không định hướng, đời đưa lên rồi người đạp xuống.

        Nước mắt đàn ông chảy ngược vào trong đã không nén được, tuôn dài trên gò má. Nhưng Trời không nỡ tước hết hoàn toàn cơ hội may mắn của Việt, người đời nào phải ai cũng lạnh lùng, vô cảm trước sự khó khăn của đồng loại, nên bạn đã gặp và đã được những người tốt giúp đỡ, tạo điều kiện cho bạn nuôi các cháu thành tài. Bản năng tồn sinh mạnh mẽ, trách nhiệm làm cha thiêng liêng, đã vực bạn đứng thẳng, cho đến ngày khó khăn lùi bước. Sự trưởng thành của những đứa con, chính là phần thưởng lớn nhất đời của Hoàng Đình Việt. Bạn đã thành công, bằng chính  tinh thần ý chí, bằng đôi tay lao động không mệt mỏi của mình.

        Kỷ niệm lý thú nhất của tôi và Việt hồi còn đi học, là câu chuyện  xảy ra năm chúng tôi học Đệ Ngũ. Hồi đó, chiều nào tôi cũng đi đón hai cô em gái ở trường Nữ Tiểu Học. Hai bạn Hoàng Đình Việt và Hoàng Quốc Việt nhà ở gần chùa Tỉnh Hội, nên thỉnh thoảng tôi tạt ngang chơi. Vào một chiều, đón em xong tôi rủ hai bạn đi thăm nhà một người chị quen tên là Kiểu ở  Bích La. Trời vừa mưa, nên đường vô làng trơn ướt, làm tay lái tôi trôi tự do xuống ruộng mang theo cô em kế, nằm chổng cọng dưới lớp bùn đất, lấm lem từ đầu đến chân, nhưng cũng may là không sức mẻ  gì. Trời đã sầm sập tối, lật đật mượn áo quần chị Kiểu thay y phục dơ, rồi cả ba đứa phóng như bay trở về thị xã. Nếu chậm trễ, sau khi nghe xong bản tin của đài BBC, thế nào ba tôi cũng vào phòng kiểm tra con cái học hành, ba tôi vốn rất nghiêm khắc và nóng tính, không có mặt bị ăn roi mây là cái chắc.

        Cả hai Việt và tôi đều lo lắng, hoảng sợ. Lòng thầm suy tính kế thoát hiểm. Đình Việt bày vẻ:” T. về mặc hai ba cái quần dày, hay lót sách vở gì đó để che mông”. Quốc Việt can ngăn:” Lót vậy quất vô là nghe tiếng, ba QT biết liền. Không khéo tăng hình phạt. T nắm chặt tay, gồng mình lại. Hay buông thõng cả người, tưởng tượng chuyện gì đó để không quan tâm uy lực của cái roi”…May mắn sao hôm ấy có khách, hai chị em thoát nạn trong đường tơ kẻ tóc, lặng lẽ vào cửa hông, tắm rửa thay áo quần ngồi vào bàn học nghiêm chĩnh.  Sáng mai đi học thấy tôi vui vẻ, hỏi ra hai bạn mới hoàn hồn. Từ đó không đứa nào dám rũ rê đi chơi xa. Bây giờ ngồi kể lại thấy vui thật. Ôi nói mấy ngày cũng chưa hết kỷ niệm của song Việt và tôi. Tôi tạm chuyển vậy.

        Tuổi tác mỗi ngày mỗi lớn, lại ảnh hưởng ít nhiều quá khứ gian khổ, nên sức khỏe Việt không tốt như lúc mới gặp lại. Mong sao Việt sớm ổn định, để bạn bè cùng lớp thường xuyên gặp gỡ, sinh hoạt. Khi tôi viết bài này là lúc bạn vừa được thăng chức : Ông Nội. Hạnh Phúc đang đến bù trừ cho bạn. Một cô công chúa nhỏ trong gia đình chỉ có  5 người đàn ông. Chúc mừng nhé! Bạn thân yêu.

        Một buổi sáng đang lơ mơ, tôi nhận được cuộc điện thoại từ Tiểu Bang xa xôi của nước Mỹ. Người bạn cùng lớp đệ Thất 1: Lê Viết Trị. Viết Trị liên lạc với Nguyễn Văn Trị và biết được  điện thoại một số bạn, nên gọi về thăm hỏi từng người. Tôi được ưu tiên gọi đầu tiên, vì tôi có quỷ thời gian rổi nhất trong nhóm. Nên từ đó Viết Trị thường xuyên gọi về, kể cho tôi nghe cuộc sống của mình. Chuyện gia đình, công việc, khi vui khi buồn nên ít nhiều tôi cũng hình dung ra hình ảnh của người bạn cũ. Một người Việt, sống lẻ loi trong khu toàn người Mỹ. Cô vợ rất dễ thương  là người bản xứ, con trai độc nhất của bạn chỉ biết tiếng của mẹ. Vì thế Trị rất khao khát được tiếp xúc người Việt. Bạn ấy có thể gọi phone hằng giờ không mệt mỏi, vì muốn được nghe, và được nói bằng tiếng mẹ đẻ. Ngại làm phiền bạn bè bên này, vì chênh lệch múi giờ, nên Trị phải thức dậy nửa đêm về sáng, để gọi tâm sự cho được nhiều. Bạn ôm đàn hát say sưa cho tôi nghe, hết bài này đến bài khác không chán. Tôi yên lặng thưởng thức. Các bạn ơi! không phải chỉ là bài hát, tiếng hát mà đó chính là tiếng lòng của người con xa xứ, nên nghe khắc khoải lạc loài làm sao, nghe cô đơn làm sao. Thương bạn rất nhiều.

        Chúng ta ở đây, hoàn cảnh thực tế nếu có như thế nào đi nữa, vẫn hạnh phúc hơn những người đi xa. Được sống tại quê hương, gần gũi anh em bạn bè. Được sinh hoạt gặp gỡ đồng môn, có biết bao sự chia sẻ gắn bó. Và có lẽ sự quý giá này, chỉ những người sống trong hoàn cảnh xa xứ mới cảm nhận được. Mấy mươi năm làm dâu xứ người. Lặng lẽ sống, thui thủi sống, ngậm ngùi sống. Cũng từng khao khát gặp bạn bè, lăn xả vào bạn bè, nên tôi hiểu bạn…Rất hiểu bạn. Vì thế, Lúc nào Trị gọi về, tôi cũng thường gác công việc qua một bên, nghe bạn nói, bạn đàn và hát…Đó là lúc, tôi đang cùng bạn giải tỏa hết nỗi buồn, nỗi nhớ thương về trường xưa, bạn cũ. Viết Trị ao ước về tham dự họp mặt Nguyễn Hoàng Sài Gòn một ngày gần đây, để gặp thật nhiều bạn bè, được sống lại như ngày thơ ấu. Sao lại không nhỉ? Chúng tôi sẽ thông tin cho bạn sắp xếp trước lịch  công việc. Chúc Viết Trị và gia đình sức khỏe, mong ngày chúng ta gặp lại.

        Đã mấy mươi năm rồi, da mồi tóc bạc tôi vẫn còn nhớ như in hình dáng bốn nữ sinh có tiếng là “ Tứ Đại Mỹ Nhân” của lớp Đệ Thất 1 chúng tôi. Đó là Phan Ngọc Hà, Trương Mỹ Hòa, Nguyễn Thị Mỹ Duyên và Trần Thị Minh Diệu. Đứng riêng độc lập còn có Nguyễn Thị Hà, bạn thân của tôi. Đó là cô bạn có đôi mắt nhung huyền, hàng mi dài đen nhánh. Da trắng như tuyết, môi đỏ như son, Hà đúng là hiện thân nàng công chúa Bạch Tuyết thời xưa. Hà chỉ học Nguyễn Hoàng hai năm, lên đến đệ Lục bạn theo gia đình thuyển chuyển vào Huế. Thời gian sau tôi không còn nhận được thư từ của bạn như đã hứa. Giờ bạn ở đâu? Có biết tôi mong nhớ bạn hằng bao năm nay không nhỉ? Thật sự nhớ lắm.

        Phan Ngọc Hà và Trương Mỹ Hòa là hai cô gái gốc Hoa. Nhà Hà ngày xưa là cửa hàng Quảng Tường nổi tiếng ở góc Phan Bội Châu, khuôn viên ấy giờ là Khách Sạn Thành Cổ.

        Ngọc Hà tiêu biểu là cô thiếu nữ tân thời, như Loan trong Đoạn Tuyệt. Mạnh mẽ, thẳng thắn nhưng dể gần gũi. Tóc lúc nào cũng cắt ngang cổ, thắt sợi dây len màu khói. Sau này Hà là người mẫu đầu tiên của mái tóc Demi-Garcon ở Quảng Trị. Hình ảnh cô thiếu nữ có đôi mắt to tròn, bước nhanh nhẹn dứt khoát trong chiếc robe thời trang, đẹp xinh và sang trọng trong ngày tết. Hay cô nữ sinh áo măng tô và dù hoa màu xanh thiên thanh nổi bật giữa sân trường ngày mưa, còn nguyên vẹn trong ký ức của tôi. Ngọc Hà là người có năng khiếu thẩm mỹ cao, nếu bạn theo ngành thời trang chắc chắn sẽ thành công lớn. Hà cũng là học sinh thuộc dạng khá trong lớp, bài vỡ bao giờ cũng chuẫn bị tươm tất rõ ràng, nên thầy cô rất hài lòng. Bây giờ cũng không có gì thay đổi, thế sự có xoay vần, cuộc đời có bao nhiêu ngả rẻ, Hà vẫn là một cô gái Hoa dạt dào tình người, gần gũi và chan hòa. Vẫn nguyên vẹn tình cảm đối với quê hương Quảng Trị, trường xưa Nguyễn Hoàng và đồng môn. Thỉnh thoảng chúng tôi trao đổi thông tin với nhau, nghe giọng nói mềm mại của Ngọc Hà, đọc được những mail chứ đựng tâm tình của bạn. Tôi biết bạn luôn hướng về Việt Nam, về bạn bè thuở còn thơ ấu. Tôi thương mến Hà  từ chiều sâu tình người ấy, điều này bạn cũng đã thể hiện rất rõ ràng trong cách cư xử với bạn bè cùng lớp ngay từ xa xưa.

        Người gần gũi Ngọc Hà nhất là Trương Mỹ Hòa, con gái rượu của tiệm chụp hình LIDO nổi tiếng. Trái với sự năng động của người bạn hàng xóm, cùng lớp P.N.Hà. Mỹ Hòa rụt rè và ngây thơ. Da trắng thanh tú, mái tóc bồng bềnh xõa ngang lưng. Hòa luôn bên cạnh Hà như đôi chim câu. Vì là con gái chủ tiệm, nên khi bước vào bạn sẽ thấy ngay những tấm hình rất đẹp của Hòa. Vô hình chung, Hòa trở thành người mẫu ảnh cho bạn bè,  mỗi lần Hòa khoe hình mới, y như rằng chúng tôi cũng đi chụp kiểu như thế. Nào là đeo kính giả cận, tay cầm tập sách, miệng cắn bút. Rồi hai khuôn mặt trong một tấm, một mờ mờ nghiêng mặt, một trực diện rõ ràng…Nhiều lắm, nhưng rất tiếc 1972 chúng tôi bỏ lại hết ở nhà, vì cứ tưởng đi thời gian sẽ về lại. Bây giờ hai bạn vẫn là hàng xóm, qua lại chia sẻ tâm tình nơi xứ lạ quê người, đó cũng là sự ưu ái Thượng Đế thương tình dành riêng cho đôi chim câu.

        Mỹ Duyên, con ông Lục Sự là cô nữ sinh cực kỳ dễ thương. Rất hiền, ít nói. Duyên có nét hao hao người Nhật. Đôi mắt một mí trên khuôn mặt tròn tròn phúc hậu. Tôi và Duyên cùng học Nữ Tiểu Học, nên biết nhau nhiều hơn bạn khác. Dù thời ấy chỉ mới Đệ Thất, mà Duyên đã có vẻ đẹp sang cả, đi đứng khoan thai, nói năng từ tốn, ít giao thiệp. Đúng hình dáng của một tiểu thư kín cổng cao tường. Bây giờ Duyên vẫn thế, ngại ngùng khi đến chổ đông người, nhất là chuyện trò với các bạn khác phái, dù tuổi đời đã quá 50. Nhưng với tôi và Diệu thì khác, mỗi lần về thăm quê, gặp được nhau tâm sự huyên thuyên không biết bao giờ hết. Qua điện thoại cũng ríu ra ríu rít, và cười nghe vô tư thoải mái làm sao. Tôi càng ngày càng hiểu bạn hơn, biết về tính cách con người của bạn hơn. Một hình ảnh dung dị hiền lành, chân thành và dạt dào. Mỹ Duyên  mê nấu ăn lắm, nên mỗi lần về thăm nhà, hành lý mang đi toàn sách dạy nấu ăn. Anh Quang, chồng Duyên giới thiệu nhà anh bên ấy là thư viện cooking thu nhỏ. 

        Chúng tôi cùng học đến năm Đệ Ngũ, thì Duyên theo gia đình vào Huế làm nữ sinh Đồng Khánh. Tuy vậy, Duyên vẫn dành cho chúng tôi, bạn bè một thời thơ ấu Nguyễn Hoàng những tình cảm rất chi là đặc biệt. Có dịp gặp nhau, là tranh nhau rang bắp. Ừ, tại sao không tranh thủ nhỉ. Tuổi đời đang như chiếc lá vàng trên cây, chờ cơn gió thoảng là rụng về cội nguồn mà.

        Minh Diệu là cô Nữ Sinh cuối cùng trong nhóm. Bây giờ đang ở gần nhà tôi. Cũng vẫn là Minh Diệu e ấp, hiền lành. Tóc không còn hoe vàng óng ả, da không còn trắng như ngọc thạch ngày xưa. Vì đâu còn thời thiếu nữ măng tơ. Bạn ấy luôn tất bật việc nhà, vì  bạn chỉ có hai con trai, bà ngoại năm nay hơn 80 tuổi rồi, nên Diệu là người PN duy nhất còn sức khỏe. Bổn phận làm con phụng hiếu cha mẹ, nặng nghĩa vợ lo cho tình chồng, rồi trách nhiệm con cái, vẫn đè nặng đôi vai người đẹp một thời, nên họa hoằn lắm mới tham gia họp mặt được cùng bạn bè.

        Còn tôi, không vài nét phác họa về mình quả là tủi thân lắm. Tôi mượn nhận xét của Việt để mô tả về mình, có thể hơi chủ quan một tí, nhưng chủ quan này không phát xuất từ mình mà ở trong lòng bạn, nên dại chi không vui sướng mà nhận? Nếu suy đi nghĩ lại chưa đạt được trọn vẹn, thì mình sẽ cố gắng sống và cư xử sao cho toàn tâm để đạt được như tình cảm bạn dành cho mình.

        Hình ảnh của tôi lúc bé: da đen dòn nhanh nhẹn và vui vẻ. Hơi con trai một tí, bụi bặm và ngổ ngáo. Có người nói tôi lúc bé học đòi phong trào Hippy nên rất yé. Việt nói:” Con Tuyết lúc nhỏ chân đầy ghẻ, mà không biết “dzị” cứ mặc áo đầm đưa chân ra cho bàng quan thiện hạ ngó. Nhưng được cái tính hết lòng với bạn bè, không ích kỷ như phần đông bạn nữ khác (vì cho hắn tranh vẽ nộp thầy đó… Hì hì). Có tài pha màu y như trong bảng màu Newton của thầy Liên dạy, Lại có tài vẽ nên thường vẽ dùm bạn bè nếu có ai nhờ. Ngoài tính vui vẻ ra, còn pha chút ngổ ngáo. Là tay chạy Honda có hạng. Nên tụi con trai trong lớp phần đông thương mến Tuyết (úi chao! Hóa ra mình là… là… cái thằng).

        Cho đến giờ này là bà Nội, bà Ngoại hắn vẫn rứa (Tuyết đó). Không đều tí mô hết. Khi mô cũng nhe răng cười, nói chuyện thì thoải mái ăn uống lại vô tư, thích là ăn không thì ngồi nói chẳng để miệng đâm da non. Mà cứ nghe đòi giảm cân mới chết chứ. Ở Tuyết, tìm được một tình bạn gần gũi, không phải giữ gìn lời ăn tiếng nói nên đi mô không có hắn không khí rất buồn. Hình ảnh tôi đó, chỉ nêu đơn giản vài điều. Không biết đúng bao nhiêu phần trăm, nhưng thỉnh thoảng tôi lâm hoàn cảnh lỡ khóc, lỡ cười vì rất nhiều người gọi tôi là: ANH QUANG TUYẾT. Anh chị em đọc ngang đây đừng vội cười…Vì cái tên đặc biệt ấy thôi. Chứ tôi cũng hay hờn dỗi, cũng mắc cỡ như con gái đấy chứ…  

        Nét đẹp hình thức nào cũng phai theo thời gian. Tồn tại miên viễn trong lòng, chính là kỷ niệm của một thời chung trường chung lớp, là những tình cảm thâm sâu tròn trịa chúng tôi dành cho nhau. Dù có ở đâu, xa xôi đến mấy, mỗi lần nhắc nhở đến mái trường xưa, ai lại không nghe xao động rộn ràng? Trong lòng mỗi chúng ta, nguyên vẹn hình ảnh đơn sơ của ngôi trường lịch sử, mang tên Trung Học Nguyễn Hoàng Quảng Trị, và tất cả cựu học sinh là những nhịp cầu, kết nối nhau từ miền quá khứ liền thì hiện tại. Những nhịp cầu ấy đã và đang nối những bờ vui. Dù tập sách này là tập cuối, nhưng tôi tin rằng hiệu quả đã mang lại bao năm, không chỉ là những trang sách, mà từ biết bao thông tin chúng ta đã nhận được, phát xuất từ những nhịp cầu bạn Võ Thị Quỳnh đã dày công xây dựng.

        Trời Sài Gòn mưa dầm dề đã mấy ngày qua. Tuy không lạnh nhưng cũng đủ làm người ta nhớ quê da diết. Nhất là quê mình. Quảng Trị. Nhớ những ngày mưa tháng gió lạnh lẽo. Nhớ người thân đã mất hay còn đó xa xôi. Nhớ thời gian còn nhí nhảnh trên đường đến trường. Nhớ thầy nhớ bạn. Không biết nói sao cho vừa…Nhưng không. Vẫn còn chút ấm áp vừa nhận được: Lớp Đệ Thất 1 đã góp nhau tặng chiếc xe máy nghĩa tình, cho con gái bạn Nguyễn Tường để làm phương tiện đi học, và chúng tôi đã nghe từ miền cao nguyên xa xôi: Gia Lai, tiếng nói của Nguyễn Xin qua điện thoại. Đây là người bạn  ngày xưa cả lớp mua len, đan áo mặc ấm qua mùa đông, mà tôi đã đề cập trong bài. Xin cám ơn trời đã không phụ lòng người. Hy vọng, những cánh chim sẽ tìm về tổ ấm từng ngày, từng giờ dù Nhịp Cầu Nối Những Bờ Vui: Chân Dung & Kỷ Niệm có khép lại từ đây…

           "Xin cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
           " Ta có thêm ngày nữa để yêu thương
  
Quang Tuyết

Ghi chú:
Bài này Quang Tuyết viết cho Chân Dung Và Kỷ Niệm của Võ Thị Quỳnh ở Huế, và gần đây T gởi cho tôi, đây là những dấu    ghi nên lưu lại, do vậy tôi dành một ô chiếu cho Quang Tuyết và các bạn có liên hệ trên mục LƯU NIỆM của Hương Đồng Cỏ Nội, để cùng tìm về những ngày tháng êm đềm thuở tóc xanh.
Thân mến,
            TQP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét