Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

NAM QUỐC SƠN HÀ 

– TRUYỆN NGẮN NGUYỄN LIỆU

Nam Quốc Sơn Hà
Hào Kiệt Nguyễn Liệu

 Tặng những anh hùng Lương Sơn Bạc ở Việt Nam

bau

“ Năm  mới các chú xông nhà, chắc năm nay tôi phát tài”. Chú Thập Sắt cười mở cửa mời ban chỉ đạo xã vào nhà. Ông chủ tịch, bí thư xã, ông phó an ninh, cùng ba cán bộ vào thăm Tết,  nhưng người nào cũng có vẻ mệt mỏi bơ phờ.
  • Chúng tôi vào thăm chúc Tết chú, và muốn trao đổi với chú một vài việc.
  • Mời các ông uống nước, để tôi tét bánh bánh tét mời các chú đầu năm
  • Dạ cảm ơn, chúng tôi mới ăn ở nhà anh bí thư, xin uống trà với chú và xin hỏi chú.
Chú thập ngưng rót nước, hơi ngạc nhiên,  hỏi :
  • Gì đó chú ?
Ông bí thư đỡ lời :
  • Dạ cũng vụ rắc rối vụ bọn lưu manh nó giết thằng Thọc trong đêm giao thừa chắc chú biết tin đó chứ ?
  • Biết, tôi có đến tận nhà bà Tình mẹ nó, thăm. Thật tội nghiệp thằng con bả nó hiền như cục đất,  mà sao lại bị giết và giết ghê gớm quá.
  • Chú đến khi họ đem xác về chưa ?
  • Tôi đến họ đang liệm. Tội nghiệp, một mẹ một con, nay con chết không biết bà già lấy gì sống.
  • Nó đâu có làm chó gì ra tiền mà bà già lấy gì sống. Ông bí thư cười nói.
  • Nghe nói nó có tài làm mai cũng kiếm được chút ít. Ông phó thêm vào
Chú Thập cười sãng khoái :
  • Ở đời có ba cái cấm kỵ là thứ nhất nhứ cu, thứ nhì làm mối, thứ ba đánh chầu, thằng Thọc bị một trong ba nên số nó vắn là phải.
Cả bọn cười vui vẻ. Ông chủ tịch có vẻ trang nghiêm hỏi :
– Theo chú thì cái vụ vừa rồi, vụ thằng Thọc bị giết… là do tư thù, hay công thù ?
  • Thằng Thọc làm cái chó gì mà thù, một thằng nghèo xơ xác, không có một chức vụ gì, không phải thứ ăn chơi đàng điếm, cũng không phải thứ giang hồ sát phạt, không làm chết một cây cỏ, thì làm gì có thù oán, đừng nói công thù hay tư thù. Cho nên thưa với quí ông quí chú, tôi chưa hiểu tại sao như vậy, và nhân đây chú chủ tịch cho biết, theo các chú thì vụ đó như thế nào.?
  • Chú hỏi như thế nào,… là như thế nào , là sao ? Ông chủ tịch ngạc nhiên hỏi.
  • Ý tôi hỏi đó là vụ gì, có dính dáng gì với chú Ba Phệ không, hay là ngẫu nhiên cùng một lúc. Thực sự tôi thắc mắc điểm đó.
Ông phó an ninh ngồi lầm lì hút thuốc nảy giờ, không nói, chỉ quan sát thái độ chú Thập Sắt, liền dập điếu thuốc đang hút lở dở,  hỏi :
  • Thưa Chú, cháu xin hỏi chú, theo chú thì vụ giết thằng Thọc là tay ngang làm càng, hay tay chuyên nghiệp sát thủ. Sở dĩ cháu hỏi đột ngột, xin lỗi chú, vì bọn cháu và trong đồng bào ta, đều biết quá khứ của chú là một quá khứ yêu nước, chính chú đã ra tay hạ sát thằng quan một Tây ở Sài gòn ngày xưa,  mà nhân dân ai ai cũng kính phục, và cũng chính chú từng giết những tên trộm khét tiếng ai ai cũng mang ơn chú, vậy chú cho biết theo nhận xét của chú.
Chú Thập Sắt cười một cách vừa thỏa mãn một quá khứ oai hùng,  vừa e dè đối phó với tay an ninh chuyên nghiệp:
  • Chú nói chứ tôi có chuyên môn gì đâu, không phải là người chuyên môn khám nghiệm tử thi thì tôi nói trúng trật gì, nhưng chú tin tôi, hỏi tôi,  thì tôi phải nói, nhận xét của tôi,  còn trúng trật là chuyện khác : Hôm tôi tới thăm mẹ thằng Thọc, hôm đó đông người lắm, có chánh quyền có công an, theo tôi nhìn vết cắt cái đầu tôi biết tên này bình tỉnh lắm, và phải một tay cao thủ.
Cả bọn như nín thở chăm chú nhìn vào chú Thập. Như sắp khám phá ra điều gì,  ông phó an ninh vội vã hỏi tiếp :
  • Sao chú biết, nhìn cái thủ cấp,  chú biết tay sát thủ là thứ bình tỉnh chuyên nghiệp.?
  • Dễ hiểu lắm, tôi nói ra thì đàn bà cũng hiểu, huống chi các ông. Tên sát thủ này cắt cái đầu rất sắc, nghĩa là bằng riếng,  không hư miếng da gần vết cắt, sắc gọn, lưỡi dao ngọt liệm,  đi một đường thẳng băng,  như chúng ta cắt miếng xoa xoa sắc cạnh. Nếu là tay ngang thì cắt một nhát không đứt ngay,  phải nhiều nhát thì khi thợ liệm ghép cái đầu vào cổ, tôi có đứng ở đó xem, không bao giờ sít sao. Nếu là tay mất bình tỉnh,  thì vết cắt nhầm nhầy,  thì đầu không ghép sít vào được. Do đó,  tôi biết tên sát thủ này bình tỉnh và chuyên nghiệp,  chứ không phải sợ sệt hớp tớp làm đại,  mà được vết cắt sắc,  gọn,  đẹp như vậy.
Ba chữ “ đẹp như vậy” làm cả bọn sửng sốt, kinh hoàng,  như thấy được cái qúa khứ hào hùng can trường liều lĩnh của chú Thập ngày xưa.
  • Chịu, chịu, chú nhận xét hay quá, đúng quá.
Chú Thập cười hỏi :
  • Bây giờ mấy chú phải trả lời cho tui rõ, tại sao thằng Thọc bị giết,  trong khi nó là thằng không làm gì hết, không gây oán thù với ai, không trai gái bậy bạ, không tranh giành tài sản ruộng vườn, cha mẹ nó ông bà nó là những người nghèo, nhưng hiền lành đạo đức, thế mà tại sao ngày nay nó phải trả cái nợ ghê gớm như vậy.?
Ông chủ tịch chậm chậm trả lời :
  • Không biết bên an ninh, bên công an, họ có thấy điều gì sâu kín nơi thằng Thọc hay không,  chứ tôi cũng như chú, thằng Thọc là thằng vô tội vạ, nó bị giết thật vô lý, hay là họ giết lầm chăng. Tôi còn câu hỏi nữa,  xin hỏi chú, là hai vụ bị giết có lẽ cùng ngày giờ,  và hai cái đầu bêu cùng một chỗ, đầu thằng Thọc và đầu ông Tàu mà dân chúng gọi là ông Ba Phệ, có liên hệ với nhau không ?
  • Liên hệ là sao, ông nói cho rõ,  tôi mới trả lời được chớ.
  • Liên hệ là ý tôi muốn nói, có phải hai vụ đó cùng là một vụ hay không.
  • Tôi không rõ, nhưng theo dân chúng bàn tán xôn xao,  và căn cứ vào các tờ truyền đơn cũng như bản cáo trạng,  thì hai vụ đó là một,  chứ không phải hai riêng biệt.
  • Thế mới khó hiểu, vì thằng Thọc với ông ba Phệ có bà con thân thích,  có làm ăn chung,  có quen biết gì đâu, thế mà hai cái đầu cùng đặt sát nhau để giữa chợ.!



Từ Plao nhìn về phía trời Tây, một bầu trời màu máu đỏ rực. Đó là Đắc Nô, một tên mới chỉ vùng đất đỏ, đất núi lửa ngày xưa, đất phì nhiêu. Những đồn điền cà phê xanh tốt bậc nhất, dù các đồn điền cà phê nổi tiếng ở xứ Ba Tây, Nam Mỹ, cũng không sánh kịp. Khác với các đồn điền ở Ba Tây, do những nhà tư bản nông nghiệp làm chủ, các vườn cà phê số một trên thế giới ở Đác Nông là do những nông dân nghèo đói, thất thế,  vì theo chính sách kinh tế mới kéo đến, đổ mồ hôi nước mắt ra sức lao động, của từng gia đình tạo nên. Chưa kịp mừng, chưa kịp lấy lại công sức lao động đã đổ xuống khu rừng hoang vu trở thành vườn cà phê xanh tốt, thì người nông dân nhận được lệnh,  phải dời đi nơi khác,  để làm lại cuộc đời,  vì người Trung Hoa bắt đầu khai thác mỏ Bauxite ở vùng đất phì nhiêu này.

Nhiều quá, không đếm xuễ,  các đoàn xe cơ giới, xe ủi đất, đào đất, xúc đât ồ ạt đêm ngày kéo vào khu cà phê xanh tốt bạt ngàng này. Những chiếc xe tải lớn chở công nhân đồng phục màu xanh, người Tàu trẻ trung khoẻ mạnh vui vẻ tiến vào. Trong khi đó từng đoàn từng đoàn, các gia đình nông dân người Việt nam, gồng gánh đùm túm, âm thầm, lủi thủi men theo lề đường, chậm chậm ngược chiều, từ bỏ khu vườn nhà cửa thân yêu của họ, nơi họ đổ mồ hôi sức lao động,  nhưng chưa kịp hưởng .

Những đồn điền xanh tốt bị tiêu diệt, bị ủi bằng. Các thác nước, các ngọn đồi thơ mộng, các thắng cảnh,  các con suối,  làm cho du khách say mê ..tất cả đồng đều bị ủi bằng,  trước khi bị đào xới tới tận lòng đất sâu thẳm. Bầu trời trong sáng tự hào của Cao nguyên không còn nữa, thay vào một bầu trời cát bụi, màu  máu, cả một vùng bao la. Tây nguyên Trung Việt đang bị xé nát, hủy hoại, tả tơi.

Một cỗng chính ra vào được xây cất đồ sộ, có lính Tàu canh gác đêm ngày. . Bên trong nhiều toà nhà xinh đẹp dành cho đám điều hành cuộc khai quật. Bên ngoài dọc hai bên lề đường, chừng hơn cây số quán xá xây cất vội vã chen chúc. Một lớp người mới từ các tỉnh kéo về,  phần đông đàn bà, trẻ trung, buôn bán hai bên dọc đường. Phần nhiều quán ăn, quán rượu, quán ca nhạc . Ban đêm điện sáng choang như một khu phố nơi đô hội. Người qua lại ăn uống nhộn nhịp hầu hết là người Hoa. Nhạc Tàu, tiếng Tàu, ồn ào náo nhiệt như một khu phố lộn xộn vô trật tự ở nước Trung quốc xa xôi.

Một khu chợ tự động hình thành, chung quanh san sát những quán rượu kín đáo, nhiều cô gái ăn mặc hớ hên theo kiểu  tân thời của giới ăn chơi. Tất cả,  tất cả đều là những người xa lạ,  những người mới đến, cung cấp những dịch vụ cho trên bảy chục nghìn người Hoa mới du nhập khai thác chất khoán sản có chất độc làm cho cả một dân tộc kinh hoàng.

Lệnh đi “ kinh tế mới” sau 75, thằng Thọc bị tống cổ ra khỏi làng theo đoàn người nghèo khổ thất thế,  lên miệt Cao nguyên Trung Việt. Thọc con nhà nghèo, học hành dang dở vì trốn lính trước 75. Bởi thế khi cộng sản chiếm miền Nam Thọc không bị tù, và anh ta là thành phần tốt của chánh quyền mới, được kết nạp vào đảng cộng sản. Thực ra Thọc không bị đi kinh tế mới mà được đi để lãnh đạo đám người nghèo bất mãn đi kinh tế mới trên vùng nước độc ở Đa nông. Thọc không chịu cần cù dưới ánh nắng gay gắt để khai hoang vở rẩy, anh làm nghề vá lốp xe đạp trong một căn nhà tồi tàn bên lề đường.
Đến khi dự án khai quật Bauxite của người Tàu bắt đầu, đất rẩy dọc hai bên đường tỉnh lộ có giá, Thọc chiếm ẩu một số đất bán cho những người mới đến để làm nơi buôn bán. Từ đó, như một phép lạ, Thạch thoát cảnh nghèo đói. Và khi người nông dân cuối cùng ra đi khỏi vùng, thì hai bên dọc đường hơn cây số quán xá san sát, và hình như chỉ còn Thọc là người cũ còn ở lại với lớp người mới lên thay thế. Nơi sửa xe đạp biến thành một quán bar đồ sộ,  ban đêm ánh đèn màu mờ ảo, những điệu nhạc cuồng loạn ăn chơi trác tán.

Thọc dành riêng cho chú Ba Phệ một bàn, một phòng thì đúng hơn, để chú uống rượu với em út kín đáo trên  gác thượng. Người Việt ở chung quanh vùng này gọi  là chú Ba Phệ vì chú mập béo phì. Cái bụng chú ba Tàu này lớn quá làm cho hai tay phải banh ra hai bên nên khi di chuyển chú chiếm một không gian lớn gấp đôi người thường. Hai tay chú như ngắn lại khum khum không thẳng ra được. So với cái bụng bự, cái đầu bé tí hon, da mặt đỏ hau,  cặp mắt một mí bé hẹp như cặp mắt hí. Dáng người lùn, lùn quá,  và  hoàn toàn mất cân xứng. Người ngoài không biết chú làm chức vụ gì,  nhưng thấy chú thường đi xe hơi có tài xế riêng,  nên kính sợ chú.

Thọc có bà cô trong họ gần năm mươi, ế chồng, nên làm mối gả cho chú Ba và từ đó tình thân mật với chú Ba ngày càng tăng. Từ chỗ thân mật đó Thọc thường hay tìm việc cho số người bà con xa gần vào làm trong khu khai quật. Vì đồng lương trả khá cao nên phụ nữ trẻ khỏe các vùng lân cận tấp nập kéo đến nhờ Thọc giúp đỡ. Thọc chỉ  nhận tiền thù lao bằng nửa tháng lương đầu mà thôi.



“ Chào cô Hai, đầu năm cô đến nhà thăm tui mà năm nay nhà tui không Tết nhứt gì hết” Bà Thẩm mếu máo chào cô Hai, cô giáo dạy tiểu học trong làng có bà con xa với bà. Vừa ngồi vào ghế, cô giáo hỏi :
  • Mấy dì không về ăn Tết hả bà ?
  • Từ ngày vào làm việc trong khu mỏ có đứa nào về thăm mụ già này đâu, ba đứa con nó bỏ lại cho tui, nó cũng không ngó ngàng gì con nó,  cũng không thí cho tui ít tiền để nuôi ba đứa nhỏ.
  • Tội nghiệp ba đứa bé, nhưng làm sao bà đi chợ.
  • Sáng sớm tui cho nó ăn, rồi cột chân mỗi đứa một góc trong buồng, rồi tui ra đi quá trưa  về cho bọn nó ăn. Ban đầu nó khóc, nó đòi mẹ nó,  nhưng riết rồi nó cũng quen . Nhà tui có bốn người đàn bà,  đi hết ba rồi, ban đầu đứa con gái lớn của tui, rồi tới con dâu cũng bỏ đi làm mỏ, rồi đứa con út nó bắt chước hai chị nó. Tui nghe họ đồn,  bọn Tàu nó mộ đàn bà con gái vào làm việc,  rồi nó bắt làm tì làm thiếp,  nên không cho ra ngoài sợ đi trốn. Họ nói như thế không có biết đúng không, nhưng con tui và dâu tui ra đi thấy không về.
  • Các dì đi còn cho bà biết chứ chị ba Cần, vợ thầy giáo Cần, dạy chung trường với cháu trốn chồng đi biệt vào khu mỏ không về, thầy làm đơn kêu ca gửi thẳng vào khu mỏ, gửi lên lãnh đạo tỉnh, nhưng 6 tháng nay, không ai trả lời trả vốn gì hết.
  • Làng mình còn ít chứ làng bên kia đèo đàn bà con gái bỏ chồng đi gần hết.
  • Chính cháu mà họ cũng cù rũ đi vào khu mõ, nhưng giấy rách phải giữ lấy lề, mình không làm như thế được, ở nhà ăn hột muối có chồng có con vẫn hơn. Nếu mà cháu biết sớm thì cháu cản các dì, nhất là dì út, cháu tiếc quá, nhưng biết làm sao, chánh quyền hình như họ để cho bọn Tàu tự do muốn làm gì làm, không khéo rồi đây gia đình người mình đổ vở hết vì bỏ chồng bỏ con bỏ cha mẹ theo bọn Tàu.
  • Nói dấu gì cô tôi buồn quá, tôi không biết làm sao nuôi ba đứa cháu nó bỏ lại, nếu tôi có điều nào, thì ai nuôi mấy đứa này, trời ơi là trời !



Sáng mồng Một Tết, khác lạ, tiếng la ới ới chung quanh chợ. Sương mù dày đặt, lạnh. Cảnh sát chạy bộ, xe honda, xe hơi tới tấp kéo về phía chợ. Điện đèn chưa tắt, nhưng tất cả các quán bar, các tiệm buôn,  nhà ở,  đều mở cửa nhốn nháo, tin giết người, có biến, giết bêu đầu ngoài chợ. Ai bị giết ? không ai biết. Gần như tất cả đều ùn ùn kéo về chợ có người còn mang cả bộ đồ ngủ. Cảnh sát bao quanh chợ không cho người tiến gần cái lều chính giữa chợ. Đề phòng mìn nổ nên cảnh sát không dám động đến hai cái đầu máu mê dính đầy đặt trên hai cái mâm gỗ để trên cái sạp giữa chợ.
Sương mù cao nguyên nặng hột nhưng sáng dần. Một tấm vãi trắng chữ đỏ : “ Nam quốc sơn hà Nam Đế cư”.  Trước mặt hai đầu lâu, một bản cáo trạng chữ đỏ viết trên tấm vải trắng. Từ xa chỉ đọc được các chữ lớn nét đậm “ Bản Cáo Trạng”, không đọc được những hàng chữ nhỏ phía dưới.

Cảnh sát dùng máy micro kêu gọi mọi người nên ra về và tuyệt đối đừng vào trong vùng có các dây màu đỏ bao vây nguy hiểm. Mãi tới 10 giờ sáng mới có toán chuyên viên về gỡ mìn đến dò xét. Nhiều xe chở bộ đội kéo về khu vực mỏ. Các công nhân Trung Hoa không một ai lảng vảng khu ăn chơi, tất cả đều không được phép ra ngoài vòng khu mỏ.
Toán rà mìn làm việc cẩn thận xong, công an chụp hình hai cái đầu lâu, chụp chung quanh một hồi,  rồi mới đưa hai cái đầu ra xe. Trời ơi là Trời, tiếng la kinh ngạc của người  đứng  chen chúc xung quanh,  thằng Thọc chết rồi ! chú Ba Phệ chết rồi !

Người xem lấn sát vào xem hai cái đầu máu me đầy mặt. Cặp mắt thằng Thọc nhắm kín như ngủ yên, cặp mắt chú Ba Phệ trợn dộc,  lớn hơn lúc chú còn sống,tròng trắng mờ đục như màu cà phê sữa dợt, mồm há hốc,  cái lưỡi lè dài ra hàng nửa gang tay. Bản cáo trạng chỉ viết gọn màu đỏ trên vãi trắng “ Nước Việt Nam người Việt Nam ở, bọn Tàu phải cút hết về nước”. Một tờ nữa, nhỏ hơn,  viết “ Xử tử bọn làm tay sai cho bọn Tàu cướp nước”.
Cảnh sát phải khó khăn lắm mới đưa được hai cái đầu ra xe còi hụ, chạy vào khu mỏ bauxite.

Nguyễn Liệu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét