một người ngồi trong ghế bành
Tôi gõ cửa một lần nữa. Vẫn không nghe thấy tiếng trả lời. Chắc không có Diệp ở nhà. Tôi châm thêm một điếu khác, và trong đốm lửa nhỏ lập loè, tôi dò dẫm từng bực thang trở xuống. Cầu thang hôi một mùi khó chịu và thanh gỗ vịn tay rít nháp nghe lợm cổ họng. Kỳ quá, không biết cô nhỏ này đi đâu. Hồi sáng gặp tôi ngoài phố, cô còn nhắc, anh nhớ đến, thế nào anh cũng phải đến nghe, vậy mà tôi đã gõ cửa không biết bao nhiêu lần, đốt không biết đến điếu thuốc thứ mấy vẫn biệt tăm em.
Xuống đến mặt đường tôi mới biết trời đang mưa. Cơn mưa không to lắm, có lẽ bão rớt của miền Trung, nhưng gió từ bờ sông thổi lùa trong hơi nước mát lạnh làm tôi rùng mình. Thời tiết thay đổi đột ngột như vậy, buổi sáng sớm nay có chút sương mù và còn lâm râm vài hột. Tôi đi nép trong hàng hiên tránh mưa và trong bụng thầm tiếc về việc đã tới nhà thăm Diệp. Sẽ đi đâu bây giờ đây? Tôi nghĩ đến quán nước quen có mấy người bạn ngồi ở đó. Từ xa ánh đèn pha của một chiếc xe chạy ngược chiều làm tôi chói mắt. Tôi bước ra lề đường đưa tay đón xe. Trời vẫn mưa lặng lẽ. Bỗng nhiên tôi khám phá ra là dù có hơi tiếc về việc thất hứa của Diệp, nhưng tôi không xúc động về thái độ của nàng. Đốm lửa đỏ của điếu thuốc cho tôi cái cảm giác ấm áp và tỉnh táo hơn. Chiếc xe trờ tới và bất ngờ đậu sát bên tôi. Đèn chiếu vụt tắt.
“Taxi!”
Tôi cúi đầu xuống chực hỏi người tài xế coi có đi không, nhưng đèn trong xe đã vụt sáng. Tôi thấy Diệp ngồi trong xe và đang mở sắc lấy tiền.
“Anh!”
Diệp thò đầu ra cửa xe kêu tôi. Cái vẻ hối hả làm lạ hẳn một Diệp lặng lẽ và trầm tĩnh mà tôi từng quen biết. Trả tiền xong Diệp bước xuống xe, cầm tay tôi kéo đi, không nói thêm một lời.
Và chúng tôi trở lại căn gác của Diệp.
“Anh không giận em phải không?”
“Không.”
“Tin chừng bao nhiêu?”
“Một trăm phần trăm.”
“Thôi, đừng có giận giả bộ, ông ơi!”
Diệp ôm chặt cánh tay tôi bên hông nàng.
“Cám ơn anh. Ấm quá!”
“Ấm cái quái gì. Lạnh thấy mồ.”
“Đừng có thô bỉ với đàn bà con gái nghe ông!”
Diệp thả tay tôi ra, nhưng mùi thơm của tóc nàng bay tận mũi tôi.
Đến chân cầu thang, Diệp mở sắc tay lấy cây đèn bấm nhỏ, và chúng tôi lần lên gác.
“Em có chút chuyện nhờ anh.”
“Biết rồi. Nhưng chuyện gì vậy?”
“Bí mật!”…
Diệp mở khoá đẩy cửa vào.
“Chút nữa em nói cho anh nghe.”
Nhà tối mù mù, tôi đứng im trên bục cửa, Diệp lần đến bên vách bật đèn trên trần. Ánh sáng chói chang đổ ập xuống làm ngợp mắt. Diệp nói: “Anh ngồi xuống đây chờ em một chút.” Và nàng bỏ ra nhà sau. Tôi ngồi lên ghế dựa, bắt chéo chân và tình cờ ngó thấy một mảng bùn vấy ở đầu mũi giầy. Con đường từ quãng nhà tôi xuống phố thật tệ, những hôm trời mưa đường lầy lội không thể tưởng, những lỗ trũng đầy nước, ổ gà tùm lum, mặt lộ dợn sóng làm chao xe, nhiều bữa đang chạy ngon trớn tôi bỗng hụp xe xuống một cái, tá hoả tam tinh, tưởng chết đi được. Diệp đã thay quần áo xong. Nàng đứng trước mặt tôi, trong tay ly trà đang bốc khói:
“Anh nghĩ cái gì vậy. Anh coi nhà em có đẹp không?”
Nhà của Diệp là một căn phòng hẹp, trần nhà thấp, tường quét vôi màu vàng sẫm tối ám và trơ trẽn. Tôi không ưa lắm cái tối tăm ảm đạm và cái vẻ nhớp nhúa của căn phòng. Tuy vậy tôi đã nói, dù tôi không tin lắm điều tôi nói:
“Đẹp. Đẹp lắm!”
“Thôi đi ông. Đừng bày đặt nịnh đầm.”
“Đẹp thiệt mà.”
Diệp ngồi xuống ghế đối diện tôi, đẩy cái gạt tàn thuốc bằng sành về phía tôi. Lúc này tôi mới nhìn thấy Diệp rõ hơn. Nàng đã thay chiếc áo dài màu xanh thẫm, choàng trên vai một chiếc áo len nhẹ cùng màu nhưng nhạt hơn nhiều, hai cánh tay bỏ lửng, quần chẽn, ống khá rộng phủ gót chân. Da mặt Diệp xanh xao, và trên đôi gò má hơi hóp của nàng, tôi nhìn thấy lấm chấm những nốt mụn nhỏ, hai con mắt đen sâu và to chìm dưới lớp màu xanh (khá xanh) của phấn. Nhìn màu da ấy của Diệp, tôi như nghe thấy lại có lần nàng nói, anh thấy không, da em khô thế này đầu em không có đến lấy một sợi tóc mượt, em bị đau gan đó anh, chịu không cách nào trị cho hết được. Dù sao, tôi phải công nhận là Diệp đẹp. Có lẽ vì cái dáng cao cao của nàng, bộ ngực khoẻ mạnh trên một thân thể khá mong manh, cái vẻ lạnh lẽo ở khuôn mặt cẩm thạch, cùng với mớ tóc rối đen khô làm tôi choáng váng.
“Nhất định là anh nịnh em.”
“Nịnh em thì tôi ăn cái giải gì!”
“Thôi, được rồi. Anh uống nước đi, rồi đưa em đến đó nghe.”
“Đến đâu?”
Diệp sửa cách ngồi:
“Chỗ anh vẫn thường ngồi với mấy ông bạn của anh đó!”
“Ở đâu? Hồi này em làm sao vậy?”
“Thôi, anh đưa em đi rồi em sẽ chỉ cho.”
Tôi đốt thêm một điếu thuốc nữa và nhìn những ngón tay ám khói vàng nghệ của mình.
Tôi thực tình không hiểu Diệp muốn gì.
“Nhưng sao em lại nhờ tôi?”
“Chớ em còn biết phải nhờ ai bây giờ?”
“Có cái gì ở chỗ đó?”
“Em cần gặp một người.”
“Một người? Quen?”
“Em không biết người ta, nhưng người ta nói người ta biết em. Người ta nói người ta ao ước được quen em.”
“Tóm lại là em muốn gặp một người đàn ông ngưỡng mộ em, phải không?”
“Không phải vậy đâu.”…
“Thì đó là một người yêu em cũng vậy thôi!”
“Đừng có xịa ông.”
“Tôi có nói là em yêu người ta đâu. Rồi. Bây giờ đi được chưa?”
Tôi dụi điếu thuốc cháy dở xuống cái gạt tàn và đứng dậy.
Mưa lâm râm nhỏ hạt và trời vẫn lạnh. Diệp đội khăn lên đầu, mái tóc giấu sụp dưới lớp vải. Chúng tôi đi dọc trở lại theo những hàng hiên. Phố vắng. Diệp nói:
“Phải biết đón xe khó thế này, lúc nãy em đã giữ chiếc taxi cho xong.”
Rốt cuộc chúng tôi phải kéo bộ một quãng khá dài. Khi đi ngang qua chiếc xe mì của người Tàu núp dưới chái hiên, tôi hỏi Diệp:
“Em có thấy đói không? Mình ăn cái gì đi!”
“Ở chỗ đó có bán thức ăn mà” – Diệp cười, “Có lần ở sở về đi ngang qua đó em thấy anh ngồi ăn với mấy ông bạn của anh. Mình có thể vừa ăn vừa chờ đợi được mà anh.”
“Chờ đợi? Chờ đợi cái gì mới được chứ?”
“Trời đất! Mới nói đó mà anh đã quên rồi. Sao mau quên dữ vậy ông?”
Tôi nắm tay Diệp băng qua con lộ nhỏ. Những ngón tay tròn mềm và lạnh lẽo của nàng nằm trong tay tôi làm tôi sợ. Chúng tôi đã ra đến đường lớn. Mặt lộ đọng nước mưa sáng lấp lánh ánh điện từ những cột trụ trồng dọc theo hai bên lề đường. Xe cộ chuyển động ồn ào đến chóng mặt. Dù Diệp đội khăn, tôi tưởng nhìn thấy mái tóc nàng ướt sũng trên một đôi mắt hân hoan cười cợt. Diệp đi bên tôi tung tăng như một thiếu nữ mới lớn. Có lúc nàng giống một chiếc bong bóng mà sức căng đã giảm không bay được lên cao, lơ lửng trên sợi chỉ nằm trong tay một cậu bé lúc nào cũng chực ngã. Một chiếc xe nhà binh phóng qua thật nhanh làm bắn nước lên người chúng tôi. Diệp giật tay tôi nhảy lui lại. Tôi nghe rõ tiếng nàng lẩm bẩm nguyền rủa người lái xe mắc dịch. Đến ngã tư đường Diệp bảo tôi:
“Anh qua đây với em một tí.”
“Chỗ này sao? Tôi có bao giờ ngồi ở chỗ này đâu.”
“Đâu có. Em muốn mua cho anh một gói thuốc mà.”
“Anh hút Winston phải không?”
“Sao biết?”
“Sao không biết. Anh làm gì mà em không biết. Anh, đi đâu, ở đâu, quen ai, em biết hết.”
“Biết gì nhiều dữ. Còn gì nữa nói nghe chơi.”
“Muốn nghe thiệt không. Nói toạc móng heo, không được giận à nghen.”
“Bộ tưởng tôi con nít à. Hồi này làm sao vậy, cô ba?”
“Có sao đâu. Anh thực tế một chút coi. Lè phè quá trời. Lông bông lêu bêu cái kiểu anh, ai mà yêu cho nổi ông.”
Điếu thuốc kẹp giữa hai ngón tay, sắp đặt vào môi đã bị tôi kéo lại. Tôi vỗ điếu thuốc lên bao diêm. Tôi nói:
“Ai mà yêu cho nổi. Yêu ai mà ai yêu?”.
“Đừng có hỏi giọng nhà quê, ông! Lại đây, em mua cho ông mấy tờ báo. Tờ này phải không?”.
Tôi đứng lại giữa chừng, hơi sợ hãi một chút. Cái cách hiểu biết và nói năng của Diệp làm tôi bối rối. Tôi nghịch chiếc nắp bật lửa, hỏi:
“Em chẳng quên thứ gì hết. Sao em còn đợi gì mà chẳng lấy quách tôi đi có hơn không.”
“Đừng có giễu nghe bạn.”
Đâu có ai ngăn cản không cho chúng tôi cười thả ga giữa đường phố trong một đêm lạnh lẽo và riêng tư như thế này.
Quả như lời Diệp nói, quán nước quen, trần bằng gỗ đánh vẹc-ni, ghế bành rộng thấp, điện ấm và không sáng lắm. Tôi đẩy cửa kính và đứng qua một bên nhường Diệp vào trước. Nàng lột khăn xuống rũ nước mưa và chúng tôi chọn một chiếc bàn hơi khuất trong góc phòng.
“Anh thường ngồi bàn này phải không?”
“Đúng rồi.”
“Anh uống cà phê đen nghe. Kêu cho em một ly sữa nóng đi anh.”
“Không, để tôi gọi cái gì bỏ bụng. Đói muốn chết đây này.”
Diệp biên món ăn lên giấy đưa cho người hầu bàn kéo tay áo nhìn đồng hồ, thở dài.
Tôi hỏi:
“Mệt hả?”.
“Đừng giễu ông. Em khoẻ mà.”
Diệp có vẻ khoẻ thật, dưới ánh đèn chụp bóng tròn, da mặt Diệp hồng hào hơn lúc nãy nhiều. Nàng đập tay lên vai tôi:
“Kìa anh, anh có thấy chiếc ghế bành da màu đỏ kia không. Ừa, ở chỗ đó đó, cá với anh mười ăn một, là thế nào cũng có một người ngồi ở đó.”
Tôi nói:
“Tôi chẳng hiểu trời trăng gì hết.”
Và tôi phá lên cười.
“Còn em, bộ anh tưởng em hiểu trăng sao gì hả?”
Nói xong, Diệp ngã đầu ra sau ghế, cười bằng tất cả cái dáng điệu kỳ cục của nàng. Người hầu bàn đến bên chúng tôi, nghiêng mình lễ phép:
“Ông bà gọi thêm món chi?”
“Không.” Diệp nói trong tiếng cười. “À, à mà có; làm ơn gọi cho tôi một chú bồi khác.”
Nhưng liền ngay khi đó tiếng cười của nàng chợt tắt sau câu nói và mắt Diệp mở lớn ngạc nhiên hướng về chiếc ghế bằng da màu đỏ. Một người đàn ông đã ngồi trong ấy tự bao giờ.
Thức ăn đã mang lên và tôi bắt đầu bữa cơm tối một mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét