VANG VỌNG LỜI CẢM TẠ ƠN ANH
– NHÀ VĂN THỜI DANH PHAN NHẬT NAM
Vang Vọng Lời Cảm Tạ Ơn Anh
Suốt mười năm qua vào ngày Hè nơi đất Mỹ, Cộng Đồng Người Việt hai vùng Nam-Bắc Tiểu Bang California đã tổ chức những kỳ đại nhạc hội quy mô lớn ngoài trời nhằm gây quỹ yềm trợ Thương Phế Binh VNCH và gia đình còn lại tại quê nhà. Đấy là một sinh hoạt văn hóa văn nghệ quần chúng mang danh xưng hàm xúc, cảm động: Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh. Khởi đầu từ sáng kiến của Nhạc Sĩ Trúc Hồ, Đài Truyền Hình SBTN đã phối hợp với Hội H.O Cứu Trợ Thương Phế Binh VNCH cùng những tổ chức, hội đoàn quân đội, dân chính khác đã xây dựng, điều hành, thực hiện những đại nhạc hội thường niên nầy, tạo nên một sinh hoạt đặc thù của Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại, điễn hình, cụ thể với Little Sài Gòn – Thủ Đô Người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hoa Kỳ.
Chín kỳ đại nhạc hội đã qua, lần thứ mười, Chủ Nhật, July 31, 2016 hiện thực một điều cảm khích mà thoạt tưởng như một hiện tượng đương nhiên.. Điều cảm kích ấy là, dẫu sau một thời gian thăm thẳm 41 năm kể từ 30 Tháng 4, 1975, thực thể VNCH vẫn tồn tại và mãi mãi tồn tại. Bởi Yếu Tính Việt Nam Cộng Hòa của một quốc gia dẫu bị xóa bỏ, vẫn luôn hàm chứa nguồn ao ước muôn thuở của Con Người – Tự Do và Dân Chủ. Chúng ta chứng minh với 9 kỳ đại nhạc hội đã qua với âm vang Cám Ơn Anh hằng được lưu giữ ở kỳ thứ 10, và sẽ là mải mãi..
Nhân tố căn bản tạo dựng 10 kỳ đại hội là Hội H.O Cứu Trợ Thương Phế Binh VNCH, tập họp những nhân sự thuộc thành phần cựu quân nhân, cán chính VNCH, những thành viên trong độ tuổi 70, 80.. Điễn hình với Bà Hội Trưởng Nguyễn Thị Hạnh Nhơn, thế hệ Nữ Quân Nhân thuộc thập niên 1950 của Quân Đội VN, tiền thân Quân Lực VNCH. Có điều gì đã khiến những lão niên trong tổ chức kia vào buổi cuối đời, tuổi già sức yếu vẫn bền bĩ nặng nhọc gánh vác, khó khăn giài quyết từng trường hợp của khối hồ sơ khổng lồ của tập thể TPB khốn khó nơi quê nhà bao năm quan gởi đến.. Phải chăng chỉ do tấm lòng biết thấm đau với Nỗi Khổ đồng đội – Những đồng đội gánh chịu tột cùng bất hạnh mà bản thân và gia đình của họ tại VN đang phải gánh chịu một chế độ tỵ hiềm, hiễm ác gọi là cộng hòa xã hội chủ nghĩa! Chế độ xử dụng bạo lực công an và côn đồ như một cột trụ chống giữ. Cũng bởi, chế độ nầy đã không đếm xỉa đến thành phần dân cư đã xây dựng, bảo vệ sự nghiệp tham tàn của họ, huống gì thành phần thương phế binh của một quân đội thất trận.
Mười kỳ Đại Nhạc Hội chỉ có thể được hình thành với Đài Truyền Hình SBTN, Trung Tâm ASIA, cơ sở tập họp khối đông nghệ sĩ trình diễn, kỹ thuật viên ngành truyền hình, chuyên nghiệp vụ dàn dựng, điều hành sân khấu lớn.. Nhưng những yếu tố vật chất, kỹ thuật, nhân sự nầy chỉ mới là phần cần thiết chứ chưa đủ – Phải kể đến tấm lòng Biết Ơn Người Lính Cộng Hòa – Lực lượng quân đội mà những người đứng trên sân khấu ĐNH/CƠA chưa một lần tiếp xúc, bởi phần đông chỉ sinh trưởng, lớn lên sau 1975, tại hải ngoại. Họ hát về Người Lính chưa hề biết mặt với lòng cảm xúc hàm ân đối với những người oan khiên nằm xuống, gánh chịu thương trận. Trận máu xương mà thế hệ hôm nay không tham dự, chia xẻ.
Và cuối cùng, lực lượng khán giả gồm trăm ngàn người của mười năm hằng hiện diện.. Tất cả đã có mặt để kết nên một điều cao quý: Nhiều thế hệ người Việt dẫu hơn bốn thập niên xa lìa tổ quốc nhưng rõ ràng đã mang đủ quê hương theo bước đường tỵ nạn – Buổi Quốc Nạn thành hình bởi một điều oan nghiệt lịch sử đã xẩy ra: Dân Tộc Việt Không Còn Người Lính Bảo Vệ. Quân Lực VNCH đã bị sụp vỡ từ lần nước mất nhà tan, 30 Tháng 4, 1975. Trong thành phần tan vỡ nầy, Thương Phế Binh ở lại gánh phần nặng nề thống hận nhất. 41 năm hơn, mỗi TPB nhận đủ từng ngày của Sự Chết có thật trên thân thể của họ.
Đấy là những Người Lính từ những ngày của thập niên 50, 60, 70 đầu đội nón sắt, lưng mang ba-lô biền biệt đi trong lửa đạn không một lời oán thán, trách cứ, không hề đòi hỏi , đền bù. Họ đã bền bỉ chịu đựng và oai hùng chiến thắng.. Chúng ta có thể dẫn chứng với những ngày Hè năm 1972 nơi những chiến trường Quảng Trị, Bồng Sơn, Kon-Tum, An Lộc… Người Lính tiến tới cái chết hiện thực nghĩa vụ linh thiêng muôn thuở: Bảo Quốc An Dân – Sứ mệnh không hề nói thành lời, và được kết thành với chính máu xương của những con người vô danh mà Đằng Phương, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy mấy mươi năm xưa đã viết nên những giòng máu lệ ngợi ca hùng tráng,
Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước…
Bi kịch không chỉ xẩy ra tại thời điểm 30 Tháng Tư, 1975 mà sau đó, suốt hai thập niên 70, 80, hai triệu người Việt Nam, không phân biệt người Nam, hay người Bắc kể cả những người đã sống lâu dài dưới chế độ cộng sản Hà Nội từ 1945, từ 1954.. Tất cả đã cùng phá thân băng qua biển lớn, xuyên rừng rậm vùng Đông-Nam Á, với giá máu 600.000 người chết trên đường di tản ra khỏi nước. Hóa ra Dân Tộc Việt, những người Việt Nam bình thường đã đồng lần thực hiện một điều mà họ không hề diễn đạt nên lời: Chết vì Tự Do để bảo vệ Phẩm Giá, Quyền Làm Người. Người Việt Nam đã và đang hiện thực điều mầu nhiệm nầy qua với chính thân xác của mình. Nhưng còn những người ở lại, không thể ra đi. Nhũng người không thể ra đi kể cả không có khả năng tự kết thúc. Người TPB gánh chịu phần đau nhất với cơ thể không lành lặn, bị cắt đứt, xé nát với mỗi thân phận khốn cùng.
Hôm nay, 41 năm hơn sau khi cuộc chiến chấm dứt, vết thương bị lăng nhục vẫn còn tươi máu. Trên những vùng đất, thị trấn, thành phố miền Nam đang dần bị Hán Hóa, Bắc Hóa vẫn hằng hằng những người tóc ngã mầu mệt nhọc, mắt mù, chân què, tay cụt.. cúi mình trên tập vé số, tì tay lăn chiếc xe phế binh hoen rỉ bên trên lề đường đặc lềnh bụi khói để tìm những ngày cố sống.. Nơi Nghĩa Trang Quân Đội Long Bình lũ chó hoang kéo lê những lóng xương rã mục, Trung Liệt Đài sụp xuống chiếc mái, biến thành nơi tích chứa phân cuả đơn vị bộ đội cộng sản làm nhiệm vụ khai thác đá và chăn nuôi vùng Tăng Nhơn Phú. Người Lính VNCH và các con họ vẫn là đám “ngụy tiện dân” bị xếp hạng thứ “13”, chỉ trên loại trộm cắp, giết người lãnh án tù chung thân khổ sai, loại cùng đinh xã hội. Người hải ngoại không thể im lặng. Mười kỳ Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh là lời tri ân dẫu muộn màn nhưng vô cùng cần thiết. Tại hôm nay mãi về sau.
Phan Nhật Nam
Kỳ Thứ 10 Cám Ơn Anh
31/7/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét