Thứ Hai, 24 tháng 10, 2016

TỪ TRUYỆN LỤC VÂN TIÊN ĐẾN CA DAO 

– ĐÀO ĐỨC NHUẬN

TỪ TRUYỆN LỤC VÂN TIÊN
ĐẾN CA DAO

Trong văn học Việt Nam, hai tác phẩm thơ Nôm đã có những ảnh hưởng khá sâu đậm đến đời sống của nhân dân, đó là truyện Kiều, còn gọi là truyện Kim Vân Kiều hay Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du (1765-1820) và truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, còn gọi là Đồ Chiểu (1822-1888). Theo nhận xét của nhà bình luận thơ Hoài Thanh, tác giả Thi Nhân Việt Nam được nhà biên khảo văn học Nguyễn Văn Xuân dẫn lại, thì “…từ bên kia Hải Vân ra Bắc người ta đọc truyện Kiều. Từ bên này vào Nam, người ta đọc Lục Vân Tiên. Nói như thế không phải quyển này và quyển kia không ảnh hưởng tới miền kế cận.” (1)

Quả đúng như Hoài Thanh đã nhận xét, tuy nhiên, ảnh hưởng của Lục Vân Tiên vào văn học dân gian miền ngoài không nhiều như ảnh hưởng của Truyện Kiều vào văn học dân gian phía nam đèo Hải Vân (tức từ Quảng Nam trở vào). Vào Nam cho đến tận vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh xưa kia, chúng ta nhiều lần bắt gặp những nhân vật tiêu biểu của truyện Kiều, nhất là Thúy Kiều và Kim Trọng trong ca dao dân ca vùng này. Trong lúc đó, chúng ta họa hoằn mới gặp được nhân vật tiêu biểu Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga của Đồ Chiểu trong ca dao dân ca miền ngoài.
Điều này cũng dễ hiểu thôi. Quần chúng đất Bắc chịu ảnh hưởng loại văn chương văn hoa chải chuốt của truyện Kiều, truyện Hoa Tiên, của Bích Câu Kỳ Ngộ, Mai Đình Mộng Ký, của Cung Oán Ngâm Khúc, Chinh Phụ Ngâm Khúc…Họ có đọc Lục Vân Tiên và có thích Lục Vân Tiên là thích những nhận vật bộc trực trong cách hành xử và trong cách ăn nói nhưng văn chương Lục Vân Tiên là văn chương thật thà, bình dân, viết theo ngôn ngữ thường ngày của người miền Nam đã không làm cho họ có cảm hứng để tiếp nhận. Vì vậy, họa hoằn lắm chúng ta mới bắt gặp được vài nhân vật của truyện Lục Vân Tiên được nhắc đến trong văn nghệ dân gian đất Bắc. Chẳng hạn câu sau đây trong lời hát rao của hát Phường Vải vùng Thanh Nghệ Tĩnh:
Tình cờ ta lại gặp ta,
                        Vân Tiên mới gặp Nguyệt Nga một lần
Câu ca dao có vẻ bình thường, nghe thật thà như văn chương của truyện Lục Vân Tiên nhưng nó cũng đã nói lên được giá trị đặc biệt của tác phẩm mà câu ca dao đã chuyển tải. Quả đúng là cuộc gặp gỡ giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga là một cuộc gặp gỡ tình cờ. Và quả là họ chỉ gặp nhau có một lần rồi phải xa nhau cho đến cuối truyện họ mới được tái hợp trong một hoàn cảnh đầy vẻ mơ ước. Vậy thì, câu ca dao trên đây, dù thật thà mộc mạc, nhưng cũng đã nói lên được ước vọng của hai con người – một nam và một nữ – dù mới gặp mặt nhau một lần họ cũng ước mong giữ mãi được mối tình thủy chung như Nguyệt Nga đối với Vân Tiên và họ cũng ước vọng có một kết hợp đẹp như cuộc kết hợp giữa Lục Vân Tiên với nàng Kiều Nguyệt Nga ở cuối truyện.
Như Hoài Thanh đã nhận xét, truyện Lục Vân Tiên đã ảnh hưởng sâu đậm đối với quần chúng nhân dân từ phía nam đèo Hải Vân tức từ Quảng Nam trở vào Nam.
Ngay từ những ngày đầu tiên, khi cụ đồ mù lòa Nguyễn Đình Chiểu bắt đầu sáng tác truyện thơ Lục Vân Tiên, cụ đọc tới đâu, học trò của Cụ ghi chép tới đó, và từ bản ghi chép đó, từng đoạn truyện thơ Lục Vân Tiên đã được lưu truyền trong đám môn sinh của Cụ rồi nhanh chóng được các bậc phụ huynh tiếp tay, đưa những đoạn truyện thơ đó đi vào đám quần chúng đương thời.
Năm 1864, Gabriel Aubaret (1825-1894), một sĩ quan viễn  chinh người Pháp đang đồn trú tại Nam Kỳ đã dịch truyện thơ Lục Vân Tiên sang văn xuôi Pháp với tựa đề Poème Populaire Annamite và cho đăng trong tập Kỷ yếu Á châu (Journal Asiatique).
Trong lời giới thiệu, G. Aubaret đã viết: “Truyện thơ này, hay nói đúng hơn, truyện truyền thuyết này, đã được sáng tác bằng tiếng nói bình dân, chưa bao giờ được in thành bản. Tác phẩm đã được lưu truyền đến ngày nay với những đoạn chép tay bằng thứ chữ riêng. Chúng tôi đã phải nhờ một số lớn người bản xứ để thu thập năm hay sáu bản chép tay ấy mà chúng tôi đã sử dụng để dựng lại câu chuyện cho tương đối có đầu đuôi và nhất quán”. (2)
Thứ chữ riêng G. Aubaret nhắc đến ở đây là chữ Nôm.
Cũng trong khoảng thời gian này, Duy Minh Thị (tên thật Trần Quang Quang), người Chợ Lớn đã đưa truyện Lục Vân Tiên bằng chữ Nôm cho nhà “Phật Sơn  Bửu Hoa Các tàng bản” bên Quảng Đông, Trung Hoa ấn hành, và sau đó, vào năm 1865, tác phẩm nầy được nhà sách Quảng Thạnh Nam tại  Chợ Lớn cho in lại.
Trong lời giới thiệu bản dịch truyện Lục Vân Tiên được nhắc đến ở trên, G. Aubaret đã nhận xét: “Truyện thơ Lục Vân Tiên phổ biến trong dân gian đến mức là ở Nam Kỳ không một người đánh cá hay người lái đò nào không hát một vài câu thơ ấy khi họ chèo đò.”
Như vậy, chúng ta thấy, ngay từ thuở sinh tiền, ngay từ khi tác phẩm chưa được in thành sách một cách trọn vẹn, tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã chứng kiến được những ảnh hưởng từ tác phẩm của mình đối với quần chúng Nam Kỳ Lục Tỉnh to lớn như thế nào.
Chính sự phổ biến sâu rộng này, mà sau đó, đất Nam Kỳ Lục Tỉnh đã hình thành một sinh hoạt văn nghệ dân gian khá hấp dẫn, được đông đảo quần chúng thưởng ngoạn, đó là nghệ thuật nói thơ Vân Tiên. Trong khi ở đất Bắc, có nhiều người mù sống bằng nghề hát xẩm, thì tại đất Nam Kỳ Lục Tỉnh, cũng có những người bình thường (hoặc mù lòa) với cây đàn cò hay đàn độc huyền phụ họa, giữa một đám quần chúng đông đảo bu quanh, họ diễn xướng truyện thơ Lục Vân Tiên mà người dân bấy giờ gọi là kể thơ Vân Tiên hay nói thơ Vân Tiên. Đây là một hình thức diễn xướng khá đặc biệt, không giống như đọc thơ, cũng không giống như ngâm thơ, nó nằm giữa đọc và ngâm, khi hùng hồn, khi êm dịu lắng đọng tùy theo ý nghĩa của từng đoạn thơ Lục Vân Tiên. Hình thức diễn xướng độc đáo nầy còn được ghi lại qua câu ca dao:
Vân tiên vân tiển vân tiền,
                        Cho tôi một tiền tôi kể Vân Tiên.
Hình thức kể thơ hay nói thơ nầy không chỉ dừng lại ở chỗ dùng truyện thơ Lục Vân Tiên để kể thơ hay nói thơ, người ta còn nhân truyện Lục Vân Tiên mà sáng tác ra những những vần thơ theo nhiều thể loại khác nhau và cũng dùng hình thức kể thơ hay nói thơ mà diễn xướng. Chẳng hạn:
Đêm năm canh trong dạ bồi hồi
                        Ngày sáu khắc không nguôi dạ ngọc
                        Đó em noi cô Nguyệt Nga mà học
                        Họa tượng chồng thờ Lục Vân Tiên
                        Nào hay đâu cống sứ qua Phiên
                        Nhảy xuống sông xa vời hồn phách
                        Lòng dặn lòng xin em chí mực
                        Em đừng thương đó bỏ đăng
                        Tiếc cuộc đời như thể bóng trăng
                        Khi tỏ rạng đến ngày lại khuyết. (3)
Truyện thơ Lục Vân Tiên cũng đã để lại nhiều ảnh hưởng trong đời sống hằng ngày của nhân dân miền Trung qua nhiều hình thức ; ngoài những câu ca dao được lưu truyền qua các câu chuyện giáo dục trong gia đình, trong các cuộc hát hò đối đáp, nó còn để lại dấu vết trong một trò vui Xuân dân gian khá phổ biến, đó là Bài chòi.
Bài chòi là một hình thức vui Xuân mang tính đại chúng, thường được các làng ở miền Trung, nhiều nhất là từ Quảng Nam trở vào đến Bình Thuận, tổ chức như một lễ hội vào những ngày Tết. Vào những ngày cuối tháng Chạp, làng thường cho dựng chín cái chòi tại sân đình làng, sân chùa hay một khoảng đất trống nào đó… làm hai hàng, mỗi chòi cao khoảng trên vài thước, đủ chỗ cho vài ba người ngồi.
Bộ thẻ bài chòi gồm 27 con bài, chia làm 3 pho: pho Văn, pho Vạn và pho Sách.
Chẳng hạn, pho Văn gồm các con bài mang tên: Nhất Gối, Nhì Bánh, Ba Bụng, Tứ Tượng, Ngũ Rốn….
Tên quân bài có thể thay đổi đôi chút tùy theo địa phương.
Mỗi địa điểm tổ chức Bài chòi sử dụng 2 bộ bài: một bộ chia cho các chòi, một bộ để vào ống xóc.
Sau khi đã phát cho mỗi chòi 3 thẻ bài xong, người hô hiệu bắt đầu xóc ống bài thật kỹ rồi rút ra một thẻ bài. Thay vì hô ngay tên con bài, người hô hiệu hát theo điệu hô bài chòi bằng một câu hay bài ca dao có sẵn hay một câu hay một bài thơ lục bát mới ứng tác. Những câu mới ứng tác nếu hay và hợp với cảm nhận của đám đông sẽ được bảo lưu và sẽ được dùng trong các dịp Tết về sau. Trong mỗi lời hô như thế đều phải  ẩn chứa cái tên của con bài mà người hô hiệu  đang cầm trên tay.
Chẳng hạn, trước khi xướng tên con Tứ Tượng, người hô hiệu đã hô theo điệu bài chòi bài ca dao sau đây được mượn ý từ truyện Lục Vân Tiên từ khi Vân Tiên cứu Nguyệt Nga ra khỏi tay bọn cướp Phong Lai và 2 người đã trao thơ tỏ tình với nhau và về nhà Nguyệt Nga vẽ bức hình Vân Tiên để luôn luôn tưởng nhớ đến chàng.
Người hô hiệu xướng bài sau đây:
Nguyệt Nga là gái trung trinh,
                        Vì cha, nên phải đăng trình ra đi.
                        Ai ngờ gặp lúc hiểm nguy,
                        Phong Lai nó bắt, đem đi lên rừng.
                        Tớ thầy than khóc tưng bừng,
                        Trời ơi! Nó hại nửa chừng hồng nhan.
                        Vân Tiên vừa lúc đi ngang,
                        Chàng bèn ra sức phá tan hung đồ.
                        Xong rồi chàng mới bước vô,
                        Hỏi rằng thục nữ ở mô đi vầy?
                        Nguyệt Nga tình tự tỏ bày,
                        Tây Xuyên quê ở, thiếp tên rày Nguyệt Nga.
                        Qua Hà Khê đặng thiếp thăm cha,
                        Ai ngờ bị đảng lâu la bắt rày.
                        May mà chàng cứu thiếp đây,
                        Lấy chi đáp nghĩa chàng rày, xin trao trâm.
                        Vân Tiên xây mặt không cầm,
                        Nguyệt Nga trong dạ hổ thầm lắm thay!
                        Trâm này thiếp đáp ơn dày,
                        Chàng mà không tưởng, thiếp tặng rày bài thơ.
Vân Tiên xây mặt cầm tờ,
                        Khá khen thục nữ tặng thơ thay vàng!
                        Nguyệt Nga thôi mới hỏi chàng,
                        Ở đâu nghĩa sĩ băng ngàn tới đây?
                        Vân Tiên thong thả giải bày,
                        Xong xuôi chàng mới định bài bước đi.
                        Nguyệt Nga trong dạ sầu bi,
                        Đêm ngày tơ tưởng nhớ thì Vân Tiên.
                        Đặt bàn hương án cầu nguyền,
                        Họa ra bức tượng Vân Tiên để thờ. (4)
Khi người xướng “hô” đến câu cuối cùng, người ta mới biết trên tay người hô hiệu đang cầm là con bài Tứ Tượng vì trong câu cuối có nói “Họa ra bức tượng…”
Bài hô nhằm giới thiệu con bài Tứ tượng trên đây gồm 30 câu lục bát là tóm tắt những ý chính trong một đoạn thơ dài gần 200 câu của truyện thơ Lục Vân Tiên (từ câu 91 đến câu 282). Dù chỉ với 30 câu, đoạn hô bài chòi này cũng đã nói lên được lòng biết ơn của Nguyệt Nga đối với Vân Tiên và cũng đã mô tả Vân Tiên là con người mang dòng máu “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã” và là con người mang tinh thần “trọng nghĩa khinh tài”. Đó cũng là những ý nghĩa then chốt mà truyện Lục Vân Tiên muốn nêu lên. Vậy là, khi ứng dụng Lục Vân Tiên trong một trò vui chơi giải trí ngày Xuân, truyện Lục Vân Tiên vẫn nói lên được giá trị giáo dục của nó đối với đám quần chúng bình dân.
Truyện thơ Lục Vân Tiên, nhất là nhân vật Kiều Nguyệt Nga, đã gợi hứng để nhà văn Hồ Biểu Chánh viết nên tuồng cải lương “Nguyệt Nga cống Hồ” và đã được trình diễn tại Nhà Hát Lớn, Sài Gòn vào năm 1943 do nghệ sĩ thời danh Năm Phỉ thủ vai Kiều Nguyệt Nga.
Như chúng ta đã thấy ở trên, ảnh hưởng của truyện Lục Vân Tiên vào đời sống tình cảm của nhân dân Việt Nam đã xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, và ảnh hưởng rõ nét nhất là đối với ca dao dân ca Việt Nam.
Đọc truyện thơ Lục Vân Tiên, chúng ta bắt gặp một số câu được xem là ca dao, và những câu nầy đã được sưu tập vào các tuyển tập ca dao và đã được lưu hành từ lâu.
Như trong bài “Tìm về xuất xứ của một số câu ca dao”, chúng tôi đã viết về những câu ca dao có xuất xứ từ truyện Nôm này như sau: “ta đều thấy xuất hiện  đây đó trong tác phẩm những câu mà ngày nay ta được biết là ca dao.
Loại ca dao này có thể nằm trong 2 trường hợp:
            -Hoặc là tác giả truyện Nôm mượn ca dao để đem vào truyện – phần này chiếm rất ít.
            -Hoặc là câu thơ từ trong truyện Nôm trở thành ca dao – phần này chiếm một lượng rất lớn.
            Ảnh hưởng qua lại giữa ca dao và thơ truyện Nôm là một quá trình lâu dài và tất yếu.”
Dưới đây, chúng tôi ghi lại một số câu vừa thấy xuất hiện trong truyện Lục Vân Tiên, vừa thấy xuất hiện trong những tuyển tập sưu tầm ca dao:
*Hai câu 179-180 trong Lục Vân Tiên:
Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
                        Làm người thế ấy cũng phi anh hùng
đã được ghi trong trang sưu tập Ca dao Dân ca Nam Kỳ Lục Tỉnh: (sưu tập 952 câu ca dao, không ghi tên người sưu tập, được đăng tải trên trang web e-cadao)
Có câu kiến nghĩa bất vi
                        Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
*Hai câu 277-278 trong Lục Vân Tiên:
Chữ tình càng tưởng càng thâm,
                        Muốn pha khó lợt, muốn dầm khôn phai.
đã được các tác giả Trần Việt Ngữ, Trương Đình Quang…sưu tập trong Dân Ca Miền Nam Trung Bộ (tập 1, tr. 190) như sau:
Chữ tình càng tưởng càng thâm
                        Muốn pha khó lợt, muốn dầm khó phai
                        Nhắn ai đừng có nghe ai
*Các câu 411-412 trong Lục Vân Tiên:
Xin đừng tham đó bỏ đăng,
                        Chơi lê quên lựu, chơi trăng quên đèn.
đã được tác giả Phan Tấn Tài sưu tập trong Ca Dao Miền Nam của trang mạng Đào Viên Thi Các:
Anh đừng thấy đó bỏ đăng,
                        Thấy lê bỏ lựu, thấy trăng quên đèn.
                        Bậu (Anh) đừng tham đó bỏ dăng,
                        Chơi lê quên lựu, chơi trăng quên đèn.
Câu thơ “Xin đừng tham đó bỏ đăng” cũng đã được dân ca Nam Trung Bộ mượn để trở thành: (DCNTB 2, tr. 67)
Xin đừng tham đó bỏ đăng
Quên đèn vì bởi ánh trăng
Sao anh lơi mối xích thằng, bớ anh!
*Hai câu thơ 525-526 trong Lục Vân Tiên:
Gối rơm theo phận gối rơm,
                        Có đâu ở thấp mà chồm lên cao.
đã được 2 tác giả Hồng Lan và Nguyễn Tấn Hưng sưu tập trong “Một dòng ca dao, câu hò, câu đố Miền Nam” đăng trong Namkyluctinh.org.
*Các câu 585 và 586 trong Lục Vân Tiên:
Thương thay chín chữ cù lao
                        Ba năm nhũ bộ biết bao nhiêu tình.
đã được tác giả Trọng Toàn sưu tập trong tác phẩm Hương Hoa Đất Nước (tr. 92):
Thương thay chín chữ cù lao
                        Tam niên nhũ bộ biết bao nhiêu tình.
*Các câu 995-996 trong Lục Vân Tiên:
Mấy ai ở đặng hảo tâm
                        Nắng toan giúp nón, mưa dùm áo tơi.
đã được sưu tập trong Ca dao Dân ca Nam Kỳ Lục Tỉnh:
Mấy ai ở đặng hảo tâm,
                        Nắng hanh giúp nón, mưa dầm giúp tơi.
*Các câu 1029-1030 trong Lục Vân Tiên:
Ai cho sen muống một bồn
                        Ai từng chanh khế sánh phồn lựu lê 
đã được Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc sưu tập trong Tục Ngữ Phong Dao I (tr. 17) hay các tác giả Nguyễn Tấn Long và Phan Canh sưu tập trong Thi Ca Bình Dân Việt Nam (I, tr. 495):
Ai cho sen muống một bồn,
                        Ai từng chanh khế sánh cùng lựu lê.
*Các câu 1175-1176 trong Lục Vân Tiên:
Minh nghe duyên cớ cảm tình
                        Hai hàng lụy nhỏ như bình nước nghiêng
đã được ca dao mượn nguyên câu dưới và sáng tạo câu trên: (Phan Tấn Tài trong Ca Dao Miền Nam)
Anh dứt lời than, em đây rúng động tâm tình,
                        Hai hàng lụy nhỏ như bình nước nghiêng
Trong Ca dao Quảng Ngãi cũng có câu cuối tương tự:
Chợ Huyện là chỗ ăn chơi
Ngó vô Quán Vịt là nơi hữu tình
Trà Câu sao vắng bạn mình
Hai hàng châu lụy như bình nước nghiêng
            *Các câu 1301-1302 trong Lục Vân Tiên:
Người đời như bóng phù du
                        Sớm còn tối mất công phu lỡ làng.  
đã được Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc sưu tập trong Tục Ngữ Phong Dao (tr. 263) thành:
Người đời như cánh phù du
                        Sớm còn tối mất, công phu nhẹ nhàng.
hay Trọng Toàn sưu tập trong Hương Hoa Đất Nước (tr.74) hay TCBD 3 (tr.187):
Người đời khác thể phù du,
                        Sớm còn tối mất công phu lỡ làng.
*Các câu 1515-1516 trong Lục Vân Tiên:
Nào hay tì tất Kim Liên
                        Được làm hoàng hậu nước Phiên một đời.
đã được ghi lại trong bộ sưu tập về hát ru Ninh Hòa của Ngô Sao Kim như sau:
Rắn ráo mà nộ bò hung,
Đâu đâu cũng có đứa khùng đứa điên.
Nào hay tỷ tất Kim Liên,
                        Đặng làm hoàng hậu nước Phiên mãn đời!
            *Các câu 1569-1570 trong Lục Vân Tiên:
Trăm năm cho trọn đạo tòng,
                        Sống sao thác vậy một chồng mà thôi.
đã được sưu tập trong Ca dao Dân ca Nam Kỳ Lục Tỉnh như sau:
Trăm năm giữ vẹn chữ tòng
                        Sống sao thác vậy một chồng mà thôi
*Các câu 1583-1584 trong Lục Vân Tiên:
Linh đinh một chiếc thuyền tình
                        Mười hai bến nước biết mình vào đâu?  
đã được Trọng Toàn sưu tập trong Hương Hoa Đất Nước (tr.180) hay TCBD I (tr. 212)
Lênh đênh một chiếc thuyền tình
                        Mười hai bến nước biết gửi mình vào đâu?
hay ca dao chỉ mượn câu “lênh đênh một chiếc thuyền tình” và sáng tác phần dưới:
Lênh đênh một chiếc thuyền tình
Ngược xuôi xuôi ngược có mình với ta
Phòng khi gió táp mưa sa
Mình vào giữ lái, ta ra chịu sào.
            *Các câu 1585-1586 trong Lục Vân Tiên:
Ai từng mặc áo không bâu,
                        Ăn cơm không đũa, ăn trầu không cau. 
đã được sưu tập trong Ca Dao Dân Ca Nam Bộ:(BĐG, tr.155)
Ai từng bận áo không bâu,
                        Ăn cơm không đũa, ăn trầu không vôi. 
*Các câu 1619-1620 trong Lục Vân Tiên:
Nhớ câu xuân bất tái lai
                        Ngày nay hoa nở e mai hoa tàn.
đã được sưu tập trong Dân Ca Nam Trung Bộ (tr.103)
Chữ rằng xuân bất tái lai,
                        Ngày nay hoa nở, ngày mai hoa tàn.
                        Mặc ý ai nay lụa, mai hàng,
                        Xin anh đừng có phụ phàng vải bô.
                        Thân em như rau muống thả dưới hồ
                        Nay chìm mai nổi, biết ngày mô cho thành.

***
Theo quan niệm của người xưa, đức tính căn bản của đàn ông con trai là phải giữ gìn chữ trung đối với vua, với nước và phải giữ tròn chữ hiếu  đối với cha mẹ cùng các bậc bề trên ; đức tính căn bản của đàn bà con gái là phải giữ gìn trinh tĩnhtiết hạnh tức sự trinh tiết và đoan trang nết na trong cuộc sống.
Xưa các bậc phụ huynh thường dùng tục ngữ ca dao để khuyên răn, nhắc nhở con cháu giữ gìn những đức tính căn bản đó của con người:
Đã sinh ra kiếp ở đời,
                        Trai thời trung hiếu đôi vai cho tròn.
                        Gái thời trinh tĩnh lòng son,
                        Sớm hôm gìn giữ kẻo còn chút sai.
                        Trai lành, gái tốt ra người,
                        Khuyên con trong bấy nhiêu lời cho chuyên.
Thừa kế tiền nhân, tác giả Nguyễn Đình Chiểu đã nhắc đến quan điểm giáo dục nầy như là quan điểm cốt lõi của toàn bộ truyện Lục Vân Tiên:
Hỡi ai, lẳng lặng mà nghe,
                        Dữ răn việc trước, lành dè thân sau.
                        Trai thời trung hiếu làm đầu,
                        Gái thời tiết hạnh là câu trau mình.
Nhân vật chính thứ nhất của truyện là chàng Lục Vân Tiên.
Đồ Chiểu đã minh họa hình ảnh của Lục Vân Tiên như một nhân vật lý tưởng với những phẩm chất tốt đẹp mà Đồ Chiểu mơ ước. Đó là hình ảnh của một chàng trai khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn. Đó cũng là hình ảnh của một đấng nam nhi trong thời loạn lạc, khi còn là một gã thư sinh đã ra tay diệt bọn cướp Phong Lai để cứu Kiều Nguyệt Nga và giữ yên bình cho dân chúng, nêu cao châm ngôn “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã” với tinh thần “trọng nghĩa khinh tài”. Lục Vân Tiên mang cả ước vọng của người dân miền Đồng Nai Cửu Long, ra tay trừ bạo, dù gặp bao gian nan hiểm nghèo cũng không sờn lòng, quyết phấn đấu để cuối cùng đạt được ước vọng đem tài ra cứu nước.
Chàng trai Lục Vân Tiên đã để lại một hình ảnh tuyệt vời trong trái tim của nàng Kiều Nguyệt Nga ngay trong lần gặp gỡ duy nhất để rồi mãi mãi cách xa cho đến ngày chàng vượt qua mọi hoạn nạn nguy nan, thi đỗ Trạng nguyên đem tài ra cứu nước để gặp lại nàng Kiều Nguyệt Nga và nối duyên cầm sắt.
Nhân vật chính thứ hai của truyện là nàng Kiều Nguyệt Nga.
Nàng là một thiếu nữ tài sắc và đức độ vẹn toàn, con gái của quan tri phủ đang trị nhậm tại Hà Khê. Trên đường đi đến Hà Khê, giữa đường nàng bị bọn cướp Phong Lai vây khổn. May sao, nàng được Lục Vân Tiên, diệt được bọn cướp Phong Lai, cứu thoát. Cảm ân đức cứu mạng, Nguyệt Nga nguyện gắn bó trọn đời mình với Lục Vân Tiên. Về đến Hà Khê, nàng bày tỏ đầu đuôi sự việc và xin cha tìm cách đền ơn Vân Tiên. Tại đây,  nàng họa hình Vân Tiên và luôn giữ mãi bên mình. Và sau đó, cũng tại đây, nàng được tin (thất thiệt) là Vân Tiên đã chết. Nàng nguyện sẽ trọn đời thủ tiết để thờ Vân Tiên. Biết Nguyệt Nga là cô gái xinh đẹp lại ngoan hiền, tên thái sư trong triều muốn cưới nàng cho con trai của mình. Nàng từ chối khiến lão tức giận, tìm cách trả thù. Nhân có giặc Ô Qua quấy nhiễu biên thùy, tên Thái sư tâu vua Trang Vương đem Nguyệt Nga cống nạp cho chúa Tây phiên để tránh nạn binh đao. Trước khi lên đường cống Hồ, nàng xin phép cha sang nhà Lục ông để làm chay cầu siêu cho Vân Tiên và giúp đỡ cho gia đình Lục ông. Trên đường đi cống, sắp vượt biên ải, nàng quyết định mang bức hình Vân Tiên cùng nhảy xuống sông trầm mình. May sao, nàng lại được Phật Bà Quan Âm cứu. Sau đó, nàng được gia đình họ Bùi nhận làm con nuôi. Họ Bùi có cậu con trai tên Bùi Kiệm muốn ép duyên Nguyệt Nga. Nàng trốn thoát vào rừng và được một bà lão làm nghề dệt vải đưa về chung sống.  Tại đây, Lục Vân Tiên, lúc này đã là Trạng nguyên đang đem quân dẹp loạn. Sau khi giết được tên tướng giặc Cốt Đột thì chàng bị lạc vào rừng và gặp được Kiều Nguyệt Nga. Hai người tái hợp. Biết nàng là người con gái trọn lòng thủy chung với Lục Vân Tiên, nhà vua thương phong làm quận chúa và cùng Vân Tiên chung sống trong cảnh giàu sang quyền quý cho đến trọn đời.
Với hành trạng như vừa kể, Kiều Nguyệt Nga quả là một phụ nữ trung trinh tiết liệt, giàu sang quyền quý không khuất phục được tấm lòng thủy chung như nhất của nàng đối với Lục Vân Tiên. Và chính đức tính cao quý nầy đã để lại trong tâm thức quần chúng một lòng chân thành trọng vọng đối với nàng:
Chiều chiều vịt lội ao sen
                        Tình cờ tôi gặp người quen tôi chào.
                        Chào cô trước mũi tiên phuông,
                        Chào cô sau lái mặt vuông chữ điền.
                        Người nào là vợ Vân Tiên?
                        Cho tôi biết để chào liền chị dâu.
                        Người nào người ngãi tôi đâu?
                        Nói cho tôi biết để gởi câu ân tình.
Sự trọng vọng nầy không phải chỉ đối với quần chúng miền Lục Tỉnh Nam Kỳ mà nó còn lan ra tận miền trung Trung bộ. Trong các cuộc hát hò đối đáp, thỉnh thoảng trong lời hò rao, chúng ta cũng bắt gặp những câu hát có nội dung gần tương tự đối với nhân vật Kiều Nguyệt Nga của Nguyễn Đình Chiểu:
Ở xa tôi nghe tiếng bạn hò,
                        Cách sông tôi cũng lội, cách đò tôi cũng sang.
                        Tới đây tôi chào hết bạn vàng
                        Chào người thục nữ, chào nàng thuyền quyên.
                        Người nào thiệt vợ Vân Tiên,
                        Nói lên cho tôi biết, tôi chào liền vài câu.
Đức thủy chung như nhất của Kiều Nguyệt Nga là một tấm gương cho giới phụ nữ noi theo. Bất cứ người con gái trung trinh nào cũng muốn được noi theo tấm gương tiết liệt như nàng:
Dầu ai gieo tiếng ngọc,
                        Dầu ai đọc lời vàng,
                        Bông sen hết nhụy bông tàn,
                        Em đây giữ tiết như nàng Nguyệt Nga.
Học theo gương Kiều Nguyệt Nga, những người phụ nữ kiên trinh luôn tự nhắc nhở rằng dù gặp phải bất cứ hoàn cảnh éo le, ngang trái nào, dù ai có dùng lời ngon tiếng ngọt, dùng bã phú quý vinh hoa để dụ dỗ họ vẫn không sờn lòng như Kiều Nguyệt Nga đã từng chứng tỏ như thế:
Lòng lại dặn lòng, dầu non mòn biển cạn,
                        Dạ lại dặn dạ, dầu đá nát vàng nhòa,
                        Em đây quyết noi gương chị Nguyệt Nga,
                        Mặc ai phỉnh dỗ, chẳng xa lời nguyền.
Có thể, trong cuộc sống hằng ngày, đã có một số phụ nữ vì cớ này hay cớ kia mà lỗi đạo vợ chồng ; thế nhưng, đối với những người đàn bà kiên trinh, họ vẫn quyết giữ tấm tình thủy chung như nàng Nguyệt Nga đối với Lục Vân Tiên:
Chim lẻ bạn khó về nơi non đảnh
                        Cảnh nhớ thương là tình cảnh mặn nồng
                        Dẫu ai kia có lỗi đạo vợ chồng
                        Em đây chí quyết một lòng như chị Nguyệt Nga.
Kiều Nguyệt Nga với “bức tượng hình” vẽ hình ảnh Lục Vân Tiên và lúc nào cũng mang bức tượng hình thân yêu đó bên mình chứng tỏ lòng nàng trân trọng và nhớ thương Lục Vân Tiên biết nhường nào. Đó cũng là một biểu tượng nói lên lòng chung thủy chẳng những của nàng Kiều Nguyệt Nga đối với Lục Vân Tiên mà còn nói lên lòng chung thủy của người phụ nữ Việt Nam với người chồng của mình:
Trên trăng, dưới thủy,
                        Bấy lâu nay em tu bỉ (?) đợi mình,
                        Như chị Nguyệt Nga thời trước, ôm bức tượng hình chờ Vân Tiên.
Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, Nguyệt Nga đã phải than “nỗi ân chưa trả, nỗi tình lại vương”, và nàng đã lòng hẹn lòng “Trăm năm cho vẹn chữ tòng mới an”. Học gương Kiều Nguyệt Nga, những đôi trai gái yêu nhau cũng lòng hẹn lòng “giữ lời nguyền không phai”:
Đôi đứa ta như Nguyệt Nga ngày trước,
                        Đã trao lời nguyện ước với Vân Tiên.
                        Liều mình qua cống Tây phiên,
                        Vai mang bức tượng, giữ lời nguyền không phai.
Theo truyện, Kiều Nguyệt Nga chỉ được biết tin Lục Vân Tiên đã chết (theo lời của thân phụ Lục Vân Tiên nghe đồn đãi như vậy) . Nàng không hề biết là Lục Vân Tiên đã vì xót thương mẹ từ trần, chàng khóc nhiều đến nỗi lâm bệnh mù mắt. Thế nhưng, trong tâm thức của quần chúng, họ lại tin rằng Kiều Nguyệt Nga đã biết là Lục Vân Tiên vì xót thương mẹ mà mang bệnh mù lòa và dù chàng có mù lòa nàng vẫn một lòng một dạ chờ đợi chàng. Và đó chính là ý tưởng làm tăng thêm giá trị về lòng thủy chung của Kiều Nguyệt Nga và cũng muốn nói lên cho giới mày râu biết rằng trong đạo vợ chồng, người chồng phải tin vào đức tính thủy chung của người phụ nữ Việt Nam, tức là của những người vợ:
-Đạo vợ chồng anh phải xét cho xa,
                        Anh Vân Tiên mù mắt, chị Nguyệt Nga còn chờ
                        -Làm trai không xét cho xa,
                        Kìa xem anh Vân Tiên bóng quáng mà chị Nguyệt Nga còn chờ.
Sự phân ly của cặp tình nhân Vân Tiên – Nguyệt Nga cũng là một gợi hứng cho những cặp tình nhân đời thường nghĩ đến. Nguyệt Nga dù có bị triều đình ép phải cống Hồ, khi thuyền ra đến chốn biển hồ sắp sửa bước sang biên giới xứ người,  nàng đã tìm đến cái chết để “giữ vẹn lòng ngay với chàng”, thì người thiếu nữ đời thường, để tránh hoàn cảnh “trắc trở đôi phương” cũng đã nghĩ đến cái chết để mong được “thác xuống suối vàng gặp nhau”:
Kể từ ngày thiếp cách chàng xa,
                        Như Vân Tiên lâm bệnh, Nguyệt Nga đi cống hồ.
                        Thiếp xa chàng ruột héo gan khô,
                        Hang Thương Tòng chàng đợi, chốn biển hồ thiếp thương.
                        Sống làm chi trắc trở đôi phương,
                        Liều mình thác xuống suối vàng gặp nhau.
Vì Vân Tiên, Nguyệt Nga đã hai lần “ăn chay nằm đất”. Lần thứ nhất, nàng xin phép phụ thân sang nhà Lục Ông để“Ngày lành giờ ngọ đăng đàn – Ăn chay nằm đất cho chàng Vân Tiên”. Lần thứ hai, sau khi bị cha con Bùi Kiệm tìm cách ép duyên, nàng tương kế tựu kế xin cha con Bùi Kiệm để cho nàng làm chay cho Vân Tiên rồi sẽ thành thân với Bùi Kiệm “Tôi xin lạy tạ Vân Tiên – Làm chay bảy bữa cho tuyền thỉ chung”. Nguyệt Nga nằm đất ăn chay để tưởng nhớ đến Vân Tiên thì những người yêu nhau cũng nhớ về nhau, cũng trông ngóng nhau  nhiều như vậy:
                        Cửa hàn sĩ chọn người hiếu đạo,
                        Nhà nho gia chọn chút dâu hiền.
                        Vàng kia đúng lượng ta nguyền bắt tay.
                        Bạn không nhớ khi Nga cách Tiên nằm đất ăn chay,
                        Ta mà xa bạn đêm ngày ngóng trông.
            Nhân vật trong truyện Lục Vân Tiên được phân thành 2 thành phần tốt xấu rõ rệt:
Những con người tốt gồm có: Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Vương Tử Trực, cha con Kiều Nguyệt Nga, chú tiểu đồng, ông quán…
Những con người xấu gồm có: cha con Bùi Kiệm, Trịnh Hâm, lão Thái sư, mấy tên thầy bói, thầy cúng, thầy thuốc…
Như trong truyện ta đã biết, Bùi Kiệm tuy là một nho sinh nhưng tư cách hèn kém, thấy Lục Vân Tiên có tài thì ganh ghét,  Kiệm lại là tên sẵn có máu dê, gặp người đẹp Kiều Nguyệt Nga thì híp mắt lại, dù biết Nguyệt Nga đã là người của Vân Tiên vẫn tìm mọi lời ngon ngọt để dụ dỗ Nguyệt Nga đi vào đường lỗi đạo. Người ta ghét Bùi Kiệm vì Bùi Kiệm mang danh nho sĩ là người học chữ thánh hiền  mà không giữ đạo đức của Thánh hiền và chính chàng đã tìm cách phá hoại tấm gương trung trinh của Kiều Nguyệt Nga. Hành vi bỉ ổi của Kiệm bị dân gian lên án quyết liệt. Dưới con mắt của dân gian, Bùi Kiệm bị xếp ngang hàng với bọn vô lại, không thể chấp nhận được. Cái đáng ghét, đáng phỉ nhổ, đáng bị lên án của Bùi Kiệm dưới con mắt của nhân dân chính là ở chỗ hắn đã muốn phá hoại lòng chung thủy sắt son của Kiều Nguyệt Nga trong hoàn cảnh Kiều Nguyệt Nga như đang trong cảnh cá chậu chim lồng, khó mà thoát khỏi bàn tay đen tối của Bùi Kiệm.
Những cô gái trung trinh rất sợ gặp những tay đàn ông mang máu Bùi Kiệm ; vậy nên, mấy chàng trai khi tán tỉnh người đẹp lúc nào cũng phải hứa rằng mình không bao giờ có những tâm địa tồi tệ như Bùi Kiệm:
Má hồng mình cũng như ta,
                        Đêm nằm thơ thẩn vào ra một mình.
                        Em thương hay không tự ý của mình,
                        Không phải anh như Bùi Kiệm ép tình Nguyệt Nga.
Và cô gái cũng thường khuyên người con trai không nên bắt chước Bùi Kiệm mà ép uổng duyên nàng:
Kiến bất thủ như tầm thiên lý,
                        Thương không thương tự ý của mình.
                        Đừng như Bùi Kiệm ép tình Nguyệt Nga.
Nhà biên khảo Nguyễn Văn Hầu đã có nhận xét như sau về người dân Đồng Nai-Cửu Long: “…người Lục Tỉnh Nam Kỳ gan dạ, cứng cỏi, thẳng thừng, nghĩ sao nói vậy, nói sao làm vậy, một một hai hai, không thích quanh co xảo trá, không ưa lý luận dông dài…” (5)
Phần lớn bản chất của họ là như vậy. Họ thích cái gì cũng phải rõ ràng, thiện ác phân minh, tốt xấu rạch ròi. Vân Tiên, Nguyệt Nga là những con người đáng trọng. Bọn người vô tư cách  như cha con Bùi Kiệm không thể được sắp chung hàng với những con người như Vân Tiên, Nguyệt Nga:
Con rắn hổ nó mổ con rắn rồng,
                        Tiền kẽm xỉa với tiền kẽm, tiền đồng xỉa riêng.
                        Nguyệt Nga kết với Vân Tiên,
                        Cha con Bùi Kiệm ngồi riêng một mình.
Cùng một phía gian ác với Bùi Kiệm còn có tên Trịnh Hâm. Cùng mang tính ganh ghét đố kỵ như Bùi Kiệm, thấy Vân Tiên là người có tài, học rộng, có tư cách, Trịnh Hâm ngoài mặt làm ra vẻ trọng vọng, thương yêu Lục Vân Tiên, nhưng trong lòng vẫn tìm mưu ám hại. Sau khi thi về, gặp Vân Tiên bị mù lòa đang cùng tiểu đồng tìm đường về quê, Trịnh Hâm vì ganh tài với Vân Tiên nên tìm cách ám hại chàng. Sau khi lừa phỉnh tiểu đồng, trói vào gốc cây trong rừng, Trịnh Hâm giả vờ thương xót, mướn thuyền đưa Vân Tiên về quê Đông Thành của chàng. Nhân lúc đêm tối, Trịnh Hâm xô Vân Tiên xuống biển để hại chàng.
Theo quan niệm “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo ; thiện ác đáo đầu chung hữu báo ; chỉ hữu lai tảo dữ lai trì”,  (kẻ làm điều thiện thì được trời ban cho điều thiện, kẻ làm điều ác phải bị trời giáng cho điều ác ; làm điều thiện hay làm điều ác gì rồi cũng được trời báo ứng chỉ có sớm hay muộn mà thôi) (Minh Tâm Bảo Giám), Vân Tiên dù trải qua bao dập vùi hung hiểm vì lòng người độc ác thì cuối cùng cũng tai qua nạn khỏi, nhận “được ấn rồng trị dân” ; Trịnh Hâm làm điều ác, về sau dù có được Trạng nguyên Lục Vân Tiên tha cho mạng sống thì trên đường về quê, thuyền chở hắn cũng bị lật và Trịnh Hâm bị chết đuối, đúng là quả báo nhãn tiền:
Huyền Trang Tam Tạng tu cần
                        Tám mươi mốt nạn mà không lụy mình
                        Trịnh Hâm là đứa bạc tình
                        Thời sau mắc nạn thiên đình xử phân
                        Vân Tiên mắc nạn mấy lần
                        Thời sau Người được ấn rồng trị dân…
Nhắc đến những câu ca dao, những khúc dân ca bắt nguồn từ truyện thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta không thể không nhắc đến bài ca dao sau đây mà tôi tin rằng, vào thuở thiếu thời, những người ngày nay ở lứa tuổi xấp xỉ  sáu mươi trở lên, rất nhiều người đã được biết đến. Bài ca dao đó như sau:
Vân Tiên cõng mẹ chạy ra,
                        Đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy vô.
                        Vân Tiên cõng mẹ chạy vô,
                        Đụng phải cái bồ, cõng mẹ chạy ra.
                        Vân Tiên cõng mẹ chạy ra…
Trước khi tìm hiểu thêm về bài ca dao này, chúng ta cần phải tìm hiểu về sự kiện “Vân Tiên cõng mẹ”. “Vân Tiên cõng mẹ” trong khoảng thời gian nào của cuộc đời chàng? Theo truyện, Lục Vân Tiên là người con chí hiếu. Đang ở kinh đô chuẩn bị dự thi thì được tin mẹ từ trần, chàng vội vàng cùng người tiểu đồng quay về quê để chịu tang mẹ. Trên đường về quê, vì nhớ thương mẹ quá mức, chàng khóc hoài đến độ sinh bệnh và cặp mắt bị lòa. Sau sáu năm bị vùi dập bởi thế thái nhân tình đen bạc, nhờ thuốc tiên mà chàng được sáng mắt trở lại và trở về quê nhà. Việc đầu tiên chàng đã làm khi về đến quê nhà sau sáu năm xa cách, là:
“…Mẹ tôi phần mộ nơi nào viếng an.
                        Đặt bày lễ vật nghiêm trang,
                        Đọc bài văn tế trước bàn minh sinh.
                        Suối vàng hồn mẹ có linh,
                        Chứng cho con trẻ lòng thành ngày nay…”
Vậy thì, rõ ràng Lục Vân Tiên đã cõng mẹ trong khoảng thời gian chàng còn mù lòa. Thực ra, trong truyện không có chuyện “cõng mẹ” này. Đây là ý muốn của quần chúng yêu chuộng truyện Lục Vân Tiên nói chung, và yêu mến Vân Tiên nói riêng.
Vào lứa tuổi vị thành niên, chúng ta chỉ xem đây như những câu hát vui cho tuổi trẻ người lớn vẫn gọi là đồng dao để ta đọc lên khi được ngồi trên lưng bạn trong một trò chơi nào đó mà kẻ thua phải cõng người thắng chạy lòng vòng tùy theo ước định của hai bên trong cuộc chơi. Đến khi trưởng thành, chúng ta dường như quên bẵng đi bài ca dao lạ lùng đó và chắc hẳn nó vẫn nằm đâu đó trong đáy tiềm thức. Có nhiều người đã quên, nhưng cũng còn nhiều người vẫn nhớ, trong đó có nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc.
Theo nhà biên khảo văn học Nguyễn Vy Khanh, trong cuộc tranh luận về Nguyễn Đình Chiểu trên tạp chí Văn Học vào đầu năm 1998, “Nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc khởi tranh luận khi đặt vấn đề tái định giá ca dao, đã đưa nhận xét cho rằng Nguyễn Đình Chiểu đã là tiêu biểu cho một “lý tưởng ở đường cùng”? Theo ông, những câu:
                        “Vân Tiên cõng mẹ chạy ra,
                        Đụng phải cột nhà, cõng mẹ chạy vô…
                        Vân Tiên cõng mẹ chạy vô,
                        Đụng phải cái bồ, cõng mẹ chạy ra,
                        Vân Tiên cõng mẹ chạy ra … “
một cách nào đó chứng tỏ chân lý Nho học đã không có lối thoát, “trung, hiếu, tiết, nghĩa” bị lung lay vào thời Nguyễn Đình Chiểu, “một lý tưởng ở đường cùng”. “ (6)
Đó là một cách nhìn, một cách lý giải. Tôi thử đưa ra một cách nhìn, một cách lý giải khác. Như ở phần trên chúng tôi đã viết, trong truyện không có chuyện Lục Vân Tiên cõng mẹ. Có chuyện Lục Vân Tiên cõng mẹ “chạy ra, chạy vô” là do ý muốn của người yêu mến nhân vật Lục Vân Tiên. Họ biết rằng chàng đã kính yêu mẹ của mình rất mực. Khi được sáng mắt trở lại, việc đầu tiên khi trở lại nhà là thăm mộ mẹ và thiết lễ cúng mẹ. Đã có sự thực của truyện là như vậy thì tại sao lại không thể cho chàng “cõng mẹ” khi chàng còn mù lòa để cho thấy cái tình cảm của chàng đối với Mẹ đã cao cả đến chừng nào và thiêng liêng đến mực nào? Trong truyện đã có chuyện người dân cõng con mà chạy loạn (Tiên trằng: Bớ chú cõng con – Việc chi nên nỗi bon bon chạy hoài?). Người ta cõng con vì người ta thương con ; vậy tại sao lại không thể cho anh chàng Vân Tiên mù lòa cõng mẹ chạy lòng vòng trong nhà để chứng thực lòng thương yêu của chàng đối với Mẹ? Đó là lý giải theo cái nhìn biện chứng. Một cách nhìn cao hơn mang tính tâm linh, thì như Đức Phật đã từng dạy: “Dù cho có người một vai cõng cha, một vai cõng mẹ, đến trọn đời mà chẳng phút xa lìa, và cung cấp áo cơm thuốc men, các món cần dùng. Như thế cũng chưa có thể gọi là đã trả xong ơn sâu nặng với cha mẹ”. (7)
Vậy thì việc “Vân Tiên cõng mẹ” chạy lòng vòng trong nhà là một hình ảnh biểu tượng nói lên tinh thần hiếu thảo của Lục Vân Tiên đối với người Mẹ của mình.
***
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn của nền văn học phương Nam vào hạ bán thế kỷ thứ 19. Ngoài những tác phẩm mang tinh thần chiến đấu và yêu nước cao độ như : Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc – Văn tế Trương Định và 12 bài thơ điếu Trương Định – 12 bài thơ điếu Phan Tòng – Văn tế Nghĩa sĩ Trận vong Lục Tỉnh…ông còn là tác giả của 3 tác phẩm thơ Nôm dài hơi: Dương Từ Hà Mậu, Ngư Tiều Y thuật Vấn đáp và đặc biệt là truyện thơ Lục Vân Tiên đã có những ảnh hưởng khá sâu đậm đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là từ Quảng Nam trở vào. Những bài ca dao, những khúc dân ta được trích dẫn ở trên là một bằng chứng hùng hồn cho những ảnh hưởng sâu đậm đó của truyện Lục Vân Tiên.

ĐÀO ĐỨC NHUẬN
____________________
Ghi chú:
(1) Nguyễn Văn Xuân – Khi những lưu dân trở lại – tr.73
(2) Nguyễn Đình Chiểu toàn tập (tập 1), chú thích 2, tr.70
(3) Lê Minh Quốc – Thêm một tư liệu về Lục Vân Tiên (internet)
(4) Trần Việt Ngữ…- Dân ca miền nam Trung Bộ (tập 2) – trang 81
(5) Nguyễn Văn Hầu – Diện mạo Văn học Dân gian Nam Bộ, tập 2 – tr.376)
(6) Nguyễn Vy Khanh – Về Nguyễn Đình Chiểu và lý luận văn học (internet)
(7) Kinh Lời Vàng, tr. 117
Các tuyển tập ca dao.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét