Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Trung tâm Nha Trang xưa
Hồi đó, tức là trước năm 1924, tên Nha Trang chỉ cả khu vực huyện Diên Khánh, nơi lỵ sở của Nam Triều (triều Nguyễn) như Nguyễn Siêu trong Phương Đình Dư Địa chí đã ghi : 
"Năm Quý Sửu (1793) đại quân lấy lại Bình Khang doanh, tiến đánh thành Quy Nhơn, lúc ban sư đắp thành đất ở thủ sở Nha Trang gọi là Thành Diên Khánh, núi sông thực là thiên hiểm, tục gọi là Nha Trang thành" (1). 

Thành đất ở thủ sở Nha Trang này được xây dựng năm 1793, trên lũy Hoa Bông cũ, nơi đã từng đặt lỵ sở cũ phủ Diên Ninh, sau đó là phủ Diên Khánh thuộc dinh Thái Khang, Bình Khang. Nguyễn Siêu còn viết thêm : "Năm Minh Mạng thứ 13 (1832) chia hạt gọi là tỉnh Nha Trang… "(2) .

 

Ta biết rằng, năm 1832, vua Minh Mạng đã có sự cải tổ về đơn vị hành chánh. Trong Đại Nam Thực Lục có ghi : 
"Nhâm Thìn, năm Minh Mạng thứ 13 (1832), tháng 10, ngày mồng 1, : Bắt đầu chia hạt, đặt quan từ Quảng Nam trở vào Nam" (…) 1. Chia tỉnh hạt : …. Tỉnh Khánh Hòa : trước là Bình Hòa, thống trị phủ Diên Khánh, Ninh Hòa và 4 huyện Phúc Điền, Vĩnh Xương, Quảng Phúc, Tân Định. Trước 2 huyện Hoa Châu và Phúc Điền, nay gộp lại thành huyện Phúc Điền"(3). 

Như thế, Nguyển Siêu gọi tỉnh hạt Khánh Hòa là tỉnh Nha Trang là lấy tên Nha Trang cũ gọi nơi lỵ sở của quan chức triều Nguyễn đóng ở Thành. Lúc đó, Phúc Điền là huyện thuộc phủ Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa và khu vực thành phố Nha Trang hiện nay là thuộc huyện Vĩnh Xương, tổng Xương Cát cũng nằm trong phủ Diên Khánh. 

Con đuờng dọc theo biển Nha Trang xưa mang tên Duy Tân
Trong một quyển sách viết về "Alexandre Yersin, người chiến thắng bệnh dịch hạch" của Henri H.Mollaret và Jacqueline Brossollet, ta thấy người Châu Âu rất say mê khí hậu và quang cảnh Nha Trang vào năm 1900, cách đây gần một trăm mười năm: 
Người Châu Âu, họ chỉ khoảng 20 người vào năm 1900 cư ngụ dọc theo vịnh cát mịn tuyệt đẹp. Còn làng của người bản xứ, gồm những mái nhà nhỏ lại đóng tại địa điểm gọi là Mũi dân chài, tại cửa sông để ra biển Đông, trong một vịnh nhỏ khuất gió. (…).  

Con đuờng dọc theo biển Nha Trang nay, bị đổi tên sang đuờng Trần Phú . 
Nha Trang rất thoáng mát nhờ vào gió biển lẫn các ngọn gió bri-zơ (gió biển, brise de mer) từ các ngọn núi lân cận thổi vào và được hút về phía mũi tàu bởi một dãy thung lũng nhô cao phía trên vịnh. Với một nguồn nước thật tinh khiết lấy từ các giếng, Nha Trang trở thành nơi nghỉ ngơi và nghỉ mát của những người Châu Âu sống tại Đông Dương. Thế là kéo theo sự xây dựng nhiều khách sạn, villa và tất cả sự đô thị hóa cần thiết cho những gia đình đi nghỉ hè.. « (4) . Nhưng đó Nha Trang năm 1900, còn năm 1891 trước đó, khi bác sĩ Yersin lần đầu tiên đến Nha Trang, từ biển nhìn vào "anh rất kinh ngạc trước khung cảnh hùng vĩ - núi với biển – ánh sáng chói ngời long lanh dưới nước, và sự yên tĩnh trong veo dưới một làn gió nhẹ của cảnh này sẽ còn mãi mãi là nơi gắn bó nhất với anh ở Đông Dương. Anh thấy nơi này có phần vắng vẻ. Nhìn từ ngoài biển, cả một dải cát trắng trên bờ biển, kéo dài đến sáu cây số là một bãi sa mạc. 
Mấy ngôi nhà tranh đơn sơ của dân chài xếp hàng dọc theo một dải đất ở cửa sông, nơi có một số tàu đánh cá đến trú. Vài ba ngôi nhà trệt rải rác đó đây là nhà của các viên chức người Pháp ở đây : Một công sứ, một đội trưởng cảng sát, một ông trưởng khế, một thuế quan. Bởi vì nếu Nha Trang là nơi có công sứ Pháp ở thì nó không phải là một trung tâm lớn, đông dân của tỉnh và là nơi dinh lũy của chính quyền bản xứ. Không có buôn bán. Không có công nhân tại chỗ. Không có vật liệu xây dựng gần đó. Đường biển là phương tiện giao thông và vận tải duy nhất đi về phía Nam bộ, Trung Trung bộ và Bắc bộ… » 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét