Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2017

Ảnh Tác Giả

TÌM ĐƯỢC MỘ ANH
Lê Liên


Tôi không biết mình sẽ mở đầu câu chuyện như thế nào? Chỉ hiểu rằng tất cả thật “mầu nhiệm”! Cảm giác trong tôi thật khó tả! Và tôi chỉ biết thân thưa: “Tạ ơn, tạ ơn và tạ ơn!” khi kể câu chuyện này.
Ở một góc cạnh nào đó thì thế giới quả là rộng lớn!
Nhưng trong trường hợp này, thì ngược lại!

Facebook đã giúp con người lại gần nhau hơn, và mối liên kết trên trái đất này nhanh hơn. FB không ảo mà rất thật cho những ai muốn sử dụng nó vào mục đích tốt đẹp như ý định của người sáng lập nó.
Thật vậy, tôi may mắn được kết bạn trên Facebook với một chiến hữu của anh tôi trong QLVNCH. Và anh ấy đã may mắn tìm được mộ phần của anh trai tôi được an táng trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa (NTQĐ. BH) năm 1969 và nhanh chóng báo cho tôi qua FB.
Hẳn các bạn sẽ ngạc nhiên vì đã biết chôn ở nghĩa trang sao lại thất lạc, rồi phải kiếm tìm? Thật là vô lý, phải không?
Người anh của tôi hy sinh năm 1969 khi mới là tân binh. Lúc đó tôi còn rất nhỏ, rất ngây thơ đến nỗi vui mừng khi lần đầu tiên được mặc chiếc áo dài trắng trong lễ tang của anh tôi.
Tôi nhớ, cứ vào dịp cuối năm, ba tôi hay dẫn tôi từ Đà Lạt xuống Biên Hòa để viếng mộ anh mình.
Sau năm 1975, gia đình tôi không còn dịp đi viếng mộ anh tôi nữa. Ai cũng hiểu thời đó khó khăn thế nào rồi!
Sau này, khi có dịp về Sài Gòn làm việc, tôi từng lên Biên Hòa để tìm NTQĐ.BH, nhưng không tìm thấy (!) bởi vì bản đồ địa chính vùng này đã thay đổi, nghĩa trang này nằm trong khu vực Dĩ An, Bình Dương mà tôi và nhiều thân nhân khác không hề biết!
Trong trí nhớ non nớt của mình, tôi đi dọc quốc lộ, tìm tượng đài Thương Tiếc năm xưa, (đó là cái mốc thứ nhất) mà cha con tôi hàng năm phải xuống xe, đi thẳng vào Nghĩa Trang. Nhưng tượng đài đó đã bị phá hủy sau năm 75 rồi, còn đâu mà tìm?
Nhớ hồi đó, cha con tôi cũng đi ngang qua Đài Tử Sĩ (cái mốc thứ hai) trên gò đất cao, sau đó theo bản đồ mà đến lô nào, hàng nào, ngôi mộ thứ mấy là mộ của anh tôi.
Không còn nhìn thấy 2 mốc quan trọng, không còn bản đồ, đổi địa danh … tôi đành chịu thua!
Hơn nữa, vì quanh khu vực Nghĩa Trang Quân Đội đường được mở, nhà dân và cơ quan nhà nước … mọc lên lấn chiếm hết quá bán đất Nghĩa Trang (khoảng 68 ha) bao bọc ở vòng ngoài, làm sao tôi biết được?
Hiện tại, Nghĩa Trang chỉ còn 58 ha lọt thỏm bên trong bờ rào rậm rạp, chằng chịt các loại dây leo và cây dại … Muốn vào Nghĩa Trang, bạn phải đi cánh cổng bên hông, với cái tên (Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An), xuất trình giấy tờ và nêu rõ lý do vào khu vực này, thăm hay bốc mộ nào?
Thú thật, tôi rất bất ngờ khi biết đây là Nghĩa Trang vì đi bên ngoài, ta không thể nào hình dung được bên trong là Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa bạt ngàn mộ bia trang nghiêm của ngày xưa cả!
Nhận được tin báo và hình ảnh từ anh Hưng (người tìm ra mộ anh tôi), khi nhìn thấy mộ chí của anh mình, tim tôi co thắt từng cơn, từng cơn ... buốt đau vô cùng…
Nhìn ảnh ngôi mộ dưới tán cây to, thân gỗ, tôi cảm thấy nghẹt thở, tâm trí như hỗn loạn … Tôi không kiểm soát được cảm xúc của mình trong nhiều ngày! Tôi không ngờ đây là sự thật? Mộ anh tôi vẫn còn tồn tại! Đúng là phép màu rồi!
Người anh trai ruột thịt duy nhất của tôi đã ra đi khi anh còn rất trẻ! Nấm mộ này tôi đã lạc mất 43 năm. Tôi từng thất vọng, bỏ cuộc vì không tìm thấy thông tin của NTQĐ.BH.
Ba của tôi đã hủy hết giấy tờ và hình ảnh con trai lính Dù của mình sau biến cố 75. Anh trai tôi chỉ còn hiện hữu trong ký ức đẹp và rất buồn của tôi. Lòng tôi luôn bất an, tuyệt vọng khi nghĩ về anh mình.
**
Chúng tôi vào Nghĩa Dũng Đài, đặt bó hoa nhỏ mang từ Đà lạt xuống, thắp nén nhang cho các anh, Tôi rất bối rối, không biết khấn vái gì … (Bản thân tôi không biết cúng bái, chỉ biết cầu nguyện mà thôi!).
Tôi luống cuống thắp nhang cho những ngôi mộ trong khu vực của anh tôi trước, lấy từ bó nhang còn lại mà mẹ con tôi đã đốt trên Nghĩa Dũng Đài!
Tôi rụt rè không dám tới gần, tới ngay ngôi mộ của anh tôi, vì tôi mặc cảm có lỗi với anh mình ….
Bởi lẽ tôi đã xấu hổ, vì tôi đã bỏ rơi một phần núm ruột của anh em chúng tôi hơn bốn chục năm qua!
Rồi đến lúc tôi cũng phải đối diện với anh tôi, tôi cố gắng không khóc khi có mọi người bên cạnh.
Tôi nhìn trân trân vào mộ chí cũ kỹ, rêu phong nhưng vẫn còn may mắn lưu lại tên anh mình qua lớp sơn xanh nguệch ngoạc, nét mất, nét còn do cụ bà tốt bụng sơn lên, để đánh dấu khu vực mà bà tự nguyện chăm sóc, như một sự phân công ngấm ngầm với nhiều thiện nguyện viên khác vậy.
Tấm cement trên mộ anh tôi ẩm ướt, phủ nhiều lớp rêu mỏng, chuyển qua nhiều gam màu theo năm tháng, và tôi không biết mô tả nó màu gì bây giờ. Những mảng màu nóng, mảng màu lạnh loang lỗ với nhau. Như những vết hằn thời gian, giày xéo trong tâm hồn tôi, mỗi khi tôi nghĩ về anh mình.
Tôi thấy mình tan chảy vì vui mừng khi gặp lại anh tôi, rồi tôi lại thấy mình đông cứng trong lo lắng, ưu phiền nếu như có sự nhầm lẫn!?
Thùy thái dương của tôi căng buốt, muốn vỡ ra. Tim tôi loạn nhịp, máu dồn lên … Yêu thương, bồi hồi, xót xa, đắng cay, mừng ít tủi nhiều... Tâm trạng của tôi thật hoang mang …. Khi đặc sệt, khi rỗng tuếch… rối mù ... không rõ tôi đang nghĩ gì? Một trạng thái khó tả, không phân định được!? Tôi chỉ muốn gào thật to: Anh ơi! Anh ơi!
Ước gì tôi được sà vào lòng anh tôi như khi tôi còn nhỏ! Thân thể anh tôi đang nằm dưới huyệt này ư ?
Tôi chạm vào bia mộ, mà tưởng như mình đang chạm vào một phần thân thể của anh mình và có cảm giác: vừa ấm áp, vừa giá lạnh.
Anh tôi nằm đây, ngót nghét nửa thế kỷ rồi! Anh tôi không cô đơn vì quanh anh có nhiều chiến hữu cùng chung giới tuyến, cùng chung lý tưởng: Hy Sinh vì Tổ Quốc! Dưới vòm trời này các anh luôn hiển Linh bên nhau. Tôi tin như vậy!
Chỉ khác là anh tôi rất cô độc vì không có thân nhân tảo mộ, nhang khói! Linh hồn anh vất vưởng đâu đây … Chắc là anh tôi tủi phận lắm! Thương anh quá, anh của em ơi!
Khi mọi người ra xe rồi, chỉ còn mình tôi ở lại bên anh, tôi thưa với anh rằng:
- Em rất có lỗi với anh, rằng em đã thất vọng, đã bỏ cuộc, không tìm anh suốt nhiều năm qua!
- Em đã để anh trong lạnh lẽo, quạnh hiu,đơn độc, tủi hổ!
-Nơi đây thật hoang phế! May mà có cụ bà chăm sóc mộ phần cho anh ….
- Em thực sự không biết làm gì cho anh? Làm gì tốt nhất cho vong linh của anh? …
- .....
Tôi nói và không biết mình đã nói những gì với anh? Rồi gào lên khóc, vừa khóc, vừa kiềm nén...
Tôi khóc vì tôi hạnh phúc khi tìm được mộ phần của anh mình. Không biết anh tôi có bớt tủi thân khi gặp lại tôi không?
Tôi khóc, nhưng chưa thấy lòng nhẹ vơi nỗi đau thương âm ỉ trong lòng tôi!
Tôi không muốn về, tôi lui hui quay tới, quay lui mấy lần … Nhưng rồi cũng phải xa anh, phải về thôi! Vì mọi người đang đợi tôi. Ai cũng phải tất bật cho cuộc mưu sinh cả!
***
Hai hôm sau, tôi lại lên NTQĐ.BH thăm anh tôi lần nữa. Tôi muốn ở riêng bên anh tôi, nói với anh những gì tôi khắc khoải, canh cánh mang trong lòng.
Ừ nhỉ? Sẽ chẳng bao giờ tôi nói được hết thương nhớ, đau buồn của tôi đối với anh tôi cả. Và tôi cảm ơn phép màu đã cho anh em tôi gặp lại nhau qua FB. Qua tình thân của GĐ Mủ Đỏ. Với tôi, anh Hưng giống như ông Bụt vậy.
Ơi! Cảm ơn anh Hưng, ông Bụt thời @ hiện đại của GĐ MĐ và của GĐ em.
Cụ Bà chăm sóc phần mộ của anh bây giờ xấp xỉ 80 tuổi. Không hẹn mà bà lại đến. Bà biết khấn vái, và cúng kính… Bà đã giúp tôi trong phần việc thiêng liêng này.
Bà phụ tôi thắp nhang cho những ngôi mộ chung quanh. Thắp nhang xong, bà đến ngồi bên cạnh ngôi mộ của anh tôi.
Ôi! Khi bà ngồi nghỉ, trông thật âm thầm, vóc dáng buồn rủ, mắt bà nhìn mông lung vào cõi nào đó vừa như xa xăm, vừa như thật gần. Phải chăng bà đang ngồi đó lặng lẽ đo lường cuộc sống? Bà ơi! Con kính yêu bà nhiều lắm!
Còn tôi, khi thắp gần hết nắm nhang của mình, tôi lẳng lặng đi gom những cây nhang mà cụ bà để nằm   tắt trên những ngôi mộ, chụm nó lại, rồi ra sức thổi cho nó cháy lên, tiếp tục chia ra cắm lại. (Vì tôi không dám tới gần bà, lấy chiếc hộp quẹt mà tôi để trên mộ anh tôi, để đốt lại những cây nhang của bà đã bị tắt đặt nằm trên những nấm mộ! Tôi sợ phật ý bà!)
Bởi vì, tôi hiểu bà đã cao tuổi, nên không còn sức khỏe để cúi thấp xuống, mà cắm nhang cho từng ngôi mộ nữa! Nhất là những ngôi mộ sụt lún, mất bia, mất tấm cement bên trên, hoặc không còn nguyên vẹn nữa... Tôi cảm thấy thương bà quá! Tôi ngưỡng mộ tấm lòng của bà và biết ơn bà nhiều, thật nhiều.
Đến trưa, bà từ giã tôi ra về, bóng bà thấp thoáng dưới những tàn cây âm u, rồi mất hút.
Tôi tự hỏi: Người ta nghĩ gì khi trồng những loại cây thân gỗ (Sao, Dầu, Đái nghĩa v.v…) trong nghĩa trang này? Bia mộ tử sỹ đa phần không có thân nhân, chỉ nhờ vào lòng hảo tâm chăm sóc? Những loại cây này sau vài mươi năm sẽ mang lại giá trị kinh tế, (chắc gì có hiệu quả cao?) nhưng lại phá vỡ giá trị nhân văn của một đất nước có hàng ngàn năm văn hiến!?
Tôi cảm thấy phẫn uất khi nghĩ đến những bộ rễ của cây Sao, cây Dầu… len lỏi bên trong lòng mộ, chúng bẩy từ từ … rồi đội tung lên, làm lún sụp mộ phần tử sỹ!?
Ông bà ta vẫn dạy: “Nghĩa tử là nghĩa tận.” Với người đã chết, ta không khoan dung, làm sao ta độ lượng được với người còn sống nhỉ?
Không ai thích chiến tranh cả! Và nếu bất đắc dĩ phải tham chiến, không ai thích ở trong đội quân bại trận! Dấu vết tàn khốc của chiến tranh, dù không được bảo tồn, nhưng cũng không nên "phá vỡ bằng cách gián tiếp" này!? Nếu không nói là vô nhân đạo.
Chính ngọ rồi, nhưng tôi không bị ánh nắng trực tiếp thiêu đốt. Bởi vì quanh tôi cây cao, dày đặc những cành lá đan xen vào nhau. Nơi đây âm u thiếu nắng nên tạo môi trường tốt cho loại rêu phát triển, chúng che lấp danh tính và thông tin của những tấm bia không được kẻ sơn.
Tôi còn thấy cả những tấm bia bị đập phá mất hình, lỗ chỗ đến thảm thương. Ôi! Sao tôi thấy tội nghiệp cho những kẻ vô công rỗi nghề nào đó, thật là ... !?
Giữa cái nắng nóng 36 độ mà được ngồi dưới bóng cây thì còn gì bằng, nhưng sao tôi không cảm nhận được sự dễ chịu, chỉ thấy lòng mình chùng xuống, tâm hồn tê buốt, rồi lại sôi lên sùng sục khi nghĩ về một tương lai gần, rừng cây lớn lên, mộ phần sụp xuống… hoang phế, điêu tàn vậy mà gọi nơi này là Nghĩa Trang sao?
Hỡi những nhà lãnh đạo có tầm nhìn vi mô…, người dân thấp cổ, bé họng như tôi chẳng biết kêu cầu nơi đâu (?!?) để duy trì được cái gọi "Nghĩa tử là nghĩa tận " Buồn, buồn thật!
Tôi loay hoay, loay hoay ngồi bên mộ anh tôi, nghẹn ngào, đau xót. Lồng ngực tôi chừng như bị bóp nghẹt bởi đau thương để rồi bung vỡ sự hối tiếc vì tôi từng bỏ cuộc tìm kiếm phần mộ của anh mình! Cũng có lúc lòng tôi rộn lên niềm vui khi gặp lại anh mình sau bao nhiêu năm lạc nhau. Tôi cầu mong anh tôi nhận được sự ấm áp này.
Anh em tôi gần nhau trong gang tấc, nhưng âm dương cách biệt nên xa nhau đến muôn trùng! Và tôi muốn gởi vào hư vô lời nguyện xin cho anh tôi sớm siêu sinh vào Miền Cực Lạc.
Tôi khấn thầm, xin anh hiển linh cho tôi dấu chỉ nào đó, để tôi nhận biết và thực hiện những ước nguyện còn lại của anh!!??
Tôi lắng nghe giữa thinh không, xem tiếng lòng mình có tương thông với tâm linh của anh không?
Tôi mang hờn tủi thân phận của anh tôi đặt vào giữa trái tim mình. Và tôi tin nơi chín suối anh tôi được an ủi phần nào. Tự nhiên trong tôi trào lên ba từ mang triết lý uyên thâm của nhà Phật “MẶC NHƯ LÔI”! Và tôi tin anh tôi hiểu trọn vẹn điều kỳ diệu này!
Tôi lại bịn rịn chia tay anh tôi, bước về phía Nghĩa Dũng Đài để hoàn tất việc thăm viếng.
Tình cờ nơi linh thiêng này tôi lại được quen với một chiến hữu khác của anh tôi vì có việc đi ngang qua, nên vào thắp nhang cho đồng đội. Tôi chưa kịp chào người lớn cho phải phép, thì người đàn ông phong trần kia đã lịch sự chào tôi rồi!
Anh tên Vĩnh Khương.
Đàn ông khó khóc, và những giọt nước mắt của người già lại càng hiếm hoi, nhưng anh ấy thắp nhang khấn vái tứ phương và khóc tức tưởi… Tôi hiểu được tâm trạng của anh ấy nên cũng mũi lòng, thế là hai con người xa lạ mạnh ai nấy khóc, chẳng ngại ngùng gì cả, cứ khóc thôi.
Chúng tôi ân cần thăm hỏi nhau, thật may, khi tôi biết anh Khương cùng chung tiểu đoàn với anh tôi.
Thông qua anh ấy, tôi lại biết thêm anh Chương, Anh Chương cho tôi biết anh tôi ở Đại Đội nào, khi xưa anh tôi đóng quân ở đâu? Tôi hy vọng tìm được người chị kết nghĩa của anh tôi nữa.
Có phải anh tôi muốn tôi tìm được chị ấy, và biết thêm điều gì thiêng liêng nữa không, hở anh?
Ước mong quả đất này tròn, cho tình thân gặp được tình thân.
Xin cảm ơn tình Huynh Đệ Chi Binh của Gia Đình Mủ Đỏ.

&&&

Một người bạn của tôi được tin đã gởi tặng tôi bài thơ luật Đường và để đáp lễ, tôi cũng xin họa lại dù tôi chưa bao giờ làm thơ trước đây.

GẶP LẠI ANH 
 (Riêng tặng chị Lê Liên, khi chị tìm được ngôi mộ người anh sau 43 năm.)

Mộ úa bia mờ góc nghĩa trang
Hồn anh lặng ngắm giữa thiên đàng
Tai nghe lệ nhỏ chùi hoang phế
Mắt dõi em ngồi thắp khói nhang
Dấu tích dầu hoen màu kỷ niệm
Đời người chửa nhạt sắc vành tang
Bao Thu lá rụng đầy thương nhớ
Gió rít niềm đau cảnh phũ phàng
Bửu Tùng
10.08.2017

(Họa)
Nghĩa địa giờ đây hết chỉnh trang
Hàng cây rủ lá khuất che đàng
Đìu hiu mộ chí rêu phong phủ
Vất vưởng linh hồn chẳng khói nhang
Huyệt lạnh nghìn thu đền nợ nước
Dương trần muôn thuở chít vành tang
Thương anh phách lạc nay đoàn tụ
Cảm tạ duyên may lấp phũ phàng
Lê Liên
Đà Lạt, 14/08/2017.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét