Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

Chân Dung Tác Giả

Đọc tập thơ “Oang Oang Lòng Chén Rỗng” 
của Bụt Sĩ Lưu Văn Vịnh
Đào Văn Bình


Nhân Đại Hội Chu Văn An Toàn Cầu họp tại San Jose, California, ông bạn nối khố Dược Sĩ Nguyễn Văn Thịnh của tôi từ Hoa Thịnh Đốn bay qua và ngủ tại nhà tôi. Dược Sĩ Lưu Văn Vịnh tới thăm bạn Thịnh và tặng tôi ba cuốn sách: 1) Chủ Đạo Dân Tộc: Đồng Quy, Đồng Tôn, Đồng Tiến 2) Việt Sử Siêu Linh 3) Tập thơ Oang Oang Lòng Chén Rỗng.
Tôi cũng đã đôi ba lần nghe DS. Lưu Văn Vịnh thuyết trình về những đề tài văn hóa Việt Nam nhưng chưa một lần biết ông đã là một nhà thơ từ năm 1970.  Đó là lý do tại sao tôi tò mò đọc tập sách này. Thi tập in bằng khổ bỏ túi 11x 18cm dày 131 trang, trên trăm bài thơ, thỉnh thoảng có bài dịch qua Anh Ngữ, xuất bản năm 2007. Thơ Lưu Văn Vịnh nặng về triết lý, nhiều ẩn dụ, đôi khi khô khan, khó hiểu nhưng ẩn chứa khát vọng chân chất nhất của một trái tim “trẻ thơ” không bị nhiễm ô, buồn trước cảnh đời, tình đời…không phải chung  quanh mình mà toàn thế giới.
Đọc tựa đề, tôi tạm đoán tác giả nhận thấy ngày nay không hiểu tại sao có quá nhiều học thuyết, chủ thuyết đao to búa lớn, nhiều “ông đạo” kiếm bộn tiền nhưng bạo lực vẫn còn đó, hạnh phúc vẫn xa tầm tay và con người sống đầy ảo tưởng.
Địa cầu là một quả cân
Xương người thổ địa thủy ngân lệch trời
Mấy tỷ người
Đốt lửa chơi
Nóng ran nghĩa địa, thây phơi chiến trường.” (trong Thổ Địa trang 17)
Từ đó tác giả có một ý nghĩ vô cùng mỉa mai “Trời đã sinh loài người, chẳng cần sinh đười ươi”. (trang 8). Thực ra thì Trời chỉ sinh người và muốn họ làm người, nhưng một khi con người không biết kiềm chế thì nó trở thành đười ươi. Đười ươi trần truồng, không mặc quần áo và làm trò nhố nhăng. Rồi đây trong các quốc gia văn minh nhất, con người sẽ thay thế đười ươi. Vào những bãi biển ở truồng (nude beach) khắp Âu-Mỹ mà người ta gọi đó là biểu tượng của Tự Do, chúng ta không thấy sự văn minh ở đây, chúng ta chỉ thấy sự thoái hóa văn minh của những con người thời Tiền Sử.
Nhìn vào những cuộc chiến khốc liệt gần đây, tác giả đã mô tả một thế giới đầy chia rẽ như sau:
Bên này nói đúng
Bên kia nói đúng
Hai bên đều giơ súng
Ai đúng ai sai?
Chạy dài! (trang 8)
Và trong cái thảm họa “chạy dài” (chạy trốn) đó, tác giả cũng đã chạy loạn từ trong bào thai:
Tôi lớn lên
Trên hai triệu thây người chết đói
Tôi lớn lên
Trên hầm hố chông gai
Tôi lớn lên
Giữa bom đạn thế chiến thứ hai
Tôi lớn lên
Giữa giữa cờ đỏ, cờ vàng, cờ tam tài
Tôi lớn lên
Chưa biết đi đã chạy
Chạy loạn từ trong bào thai! “ (Trang 49)
            Tác giả đã có một ý nghĩ ngộ nghĩnh về thời cuộc như sau:
Được làm vua
Thua viết hồi ký
Vô kế khả thi
Luận bàn Tam Quốc Chí ” (trang 77)
            Thật vậy, không biết bao cuốn hồi ký của Mỹ ra đời sau chiến tranh Việt Nam hơn hẳn cuộc Chiến Tranh Triều Tiên và Đệ II Thế Chiến mà Mỹ là kẻ chiến thắng.
Dù sống trong thế giới văn minh điện tử với bao tiện nghi, nhưng tác giả đã sợ hãi nền văn minh điện tử:
Bút lông bút sắt bút chì
Tới thời điện tử chữ đi tàng hình
Tú Xương sống dậy thất kinh
Văn minh mạng lưới phận mình ra sao! “ (Bút Điện trang 17)
            Sự sợ hãi của tác giả không phải không có lý. Nhà vật lý học Stephen Hawking tiên đoán rằng rồi đây với “nền văn minh software” con người có thể thản nhiên bấm nút giết cả triệu người mà không hề xúc động. Phải chăng chính nền văn minh sẽ hủy diệt con người và chính cái gọi là “tự do”sẽ biến con người thành đười ươi?
            Thế nhưng trong những giây phút chán chường đó, tác giả đã ru hồn mình bằng Thiền, chẳng hạn như bài thơ:
Karma
Voice from empty cup
Song of karma
Silence speaks
Heart beats
Time afar (trang 29)
            Tôi xin dịch ra Việt Ngữ:
Nghiệp
Tiếng từ chén không
Vang lời nghiệp báo
Im lặng không lời
Nghe tim mình đập
Quá khứ xa rồi. (trang 29)
            Và :
Sự  đời thiện ác rối bời
Sư không vướng tóc, sự đời trôi qua
Sự đời chỉ chiến với hòa
Sư cầm dùi nện rung tòa hoa sen” (trang 53)
            Không vướng mắc vào đúng-sai hay thiện-ác là chỗ chứng đắc của thiền sư và cũng là cốt lõi của Bát Nhã Tâm Kinh và là chỗ an trú của chư Phật.
Thế nhưng bên cạnh những bài thơ mang tâm trạng chánh chường, vẫn có những bài thơ mang âm hưởng trữ tình giống như “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” của Phạm Thiên Thư hay “10 bài Đạo Ca” của Phạm Duy:
Kiếp sau làm chim xanh
Chờ áo em lộng gió
Thơm thơm hương lụa trắng
Nhớ mấy lần hội xuân
 
Kiếp sau làm chim xanh
Tháp chuông gieo thánh thót
Môi em còn hơi nóng
Lời chim hót lao xao
 
Kiếp sau làm chim xanh
Đậu thành cầu Sông Seine
Tôi chờ em ba kiếp
Trời đất vẫn đánh ghen.” (trang 44)
Trong tập thơ này tôi đặc biệt chú ý tới bài thơ “Hồn Bướm Mơ Tiên” nơi trang 24. Thông thường, người ta ca tụng hoặc đề cập nhiều tới các vị thiền sư, cao tăng đắc đạo hơn là một ni sư hay ni cô và bóng dáng của các ni cô mờ nhạt dưới mái hiên chùa. Người ta quên mất rằng nhân vật Tiểu Long Nữ mới có tám tuổi mà đã tu thành Phật: Phẩm Long Nữ Thành Phật kể rằng:
Ngài Trí Tích hỏi ngài Văn-thù-sư-lợi rằng:  
- Kinh này rất sâu vi diệu là báu trong các kinh, trong đời rất ít có, vậy có chúng sanh nào siêng năng tinh tấn tu hành kinh này mau được thành Phật chăng?
            Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: 
- Có con gái của vua rồng Ta-kiệt-la mới tám tuổi mà căn tánh lanh lẹ, có trí tuệ, khéo biết các căn tánh hành nghiệp của chúng sanh, được pháp tổng trì, các tạng pháp kín rất sâu của các Phật nói đều có thể thọ trì, sâu vào Thiền định, rõ thấu các pháp. Trong khoảnh sát-na phát tâm Bồ-đề được bậc Bất thối chuyển, biện tài vô ngại, thương nhớ chúng sanh như con đỏ, công đức đầy đủ, lòng nghĩ miệng nói pháp nhiệm mầu rộng lớn, từ bi nhân đức khiêm nhường, ý chí hòa nhã, nàng ấy có thể đến Bồ-đề
.”
Có lẽ bài thơ “Hồn Bướm Mơ Tiên” là bài thơ đầu tiên ca ngợi ni cô trên diễn đàn thi ca mà tôi được đọc. Bài thơ như sau:
Ni cô dáng cao thanh
Ngân nga chuông chiều xuống
Động đá vàng nắng hanh
Áo sồng hây hây gió.
 
Lấp lánh thạch nhũ đỏ
Hồ sen đang mùa hoa
Bậc chùa chân chùng bước
Nhìn mấy lớp mây xa
 
Ni cô khăn chàm thắm
Thấp thoáng trên gác chuông
Bóng chiều tà nhấp nhoáng
Hoàng hôn như kim cương
 
Tiễn khách xa vãn cảnh
Ni cô gieo hồi chuông
Lâng lâng vào sương núi
Vách đá quyện trầm hương
 
Tôi mang về bó nắng
Óng ánh mắt ni cô
Gió thơm ôm một gói
Giữa lồng ngực đong đưa. (trang 24)
            Tôi có cô em gái xuất gia năm 1977 và tôi đã làm một bài thơ nói về em gái mình nhưng nặng mùi trần thế và không siêu thoát bằng bài thơ của Lưu Văn Vịnh. Bài thơ như sau:
Cho Một Ni Cô Tên Trang (Em gái tôi tên Đào Thị Đoan Trang)
Ngày xưa áo trắng đoan trang.
Mênh mang tuổi ngọc như hàng phượng bay.
Tuổi xuân mới nửa vòng tay.
Bỗng đâu đất dậy cho ngày xót xa.
Áo nâu thay mảnh áo hoa.
Tóc dài em gửi cho cha mẹ buồn.
Câu kinh tiếng mõ chiều hôm.
Phồn hoa em bỏ bên đường em đi.
Em tôi nào tội tình chi?
Ni cô từ thuở đương thì xuân xanh.
Thương em anh khóc mình anh.
Bao nhiêu mộng ước thôi đành dở dang.
Chùa Trang hẳn có hoa vàng?
Có con bướm vẫn mơ màng với hoa?
Nhang đêm quyện giọt sương sa.
Trông lên bóng Phật cũng qua muộn phiền.
Trách ai gây cuộc đảo điên.
Cho em tôi phải truân chuyên cuộc đời.
            Trong cõi Ta Bà này, nhà báo nói về những gì đang xảy ra, người bình thường nói về cơm áo, gạo tiền, danh vọng quyền chức, thương-ghét, đúng –sai, các triết gia bàn luận về tư tưởng, còn các đạo sư bàn luận về tâm linh. Diễn tả về tâm linh trong một tập thơ như thế này thật khó. Nhưng những gì Lưu Văn Vịnh trình bày ở đây khá thành công và tác động tới lòng người bởi ông diễn đạt nó bằng cả khối chân tình chứ không bằng sáo ngữ đầu môi như thường thấy trong rất nhiều tập thơ.  
            Dĩ nhiên trong bốn trang giấy tôi không thể nói hết và trích dẫn hết. Muốn đọc thêm, xin quý vị tìm vào trang điện tửwww.halongvandan.wordpress.com hoặcwww.vietphilopoetry.wordpress.com hoặc liên lạc tác giả qua điện thưvanvinhaaa@gmail.com
Đào Văn Bình
(California ngày 10/9/2017)
 
 
Đôi nét về tiểu sử tác giả:
-Cao Học Triết Học, Cao Học Dược Khoa (Vi Trùng Học) Đại Học Sài Gòn trước 1975
-Dược Sĩ Bệnh Viện Boston Tiểu Bang California 1975-2004
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét