Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017

                                             THƠ SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
Phạm Đức Nhĩ


Nguyễn Đức Tùng đã bỏ công sức thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn, rồi tổng hợp, để có bộ sách 2 tập Thơ Đến Từ Đâu. Tôi - chỉ với kiến thức, kinh nghiệm làm thơ, bình thơ và tìm tòi, tra cứu của riêng mình – cũng xin tiếp bước với bài tiểu luận Thơ Sẽ Đi Về Đâu? Rất mong nhận đuợc ý kiến phê bình của tất cả những người yêu thơ.
                                             THI SĨ CÓ XẠO KHÔNG?
Tôi học Đệ Nhất ở Lý Thường Kiệt, một trường trung học công lập quận Hốc Môn, nhưng vì nghe tiếng giáo sư Trần Bích Lan nên thỉnh thoảng cũng “vù” lên trường Văn Học ở Sài Gòn học ké mấy giờ Triết. Phải công nhận thi sĩ Nguyên Sa giảng Triết nghe đã thiệt. Có lần, không nhớ trong bài nào, thầy phát biểu:

Do tính sĩ diện nên người đời thường gian dối; mở miệng ra là vơ cái hay, cái tốt về mình; ngay cả khi tiết lộ một chút gì xấu của cái Tôi là cũng muốn chứng tỏ mình thành thật.
Sau khi “mất” Khánh Ngọc, Phạm Đình Chương đã sáng tác nhạc phẩm Nửa Hồn Thương Đau trong đó có câu “Đôi khi anh muốn tin, đôi khi anh muốn tin những người, ôi những người khóc lẻ loi một mình”. Ý nhạc sĩ muốn nói chỉ những người khóc lẻ loi một mình (như ông đang khóc Khánh Ngọc) mới đáng tin là có nỗi đau buồn chân thật.
 “Bởi đàng sau những giọt nước mắt
giữa đám đông
rất có thể
ẩn hiện bóng hình
loài cá sấu.”
 (Kẻ Giết Chết Hồn Thơ, Phạm Đức Nhì, vandanviet.com)

Nhưng nhiểu trường hợp người ta còn dàn cảnh để “con mồi” được tận mắt xem tấn tuồng “khóc lẻ loi một mình” rồi tin và hiên ngang bước vào bẫy.
Phạm Đình Chương, khi viết Nửa Hồn Thương Đau, không ngờ rằng ngay cả tiếng khóc lúc lẻ loi cũng có thể sản sinh những giọt nước mắt cá sấu. Tính gian dối của người đời sâu đậm đến như thế đấy.
Trở lại buổi học Triết với thầy Trần Bích Lan. Lúc ấy, vốn có tiếng nghịch ngợm lại bạo mồm, tôi ngồi tại chỗ “hỏi chõ” lên:
“Thế thi sĩ có xạo không thầy?”
Thầy nhìn về hướng tôi ngồi, trả lời tỉnh bơ:
“Có chứ, sao lại không! Khác nhau là cố ý hoặc vô tình.”
Không ngờ mấy chục năm sau, vướng “đậm” vào cái nghiệp thi ca, tôi lại phải trả lời câu hỏi của chính mình. Không biết lúc ấy thầy Trần Bích Lan trả lời thật hay đùa; tôi cũng không có cơ hội để hỏi thầy đến nơi, đến chốn. Nhưng đọc khá nhiều thơ, thỉnh thoảng lại chất vấn tâm hồn mình – cũng là một thi sĩ – tôi thấy quả đúng như thầy nói, thi sĩ nhiều người, lắm lúc cũng “xạo tới bến”.

                                               MỘT SỐ KIỂU XẠO TRONG THƠ
Lối Nói Thậm Xưng
Khác với dối trá đời thường (trong thơ), lối nói thậm xưng là một kiểu “xạo” đầy tính nghệ thuật. Tác giả cũng “phịa” ra những điều không thật nhưng với mục đích “để tạo sự đột phá, thay đổi cái trật tự đời thường bằng cái phi lý mà có lý trong nghệ thuật” (1)
Thí dụ: Trong bài thơ Muốn Gởi Cho Em của thi sĩ Phạm Hữu T (tặng Phượng Kim Ngọc Huỳnh) thì câu
Muốn gởi cho em
chút gió biển Galveston
là một câu “xạo tới bến” vì gió từ biển Galveston (ở Mỹ) làm sao gởi về Việt Nam được? Nhưng phần sau của đoạn thơ lại là những cái “có lý trong nghệ thuật”.
Gió từ Mỹ gởi về:
để dịu bớt cái nắng Sài Gòn gay gắt.
Có lý quá đi chứ! Và hai câu kế tiếp:
nhưng sợ người ta đang đi mà chợt mát
rồi bồi hồi
nhớ nhớ thương thương.
vừa trữ tình lãng mạn - khi mượn ý của Nguyên Sa trong Áo Lụa Hà Đông -  lại vừa khôi hài ý nhị. Đoạn thơ mở đầu thật tuyệt vời.
(Mối Tình Xuyên Lục Địa, Phạm Đức Nhì, t-van.net)
Đây là kiểu xạo nghệ thuật, “xạo dễ thương”, nâng cao giá trị của bài thơ.

Xạo Vì Danh Lợi Riêng Tư
Đây là kiểu xạo theo đúng nghĩa đen của từ “xạo” – nói sai sự thật, xuyên tạc sự thật - nhằm mưu cầu danh lợi riêng tư. Thi sĩ nếu vướng vào kiểu xạo này không chỉ làm mất đẹp thanh danh của mình mà còn làm ô uế chữ Thơ (viết hoa) trong sạch, cao quý của nhân loại. Phạm tội hình sự nhiều khi có thể “qua mặt” pháp luật chứ phạm tội cố ý xạo (vì danh lợi) trong thơ thì sớm muộn gì cũng bị vạch mặt, chỉ tên.

 Xạo Vì Đứng Về Một Phía Trước Một Vấn Đề Hai Mặt

Đây là kiểu xạo “xoay trở tứ thơ” để có góc nhìn thuận lợi cho phe mình, mục đích để giành chiến thắng trong một cuộc tranh luận. Chủ thể đối luận có thể trực tiếp tranh cãi nhưng cũng có thể vắng mặt để thi sĩ một mình một chợ dàn trải quan điểm của mình. Đây là kiểu xạo

Ôi! Đẹp quá phe mình, còn phe bên kia
Phải chọn góc nhìn để chỉ thấy toàn điều xấu.
(Yêu Thơ Nên Phải Hết Lòng Với Thơ, Phạm Đức Nhì, t-van.net)

Sau đây là một đoạn tôi viết trao đổi với một nhà văn phía bên kia:
Giả sử có một người lính gốc giang hồ, da ngăm đen, có một vết sẹo tròn, đường kính khoảng 2cm bên má trái, trông rất cô hồn. Anh ta can đảm, đánh giặc giỏi, lại may mắn nên nhiều lần được thăng cấp tại mặt trận và được cử giữ chức đại đội trưởng một đại đội trinh sát.

Nếu người lính ấy thuộc phe mình, khi viết về anh ta tôi sẽ lờ tít cái quá khứ giang hồ của anh; tôi cũng sẽ chọn chỗ đứng để chụp hình anh mà không thấy vết sẹo. Bao nhiêu chữ nghĩa sẽ dồn vào sự can trường và tài năng trận mạc của anh ta.

Ngược lại, nếu người lính ấy ở phía bên kia, tôi sẽ viết rất kỹ về quá khứ đâm thuê, chém mướn của anh. Hình chụp phải thấy rõ vết sẹo, và dĩ nhiên, khuôn mặt phải rất cô hồn. Còn lòng can đảm và chuyện xông pha trận mạc chỉ được viết qua loa.

Đó là cách viết của người lính, của nhà văn, nhà thơ chiến sĩ: Cố gắng tối đa để không ca ngợi đối phương, không kể xấu phe mình. Nhưng nếu vì người lính ấy thuộc phe mình, tôi lại ngợi khen quá lố: da anh trắng như trứng gà bóc, dáng người thanh tú, mặt đầy vẻ trí thức…hoặc nếu người lính ấy thuộc phe bên kia tôi lại “thổi” đường kính vết sẹo lên đến 4cm, tưởng tượng thêm trong quãng đời “xã hội đen” anh đã giết nhiều người, hiếp dâm hàng chục cô gái…là tôi đã viết sai sự thật.

Dĩ nhiên chế độ nào cũng có ưu và khuyết điểm. Khi làm thơ ca tụng chế độ của mình, người ta thường chỉ nói về ưu điểm mà phớt lờ khuyết điểm. Ngược lại khi làm thơ chỉ trích chế độ “đối phương” tác giả chỉ nhắm vào khuyết điểm. Tôi cũng có một thời “thuộc về một phía”, làm thơ chống phía bên kia.
Có một thời bị đọa đày hành hạ
thơ của tôi rực lửa căm thù
máu và nước mắt
ướt đẫm những trang thơ
nực mùi tử khí

Thơ cũng rất đậm màu chính trị
“Màu này thật dễ thương
còn màu đó ‘thấy mà ghê’
ôi ! Đẹp quá phe mình
còn phe bên kia
phải chọn góc nhìn để chỉ thấy toàn điều xấu”
(Yêu Thơ Nên Phải Hết Lòng Với Thơ, Phạm Đức Nhì, t-van.net)
Từ trong nước ra hải ngoại, trong các cuộc họp mặt bạn bè (cùng lớp, cùng trường, cùng khóa, cùng trại cải tạo, cùng là tù nhân chính trị …) tôi thường được mời đọc thơ - những bài thơ của phe ta – và cũng thường được mọi người tán thưởng. Có mấy lần, nhân ngày hội thơ Nguyên Tiêu, tôi đã ra tận Văn Miếu Quốc Tử Giám tụ họp với các nhà văn, nhà thơ trong nước, nghe thơ của họ và đọc cho họ nghe những bài thơ “không cùng chính kiến”. Nhưng càng đi sâu vào thơ, càng thấy rõ tính “không hoàn toàn chân thật” của những bài thơ đó, tôi đã tự tay đâm chết “người lính” trong tâm hồn để thơ đến gần với con người thật của mình hơn.
“Trên trang thơ của mình
tôi chỉ trung thành
với nhịp đập của chính trái tim tôi.”
Nói là nói vậy chứ làm được cũng còn nhiêu khê lắm.

Chọn tứ thơ loại này thi sĩ giống như phát ngôn viên của một phe. Phát biểu của ngài trên bề mặt phải cố xoay trở sao cho gần sự thật nhưng bên dưới lại có nhiều điều cần né tránh. Tính xạo đã được tự động lắp đặt sẵn trong tứ thơ. Thi sĩ có vùng vẫy cách mấy cũng không thoát ra được. Kiểu xạo này rất thường gặp, được cả thi sĩ và độc giả chấp nhận. Riết rồi thành quen; xạo mà không cảm thấy mình xạo. Dĩ nhiên, nó đỡ xấu hơn xạo vì danh lợi riêng tư.

 Xạo Vì Né Tránh Căn Phòng Bí Mật

CÂU HỎI LÀM THI SĨ NHÌN KỸ LẠI TÂM HỒN MÌNH
Giả sử có một thi sĩ nào đó, không có tật nói dóc, không thích “nổ”, viết bài thơ, tứ thơ không kẹt chân ở một bên nào đó của một vấn đề hai mặt, câu hỏi được đặt ra là: “Lúc ấy thi sĩ có xạo không?”
Để có thể hội nhập và thích ứng với cuộc sống hàng ngày của cộng đồng, mỗi con người đương đại phải tuân thủ rất nhiều nguyên tắc giao tiếp, ứng xử trong xã hội. Xã hội càng văn minh số lượng nguyên tắc càng nhiều. Sau khi vào đời một thời gian (dài ngắn tùy hoàn cảnh riêng) trong mỗi thân xác con người có hai cái tôi cùng chung sống nhưng luôn đấu đá lẫn nhau để đòi quyền làm chủ thân xác đó: cái tôi đích thực và cái tôi hội nhập với cuộc đời – tôi tạm gọi là cái tôi văn hóa. Tuổi đời càng cao cái tôi văn hóa càng mạnh, càng rõ nét và cái tôi đích thực càng yếu kém, càng mờ nhạt. Đến một lúc nào đó cái tôi văn hóa sẽ “đè bẹp” cái tôi đích thực để độc quyền chiếm hữu cái thân xác kia.(2)

“Cái tôi văn hóa” (cái tôi để sống với xã hội) và “cái tôi đích thực” có một sự khác biệt lớn. Đó chính là những gì tiềm ẩn trong vô thức (của “cái tôi văn hóa”), kín đáo điều khiển suy nghĩ và hành động của con người.  Cho nên mặc dù thi sĩ 100% chân thật với “cái tôi văn hóa”, viết bài thơ (về tình yêu, chẳng hạn) không nằm ở bên nào của một vấn đề hai mặt, bài thơ đó cũng chưa phải là tâm tình của “cái tôi đích thực”, vì vẫn còn những điều đã ăn sâu vào tâm khảm, theo tập quán, thói quen, phải che giấu.

Câu Trả Lời Của Trần Hạ Vi

Về điểm này Trần Hạ Vi có câu trả lời sinh động bằng bài thơ Căn Phòng Bí Mật. Xin giới thiệu 2 đoạn hay nhất của bài thơ:

Có những điều sẽ chẳng nói ra
cho dù chúng ta
có yêu nhau đến thế nào chăng nữa
mấy ngàn ngày…
và có thể mấy vạn ngày tiếp lửa
chuyện anh
chuyện em
vẫn ẩn chứa bí mật của mỗi người


Có những góc tối ở trong hồn
của riêng ta
không bao giờ chia sẻ
chẳng phải vì niềm tin không vẹn vẽ
nhưng vì đó là căn phòng bí mật
chẳng nên mở bao giờ.

Khi còn giấu “những điều không thể nói ra”, “những góc tối ở trong hồn” trong Căn Phòng Bí Mật thì làm sao có sự chân thật hoàn toàn trong thơ.

Như vậy, CPBM gần như là chướng ngại vật cuối cùng của con người đương đại nói chung và thi sĩ nói riêng để trở về “cái tôi đích thực”. Có thể nói tuyệt đại đa số công dân của trái đất, đặc biệt ở các nước văn minh, đã phải đối diện với chướng ngại vật này. Và trên 99% đã giơ tay đầu hàng.

Chính vì thế những triết gia tây phương – quan ngại đến nhân phẩm của con người – đã phải la toáng lên. Jean Paul Sartre (2) thì báo động “Con người mang thân phận của một kẻ vong thân”. Còn Albert Camus (3) thì nói “Con người đích thực đã bất lực - để một ‘kẻ xa lạ’ nhập vào chiếm hữu thân xác mình.”

Với thi sĩ, nếu lúc nào cũng suy nghĩ, hành xử như một công dân lịch sự của một xã hội văn minh thì cửa  CPBM của họ sẽ được khóa chặt, và trên những bài thơ của họ, một chữ “Xạo” thật to luôn nhởn nhơ truớc mắt mọi người.
Ngược lại, nếu có một giây phút nào đó, thi sĩ cao hứng đến mức nổi điên, đạp tung cánh cửa CPBM, thì những gì được che giấu, lấp liếm từ “muôn kiếp trước” sẽ ùa ra tràn ngập tâm hồn ngài.Vâng, chính lúc ấy, nếu cầm bút làm thơ ngài sẽ lạc vào Miền Đất Hứa. Ở đây, những gì viết ra sẽ ngoài vòng cương tỏa của lý trí cũng như những quan niệm về thẩm mỹ và đạo đức. Nó sẽ là một bài thơ khác lạ – bài thơ với tâm thế của “cái tôi đích thực”. Nếu thi sĩ có kỹ thuật thơ vững vàng, tứ thơ hay (không vướng vào phía nào của một vấn đề hai mặt), bài thơ có nhiều cơ hội về tới Bến Bờ Thơ Ca

1/ Trái Tim Rao Bán – Bài Thơ Đầy Bản Sắc, Phạm Đức Nhì, phamnhibinhtho.blogspot.com
2/ Đều là đại diện của Chủ Nghĩa Hiện Sinh.
3/ Diên Hồng Dương, Có Cái Gì Đó Sai Sai Trong Bài Phê Bình “Một Kịch Bản Thơ ‘Xạo’” https://www.facebook.com/dienhong.duong.5/posts/986680141469017

                                                      THƠ SẼ ĐI VỀ ĐÂU?

Đến đây, hy vọng tôi đã thuyết phục được bạn đọc đồng ý một điều quan trọng: Lý trí là “khắc tinh” của thơ ca. Có lý trí thì lòng thi sĩ không thẳng và thơ không thật. Và để giải quyết vấn đề này các nhà thơ đã tìm đến Chủ Nghĩa Siêu Thực.
Áp Dụng Chủ Nghĩa Siêu Thực Để Tước Bỏ Vai Trò Của Lý Trí Trong Thơ
 Siêu Thực là thao tác tự động thuần túy tâm linh, qua đó con người diễn tả bằng lời nói, bằng chữ viết hoặc bằng cách này hay cách khác; hoạt động thực của tư tưởng. Là bài chính tả mà tư tưởng đọc ra, vắng mọi kiểm soát của lý trí và ở ngoài vòng quan tâm thẩm mỹ hay đạo đức" (Breton)

Ðối với Breton, con người bị giam hãm trong sự kiểm duyệt của lý trí, ngụp lặn trong những lề thói rập khuôn của ngôn ngữ sáo mòn mà họ nặn ra. Tác hợp mộng và thực là đập vỡ bức tường ngăn đôi con người với phần vô thức, để tìm thấy toàn bộ quyền lực của tri năng trong sáng tạo. (Cấu Trúc Thơ, Thụy Khuê) http://vnthuquan.org/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n1n0ntnvn31n343tq83a3q3m3237nvnvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1

Xóm tôi có cây vú sữa lớn, tàn rộng, bóng mát. Dưới gốc cây lại có cái quán che lều của bà hàng xóm bán nước, kẹo bánh, cóc ổi … Nơi đây mỗi sáng – vào ngày có xổ số - thường tụ họp những người chơi đề và bàn đề. Ai có giấc mơ nào đêm hôm trước thường ra đây kể cho mọi người nghe và cùng bàn (diễn dịch) xem giấc mơ ấy ứng với số mấy. Sau khi bàn xong mỗi người cộng thêm số tuổi của mình, số người trong gia đình mình, nếu có người yêu thì cộng thêm tuổi của người yêu, nếu người già thì cộng thêm 1 (vì người già chống gậy, gậy giống số 1). Cứ thế tìm ra con số của mình và móc tiền trong túi ra … đánh. Kết quả là tiền chui hết vào túi mấy ông bà “huyện đề”.

“Đập vỡ bức tường ngăn đôi con người với phần vô thức” để “tác hợp mộng và thực” theo cách của những nhà thơ Siêu Thực cũng gần giống như thế. Họ ghi lại những hình ảnh, diễn tiến (có thể nhớ được) trong giấc mơ (thường là đầu Ngô mình Sở) rồi đưa kịch bản của giấc mơ ấy (đã được gọi là thơ) cho độc giả khắp nơi tha hồ diễn dịch (interpret). Liệu có người nào diễn dịch đúng tâm trạng của thi sĩ để có sự đồng cảm hay mạnh ai nấy sướng theo kiểu riêng của mình?

 Ðể tạo hình, nhà thơ Siêu Thực có thể dùng mọi thủ pháp, kể cả lựa cắt những chữ tình cờ trên báo, đặt cạnh nhau, (nếu cần thì giữ đúng cú pháp).
Với lối cắt dán như thế, Breton sáng chế ra những hình ảnh lạ lùng như: Un éclat de rire de saphir dans l'ỵle de Ceylan (một tiếng cười lam ngọc trên đảo Tích Lan) (Cấu Trúc Thơ, Thụy Khuê)

Riêng với thủ pháp cắt dán, nếu thi sĩ khéo léo (cộng với sự may mắn) có thể tạo ra những hình ảnh lạ lùng, có khả năng hấp dẫn người đọc. Nhưng những hình ảnh lạ lùng ấy có ăn nhập gì với tâm trạng, cảm xúc, những gì sôi sục trong lòng, thôi thúc thi sĩ cầm bút làm thơ đâu? Rốt cuộc, cái gọi là thơ bằng thủ pháp cắt dán ấy chỉ giống như hình ảnh có được từ một cái “lắc” hộp kính vạn hoa - đẹp một cách kỳ vĩ nhưng vô hồn vì hoàn toàn nằm ngoài tâm trạng của thi sĩ.
Dưới đây là một bài thơ Siêu Thực của Nguyễn Xuân Sanh:
Buồn Xưa
Quỳnh hoa chiều đọng nhạc trầm mi 
Hồn xanh ngát chở dấu xiêm y 
Rượu hát bầu vàng cung ướp hương 
Ngón hường say tóc nhạc trầm mi 
Lẵng xuân bờ giũ trái xuân sa 
Ðáy đĩa mùa đi nhịp hải hà 
Nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm 
Tỳ bà sương cũ đựng rừng xa 
Tác giả, bằng sự hiểu biết về thơ sâu sắc của mình, đã “lắp đặt” những từ hoặc hình ảnh chẳng liên quan gì đến nhau ngay bên cạnh nhau để lý trí “chào thua” và tự động rút lui – thí dụ trong 2 câu thơ:
Lẵng xuân/ bờ giũ/ trái xuân sa
Đáy đĩa/ mùa đi/ nhịp hải hà
Ông đã thành công trong cuộc chiến loại bỏ lý trí nhưng cũng đồng thời giết chết khả năng hiểu và cảm nhận của độc giả. Chức năng truyền thông của bài thơ thất bại. Mà dù do một tình cờ nhiệm mầu nào đó, ông thành công, thì đó cũng chỉ là bài thơ “lắp ráp các con chữ”, vô cảm xúc.
Những thủ pháp kỹ thuật của những nhà thơ Siêu Thực đã khiến bộ mặt của thơ méo mó, không phản ảnh tâm tình của con người và giả tạo đến mức nhiều người (trong đó có tôi) không muốn gọi chúng là thơ nữa.

Có Một Phương Cách Khác
Nếu không muốn là thành viên của trường phái Siêu Thực thì có cách nào khác để loại trừ hoặc giảm thiểu vai trò của lý trí trong thơ?
Tôi Bỗng nhớ tới mấy người bạn Mỹ - thi sĩ, giáo sư – khi nói chuyện thơ với tôi thường nhắc đến What và How, hai câu hỏi - như một cặp bài trùng - mà mỗi thi sĩ (ở phương Tây) phải trả lời khi sáng tác một bài thơ. Với nỗ lực mày mò học hỏi cộng thêm kinh nghiệm làm thơ, bình thơ của mình, tôi đưa vào một câu hỏi nữa để thành “bộ ba”: When. Tôi nghĩ câu hỏi mới này, nếu được trả lời một cách rốt ráo, sẽ giúp bài thơ có cơ hội đi đến bờ, đến bến.
Và bây giờ xin tóm tắt những điều thật cần thiết để trả lời 3 câu hỏi trên.
What: Viết cái gì? Chữ tương đương của tiếng Việt là Tứ Thơ.
Sau đây là bảng phân hạng Tứ Thơ (từ thấp lên cao) của tôi:
     1/ Viết theo phong trào, xu hướng chính trị, theo thị hiếu của đám đông, chọn những đề tài muôn thuở (tình yêu, quê hương …), những con đường đã có hàng triệu dấu chân.
     2/ Một hiện tượng, một lối sống, một cách nghĩ của một giai đoạn lịch sử đã lác đác có người viết đề cập đến nhưng chưa có tác phẩm nào xuất sắc.
     3/ Lách, thoát hẳn ra khỏi (hoặc ngược với) dòng thơ Phải Đạo.
     4/ Cao đẹp, khai phóng, thăng hoa tâm hồn con người, mới lạ, độc đáo. (Điều này có thể đạt được nhưng rất khó và rất hiếm)

How: Viết thế nào? Chữ tương đương trong tiếng Việt là Kỹ Thuật Thơ.
Kỹ Thuật Thơ bao gồm nhiều khía cạnh kỹ thuật của bài thơ. Ở đây tôi chỉ nói đến hai điểm (tuy hai mà một) - nếu thi sĩ không để ý - cơn cao hứng sẽ bị “xì hơi”.
     1/ Thể thơ: Chọn thể thơ nhất khí, liền mạch. Tránh thể thơ Trường Thiên - nhiều đọan, mỗi đoạn 4 câu, mỗi câu là một ý nhỏ riêng biệt. Nếu chọn thể thơ Trường Thiên, mỗi lúc ngưng nghỉ, lý trí sẽ xuất hiện giết chết hồn thơ.
     2/ Vần liên tiếp để nối ý tưởng, sự kiện và để cảm xúc chảy thành dòng. Có thể chêm vào vần gián cách, hoặc thoát vận ở điểm chuyển ý. Điều chỉnh độ ngọt để tránh hội chứng nhàm chán vần.


When: Viết khi nào?   
When ở đây phải hiểu là trạng thái tâm hồn của thi sĩ (poet’s state of mind) khi sáng tác thơ.
Làm thơ kỵ nhất là tỉnh táo. Bởi khi đã bình tâm suy nghĩ thì hào khí ngất trời cũng xẹp như bong bóng xì hơi để nghĩ đến miếng cơm manh áo, vợ (chồng) đẹp, con khôn. Khi lý trí đã trụ được ở trong lòng thì đau thương chất ngất cũng nguôi ngoai, hận thù đằng đằng cũng lắng xuống, tình yêu cháy bỏng cũng nguội dần đi. Lúc ấy dù kinh nghiệm sống có phong phú đến đâu đi nữa, kỹ thuật thơ ca có điêu luyện đến đâu đi nữa, cái mớ chữ nghĩa được viết ra cũng không có hơi sức để lay động lòng người.

 Thi sĩ làm thơ cần có hứng. Càng cao hứng thơ càng nhiều cảm xúc và dĩ nhiên, càng hay. Khi cơn cao hứng lên đến tột đỉnh, thi sĩ sẽ lạc thần trí, như người lên cơn điên, “vắng mọi kiểm soát của lý trí và ở ngoài vòng quan tâm thẩm mỹ hay đạo đức”. Lúc ấy trong đầu ngài chỉ có một thôi thúc là làm sao “xả” cái tâm sự đang óc ách ở trong lòng qua ngòi bút (hoặc bàn phím). Nếu có thể viết trọn vẹn (hay gần trọn vẹn) bài thơ trong tâm thế ấy – dĩ nhiên phải cộng với tứ thơ hay và kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn – bài thơ ấy ít nhất cũng tiến gần, hoặc nếu may mắn, có thể đi vào Bến Bờ Thơ Ca.
Cảm Xúc Trong Thơ
Thơ, theo tôi, có đến 3 tầng cảm xúc:
     1/ Cảm xúc ở tầng 1: Đây là cảm giác thích thú người đọc có được do tiếp xúc với tài năng sử dụng các con chữ, câu thơ riêng biệt của thi sĩ – nói theo ngôn ngữ bóng đá là kỹ thuật cá nhân của cầu thủ.
     2/ Cảm xúc ở tầng 2: Khoái cảm của người đọc khi thấy đuợc cái hay của thế trận chữ nghĩa của bài thơ – theo ngôn ngữ bóng đá là cái hay, cái đẹp của đấu pháp toàn đội.
     3/ Cảm xúc ở tầng 3: Thứ cảm xúc đặc biệt không phải từ các con chữ, câu thơ mà hình như nằm đâu đó “giữa những hàng kẻ” của bài thơ. Nó chính là hồn thơ, phát sinh từ trạng thái cao hứng của thi sĩ lúc làm thơ – ngôn ngữ bóng đá là “trận đấu có hồn”, đến từ sự hứng khởi đặc biệt của cầu thủ, đá xuất thần với ý chí quyết đấu, quyết thắng.
Cảm xúc ở tầng 1 và tầng 2 là thứ cảm xúc cấp thấp, có được do kỹ thuật thơ của thi sĩ (thi sĩ có thể học từ trường lớp hoặc tìm tòi nghiên cứu của riêng mình). Hồn thơ (cảm xúc ở tầng 3) có được do thi sĩ nổi điên, đến (hoặc gần đến) mức lạc thần trí. Chính hồn thơ - thứ cảm xúc tươi mát và cao cấp nhất, không thể học hoặc tập luyện mà có – đã đưa bài thơ nói riêng, và Thơ nói chung, lên hàng nghệ thuật.
Trong bóng đá, cầu thủ có thể học hỏi, tập tành để có kỹ thuật cá nhân điêu luyện hoặc đấu pháp toàn đội nhịp nhàng, ăn khớp. Nhưng để có những lúc lên, lúc xuống, lúc chạy, lúc dừng như có tiếng nói vô hình nào đó mách bảo - những đường chuyền đúng chỗ, đúng lúc như thể từ những bàn chân có mắt giữa tiếng reo hò vang dậy của khán giả - vâng, những giây phút ấy trong bóng đá đã tạo nên Cái Hồn của trận đấu, đã nâng môn Thể Thao Vua này lên hàng nghệ thuật.
Mức Độ Cao Hứng Và Bài Thơ Thành Phẩm
KHI THI SĨ NỔI CƠN ĐIÊN
Khi khối tâm sự trong lòng quá lớn và “óc ách” quá lâu (cộng thêm một vài cơ duyên, tác nhân khác nữa), thi sĩ sẽ đột nhiên cao hứng đến mức nổi cơn điên và cầm bút làm thơ. Giả sử kỹ thuật thơ của thi sĩ đã vươn tới một đẳng cấp cần thiết, sau đây là một vài điều sẽ xảy đến cho bài thơ:
     1/ Nếu tứ thơ “đứng về một phía của vấn đề hai mặt”: Tính xạo vì “xoay chuyển tứ thơ” do đã được tự động lắp đặt sẵn nên tuy bài thơ vẫn có thể đến “đích”, “đích” chỉ là Điểm Đến Của Thơ ở mức thấp hơn.
     2/ Nếu tứ thơ không “kẹt” trong “vấn đề hai mặt”, bài thơ có thể sẽ đến Điểm Đến Của Thơ ở mức cao nhất. Đó chính là Bến Bờ Thơ Ca.
     3/ Nếu bài thơ không nhất khí liền mạch, có những trạm dừng để chuyển ý do cấu trúc của thể thơ, cơn điên của thi sĩ sẽ “xì hơi” sau một đôi lần ngừng nghỉ. Cảm xúc ở phần bài thơ viết trước khi cơn điên bị “xì hơi” tươi mát hơn, có hồn hơn phần còn lại.
     4/ Nếu cơn điên của thi sĩ không đủ dài để viết trọn bài thơ (dù thể thơ nhất khí liền mạch) thì phần bài thơ viết lúc cơn điên chưa “hạ” sẽ tươi mát, có hồn hơn.
THI SĨ CAO HỨNG NHƯNG CHƯA ĐÉN MỨC LẠC THẦN TRÍ
Sự có mặt của lý trí đã được giảm thiểu.
     1/ Lý trí có mặt nhưng ít, có thể chưa can thiệp vào tứ thơ: Cảm xúc tươi mát ở tầng 3 - thứ cảm xúc cao cấp nhất của thơ sẽ làm người đọc khoan khoái, xao xuyến ở mức độ khá cao.
     2/ Đã có sự can thiệp của lý trí: Cảm xúc ở tầng 3 rất nhẹ; người đọc chỉ cảm thấy man mác hồn thơ.
THI SĨ TỈNH TÁO
Lý trí điều khiển, chi phối bài thơ về mọi mặt. Bài thơ vẫn có cảm xúc ở tầng 1 và tầng 2. Cảm xúc tầng 3 hoàn toàn vắng bóng.

Một Số Bài Thơ Đã Đến (Hoặc Gần Đến) Bến Bờ Thơ Ca
1/ Hồ Trường
Đại trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường
Hà tất tiêu dao bốn bể lưu lạc tha phương
Trời nam nghìn dặm thẳm
Non nước một mầu sương
Học chưa thành, danh chưa đạt
Trai trẻ bao lâu mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương
Vỗ gươm mà hát
Nghiêng bầu mà hỏi
Trời đất mang mang ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường
Hồ trường! Hồ trường!
Ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước biển Đông chẳy xiết sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương, mưa phương Tây từng trận chứa chan
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút cát chạy đá giương
Rót về Nam phương, trời Nam mù mịt có người quá chén như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ
Hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác là bài thơ đọc lên nghe phảng phất hơi men. Đó là tâm trạng của người rượu đã ngà ngà say nhưng không đến nỗi “quắc cần câu”, “bất tri hà sự”. Ông say kiểu nửa say nửa tỉnh. Say, để những điều nói ra không phải qua bộ máy “suy hơn tính thiệt, gạn đục khơi trong”của lý trí. Tỉnh, để nói đúng những gì ẩn ức chất chứa trong lòng. Chính vì thế lời thơ là tiếng lòng chân thật. Lại thêm thể thơ nhất khí liền mạch, vần vừa đủ độ ngọt, dẫn tứ thơ đi bon bon trên đường. Tác giả đang cơn cao hứng, có men rượu hỗ trợ, kỹ thuật thơ nhuần nhuyễn, nói lên tấm lòng của một sĩ phu trước cảnh “non nước một màu tang”. Bài thơ hào khí ngất trời, xứng đáng cùng thi sĩ bước qua cánh cổng vào Bến Bờ Thơ Ca.
2/ Say Đi Em
Vũ Hoàng Chương vào đầu bài thơ nhẹ nhàng, chậm rãi; mới có một chút tâm sự, vài bước nhảy du dương:
Khúc nhạc hồng êm ái 
Điệu kèn biếc quay cuồng 
Một trời phấn hương 
Đôi người gió sương 
Đầu xanh lận đận, cùng xót thương, càng nhớ thương... 
Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo? 
Hồn ngã lâu rồi nhưng chân còn dẻo 
Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương 
Lòng nghiêng tràn hết yêu thương 
Bước chân còn nhịp Nghê Thường lẳng lơ 
 Nhưng càng về sau cảm xúc càng mạnh, nhịp thơ càng nhanh, điệu nhạc càng quay cuồng, bước nhảy càng gấp, có lẽ vì đã có mùi rượu, hơi men.
 Âm ba gờn gợn nhỏ 
 Ánh sáng phai phai dần... 
Bốn tường nghiêng điên đảo bóng giai nhân 
Lui đôi vai, tiến đôi chân 
Riết đôi tay, ngả đôi thân 
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió 
Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ 
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta 
Ở nửa sau của bài thơ, men rượu đã ngấm, hơi rượu đã nặc nồng, cảm xúc mạnh hơn, có lúc đã đến đỉnh điểm, tác giả như người lạc thần trí, bước nhảy nhanh hơn nữa – không được điều khiển bằng lý trí mà hoàn toàn theo quán tính.
Say đi em! Say đi em! 
Say cho lơi lả ánh đèn 
Cho cung bậc ngả nghiêng, cho điên rồ xác thịt! 
Rượu, rượu nữa! và quên, quên hết! 

Ta quá say rồi 
Sắc ngả màu trôi... 
Gian phòng không đứng vững 
Có ai ghì hư ảnh sát kề môi 

Chân rã rời 
Quay cuồng chi được nữa 
Gối mỏi gần rơi! 
Trong men cháy giác quan vừa bén lửa 
Say không còn biết chi đời 
Đến đoạn cuối, nhịp thơ chậm dần, thi sĩ thân xác rã rời, vẫn trong cơn say mê sảng, tuôn ra từ đáy tâm hồn những lời thơ chán nản đến cùng cực:
Nhưng em ơi
đất trời nghiêng ngửa
mà trước mắt thành sầu chưa sụp đổ
đất trời nghiêng ngửa
thành sầu không sụp đổ, em ơi.
Về phương diện âm nhạc, đoạn thơ như một giai kết hoàn toàn – đi từ “chưa sụp đổ” đến “không sụp đổ” và cho 2 từ “em ơi” trở về chủ âm thật ngọt ngào. VHC bước vào vũ trường là để mượn rượu giải sầu. Chữ “chưa” rất đắt - diễn tả sự chờ đợi, mong mỏi cho nỗi sầu tan biến. Và chữ “không” cũng vô cùng đắc địa, cho biết nỗi sầu vẫn còn đó, sừng sững như bức tường thành trước mặt. Và thi sĩ buông thõng tay, cúi đầu tuyệt vọng. Lúc ấy, rượu đã thật say, lời thơ du dương như đã được một nhạc sĩ tài ba phổ nhạc, thì tâm hồn làm gì có chỗ cho lý trí chen vào. Bài thơ đúng là tiếng lòng, tiếng nói của cái tôi đích thực và đã hãnh diện đưa thi sĩ vào ngồi chễm chệ trong Bến Bờ Thơ Ca.

3/ Trái Tim Rao Bán
Có thể
rồi sẽ đến một ngày
em phải xót xa
xót xa
đem trái tim mình
rao bán
một ngày
mù khơi hạnh phúc
biền biệt tình yêu
còn lại trái tim biết đớn đau – niềm kiêu hãnh cuối cùng
rồi em sẽ phũ phàng
rao bán
một ngày
mõi mòn trong ảo vọng
em sẽ đem bán đi trái tim mình
không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!
chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!
một chút tình
cho bớt chông chênh…
(Đinh Thị Thu Vân)
Mới đầu lời thơ còn dè đặt:
Có thể
rồi sẽ đến một ngày
em phải xót xa
xót xa
đem trái tim mình rao bán

động từ còn chia ở thì tương lai.
Dè dặt cũng phải. Bởi chị là người có học thức, địa vị trong xã hội, từng là Tổng Biên Tập báo Văn Nghệ Long An. Nhưng rồi khi phải dùng đến những cụm từ “mù khơi hạnh phúc”, “biền biệt tình yêu”, mỏi mòn trong ảo vọng” – nghĩa là cơn khát tình đã lên thật cao - chị bất chợt nổi điên, bất kể danh dự, bất chấp điều tiếng, kéo tương lai hòa nhập với hiện tại, nói lên tiếng nói chân thật của lòng mình.
em sẽ đem bán đi trái tim mình
không cần chọn lựa người mua
không cần sòng phẳng!
chỉ để mong nhận lại một chút tình
một chút tình
dẫu là thương hại!
một chút tình           
cho bớt chông chênh…

Tiếng lòng ấy lại là đoạn kết, là cao trào của bài thơ nhất khí liền mạch, sóng sau dồn sóng trước, lý trí không có cơ hội chen vào nên đã chiếm trọn niềm tin của độc giả. Lời thơ của chị là thứ ngôn ngữ của “cái tôi đích thực” của CON NGƯỜI viết hoa cao quý.
Theo tôi, bài thơ Trái Tim Rao Bán đã xứng đáng cùng tác giả của nó bước vào Bến Bờ Thơ Ca. (1)
4/ Chạm
Vùi vào tóc anh
Chạm
rong rêu đại dương, ẩm mục rừng già
ngai ngái phù sa cánh đồng rơm rạ
Chạm sợi đa đoan
nhuộm màu dâu bể
Chạm sợi muộn phiền
ẩn mình lặng lẽ
Vùi vào môi anh
Chạm thềm mê man, chạm bờ mộng mị
Chạm lời chối bỏ trong lời thầm thì
Dâng bời bời nhớ
Chạm bời bời quên
Vùi vào tay anh
Chạm đường vân quen mịt mùng lạc lối
Chạm vết thương sâu dấu chai cằn cỗi
Hôn ngón yêu thương
Chạm ngón lạnh lùng
Vùi sâu vào anh
Vùi vào giấc mơ
Vào đêm
Không anh.
Cái sung sướng nhất của người đàn ông trong chuyện gối chăn là được người phụ nữ mình yêu cũng hết mực yêu mình, đang lúc cơn thèm khát nhục tình lên đến cực điểm, đã với cung cách tận tụy ân cần, đem trọn vẹn thể xác và tâm hồn say đắm hiến dâng. Đó chính là cung cách của Đậu Thị Thương khi bước vào cuộc ân ái (2). Trong một cơn hứng tình đến đỉnh điểm cô đã hé mở cánh cửa Căn Phòng Bí Mật của tâm hồn để lộ ra trước mắt mọi người chữ Dâm cuồng nhiệt của mình.
Cả Đậu Thị Thương và Đinh Thị Thu Vân đều viết về nhu cầu chính đáng và nhân bản của phụ nữ. ĐTTV chọn chữ Tình nên có thể “nhấn lút ga” cho con thuyền tứ thơ chạy đến bờ đến bến. Cô giáo ĐTT, can đảm hơn, chọn chữ Dâm mà - ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt - đã được các nhà thơ nữ coi là vùng đất cấm. Tứ thơ của Chạm hấp dẫn người đọc ngay từ giây phút ban đầu. Qua ngôn ngữ thơ lung linh nhiều màu sắc, có sức gợi cảm mạnh mẽ của mình cô đã thi vị hóa chữ dâm dung tục của người đời. Chữ Dâm (viết hoa) của cô rất đẹp, rất trong sáng và nhân bản. Tuy nhiên, vì phải khoác chiếc áo cô giáo Văn đứng trên bục giảng nên cô không khỏi có chút e dè, và do đó, bài thơ Chạm đã dẫn cô đi đúng hướng nhưng gần đến cổng thì hết trớn, chưa vào được Bến Bờ Thơ Ca.
Có người bạn thân, khi được gởi bài viết để đọc và góp ý, đã viết: “Chạm có ngôn ngữ thơ đẹp, cấu trúc văn chương đẹp, chữ Dâm của tứ thơ được cởi bỏ ‘xiêm y’ nhưng vẫn chừa một lớp voan thật mỏng để khỏi lõa lồ - nghĩa là vẫn còn đẹp”. Tôi đồng ý. Nhưng ở đây tôi không bàn đến chữ “khéo” mà muốn thấy sự bóc trần tuốt luốt, đi đến tận cùng của sự chân thật, để tìm đọc lời thơ - tiếng nói - của Con Người (viết hoa), Con Người đích thực. Chạm đã đến rất gần nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu ấy.

BẢN TÌNH CA HAI CON SUỐI NHỎ

Lắm lúc muốn làm thơ
về mối tình hai đứa
(mối tình nào chẳng nên thơ em nhỉ?)
nhưng sao anh vẫn cứ ngại ngùng
                                                                                            
Có một khúc sông
nơi gặp nhau của hai con suối nhỏ
có người nghe
trong làn nước
tưởng như im lìm đó
tiếng đôi ta to nhỏ tự tình

Em ơi! Làn nước trong xanh
từ hai con suối chúng mình đổ lại
sẽ trăm năm chảy mãi
góp cho đời
muôn khúc nhạc du dương
ôi tuyệt vời
những tiếng nhạc yêu thương

(PĐN, vandanviet.com)


Đây là bài thơ trái ngược với Trái Tim Rao Bán của Đinh Thị Thu Vân, nói về hạnh phúc trong tình yêu. Không phải chỉ có hai kẻ yêu nhau hạnh phúc mà nghe tiếng họ “to nhỏ tự tình” cả nhân loại cũng được sướng lây. Tứ thơ đẹp, nhân bản; kỹ thuật thơ vững. Nhưng sao đọc mà lòng không rung động mạnh mẽ và để lại nhiều dư âm như khi đọc TTRB. Phải chăng hạnh phúc là một trạng thái trong tâm hồn có tính hiền dịu, không “bốc”, không tạo cảm giác nóng bỏng, có thể đến đỉnh điểm như sân hận, tham ái, đau buồn? Ngay cả khi tâm hồn ngập tràn hạnh phúc con người cũng chỉ thấy lâng lâng, đê mê rất nhẹ nhàng, chỉ muốn lặng người đi để tận hưởng cái giây phút ấy. Và phải chăng đứng trước nỗi đau của đồng loại con người dễ xúc động, dễ thương cảm hơn khi đứng trước hạnh phúc của họ? Và, như một người bạn tôi viết, “Giọt buồn sẽ đọng lại lâu hơn”? Chỗ này rất mong các bạn yêu thơ lên tiếng.

Ba Bài Thơ Phản Kháng

Như đã nói ở phần Khi Thi Sĩ Nổi Cơn Điên:
Nếu tứ thơ “đứng về một phía của vấn đề hai mặt” bài thơ vẫn có thể đến “đích”, nhưng do đã có “xạo vì xoay chuyển tứ thơ” nên “đích” chỉ là “Điểm Đến Của Thơ” ở mức thấp hơn. Tôi sẽ đem 3 bài thơ có ý tứ khá giống nhau sau đây để so sánh mức độ nổi điên của các thi sĩ.
     1/ Bánh Vẽ của Chế Lan Viên: Kỹ thuật thơ điêu luyện, ẩn dụ tuyệt vời nhưng tác giả viết trong lúc quá tỉnh táo, lý trí tác động hầu như toàn bộ bài thơ. Đọc bài thơ tại http://vanhoc.xitrum.net/thoca/hiendai/6768.html
     2/ Nhìn Từ Xa … Tổ Quốc của Nguyễn Duy: Viết trong cơn cao hứng nhưng có 2 trở ngại:
          a/ Nói chuyện với Cái Bóng nên dòng chảy của tứ thơ - lẽ ra chảy xiết - bị cản lại bớt.
          b/ Đoạn kết của bài thơ viết cho “phải đạo” vì tác giả đã “hoàn hồn” và biết sợ.
Bài thơ nhiều cảm xúc, đã đi về hướng Điểm Đến Của Thơ nhưng còn cách đích khá xa. Đọc bài thơ tại
     3/ Tạ Lỗi Trường Sơn của Đỗ Trung Quân: Tác giả nổi điên lên vì giận dữ lại có kỹ thuật thơ điêu luyện nên cảm xúc rất mạnh, dòng chảy của tứ thơ xiết, bài thơ đã đến đích “Điểm Đến Của Thơ” ở mức thấp hơn. Đọc bài thơ tại  http://poem.tkaraoke.com/16622/Ta_Loi_Truong_Son.html


“Con Người - Đối Tượng Của Thơ Ca” Hay “Con Người - Chủ Thể Sáng Tạo của Thơ Ca?

Sau khi dạo một vòng mấy quan niệm của thi sĩ về cái đẹp của con người, nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc trong bài viết Cái Đẹp Trong Thơ đã kết luận:
Các nhà thơ định làm cách mạng bằng cách xoá bỏ hai khái niệm đẹp và xấu, bằng cách biến cái đẹp thành cái xấu hoặc ngược lại ư? Không phải. Có cách mạng đấy nhưng cách mạng ở chỗ khác: cái đẹp lớn nhất là con người. Và con người đẹp không nhất thiết là do nhan sắc mà chủ yếu, trước hết, căn bản hơn cả, vì họ là con người. Tôi yêu, tôi làm thơ ca ngợi một kẻ nào đó không phải vì kẻ đó có diện mạo phi phàm mà chỉ vì lý do đơn giản: họ là con người và tôi yêu họ. Con người, tự bản thân nó, đã là cái đẹp, đã là đối tượng của thơ ca. Tôi muốn đưa ra nhận định thứ hai về quy luật phát triển của cái đẹp trong thơ: đó là sự phát triển của ý thức con người về sự hiện hữu của con người. http://www.tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=2286
Trong đoạn văn trên NHQ đã đề cao sự hiện hữu của con người trong thơ ca nhưng là “con người - đối tượng của thơ ca”.
Với tôi, dù bài thơ viết về con người hay cái gì đi nữa, nếu thi sĩ viết ra nó với tâm thế của “cái tôi văn hóa” thì đó cũng chỉ là lời lẽ, tâm trạng của một “kẻ xa lạ” (3), chứ không phải của con người đích thực.
Chỉ khi nào hắn nổi điên lên, cảm xúc cao ngất như một kẻ lạc thần trí – đánh đuổi “kẻ xa lạ” ra khỏi con người mình để “cái tôi đích thực” chiếm lại thân xác mình, vâng, chính lúc ấy lời thơ của hắn mới là ngôn ngữ của Con Người (viết hoa), Con Người đích thực.
Những người đọc bài thơ ấy của hắn trở thành những kẻ chịu ơn hắn vì hắn đã ban cho họ diễm phúc được đọc, được nói Tiếng Người chân thật. Kẻ có thể làm được việc ấy không phải là con người - đối tượng của thơ ca - mà là con người - chủ thể sáng tạo của thơ ca, là thi sĩ.

Diện Mạo Của Bài Thơ
Bài thơ muốn có cơ hội bước vào hoặc ít nhất cũng đi về hướng Bến Bờ Thơ Ca thường có một số nét chung sau đây:
TỨ THƠ:
Nhân bản, mới lạ, không vướng vào một vấn đề hai mặt. Tứ thơ, có thể nói, ẩn chứa cái đẹp tâm hồn của tác giả.
KỸ THUẬT THƠ:
Ngôn ngữ, câu cú, thế trận phải Đẹp ở một mức độ nào đó để hoàn thành chức năng Thẩm Mỹ của Thơ Ca, phô bày cái đẹp của văn chương. Ngoài ra bài thơ cần mấy điều kiện sau đây để giúp thi sĩ loại trừ hoặc giảm thiểu đến mức thấp nhất sự có mặt của lý trí.
     1/ Thể thơ nhất khí. liền mạch, số chữ trong câu thay đổi tự do, không vướng vào một quy luật nào.
     2/ Có độ dài cần thiết để tăng tốc độ dòng chảy của tứ thơ, tạo cao trào.
     3/ Vần thoang thoảng để nối các mảnh ý tưởng, tâm trang, giúp bôi trơn dòng chảy của tứ thơ, không có thời gian chết cho lý trí xuất hiện.
HỒN THƠ:
      Thi sĩ phải lạc thần trí (nổi điên) hay ít nhất cũng trong trạng thái cao hứng. Đây là điều Vô Cùng Cần Thiết để tạo Hồn Thơ - chỉ dấu của tâm hồn chân thật của thi sĩ.

KẾT LUẬN
Đây là cái nhìn của tôi về hướng đi của thơ ca trong vài chục năm sắp tới. Nếu bài thơ theo hướng đi này đến được Bến Bờ Thơ Ca có nghĩa là thi sĩ và người đọc đang “đối thoại” với nhau bằng ngôn ngữ Chân Thật của Con Người (đều viết hoa). Ước mơ của các nhà thơ Siêu Thực là  bài thơ “vắng mọi kiểm soát của lý trí và ở ngoài vòng quan tâm thẩm mỹ hay đạo đức” sẽ được thực hiện mà không cần đến những thủ pháp tuy loại trừ được lý trí nhưng lại làm thơ của họ tối mù, khó hiểu vì chức năng truyền thông thất bại thảm hại.
Jean Paul Sartre (nếu còn sống) sẽ không còn than thở “Con người là một kẻ vong thân” vì đã có người - nhờ thơ - tìm lại được chính mình. Nỗi lo sợ của Albert Camus “Con người đã bị một Kẻ Xa Lạ nhập vào chiếm hữu thân xác mình” sẽ chỉ là “nỗi lo của quá khứ” vì con người - qua thơ - đã trục xuất Kẻ Xa Lạ để trở về với Bản Lai Diện Mục của mình.
Nếu bạn thấy bài biết này có đôi phần hữu lý và muốn thơ của mình đi về hướng Bến Bờ Thơ Ca thì bạn chẳng cần phải làm điều gì lớn lao đâu. Cứ tiếp tục học hỏi, rèn luyện cho nhuần nhuyễn kỹ thuật thi ca (ai cũng thế, phải không bạn?), đưa tứ thơ mà mình tâm đắc nhất vào ấp ủ, thai nghén trong lòng, và chờ khi nó đã chín mùi, sự hứng khởi dâng lên đến mức lạc thần trí – vâng, chính lúc ấy nếu bạn làm thơ thì tôi rất mong đọc bài thơ ấy, đọc để lâng lâng hạnh phúc vì được nghe bạn nói tiếng Người Chân Thật.
Phạm Đức Nhì

CHÚ THÍCH:
1/ Mới đây nhà thơ Nguyễn Khôi đã khắc họa “Chân Dung Nhà Thơ Việt Đương Đại” trong đó ông viết về nhà thơ Đinh Thị Thu Vân - được đánh số thứ tự 71 – như sau:
Đinh Thu Vân tự bị lừa
Thơ gom đem dán chẳng vừa con tem.

Ông đã ngạo mạn và nhẫn tâm đạp cả một đời thơ của ĐTTV xuống tận bùn đen. Không biết ông dựa vào đâu để đưa ra nhận định ấy. Nhưng dù dựa vào đâu chăng nữa nhận định như thế cũng hơi quá … tự tin.
2/ Chạm Và Mấy Lời Bình, Phạm Đức Nhì, t-van.net
3/ Nguời Xa Lạ, Albert Camus, gacsach.com






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét