Thứ Ba, 12 tháng 9, 2017


THÚ UỐNG CÀ-PHÊ TẠI SÀIGÒN NGÀY TRƯỚC  
 Bạn đã uống cà-phê nhiều, biết rằng pha ly cà-phê tuyệt vời đâu phải khó. Cà-phê sẽ loãng nước nhưng đậm mùi thơm, cà-phê Mít đặc quánh mà vô vị, vậy hãy chọn một tỷ lệ pha trộn thích hợp là đã đi 70% đoạn đường rồi. Muốn cà-phê kẹo thêm một chút nữa, để có cái cảm giác chát chát, tê tê ở đầu lưỡi.  Dễ thôi, thêm một chút xác cau khô là xong. Bạn muốn tách cà-phê có vị rựợu thì nhỏ vài giọt rum; bạn thích vị béo béo, mùi thơm của bơ, thì thêm chút bơ Bretel vào đó. Có người đòi hỏi phải có ly tách bằng sứ, thìa bạc, hoặc thêm chút nhạc tiền chiến, điếu thuốc lá đen không đầu lọc thì mới đã đời, thú vị.  Tuy thế tôi không trách bạn đâu. Cà-phê ngon chỉ mới được một nửa, vì chúng ta đâu chỉ ghiền “uống cà-phê” mà còn ghiền “uống con người cà-phê”, “uống không khí cảnh sắc cà-phê”, như thế mới đủ.  Vậy thì mời bạn đi với tôi, loanh quanh Saigon. Bắt đầu thập niên 60, những năm tôi bắt đầu sống tại Saigon, giai đoạn đất nước thực sự có những thay đổi to tát, những cơn lốc kinh hồn, những xô đẩy, mời gọi lôi cuốn nhiều cạm bẫy sau biến cố 1963.  Nhưng niềm vui và nỗi hy vọng về một vận hội mới đã đi qua nhanh chóng.  Chiến trường mỗi lúc một khốc liệt, trở thành nỗi ám ảnh dai dẳng.  Tuổi trẻ Việt Nam lột xác, lớn lên, gìa đi trước tuổi.  Những “lưu bút ngày xanh” đành gấp lại, những hoa bướm tự nó thành lỗi nhịp, vô duyên. Tiếng cười vắng đi, khuôn mặt, dáng vẻ tư lự và niềm vui của tuổi thanh xuân đã thuộc về quá khứ.  Điếu thuốc lá đầu đời được đốt lên, ly cà-phê đắng được nhấp vào, tuổi trẻ thực sự bị chi phối, thường xuyên đối diện sự bất hạnh của đất nước. Và quán cà-phê đã trở thành nơi chốn hẹn hò để giàn trải tâm tư, những suy nghĩ về tháng ngày chênh vênh trước mặt. Đầu tiên, tôi là khách thường trực của quán cà-phê Thu Hương, đường Hai Bà Trưng.  Quán nằm vị trí đẹp, chiếm ba lô đất đối diện trại hòm Tobia.  Đó chỉ là căn phòng hẹp, vừa là quầy thu tiền vừa là chỗ ngồi cho những ai thích nghe nhạc với âm thanh lớn, và phần còn lại là sân gạch rộng có mái che.  Từ bên trong nhìn rõ ngoài đường lộ, qua song sắt nhỏ sơn xanh và giàn hoa giấy rợp bóng. Ngồi đây nghe văng vẳng tiếng nhạc vọng ra, được chút riêng tư.  Cũng có thể nhận ra sức sống bừng lên mỗi buổi cà-phê sáng và sự mệt mỏi, ảm đạm của buổi chiều đang lặng lờ trôi qua bên ngoài. Ông chủ quán là người đặc biệt, khó chịu một-cách-dễ-thương. Với ông, bán cà-phê là thú tiêu khiển và pha cà-phê được ông nâng lên hàng nghệ thuật kỳ thú.  Ông hãnh diện với tên tuổi Thu Hương.  Bạn là khách uống cà-phê?  “Xin ông bạn cứ ngồi yên đấy, việc của bạn là uống, vậy xin đừng táy máy làm hỏng ly cà-phê của tôi”.  Cà phê được mang đến, ông đã ngồi đâu đó, quan sát chờ đợi. Ông xuất hiện đúng lúc cạn phin, ông từ tốn bỏ đường hoặc sữa vào tách cho người khách hàng quen thuộc, khuyấy đều và lịch sự “xin mời” khi mọi việc hoàn tất.  Ly cà-phê như vậy mới là cà-phê Thu Hương. Đó là cung cách, đặc điểm của Thu Hương.  Có người mới đến lần đầu, cà-phê bưng tới là hấp tấp pha chế, tức khắc bị ông chỉnh ngay:  “Ông bạn nôn nóng mở phin lỏng như vậy, nước chảy ào ào còn gì là Thu Hương! Bỏ đường ngọt như ăn chè thì vào đây làm gì.” Hoặc “ông bạn khuấy cốp cốp kiểu đó cà-phê sẽ chua lét, ông giết Thu Hương rồi!”. Nói đến đây thì tôi nhớ đến anh bạn họ Hà, có “phong cách” uống cà-phê như uống cô-ca, khiến ông chủ quán phiền lòng không ít. Bạn tôi hỏi “Uống cà-phê sao rắc rối quá!”, nhưng sự rắc rối có lý do chính đáng của nó, phải được cảm thông, để có ly cà phê ngon. Mà cà-phê Thu Hương ngon thật, ngon lắm.  Trong lãnh vực kinh doanh quán cà-phê, có người xử dụng âm thanh, có người dùng ánh sáng và cảnh trí, có người nhờ sự duyên dáng của các cô tiếp viên, có người xử dụng phẩm chất của cà-phê để câu khách.  Ông Thu Hương đã chọn cách cuối cùng, cách khó nhất và ông đã thành công.  Khách đến với Thu Hương là ai?  Có thể họ từ bên trường Luật qua, từ dưới Văn Khoa, Dược, Nông Lâm Súc lên, từ Trung Tâm Văn Hóa Pháp, Hội Việt Mỹ lại, hoặc từ Vương Gia Cần, Võ Trường Toản, Thư Viện Quốc Gia tới, quanh quanh khu Tân Định DaKao, v.v.  Cũng có người từ xa hẹn hò nhau tại đây, nhưng dù từ đâu đến họ đều có điểm giống nhau, hầu hết đều trẻ, có vẻ “chữ nghiã” lắm. “ông” nào “bà” nào cũng cầm trong tay những cuốn sách dầy cộm như “Hố Thẳm Tư Tưởng” của Phạm Công Thiện, “Cho Cây Rừng Còn Xanh Lá” của Nguyễn Ngọc Lan hoặc “Nói Với Tuổi 20” của Nhất Hạnh… Tại quán Thu Hương dĩ nhiên ta có thể “uống ly chanh đường…” hay nhiều thứ giải khát khác.  Tuy nhiên, phần lớn đến đây đều là “tín đồ cà-phê” thứ thiệt. Ngày đó tôi thường ngồi tại Thu Hương với Hà và Giang (cháu Nhất Linh).  Hà hát hay, nói chuyện duyên dáng, dạy Anh Văn hấp dẫn như thầy Trần Bích Lan dạy Triết.  Anh là thần tượng của nhiều cô cậu học trò, và sau đó trở thành hiệu trưởng có tiếng tại Saigon.  Giang đang học năm cuối Y Khoa, anh này tài hoa, văn hay chữ tốt, có năng khiếu hội hoạ và âm nhạc.  Anh rất mê giáo sư Trần Ngọc Ninh, xem ông như thần tượng, một tay dao kéo bậc nhất trong ngành giải phẩu.  Giang ra trường hạng cao, có quyền lựa chọn chỗ tốt, nhưng anh tình nguyện làm y sĩ tiền tuyến của binh chủng Dù.  Anh gan dạ, luôn tình nguyện ở lại với thương bệnh binh di tản vào phút chót. Nếu thường ăn phở gà Hiền Vương, Pasteur, bên cạnh nhà may Thiết Lập, bạn còn nhớ cà-phê Hồng ở bên cạnh không?  Quán này ngó xéo qua mấy cây cổ thụ bên bờ rào Trung Tâm Viện Pasteur.  Quán nhỏ không bảng hiệu, tiền diện thì cũ kỹ. Từ ngoài nhìn vào, quán như mọi căn nhà bình thường, cánh cửa sổ khép kín, cửa sắt ra vào sơn màu vàng đậm.  Quầy tính tiền màu nâu hình cong, trên quầy là cây đèn nhỏ, chụp đèn to vẽ hai thiếu nữ đội nón lá.  Ngoài ra có bình hoa tươi, con thỏ nhồi bông, và lọ cắm viết bằng chai màu tím.  Phía sau quầy, thấp thoáng mái tóc dài óng ả, vừa lãng mạn vừa như thẹn thùng che dấu. Quán cà-phê Hồng không có gì đáng nói ngoài vẻ xuề xòa, nhưng ấm cúng. Nếu ngồi lâu, bạn sẽ cảm nhận ra những nét rất riêng, khiến bạn phát ghiền và quay trở lại.  Lúc đó nhạc Trịnh Công Sơn, một loại nhạc mỏi mệt cỡ “đại bác đêm đêm…” hoặc “đàn bò vào thành phố…” đã thành cái mốt (mode), là một cơn dịch truyền lan khắp nơi, đi vào lòng người.  Cà-phê Hồng đã tận dụng tối đa những bài ca thời thượng. Đa số khách đến quán là những thanh niên đi đứng lừ đừ, đeo kính cận tròng mắt tròn như The Beatles, nhìn khá “bụi”.  Họ vừa uống cà-phê vừa uống cái rã rời trong giọng hát Khánh Ly. Đến cà phê Hồng không chỉ để nghe nhạc quê hương, chiến tranh và thân phận.  Ở đây còn cho mang sách đến đọc về những điều đó.  Với cô chủ quán, cà-phê mà không có sách thì quán đó không có linh hồn, và sách hay là sắc đẹp của phụ nữ.  Hồng có đôi mắt buồn của một nữ sĩ, suốt ngày chạy theo mùi cà-phê đang bốc khói gọi mời. Mở quán, mê mải làm việc đến nỗi Hồng “quên” luôn cả nhan sắc mình. Do sáng kiến cô chủ, muốn tạo cho quán dáng vẻ văn nghệ, bộ mặt trí thức, quán còn bầy bán một số sách mới xuất bản của hai nhà phát hành Trình Bày và Thái độ, của những tác giả được xem là dấn thân, tiến bộ. Quán có hai chị em, người lớn nhất là Hồng ngoài hai mươi và cô em mười bảy. Nói thật lòng, nhan sắc cả hai đều “thường thường bậc trung” nhưng vẫn có những đặc điểm dễ xôn xao lòng người.  Cả hai có mái tóc đen dài, bàn tay rất đẹp và đều ít nói, ít cười, và cái kiểu “ít nói ít cười” làm chết người ta.  Còn cái dáng đi nữa. Trịnh Công Sơn có những lời ca khó giải thích như “vết lăn trầm” hoặc “vết chim di” giúp ta hình dung ra dáng đi của cô chủ quán.  Dáng đi nhẹ, êm ái thước tha, lặng lờ khép kín. Chính cái vẻ lặng lờ, nhu lệ thẹn thùng, vừa kênh kiệu kiêu sa, vừa lãng đãng liêu trai đã làm khổ nhiều trái tim trẻ dại, rất nhiều.  Giữa cuối năm 90, tôi về lại Saigon, đi qua con đường Pasteur và cà-phê Hồng không còn đó.  Dãy phố buồn hiu hắt, im lìm, có nét ảm đạm của thành phố đã bị đổi tên.  Đối diện nơi quán cũ là bãi rác khồng lồ. Viện Đại Học Vạn Hạnh thành lập muộn màng nhưng thừa hưởng được thuận lợi về tâm lý.  Hào quang của phong trào Phật Giáo đấu tranh, những tên tuổi chính trị, thầy Trí Quang, Thiện Minh, Hộ Giác và những cổ thụ văn hoá, các thầy Minh Châu, Mẫn Giác, Tuệ Sĩ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, v.v. Một thời, Vạn Hạnh được xem là cơ sở giáo dục khả tín, nơi tập hợp thành phần trẻ ý thức dấn thân. Lúc đó sinh viên Vạn Hạnh thường lui tới quán cà phê Nắng Mới ở dốc cầu Trương Minh Giảng.  Quán này trở thành “tổng hành dinh” của nhóm Vạn Hạnh nhờ khung cảnh đẹp, nhạc chọn lọc và có sự thấp thoáng của nhiều bóng hồng tha thước. Ngày tôi quay về Saigon, sau 30 năm xa cách, cà phê Nắng Mới không còn.  Đại Học Vạn Hạnh biến thành cư xá sinh viên, áo thun quần lót treo la liệt từ trên xuống dưới, quang cảnh bát nháo.  Nghe nói núi sách của thư viện đã bị lấy hết, đốt sạch.  Nơi chốn đầy sức sống ngày nào, bây giờ tiêu điều buồn bã như giòng kinh đen uể oải dưới chân cầu Trương Minh Giảng.   Trước 75, tôi đọc bài báo nhắc đến một quán cà-phê thân quen: Quán chị Chi ở Dakao.  Thật ra đây không phải là quán cà-phê mà là quán trà.  Nhưng cũng không thể gọi là quán trà mà chỉ có thể nói một chỗ uống trà nho nhỏ trong nhà chị Chi mới chính xác.  Bạn hãy tưởng tượng ra một khu gia cư nhỏ sau rạp hát Văn Hoa Dakao. Khu này có con đường rất nhỏ, Lý Trần Quán, với những ngôi nhà mái ngói đỏ phủ chút rêu xanh, hàng bông giấy che kín vỉa hè.  Nhà nào cũng nhỏ, cao hơn mặt đường vài bực tam cấp.  Mờ cửa ra là nghe tiếng người bên trái nói, thấy người bên phải cười và có cảm tưởng như có thể đưa tay nắm được người bên kia đường.  Quán chị Chi là một trong những ngôi nhà này. Phòng khách nhỏ lắm, khoảng mười thước vuông, chỉ đủ chỗ cho ba chiếc bàn nhỏ. “Quán” không có nhạc, không bày biện, ngoại trừ một bức tranh bạc màu, trắng đen, khổ tạp chí, treo trên tường.  Giang sơn của chị Chi có thế thôi và chị mở “tiệm”.  Khách cà-phê đến với quán chị không phải vì bảng hiệu, hoặc do quảng cáo, mà do thân hữu giới thiệu.  Đến một lần rồi thành quen, từ quen hoá thân và quyến luyến trở lại. Chị Chi bán cà-phê nhưng tuyệt chiêu của chị là trà mạn sen, nước xanh, vị chát nhưng có hậu ngọt, thơm nức mũi.  Trà được pha chế trong chiếc ấm đất “Tiến Đức” màu gan gà nhỏ nhắn, xinh xinh.  Chiếc ấm thân tròn đều, láng mịn, vòi và quai mảnh mai cân đối, mỗi bộ ấm kèm theo những chiếc tách nhỏ cùng màu.  Ấm trà có ba loại được đặt tên độc ẩm, song ẩm và quần ẩm.  Hồi đó, chúng tôi thường “diễn nôm” thành ấm chiếc, ấm đôi và ấm bự.  Trà uống kèm theo bánh đậu xanh, đặc biệt do chị Chi làm ra, vàng óng và thơm.  Nhắp một ngụm trà, khẽ một tí bánh, rồi cà kê đủ mọi chuyện trên đời.  Cũng ra vẻ phong lưu nhàn tản lắm. Đến với chị Chi có cái thú là được hưởng một không khí thân mật, thoải mái như đang ngồi nhà mình và ít bao giờ bị bận tâm đến chuyện tiền bạc. Muốn đến thì cứ đến, không có tiền thì ngồi cười cười và chị sẽ nói dùm cho bạn điều khó nói: “Cuối tháng hết tiền rồi phải không?  Uống gì nói chị lấy”.  Chưa hết, khi bạn đã là khách hàng thân, một hai lần trong năm, ngày Giáng Sinh, Tết âm lịch bạn được chị gọi đến chơi.  Đến chị chơi có nghĩa là đến uống trà mà không phải trả tiền và nếu gặp lúc chị vui vẻ, cười nhăn cả mũi, thì “chơi” có nghiã là có bánh bèo tôm cháy hoặc bánh hỏi thịt nướng kèm theo.  Khách của chị không đông, giá cả nhẹ nhàng, chắc chắn chị không sống nhờ vào “cửa tiệm”, chị bán cho vui.  Mà qủa thật ở chỗ chị Chi vui thật, vui vì những đậm đà tình nghiã.  Lúc đó chị đã khá lớn tuổi, bây giờ nghe nói chị đã mất rồi. Những năm đầu thập niên 70, Sàigòn mọc thêm nhiều quán cà-phê mới. Những quán này được trang hoàng đẹp hơn, hệ thống âm thanh Akai.  Quán nào cũng có tên đẹp dựa theo những bản nhạc nổi tiếng: Cà-Phê Hạ Trắng, Diễm Xưa, Hương Xưa, Da Vàng…Và gần sân vận động Cộng Hoà có quán cà-phê không theo khuôn mẫu bình thường, mang cái tên rất lạ: Quán Đa La (Đà Lạt?) của hai chị em sinh viên Chính Trị Kinh Doanh. Những cô chủ này có máu văn nghệ, đem cái hơi hướm của núi rừng Đà Lạt về Saigon.  Quán được trang trí với những giò lan rừng, những cái đôn và thớt bàn bằng gốc cây, tạo cho quán một dáng vẻ đặc biệt, hay hay. Ngày khai trương, Đa La mời được Linh Mục Viện Trưởng Đại Học Đà Lạt đến dự chương trình văn nghệ hết sức nhộn nhịp với những bản nhạc “nhức nhối” của Lê Uyên Phương, Nguyễn Trung Cang, Lê Hữu Hà… Tức khắc, Đa La đã trở thành nơi chốn tụ tập văn nghệ một thời, cho đến khi biến cố Mậu Thân xảy ra.  Rồi quân sự học đường, tổng động viên…tất cả làm thay đổi nhịp sống chung.  Quán Đa La mất dần khách cũ, chỉ còn lác đác những bộ đồ vàng quân sự học đường, những bộ đồ phép Thủ Đức.  Đa La mất vui vì những người khách của Đa La mất vui khi đất nước chìm trong khói lửa.  Chiến tranh lan tràn, rồi Đa La âm thầm đóng cửa lúc nào không hay.  Đa La một thời là tri kỷ của nhiều người, nó cũng buồn vui, cũng hy vọng, cũng rã rời, cũng khóc cười, chung chịu số phận trong những ngày tháng điêu linh. Sau khi đã vào Thủ Đức, tôi vẫn còn dịp đến ngồi cà-phê Hân, đường Đinh Tiên Hoàng.  Tôi ngồi đó vì thời gian trong quân trường tôi thuộc loại “con bà phước”, gia đình ở xa, người yêu thì có nhưng vẫn chưa qua được giai đoạn “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”.  Chúng tôi chỉ biết nhắn tin chung chung cho bạn bè: “đón tao ở Hân” để cùng ngồi xuống bên tách cà-phê.  Bạn bè!  Biết nói sao cho đủ cái nghiã đặc biệt của hai chữ ấy.  Cà phê Hân thuộc loại sang trọng, khách phần lớn là giới trung lưu, văn nghệ báo chí, những người mê sách vở. Nghe nói người chủ quán thủơ hàn vi từng là “tín đồ cà-phê”, ngồi từ sáng đến chiều trong những quán cóc vỉa hè.  Bàn ghế trong tiệm Hân loại ghế cao, trên bàn có sẵn những tạp chí Anh, Pháp ngữ, số phát hành mới nhất.  Nhìn mọi người ăn mặc, có lẽ có đủ cả thời sự chính trị, kinh tế tài chánh, văn chương triết học đều hiện diện nơi đây. Nhưng dường như vẫn có một chút gì xa lạ đối với người lính.  Thật tình, tôi chỉ là một người lính bất đắc dĩ khi ông tướng Bùi Đình Đạm không ký giấy hoãn dịch nữa.  Cảm giác tôi lúc ấy khó nói dù trong lúc vui bạn vui bè bên ly cà-phê.  Tôi không buồn có thì giờ để suy nghĩ, phân tích thêm về điều này. Sau này, nhà văn Thế Uyên có xuất bản quyển tạp bút “Mười ngày phép của một người lính”, tôi đọc xong thấy nhẹ nhõm.  Đại khái, tác giả đã nhân danh một người lính, đặt vấn đề với lớp thanh niên có lối sống hiện sinh, một hậu phương ông cho là bất xứng.Đoạn viết sau đây lẽ ra không có trong bài này, nhưng vì tôi vừa nhắc đến nhà văn Thế Uyên với sự mến mộ.  Đúng, có một thời gian dài tôi đã mến mộ ông, khởi đầu từ tập truyện ngắn “Những Kẻ Thuộc Bài”.  Đại khái ông nói mỗi chúng ta đều học được những điều tốt đẹp từ sách vở, học đường, tôn giáo và nhiều nguồn giáo dục khác nhau.  Thật đáng buồn, thực tế không giống những gì ta được dạy.  Trong đời có nhiều kẻ nói đúng bài vở nhưng lại hành động ngược lại.  Thế Uyên nhân danh ““kẻ thuộc bài”, phê phán điều này.  Ít lâu sau, Thế Uyên thành lập nhà xuất bản Thái Độ, lại tốt thôi, vì xã hội chúng ta có nhiều vấn đề cần tỏ thái độ. Tôi tiếp tục ủng hộ ông dù tôi chưa bao giờ gặp gỡ hay quen biết.  Sau này, bạn bè lén lút cho tôi xem tờ báo Đứng Dậy (hay Đối Diện) của nhóm Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan và trong tờ này có bài viết của Thế Uyên.  Anh kể lại cái Tết trong trại giam Kàtum.  Nhà văn lớn, có trí tưởng tượng phong phú, viết rằng:  “ngày Tết, trong trại cải tạo, có thịt cá bánh trái ê hề, có cà-phê thuốc lá vui vẻ, có giọng nói tiếng cười hồ hỡi phấn khởi, những khuôn mặt rạng rỡ tin yêu, các cán bộ khoan hòa nhân ái như những nhà tu”.Hơn thế nữa, tác gỉa còn có cảm tưởng “sung sướng, xúc động khi được đứng nghiêm chào lá cờ đỏ sao vàng trong ngày đầu năm!”. Tôi đọc bài báo mà buồn lắm, buồn ghê gớm.  Từ đó tôi tự buộc mình phải quên hai chữ Thế Uyên đi. Tôi xin trở lại với cà-phê Hân, tự nó là một nơi chốn hết sức đáng yêu, đáng nhớ của nhiều người.  Sau này, đối diện với Hân người ta mở thêm quán cà phê Duyên Anh (Không liên hệ gì với nhà văn Duyên Anh). Hai tiệm cà phê, một sang trọng chững chạc, một trẻ trung sinh động.  Cả hai đều trở thành điểm hẹn của anh chị em Văn Khoa, Dược, Nông Lâm Súc ngay góc Thống Nhất/Cường Để. Đây cũng là giao điểm gặp nhau của nhóm bên khu Đài Phát Thanh, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị hướng Phan Đình Phùng, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tôi vừa mời các bạn đi thăm một số quán cà-phê mà nhiều người đã từng quen biết và gắn bó.  Tôi xin ngừng ở đây, nhưng anh em có thể tiếp tục đến những nơi chốn kỷ niệm của riêng mình.  Tôi biết các bạn là những người nặng tình, do đó mỗi con hẻm nhỏ, mỗi góc phố, mỗi hàng cây, mỗi cổng trường đều thấp thoáng bóng hình của tuổi trẻ, của quê nhà.  Tôi xin nói thêm là anh em nào muốn gặp những nhà văn, nhà thơ, nhìn họ ngậm ống vố, đeo mắt kiếng dày như đít chai, đi giép lẹp xẹp, aó bỏ ngoài quần, bàn chuyện văn chương như pháo nổ…thì mời đến quán cái Chùa (La Pagode) đường Tự Do.  Còn ai thèm không khí trẻ trung ấm cúng thì mời đến quán Hầm Gió của nhạc sĩ Nam Lộc trên đường Võ Tánh, gần nhà thờ Huyện Sĩ. Còn anh em nào cần chỗ riêng tư tâm sự thì cứ theo đường Nguyễn Văn Học chạy thẳng Gò Vấp, vào quán Hương Xưa có khu vườn đẹp, các cô chủ đẹp và phong cách người ta đối với nhau cũng rất đẹp.Những gì tôi viết ra đây để nhớ đến một chút ngày cũ, một chút cảnh xưa, một phần hơi thở và nhịp sống của Sàigòn năm xưa trong trí nhớ.  Trung Đạo***



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét