Thứ Bảy, 21 tháng 10, 2017

Chân Dung Tác Giả


        “TỪ CHÂN TRỜI MỘT NGƯỜI
ĐẾN CHÂN TRỜI TẤT CẢ”

TRẦN NHUẬN MINH
 Tham luận đọc tại Liên hoan
 Thơ Châu Á - Thái Bình Dương
 lần thứ hai, tháng 3/ 2015




Từ thế kỉ trước, một nhà thơ lớn của nước Pháp đã nói đại ý như thế: “Từ chân trời một người đến chân trời tất cả”. Từ đó tôi hiểu: “Mỗi nhà thơ đều phải đi bằng bước chân của mình ở chỗ dân tộc mình đang đi. Nhưng chỗ đến, phải đến với toàn nhân loại”. Cuộc họp mặt lần thứ hai các nhà thơ Châu Á - Thái Bình Dương tại đây, là một trong những biểu hiện sinh động đó. Nhà thơ là những người sáng tạo, không chỉ sáng tạo ngôn ngữ như người ta thường nói. Sáng tạo của nhà thơ là sáng tạo chất sống, sáng tạo tâm hồn, để từ đó mà nhận ra chiều sâu tinh thần của một dân tộc, và từ đó mà đóng góp một tiếng nói đầy tâm huyết, một biểu tượng thẩm mĩ đầy sáng tạo vào dòng chảy của thơ ca thế giới.
Tự do là điều cốt yếu của sáng tạo. Bản sắc và bản lĩnh là nội dung của sáng tạo. Hình tượng nghệ thuật và tác động của nó, nhất là của nhịp điệu và ngôn ngữ, vào đời sống cộng đồng, làm lay động mọi lòng người về số phận của nhân dân, là kết quả của sáng tạo.

Hàng trăm năm nay, người ta bàn về thơ đã nhiều, có nhiều tập sách đã thành kinh điển, trong đó có những tài năng rất lớn, trí tuệ rất cao sâu của cả nhân loại mà phải vài thế kỉ mới có một người… Cứ tưởng đến thế là xong, ai ngờ không phải. Tất cả mới bắt đầu. Và người ta lại phải bàn tiếp. Thơ vẫn là một cái gì bí ẩn, thăm thẳm xanh trước mặt như biển cả, tầng tầng lớp lớp mênh mông như rừng đại ngàn. Vì vậy, càng học thơ, làm thơ, càng thấy thơ có một cái gì đó rất khó nắm bắt, rất khó chinh phục. Hình như thơ phát triển được, để mỗi người mỗi khác, ngay trong một người cũng mỗi giai đoạn mỗi khác, là nhờ ở điểm “ đặc thù ” này. Vì thế mà những đỉnh cao mới, mới có cơ hội xuất hiện và những lí luận về thơ mới căn cứ vào đó mà luôn luôn được bổ sung… Không bao giờ có chỗ tận cùng. Do vậy, nếu ai nói rằng, mình đã hiểu hết thơ, thì tôi nói ngay rằng, người đó là một kẻ dối trá.

Trong không ít trường hợp, những bài thơ hay nhất, thường được ra đời theo linh tính, chứ không phải theo lí luận; và chỉ khi tác giả “vô ngã” thì bài thơ mới thanh thoát, tự nhiên. Cũng như tiếng rền của núi sông, nếp vằn của hổ báo, nào biết ánh sáng bay trên đầu nó là ánh sáng nào. Có nhà thơ vốn liếng trong trường lớp chả được bao nhiêu, nhưng bằng sự thẩm thấu tự nhiên các tầng văn hoá của dân tộc mình và của cả nhân loại, tác phẩm cuả họ vẫn là sự bừng sáng và hào hoa, về tài năng và trí tuệ của nhiều thế hệ mà họ bỗng nhiên thành người đại diện. Đôi khi họ đi trong cái mù mờ đầy cảm hứng của tâm hồn, của chính họ, có thể do trời ngẫu nhiên mà ban tặng cho họ, với những bước chân xiêu vẹo, nhưng đã vẽ lên những giá trị thẫm mĩ huy hoàng, mà trước đó chưa từng có, làm giầu sang không biết đến bao nhiêu phẩm giá văn hóa cho một thời đại mà họ đã sống.

Tôi chủ trương làm thơ dễ hiểu, nhưng người đọc không hiểu một lúc hết được điều mình muốn nói. Họ tưởng là đã hiểu, nhưng vẫn hình như còn có một cái gì đấy, khiến họ phải tìm đọc lần sau, và cứ thế, mỗi lần họ lại thấy vỡ ra một cái gì đấy, ngộ thêm ra một điều gì đấy. Rồi đọc thêm, họ thấy cái mà tôi chỉ gợi ý ra cho họ. Cuối cùng, họ nghĩ tới cái mà tôi chưa từng nghĩ tới... Truyện Kiều, kiệt tác thế giới của nền văn học Việt Nam là một trong những tác phẩm như vậy. Đã 200 năm nay, những ý kiến trao đổi, thậm chí là tranh cãi… xoay quanh những vấn đề về tư tưởng và nghệ thuật của Truyện Kiều, nhưng ưu thế vượt trội và cả những hạn chế,  vẫn chưa có hồi kết… chính là vì vậy. Thành công vĩ đại nhất của Đại thi hào Nguyễn Du, theo tôi, chính là ở điều này, và học Nguyễn Du, cái khó nhất, theo tôi, cũng  chính là học điều này. 
Và như thế, ý nghĩ của họ đã ở bên ngoài tác phẩm của tôi, ở bên ngoài ý tưởng của tôi, tác phẩm của tôi và tôi không phải chịu trách nhiệm. Bởi tôi cho rằng: Rất có thể, bài thơ hay nhất xưa nay, của tất cả mọi dân tộc, ở tất cả mọi quốc gia và mọi thời đại, có thể là bài thơ, mà thơ, thường ở ngoài câu chữ. Nhà thơ Chế Lan Viên của Việt Nam, từng viết: Câu thơ anh làm một nửa mà thôi / Còn một nửa để mùa thu làm lấy”. Và như thế, nếu thơ tôi chỉ có 300 người đọc với chiều sâu như thế, hiểu cả được cái điều… tôi còn bỏ lửng đó cho bạn đọc, thì tôi đã có 300 tập thơ khác nhau và tập của tôi sẽ là tập 301. Cũng đã có người bàn về điều này, vì cho đến bây giờ, vẫn còn có nhiều người rất e ngại tính đa nghĩa của thơ.

Có người băn khoăn về cách giải quyết vấn đề của thơ. Tôi nghĩ đó không phải là nhiệm vụ của thơ. Trước đây, hiện nay, và cả sau này, thơ chỉ có một nhiệm vụ thôi là phải hay. Còn nhà thơ, chỉ có một nhiệm vụ thôi là phải viết hay. Có nhiều kiểu hay khác nhau, càng hay - càng hay khác nhau, lại càng hay hơn nữa. Chỉ có thơ hay mới cứu được thơ. Chỉ có thơ hay mới có bạn đọc. Không có bạn đọc thì thơ chết và nhà thơ cũng chết. Nhưng làm được thơ hay, bao giờ cũng là một việc rất khó.
Một nhà thơ được coi là giỏi nghề, phải các giải pháp nghệ thuật, để xử lí cụ thể các bài thơ, không bài nào giống bài nào… Đó là sáng tạo riêng của nhà thơ, có tính phương tiện chứ không phải là mục đích. Anh là nhà thơ, phải không? Vậy thì anh phải nghĩ ra một cái cách nào đó, để ý thơ được bộc lộ rất mờ ảo về những điều rất thực mà nhiều người đã thấy rõ ràng. Cái mờ ảo sẽ tạo ra sự hấp dẫn. Không làm được điều đó, thơ anh sẽ rơi xuống giản đơn. Mà trong thơ, giản đơn có nghĩa là tự sát. Rồi anh lại phải có một thao tác như thế nào đó về ngôn từ, để thể hiện được rất rõ ràng, dễ hiểu, về những điều không rõ ràng và không dễ hiểu mà chỉ có anh mới nghĩ được ra. Không làm được điều đó, thơ anh chỉ có một bạn đọc duy nhất là chính anh mà thôi.


 Tôi rất có ý thức học tập truyền thống thơ Phương Đông, mà chủ yếu là thơ Đường Trung Hoa, cố làm cho thơ mình hàm súc, ý tại ngôn ngoại... Tôi cũng cố gắng bằng các phương pháp nghệ thuật, thống nhất được các mặt đối lập, để tạo ra sự đột biến trong việc thể hiện số phận của nhân dân, của con người, trước những va đập không ngừng của thời cuộc và cả những ý tưởng của con người trước thời thế và vũ trụ… Tôi xin nhắc lại: Mỗi nhà thơ đều phải đi từ chỗ dân tộc mình đi, nhưng chỗ đến, phải đến với toàn nhân loại.
Bất cứ cái gì ra đời và tồn tại được, đều có cái lí do chính đáng của nó. Những tìm tòi không ngừng của các nhà thơ là nhằm khai thác và thăng hoa cái phần còn tiềm ẩn trong sáng tạo những giá trị tinh thần của con người. Và đi theo cái này, ủng hộ cái này, không bao giờ nên bài xích hoặc ruồng bỏ cái kia, như tôn giáo và màu da, chúng cần phải được cùng tồn tại và bình đẳng trong mọi giá trị. Tôi nghĩ thế và không hề lạnh nhạt hay thành kiến với các sáng tác theo các khuynh hướng nghệ thuật khác tôi, thậm chí trái ngược với tôi. Bởi thơ là của muôn nhà, đến từ muôn nẻo đường khác nhau, không chỉ của hiện thực đời sống, mà hiện thực đời sống thì mỗi người mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác, mỗi giai đoạn mỗi khác… mà còn của cả cõi tâm linh xa xăm… của mỗi tâm hồn người, của mỗi dân tộc… Nhưng tôi có hai yêu cầu. Một, anh viết theo kiểu nào cũng được, tìm tòi phát hiện gì cũng hay, nhưng điều quan trọng nhất là tác phẩm của anh phải làm cho con người sống với con người tốt hơn. Và cái thước để đo các giá trị của nó vẫn là chủ nghĩa nhân văn. Hai, tác phẩm của anh phải làm giầu thêm cho văn hoá, chứ không được chống lại văn hoá.
        Và như thế, thơ có nhiều loại thơ khác nhau và thơ hay cũng có nhiều kiểu hay khác nhau. Nhưng theo tôi, thơ hay nhất, vẫn phải là thơ làm rung động được mọi lòng người về số phận của nhân dân. Hai thiên tài mà tôi vô cùng ngưỡng mộ: Đỗ Phủ và Nguyễn Du, đã dạy tôi điều đó.
 Tôi e nhất là thơ không có tư tưởng, chỉ có những “bức xúc”, mà theo tôi “bức xúc”, chỉ là tác nhân của tư tưởng, chứ bản thân nó không phải là tư tưởng. Tư tưởng bao giờ cũng hiện ra trong thơ, điềm đạm, hồn nhiên, thậm chí hiền minh, mà vẫn rất tinh tế, nhẹ nhàng, thấm thía, qua từng câu thơ, qua một kiểu kết cấu nào đó của ngôn ngữ hay hình tượng thơ, hay qua từng tác phẩm hoặc toàn bộ tác phẩm, hoặc qua cảm quan nghệ thuật của nhà thơ. Nó hiện hữu vừa cụ thể vừa mơ hồ, phảng phất nhưng đầy ấn tượng, nó cũng có tính cá biệt, như hương thơm của một loài hoa. Hoa nào cũng có màu sắc, đó là nội dung, còn hương thơm của hoa mới là tư tưởng. Những nhà thơ lớn, trước hết là do thơ họ có tư tưởng. Thậm chí là tư tưởng lớn. Tư tưởng đó là phần sâu sắc nhất, tự nhiên tạo thành hệ qui chiếu, để hội tụ các chủ đề, các nội dung. Và sự bức xúc của tư tưởng, buộc bài thơ phải ra đời, cũng giống như đứa con, buộc phải ra đời từ trong bụng mẹ.

      Hiện nay, chúng ta đã sống trong một thế giới phẳng sau chiến tranh lạnh. Đó là thành công lớn nhất mà nhân loại đã có được. Hòa bình và hữu nghị, hợp tác và phát triển, là nguyện vọng chung của các dân tộc và của các quốc gia, đồng thời cũng là bội số chung lớn nhất của thơ.
     Hơn lúc nào hết, thơ phải cất lên từ đó, từ bội số chung lớn nhất ấy nhân loại, qua nhịp đập riêng của mỗi con tim nhà thơ, dù khác nhau về tiếng nói và màu da, phấn đấu cho một thế giới không có chiến tranh và khủng bố, không có áp bức và kì thị màu da hay giới tính. Đó cũng là đặc trưng Chân Thiện Mĩ của Thơ, trong đó, theo tôi, Thiện là cái cơ bản nhất.
 Tôi có câu thơ:
         “Ấy là ngày Cái Thiện lên ngôi
           Bạo lực và cường quyền
           Tất cả thành vô nghĩa…”.

 Tôi nghĩ rằng, đó chẳng phải là nguyện vọng riêng của cá nhân tôi.

            Báo Văn Nghệ số 10+11(2872+2873)
 Ngày thứ Bảy, 7-3-2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét