Thứ Tư, 8 tháng 11, 2017

Cung Tích Biền: THẦY CŨNG NHƯ CHA

CHỦ NHẬT, 18 THÁNG 6, 2017

image001-1.jpgTrường Diên Hồng tại Hội An cuối thập niên 1950. Từ trái: Anh Hứa Xin (nhân viên văn phòng); các giáo sư Phan Văn Mùi, gs Lợi, Nguyễn Ánh Anh, Trương Duy Hy, Phạm Phú Hưu, Nguyễn Đình Thống (hiệu trưởng), Phan Thiệp, Phan Khôi, Lê Thị Hồng Mận, Nguyễn Thị Thanh, Phan Biển.
Cuộc chiến Việt-Pháp khốc liệt kéo dài trong chín năm, đến lúc hai bên thù địch phải ngồi chung bàn. Đối mặt nhau. Nghị hòa. Hòa. Nhưng đau lắm. Đất nước bị chặt làm hai. 1954. Bắc, Cộng sản. Nam,  Cộng hòa.
Với Miền Nam, Trời Tự do bừng sáng, đây là lúc cho hàng triệu số phận con người được ân phúc Đổi Đời. Từ rừng núi trở lại, tôi là một thằng bé xác xơ trong số ấy.

 “Xác xơ trong ngơ ngác tương phùng”.
**
Những năm giữa, về sau, của thập kỷ 50  thế kỷ trước, tôi là một học sinh trung học trường Diên Hồng, Faifo. Do cách gọi quen từ thời bị Pháp đô hộ lưu lại, thuở ấy, cái tên Faifo [Phe-phô] vẫn được dùng nhiều hơn Hội An. Hôm nay, Phố cổ Hội An đã nổi danh trên thế giới là một di sản của nhân loại, kín đầy đường phố đêm ngày, nắng mưa, là ông tây bà đầm, du lịch xem chơi cho biết xứ người. Từng là một thương cảng sầm uất với thương thuyền vãng lai từ Bồ Đào Nha, Hòa Lan, Tây Ban Nha, Nhựt Bổn… từ thế kỷ XV, lại là tỉnh lỵ của Quảng Nam, nhưng hơn sáu mươi năm trước, thuở tôi còn là cậu học trò, Hội An vẫn là một thành phố rêu phong và tịnh vắng; hiền hòa với một vẻ đẹp cổ kính.
Trường Diên Hồng là một trường tư thục, rất nổi tiếng. Một phần, là do đa phần học trò từ vùng Việt Minh trở về, đã quá tuổi vào trường công lập, đời sống rất kham khổ lại từ bé rất thiếu trường học. Nay được đi học lại, họ chịu khó học hành, rất giỏi. Có khóa thi trung học [1958] toàn vùng Quảng Nam – Đà Nẵng, ba trong bốn hạng đầu bảng toàn là học trò trường Diên Hồng [thủ khoa, á khoa, và hạng tư]. Phần quan trọng khác, là Diên Hồng quy tụ nhiều giáo sư tầm cỡ. Dạy giỏi, tận tâm, đã đành; mà vì cái danh tiếng, phẩm hạnh nơi quý Thầy. Trong đó, Thầy Phạm Phú Hưu là một vị tiêu biểu.
Tác phong nghiêm minh, nhân từ; phong thái đĩnh đạc một thái độ trí thức đã qua thử thách với thăng trầm thời thế; sự uyên bác nơi một giáo sư giảng dạy môn văn chương và sử ký; cách đối xử với học trò rộng lòng đầy tha thứ; tất cả là được nhận rõ, trung thực, và thường trực, qua Thầy Phạm Phú Hưu.
**
Thầy là cháu nội Tiến sĩ Phạm Phú Thứ, một đại thần, từng là Phó sứ của Sứ bộ Phan Thanh Giản, được triều đình nhà Nguyễn, thời vua Tự Đức, cử đi nghị hòa tại Paris, 1863.
Thầy chào đời vào năm 1903, tại Phủ Điện Bàn, một vùng địa linh nhân kiệt, với các danh nhân Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Quý Cáp, Trần Cao Vân, Phan Thành Tài, Nhất Linh, Hoàng Đạo. Thạch Lam, Phan Khôi… và nhiều, rất nhiều các nhà trí thức, khoa bảng khác.
Vào buổi nền Nho học [Hán tự] đã suy tàn, Thầy  theo học chương trình mới [Pháp ngữ], ngay từ thiếu thời. Đậu Diplôme vào năm 19 tuổi [1922]. Được bổ vào ngành giáo dục.
Năm 1922, dạy học ở Phan Thiết, rồi sau đó, Bình Định. Về sau, được chuyển đến làm hiệu trưởng trường Tiểu học phủ Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi một thời gian khá dài.
Năm 1945 khi chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập, Thủ tướng bấy giờ bổ nhiệm Thầy vào chức tri phủ, phủ Bình Sơn.
Theo lời kể của Nhà văn Phạm Phú Minh, con trai của Thầy, về việc Thầy rời chức quan Tri phủ, cũng đáng cho chúng ta lưu tâm một tình thế buổi giao thời, cũng là những ngày cuối cùng của các triều vua Nhà Nguyễn:
“ Đến khoảng đầu tháng 8-1945 tình hình rất căng thẳng vì sự lớn mạnh của phong trào Việt Minh, chính quyền hầu như bị cô lập, một buổi tối ông rời phủ đường Bình Sơn, lẳng lặng đạp xe một mạch về quê Quảng Nam”.
Sau ngày 2-9-1945 Thầy tham gia vào ty Giáo dục ở Hội An.
Cuối năm 1946, chiến tranh Pháp Việt bùng nổ, Thầy cùng gia đình tản cư lên vùng núi Tiên Phước, Quảng Nam, cùng tham gia Kháng chiến chống Pháp buổi ban đầu như bao nhà trí thức yêu nước khác. Chức vụ, Trưởng ty Giáo dục.
. Năm 1954 Thầy về lại Hội An rồi dạy học tại trường Diên Hồng.
**
Sống với buổi giao thời, và suốt một thời gian nguy của đất nước, Thầy rất am tường thời cuộc. Rõ là gương soi, thời thế buổi sơ khai của một dân tộc vừa thoát khỏi thảm cảnh nô lệ, lại tới cuộc thanh trừng những đảng phái khác hệ tư tưởng chính trị; hoang mơ và khiếp hãi, hèn hạ và tối tăm, đầy tội ác trước ngôi đền tổ tiên, để tranh nhau quyền lực.
Thầy Phạm là một người trầm lặng, khá kín đáo, nhưng tôi có cái may mắn, ngoài cái học ở trường lớp như mọi học sinh khác, và cả sau này mỗi lần gặp gỡ nhau, tôi được Thầy luôn rót lòng chia sẻ. Thầy cho rằng tôi một cậu học trò khá đặc biệt, nên càng dụng tâm chăm sóc.  Đó là những kinh nghiệm “xương máu” để sống đời. Là cuộc từng trải của Thầy, từ “Những điều đã thấy”, từ “Bao kinh nghiệm đã qua”. Kia kìa, những tư tưởng lấp lánh sắc màu như giấy vàng mã, chỉ là để đốt trước áo quan, vành mộ. Thầy dạy, “uy vũ bất năng khuất”, nhưng không chỉ để bảo toàn danh tiết cho riêng mình, mà phải vì cái chung. Chỉ đáng lưu tồn nơi những con người “Làm nên việc”.
Nhờ ân huệ của Tiền nhân, như một tín đồ chịu phép, mấy mươi năm qua tôi biết ẩn nhẫn, âm thầm trong Cái Đau riêng, để thực hiện “Việc riêng mình”. Lách mình qua được bao vực đèo hiểm nguy của bỉ cực; một hiện tiền của xứ sở luôn bày biện điêu linh, và mãi mãi nan nguy. Những “hấp lực đẹp đẽ”, để kẻ đến với “lý tưởng”, khi tàn đời mới hiểu ra mình nhầm đường lạc nẻo. Sự tự đánh phá, tự-làm-ung-thư-trong-nhau, là thường trực.
Thân phụ tôi dạy tôi lấy Đạo mà Sống với đời. Thầy Phạm dạy tôi luôn giữ cái Đạo, nhưng phải dụng cái Thế để Còn lại giữa đời.
Bao năm nay, trong suy nghĩ và hành động, trước Bàn Viết, luôn hiển hiện trong tôi hai hình ảnh. Thân phụ tôi, và Thầy Phạm. Hai người Cha. Một, của tâm linh nhắc nhở. Một, hoằng viễn là cảnh báo soi đường.
**
Năm dạy chúng tôi, Thầy đã tuổi ngũ tuần. Bước đi chậm rãi, giọng nói ấm/nhẹ, nụ cười thân thiện, là Thầy. Đặc biệt cái nhìn tinh tế  hiền hòa, nhưng có một tác động khen ngợi hay khiển trách, qua ánh mắt, là rất hiệu ứng đối với đám học trò.
Nhiều năm, chưa bao giờ thấy Thầy giận dỗi, nặng lời với một học sinh nào. Con gái làm bài sai, hoặc một thằng nhải đùa nghịch trong lúc Thầy giảng bài, Thầy bước tới, tay trở đầu quạt, gõ nhẹ một cái lên đầu. Con trai, thầy gõ đầu có nan tre. Con gái, thấy gõ cái phần quạt có giấy bồi mềm mại, lên mái tóc. Cái gõ nhẹ nhàng, như một cách đùa, nhưng cái dấu ấn đi xa, cái sự vâng lời Thầy là có ngay/thực. Và, giật mình tự nhủ, cố làm sao để khỏi phiền lòng Thầy lần nữa.
Mùa hè, lẫn mùa đông, Thầy luôn cầm một cây quạt giấy. Có một cách cầm quạt khá lạ. Rất ung dung, thanh thản. Quạt năm ba cái, Thầy xếp quạt. Hai tay cầm hai đầu quạt. Đặt ngang tà áo dài. Phía trước, hoặc cắp sau lưng. Hai cánh tay song song, thòng xuống. Ngoài bộ đồ vét màu nâu sậm, Thầy thường mặc áo dài đen. Cái nhân dạng khiêm cung ấy, là của một nho sĩ. Cái khí thái bãng lãng ấy, một trời trong nắng, mây thưa và gió rất nhẹ, là của một tâm hồn đã phần nào bước ra ngoài Cõi tục lụy.
Hình ảnh Thầy, đẹp nhất là lúc đám học trò cắm cúi làm bài. Phòng học im vắng, chỉ tiếng thì thào. Nhỏ/vụn. Với quạt sau lưng, Thầy đứng thanh thản nhìn trời mây ngoài kia, qua khung cửa sổ. Với thuyền lác đác. Nước trôi dòng. Với cây đổ bóng. Hội An thuở ấy, một tỉnh lỵ nhỏ bé. Đường phố hẹp. Hàng hàng những mái nhà tường vàng ngói cũ. Rêu phong còn mãi. Cuối đông này sang đầu hè kia. Làm như, cái thường trực dãi dầu, mái ngói cũ, màu rêu xưa, là phần hồn xanh biếc của phố thị Hội An.
Từ khung cửa sổ, Thầy mông lung nhìn ra. Nắng tịch mịch. Qua một bãi cỏ rộng, một ít hoa vàng cỏ dại, là con sông Hoài – một nhánh của con sông Thu Bồn bạo liệt — hiền hòa hiện ra bên kia.
Thầy của tôi, gởi nỗi Nhớ đến Hoài? Nước sông Hoài chảy chậm lắm. Như một người đi lơ đãng, mỗi bước mỗi buồn lòng muốn quay lại. Nhưng, chậm tha hồ chậm, một hồi nữa thôi, chừng bốn cây số là Hoài về tới biển Đông. Chỗ cửa biển mang tên cửa Đại. Một vòm sông nước cũ Chiêm Thành. Để, //Buồn trông cửa bể chiều hôm / thuyền ai thấp thoảng cánh buồm xa xa // Thầy ở đó. Một Cõi trầm tư. Người Xứ Quảng gọi Đại là Đợi. Sông Hoài! cửa Đợi! Đợi ai? Nhớ gì? Thuở ấy, chúng tôi thật lòng không thể hiểu.
Không hề là bầu trời vô tâm đám học trò chúng tôi đang nhìn. Đó có thể là nơi chôn cất một viễn mộng trong quá khứ, đã không thành. Mãi về sau, khi tôi lưu lạc, xa xôi xứ lạ, với thời gian đánh mất, mỗi khi nhớ/nghĩ đến Thầy, tôi mới hiểu ra phần nào cái tâm cảm khói sương, cõi hồn đầy giông bão ấy. Từ miền hư hao, thời Tây thuộc, những dặm đường Kháng chiến, những ngày Cộng hòa, giọt sương mai còn mất, cái chân trời xám ngắt với vân cẩu thoát ẩn thoát hiện chiều hôm, có thể, đã luôn trở lại trong Cõi lòng của Thầy, dù trí nhớ luôn muốn khước từ.
**
Các con Thầy đi học xa, về sau rất thành đạt. Thuở ấy Thầy gần như sống mỗi mình.
Sinh hoạt thường ngày rất thanh đạm. Phòng học trên lầu rất rộng, trường chừa ra một phần làm phòng riêng cho Thầy. Phòng nhìn ra một sân trường rộng, một cây phượng vĩ to lớn. Mùa hè vắng học trò, hoa phượng bay đầy, lác đác những chấm đỏ ngay trong phòng. Ấy là thời gian tốt nhất tôi được hưởng cái ân huệ là đọc sách, và trò chuyện với Thầy. Một kệ sách tuy nhỏ, nhưng quý giá, nhờ đó, tôi đọc được rất nhiều cho cái trí não vừa bé nhỏ vừa thiếu thốn mọi bề. Từ đây tôi đọc được những Đường thi, tạp san văn chương, tiểu thuyết tây tàu, sách triết học.
Phòng của Thầy một căn phòng nhỏ. Một bàn làm việc không rộng lắm. Một giường ngủ với giường gối, mền mùng không hoa màu sặc sỡ gì. Toàn cảnh căn phòng là một không gian điềm đạm, khiêm tốn. Nhưng thư nhàn, tiên cách.
Nền nhà, một đôi guốc mộc, một đôi giày tây dùng khi mặc bộ đồ vét, một đôi giày hạ, loại các quan văn dùng đi lại bình thường thời xưa. Dù khi trong phòng mỗi mình, Thầy vẫn luôn bận bộ bà ba màu trắng. Không bao giờ quần đùi, áo thun, dù ngày hè nóng bức.
Thầy uống trà đơn giản. Không bình khay chén sang trọng, cách pha trà không rườm rà dành cho độc ẩm, quần ẩm. Chỉ một bình trà lớn, ủ trong bình bông vải giữ ấm. Tách, đĩa loại sứ Biên Hòa tầm thường.
Ngày hai lần, người nấu cơm tháng mang tới. Bữa ăn ba món bình thường, món mặn, món xào, món canh. Như thực đơn của lính tráng ăn. Mấy năm trời chưa thấy thầy “nhậu nhẹt”, thậm chí chưa thấy Thầy ngồi quán xá lần nào.
Ngoài đôi bữa được ăn cơm chung với Thầy, trong phòng, một lần tôi cùng thầy ăn mỗi người một ly chè, ở quán. Thầy trả tiền. Ấy là lúc tôi họa một bài thơ theo thể Đường luật, bài xướng là của Thầy. Thầy khen hay. Thưởng cho trò chén chè.
Quán buổi tối. Đèn điện Hội An yếu lắm. Bóng đèn tròn năm mươi watts, treo lủng lẳng sợi dây. Gió lay nhấp nhô như đèn thuyền câu mực đêm ngoài biển khơi. Quán chè gần Chùa Cầu. Đêm Hội An mơ màng như mộng. Một lần quán xá trong đời thầy trò. Cái duy nhất là cái nhớ đời.
**
Tháng Tư, 1975. Một cái hố nhục nhằn không chỉ ngăn con đường đi tới. Mà là hố thẳm máu lệ, mênh mông bốn bề, đối với Miền Nam. Tôi lại gặp Thầy. Tất cả đã trở về tay không. Một thoáng buồn nơi Thầy tôi. Mái tóc tuổi đã quá thất thập, trắng màu. Thầy ít nói. Thỉnh thoảng thở dài vài cái, như chặn lại một nỗi lòng.
Tôi hiểu, dù là “Lạc Thiên An Mệnh” dù Cõi lòng đã “Ra ngoài nhân thế”, cũng chẳng thể bình an khi bốn hướng của đồng loại đã đúng nghĩa lầm than.
Ngày Thầy qua đời, rất đông đảo học trò đến đưa tiễn. Một ngậm ngùi, ở rất lâu trong mỗi học trò được Thầy hằng thương yêu và dạy bảo.
**
Kính thưa Thầy, hôm nay con đã tám mươi tuổi. Dù đầu đen đầu bạc, con vẫn là một đứa học trò nhỏ bé, bao năm thơ dại đi lạc từ chốn hoang mang trở về; được ngồi dưới mái trường, có bạn bè thân yêu, có Cái Chữ Mở Đường, được Thầy dạy dỗ. Vì Tình đời, chỗ Nghĩa ân, chẳng đành, con viết đôi điều kỷ niệm. Có gì thất thố kính mong thầy tha thứ cho.
Cung Tích Biền
Bồ Đề Cốc, Gia Định, 2016.
Đọc, chỉnh sửa, Calif tháng 4-2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét