Thứ Hai, 20 tháng 11, 2017

 núi ấn sông trà
PHAN NHỰ THỨC
ĐỜI NGƯỜI ĐỜI  BẠN
VƯƠNG TRÙNG DƯƠNG


Quê hương núi Ấn sông Trà vào thời tiền chiến đã hãnh diện với những nhà thơ, nhà báo như Bích Khê, Tế Hanh, Nguyễn Vỹ, Thinh Quang… Vào thập niên 60, nơi nầy cũng là cái nôi hội tụ anh em văn nghệ sĩ đổi về dạy học, đóng quân… làm sống lại thời kỳ vàng son trong sinh hoạt văn học nghệ thuật. Thời đó, hầu như các tỉnh đều có tên thành phố khác nhau để quy tụ cơ sở hành chánh như Huế (Thừa Thiên), Hội An (Quảng Nam), Tam Kỳ (Quảng Tín), Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Nha Trang (Khánh Hòa)… với Quảng Ngãi, tên thị trấn cũng là tên tỉnh.
Người con núi Ấn sông Trà làm lính, nhà thơ, nhà văn, nghị viên… đã quy tụ được anh em tạo ra sân chơi văn nghệ nơi thị trấn nhỏ bé nầy sôi động: Phan Nhự Thức.
Nói đến Phan Nhự Thức là hình dung đến con người sống thật, chân tình, hết mình với bằng hữu, ông “quan” thanh liêm nên nghèo mạt rệp nhưng trái tim bao dung, đầy lòng nhân ái. Để tưởng nhớ người bạn năm xưa, trích các bài viết của bằng hữu đã đề cập về anh.
*

Phan Nhự Thức tên thật Nguyễn Văn Minh, sinh ngày 4 tháng 2 năm 1942 tại Đà Nẵng, quê nội Phú Thọ, Tư Hiền, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Bút hiệu đầu tiên là Mê Kung, còn có bút hiệu Chế Phan Nguyên (họ của ba người bạn ghép
lại: Chế Quân, Phan Đình Phước, Nguyễn Văn Minh).


phan nhu thuc 1
                                                                                                  Phan Nhự Thức


Khoảng năm 1958, Phan Nhự Thức từ Đà Nẵng theo gia đình vào Quảng Ngãi. Anh chuyển trường và học tại trường trung học Trần Quốc Tuấn.
(Trong bài viết Cơn Mưa Tháng Chạp: Quảng Ngãi & Tôi, PNT viết: “Tôi từ Châu Ổ tản cư ra Trà Bồng. Rồi tôi từ Trà Bồng theo Cha ra Faifo. Ở Hội An một thời gian, Cha tôi lại đưa gia đình ra Đà Nẵng đi học rồi trở về trở về Quảng Ngãi. Giấy khai sinh do một người làm hộ tịch đặt một cái tên cũng tạm được và cũng rất thông thường. Đề tôi sinh ăm 1942 tại Hải Châu, Đà Nẵng. Nhưng có một làn Cha tôi nói loáng thoáng Bà Nội tôi ở Thu xà, Quảng Ngãi. Ông Nội tôi thì ở Điện Bàn, Quảng Nam…). “Khi vào Quảng Ngãi, tối tối làm nghề sắp ghế cho người xem chiếu bóng trong một rạp chiếu bóng của người bà con… Không oán trách, không hận đời, trái lại tự hào từ tấm bé đã tạo cuộc đời tự lập” (Nhớ Nguyễn Văn Minh – Nguyễn Liệu). Một hình ảnh hiếm có nên sau nầy ở “chốn quan quyền” Phan Nhự Thức tận tình giúp đỡ người dân thấp cổ bé miệng.

Năm 1966, nhập ngũ Khóa 23 trường Bộ Binh Thủ Đức và ở trong Ban Biên Tập Liên Khóa 23 & 24 của nguyệt san quân trường nầy (phụ trách mục Nhật Ký Quân Trường). Mãn khóa anh về phục vụ tại Tiểu Khu Quảng Ngãi.
Tháng 5 năm 1968, Phan Nhự Thức chủ trương tạp chí Trước Mặt tại Quảng Ngãi. Năm 1969, Phan Nhự Thức in tập thơ Đốt Tuổi - tập thơ đầu tay của anh do nhà xuất bản Ngưỡng Cửa, Đà Nẵng ấn hành. Trước Mặt số 16, tháng 10 năm 1969, tác giả Nguyễn Thanh Đông đã giới thiệu tập thơ Đốt Tuổi của Phan Nhự Thức: “Hầu hết 36 bài thơ in trong Đốt Tuổi đều mang hình ảnh, tiếng động và màu sắc của một cuộc vây quanh đang chuyển biến đến đau thương tàn nhẫn. Phan Nhự Thức đã không ngừng mô tả thực trạng của mình đang dấn thân. Nếu xem một trong những khả năng thi ca là trao gởi thì Phan Nhự Thức đã khéo léo hoàn thành khả năng đó cho ngôn ngữ mình sử dụng…”.

Năm 1970, đắc cử nghị viên Hội Đồng Tỉnh Quảng Ngãi (Hai nhiệm kỳ Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh Quảng Ngãi) cho đến ngày vào tù.
Tác phẩm đã in, ngoài tập thơ Đốt Tuổi có Bồng Xác Kẻ Thù (tập thoại kịch). Những bài viết phổ biến hẹp:
- Thắp Hương Dân Tộc (tuyển tập thơ văn 1959)
- Rung Đại Hồng Chung (kịch lịch sử 4 màn, trình diễn năm 1962)
- Nhìn Người Tự Sát (thoại kịch, trình diễn 1963).
Trải qua 8 năm tù ở Hùng Tín (Quảng Ngãi) và Kim Sơn (Bình Định). Ra tù không muốn trở lại quê hương nên vào Sài Gòn sống bụi đời.

Năm 1964 Phan Nhự Thức gặp anh Nguyễn Liệu và từ đó cùng sinh hoạt với nhau, sáng lập viên Quảng Ngãi Nghĩa Thục, phụ tá Hiệu Trưởng Quảng Ngãi Nghĩa Thục của anh Nguyễn Liệu (Hiệu Trưởng).

Phan Nhự Thực thích bù khú với bạn bè, lối sống cũng bạt mạng, tưởng chừng hợp với cuộc sống độc thân nhưng rồi lập gia đình với con nuôi của Chu Tử. Chuyện này được anh Nguyễn Liệu (gặp PNT năm 1964 và từ đó cùng sinh hoạt với nhau), người chủ trương Quảng Ngãi Nghĩa Thục, người anh, người bạn vong niên của Phan Nhự Thức kể lại chuyện anh lấy vợ như sau:

“Nguyễn Văn Minh cưới vợ. Một đêm anh Tạ Ký, Tôn Thất Trung Nghĩa, Cam Duy Lễ và tôi uống bia ở Chợ Đuổi, gần đến giờ giới nghiêm, ông Chu Tử đột ngột đến, tôi biết chắc có việc gì ông mới đến giờ này. Không bao giờ dông dài, Chu Tử vào đề ngay: “Đây là chỗ anh em, tôi muốn nhờ anh Liệu về nói với Minh (Phan Nhự Thức), tôi muốn gả con Ng., con tôi cho nó. Hôm tôi ra thăm trường Quảng Ngãi Nghĩa Thục của các anh, gặp Nguyễn Văn Minh trong mấy ngày đó tôi thích nó quá, cho nên tôi muốn nó làm rể tôi. Anh Liệu về giải thích cho Minh rõ ý tôi, tôi biết anh em ngoài đó quí anh lắm, đây là việc hệ trọng nhé anh Liệu… Tôi về thuật lại không sót một lời. Không cần suy nghĩ, Phan Nhự Thức cho biết nhiều lần vào Sài Gòn ghé toà báo Sóng Thần có gặp cô Nga có nói chuyện với cô ta, bây giờ ông Chu Tử có ý chân tình như vậy, vả lại, thân phụ  Minh muốn Minh có vợ, ông bảo trước khi nhắm mắt”.

Cuộc đời khổ cực của Phan Nhự Thức sau những ngày anh ở tù về, vợ bỏ, sống lang thang ở Sài Gòn. Rồi anh lấy một người vợ khác, sinh được đứa con trai. Nguyễn Liệu đã kể lại: “Thế mà sau này Minh được một người con gái chấp nhận cuộc đời anh, bao dung anh, dù trong hoàn cảnh nghiệt ngã hơn nhiều… Từ đó, tuy vẫn nghèo khổ thiếu thốn, nhưng vợ chồng anh sống rất hạnh phúc, và đã sinh được một đứa con trai…
Trong quảng đời sau cùng Minh ở trong cái nhà nhỏ trong khu vườn rất xa thành phố Sài Gòn. Anh cho biết nhờ sự đảm đương của người vợ, anh có được mái nhà anh rất yêu thích. Những tháng sau cùng, không còn đi lại được nữa vì Phan Như Thức bị ung thư yết hầu, vẫn sáng, vẫn chiều, vẫn tối, mọi vật đều nhàm chán, dững dưng với anh…

Bệnh càng nặng, càng hành hạ đọa đày anh. Vợ anh cho tôi biết, anh chịu đựng quá sức, nhiều khi nghiến răng, nín thở, nước mắt chảy dài trên gò má, anh nhất định không rên la, không than thở, chẳng những chẳng muốn để cho con biết, mà còn muốn dấu luôn với chị nữa. Nhiều lúc, nhìn sự cố gắng gần như đứt hơi của anh để không rên la, chị khó chịu quá, chị nói với anh cứ rên lên đi, may ra dịu bớt nỗi đau nhức, bớt nỗi cô đơn, nhưng anh vẫn mấy ngón tay bám chặt vào thanh giường, nghiến răng nhắm nghiền mắt chịu đựng, không một tiếng thở than”.

Bài viết Kỷ Niệm Cùng Nguyễn Thụy Long của Cung Tích Biền: “Vợ đầu của Nguyễn Thụy Long là người con gái nuôi của nhà văn Chu Tử. Ông có hai cô gái nuôi, đều dễ nhìn. Người thứ hai là vợ nhà thơ Phan Nhự Thức… Sau 1975 hai người này đều mất vợ. Cả hai đều khổ cực và chết thảm!... Thức chết vì ung thư cần cổ. Chết mau như quả chín, có mấy ngày đã đầy sâu trong ruột mềm. Sống giữa thành phố đẹp-nhất-tên-người, mà anh chết trong một căn nhà lá, nhà không điện, con trai duy nhất mới bảy tuổi ngu ngơ, bè bạn hùn nhau mua quan tài.”.
Đám tang Phan Nhự Thức rất đông bằng hữu tiễn đưa. Điếu Văn của Cung Tích Biền do Hà Nguyên Thạch thay mặt đọc trước linh cữu Phan Nhự Thức sáng ngày 23 tháng 01 năm 1996 tại Bình Chánh, Sài Gòn làm mọi người ngậm ngùi:


“Lời đầu:
Hôm nay ngày mồng Bốn tháng Chạp năm Ất Hợi, nơi đây, huyện Bình Chánh, thành phố Sài Gòn, nhà thơ Phan Nhự Thức - tên thật Nguyễn Văn Minh, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Tỉnh Quảng Ngãi trước 1975 của Nước Việt Nam Cộng Hòa, nguyên sáng lập viên trường Quảng Ngãi Nghĩa Thục – đã an nghỉ.
Chúng tôi là vợ, con, anh chị em ruột, cùng các văn thi hữu, các bạn bè thân thiết, các đại diện văn hữu trong và ngòai nước, xin đuợc nghiêng mình tiển đưa anh về Cõi Nghìn Thu. Trong những ngày cuối đông gió lạnh và nắng se lòng này, Thức ơi, chúng tôi khó cầm giọt nuớc mắt, khó kìm nỗi lòng, đành có đôi lời kể lể trước đèn nến lung linh, gọi rằng rót tơ lòng trước giờ bái biệt:
Hởi ôi, nhớ xưa,
Nguyễn Văn Minh, người con nguyên quán xứ Quảng sông Thu; thuở thiếu thời thông minh dĩnh ngộ, học hành nghiêm túc; trong gia đình được tiếng hiếu đễ, ngoài xã hội đã nhiều công đóng góp, dù đã nghe kẻ trí thuờng nói “Phùng thời danh lợi phi nhân nghĩa” Phan Nhự Thức, người Thơ lập thân nơi Ấn Nghiên Thiên Bút; lúc bình sinh tài hoa tao nhã, văn hay chữ tốt; làm nghệ thuật như là khát vọng, đam mê chữ nghĩa suốt một thời, dù đã biết tiền nhân từng dạy “Lập thân tối hạ thị văn chương”
Anh làm giáo sư, anh là sĩ quan cấp úy, tính tình hòa nhã, chân thật; sống hết lòng vì bè bạn anh em.
Anh là nghị viên, anh làm chủ tịch, nhân thân cần liêm, trong sạch; tìm mọi cách giúp dân nghèo kẻ khó.
Từng xuống đường phố đấu tranh, đòi hòa bình, chống tham nhũng.
Đã vào nghị trường tranh luận, quyền báo chí, chữ nhân quyền.
Cùng nhà báo Chu Tử, Nguyễn Liệu, Trần Ngọc Tấn, Cung Tích Biền… anh lập Quảng Ngãi Nghĩa thục, dạy miễn phí cho con em nghèo khó. Học trò nay có người bác sĩ kỹ sư, thành danh đây đó, nào ai quên “Trường cũ thầy xưa”.

Với nhà văn Vương Thanh, Khắc Minh, Lê Văn Nghĩa, Đynh Hòang Sa… anh hình thành tạp chí Trước Mặt, làm văn chương có chủ đích lớn lao. Nay văn hữu kẻ còn người mất, lưu lạc xứ người, hẵn vẫn nhớ  “Một thời vang bóng”.

Trong định mệnh có nguồn điên đảo,
Chỗ nhân tình lắm mạch sầu thương.

Thời thế bỗng đổi thay, đang giáo sư anh hóa thành người đốn củi, nơi rừng sâu thú dữ.
Đời bùng cơn gió bụi, hôm kia chủ tịch nay rủng rỉnh đi tù, chỗ gọi rằng cải tạo.
Sống tuy quẩn, mà lòng son thanh bạch, nơi lao lung vẫn giữ gìn nghĩa sĩ. Chúng ta nào có nhục.
Vui với thơ, anh nghèo hơn bần cố, rách tận cùng mà trọn vẹn thủy chung. Kẻ giàu mấy ai vinh
“Trước Mặt Chúng Ta” còn uy còn lực,
Sau Lưng Các Người”  phải nghĩa phải nhân.
Minh ơi, anh sống có đích mà đời không cho anh tới đích.
Thức hỡi, anh giàu lương tri mà hòan cảnh kìm chân anh mọi phía
Minh quanh quẩn nợ nần cơ cực, suồt đời chẳng có một mái nhà,
Thức đắn đo giữa rừng chữ nghĩa, nhiều năm chưa in được tập thơ.
Nào ai ngờ, đất Bình Chánh là nơi anh cô đơn, dựng lều tranh vách lá; giữa thành phố phồn hoa, đêm đêm anh đốt đèn mờ, nghe dế kêu lá rụng.
Ai nào biết, đêm An Sương, anh trăn trở cuối đời, mãi trôi nổi niềm đau, thương cha nhớ mẹ, phận người thôi thế thì thôi, đành nước chảy hoa trôi…
Thức ơi Thức, cuộc trăm năm lẽ sinh ký tử quy, sao nỡ vội ra đi, bỏ lại người bạn đường đã tảo tần tháng năm gian khó cùng anh. Vinh quang nơi đâu, sao để nơi này gánh nặng trên đôi vai người vợ trẻ,
Minh hỡi Minh, dù sớm muộn cũng hóa thân cát bụi, sao anh sớm lụy hình, để lại đứa con thân yêu vừa lên tám, từ nay không cha đùm bọc. Sống khôn thác thiêng, mong anh phù hộ đường dài con thơ dại.
Hôm nay nơi này,
Ta cạn một chung, để nhớ buổi Hồ Trường
Ngâm nốt câu thơ, bái biệt Hành Phương Nam.
Tâm hóa thạch, lệ thành mây xa mãi
Nơi cuối trời con én đã thôi bay...
Sáng nay chốn này.
Hỡi ôi,
đặt một cành hoa,
ném một nắm đất,
đốt khói nhang cúi đầu nước mắt,
chúng tôi tiễn anh đi.
Mai kia mộ chí cỏ vàng,
Hoa nghiêm rắt hạt hàng hàng trắng mây…
Thức ơi,
Hãy thong dong Cõi Nghìn Thu,
Bái biệt!”
(Cung Tích Biền)


Mối tình của Phan Nhự Thức với chị Thu rất đẹp, bạn bè trân trọng. Chị Thu còn trẻ, có sạp bán áo quần ở chợ Tân Bình, chấp nhận kết tóc se duyên với người bạn đời ốm yếu thất sủng, sống nay đây mai đó. Vợ chồng chịu khó xoay xở làm ăn, mở quán cóc bán cà-phê, thất bại, mở quán bún Quảng Nam (do bạn bè đặt tên vì chỗ tụ tập của bạn bè Quảng Nam)… nhưng càng ngày càng thua lỗ nên dẹp tiệm. Khi có đứa con đầu lòng, được mảnh đất hoang ở An Sương, Tham Lương, Bình Chánh, vợ chồng dựng mái nhà nhỏ tá túc. Vợ chồng tần tảo nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. 

Phan Nhu Thuc


*


Tạp Chí Trước Mặt
Bài viết Phan Nhự Thức & Tạp Chí Trước Mặt của Khắc Minh:


“… Phan Nhự Thức ấp ủ nhiều mơ ước, tính tình cởi mở, hết mình vì bạn bè, thông minh và đa tài: viết vẽ đẹp, làm thơ hay. Hồi đó, tôi có chiếc xe gắn máy cũ của Pháp thường đưa anh đi chơi, giới thiệu một số thắng cảnh như Thiên Ấn niêm hà, La Hà thạch trận, Cổ Lũy cô thôn… Tôi đưa anh đến giới thiệu với tác giả Non Nước Xứ Quảng - Phạm Trung Việt, nhà thơ Trào Phúng ở Cửa Đông. Tôi hơn Phan Nhự Thức khoảng 3 tuổi song anh em chơi rất thân như anh em ruột.
Khu vườn nhà tôi nằm ven thị xã, rộng có nhiều cây lâu niên, vừa đẹp vừa thoáng mát nên anh em thường tổ chức họp mặt đọc thơ, tán gẫu. Có lần Phan Nhự Thức ngẫu hứng đọc hai câu thơ trong bài Tình Buồn:
Người qua nhà tôi mỗi ngày bốn bận
Nón nghiêng che nên chẳng thấy tôi buồn
Cả bọn đều cười ồ lên. Từ đó, anh mới chịu khai cuộc tình đơn phương của mình. Nhà anh nằm bên Quốc lộ 1 phía trong cầu Trà Khúc. Người đẹp nữ sinh ngày bốn bận đi qua nhà anh nhưng rất nghiêm (hay cố ý làm nghiêm?) anh rất thích làm quen nhưng e ngại không dám. Người đẹp nữ sinh của anh nghe nói sau nầy cũng làm phát thanh viên cho đài phát thanh Quảng Ngãi và đi lấy chồng.
Tốt nghiệp sĩ quan Khóa 23 Trường Sĩ quan Thủ Đức. Năm 1967, anh về phục vụ tại Tiểu khu Quảng Ngãi rồi ra ứng cử Hội đồng tỉnh Quảng Ngãi. Hồi này, tôi đang công tác tại khối Chiến Tranh Chính Trị Tiểu Khu Quảng Ngãi. Tôi được phân công dạy một số giờ văn tại trường Lê Trung Đình trên núi Long đầu hý thủy. Trường nầy thuộc tiểu khu do anh Nguyễn Sang làm hiệu trưởng, tôi còn nhớ có nhà thơ Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích được mời dạy.
Bản chất rất đam mê văn nghệ, thích sinh hoạt ngành báo chí, Phan Nhự Thức đứng ra mời một số nhà thơ, nhà văn là quân nhân, giáo chức có mặt tại Quảng Ngãi chung tay góp sức hình thành tạp chí Trước Mặt. Tôi được nhà thơ Nam Lai (Trưởng Khối CTCT) đồng ý vừa dạy học vừa tham gia làm báo. Bản thân ông cũng giữ mục bình thơ Đường trên tạp chí. Sau một cuộc họp, cái tên Trước Mặt ra đời từ đó.
Để tờ Trước Mặt sớm trình làng, những cuộc họp được liên tục tổ chức tại khu nhà trọ Trùng Khánh tại 43 Phan Bội Châu cũ, nay là đại lộ Hùng Vương để phân công việc. Thực sự phân công chỉ là cái hướng chung, tất cả anh em vì tờ báo đều chung tay góp sức để tạp chí sớm hình thành.
- Phan Nhự Thức chủ biên chịu trách nhiệm tổng quát kể cả phép tắc và tài chính.
- Dịch: Nam Lai, Nguyễn Nguyên Phương.
- Văn: Vương Thanh, Lê Văn Nghĩa, Trần Cao Bằng.
- Biên khảo: Phạm Trung Việt, Đào Đức Nhuận.
- Thơ: Minh Đường, Vũ Hồ, Trần Thuật Ngữ, Lê Vinh Ninh, Trần Anh Lan, Hà Nguyên Thạch, Luân Hoán, Lâm Anh, Xuân Thao, Lê Văn Trung, Hoàng Ngọc Châu, Đynh Hoàng Sa, Triệu Duy Gia.
- Họa: Nghiêu Đề, Phạm Cung, Hoàng Trọng Bân.
(Số đông trong nhóm chủ trương Trước Mặt đã khoác áo lính).
Tạp chí Trước Mặt ra mắt bạn đọc tháng 5 năm 1968, khổ lớn (tabloid) sau nầy đổi thành khổ nhỏ (book) như Văn Học.
Sau ngày phát hành, một số bạn bè quen thân đã gửi thư về động viên, góp ý hoặc trực tiếp ủng hộ bằng cách gửi bài về cộng tác như nhà văn Cung Tích Biền, Trần Tuấn Kiệt…, nhà thơ Cao Thoại Châu, Thành Tôn, Thái Tú Hạp, Lê Vĩnh Thọ…
Tôi và Nghiêu Đề cùng đảm trách công việc từ in ấn, phát hành đến chuẩn bị cho các số kế tiếp. Mỗi số phát hành khoảng 500 bản. Chúng tôi tự gửi đến một số bạn bè ở Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn nhờ phân phối cho các đại lý.
Tháng 12 năm 1969, Trước Mặt dừng bước vì thiếu nguồn tài trợ. Sau đó, Phan Nhự Thức vận động ra được tạp chí Tập Họp nhưng chỉ được một số cũng đành phải đóng cửa vì không đủ tài chính…”.
Trần Hoài Thư và nhóm chủ trương Thư Quán Bản Thảo trong 16 năm qua (2001-2017) cố gắng làm sống lại văn học miền Nam. TQBN số 27, tháng 4 năm 2007 với chủ đề Phan Nhự Thức và in lại tập thơ Đốt Tuổi.
TQBT số 39, tháng 10 năm 2009 đề cập đến tạp chí Trước Mặt, đăng lại bài viết Gặp Anh Em Văn Nghệ Miền Trung trong cuộc trò chuyện của Cung Tích Biền với Phan Nhự Thức, Hà Nguyên Thạch, Khắc Minh, Nguyễn Nguyên Phương, Minh Đường, Lê Việt Nguyên, Phạm Đình Hiệu đăng trên tạp chí Khởi Hành số 28, 1969. Trích những dòng chia sẻ của Phan Nhự Thức:
“… Trong buổi họp mặt chúng tôi rất lấy làm tiếc vì sự vắng mặt của các anh Vương Thanh, Luân Hoán, Nghiêu Đề, Đinh Hoàng Sa, Thành Tôn và những anh đã giúp rất nhiều cho tờ báo từ khi nó chào đời đến nay. Sự có mặt của tạp chí Trước Mặt kể ra thật lạ lùng vì nó gặp quá nhiều khó khăn nội cũng như ngoại tại.
Đầu tiên anh em chúng tôi muốn qui tụ nhau làm một tờ báo. Nhưng nhìn đi nhìn lại tiền thì không có, anh em mỗi người ở một phương, không khí ở tỉnh lẻ là một thứ không khí bị vây bủa bởi ngày đêm súng đạn: chạy miếng ăn để sống qua cơn hoạn nạn đã là khó huống chi nói đến văn học nghệ thuật.
Nhưng với mọi cố gắng, một sáng Chủ Nhật (chúng tôi mới không công vụ) chúng tôi họp nhau tại một quán cá phê. Từ quán cà phê này bừng bừng ra cái chuyện nộp bài, góp tiền “kẻ ít người nhiều” và chọn cho tờ báo một khuôn khổ, một hình thức cũng như một nội dung. Chà chà, cái khoản tiền mới là rắc rối. Chúng tôi nghèo mạt rệp cả. May mắn chúng tôi gặp chính quyền ở đây là một chính quyền tốt, đã có nhã ý tài trợ chúng tôi một ít về tài chính. Đỡ bớt cho một gánh nặng.
… Chúng tôi không hề bị sự ràng buộc nào vì sự tài trợ của chính quyền. Tạp chí Trước Mặt từ khi chào đời cho đến nay vẫn là một tạp chí thuần túy văn nghệ. Ngoài ra có một số bài có tính cách chính trị thời đàm. Tôi thiết nghĩ bất cứ tờ báo nào cũng phải có những bài những mục như tờ Trước Mặt. Bởi vì chúng ta không thể phục vụ cho một thứ văn học nghệ thuật trống rỗng, một thứ văn chương hàng hai hay viễn mơ, một thứ văn nghệ phản bội lại cuộc chiến đấu đẫm máu mà hai mươi lăm năm nay tuổi trẻ đang gánh chịu từ lớp này qua lớp nọ.
… Các anh đều đồng ý rằng xưa nay đã có một quan niệm quá lầm lẫn khi đặt ra hai nền văn nghệ. Một nền văn nghệ Sài Gòn và một nền văn nghệ tỉnh lẻ. Chúng tôi không thích trong lãnh vực văn nghệ có bè nhóm, một nhà văn lớn sẽ có một nhóm những người chạy theo, quanh quẩn như là những vệ tinh. Chúng tôi không thích chia ra thứ gì của Sài Gòn, thứ gì của Miền Trung hay tỉnh lẻ. Thật ra Miền Trung là nơi đóng góp rất nhiều vào nền văn học nghệ thuật xưa nay. Các tỉnh lẻ xưa nay chính là linh hồn của Sài Gòn. Hơn thế nữa chính các tỉnh lẻ đã nuôi sống Sài Gòn trên mọi lãnh vực, nhất là nhật báo, tuần báo.
TQBT số 27, phát hành vào tháng Tư, thời điểm mất nước để tưởng nhớ người bạn Phan Nhự Thức đã mất theo vận nước. TQBT số 27 dày 220 trang, dành 66 trang (từ trang 47 đến 113) với các bài viết của Nguyễn Liệu, Trần Yên Hòa, Trần Hoài Thư, Phan Xuân Sinh (bài viết nầy trích đăng). Có 3 bài viết và các bài thơ của Phan Nhự Thức. Cảm ơn Trần Hoài Thư đã gởi cho tôi file PDF số báo nầy.

*

phan nhu thuc 2


Phan Nhự Thức qua bài viết của Phan Xuân Sinh & Luân Hoán

Bài viết Phan Nhự Thức, Một Đoạn Đời Khắc Khổ của Phan Xuân Sinh sau tháng ngày ra khỏi lao tù sống vất vưởng ở Sài Gòn:
“Một buổi chiều, tôi và anh Đynh Trầm Ca ngồi nhậu với vài người bạn tại nhà tôi, thì có hai người đi xe đạp tới tìm Đynh Trầm Ca. Tôi bảo với anh Phụ (tên thật của Đynh Trầm Ca) mời hai anh đó vào lai rai vài ly chơi, thì hai anh đem xe đạp vào nhà và trước khi ngồi vào bàn, anh Phụ giới thiệu hai người đó là: “Hà Nguyên Thạch và Phan Nhự Thức”. Người có bộ râu mép, trán cao là Hà Nguyên Thạch. Người có nước da ngâm ngâm, khuôn mặt xương xẩu là Phan Nhự Thức. Tên của hai anh không lạ gì với tôi, vì trước 75 thỉnh thoảng tôi đọc những bài thơ của hai anh trên những tạp chí văn nghệ ở Sài Gòn. Nhưng bây giờ mới được gặp hai anh. Bữa đó chúng tôi uống thật say, tôi dược biết hai anh từ miền Trung vào định cư tại Sài Gòn chưa được bao lâu. Những tháng năm khó khăn, cả nước lâm vào cảnh bần cùng. Các nhà thơ nhà văn của Sài Gòn thất tha thất thểu thấy thật tội nghiệp. Có người đi bán rau muống, bán củi, bán than. Có người đi làm những công việc nặng nhọc để kiếm sống. Công dân hạng nhất (cán bộ, đảng viên v.v…) còn không đủ ăn, thì loại công dân hạng nhì (quân nhân, công chức của chế độ Sài Gòn) thì khổ biết chừng nào, quá sức te tua.

Hà Nguyên Thạch khi say thì nói nhiều, anh không còn biết sợ là gì. Còn Phan Nhự Thức khi say ít nói hơn, trầm ngâm hơn. Sau bữa rượu đầu tiên đó, Phan Nhựt Thức hay ghé nhà tôi chơi. Nhà tôi lúc đó đang sản xuất kem đánh răng, nên thỉnh thoảng anh cũng chở vài thùng kem đi bỏ mối để tìm một ít tiền chi tiêu. Dần dần rồi chúng tôi thân với nhau, anh mượn địa chỉ nhà tôi để các bạn của anh ở Mỹ gửi quà về. Vì lúc đó anh sống chui chứ không có hộ khẩu ở Sài Gòn. Tôi có đi nhận giùm cho ảnh vài thùng quà. Lần nào lãnh đồ ở Hải Quan Tân Sơn Nhất, tôi đều chở ảnh đi. Tôi nhớ lần đầu tiên anh nhận 1 thùng quà, anh mừng quá chân tay anh run run, thật tội nghiệp. Thật tình thì cũng chẳng bao nhiêu, nhưng đối với anh quá lớn. Tôi không bao giờ hỏi công chuyện làm ăn của anh, vì tôi biết những việc của anh làm nặng nhọc, để kiếm miếng ăn đắp đổi qua ngày. Tối về anh vào Chợ Lớn ở nhờ nhà bà con hay bạn bè gì đó.

Một lần ngồi uống rượu, anh ao ước có một căn nhà ở vùng quê, nhà tranh vách đất cũng được, không cần phải cao sang, có vợ con đùm bọc lẫn nhau. Cái ao ước thật đơn sơ đó thế mà ngoài tầm tay với của anh. Trong lúc đó anh Hà Nguyên Thạch thì ngược lại bằng mọi cách phải bám lấy thành phố mà sống, có bạn bè, có những tiện nghi thỏa mái hơn. Từ cái quan niệm chân chất ấy của Phan Nhự Thức, tôi thấy thương anh hơn và tôi cũng cầu mong cho anh được toại nguyện.

Sau này anh làm ở vựa củi trên Chợ Lớn, người làm cái nghề than củi thì suốt ngày mặt mày, chân tay lấm lem. Người anh sạm lại, nước da anh vốn dĩ ngâm ngâm đen bây giờ càng đen hơn. Thỉnh thoảng buổi chiều rỗi rảnh anh hay xuống nhà tôi cùng với một vài anh em nhậu vài ly, rồi lại đạp xe trở về.
Bẵng đi một thời gian, tôi ít gặp lại anh, có người bảo với tôi là Phan Nhự Thức mở một quán nhậu trên Chợ Lớn. Tôi nghĩ thầm trong bụng hết đường rồi hay sao lại mở quán nhậu. Vì tôi biết tính anh ham vui với anh em, mà anh em phần đông tiền bạc chẳng bao nhiêu mà lại thích nhậu nhẹt, nội cái chuyện ghi sổ thiếu nợ sẽ đưa tới tình trạng phá sản của phần đông các anh em văn nghệ cũ ở Sài Gòn chọn cái nghề “lưu linh” nầy.

Anh Sương Biên Thùy sau này kể cho tôi nghe về trường hợp mở quán nhậu của ảnh. Gặp anh em đông thất tha thất thểu, kéo vào quán làm một tô bún Mụ Chính, sương sương thêm vài ly cho đời lên hương, ngày nào cũng vậy thâm thủng tiền bạc, sụp tiệm, nợ nần chồng chất. Cũng may có chương trình HO cứu anh thoát khỏi. Trước khi lên máy bay Sương Biên Thùy phải ký tờ giấy nợ qua Mỹ gửi tiền về trả, mới được yên thân. Không biết quán của Phan Nhự Thức cầm cự được bao lâu, sau nầy không nghe ai nói về quán nhậu của anh. Chắc rồi cũng lăn theo vết xe của Sương Biên Thùy.

Một buổi chiều, tôi đang ăn cơm thì Phan Nhự Thức dựng xe đạp ngoài hiên vào nhà. Tôi mời anh dùng cơm với tôi. Khi ngồi uống nước anh đưa cho tôi một giấy mời dự đám cưới một cách trịnh trọng, nhìn khuôn mặt của anh rạng rỡ, vui tươi. Tôi vừa ngạc nhiên và cũng chia vui với anh một cuộc đổi đời thật ý nghĩa, giúp anh có nơi nương tựa, có một tổ ấm mà anh hằng ao ước. Đám cưới của anh tổ chức thật đơn giản ở nhà hàng mới mở tại hồ Kỳ Hòa, phần đông những người dự trong buổi đó là anh em văn nghệ cũ Sài Gòn. Tôi ngồi gần với vợ chồng anh chị Hồ Thành Đức - Bé Ký. Trong buổi tiệc vui đó những người tham dự làm mỗi người một câu thơ ghép lại thành một bài thơ tặng anh để giữ làm kỷ niệm. Cho đến bây giờ vợ của anh Phan Nhự Thức còn giữ bài thơ của anh em tặng vợ chồng anh chị không?..”.
(Phan Xuân Sinh)

Luân Hoán, người bạn thân với Phan Nhự Thức từ khi gặp nhau ở quân trường Thủ Đức. Thời gian ở hải ngoại anh viết nhiều bài ghi lại kỷ niệm với bao hình ảnh đáng nhớ đã một thời bên nhau.
Phan Nhự Thúc Đốt Tuổi Tìm Vui
Luân Hoán

“Từ Lăng Cha Cả, cơn mưa nhẹ hạt theo chân chúng tôi đến cổng số 1 quân trường Bộ Binh Thủ Đức thì dứt hẳn. Tờ nhật báo Tự Do và bao thuốc lá Ruby vẫn nằm ngoan trong bàn tay phải. Nhưng “gói hành trang bọc nylon” kẹp dưới nách trái suýt rơi khỏi người tôi khi chiếc GMC vừa quay đầu, vừa thắng gấp trước sân văn phòng Liên Đoàn 1.
Đêm. Bóng tối đậm đặc. Không ai bảo ai, chúng tôi cùng á khẩu. Đám người lố nhố hai bên thành xe cũng câm lặng. Bất ngờ, đâm ngọt xớt vào cái đêm hè mênh mông, tiếng gọi hỏi mềm gọn:
- Có Luân Hoán đây không?
Tôi thót giật mình, chưa nhận biết ai gọi. Chân vừa chạm đất, những hình phạt dằn mặt đã chen nhau lấn tới, tôi không dám mất tập trung. Bài học đầu ở quân trường thơm mùi đất ẩm.
Rất vừa lòng với mình, không rơi vào những lời xúi ra tranh chức sinh viên báo chí đại đội, tôi giấu luôn những viết lách lăng nhăng ở chặng đời dân sự vừa qua. Nhưng chẳng được mấy ngày, cái giọng hỏi: “có Luân Hoán đây không?” tìm đến. Lần này tôi đã đánh hơi ra cái mùi núi Ấn sông Trà và nhìn thấy rõ cái vóc dáng thấp nhỏ của một người bạn thơ chưa quen: anh Mê Kung. Lần đầu gặp anh, tôi nghiêm chỉnh chào tay đàng hoàng vì anh thuộc khóa 23, đàn anh…
Ở quân trường, Mê Kung làm thơ nói về đời sống quân ngũ, và viết nhật ký quân trường đều đặn mỗi tháng cho tạp chí Bộ Binh Thủ Đức. Ngoài việc sáng tác, anh còn lo tìm, mời những tay viết vừa nhập Khóa 24. Với bản tính vui vẻ, cung cách mềm mỏng, Mê Kung dễ dàng trở thành bạn của nhiều người. Mê Kung cùng Cao Thoại Châu là hai ngươi bạn thơ thân nhất của tôi trong thời điểm này.
Nhiều lần tôi và Mê Kung ngồi sáng đêm ở khu gia binh Thiết Giáp. Cũng không ít lần chúng tôi lang thang ngoài chợ Tăng Nhơn Phú. Mê Kung không mấy khi đề cập đến chuyện trai gái. Với anh, lúc nào cũng đầy ắp chuyện làm thơ, làm báo. Cởi mở và chân tình là hai đức tính đã giúp Mê Kung cứu vãn được tính ưa chuộng hình thức, có ít nhiều khoe khoang của anh.

Rời KBC 4100, Mê Kung về phục vụ ở tiểu khu Quảng Ngãi. Làm việc ngay tại tòa tỉnh. Bút hiệu Mê Kung thường bị bè bạn chọc ghẹo, nên anh đã dùng họ của mẫu thân, khai sinh một bút danh mới: Phan Nhự Thức. Khi tôi chọn về Sư Đoàn 2 Bộ Binh và có mặt tại Quảng Ngãi, bút hiệu mới của anh đã được trình làng, qua những bài thơ anh đăng trên một số tạp chí ở Sài Gòn.

Phan Nhự Thức đã đưa tôi về ra mắt mẫu thân và mấy người em gái của anh. Gia đình anh sống trong một căn nhà cao ráo, có gác, trên đường phố dẫn vào thị xã. Con đường này cũng là một khúc thân thể của quốc lộ số 1. Thân mẫu anh phúc hậu rất quí mến bạn của con. Mấy người em gái anh rất xinh, nhất là Hồng. Tôi được gia đình anh mời tạm trú, không phải đóng tiền nhà. Nhưng tôi không cho phép mình hưởng ưu đãi này.
Tại Quảng Ngãi, ngoài Phan Nhự Thức, tôi còn có một số bạn cũ như trung úy Huỳnh Bá Dũng (ban 3 sư đoàn 2), trung úy Trần Hữu Lân (ban 4 Sư Đoàn 2), nhà thơ Đynh Hoàng Sa (dạy tại Trung học Trần Quốc Tuấn), nhà thơ Hà Nguyên Thạch (dạy trường Nữ Trung Học), nhà văn Vương Thanh (trung úy, tiểu khu Quảng Ngãi), trung úy Lê Văn Nghĩa (Chi đoàn phó Thiết Giáp), họa sĩ Nghiêu Đề. Những người bạn mới tôi được quen biết: nhà biên khảo Phạm Trung Việt, nhà thơ Minh Đường, nhà thơ Trần Thuật Ngữ, Trung úy Trần Anh Lan, nhà thơ Khắc Minh, họa sĩ Phạm Cung, anh Đào Đức Nhuận… Tất cả những người bạn cũ, mới đó đều nồng nàn với sinh hoạt văn học nghệ thuật giữa một thành phố đồng phục màu ô liu, nhung nhúc quân xa, súng đạn đủ loại.

Thành phố Quảng Ngãi trong thời điểm này trông giống như một thị trấn trong phim cao bồi. Vẻ thanh bình cùng đến với mặt trời. Mặt trận sẵn sàng mở ra cùng lúc với bóng đêm. Tiếng nổ và máu gần như là những chất liệu căn bản của thơ văn. Hơi thở tình lứa đôi chỉ là một thứ nước hoa làm nhẹ đi phần nào mùi tanh của cuộc chiến. Trong cái không khí ấy, nếu không tham dự hành quân, tôi thường cụng ly với đám bạn hữu tại khu Trùng Khánh, nơi tôi cùng Châu Văn Tùng, Nguyễn Văn Pháp, Trần Mỹ Lộc có thuê một phòng trọ.

Phan Nhự Thức không chiều nào vắng mặt. Anh đến, anh đi trong bộ quân phục ủi hồ, tay xách cặp da, lúc nào cũng nghiêm chỉnh, bận rộn. Anh vẫn cồng kềnh quan trọng như những ngày còn trong quân trường, mặc dù trong cặp anh, có lần anh mở để khoe với tôi, chỉ vỏn vẹn vài ba bài thơ viết chưa xong, một tập giấy mỏng, đôi ba cây bút màu. Không có hồ sơ hành chánh, không có văn bản quân sự nào liên quan đến nghề tay phải của anh. Các bản thảo của Phan Nhự Thức thật tốt số, luôn luôn nằm thẳng thớm trong cặp da.

Phan Nhự Thức là người thích sinh hoạt. Nhờ có anh đứng ra vận động xin tài chánh, chúng tôi cùng nhau thực hiện được tạp chí Trước Mặt, một tạp chí văn học nghệ thuật đúng nghĩa đầu tiên tại Quảng Ngãi. Tờ báo ra hàng tháng, kéo được chín, mười số thì đình bản. Tiếp nối Trước Mặt, Phan Nhự Thức điều hành tạp chí Tập Họp. Tiếc rằng cũng chỉ tập họp được năm, sáu lần chi đó rồi im lặng tan hàng.

Trong thời gian làm báo, Phan Nhự Thức đã chọn lựa trong số bản thảo của anh đủ một số bài ưng ý để hoàn thành một tác phẩm đầu tay. Cũng như nhiều bạn văn khác, Phan Nhự Thức có những băn khoăn, lưỡng lự. Thói xấu ưa xúi giục, đốc sử của tôi có dịp ba hoa: “Làm thơ chủ yếu là tìm vui, dẫu thú vui này tiêu pha của mình một số tuổi đời, nhưng đã chơi, còn ngại gì”. Như thêm một giọt nước cho tràn ly, Phan Nhự Thức mạnh dạn cho in tập Đốt Tuổi. Tên tập thơ do chính tôi chọn cho anh. Nhiều bạn chê thiếu thi vị, nhưng Phan Nhự Thức rất vừa lòng. Càng làm thơ càng mau già, tuổi cũng là một đơn vị của thời gian, đem tuổi mình ra đổi lấy thơ, không là đốt thì là gì? Thi phẩm Đốt Tuổi tuy không vang được tiếng vang khắp nước, nhưng trong lãnh địa Quảng Ngãi, nhờ nó, Phan
Nhự Thức sáng lên rất nhiều.

blank


Sau ba lần có chiến thương cùng Anh Dũng Bội Tinh, tôi bị chơi đẹp một lần nữa. Tội nghiệp, lần này tôi cúng luôn một bàn chân. Khi chống nạng đứng giữa sân nhà Khắc Minh vào một ngày đầu Xuân, tôi đã khóc ngon lành. Những giọt lệ tôi chảy ra không hẳn vì xót phận, tủi thân mà vì những giọt lệ của Vương Thanh, Phan Nhự Thức, Khắc Minh có mặt hôm ấy, rủ rê, không cầm được. Bạn của tôi, những người đang mặc quân phục, nhưng vẫn giữ được những trái tim mềm ướt, trẻ thơ thế ấy. Cảm tạ đất trời. Riêng Phan Nhự Thức, trong một hơi thơ dài, truy niệm cho nén chân trái tôi, có những câu:


“Rượu đâu xin hãy tiếp
hỡi bằng hữu đêm nay
trời bồng bềnh nghiêng ngả
bàn ghế say ngất ngây
ai cười nghe vỡ đất
hay ta khóc chẳng hay?
ôi trong men chếnh choáng
ta bỗng nhớ thương mày
giờ tàn đêm sắp sáng
ta say ngươi có hay
hỡi Luân Hoán, Luân Hoán
nên buồn hay vui đây?
Ôi đêm nay một mình
trên gác cao
Nghiêu Đề bỏ lại
tao nhìn rõ bàn tay mày
một lần đấm vai tao
không thù oán
ôi cái đấm của tình thương yêu
tao nhớ ra cùng nước mắt…”.
(Chia Buồn, Chia Vui - Phan Nhự Thức)



Thì ra, tôi đã có lần, vì lý do gì đó, tức giận, không kềm nổi bản tính võ biền, vũ phu của mình. Nhớ mãi không ra. Lỗi phải thế nào cũng là điều đáng ân hận. “Cái đấm của tình thương yêu” sao mà đáng ngờ quá. Nhưng bạn tôi, Phan Nhự Thức, đã độ lượng, thi vị như thế, tôi còn làm được gì hơn là xin lỗi và cảm ơn anh.

Sau ngày tôi từ giã bờ xe gió, cửa đông Sư Đoàn 2, các bạn tôi ở Quảng Ngãi nghiêng nhiều về hoạt động chính trị. Nhà thơ Hà Nguyên Thạch gia nhập đảng Dân Chủ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, để giữ chức Phó Chánh sở Học Chánh. Nhà văn Vương Thanh cùng Phan Nhự Thức trở thành nghị viên thành phố. Hoạt động đẹp nhất của đám bạn tôi là thành lập được trường trung học Quảng Ngãi Nghĩa Thục, dĩ nhiên có sự giúp đỡ nhiều mặt của nhiều tấm lòng khác, đặc biệt là anh Nguyễn Liệu. Trường được xây dựng khang trang, rộng rãi. Ngày khai giảng đầu tiên, tôi được các bạn mời vào chia vui, mặc dù vết thương của tôi mới vừa kín miệng, còn trong giai đoạn băng bó.

Phan Nhự Thức và Khắc Minh lo cho tôi đủ điều trong lần tôi vào thăm Quảng Ngãi này. Một cuộc tình tôi có được với một bóng hồng ở cửa đông, hoa khôi trường nữ, đã chính thức đi qua. Đôi mắt Ba La ấy cùng nụ cười ở lại, núp trong vài luống thơ được bao lâu? Đêm về mau, nằm giữa tôi và Phan Nhự Thức trong căn phòng ở 43 Phan Bội Châu thân quen là một cõi thơ xa lạ. Phái đẹp ai không là thơ? Trong tiếng ngáy nhẹ của Thức, tôi trăn trở thấy lại mọi nơi, mọi vật, để rồi tự thấy mình đã rất khác, rất lạ với mọi thứ chung quanh. Phan Nhự Thức không có nhiều háo hức về sinh lý, tôi độ chừng như thế. Sáng ra mới biết mình lầm. Anh chỉ nhường ưu tiên cho bạn anh. Một người bạn đã có ít nhiều khác với sự lành lặn bình thường của anh.

Cuộc sống không chậm bước. Tôi về Đà Nẵng tiếp tục làm thơ lăng nhăng, lẩm cẩm tình yêu trong các bàn tay đỡ dậy của Lê Vĩnh Thọ, Phạm Thế Mỹ, Vĩnh Điện trong lúc Phan Nhự Thức, Đynh Hoàng Sa trở thành ký giả cho vài nhật báo ở thủ đô Sài Gòn. Tôi được tin Phan Nhự Thức lập gia đình với một cô gái có quan hệ phụ tử với nhà văn Chu Tử. Cuộc tình duyên của anh chấm dứt cùng lúc với chế độ anh phục vụ…
Những ngày chờ đợi qua nước người, tôi được gặp Phan Nhự Thức thầm lặng, phất phơ tại Sài Gòn. Buổi tiệc tiễn chân tôi, anh vẫn chứng tỏ sự nhẹ nhàng, thanh thản của một tâm hồn đang bị ruồng bỏ. Đi cùng nụ cười rất trẻ thơ là hàm răng chắc mà anh vẫn phàn nàn: “đánh rã tay, không thấy trắng” là những gì vẫn đọng sáng trong gia tài kỷ niệm về Phan Nhự Thức.

Trong mười mấy năm xa đất nước, tôi biết tin về Phan Nhự Thức rất ít. Một đôi lần họa sĩ Hoàng Trọng Bân, còn kẹt ở Sài Gòn cho biết Phan Nhự Thức đã lập lại gia đình và có được một đứa con. Tôi rất mừng cho anh nhưng vẫn không liên lạc được. Bân cho biết gia đình Thức sinh sống bằng nghề bán bún bò bên lề đường quanh cư xá Tô Hiến Thành. Nhưng địa chỉ thì không rõ. Tôi không biết thời gian này Thức đã mua được hộ khẩu làm thường dân tại thành phố chưa? Không nắm được hộ khẩu (một loại giấy tương tự như tờ khai gia đình) trong tay chắc chắn sẽ bị “hậu khổ” dài dài, dễ gì có một địa chỉ chắc chắn để liên lạc thư từ. Hơn nữa chạy ăn từng bữa đã là một vấn đề, hơi đâu lãng mạn phí tiền tem thư, giữa thời buổi quốc nội, hải ngoại còn dày đặc những thám thính, rình mò, đánh hơi. Phan Nhự Thức lại là người rất tự trọng, không hề nói đến cái tôi của mình, không mấy lo lắng cho chính bản thân anh.

Sau sự ra đi vĩnh viễn của Vương Thanh và Đynh Hoàng Sa, tôi bất ngờ nhận tin Phan Nhự Thức lìa đời qua điện thoại từ Thái Tú Hạp ở Hoa Kỳ. Tin buồn này làm tôi lững lờ suốt cả ngày. Nguyễn Khắc Ngữ, Hoàng Xuân Giang, Hoàng Phúc cũng đã vì ung thư bỏ cuộc, nay thêm Phan Nhự Thức. Cơn bàng hoàng chưa qua khỏi, sáng hôm sau Trần Hoài Thư gọi tiếp, khuôn mặt Phan Nhự Thức lại hiện lên vẫn với nụ cười nhưng sao cứ méo dần về một bên rồi nhạt nhòa chia xa. Trời đang có tuyết bụi, cái lạnh chợt đậm hơn. Tôi ra xe chạy miết mấy giờ liền, không mục đích, không điểm đến, nhưng không qua khỏi “cái làm sao ấy” ở trong lòng.

“Khuôn mặt héo, lưỡng quyền nhô cao, đôi mắt đục, mái tóc bù rối, hai hàm răng chỉ còn lợi, chiếc lưng còng, dáng người thấp nhỏ, khô đét…” là Phan Nhự Thức dưới nét họa bằng ngôn từ của họa sĩ Khánh Trường, khi anh có dịp ngồi cụng ly với Phan Nhự Thức, chỉ cách mấy tháng trước tác giả Đốt Tuổi qua đời. Phan Nhự Thức chết không chỉ vì bệnh ung thư ở cổ, mà cả cuộc đời anh bị ung thư, như một bạn văn của anh đã nói. Dù cố gắng thả ngọn bút “bằng tất cả nghị lực và niềm tin”: Phan Nhự Thức hẳn không thể giấu được chính mình đang đứng trước lối cụt tuyệt vọng. Giữ được đến cuối đời lòng thanh thản, tính tự trọng không phải là việc dễ làm. Mừng cho bạn đã ra đi. Tiếng nói của bằng hữu dẫu vượt được ngàn dặm lãnh thổ cũng chắc gì vượt qua được nghìn trùng âm dương để cho lòng bạn có vài giây ấm lại. Còn làm được gì hơn ngoài thắp một nén hương không khói, không lửa này. Vĩnh biệt!...

Cá nhân tôi từng ngồi lẩn thẩn điểm danh bè bạn. Bằng hữu tôi có được trong thời kỳ tôi làm dân Quảng Ngãi, những ai còn ai mất? Hà Nguyên Thạch, vinh hiển rồi bầm dập, bây giờ đang neo chân tại Vũng Tàu. Đynh Hoàng Sa đã ra đi vì tim mạch trở chứng. Vương Thanh đã bỏ quên Khu Rừng Mùa Xuân vĩnh viễn. Huỳnh Bá Dũng, Phan Nhự Thức, Nghiêu Đề, Trần Mỹ Lộc, Lê Văn Nghĩa, Minh Đường… nối thêm dài danh sách tử vong. Với không quá 13 người bạn thân quen, tôi đã đánh mất 7 người. Rồi còn tiếp tục mất những ai? Không có sự ra đi nào thiếu nỗi ngậm ngùi. Nhưng cái chết của Phan Nhự Thức có phần chua xót hơn. Sự đau đớn không nằm ở chuyện tử vong, mà nằm ở những ngày cuối chặng đời anh.

Trong năm 2000, nhà văn Vũ Uyên Giang ở North Carolina USA có gởi tặng tôi mấy số tạp chí Đất Sống. Tôi bắt gặp trong số 1 phát hành vào tháng 4 năm 2000 bài viết Nén Nhang Thắp Muộn của nhà văn Uyên Thao… Trong bài viết, nhà văn Uyên Thao nhắc qua một vài người vừa ra đi như nhạc sĩ Văn Phụng, nghệ sĩ Hoàng Thư… để rồi viết rất kỹ, rất cảm động về Phan Nhự Thức.

Uyên Thao nhắc lại lần đầu tiên Phan Nhự Thức đến thăm anh tại cư xá Thanh Đa, sau ngày anh được ra tù, năm 1987. Lúc đó theo anh kể, Phan Nhự Thức đã “xọm hẳn đi” tạo cho anh cái cảm tưởng Phan Nhự Thức “đi đứng không vững” nhưng vẫn hết lòng giúp đỡ bạn bè. Thức đã hứa sẽ liên lạc với anh Nguyễn Liệu, để vận động giúp đỡ Uyên Thao.

Những tiết lộ của nhiều bạn văn đã cho chúng ta thấy một phần đời của Phan Nhự Thức sau tháng 4-1975, được ghi lại trong bài viết của Uyên Thao:
Họa sĩ Đằng Giao xác định việc bán bún bò ven đường để sinh sống của Thức là có thực, khi anh chỉ rõ cho Uyên Thao địa điểm Thức hành nghề:
- Ô, bây giờ nó bán bún bò bên bờ đường ở khu cư xá Tô Hiến Thành. Ông cứ chạy xuống con đường đâm sang khu Lữ Gia nhìn kỹ là thấy.
Nhà văn Nguyễn Thụy Long thì mách với Uyên Thao:
- Nó bị ung thư. Không biết đứa nào nói với tao là nó nằm bệnh viện Nguyễn Văn Học. Tao chạy đến tìm nó ngay. Ít ngày sau thì nó chết.
Nhưng tiết lộ của nhà văn Thế Phong cùng Uyên Thao mới là những điều vô cùng chua xót. Tôi xin được phép trích một đoạn dài của nhà văn Uyên Thao:
… “Nhưng tôi không thể xua đuổi khỏi đầu một chi tiết trong những ngày cuối đời của Phan Nhự Thức. Điều này tôi đã biết một phần qua Thế Phong và bây giờ Nguyễn Thụy Long kể. Tôi nhớ lại lần gặp Phan Nhự Thức và một nhận xét của tôi khi đó. Tôi thấy anh không ưu tư chút nào về bản thân. Thì ra đó là thời gian anh tin chắc mình sẽ xuất ngoại.
Anh ra tù mấy năm nay và như nhiều người khác, anh đã nộp hồ sơ theo diện HO. Với tư cách người của chế độ cũ - vừa là sĩ quan vừa là nghị viên Hội đồng tỉnh - lại dư điều kiện bị tù 3 năm, nên anh chỉ còn chờ ngày phỏng vấn để chấm dứt mọi thủ tục. Niềm tin của anh trở thành trái bóng xẹp hơi đột ngột.
Trong ngày phỏng vấn mà anh chờ đợi với tất cả tin tưởng, anh đã đối diện với nụ cười khinh miệt của người phỏng vấn anh. Người đó quăng trả anh tờ giấy ra trại kèm theo lời phát biểu:
- Gần hai ngàn năm nay, tôi chưa thấy tháng Hai nào có ngày 30 cả. Ông mua tờ giấy này ở đâu?

Lúc đó Phan Nhự Thức mới phát giác ngày tháng ghi trên giấy ra trại của anh là 30 tháng 2. Anh xác nhận đây là giấy thực và việc ghi ngày lầm lẫn chỉ do trình độ hoặc sự ơ thờ của người làm giấy. Hơn nữa, chi tiết này chẳng đáng gì so với thực tế cuộc sống của anh. Nhưng anh không lay chuyển nổi ý nghĩ của người phỏng vấn khăng khăng nói anh xài giấy giả. Tất nhiên anh bị từ chối. Không ra đi là điều thất vọng, nhưng nỗi đau của anh là nụ cười miệt thị của người kia. Tôi nghĩ về phút cuối của anh và cảm thấy khó chịu.

Nguyễn Thụy Long chỉ diễn tả phút cuối đó bằng mấy lời đơn sơ: “Ít ngày sau nó chết”. Tiếng chết đã được ném ra, không còn gì để nói thêm nữa. Nhưng trước đó một giây, trước đó một ngày, trước đó nhiều ngày, Phan Nhự Thức đã sống với tâm trạng nào, với ý nghĩ nào? Tôi thấy Thức khó dứt nổi nỗi đau từ lúc rời địa điểm phỏng vấn tại văn phòng ODP. Khi kể với tôi chuyện này, Thế Phong nói:
- Nó không khiếu nại, cũng không thèm đi xin xác nhận không phải giấy ra trại giả. Cái thằng thật lạ!
Lúc đó, tôi không kịp nghĩ về cách giải quyết của Thức, nên chỉ nói với Thế Phong:
- Khiếu nại cũng chẳng dễ gì!
(Uyên Thao - Nén Nhang Thắp Muộn)

Thức ơi, Thức ơi, sao lại có thể như thế được? Lúc được thả tự do chắc hẳn mày quá xúc động, quá mừng rỡ, quên cả việc đọc bản văn giấy phóng thích, giấy trả lại quyền làm người, dù sau đó những quyền căn bản mày không chắc có. Tao tin mày đã đọc tờ giấy “cực kỳ” quan trọng kia rất kỹ với ít nhất vài ba lần, với niềm vui vô hạn. Làm sao có thể phát hiện một lầm lẫn tình cờ hay cố ý như thế. Dù cố ý hay tình cờ cũng là điều đáng trách. Tao nghĩ tao cũng không chắc phát hiện ra, nhưng vẫn thấy giận mày. Và khi đã bị ném trả, sao mày dễ dàng buông xuôi, không xin kiểm chứng, minh xác lại. Có phải mày thiếu “thủ tục đầu tiên” rất thịnh hành ở Việt Nam, nên đã bỏ qua… một chuyến rong chơi, đổi đời, mà mày xứng đáng được có. Ngay sau cái vấp đau đó sao mày im lặng, câm nín chịu đựng, không “than thở” cùng bè bạn. Những Hoàng Trọng Bân, Hà Nguyên Thạch, Cung Tích Biền, Lê Vĩnh Thọ, Huy Tưởng… ở đâu, mày không nhờ bè bạn góp ý, mách nước. Tao biết nếu chuyện này xảy ra cho bất kỳ một bằng hữu khác, mày cũng sẵn sàng xăn tay áo vào cuộc để đòi lại công bình. Có thể mày bị sốc bởi những lời buộc tội thiếu suy ngẫm của viên chức có thẩm quyền cứu xét.

Tao chợt hình dung được khuôn mặt tự mãn, có văn hóa nhưng thiếu tinh tế và một chút tình người kia. Có thể chẳng nên trách giận gì ông ta, khi ông ấy cũng sống và hiểu rõ một xã hội mà mọi thứ đều có thể bỏ tiền ra mua, kể cả văn bằng đại học. Khi ông ta lên tiếng hỏi mày mua tờ giấy ra trại ở đâu là điều hợp lý. Ông ấy chỉ hơi ngu ngơ, hay cố tình thiếu thông minh, khi nhận định là giấy giả. Người cấp giấy giả, người xài giấy giả, tao nghĩ, bao giờ cũng cẩn thận, không thể để dính vào những lỗi lầm ngơ ngẩn như thế. Tao lại ngờ rằng, cơ quan cấp giấy cho mày, không phải thiếu trình độ phổ thông, để viên chức phỏng vấn sau này, có cơ hội sung sướng phát hiện. Biết chừng đâu đấy là một cái bẫy, trước khi tha mày cho có vẻ nhân đạo. Cấp giấy cầm tay cho có khi tha, nhưng dùng nó vào một việc khác sau này là điều bất khả thi, có thể là cả một kế hoạch, có dự mưu. Có lẽ cần phải có tinh thần Tào Tháo trong cuộc sống tại Việt Nam.

Nhưng bây giờ đã quá muộn. Tao xin dành vài phút ngồi lặng yên, để thấy lại mày ngày đầu đi tìm tao tại quân trường Thủ Đức. Ngày tao mới vào Quảng Ngãi, mày hớn hở bên cạnh. Dân Quảng Ngãi có lẽ đều là bà con họ tộc với mày, gặp ai mày cũng xuề xòa:
- Đây anh Luân Hoán…
Tao cũng không quên hình ảnh mày nhấp nhô trên cuộc tình một đêm hôm nào. Cả hình ảnh mày lăng xăng sắp xếp chỗ ngồi cho bạn bè trong quán đêm đưa tiễn tao… Còn nhiều nữa, mày đã quên, nhưng tao vẫn còn nhớ rất rõ đây Phan Nhự Thức ơi. Nhân đây, tao cũng xin mày cho phép tao được chép ra đây đôi bài thơ mày viết sau này, mà tao mới được Thành Tôn cho đọc. Cảm ơn bạn hiền. Hãy tiếp tục làm thơ ở cõi âm nhé. Nhà xuất bản tài tử Ngưỡng Cửa của tao, không còn ở mức khởi hành với những Thắp Tình của Thành Tôn, Đốt Tuổi của Phan Nhự Thức… đã nghỉ chơi rồi. Nhưng tao cả đời luôn thú vị với trò xuất bản, nên mày yên tâm sáng tác nhé. Nhớ viết thật kỹ những cuộc tình có với các ma nữ nhé. Dĩ nhiên không phải là loại ma nữ mày đã gặp thời còn huy hoàng làm báo và giữ chức nghị viên…”
(Luân Hoán)

*
Cũng như Trần Hoài Thư, Luân Hoán… tôi gặp Phan Nhự Thức (lúc đó với bút hiệu Mê Kung) trong Ban Biên Tập liên khóa SVSQ 23 & 24 của Trường Bộ Binh Thủ Đức vào đầu năm 1967 (lúc đó khóa tôi được gởi về quân trường nầy học quân sự trong giai đoạn I).

Sau khi tôi lên Đà Lạt tiếp tục cuộc đời SVSQ, năm 1967 Phan Nhự Thức theo học Khóa Căn Bản CTCT ở trường Đại Học CTCT. Anh được may mắn hơn hai người bạn thân vì về tiểu khu Quảng Ngãi, được nhà thơ làm Trưởng Khối CTCT sính anh em văn nghệ nên khỏi phải lội suối băng rừng như Luân Hoán và Trần Hoài Thư. Lúc đó anh là quan và tôi còn SVSQ nên chỉ gặp nhau ở Câu Lạc Bộ vào cuối tuần. Sống bạt mạng, lương Chuẩn Úy chỉ đủ bù khú với bạn bè trong nửa tháng đầu, sau đó thì “hạ hồi phân giải”.

Năm 1973, trong chuyến đi Đà Nẵng, tôi ghé lại trụ sở Hội Đồng Tỉnh Quảng Ngãi hỏi thăm Phan Nhự thức, trong lúc đang họp, tôi viết vài dòng hỏi thăm, gởi nhân viên canh gác. Khoảng 5 phút sau, gặp nhau. Anh nói “Hôm nay có cuộc họp quan trọng, căng thẳng nhưng bàn giao rồi, họp với hành ngày nào cũng có. Bạn bè lâu năm mới được gặp nhau. Ra quán lai rai trò chuyện…”. Với tôi, Phan Nhự Thức không hề chỉ trích, đả kích ai, nhắc đến bạn bè, nói chuyện thơ văn bằng thích.

Năm 1987, từ Đà Lạt tôi về Sài Gòn, gặp lại “người cùng khổ” Phan Nhự Thức đang sống lây lất. Cơ sở sản xuất nước đá với người quen của Cung Tích Biền là nơi tá túc ban đêm của anh và Hà Nguyên Thạch để tránh bố ráp. Hai đứa suốt một đêm nằm trò chuyện trên bệ xi-măng.

Tháng Tám năm 1990, trước khi đi định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O, Trần Thanh Ngọc (khóa đàn em, cùng khóa với Trần Yên Hòa) chở tôi đến thăm tệ xá của anh “nhà trống một gian” còn dang dở, bạn bè giúp được vách nào hay vách đó. Lúc đó anh chỉ biết phong phanh về chương trình nầy ví quá mới mẻ. Và, kẻ vô gia cư, vô “hộ khẩu” nên chẳng quan tâm! Dù sống trong cảnh bần cùng nhưng con người rất tự trọng, không hề than vãn, gặp bạn bè là bỏ lại phía sau bao đau buồn, bất hạnh.

Có lần tôi tham dự Tất Niên của Hội Đồng Hương Quảng Ngãi ở Little Saigon, tôi gặp vài người nói về ông nghị Minh, thầy Minh với sự tiếc thương và trân quý.

Trước đây, tôi có viết về thơ Phan Nhự Thức. Để tưởng nhớ người bạn đã tròn nửa thế kỷ với ý “Đời Người Đời Bạn” vì con người, nhân cách, lối sống trọn tình với trái tim của anh cho tha nhân. Anh không còn nữa nhưng những dòng người bạn gởi lại trần gian như ánh lửa trong chốn trần gian:
“Vợ anh viết thư cho tôi kể những ngày cuối cùng của Minh và một bài thơ cuối cùng của anh. Tôi tưởng tôi không thể nào khóc nữa, nhưng tôi đã khóc suốt mấy đêm” (Nguyễn Liệu).
“Lúc nào tao cũng nhớ mầy. Nhớ những ngày những đêm, sinh viên sĩ quan bọn mình dắt nhau về quán Thiết Giáp hay về Hội Quán của trường BB Thủ Đức… Nhớ cái thân gầy nhom của nầy với đôi giày nặng trĩu như kéo tấm thân xuống đất… Nhớ Phan Nhự Thức” (Trần Hoài Thư).


VTD
Vương Trùng Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét