Thứ Năm, 28 tháng 12, 2017

VÕ KỲ ĐIỀN 
[ tiếp theo ]



Bỗng nhiên trong cái yên lặng tối đen có tiếng máy ghe nổ từ xa, văng vẳng. Tiếng động cơ càng lúc càng lớn dần. Mọi người trở nên xôn xao, đứng bật dậy. Một chiếc xuồng gắn máy rẽ sóng chở anh cán bộ Hoa Vận hồi trưa đến. Anh cầm cây đèn pin dài ngoằn, tia sáng chiếu loang loáng thiệt xa len vào tận đọt dừa trên cao. Tôi rán nhìn vào chiếc đồng hồ tay của người kế bên. Ánh lân tinh lờ mờ nhưng cũng đủ để thấy gần đúng mười giờ đêm. Tiếng ra lịnh oang oang:

-- Một chút nữa ghe lớn tới. Tất cả hành lý xách tay đem theo phải để trên mui, mọi người đi tay không xuống ghe.
Đi tay không xuống ghe? Vậy thì làm sao bây giờ. Trong bóng đêm mù mù tôi mò trong cái xách tay nhỏ lấy ra bàn chải đánh răng, các thứ thuốc, thịt cá chà bông, kẹo đường chanh và vài món lặt vặt cho tất cả vào trong một cái túi nhỏ, sắp xếp thiệt gọn rồi đeo vào cổ. Duyên thì cầm tay bình nước một lít. Tôi dùng dây dù cột chắc xách tay lại để khi ghe lớn đến thì bỏ lên mui cho tiện. Sửa soạn đâu đó vừa xong thì thấy chiếc 0126 lù lù tới rọi đèn sáng hai bên bờ. Cách đó chừng vài trăm thước ở phía sau là chiếc 1648 đèn đuốc sáng rực trên mui, trong khoang. Tiếng máy nổ của hai chiếc ghe lớn gây náo động cả một khúc sông. Bây giờ nơi đây như một phiên chợ đêm họp giữa đồng, ánh sáng mờ ảo tiếng người nói chuyện, tiếng bước chưn lao xao, bóng người di chuyển như những bóng ma chập chờn. Tôi thấy cái gì cũng mông lung huyền ảo. Cảnh thực hay mộng?
Có lịnh xuống ca nô để ra ghe lớn. Người ta chen lấn, giành giựt xô đẩy nhau. Nước kinh nửa đêm chảy nghe cuồn cuộn, tiếng róc rách nghe rõ mồn một. Trời ơi, nếu lỡ trợt chưn lọt xuống sông thì làm sao? Chắc chết quá. Tình trạng thiệt nguy hiểm vì nước chảy quá mạnh. Những ngọn đèn trên ghe lớn phản ánh xuống mặt nước thành hàng trăm con rắn vàng lóng lánh ngoằn ngoèo. Ca nô nhấp nhô dưới lườn ghe theo từng lượn sóng dập dồn. Trên ghe thả xuống một cái thang dây. Từng người leo lên chầm chậm, chiếc thang đong đưa. Tôi giành ẵm lấy Bi, Duyên cầm lấy hai đôi dép chân cố bám xuống sình cho khỏi trợt té. Đoạn đường từ bờ xuống ca nô chỉ chừng năm thước, vậy mà sao thấy thiệt dài. Bùn sình nhão nhoẹt, rơm rạ lót dầy lúc ban chiều, bây giờ bị nước lớn cuốn trôi đâu hết. Loay hoay rồi thì hai đứa cũng leo lên được ghe lớn. Trong khoang đặc nghẹt người ngồi, không còn một chỗ trống. Tôi và Duyên lần mò lên mui, chen lấn mà đi. Chỗ nào cũng chật cứng. Thôi đành ngồi trên boong, chật bó lom khom vì bị cái mui bên trên đè xuống.
Người lên ghe đã hết. Trên ca nô bây giờ chỉ còn có anh cán bộ và người lái. Cả hai khoát tay từ giã. Ghe bắt đầu khởi hành chạy dọc bờ kinh. Đi ngang qua chiếc 0126C thấy nó còn đậu để rước khách. Trời tối đen như mực. Trên ghe có một ngọn đèn pha sáng rực soi về phía trước. Một ngọn đèn pha phụ được rọi dọc theo bờ để tránh các đáy đánh cá. Nhiều quá, các hàng đáy giăng giăng, những cọc tre dựng đứng thẳng trên mặt nước, có treo những ngọn đèn nhỏ xíu lập lòe để làm dấu. Duyên thấy lạ mắt chăm chú nhìn. Nước kinh chảy mạnh, các cột tre đong đưa, ngọn đèn chao qua chao lại.
-- Em nghe nói đáy đánh cá hoài, mãi bây giờ mới thấy. Té ra là lưới giăng ngang qua sông để bắt cá.
-- Ừ, miệt nầy thiếu gì cá tôm. Chỗ nào có sông rạch thì người ta đóng đáy. Em có biết câu hát nầy không --
Đèn treo cột đáy, nước chảy đèn rung,
Anh thương em thảm thiết vô cùng
Biết cha với mẹ có bằng lòng hay không...
-- Trời, câu hát dễ thương quá hả anh!
-- Ừ, nói chung thì người dân quê thiệt thà chất phác, thương thì nói thương ghét thì nói ghét. Có điều người mình thường bị ràng buộc bằng đủ mọi lề thói, tập tục, thành kiến... nên tình cảm bị gò bó, không được thoải mái.
Ghe thỉnh thoảng phải ngừng lại để soi cho rõ, rồi tiếp tục lướt êm trong màn đêm. Chừng độ một giờ, ghe ra tới sông Ông Đốc. Sông rộng mênh mông. Vụt một cái nghe nước chảy ào ào, thiệt mạnh. Thỉnh thoảng lại gặp các hàng đáy nữa. Hai bên bờ xa tít mù lờ mờ rừng đước, rừng tràm, lau sậy. Tất cả chìm trong khói sương. Tiếng máy ghe nổ dòn dã đều đều. Tuy thức đã gần suốt đêm, hình như không ai buồn ngủ. Con sông dài quá. Tôi rán hết sức nhìn lên bờ. Chỉ thấy mờ mờ sương khói với những rặng cây đen đen ở chưn trời xa. Rặng cây nầy nối tiếp rặng kia lâu lâu đứt đoạn bằng những con lạch nhỏ. Ghe êm đềm lướt mãi trong màn đêm quạnh hiu lặng lẽ.
Trong cái êm lặng mênh mông tôi nửa mê nửa tỉnh, bỗng thấy Xám Mã Chải ở dưới khoang ghe leo lên boong, tay hắn cầm một cái bao giấy lớn miệng léo nhéo:
-- Ai còn tiền dư, xin bỏ vào bao để cho mấy người trên đồn. Mình đi rồi tiền đâu còn xài được nữa.
Thiên hạ người móc túi kẻ móc bóp trút hết số tiền còn lại. Tôi không còn đồng nào, tất cả đã cho bà già luộc gà. Thấy tiền Hồ Chí Minh, nhớ câu nói của anh bạn hồi chiều -- đồ thứ tiền cô hồn! Tiền cô hồn thì đem cúng cô hồn, phải quá rồi. Chỉ trong vòng năm ba phút, cái bao căng đầy. Số tiền có thể trên cả trăm ngàn...
Chiếc ghe đang lướt nhanh bỗng từ từ chậm lại rồi ngừng hẳn, tiếng máy vẫn nổ đều đều, êm êm. Trước mặt bây giờ là một căn cứ hải quân. Rải rác ở giữa sông có vài ba chiếc tàu sắt lớn sơn màu xam xám neo đậu im lìm không đèn đuốc. Trên bờ là một căn cứ hải quân biên phòng với một cầu tàu lớn bằng sắt sơn đen. Xung quanh bến có các ghe gắn máy, xuồng đổ bộ. Các ụ súng phòng không với các lô cốt chất đầy bao cát, các ngọn súng chĩa xéo lên trời. Duyên giựt mình tỉnh hẳn, ngó những ngọn đèn vàng vọt trên đồn, khều tôi nói nhỏ:
-- Tới trạm hải quân biên phòng, thế nào mình cũng bị xét hỏi.
Tôi lặng thinh hồi hộp. Hủ Tiếu len lách giữa đám người đen nghẹt, tay cầm bao bạc vừa xin được, è ạch vịn vào những ghe tàu đậu sát bên lần vào tới được cầu sắt ở trên rồi đi vô trong. Từ dưới nhìn lên vắng tanh không một bóng người. Trời còn tối lắm nhưng đêm chắc cũng gần tàn. Ghe đã đi gần năm, sáu tiếng đồng hồ rồi. Đoạn đường trên sông Ông Đốc đâu có xa xôi gì, vậy mà chạy gần nửa đêm.
Hủ Tiếu đã lên tới bờ, bóng đã khuất sau cổng đồn. Phải cả giờ sau, mới thấy ông ta đi ra với một cán bộ. Rồi hai người chào từ giã nhau. Hủ Tiếu lại è ạch xuống cầu tàu rồi lần theo be ghe leo lên ghe lớn. Ghe nổ máy lớn hơn, rẽ sóng thẳng ra đại dương. Hoàn toàn không có kiểm soát xét hỏi gì. Tôi thở ra nhẹ nhõm. Trong khoang ghe nhiều tiếng xì xào:
-- Ra tới biển, ra tới biển rồi!
Tôi sực nhớ tới vở cải lương có tựa "Thuyền Ra Cửa Biển" của soạn giả Viễn Châu. Rất tiếc là chưa coi nên không biết có cảnh nào giống như cảnh nầy không. Biển cả đối với tôi là cái gì kỳ bí, nhiệm mầu, huyền hoặc. Lúc còn dạy học ở Sóc Trăng, năm Mậu Thân đường bộ bị giựt mìn phá hoại, phải xuống trường bằng đường sông. Từ Cần Thơ đi thẳng ra cửa biển Đại Ngãi, ngang qua Kế Sách để đến Lịch Hội Thượng. Khi gần ra tới biển ghe chòng chành dữ dội, sóng đánh ầm ầm vào hai mạn ghe. Các thanh gỗ, be ghe, sườn ghe vặn mình kêu răng rắc. Nước văng tung tóe. Hành khách phải đóng tất cả các cửa bên hông. Ngồi trong khoang tôi cảm thấy ghe nhào lộn lắc lư như chiếc lá nổi chìm trên sóng nước. Ngoài khung cửa kiếng nhỏ thấy bọt nước tung lên trắng xóa mù trời, chiếc ghe quay cuồng như giữa thác nước lớn. Biển cả còn ở xa tận ngoài kia. Cũng may cũng chỉ chừng năm mười phút chịu đựng ghe tắp vào Đại Ngãi để lên bờ. Đại dương vẫn còn ám ảnh trong trí nhớ.
Bây giờ tôi thực sự được chứng kiến biển cả bao la. Trời thật đẹp. Tiếng sóng đập vào hai bên mạn ghe êm ái làm sao. Biển xanh rờn mênh mông, chỉ thấy trời và nước một màu. Vùng giáp mí giữa sông và biển, nước vẫn phẳng lờ, không một gợn sóng to. Cửa sông Ông Đốc rộng hàng mấy cây số, ở bên nây bờ chỉ thấy thấy bên kia mờ mờ xanh xanh, nước phù sa tuôn ra biển khiến một vùng nước xanh đục lờ lợ. Năm ba cánh chim biển chao mình bay lượn trên không. Trời sáng rờ rỡ. Không khí mát mẻ trong lành. Tôi nhìn qua Duyên thấy Bi đã mở tròn đôi mắt ngơ ngác nhìn quanh. Duyên mỉm cười nhìn tôi:
-- Bi ngủ suốt đêm tới giờ mới thức, đâu biết đã rời Việt Nam!
Nghe vợ nói tới bốn chữ "đã rời Việt Nam" tôi vội nhìn ngoái lại:
Đoái trông theo, đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc, trải ngần núi xanh.
(Chinh phụ ngâm)
Trạm hải quân biên phòng đã mất hút. Bốn bề là trời nước. Bất giác tôi tự thấy tự do đầy sảng khoái. Như con chim vừa thoát khỏi cái lồng chật hẹp, tôi hít mạnh một hơi dài không khí trong lành buổi sáng giữa biển khơi vô đầy hai lá phổi. Tôi sung sướng đưa mắt nhìn quanh. Trên ghe toàn người là người. Nhưng ai nấy đều rạng rỡ hân hoan. Thôi, kể từ nay không còn bị kiểm soát giấy tờ, không cần thuộc lòng bản lý lịch nữa, kể từ nay không còn sợ anh Ba, anh Bảy, chị Tư, chị Tám, kể từ nay chấm dứt nỗi sợ hãi học tập tù đày.
Vĩnh biệt đảng Cộng sản quang vinh. Vĩnh biệt đất nước của những anh hùng liệt sĩ đánh Tây, đánh Nhựt, đánh Mỹ, đánh Tàu và đánh luôn cả những người dân Việt vô tội. Non sông gấm vóc bốn ngàn năm tổ tiên dày công gây dựng, người ta chỉ cai trị trong vài năm nó trở nên tan hoang xơ xác điêu tàn, đâu đâu cũng thấy đói rách lầm than. Người ta đã nhân danh quá nhiều thứ để làm công việc phá hoại chém giết đó. Một trong những tội tày đình là tội độc quyền yêu nước, gạt những người không cùng chính kiến ra ngoài lề xã hội và coi họ là kẻ thù cần phải tiêu diệt. Ôi! Cùng chung một màu da, một tiếng nói, một nguồn cội, một lịch sử vậy mà người ta nỡ đối xử nhau như người dưng nước lã. Hàng ngàn trại học tập khổ sai hoang vu, hàng ngàn nhà giam đầy những cực hình. Cả đất nước là một nhà tù khổng lồ nhốt sáu chục triệu dân nghèo đói thảm thương. Vậy mà những người cầm quyền vẫn chưa sáng mắt, miệng lưỡi lúc nào cũng ca ngợi một thứ chủ nghĩa ngoại lai thiếu nhân tính.
Tôi là một người dân thường, ước ao được sống một cuộc đời tầm thường an phận. Ít ra trong giấc ngủ khỏi phải phập phồng sợ hãi từng tiếng bước chưn, tiếng gõ cửa giữa đêm khuya và biết chắc rằng sáng hôm sau mình vẫn còn bình yên, sống vui vẻ bên vợ con gia đình. Trời sanh tôi có mắt, có tai, có miệng và một trái tim. Nếu mắt không được nhìn, tai không được nghe, miệng không được nói và nhứt là trái tim không được đập theo nhịp yêu thương, hờn giận, vui buồn... thì đó là điều đau khổ nhứt của kiếp người.
Vì vậy tôi phải bỏ xứ mà đi...
Võ Kỳ Điền
(Trích Pulau Bidong Miền Đất Lạ, Chương 5)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét