Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Chân Dung Nhà Văn NGUYỄN BÀNG

THƯ NHÀ VĂN NGUYỄN BÀNG


Về đám tang cụ PK, tôi vẫn tin lời ông Tô Hoài vì ông ấy có trí nhớ rất tốt, hơn nữa, Tô Hoài là “thằng ngoại ô láu cá” theo lời chửi của Như Phong, ông ấy không thể không đến xem đám ma Phan Khôi. Xem thôi chứ đâu có dự, đứng ngoài xem để biết.
 
Về cha con cụ Phan Khôi cãi nhau như họp chợ là đúng, trong đó hay cãi cọ nhau nhất là giữa cụ và con trai cả Phan Thao (1915 – 1960) cán bộ cao cấp trong Ủy Ban Trung Bộ hồi kháng chiến chống Pháp, sau 1954 ra Hà Nội làm chủ nhiệm báo Thống nhất có trụ sở ở phố Hàng Trống. Nguyên nhân chính là bởi vì tư tưởng không đồng nhất Phan Khôi thích dân quyền, ngược lại con ông thích cộng sản nên con cãi lại cha. Cũng đôi khi vì chuyện con nghi ngờ cha như chuyện Phan Thao nghi cha nhận tiền của sứ quán Pháp , ông Durand nào đó. Hồi ký Trần Duy, thư ký toà soạn báo Nhân Văn có đoạn này:
“Có một hôm đã rất khuya, ít ra cũng sau 12 giờ đêm, anh Phan Thao đến nhà tôi ở 62B Khâm Thiên, hỏi:
"Anh có thể nói thật với tôi về chuyện tiền nong của cha tôi như thế nào không?"
Tôi hiểu, ý anh Phan Thao muốn xác minh tin đồn rằng chúng tôi đã nhận tiền ngoại quốc, của sứ quán Pháp, của ông Durand nào đó. Tôi trả lời:
"Thật ra tôi không biết mặt ông Durand, cũng không biết đồng đô-la ra làm sao. Nói thật với anh là tôi và ông Phan vừa đi bán cái đồng hồ đeo tay của tôi trên hàng ông Sinh Thành ở Tràng Tiền để mua thuốc kháng sinh cho ông Phan theo đơn của bác sĩ Nguyễn Xuân Ty ở bệnh viện Việt - Đức, bạn của tôi."   

Năm 1960, Phan Thao chết bất đắc kỳ tử.
Bác đọc đoạn tôi viết trong bài: VÀI LỜI CÓP NHẶT DÔNG DÀI VỀ CỤ PHAN KHÔI của tôi đã đăng trên 

3/NHỮNG MẨU CHUYỆN ĐỒN ĐẠI TRONG DÂN GIAN:
Sau năm 1954, nhiều cán bộ làm công tác văn hóa của Sở Văn hóa Hà Nội chưa có gia đình và không có nhà riêng được bố trí ở dưới tầng hầm của văn phòng sở (47 phố Hàng Dầu). Do số người sống tại tập thể hầm tăng lên nên lãnh đạo sở lúc đó quyết định thành lập "Khu tập thể đền Ngọc Sơn". Nó là một căn phòng rộng chừng hơn chục thước, trước đó người ta dùng làm nơi ngồi chờ cho những người đến đây rút quẻ xem bói.
Sau này một số nhà văn bị cất bút, không đất sống cũng đến đền Ngọc Sơn tá túc nắng mưa qua ngày như  Hoàng Công Khanh, nạn nhân của vụ Nhân văn giai phẩm sau khi ra tù phải đi làm thợ mộc rong, cực nhọc với công việc tay chân hay Nguyễn Dậu sau sự kiện Mở hầm phải chuyển sang nghề cúp tóc ở đền Ngọc Sơn, hồ Gươm, có khi thay tên đổi dạng thành một thầy lang đi bắt mạch, bốc thuốc ở các vùng quê…
Tôi có một thời kiếm sống bằng công việc bốc nứa ngoài sông Hồng Hà Nội, chiều tối thường lê la ở gần khu tập thể đền Ngọc Sơn để hóng chuyện của các ông văn nghệ sĩ dưới đáy thời ấy.
Một lần tôi nghe thấy một người nói:
- Riêng cụ Phan Khôi, bản thân bị đày ải, bôi nhọ cho đến chết. Đau nhất là đứa con trai bất hiếu của cụ là Phan Thao, đã "đấu bố" đúng tinh thần "con người xã hội chủ nghĩa" nên vẫn là đảng viên cộng sản lại còn được làm tổng biên tập báo Thống Nhất. Nhưng một hôm Phan Thao đi làm về qua hồ Thuyền Cuông thì tự nhiên ngã xuống lè lưỡi, trợn mắt mà chết. Dân Hà-nội thì kháo nhau đó là hồn cụ Phan Khôi bóp cổ cho chết đứa con bất hiếu.
Rồi một người khác tiếp lời:
 - Cụ bà Phan Khôi tuy không viết một chữ nào về văn nghệ nhưng sau đó làm việc phục vụ nước nôi, quét dọn văn phòng cho các ông quan văn nghệ trong đó cóBảo Định Giang tập kết ra Bắc được cung cấp đầy đủ từ nhà ở, điện, nước cho đến giường nằm, tủ quần áo, xe công máy thu thanh. Bảo Định Giang giờ thôi làm thơ mà cả ngày viết báo cáo "đồng kính gửi" Tố Hữu và Dương Thông về thái độ của từng văn nghệ sỹ "khả nghi". Ông ta lưu ý cấp trên đến cả việc Nguyễn Tuân vắng mặt trong ngày "viếng" đại tướng Nguyễn Chí Thanh là biểu hiện cụ thể của hành động "chống đảng
Một ông hỏi bâng quơ:
- Trông cụ Phan Khôi giông giống cụ Hồ. Hay vì giống cụ Hồ mà cụ Phan mới nên nỗi?
Một ông khác nói không hẳn là để trả lời:
- Cụ Phan Khôi lớn tuổi hơn cụ Hồ mà lại có uy tín thì xem như gặp hạn rồi..

Thời ấy, tôi chưa một lần được gặp cụ Phan Khôi mà ảnh cụ cũng xuất hiện không nhiều trên báo chí nên không có cảm nghĩ gì.

4/ LỜI KẾT:
Gần đây được xem nhiều bức chân dung cụ Phan Khôi ở nhiều nơi nhiều lúc khác nhau, tôi thấy họa sĩ Trần Duy viết về sắc diện cụ rất đúng:
Vì tôi làm nghề vẽ, nên nhìn người thiên về cái đẹp của sắc diện, do đó tôi nhìn nét mặt Phan Khôi đẹp như một tác phẩm điêu khắc tạc vào đá, như đồng bộ nói lên cái khí tiết, cái cương nghị, cái quắc thước của con người Phan Khôi, nhưng nếu sống gần ông, vẫn thường nghe tiếng chép miệng, thở dài của một tâm hồn nhậy cảm.

Cóp nhặt đến đây, tôi chợt nhớ lại đám tang cụ Phan Khôi qua lời kể của Tô Hoài trong Cát bụi chân ai: “Đám ma bác Phan Khôi, đi sau xe tang, chỉ có bác gái và các con với một mình chị Hằng Phương - cháu gọi bằng cậu”
Một người có nét mặt đẹp như một tác phẩm điêu khắc tạc vào đá như cụ Phan Khôi mà sao đám tang thê thảm thế? Không, chắc hẳn cụ Phan Khôi cũng như Giăng Vangiăng trong tác phẩm Những người khốn khổ của Victor Hugo khi nhắm mắt xuôi tay: “Đêm không sao và tối thăm thẳm. Dĩ nhiên trong bóng tối, một thiên thần hùng vĩ đang dang đôi cánh, đón đợi linh hồn ông”!

PS: Nghe nói năm 1980 nghĩa trang trong có mộ ông Phan Khôi bị dời đi, con cháu ông không đến lấy cốt của ông nên xương cốt của ông đã mất. Những năm 2000 một ngôi mộ ông Phan Khôi được xây lên ở làng quê ông nhưng trong mộ không có hài cốt của ông.

*

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét