Tiếng Việt thời LM de Rhodes
- cách gọi ngày
tháng/thời gian (phần 6)
Nguyễn
Cung Thông[1]
Phần này bàn về các cách gọi thời gian
như giờ, ngày, tháng trong tiếng Việt vào thời LM de Rhodes sang An Nam truyền
đạo. Tài liệu tham khảo chính của bài viết là các tác phẩm Nôm của LM Maiorica
và Bản Báo Cáo vắn tắt về tiếng An
Nam hay Đông Kinh (viết tắt là BBC), Phép Giảng Tám Ngày (PGTN) và từ điển
Annam-Lusitan-Latinh (thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La, viết tắt là VBL) có thể
tra từ điển này trên mạng, như trang này chẳng hạn http://books.google.fr/books?id=uGhkAAAAMAAJ&printsec=frontcover#v=onepage&q&f=false.
Các chữ viết tắt trong phần này là CG (Công Giáo), PG (Phật Giáo), NCT (Nguyễn
Cung Thông), ĐCT (Đức Chúa Trời), ĐCGS (Đức Chúa Giê-Su), LM (Linh Mục), HV
(Hán Việt), TVGT (Thuyết Văn Giải
Tự/khoảng 100 SCN), NT (Ngọc Thiên/543), ĐV (Đường Vận/751), NKVT (Ngũ Kinh Văn
Tự/776), LKTG (Long Kham Thủ Giám/997), QV (Quảng Vận/1008), TV (Tập Vận/1037/1067),
TNAV (Trung Nguyên Âm Vận/1234), CV (Chính Vận/1375), TVi (Tự Vị/1615), VB (Vận
Bổ/1100/1154), VH (Vận Hội/1297), LT (Loại Thiên/1039/1066), CTT (Chính Tự
Thông/1670), TViB (Tự Vị Bổ/1666), TTTH (Tứ Thanh Thiên Hải), ĐNQATV (Đại Nam
Quấc Âm Tự Vị), A (tiếng Anh), L (tiếng La Tinh). Trang/cột/tờ của VBL được
trích lại từ bản La Tinh để bạn đọc tiện tra cứu thêm. Hi vọng bạn đọc bài viết này cảm
thấy thích thú và tìm hiểu sâu xa hơn nữa.
1.
Cách gọi ngày thời LM de Rhodes/Maiorica
1.1
Cách gọi ngày/giờ trong VBL và PGTN
Cách dùng ngày đã hiện diện trong Kinh
Thánh (Sách Sáng Thế/Genesis 1, 2 và trong Mười Điều Răn), cho nên không thể
bàn về nguồn gốc ngày mà không đề cập đến Kinh Thánh. Do đó LM de Rhodes đã ghi
nhận trong PGTN, trang 69 - 72, về nguồn gốc của vũ trụ, con người như sau (tóm
tắt vài điểm chính/NCT):
"Ngày thứ nhất" tạo ra ánh
sáng, "thiên đàng" - "kinh đô ĐCT"
"Ngày thứ hai" tạo ra
"hòn đất" và "nước"
"Ngày thứ ba" tạo ra "cây
cối" và "hoa quả"
"Ngày thứ bốn[2]"
tạo ra "mặt trời", "mặt trăng" và "ngôi sao"
"Ngày thứ năm" tạo ra "giống
chim" và "giống cá"
"Ngày thứ sáu" ĐCT là "đức
Thợ cả" tạo ra mọi loài như "lục súc", "giống rắn",
"loài người" có “xác” và “linh hồn” mà các loài khác phải "chịu
luỵ".
Phần đầu của PGNT bên trên (trang 69-72)
không ghi ngày thứ bảy, cách dùng này chỉ hiện diện hai lần (1) trong tựa đề
"Ngày
thứ bảy" của "Phép Giảng Tám
Ngày" (2) trang 291 PGTN. Phần sau của PGTN hay "Ngày thứ tám",
trang 290-291, bàn chi tiết về "ngày lễ lạy" quan trọng nhất cho bổn
đạo CG:"thánh Ecclesia, hay là kẻ cả trong Ecclesia mà coi sóc cho ta, đã
có định ngày lễ lạy ấy, nhất là ngày Dominh, thật là ngày đức Chúa trời (blời):
vì chưng ta có sáu ngày lo sự xác … ĐCT hoá ra mọi sự có sáu ngày mà làm nên mọi
sự có sáu ngày mà làm nên mọi loài, đến ngày thứ bảy thì có nghỉ mà chẳng có
làm việc mới: ta cũng như vậy, sáu ngày thì ta làm việc vàn mà chớ chịu ở dưng
phong lưu là căn nguyên mọi sự dữ". Đây là lần đầu tiên chữ quốc ngữ dùng
"ngày
đức Chúa trời" hay là "ngày Dominh[3]"
chỉ (ngày) chủ/chúa nhật trong tiếng Việt hiện đại. Cách dùng "ngày
Dominh" thời ban đầu khi khái niệm bảy ngày trong tuần nhập vào ngôn ngữ
Đàng Trong/Ngoài, cũng theo khuynh hướng dùng kí âm trực tiếp tiếng nước ngoài
(Dominh) trước khi dùng tiếng bản địa (Chủ/Chúa) thay thế cách dùng kí âm này. VBL
trang 408 chỉ ghi "giữ lễ
nhít[4]
(nhất) servare Dominicam diem", cho thấy ngày chủ nhật là ngày "nhất"
trong tuần - so với mục giữ VBL trang 291 ghi "giữ ngày lễ lạy" cũng
như mục ngày không thấy ghi ngày chủ nhật. Tuy nhiên, mục ngày VBL trang 519
ghi các cách dùng "ngày mồng một, ngày rằm, ngày ba mươi, ba ngày tết
..." hay là các cách dùng ngày tháng theo âm lịch. "Giữ lễ nhất"
trong VBL thật ra là lặp lại điều răn thứ
ba[5]
hay "giữ ngày lễ lạy" PGTN trang 290.Một nhận xét nữa trong cách dùng
"giữ lễ nhất" (VBL) là chữ lễ hàm ý ngày lễ (theo CG), đây cũng là một
lý do mà ta thường gọi tuần là tuần lễ
theo CG hay Tây phương (theo dương lịch), khác với tuần HV 旬
là mười ngày:"một tuần ~ mười ngày - decem dies/L, hai tuần ~ hai mươi
ngày - viginti dies/L" VBL trang 820. Tuy không ghi thượng tuần và trung
tuần, nhưng VBL có ghi "tuần hạ ~ cuối tháng, tức là ngày hai mươi trở đi
- hay là hạ tuần HV 下旬/NCT" trang 306. Ngay cả đến
thời Nguyễn Du (1766-1820), ông vẫn dùng tuần[6]
với nghĩa là 10 ngày: "Nhị tuần sở kiến đãn thanh san 二旬所見但青山
(Nam Quan đạo trung 南關道中) ~ Cả hai mươi ngày chỉ thấy toàn
là núi xanh (núi non)". Một điểm khá thú vị cho thấy ảnh hưởng ngôn ngữ
Tây phương đã có phần ưu thế trong cách dùng tuần báo: tiếng Việt nghĩa là tờ
báo phát hành mỗi 7 ngày (một tuần) một lần, nhưng tuần báo 旬報
tiếng TH lại có nghĩa là tờ báo/tạp chí phát hành mỗi 10 ngày một lần.
Tại sao ngày chủ nhật từng được gọi là ngày Dominh?
Đây là kết quả của kí âm ngày chủ nhật từ tiếng Bồ-Đào-Nha (và Tây-Ban-Nha)
domingo. Tiếng Bồ-Đào-Nha cổ domingo lại có gốc La Tinh dominīcus[7]
là ngày của Chúa (< dominus/L là chủ/chúa ~ lord, master/A). Đây là một chứng
tích cho thấy ảnh hưởng khá rõ nét của tiếng Bồ-Đào-Nha trong thời bình minh của
chữ quốc ngữ.
Vấn đề trở nên thú vị khi ngày nghỉ
(ngày thứ bảy của dân Do-Thái, the Sabbath) lại được giáo hội CG đổi từ thứ bảy
thành chủ nhật, phản ánh phần nào quyền lực của Toà Thánh La Mã. Trong ba thế kỉ
đầu công nguyên, đạo Ki-Tô thường bị trấn áp và coi thường cho đến đời Hoàng đế
La Mã Constantinus[8]
vào thế kỉ IV, ông đã đổi ngày nghỉ thứ bảy thành ngày chủ nhật (trong phạm vi
đế quốc La Mã) sau khi ông gia nhập CG, và Toà Thánh La Mã sau đó đã quyết định
chính thức đổi như vậy cho đến ngày nay. LM de Rhodes đã giải thích chuyện thay
đổi trên rất vắn tắt và chỉ áp dụng cho bổn đạo CG, phải nghỉ/lễ lạy vào ngày
thứ nhất (ngày chủ nhật bây giờ):"mọi sự có sáu ngày mà làm nên mọi loài,
đến ngày thứ bảy thì có nghỉ mà chẳng làm việc mới: ta cũng vậy … song le đến
ngày thứ bảy, mà nói hơn thì đến ngày thứ nhất (vì chưng ngày thứ bảy đời xưa
đã đổi mà lấy ngày thứ nhất, kẻ có đạo
bây giờ thì có giữ làm lễ lạy, vì chưng ngày
thứ nhất ĐCGS đã sống lại)" PGTN trang 291-292.
Hình
chụp một huy chương năm 313 cho thấy hoàng đế Constantinus và thần mặt trời song hành - lưu trữ tại Thư
Viện Quốc Gia (Paris). Trích từ trang http://www.alexandrospress.com/Constantine.htm.
Hình này cho thấy dấu ấn của thần mặt trời
trong văn hóa La Mã cổ đại dẫn đến cách dùng Sunday/A
hàm ý ngày của "mặt trời", tiếng La Tinh là Solis dies so với tiếng Hi Lạp là Κυριακή (Kyriake, ngày của Chúa ~ Chúa nhật). Tên gọi ngày chủ nhật cho thấy cách gọi ngày tuỳ thuộc
vào truyền thống văn hoá của từng dân tộc, ảnh hưởng của tôn giáo tín ngưỡng
cũng như giao thoa văn hoá ngôn ngữ theo dòng chảy của lịch sử, phần sau sẽ đi vào
chi tiết minh chứng các nhân tố này.
VBL dành 3 trang (286-288) để giải thích
giờ là 2 giờ theo đồng hồ Tây phương
và có 12 giờ trong một ngày của người An Nam: tí, sửu, dần, mão, thìn, tị, ngọ,
mùi, thân, dậu, tuất, hợi. Cách gọi này cũng áp dụng cho tháng và năm, sau 60
năm thì bắt đầu trở lại tên gọi năm cũ. Vì một giờ Á Đông bằng hai giờ Tây
phương nên LM de Rhodes cũng phải thích ứng cách dùng này trong PGTN trang
229:"Mà lại nhật thực ấy một giờ rưỡi
làm tối mặt trời, đang khi ĐCGS còn sống chịu tội trên cây crux". Cách
tính giờ trong PGTN cũng theo tục lệ bản địa:"Vậy từ chính giờ ngọ cho đến
hết giờ thân, thì mặt trời ra tối, mà cả và thiên hạ phải tối tăm mù mịt"
PGTN trang 227. Chính ngọ là 12 giờ trưa, và giờ thân bắt đầu từ 3 giờ đến 5 giờ
chiều, do đó LM de Rhodes đã thay đổi giờ Tây phương đúng theo Kinh Thánh[9]
cũng như đúng theo 'giờ địa phương'. Phần sau cho thấy LM Maiorica cũng có những
cách diễn dịch tương tự. Không thấy LM de Rhodes tính năm theo âm lịch[10],
như trong PGTN trang 128:"đã qua hơn một nghìn sáu trăm năm[11]"
hay VBL trang 400-401 mục long:"LONG (LAÕ), RỒNG (RÒŨ): con rồng, đức
long: tên vị vua ... có tên trước là vĩnh tộ[12].
Nhưng vào năm 1629 vì hạn hán và mất mùa, vua này đổi tên và lấy tên mới là Đức
long, để cho nước được thịnh vượng hơn, đó là người Lương dân nghĩ một cách khờ
dại".
1.2
Cách gọi ngày/giờ theo LM Maiorica
Một dạng chữ Nôm ngày dùng bộ nhật 日
(biểu ý) và chữ ngại 㝵 (thông với ngại 礙
碍
theo TVGT/TV). Dạng chữ Nôm này đã xuất hiện trong Phật Thuyết 9a:"Sớm dao
mới họp, nửa ngày đã tan" hay Cư Trần Lạc Đạo Phú 22a:"Nửa ngày rồi tự
tại thân tâm"; cũng như trong ĐCGS quyển 9/10 trang 26:"ngày trước
khó bao nhiêu thì ngày sau càng vui bấy nhiêu", "Răn thứ ba giữ ngày
lễ lạy là đí gì?" TCTGKM trang 137 - rõ ràng ngày lễ lạy
ở câu này nghĩa là ngày chủ nhật!. LM Maiorica dùng cụm danh từ "ngày thứ bảy" và "ngày thứ nhất" 7 lần trong TCTGKM,
ông cũng giải thích chi tiết sự thay đổi của ngày nghỉ (ngày thứ bảy của dân
Do-Thái, the Sabbath) thành ngày thứ nhất (ngày chủ/chúa nhật hiện nay) giống
như LM de Rhodes (PGTN giải thích vắn tắt hơn):"Vì xưa các Giu-Dêu giữ lễ
ngày thứ bảy. Bây giờ kẻ có đạo ta giữ ngày thứ nhất, như ông thánh Pha-Pha dạy
... ngày thứ bảy, vì đã đoạn việc dựng nên trời đất, rầy dạy ngày thứ nhất là ngày
mới dựng nên ... ngày thứ bảy có ý là linh hồn nghỉ trong lâm-bô xưa. Ngày thứ
nhất có ý các linh hồn người thánh nghỉ trên trời và ngày sau xác nghỉ với ...
thì nó (Giu-Dêu/NCT) giữ ngày thứ bảy, mà ta giữ ngày thứ nhất" TCTGKM
trang 138-139. LM Maiorica cũng ghi nhận về giờ ở An Nam bằng hai giờ đồng hồ
Tây phương:"Chẳng phải giờ An Nam, vì nước này lấy hai giờ nước người làm
một" TCTGKM trang 53. Điều này dẫn đến thời gian ĐCGS chết trên thánh giá
là một giờ rưỡi so với ba giờ Tây phương:"Ai mà suy con ĐCT muốn chữa lấy
tội ta cho chóng, chẳng để cho qua một giờ rưỡi trên câu-rút mà chịu chết"
ĐCGS quyển 9/10 trang 153.
LM Maiorica/cộng sự viên cũng thường
dùng giờ địa phương trong các bản Nôm, kết quả của sự hoà nhập văn hoá ngôn ngữ
bản địa:"thí dụ như khi mới sáng ngày mà sánh cùng sáng khi mặt (t)lời mới
đến giờ ngọ" ĐCGS quyển 9/10 trang 91, "Con tao đã giờ nào? Đầy tớ
thưa rằng: thân ông giờ mùi hôm qua con ông mát, chẳng còn nóng mình nữa"
KNLMPS trang 107, "đến giờ thìn ngày mai sứ vua Thiên Trúc đến đây xin làm
lành cùng nhau" CTTr tháng 10 trang 137.
Do đó, vào thời gian các LM de Rhodes và
Maiorica ở Đàng Trong/Ngoài thì có các cách dùng "ngày thứ hai" ...
"ngày thứ bảy". Cách dùng đặc biệt "ngày thứ nhất",
"ngày đức Chúa Trời", "ngày lễ lạy" còn gọi là "ngày
Dominh" mà sau này, hay vào khoảng đầu thế kỉ XIX mới thấy cách dùng ngày
chủ/chúa nhật. Trong TGYLQN, phần LM Béhaine viết tay ghi là ngày Duminh (năm 1774), nhưng bản Nôm
năm 1837 (Đàng Trong) không thấy lặp lại cách dùng này so với cách dùng "ngày chủ nhật" (chữ Nôm 𣈗主日) xuất hiện 7 lần,
"ngày thứ sáu" và "ngày thứ bảy" xuất hiện 1 lần. Ngày
Duminh (Dominh[13] 由明)
trong TGYLQN tương ứng với ngày Dominh dùng trong PGTN - đều là các dạng kí âm
tiếng Bồ-Đào-Nha domingo, là (ngày)
chủ nhật bây giờ (dịch nghĩa). Tuy chép lại hầu như
toàn bộ tự vị của LM Béhaine (1772/1773), LM Taberd (1838) lại thêm cách dùng
"chúa[14]
nhựt" (~ Dominica/L nghĩa là chủ nhật) chỉ trong mục nhựt. Cách
dùng "ngày thứ nhất" từng được Gabriel Aubaret (1867) và P. G. Vallot
(1898, HaNoi) ghi lại - xem hình chụp bên dưới.
Trang 204 - trích từ cuốn “Vocabulaire
français-annamite & annamite-français & grammaire” Gabriel Aubaret
(1867)
Trang
99 - P.G. Vallot (sđd)
Trang 337 - P.G.
Vallot (sđd)
Không những ở ngoài
Bắc (P. G. Vallot) dùng "ngày thứ nhất", trong Nam vẫn thấy dùng như
vậy qua sự ghi chép của J. F. Génibrel trong cùng một năm (1898) :
Trang
555 - J. F. Génibrel (1898)
Tuy nhiên, học giả Trương Vĩnh Ký lại
ghi Dimanche là "ngày chúa nhựt[15]"
- trang 531 cuốn "Petit dictionnaire francais annamite" (1886,
SaiGon). Điều này cho thấy tiếng Việt vẫn chưa thống nhất cách dùng "ngày
chúa nhật" hay "ngày thứ nhất" vào thế kỉ XIX. Cách dùng ngày
Dominh/Duminh, ngày ĐCT, ngày chúa nhật rõ ràng cho thấy ảnh hưởng của tiếng Bồ-Đào-Nha
- đây là kết quả trực tiếp của thời đế quốc Bồ-Đào-Nha còn lớn mạnh (td. hiệp ước
Padroado) và bảo hộ các đợt truyền đạo CG ở Đông Á. Cách gọi tên ngày tiếng Việt
cũng phù hợp với cách gọi tên ngày trong tiếng TH theo truyền thống CG (không
phổ thông ở TQ). Thành ra ta nên xem lại các cách gọi tên ngày ở Tây phương, nhất
là lúc các giáo sĩ sang An Nam truyền đạo và khi chữ quốc ngữ còn trong thời kì
phôi thai, do đó hiểu rõ hơn phương pháp gọi ngày trong tiếng Việt hiện đại.
2.
Nhìn rộng ra các ngôn ngữ khác về cách gọi ngày
2.1
Truyền thống La Mã/ Hi-Lạp: trường
hợp của tiếng Bồ-Đào-Nha (viết tắt là Bnh trong
phần này)
Tổng số dân theo CG trong nước Bnh, có truyền
thống CG rất lâu đời, là 81% (thống kê năm 2011); so với thống kê 2014 ở VN, với
truyền thống PG/Tam giáo, chỉ có khoảng 6.8% theo CG (Tin Lành 1.5%). Vị trí của
VN và Bnh rất xa nhau, ở hai bên tây và đông của Âu châu và Á châu, và hai ngôn
ngữ hoàn toàn không có liên hệ: thế mà cách gọi ngày của hai nước lại rất giống
nhau! Ta hãy nhìn lại quá trình hình thành cách gọi ngày trong tiếng Bnh.
Xem qua các cách gọi tên ngày từ thứ hai
đến chủ nhật của các ngôn
ngữ La Mã (Romance languages) mà tiếng Bnh là một
thành viên - tiếng Hi-Lạp chỉ dùng để so sánh:
Tiếng
Hi-Lạp: ἡμέρᾱ Σελήνης hēmérā Selḗnēs (mặt
trăng), ἡμέρᾱ Ἄρεως hēmérā Áreōs (sao Hoả), ἡμέρᾱ Ἑρμοῦ hēmérā Hermoû (sao Thuỷ),
ἡμέρᾱ Διός hēmérā Diós (sao Mộc), ἡμέρᾱ Ἀφροδῑ́της hēmérā Aphrodī́tēs (sao Kim),
ἡμέρᾱ Κρόνου hēmérā Krónou (sao Thổ), ἡμέρᾱ Ἡλίου hēmérā Hēlíou (thần mặt trời)
Tiếng
La Tinh: dies lunae, dies Martis, dies Mercurii,
dies Jovis, dies Veneris, dies Saturni, dies Solis
Tây-Ban-Nha:
Lunes, Martes, Miercoles, Jueves, Viernes, Sabado, Domingo
Ý:
Lunedi, Martedi, Mercoledi, Giovedi, Venerdi, Sabato, Domenica
Pháp:
Lundi, Mardi, Mercredi, Jeudi, Vendredi, Samedi, Dimanche
Romanian
(Lỗ-Ma-Ni): Luni, Marti, Miercuri, Joi,
Vineri, Sambata, Duminica
Catalan:
Dilluns, Dimarts, Dimecres, Dijous, Divendres, Dissabte, Diumenge - để ý là đặt
chữ dies (ngày/L) trước cho tiếng Catalan còn để sau cho tiếng Pháp (dùng tiền
tố và hậu tố để tạo chữ mới trong ngôn ngữ hoà kết)
Bnh
cổ (Old Portuguese): Lues, Martes,
Mércores, Joves, Vernes, Sábado, Domingo
Bnh
hiện đại: Segunda-feira, Terca-feira,
Quarta-feira, Quinta-feira, Sexta-feira, Sabado, Domingo
…v.v…
Có lẽ nên thêm cách gọi ngày trong tiếng
Tagalog ở Phi-Luật-Tân/PLT ở đây cho thấy ảnh hưởng ngôn ngữ của tiếng
Tây-Ban-Nha - khi các thừa sai Tây phương (Tây-Ban-Nha) đến PLT truyền đạo CG.
Tổng số bổn đạo CG ở PLT là 83% (năm 2015) rất đáng chú ý so với khi các giáo
sĩ Tây-Ban-Nha đặt chân đến PLT vào khoảng thế kỉ XVI (năm 1521).
Tiếng
Tagalog: Lunes, Martes, Miyercoles, Huwebes,
Biyernes, Sabado, Linggo
So sánh với cách gọi ngày tiếng
Tây-Ban-Nha, ta thấy một số tương quan ngữ âm dễ nhận ra như v thành b trong
Tagalog, ie thành iye, ue thành uwe, j thành h, linggo là chủ nhật cũng có
nghĩa là tuần lễ[16]
trong Tagalog.
Trước thế kỉ XV, Bnh đã dùng tên ngày dựa
vào tên các vị thần La Mã (cũng là tên các ngôi sao) như Luna là vị nữ thần mặt
trăng (ngày thứ hai Lues/Bnh), Mars (sao Hoả, ngày thứ ba Martes), Venus (sao
Kim, ngày thứ sáu Vernes) ... Tuy nhiên, vào thế kỉ XV, giám mục Martinho de
Dume của thành Braga (Bnh) đã phản đối các tên thần "ngoại giáo" và đổi
tên gọi ngày theo tiếng La Tinh CG (Liturgical Latin dùng trong dịp lễ CG):
Prima
feria[17]
(ngày thứ nhất - domingo/Bnh) - ngày nghỉ cho bổn đạo CG, dành cho Chúa Trời
thành ra mới dùng chữ domingo
Secunda
feria (ngày thứ hai - segunda-feira/Bnh)
Tertia
feria (ngày thứ ba - terça-feira/Bnh)
Quarta
feria (ngày thứ tư - quarta-feira/Bnh)
Quinta
feria (ngày thứ năm - quinta-feira/Bnh)
Sexta
feria (ngày thứ sáu - sexta-feira/Bnh)
Septima
feria (ngày thứ bảy - sábado/Bnh) - sábado là
ngày thứ bảy, có gốc là Sabbath hay là ngày nghỉ của dân Do Thái.
Tiếng Bnh trở thành ngôn ngữ phương Tây
duy nhất dùng tên ngày theo số thứ tự và không dựa vào tên thần thánh cổ đại La
Mã[18].
Các tên gọi trên cũng chính là các tên gọi ngày của tiếng Việt manh nha vào thế
kỉ XVII khi các giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo, phản ánh rõ nét ảnh
hưởng tiếng Bnh và văn hoá CG thời trung cổ. Sau thế kỉ XVII thì ngày thứ nhất
(ngày nhất lễ lạy, ngày Dominh) bắt đầu thay bằng chúa nhật hay là dịch nghĩa của
ngày Dominh (PGTN), cách dùng này chỉ ổn định từ thế kỉ XX.
2.2
Truyền thống Germanic
Bảng tóm tắt bên dưới liệt kê tên gọi
ngày trong các ngôn ngữ Germanic như tiếng Anh, Đức, Hà Lan ... Thứ tự là từ
ngày thứ hai đến chủ nhật:
Tiếng
Anh cổ (Old English): Mōnandæg, Tīwesdæg, Wōdnesdæg,
Þunresdæg, Frīgedæg, Sæternesdæg, Sunnandæg
Tiếng
Anh: Monday, Tuesday, Wednesday, Thursday,
Friday, Saturday, Sunday
Tiếng
Đức: Montag, Dienstag/Ziestag,
Mittwoch/Wutenstag, Donnerstag, Freitag, Sonnabend/Samstag, Sonntag
Tiếng
Hà-Lan: maandag, dinsdag, woensdag, donderdag,
vrijdag, zaterdag, zondag
Tiếng
Đan-Mạch: mandag, tirsdag, onsdag, torsdag,
fredag, lørdag, søndag
…v.v…
Tên gọi ngày trong tuần là vấn đề rắc rối
từ góc độ tôn giáo và văn hoá: tuy nhiên, tiếng Anh (và hầu hết các ngôn ngữ
Germanic) vẫn duy trì nghĩa nguyên thuỷ tiếng La Tinh dies Solis (ngày mặt trời)
hay Sunday. Khác với các ngôn ngữ La Mã đã đổi thành ngày đức Chúa Trời (dies
Dominica/L) như đã bàn ở bên trên. Ngày thứ hai, tiếng Anh Monday (<Moon's
day), là dịch nghĩa của tiếng La Tinh dies lunae (ngày mặt trăng). Ngày thứ bảy
Saturday liên hệ đến thần La Mã Saturn (cũng là tên sao Thổ). Các ngày còn lại
có gốc là tên gọi các thần của Norse, Anglo-Saxon ... Do đó tên gọi ngày hiện
nay (td. bảng so sánh ở trên) là kết quả của sự pha trộn giữa các tín ngưỡng và văn hoá cổ truyền
Tây phương.
2.3
Truyền thống Ấn giáo
Một số ngôn ngữ ở Đông Á dùng tên thần từ
Ấn giáo để gọi ngày, bảng so sánh bên dưới liệt kê từ ngày thứ hai đến chủ nhật,
tóm tắt từ trang https://en.wikipedia.org/wiki/Names_of_the_days_of_the_week
Tiếng
Môn: တ္ၚဲ
စန် [ŋoa cɔn] < tiếng
Phạn candra, တ္ၚဲ
အၚါ [ŋoa əŋɛ̀a] < Phạn
aṅgāra, တ္ၚဲ
ဗုဒ္ဓဝါ [ŋoa pùt-həwɛ̀a]
< Phạn budhavāra, တ္ၚဲ
ဗြဴဗ္တိ [ŋoa pɹɛ̀apətɔeʔ]
< Phạn bṛhaspati, တ္ၚဲ
သိုက်. [ŋoa sak] <
Phạn śukra, တ္ၚဲ
သ္ၚိ သဝ်
[ŋoa hɔeʔ sɔ] < Phạn śani, တ္ၚဲ
အဒိုတ် [ŋoa ətɜ̀t]
< Phạn āditya
Tiếng
Khme: ថ្ងៃចន្ទ
[tŋaj can], ថ្ងៃអង្គារ
[tŋaj ʔɑŋkiə], ថ្ងៃពុធ [tŋaj put], ថ្ងៃព្រហស្បត្ណិ
[tŋaj prɔhoə̯h], ថ្ងៃសុក្រ [tŋaj sok], ថ្ងៃសៅរ៍
[tŋaj saʋ], ថ្ងៃអាទិត្យ [tŋaj ʔaːtɨt]
Tiếng
Thái วันจันทร์
Wan Chan, วันอังคาร
Wan Angkhān, นพุธ
Wan Phut, วันพฤหัสบดี
Wan Phruehatsabodi, วันศุกร์
Wan Suk, วันเสาร์, Wan
Sao, วันอาทิตย์
Wan Āthit
Tiếng
Lào: ວັນຈັນ
[wán càn], ວັນອັງຄານ
[wán ʔàŋkʰáːn], ວັນພຸດ
[wán pʰūt], ວັນພະຫັດ
[wán pʰāhát], ວັນສຸກ
[wán súk], ວັນເສົາ
[wán sǎu], ວັນອາທິດ
[wán ʔàːtʰīt]
Tiếng
Chăm: Thôm (để ý phụ âm đầu ch > th),
Angar, But, jip, Suk, Thanưchăn (shani > thanư), Adit
Tiếng
Mã-Lai: Isnin, Selasa, Rabu, Khamis, Jumaat,
Sabtu, Ahad (gốc từ tên các vị thần trong tiếng Ả-Rập)
Tiếng
Indonesia: Senin, Selasa, Rabu, Kamis, Jumat,
Sabtu, Minggu (gốc Bồ-Đào-Nha
domingo) hay Ahad
...v.v...
Tiếng Việt là láng giềng lâu đời của các
ngôn ngữ trên, nhưng tên gọi ngày lại hoàn toàn khác hẳn! Các lý do có khả năng
giải thích hiện tượng này đã ghi trong mục 1 phần trên.
2.4
Cách gọi tên ngày trong tiếng Trung (Hoa), Nhật Bản, Hàn quốc
Có ít nhất năm[19]
cách gọi tên ngày trong tiếng Trung (Quốc). Phương pháp chính thức (tiếng TQ1) là
dùng 星期 tinh kì với
công thức là 星期[X], và thêm vào sau ‘tinh kì’ một số X như
số 1 (nhất - để chỉ ngày thứ hai) cho đến số 6 (lục - để chỉ ngày thứ bảy),
ngày chủ nhật là 星期日
tinh kì nhật hay 星期天
tinh kì thiên. Một phương pháp khác với công thức là 禮拜[X],
không chính thức nhưng nhiều người dùng, là thêm số X vào 禮拜 lễ bái[20]
để chỉ ngày. Tiếng Hán cổ (classical Chinese) lại dùng hệ thống gọi ngày theo 七曜
thất diệu, bảy thiên thể là mặt trời, mặt trăng và năm ngôi sao kim/mộc/thuỷ/hoả/thổ.
Công thức gọi ngày là [Y]曜日:
thay Y bằng tên của các thiên thể trên như 月曜日 nguyệt diệu nhật
là ngày thứ hai, 火曜日 hoả diệu nhật là ngày thứ ba ... Một
cách gọi tên ngày khác là dùng chữ chu[21]
週 (hay 周 hàm ý tuần hoàn) với công thức 週[X]:
thay X bằng con số để chỉ ngày như X là nhất (số một để chỉ ngày thứ hai -週一
chu nhất là ngày thứ hai), X là nhị (hai để chỉ ngày thứ ba). Bảng so sánh bên
dưới liệt kê từ ngày thứ hai đến chủ nhật:
Tiếng
TQ1: 星期一 tinh kì nhất, 星期二
tinh kì nhị, 星期三
tinh kì tam, 星期四
tinh kì tứ, 星期五
tinh kì ngũ, 星期六
tinh kì lục, 星期日
tinh kì nhật
Tiếng
TQ2: 週一 chu nhất, 週二
chu nhị, 週三
chu tam, 週四
chu tứ, 週五
chu ngũ, 週六
chu lục, 週日
chu nhật
Phương
ngữ TQ: 禮拜一 lễ bái nhất, 禮拜二
lễ bái nhị, 禮拜三
lễ bái tam, 禮拜四
lễ bái tứ, 禮拜五
lễ bái ngũ, 禮拜六
lễ bái lục, 禮拜日
lễ bái nhật hay 禮拜天 lễ bái thiên
Tiếng
Hán (cổ): 月曜日 nguyệt diệu nhật,
火曜日
hoả diệu nhật, 水曜日 thuỷ diệu nhật, 木曜日
mộc diệu nhật, 金曜日 kim diệu nhật, 土曜日
thổ diệu nhật, 日曜日 nhật diệu nhật
Tiếng
Nhật: 月曜日 Getsuyōbi, 火曜日
Kayōbi, 水曜日
Suiyōbi, 木曜日
Mokuyōbi, 金曜日
Kin'yōbi, 土曜日
Doyōbi, 日曜日
Nichiyōbi
Tiếng
Hàn: 월요일
月曜日
Wolyoil, 화요일 火曜日 Hwayoil, 수요일
水曜日
Suyoil, 목요일 木曜日 Mogyoil, 금요일
金曜日
Geumyoil, 토요일 土曜日 Toyoil, 일요일
日曜日
Ilyoil
Tiếng
Trung (CG): 瞻禮二 chiêm lễ nhị, 瞻禮三
chiêm lễ tam, 瞻禮四
chiêm lễ tứ, 瞻禮五
chiêm lễ ngũ, 瞻禮六
chiêm lễ lục, 瞻禮七
chiêm lễ thất, 主日 chúa/chủ nhật.
Cách gọi bảy ngày trong tuần (theo dương
lịch, tiếng TQ1 trong bản so sánh
trên) chỉ trở thành chính thức vào năm 1912 ở TQ, trước đó một tuần 旬
là mười ngày - xem phần 1. Cách gọi ngày trong tiếng Nhật có nguồn gốc cổ Hi Lạp
và La Mã, nhập vào TQ rồi qua Nhật (trước thời các giáo sĩ Tây phương sang Á
Đông truyền đạo rất lâu) và Hàn quốc, có tài liệu cho rằng ít nhất là vào thời
kì Heian (Bình An) 平安時代 (794-1185). Tuy cách gọi tên ngày của tiếng Hán cổ hầu như không còn ai
biết đến ở TQ, cách gọi này lại được bảo lưu trong tiếng Nhật và Hàn. Đây cũng
là một hiện tượng thú vị như cách gọi tên ngày theo truyền thống CG vẫn còn bảo
lưu trong tiếng Việt hiện đại. Các tên hành tinh đều tương thích với tên
hành tinh Tây phương đã dùng để gọi ngày như nhật diệu nhật 日曜日
(nhật ~ the the Sun > Sunday), nguyệt diệu nhật 月曜日
(nguyệt ~ Moon > Monday), hỏa diệu nhật 火曜日 (hỏa ~ hỏa
tinh/Mars > March, Martes, Martedì), thủy diệu nhật 水曜日
(thủy ~ thủy tinh/Mercury > Miércoles, mercoledì), mộc diệu nhật 木曜日
(mộc ~ mộc tinh/Jupiter > Jueves, giovedì), kim diệu nhật 金曜日
(kim ~ kim tinh/Venus > Viernes, venerdì), thổ diệu nhật 土曜日
(thổ ~ thổ tinh/Saturn > Saturday). Đây cũng là lý do tại sao lại có 7 ngày
trong một tuần trong hệ ngôn ngữ Ấn-Âu. Điều rất thú vị là các tên ngày trong
tiếng Nhật lại ăn khít với các tên hành tinh hơn cả ngôn ngữ Tây phương (có gốc
là chính các tên hành tinh này), phần nào cho thấy ảnh hưởng lâu đời và ở vùng
xa thì thường có khuynh hướng duy trì tính chất cổ hơn.
Phần trên là sơ lược các cách gọi ngày của
một tuần trong những ngôn ngữ thường gặp, những ngôn ngữ khác cũng có nhiều
tính chất đặc biệt trong quá trình hình thành tên gọi ngày của tuần nhưng không
nằm trong phạm vi bài viết nhỏ này.
Tóm lại, cách gọi tên ngày giờ phản ánh
quá trình giao thoa ngôn ngữ và văn hoá theo dòng thời gian. Ngôn ngữ còn bảo
lưu phần nào các vết tích trên như dùng tên thánh thần, thiên thể hay số đếm
trong cách gọi ngày giờ. Một hiện tượng thú vị là CG từ phương Tây, cách đây chỉ
khoảng bốn thế kỉ, đã để lại dấu ấn trong tiếng Việt qua cách gọi ngày chúa nhật (chúa ~ đức Chúa Trời), ngày thứ nhất hay ngày Dominh[22],
ngày thứ hai đến thứ bảy. Ngoài ra, chúa nhật còn là vết tích ngôn ngữ của lịch
sử VN trong giai đoạn một vua hai chúa
(không phải là hai chủ[23]).
Tương tự như PG từ Thiên Trúc đã để lại dấu ấn trong tiếng Việt, như qua cách
dùng bụt và phật, cách đây hơn hai mươi thế kỉ hay trong cách gọi ngày của tiếng
Nhật. Vị trí đặc biệt của nước VN, thí dụ như từ góc độ địa-chính-trị, ở Á Đông đã đóng góp không nhỏ vào hiện tượng bảo
lưu văn hoá và ngôn ngữ thú vị này. Một
điểm đáng nhớ ở đây là chỉ có hai ngôn ngữ trên thế giới mà tên gọi ngày bắt đầu
bằng ngày thứ nhất[24]
(hay chúa/chủ nhật) cho đến ngày thứ bảy, đúng như ý định của Toà Thánh La Mã thời
trung cổ, đó là tiếng Bồ-Đào-Nha và tiếng Việt.
3.
Tài liệu tham khảo chính
1) Gabriel Aubaret (1867)
"Vocabulaire français-annamite & annamite-français &
grammaire" in năm 1867, viết xong năm 1863. Sĩ quan hải quân Aubaret thông
thạo chữ Nho và chữ quốc ngữ.
2) cjvlang.com (2000-2017) "Days of
the Week in Chinese, Japanese, Vietnamese & Mongolian" xem các bài viết
về tên gọi ngày tiếng Việt/Nhật/TQ và Tây phương trên trang mạng http://www.cjvlang.com/Dow/updatedow.html
3) Pigneau de Béhaine (1772/1773) - Bá Đa Lộc Bỉ Nhu "Dictionarium
Annamitico-Latinum" Dịch và giới thiệu bởi Nguyễn Khắc Xuyên, NXB Trẻ
(Thành Phố HCM - 1999).
(1774/Quảng
Đông - Địa phận Đàng Trong tái bản năm 1837) "Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ"
聖教要理國語
viết bằng chữ Nôm theo dạng Hỏi-Thưa. Y Doãn Ninh/Lê Bảo Tịnh phiên âm và chú
giải, La Vang Tùng Thư xuất bản (Mỹ).
4) J. F. M. Génibrel (1898)
"Dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân Định
(SaiGon).
(1906)
"Petit dictionnaire annamite français" Imprimerie de la Mission à Tân
Định (SaiGon).
5) Nguyễn Hồng (1959) "Lịch sử truyền
giáo ở Việt Nam - Quyển 1 - Các Thừa Sai dòng Tên 1615 - 1665" NXB Hiện Tại
(Sài Gòn).
6) Nguyễn Quang Hồng (2015) "Tự điển
chữ Nôm dẫn giải" Tập 1 và 2 - NXB Khoa Học Xã Hội/Hội Bảo Tồn Di Sản Chữ
Nôm (Hà Nội).
7) Giêrônimô Maiorica (thế kỷ XVII)
"Mùa Ăn Chay Cả", "Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển thượng",
"Thiên Chúa Thánh Mẫu - Quyển trung", "Đức Chúa Giê-Su - Quyển
chi cửu & Quyển chi thập", "Thiên Chúa Thánh Giáo Hối Tội
Kinh" (TCTGHTK), “Thiên Chúa Thánh Giáo Khải Mông” (TCTGKM), "Kinh Những
Ngày Lễ Phục Sinh - Quyển thứ ba", “Các Thánh Truyện”. Sách lưu hành nội bộ
(năm xuất bản 2002/2003 - LM Nguyễn Hưng).
8) Alexandre de Rhodes (1651) "Phép
Giảng Tám Ngày" - Tủ Sách Đại Kết in lại từ Tinh Việt Văn Đoàn (1961 - Sài
Gòn) với phần giới thiệu của tác giả Nguyễn Khắc Xuyên.
(1651) “Dictionarium Annamiticum Lusitanum et
Latinum” thường gọi là từ điển Việt-Bồ-La; bản dịch của Thanh Lãng, Hoàng Xuân
Việt, Đỗ Quang Chính - NXB Khoa Học Xã Hội, Thành Phố HCM (1991).
“Tường
Trình về Đàng Trong 1645” bản dịch của Hồng Nhuệ, NXB Ánh Sáng Publishing,
Escondido (California/Mỹ, 1994?).
"Lịch
sử Vương Quốc Đàng Ngoài từ 1627 tới năm 1646" dịch giả Nguyễn Khắc Xuyên
- Tủ sách Đại Kết, Thành phố HCM (1994).
9) Jean Louis Taberd (1838) - tên Việt
là cố Từ - "Dictionarium Annamitico-Latinum" Serampore (Bengale).
10) Nguyễn Cung Thông (2016) "Cách
nói xuống thuyền, trên trời, ra đời, Đàng Trong/Ngoài ... thời LM Alexandre de
Rhodes (phần 1)" có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachDungXuongThuyenTrenTroiVaRaDoiP1.pdf
(2016)
"Cách nói tôi, ta, tao, tớ, qua, min ... Tiếng Việt thời LM de Rhodes"
- có thể xem toàn bài trang này http://chimvie3.free.fr/baivo/nguyencungthong/ncthong_CachNoiToiTaTaoToP2.pdf
(2018)
"Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - Kinh Lạy Cha (phần 5A)" có thể xem
toàn bài trên trang https://nghiencuulichsu.com/2018/02/06/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-kinh-lay-cha/
hay https://www.facebook.com/conggiao.info/posts/1586641711427101
...v.v...
(2018) "Tiếng Việt từ thời LM de Rhodes - Kinh Lạy Cha (phần 5B)"
có thể xem toàn bài trên https://vandoanviet.blogspot.com/2018/04/tieng-viet-tu-thoi-lm-de-rhodes-kinh_24.html?m=0
…v.v…
11) Pierre-Gabriel
Vallot (1898) "Dictionnaire franco-tonkinois illustré" NXB F.H.
Schneider (Hà Nội).
[2] Để
ý LM de Rhodes ghi là "ngày thứ bốn" (không phải là ngày thứ tư) và
"lời răn thứ bốn". LM Maiorica cũng dùng bốn trong các bản Nôm cho đến
thời Gabriel Aubaret (1867) "Mercredi
~ ngày thứ bốn". Sau đó, Trương Vĩnh Ký (Đàng Trong, 1886) và P.G. Vallot
(Đàng Ngoài/Hà Nội 1898) ghi Mercredi là ngày
thứ tư cho đến ngày nay. Khuynh hướng này phản ánh quá trình "điều chỉnh
ngôn ngữ" cho gần âm HV hơn như phải
--> bị, khứng --> khẳng, chúa --> chủ ...v.v... vào cuối thế kỉ
XIX cho đến đầu thế kỉ XX.
[4] Câu
này lặp lại lời răn thứ ba, gián tiếp liên hệ đến ngày chủ nhật. Thời LM de
Rhodes/Maiorica không có cách dùng "ngày chủ/chúa nhật".
[5] Theo
các giáo phái Ki-Tô khác như Anh giáo, Do-Thái giáo, Chính Thống giáo, Tin Lành
thì "giữ lễ nhất" là điều răn thứ tư trong Mười Điều Răn (Decalogue ~
The Ten Commandments/A).
[6] Chữ
tuần 旬 (thanh mẫu tà 邪 vận mẫu chuân 諄 bình thanh, hợp khẩu tam đẳng)
có các cách đọc theo phiên thiết 詳遵切 tường tuân thiết
(TVGT, QV, LT) - TVGT, QV, TV, LT đều ghì tuần là 十日 thập nhật (mười
ngày), 松倫切 tùng luân thiết (TV, VH, LT), 徐勻翻 từ quân phiên (BH 佩觿), 敘均切 từ quân thiết (NT,
TTTH), 規倫切。本作均 quy luân thiết, âm quân (TV, LT,
CV, TVi) - CV/TVi ghi tiểu vận quân 鈞, 須倫切,音荀 tu luân thiết, âm tuân (TV, LT,
CV, TVi, CTT) - TVi/CTT ghi âm tuần 音巡
TNAV
ghi vận bộ 真文 chân văn (dương bình)
CV
ghi cùng vần/bình thanh 荀 詢 恂 洵 郇 峋 旬 (tuân tuân/tuần)
CV
ghi cùng vần/bình thanh 鈞 均 㽦
畇
袀
旬
君
𢋟 麏 𢋵
頵
軍
皸 (quân quân/tuần)
CV
ghi cùng vần/bình thanh 旬 巡 徇 循
揗 迿
馴 紃 (tuần tuân/tuẫn)
詳倫切,音紃
tường luân thiết, âm tuần (CV, TVi), 辭倫切 từ luân thiết (CV), 松宣切 tùng nguyên thiết (VB) ...v.v...
Giọng BK bây giờ là xún so với giọng Quảng Đông ceon4 và các giọng Mân Nam 客家话: [客语拼音字汇] sun2 [海陆丰腔] sun2 [客英字典] sun2 [台湾四县腔] sun2 [梅县腔] sun2 [陆丰腔] sun3 [宝安腔] sun2 [东莞腔] sun2, giọng Mân
Nam/Đài Loan sun5, tiếng Nhật jun shun và tiếng Hàn swun.
[7] Gốc
La Tinh dominīcus còn cho ra các tên con trai của người CG hay La Mã như
Dominicus, Dominik, Dominick, Domenic, Domenico (tiếng Ý), Domanic, Domonic,
Domingo, Domingos, Dominggus; Các tên cho phái nữ cùng gốc là Dominika,
Dominica, Domenica, Dominga, Domingas ... Dạng Dominique (tiếng Pháp) có thể
dùng để đặt tên cho con trai hay con gái (unisex). Ông thánh Dominic (1170-1221
tiếng Tây-Ban-Nha là Santo Domingo, Thánh Đa Minh) rất nổi tiếng và có công lập
ra dòng Đa Minh (khoảng 1200) hay Dòng Anh Em Giảng Thuyết (hay Dòng Anh Em Thuyết Giáo). Danh từ Đa
Minh 多明 xuất hiện gần đây so với dạng Do
Minh hay Du Minh đã có mặt trong tiếng Việt cách đây khoảng 4 thế kỉ. Tiếng TH
còn dùng các dạng kí âm khác như Đạo
Minh 道明, Đa Mễ Ni Khắc 多米尼克 ...v.v...
[8] Vào
thời này, dân La Mã thường theo đạo thờ thần
mặt trời (Mithraism). Hoàng đế La Mã Constantinus (272-337 hay còn gọi là Constantinus
I, Constantinus Đại Đế/Constantine the Great, thánh Constantine) khi chiến thắng
ở cầu ở Milvius, nhờ vào một dấu hiệu phi thường hiện ra trên trời (Thiên Chúa
hỗ trợ nên thắng trận - thí dụ như bằng cách vẽ hình chữ thập vào các khiên khi
ra trận đánh), đã cải đạo và trở thành vị hoàng đế La Mã đầu tiên theo CG. Ông
là hoàng đế đầu tiên ra lệnh chấm dứt ngược đãi đạo Ki-Tô.
[9] Thí
dụ như trong Kinh Thánh (Matthew) Ma-Thi-Ơ 27:45-50 "Từ giờ thứ sáu đến giờ
thứ chín, khắp cả xứ đều tối tăm mù mịt" hay (Mark) Mác 15:33 "Đến giờ
thứ sáu, khắp đất đều tối tăm mù mịt cho tới giờ thứ chín" …
[10] Một
điều nên nhắc ở đây về cách dùng năm dương lịch là khác với LM de Rhodes, LM
Maiorica cũng dùng năm âm lịch trong các tác phẩm Nôm như:"đời vua Khánh Đức
nhị niên" Các Thánh Truyện tháng 12 trang 161. Khánh Đức nhị niên là năm
1650 (Khánh Đức nguyên niên là nằm 1649), niên hiệu của vua Lê Thần Tông.
[13] Thời
VBL do có thể đọc là du, cũng như nho ~ nhu, trong (traõ) ~
trung: VBL trang 174/179 còn ghi thêm "cơn do nào? ~ cơn du nào?
(nghĩa là lý do/nguyên nhân nào/NCT).
[14] Chữ
chủ 主 (thanh mẫu chương 章 vận mẫu ngu 虞 thượng thanh, hợp khẩu tam đẳng)
có các cách đọc theo phiên thiết 之庾切 chi dữu thiết (TVGT,
ĐV, QV, LT), 之乳切 chi nhũ thiết (NT,
TTTH), 朱戍切 chu thú thiết (TV, LT), 腫庾切 trũng dữu thiết (TV, VH, CV,
LTCN, TĐTAT)
TNAV
ghi vận bộ 魚模 ngư mô (thượng thanh)
CV
ghi cùng vần/thượng thanh 主 麈 炷 枓 斗 䰞
褚
紵
陼
渚
柱
拄
𪐴 (chủ chú đẩu trữ chử
trụ)
CV
cũng ghi cùng vần/khứ thanh 著
箸 翥 註
注 主 霔
咮 澍 鑄
軴 䪒
炷 馵 屬
紸 燭 爥
曯 祝 (trứ chứ chú chử
chú/chúc)
腫與切
trũng dữ thiết (TVi) - TVi ghi âm chư 音諸 thượng thanh (chư đọc là zhū BK bây giờ), 陟慮切 trắc lự thiết (CV,
TVi), 當口切,音斗 đương khẩu thiết, âm
đấu (TVi, CTT), 知雨切,音煮 tri vũ thiết, âm chử
(CTT) - âm chủ và chử đều đọc là zhǔ giọng BK bây giờ ...v.v...
Giọng BK bây giờ là zhǔ so với giọng Quảng Đông zyu2 và các giọng Mân Nam 客家话: [宝安腔] zu3 [梅县腔] zhu3 [台湾四县腔] zu3 [客英字典] zhu3 [东莞腔] zu3 [海陆丰腔] zhu3 [客语拼音字汇] zu3 [沙头角腔] zu3 [陆丰腔] zhu3 潮州话:zu2 (tsú). Để ý là âm
dữu HV 庾 còn cho ra một dạng vựa,
so với vũ và mưa, ngũ (ngọ) và ngựa, lư/lự 慮 và lưa (đong lưa lời nói, nói đi
nói lại) ... phủ búa, phù bùa, phụ (quả
phụ) bụa (góa bụa) ... Ngoài ra chú
bộ ngôn 註 (chu thú thiết) còn
có dạng chua trong tiếng Việt. Do đó
ta có cơ sở liên hệ chủ và chúa (cùng âm vực bổng/cao).
[15] Học
giả Huỳnh Tịnh Của cũng ghi là "ngày
chúa nhựt" hay "lễ bái nhứt"
trong ĐNQATV (1895). Xem thêm mục 2.4 bên dưới về các phương ngữ miền nam TQ và
cách dùng lễ bái.
[16] Tuần
lễ tiếng Tây-Ban-Nha là semana, có gốc La Tinh septimana (thứ bảy, septem/L là
số bảy) so với tuần tiếng Pháp là semaine, tiếng Ý settimana, tiếng Bồ-Đào-Nha
semana ... Cho thấy khái niệm về tuần có 7 ngày đã có lâu đời ở Âu châu.
[17] Tiếng
La Tinh feria có các nghĩa (a) ngày hội/liên hoan (festival/A) (b) ngày lễ/nghỉ
(holiday/A) (c) một cuộc họp chợ, hội chợ (fair/A) (d) theo truyền thống CG là
ngày trong tuần (weekday/A). Sự chuyển nghĩa từ ngày nghỉ (thường chỉ ngày cuối
tuần) trở thành ngày trong tuần là vì vào thời trung cổ các thánh lễ thường
cũng được làm vào ngày trong tuần (so với lễ cuối tuần), đặc biệt là vào Tuần Thánh (Holy Week). Trong những khu
vực nói tiếng Bnh, feria còn có nghĩa là ngày hội để tưởng nhớ đến các vị thánh
CG. Trong khẩu ngữ, feria thường bị bỏ qua (hiểu ngầm) khi nói tên ngày cũng
như tiếng Việt "Thứ ba này tôi về".
[18] Tiếng
Nga (và một số ngôn ngữ Slavic) cũng dùng số đếm để gọi tên một
số ngày, nhưng bắt đầu là ngày thứ hai thành ra вторник vtornik (второй nghĩa
là thứ nhì, cho nên вторник là ngày thứ ba), четверг chetverg (четвертый nghĩa
là thứ tư, cho nên четверг là ngày thứ năm), пятница pyatnitsa (пять là số năm,
cho nên пятница là ngày thứ sáu), суббота subbota là ngày thứ bảy (<
Sabbath). Một số ngôn ngữ Nam Đảo
(Austronesian) khi du nhập CG cũng có hệ thống gọi ngày như tiếng Nga - không
nên nhầm lẫn với trường hợp tiếng Việt (dùng chủ nhật là ngày thứ nhất).
[19] Điều
này cho thấy văn hoá TH rất khó ‘thay đổi’ vì quán tính của văn học ngôn ngữ thời
Hán/Đường, nhất là từ tôn giáo như CG Tây phương, khác với trường hợp VN (đặc
biệt là sau thời Pháp thuộc).
[20] Lễ
bái từng có nghĩa là tuần (bảy ngày, khái niệm từ phương Tây), như được ghi
trong cuốn 廣東省土話字彙
Quảng Đông Tỉnh Thổ Thoại Tự Vị (1828). Cách dùng này có lẽ bắt đầu từ thời kì
giáo sĩ Tây phương sang Á Đông truyền đạo CG phải bắt đầu từ miền nam TQ (Quảng
Đông, Phúc Kiến ...), do đó mang tính chất địa phương so với hệ thống gọi ngày
được chấp thuận từ trung ương (Bắc Kinh). Điều này giải thích phần nào tại sao
công thức gọi ngày 禮拜[X] lại phổ thông ở Đài
Loan và miền nam TQ.
[21] Cách
gọi tên ngày dùng chu 週
có thể là từ Nhật Bản nhập vào tiếng TQ vào đầu thế kỉ XX (chu là chữ gốc Hán
nhập ngược vào TH ~ Nhật-Chế-Hán-Ngữ 日製漢語 hay Ngoại-Lai-Ngữ 外來語). Phương pháp gọi tên này đơn giản và càng ngày
càng được dân chúng thành thị chuộng hơn so với các cách gọi tên ngày khác ở
TQ.
[22] Ngay
cả tiếng Inđônêsia/Java/Sundanese, cách gọi ngày cũng giống tiếng Mã-Lai, nhưng
ngày chủ nhật còn gọi là Minggu -
đây là dạng domingo từ tiếng Bồ-Đào-Nha.
Tiếng Tagalog (ở Phi-Luật-Tân) gọi chủ nhật là linggo (< Tây-Ban-Nha domingo).
[23] Cách
dùng Thiên Chủ, Thiên Chúa 天主 đã có từ thời VBL, dựa vào các công trình trước đó
từ các LM dòng Tên đã đến TQ truyền đạo như Michele Ruggieri, Matteo Ricci...
VBL ghi thêm là Thiên Chúa là cách
dùng tốt hơn, cho đến nay không ai nói đạo Thiên Chủ. Từ thời LM de Rhodes cho
đến các LM thời Béhaine (1772/1773),
Taberd (1838) chữ quốc ngữ đều dùng chúa
nhà, chúa tàu so với cách dùng chủ
nhà, chủ tàu như tiếng Việt hiện đại. LM Béhaine còn ghi thêm "gia chủ"
家主 (pater familias/L) cho thấy thời
Béhaine và trước đó thường dùng chủ HV với các từ HV khác - gia chủ ~ chúa nhà
- không như cách dùng chủ nhà như bây giờ. Ngay cả trong "Sách Sổ Sang
chép các việc" (1822), LM Philiphê Bỉnh chỉ dùng chúa nhà, chúa tàu. Đây là một khuyết điểm của chữ Nôm: 主 có thể đọc là chủ hay
chúa!
[24] Đạo
(trường phái) The Quakers, độc lập với Toà Thánh La Mã, cũng có hệ thống gọi
tên ngày tháng theo số thứ tự: chủ nhật là ngày thứ nhất cho đến thứ bảy, tháng
một (January/A) cho đến tháng 12 (December/A). Bổn đạo The Quakers tin là mỗi
ngày đều là ngày lễ và nhớ đến ĐCGS, không cần phải dành riêng cho chủ nhật -
xem thêm chi tiết trang này chẳng hạn https://spiritualray.com/quakers-religious-society-of-friends.
Tuy nhiên, ta cần biết là Tổ chức Tiêu chuẩn Quốc tế ISO - theo tiêu chuẩn ISO
8601 - định kỳ 7 ngày trong niên lịch (tuần) bắt đầu bằng thứ hai chứ
không phải là chủ nhật.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét