Thứ Hai, 22 tháng 10, 2018

Tự Điển Tiếng Việt Đổi Đời
(Bổ Túc)
Đôi Lời Phi Lộ:

Bất cứ một dân tộc nào nếu đã hình thành một nền văn học, đều có hai loại văn chương bác học và văn chương bình dân. Ngôn ngữ cũng có ngôn ngữ trí thức và ngôn ngữ đường phố. Phê bình văn học, phê bình cách sử dụng ngôn ngữ là điều phải có để đất nước tiến lên. Trước đây ở Miền Nam, một số nhà văn, nhà báo dùng chữ hay viết văn không đúng cũng đã bị phê phán chứ không phải muốn viết gì thì viết.

Ngày nay, ngôn ngữ ít học, đứng bến, mánh mung, đường phố giống như cỏ dại lan tràn rất nhanh vì nó được phổ biến qua các bản tin, báo chí, các trang điện tử, truyền hình, đài phát thanh, các diễn đàn… cho nên nó dễ dàng giết chết ngôn ngữ “văn học” thường phải xuất hiện qua sách vở. Nếu không ngăn chặn kịp thời, loại ngôn ngữ lai căng, bát nháo, quái đản sẽ trở thành dòng chính của văn học…và khi đó thì hết thuốc chữa. Việt Nam ngày nay đang đứng trước thảm họa đó!

Ngoài ra, “văn dịch” phần lớn từ các bản tin tiếng Anh của những người không rành tiếng Anh lại kém tiếng Việt đã phá nát cú pháp (văn phạm) Việt Nam. Hiện nay BBC Việt Ngữ đã góp phần rất lớn vào việc tàn phá tiếng Việt truyền thống.

Xin nhớ cho, thay đổi mà tốt hơn, hay hơn thì người ta hoan nghênh. Thay đổi mà xấu, tệ hơn là phá hoại. Ngoài ra, không có gì “lớn cho bằng “cầm bút” nhưng cũng không có gì “xấu xa” cho bằng viết bậy, viết nhảm, viết sai sự thật và nhất là phá hoại ngôn ngữ truyền thống của dân tộc. Sau hết, tôi xin nhắc những người làm báo trong nước và cả BBC tiếng Việt: Dân đường phố, mánh mung, đứng bến vì ít học cho nên ăn nói bậy bạ. Nhà báo là người có học phải hướng dẫn “đường phố” để họ từ từ tiến lên, ăn nói mẫu mực, viết cho đàng hoàng, thế nhưng lại chạy theo “đường phố” để phá nát tiếng Việt.

Tiếng Việt trong nước bây giờ ( kể cả BBC và VOA tiếng Việt) đọc nhức đầu vô cùng. Văn thì dài lòng thòng, thí dụ baotintuc. Vn : Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. (21 chữ). Trong khi đó rút gọn và dễ hiểu chỉ còn 14 chữ: Dự án2017-2020 xây một số đoạn phía đông Xa Lộ Bắc-Nam.

Ngoài ra câu văn trùng lập, danh từ biến thành động từ, động từ biến thành danh từ. Cùng một danh từ nhưng hai ba nghĩa, dị hợm, bí hiểm, “râu ông nọ cắm cằm bà kia” khiến không hiểu người viết muốn gì. Chẳng hạn, tài khoản là số tiền có trong ngân hàng, nay biến thành khế ước, thỏa thuận, giao kèo (account) trên Facebook. Rồi “vô tư” có nghĩa là không thiên vị (chí công vô tư) nay biến thành “thản nhiên” (cứ vô tư đi, cứ làm bừa đi). Thậm chí cả ông Bộ Trưởng Giáo Dục và Đào Tạo Trần Hồng Quân cũng tiêm mhiễm loại ngôn ngữ đường phố khi nói, “Các em học sinh rất vô tư nên bắt chước theo. “ Có lẽ ông bộ trưởng này học tiếng Việt ở Nga hay ở Tàu.

Rồi “lái xe” là động từ nay thay cho “tài xế” là người lái xe (danh từ). Rồi “kỷ luật” (danh từ) là quy củ, phép tắc phải theo nay biến thành “trừng phạt” (động từ). Rồi cái gì cũng “không gian” chẳng hạn, không gian đi bộ, không gian mạng, không gian nấu ăn. Tôi thật sự không hiểu “ không gian mạng” là cái gì! Tạo một chỗ, khu, nơi vui chơi thoáng mát, đi bộ nay biến thành “tạo một không gian vui chơi thoáng mát, không gian đi bộ…trong khi “không gian” là khoảng trời xanh bao la kia. Ở Mỹ này NASA là Cơ Quan Quản Trị Hàng Không và Không Gian. Họ đưa người, phi thuyền vào khám phá Mặt Trăng, Hỏa Tinh, Thổ Tinh…chứ có phải là mấy chỗ đi bộ, nhà bếp hay trên các diễn đàn điện tử đâu. Ở Mỹ này khi trương bảng “Space for Rent” có nghĩa là nơi, chỗ, phòng ốc cho thuê chứ không phải “không gian cho thuê”.

Thảm họa lớn là lai căng, chen tiếng Anh “ba rọi”. Mở một trang báo trong nước ra, và cả hải ngoại nữa, chỗ nào cũng thấy top, teen, camera, TV, phone, fly cam, show, fan, hot, hot girl, stress, resort, tour, metro, container, vaccine! Các chữ đứng đầu/hàng đầu, trẻ vị thành niên, máy hình/máy thu hình, truyền hình, điện thoại, hình ảnh bao quát tử trên cao, buổi trình diễn, người hâm mộ, nóng/hấp dẫn, gái ăn mặc hở hang, căng thẳng thần kinh, khu nghỉ mát, xe điện ngầm, xe thùng/xe chở kiện hàng/xe vận tải hảng nặng, thuốc chủng ngừa…đã chết trong ngôn ngữ Việt Nam.

Do trình độ văn hóa kém, tiếng Việt trong nước hiện nay bị cắt cụt hoặc thêm cái đuôi thừa thãi khiến trở nên hổ lốn, Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, không còn nét văn chương, lãng mạn truyền thống nữa. Bát nháo nhất phải kể trang tin điện tử VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam).

Có thể nói, hiện nay cả nước coi tiếng Việt như một “thùng rác” ai muốn xả rác bừa bãi cũng được mà không một ai lên tiếng phê bình, sửa chữa. Thật đáng sợ!

Dưới đây là bảng so sánh tiếng Việt truyền thống và tiếng Việt đổi đời xếp theo thứ tự A,B,C…
A.
-Án . Trong nước cái gì cũng “Án”. Bài giải, đáp số trở thành “đáp án”. Bài giảng trở thànhgiáo án”. Nghi ngờ trở thànhnghi án”. Khám phá một vụ án trở thành phá án, phá chuyên án.
-Ăn uống trở thành ẩm thực. Thói quen/cách ăn uống trở thành văn hóa ẩm thực, giống như mấy ông Ba Tàu ở Chợ Lớn nói chuyện với nhau năm xưa. Các “món ăn miền Bắc” trở thành “Ẩm thực miền Bắc”. Người ta thích là thích các “món ăn” miền Bắc chứ miền Bắc có đồ uống (ẩm) gì ra hồn đâu mà thích? Rồi nào là, “Du khách nước ngoài tham gia tour trải nghiệm ẩm thực tại Hội An” (Báo Sài Gòn Giải Phóng). Thực ra câu chuyện chỉ là, “Du khách ngoại quốc vừa du lịch vừa thưởng thức các món ăn ở Hội An” nhưng lại viết dưới dạng cầu kỳ vì ít học. Xin nhớ cho ăn uống không phải là văn hóa loài thú cũng ăn uống. Con hổ sau khi ăn thịt con nai xong bèn ra bờ suối uống nước. Nhưng nếu biết nấu nướng cho đàng hoàng, lịch sự, biết mời chào nhau thì nó là một nét của văn hóa. Hiện nay ở hải ngoại cũng lây bệnh “tiếng Việt đổi đời” bằng cách dùng danh từ “ẩm thực chay”. Khi nói “ẩm thực chay” có nghĩa là đồ ăn chayđồ uống chay. Nhưng đồ uống nào mà chả chay? Chẳng có thứ đồ uống nào như nước ngọt, chè, nước mía, nước dừa v.v… lại bỏ thêm thịt, cá, tôm, cua vào đó. Dùng danh từ “ẩm thực chay” tức là hoàn toàn ngu dốt tiếng Việt nên chế bậy.
-Ăn mặc dâm ô, ăn mặc hở hang, ăn mặc bẩn mắt trở thành ăn mặc phản cảm. Một hình ảnh gây bất bình, xúc phạm, khó chịu cho người ta cũng gọi là phản cảm. Chỗ nào cũng thấy phản cảm và không còn một tính từ nào khác. Ăn mặc phản cảm là ăn mặc thế nào? Chẳng hạn một cô gái đến chùa “ăn mặc phản cảm” thì cô gái đó ăn mặc ra sao? Hoặc váy ngắn quá, hoặc áo hở vú, hở lưng, hoặc mặc quần đùi (short) hoặc mặc đồ mỏng dính (bây giờ gọi là xuyên thấu) thì phải nói ra cho người ta biết chứ. Tiếng Việt trong nước càng ngày càng trở nên nghèo nàn và kho tàng ngôn ngữ truyền thống sẽ chỉ còn một nửa hay bị hủy diệt bởi những chữ như: hoành tráng, phản cảm, giải mã, kinh điển, ấn tượng, sốc, kịch tính, kịch bản, cơ bản, thi công, xử lý, nóng (hot), khắc phục, tiếp cận, đối tượng … Những danh từ đơn giản, thuần Việt do tổ tiên sáng tạo cả ngàn năm nay từ từ biến mất để thay thế bằng tiếng Tàu nhức đầu, lạ hoắc… và quá nhiều tiếng lóng, tiếng Tây, tiếng Anh “ba rọi” chen vào.          
B.
-Bạch phiến trở thành ma túy đá
-Bài giải, đáp số trở thành đáp án. Thật điên khùng quá mức! Thí dụ:Đáp án bài toán lớp 7 thử tài tư duy(VnExpress). Làm toán màtư duycái gì? Chì cần nóigiỏi toán”. Câu văn gọn gàng, sáng sủa mà không bắt độc giả phải  “tư duy” sẽ là: “Thử tài các bạn. Hãy giải một bài toán Lớp 7.”  Nghe nói VnExpress là tờ báo điện tử được nhà nước/chính phủ cấp bằng khen đúng là “mèo khen mèo dài đuôi”.
-Bài giảng trở thành giáo án. Soạn bài giảng trở thành “soạn giáo án”. Nghe thấy mà ghê!
-Ban nghi lễ trở thành ban lễ tân (ông nào chế ra chữ này chắc trước đó có học ở bên Tàu thời Mao Trạch Đông hay Đặng Tiểu Bình). Xin nhớ,”lễ tân” chỉ là tiếp khách. Còn “nghi lễ” là cả một thể thức có khi vô cùng phức tạp để hoàn tất một buổi lễ lớn hoặc tiếp đón các vị nguyên thủ quốc gia.
-Bán cá, bán tôm ở ngoài chợ (mua đi bán lại) ngày xưa gọi là “làm ăn cá thể, manh múm”, bây giờ gọi là kinh doanh, giống như làm chủ một công ty xuất cảng tôm đông lạnh có cả trăm nhân công.
-Bản tiếng Việt, bản tiếng Anh, bản tiếng Hoa (của một tờ báo) trở thành phiên bản tiếng Việt, phiên bản tiếng Anh, phiên bản tiếng Hoa. Mở các Từ Điển English-Chinese Dictionary ra sẽ thấy người Tàu định nghĩa “copy” là phiên bản. Thậm chí “version” là bản mô phỏng, phỏng theo cũng trở thành phiên bản. Đúng là “điếc không sợ súng”. Không được đi học, không hỏi người lớn, không tra từ điển, không  nghiên cứu mà cứ viết, cứ nói. Một đất nước, một cộng đồng như vậy thật đáng sợ! Dân tộc Nhật tiến lên là họ biết xấu hổ (Khổng Tử gọi là tu ố). Khi biết mình sai, họ rất xấu hổ và có khi phải tự sát. Một dân tộc mà không biết xấu hổ thì hết thuốc chữa.
-Bàng hoàng, choáng váng, hết sức ngỡ ngàng trở thành sốc (shock)
-Bằng chứng, tang chứng biến thành “vật chứng”. Bằng chứng, tang chứng bao gồm nhiều thứ để kết tội nghi can. Còn vật chứng chỉ là những đồ vật, nó hạn hẹp hơn. Thí dụ: Bằng chứng trong máy thu hình cho thấy hung thủ đã đâm nạn nhân rồi cướp xe. Trước 1975 tại Miền Bắc không có luật pháp, không có Đại Học Luật Khoa  mà chỉ có “chỉ thị của Đảng” thay luật pháp cho nên rất nghèo nàn và hầu như không biết gì về các danh từ pháp lý mà cũng chẳng có Hình Sự Tố Tụng như Miền Nam. Tại Miền Bắc hễ cứ bị công an bắt là có tội. Sự “có tội” hay “vô tội” không được phán xét bởi luật pháp hay tòa án mà bằng công an với câu nói, “Anh không có tội tại sao công an bắt anh vào đây?”. Không cần xét xử gì hết, sau đó “nạn nhân” bị đưa đi “lao động cải tạo” mút mùa lệ thủy, ba tháng thành 12,13, 16 năm.
-Bánh xe/vỏ xe trở thành lốp
-Bao gồm, bao hàm, hàm chứa (một số vấn đề) trở thành nội hàm. Ông nào dùng hai chữ này chắc là viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học,Văn Chương và Ngôn Ngữ Việt Nam.
-Bảo đảm trở thành đảm bảo, bảo hành. Xe cộ, món đồ, máy móc được bảo đảm (warranty) trong bao lâu trở thành bảo hành. Hành nghĩa là làm, làm gì ở đây mới được chứ?
-Bảo trì, giữ gìn trở thành bảo quản
-Bắp thịt trở thành cơ bắp. Biểu diễn/khoe bắp thịt trở thành biểu diễn cơ bắp. Phô diễn sức mạnh quân sự cũng gọi là biểu diễn cơ bắp. Đúng là loại ngôn ngữ đường phố, bát nháo, đứng bến, mánh mung.
-Bắt ngay trở thành bắt khẩn cấp, bắt nóng. Trong nước cái gì cũng nóng hay lạnh. Ngôn ngữ truyền thống sẽ lần hồi diệt chủng. Thưởng ngay trở thành thưởng nóng! Thế mới hay ngu dốt mà làm văn hóa thì nguy hại ngàn đời!
-Bên trong (của chiếc xe hơi) biến thành nội thất! Đúng là tiếng Việt kiểu cung vua phủ chúa thế mà mở miệng ra là chửi chế độ phong kiến.
-Bệnh viện nhi đồng cắt cụt chi còn bệnh viện nhi trong khi từ điển trong nước nói rằng chữ “nhi” không bao giờ đứng một mình. Nó phải đi kèm với một chữ khác. Như vậy Tết Nhi Đồng giờ đây chỉ còn Tết Nhi! Đúng là chữ nghĩa quái đản, muốn viết gì, nói gì thì nói.

-Bếp/nhà bếp biến thành “bếp ăn”. Thí dụ,Khám phá bếp ăn trong khách sạn” (VOV ngày 16/11/2017). Thật lạ kỳ! Tiếng Việt trong nước bây giờ dường như có một “bệnh dịch” phải thêm cái đuôi rất vô duyên, thừa thãi vào phía sau. Tôi không hiểu “bếp ăn” là bếp gì? Là nhà bếp để ngồi ăn chăng? Và sẽ có thêm “bếp uống”, “bếp nhậu”…chăng?  Hay đây vừa là nhà bếp vừa là phòng ăn (vì không có phòng ăn riêng)?

-Bích chương (dán lên tường) trở thành Áp-phích
-Biến cải, thay đổi trở thành cải tạo. Thí dụ: Trung Quốc cải tạo bãi đá ngầm thành đảo. Trong nước nên bỏ hai chữa “cải tạo” vì nó gợi lại hình ảnh cả triệu quân-cán-chính VNCH bị “tù cải tạo”.
-Biển, tấm bảng trở thành Pa-nô (Panneau)
-Biểu ngữ trở thành Băng-rôn (Bande de role)
-Bình điện trở thành bình ác quy, nạp điện trở thành sạc (charge)
-Bổ túc, trau dồi (kiến thức) trở thành bồi dưỡng (giống như ăn uống để lấy lại sức sau cơn bệnh)
-Bộ đôi, một đôi, một cặp (hai người) trở thành cặp đôi (bốn người)
-Bộ mặt biến thành diện mạo. Tôi không hiểu tại sao trong nước bây giờ thích dùng những tiếng cầu kỳ. Thí dụ: “Chiếc cầu tạo vẻ đẹp cho thôn làng” biến thành, “Chiếc cầu đem đến diện mạo đẹp cho thôn làng.”
- Bộ mặt, dáng vẻ biến thành ngoại hình. “Cô ta có dáng vẻ đẹp” nay biến thành “ Cô ta có ngoại hình đẹp”. Ai dùng hai chữ “ngoại hình” chắc chắn không được cắp sách đến trường hoặc du học Trung Quốc cho nên tiêm nhiễm tiếng Tàu.
-Buổi trình diễn văn nghệ trở thành show. Ca sĩ hát một lúc hai, ba phòng trà gọi làchạy show”. Ngày xưa các chiêu đãi viên ở các phòng trà đang tiếp khách này, xin lỗi chạy qua tiếp khách kia gọi là “chạy bàn”.
-Buồn nản, chán đời (depressed) trở thành trầm cảm . Sao dùng chữ khó khăn quá vậy? Nếu tôi là một tâm lý gia, một bệnh nhân tới nói, “Thưa bác sĩ, tôi cảm thấy buồn nản, chán đời” thì tôi hiểu ngay. Nhưng nếu bệnh nhân nói, “Tôi bị trầm cảm” thì  tôi sẽ phải hỏi lại, “Ông/bà nói thêm về tình trạng tâm lý của ông/bà thế nào.” Ngoài ra, từ điển Việt Nam trước và sau 1975 không hề có hai chữ “trầm cảm”.

-Buồng lái /phòng lái trở thành cabin. Thậm chí khoang hành khách trên máy bay cũng gọi là cabin (BBC tiếng Việt)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét