Thứ Năm, 8 tháng 11, 2018

Thơ/Văn Cao Tần Lê Tất Điều

Image may contain: 1 person, eyeglasses and closeup

Cao Tần Lê Tất Điều

CẢM KHÁI

người lính ưu tư
Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ 
Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu 
Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ 
Tái tê cười: Giờ gia hạn nơi đâu?
Trong ví ta này một thẻ căn cước 
Hình chụp ngay đơ rất mực cù lần 
Da nhợt nhạt như bị đời nhúng nước 
Má hốp vào như cả tháng không ăn
Mười tám tuổi thành công dân nước Việt 
Tên chụp hình làm ta xấu như ma 
Thằng khốn nạn làm sao mà nó biết 
Ta sẽ thành dân mạt nước tan nhà 
Hai mươi tuổi ta đi làm chiến sĩ 
Bước giày đinh lạng quạng một đời trai 
Vừa đánh giặc vừa lừng khừng triết lý 
Nhưng thằng này yêu nước chẳng thua ai
Hình căn cước anh nào mà chẳng xấu 
Tên chụp hình như một lão tiên tri 
Triệu mặt ngây ngô bàng hoàng xớn xác 
Cùng đến một ngày gẫy đổ phân ly
Nhìn hình chim in trên tờ chứng chỉ 
Chợt nhớ câu thơ “Gẫy cánh đại bàng” 
Ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ 
Muôn anh hùng phút chốc hóa lang thang
Quanh mình xôn xao chuyện thay quốc tịch 
Ngậm ngùi bày dăm giấy cũ coi chơi 
Thời cũ ố vàng rách rời mấy mảnh 
Xót xa đau như mình bỗng qua đời
Hỡi kẻ trong hình mặt xanh mày xám 
Người sắp thành tên mọi Mỹ rồi ư 
Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm 
Mày lang thang đất lạ đến bao giờ 
Ôi trong ví mỗi người dân mất nước
Còn một oan hồn mặt mũi ngu ngơ 
Ôi trong trí mỗi anh hùng thuở trước 
Còn dậy trời lên những buổi tung cờ
6-1977

ĐÓNG TÀU

Thuyền Viễn xứ

Vách tàu dựng vút lên như núi 
Một bãi mênh mông sát thép trùng trùng 
Hải âu lượn vòng, biển xanh phơi phới 
Hồn dậy vu vơ một chút hào hùng
Tay búa tay kìm thấy đời chắc nịch 
Sắt nâng hàng tấn linh hồn nhẹ tênh 
Mặt mũi lấm lem che đời bí mật 
Thần trí lang thang cuối bãi đầu ghềnh
Buổi trưa nghỉ nằm chơi trong thùng sắt 
Ngửa cổ coi trời thấy đúng một khung vuông 
A, khi không ta biến thành con ếch 
Đáy giếng sâu mơ mộng rất khiêm nhường
Con ếch không tin đất trời nhỏ bé 
Biết ngoài kia còn một cõi bao la 
Lẩn thẩn nghĩ về cuộc đời dâu bể 
Hay vơ vẩn chờ chút mây bay qua
Nhớ thơ Trường Anh thuở nào khoái đọc
(Ông Trường Anh có lạc đến phương này?) 
“Tiền thân ta phải chăng là con cóc 
Thơ nghiến răng trời chuyển bốn phương mây”
Một năm nữa con tàu sẽ xuống nước 
Tháng ngày nào mới đi qua biển Đông?
Biển Đông giờ này bao thuyền hấp hối 
Ôi, con tàu tới trễ cả nghìn năm…
Chàng bắt đầu mơ những điều huyền hoặc 
Mơ con tàu cảm được những thương tâm 
Nghe được tiếng đàn bà con trẻ khóc 
Và sót sa như có một linh hồn.,.
11-1982

HÁT NGAO TRÊN TUYẾT

cô đơn trong tuyết
Khoác áo lông xù giả làm tráng sĩ 
Lên dòng sông đá bước nghênh ngang 
Cây gậy trúc trông sặc mùi vũ khí 
Múa tưng bừng vào thinh không giá băng
Khoái thay đời ta một đời quái đản 
Hai mươi năm xưa làm thằng nhỏ di cư 
Hai mươi nãm sau thành nhà thơ di tản 
Một đời quê hương khét mùi súng đạn 
Một đời xót xa bằng hữu lao tù
Khoái thay chân ta những chân phiêu bạt 
Đi dọc quê hương đi vòng địa cầu 
Đi thênh thang thở đồi cao gió mát 
Đi ngất ngây thương lúa vàng hương cau 
Đi uống rượu mừng, đi chia tan tác 
Đi tràn hạnh phúc, đi ngập thương đau 
Đi sỏi đá mềm, bếp hồng trước mặt 
Đi bùng bão biển quê hương phía sau 
Những chân thú hoang lạc rừng đất lạ 
Những bước ngậm ngùi đi chẳng về đâu
Sông không đầu đuôi sông màu đá cục 
Dưới trên lẫn lộn trời đất mang mang 
Ta ngửa cổ làm thằng khùng Bắc cực 
Một mình cười cùng thinh không giá băng
Khoái thay hồn ta một hồn dị thường 
Khi bốc lên núi lưng trời cũng thấp 
Khi bi ai thân cỏ mọn bên đường
Sông dài! Sông dài! Ta đi chẳng hết 
Thân trượng phu, hừ, mục trong áo cơm? 
Núi cao! Núi cao! Ta về không đến 
Chí trượng phu, hừ, chôn trong giá băng”?
2-1978
*

TRUYỆN ĐÔI BA NGƯỜI VIỆT

thuyền nhân
thuyền nhân
(TC cũng là chứng nhân và nạn nhân)
Santee 21 tháng Tư…
James Keeran kính mến,
Nếu ông có đôi ba cảm tưởng không đẹp về người đàn ông Việt Nam, một vài thiên kiến xấu về quân đội miền Nam, ông cũng không nên áy náy. Lỗi không phải ở ông. Phần tôi, đã có vài lần bị một ấn tượng sai lầm dính cứng vào đầu hàng tháng trời và một lần khác, suýt gây tai họa vì những thiên kiến.
Hồi đó, tôi làm việc cho Nha Cảnh Sát San Diego. Trong thời gian tập việc, tôi thường đi theo xe tuần tiễu của cò Bill, một ông cò rất chì. Một buổi sáng, chúng tôi được cử đi phụ giúp hai cán sự xã hội đến cứu một đứa trẻ bị người cha hành hạ, theo lời tố cáo của hàng xóm.
Người cha, một thanh niên cỡ trên 20 tuổi mở cửa cho chúng tôi, mặt lờ đờ, mắt nhìn vào khoảng không, rõ ràng vẫn còn đang say thuốc. Hỏi vợ con đâu, anh đáp cộc lốc “Tôi không biết” rồi ngồi vật xuống cái sofa, như chẳng thèm chú ý đến mọi chuyện xảy ra quanh mình.
Người mẹ, cũng đang “thăng”, nhưng có vẻ tỉnh táo hơn, bồng đứa nhỏ trốn trong phòng tắm. Trên giường phòng ngủ còn một mớ quần áo đàn bà, tã lót bình sữa xếp gọn gàng. Chắc cô ta đang sửa soạn rời nhà thì chúng tôi ập tới.
Đứa bé gần hai tuổi, không bụ bẫm nhưng cũng không đến nỗi gầy còm một cách bất thường. Tay chân đứa bé, những phần không bị quần áo che, trên má bên trái và ở cổ nó có những vết cháy do đầu thuốc lá dụi vào. Dưới gan bàn chân cũng có vài ba vết như vậy. Đứa bé, khóc từng chập, tiếng khóc khe khẽ, đều đều như một chuỗi những tiếng rên rỉ. Mắt nó nhắm nghiền, như ngủ, nhưng cái miệng nhỏ xíu hé mở rên rỉ, tưởng như suốt lúc ngủ cũng như lúc mơ, nó đều cất tiếng rên rỉ, khóc than như thế.
Người y tá giải thích cho Bill và tôi:
“Chuyện dụi đầu thuốc lá vào người đứa bé chắc xảy ra nhiều lần. Có những vết bỏng đã thành sẹo, có vài vết mới tinh.”
Câu nói của người y tá như luồng điện vụt khơi dậy trong lòng tôi một cơn giận dữ bất thường. Còn Bill, một tay chì nổi tiếng, người cả gan thò hai ngón tay vào miệng một tên bán ma túy, để chặn tên kia khỏi nuốt bằng cớ tội ác, bị nó cắn xém đứt ngón tay mà mặt mũi vẫn tỉnh bơ, không biến sắc, lúc ấy, có vẻ cũng không khá hơn tôi. Lần đầu tiên, tôi thấy cái mặt thường luôn luôn tỉnh queo, trơ như đá của anh ta, thể hiện những đường nét của một cơn giận đang được kiềm chế.
Chuyện nếu chỉ xảy ra một lần, có thể đổ lỗi cho ma túy. Thằng cha mắc dịch này, trong cơn say thuốc, không còn biết trời trăng gì nữa, cứ dí điếu thuốc đang cháy dở vào người con nó, không nghe, hoặc không hiểu ý nghĩa tiếng gào khóc của trẻ thơ. Nhưng lúc hắn tỉnh lại thì sao”
Một người cha bình thường, một người đàn ông bình thường, sau cơn say, thấy sự thể như thế, sẽ ân hận, hối tiếc suốt đời. Sẽ không còn một nhu cầu, một sự hấp dẫn, lôi cuốn nào đủ mạnh để đẩy anh ta chấp nhận tái phạm một tội ác như thế. Vậy mà hắn lại say sưa, lại đốt con! Thằng cha này đâu còn là người…
Nghĩ đến tình cảnh đứa bé, bình thường gặp chuyện sợ hãi, đau đớn nó kêu cứu và hoàn toàn trông cậy ở ông bố, bà mẹ. Bây giờ chính ông bố đang đốt nó, nó biết kêu ai… Cứ nghĩ đến nỗi tuyệt vọng, kinh hoàng của nó!…
Dù hầm trong bụng, dù không tin ở thằng cha này còn được mấy tí gọi là chất người, cò Bill và tôi vẫn đối đãi với anh ta theo đúng các thủ tục của một xã hội văn minh. Chúng tôi vẫn lễ phép yêu cầu “Sir” để tay ra sau lưng cho chúng tôi còng. Khi dẫn “Sir” ra xe, tôi vẫn cẩn thận ấn nhẹ đầu “Sir” xuống cho “Sir” chui vào xe an toàn, không dám để mặc cho “Sir” cụng đầu vào thành xe một phát cho bõ ghét.
Hồi đó, tôi đã ở Mỹ gần mười năm. Tôi biết chỉ có một số nhỏ những cặp vợ chồng trẻ dính vào chuyện hút sách, đa số thì sống cuộc đời lành mạnh, thương yêu con cái, như tất cả những cặp vợ chồng trẻ tốt đẹp khác trên khắp mặt địa cầu. Vả lại, ngay trong hàng ngũ những kẻ hút sách, thằng cha quái ác này cũng là một trường hợp hi hữu.
Biết thế mà hàng tháng trời sau đó, mỗi lần gặp một cặp vợ chồng trẻ có dấu hiệu ghiền ma túy, tôi vẫn cứ thấy nghi nghi…
Thiện cảm, ác cảm đến với chúng ta sau những kinh nghiệm sống, sau những điều chúng ta được thấy, được nghe. Dù là một nhà báo chuyên nghiệp, nhưng điều ông được nghe về đàn ông Việt Nam chắc không nhiều, mà tôi sợ rằng phần lớn là những điều chẳng đẹp.
Phim ảnh, sách vở về cuộc chiến Việt Nam đa số chú tâm vào chuyện đánh đấm giữa Mỹ và Hà Nội, không thấy bóng dáng quân đội miền Nam đâu. Trong những phim truyện chiến tranh, như trong “Full metal Jacket” chẳng hạn, người chiến binh miền Nam xuất hiện là một tên ma cô, dẫn gái điếm cho lính Mỹ! Phim tài liệu thì mỗi năm một lần chiếu lại cảnh một tướng Cảnh sát miền Nam giết tù binh. Rồi lại còn cái tội ham ăn thịt chó, không biết Pet, piếc là gì…
Nếu ông có nhã ý muốn tìm hiểu từ những nguồn tài liệu có vẻ công bằng hơn, như những cuốn sách, cuốn phim được phổ thông ở Mỹ, do một tác giả sống ở miền Nam viết, thì cái ác cảm với đàn ông Việt sẽ chỉ có tăng. Cuốn sách, cuốn phim phổ thông của bà Lely Hayslip chẳng hạn trình ra trước thế giới một lũ đàn ông Việt Nam độc ác, cà chớn, ở cả hai phía, chỉ lo rình cơ hội hiếp chóc, lợi dụng thân xác một cô gái quê… Và ngay cả trong một phim có giá trị nghệ thuật, do một đạo diễn trẻ có kiến thức người Việt thực hiện, suýt được giải Oscar, tình cảnh cũng chẳng khá gì hơn.
Le Ly Hayslip
Le Ly Hayslip tác giả truyện phim “Heaven & Earth)
Heaven And Earth 1
Haven and earth
Trong phim “Mùi đu đủ xanh” ông sẽ gặp một người đàn ông chủ gia đình hết sức cà chớn, vô trách nhiệm. Hắn chỉ ăn chơi, đàn hát, sống nhờ sức lao động của bà vợ… rồi lại sinh ra cờ bạc, ăn cắp cả tiền dành dụm của vợ. Bên cạnh một người đàn bà Việt Nam thánh thiện là một đấng phu quân có nhân cách giống ngợm hơn người.
Những nhân vật đàn ông tồi tệ như thế làm cho “Mùi đu đủ xanh” hấp dẫn hơn, làm cho cuộc đời một cô gái điếm Việt Nam trong “Trời và Đất” bi tráng hơn. Nó là những yếu tố sáng tạo tăng khán giả cho một tác phẩm. Nhưng nó lặng lẽ tạo ác cảm, ấn tượng xấu trong lòng khán giả không có cơ hội biết nhiều về người Việt, đất Việt.
Mùi đu đủ xanh
Được cung cấp những tài liệu, hình ảnh đàn ông Việt Nam như thế, dù có rộng lượng cỡ nào, ông cũng khó tránh được những ấn tượng không đẹp.
Thư này, tôi sẽ giới thiệu với ông một vài người tôi quen biết. Cuộc đời họ bình thường, nhàm chán lắm không đáng được là nhân vật trong một cuốn phim, cuốn sách nào. Nhưng họ có thật. Và họ có những đức tính giống hệt hàng triệu người đàn ông Việt Nam bình thường khác.
Người đầu tiên là ông Lưu, ông giáo sư dạy tôi thời Trung học.
Ông Lưu hiện ở quận Cam. Tôi không biết ông đang làm nghề ngỗng gì. Nhưng biết chắc là ông vẫn bền bỉ đóng góp thì giờ, tiền bạc cho những sinh hoạt của cộng đồng Việt. Ông vẫn giống hệt người thanh niên trẻ, sinh viên văn khoa Lưu, của năm 1954.
Năm 1954, nước Việt bị chia đôi. Công sản chiếm nửa Bắc, người Quốc gia còn lại miền Nam. Gia đình tôi cùng một triệu đồng bào di cư vào Nam. (Nếu hôm đón tôi ở phi trường Peoria, tháng 7-1975, ông thấy tôi có vẻ là một tay di tản thành thạo, chuyên nghiệp và lấy làm lạ thì bây giờ, đọc đến đây, ông đã biết lý do: 21 năm trước đó, quân ta đã được tập dượt di cư một phát rồi).
Gia đình tôi và phần lớn đồng bào di cư, lúc đó, rất khốn đốn vì bỏ lại miền Bắc nhà cửa, cơ nghiệp tạo dựng một đời. Phần tôi, một học sinh đệ lục (lớp bảy bây giờ) thì hơi vất vả vì bỏ lại cho bác Hồ ba đôi dép còn rất tốt. Đôi duy nhất mang theo được ít ngày là đứt, rách teng beng, buộc dây, quấn giẻ lung tung cũng chỉ cứu được một tuần. Thế là chú nhỏ di cư bắt đầu cuộc đời đi đất, vừa đi vừa nghĩ đến mấy đôi dép bỏ lại ở thị xã Hà Đông mà tiếc hùi hụi. Tôi bèn có kế hoạch tạo ngân quĩ để mua dép.
Hồi đó ở Việt Nam không có vụ trẻ con đi làm việc vặt để kiếm tiền, hoặc có mà tôi không biết. Tôi chỉ biết gây quĩ bằng cách giữ chặt ngân sách dành cho vụ di chuyển, chỉ chi ra một phần cho hãng xe buýt.
Trại định cư tôi ở nằm ở vùng ngoại ô phía Tây Sài Gòn, lúc đó, còn là đồng ruộng, làng quê. Hàng ngày, tôi sẽ đi xe thổ mộ tới bến xe buýt, người lớn hai đồng, trẻ con một đồng. Xe buýt Chí Hòa Sài Gòn một đồng nữa. Từ bến xe buýt trung tâm Sài Gòn, đi bộ chừng một dậm là tới ngôi trường Tiểu học mà thầy trò bọn di cư được dành cho đúng ba giờ đồng hồ vào buổi trưa để dậy dỗ nhau. Lượt về, lại hai đồng nữa. Một ngày, tôi có bốn đồng cho vụ di chuyển, theo đúng kế hoạch mẹ tôi đã chuẩn chi.
Vụ vồ lại hai tì của mấy ông đánh xe ngựa thì dễ. Đoạn đường từ ngã ba ông Tạ xuống bến xe buýt không xa, tôi cuốc bộ dễ dàng, đủ hai lượt đi về. Xe buýt chuyến đi không tránh được, nhưng lượt về, thỉnh thoảng tôi cũng liều cuốc bộ một chuyến để dành cho được thêm một tì.
Cuốc bộ lượt về, gặp ngày may mắn, có anh học lớp lớn, động lòng thương cảm thằng nhỏ di cư không có tiền đi xe buýt, gọi lại cho leo lên sau xe đạp để anh đèo đi một đoạn đường dài. Cũng có bữa xui tận mạng, gặp ông đàn anh cà chớn. Mới đèo mình được một lúc là ông ấy ngừng xe, đuổi xuống lại còn mắng thêm mấy mắng: “Thằng này nom choắt choeo, mà nặng quá. Đạp mệt bỏ cha. Thôi, xuống mày!”
Ngoài ra, lại còn cái nạn bị bạn bè phản thùng.
Sau giờ học, tụi bạn thường rủ tôi đi đá banh ở Vườn ông Thượng (sau nay là sân Tao Đàn). Những đứa con nhà khá giả, có xe đạp, đua nhau hứa vung vít là sau đó sẽ đèo tôi về tận nhà. Tan cuộc, lũ cuội ấy trở mặt một cách rất trắng trợn, nhất là những đứa ở phe bị thua đậm. Có đứa thực thà rên rỉ rằng đá banh mệt quá, giờ phải đèo một thằng về ngã ba Ông Tạ thì chắc gẫy giò. Có đứa diễn tuồng con nhà gia giáo, nhìn đồng hồ rồi nhảy phốc lên lên xe đạp, ồn ào giải thích rằng: ham chơi về trễ thế này chắc ông già đánh nát đít, phải về trình diện càng sớm càng tốt.
Thoáng một cái là bọn lừa thầy phản bạn, ác ôn côn đồ ấy phú lỉnh hết, bỏ tôi trơ trọi giữa trận tiền. Lúc ấy nếu ra trạm xe buýt ngay thì tình cảnh cũng không đến nỗi tệ. Nhưng tôi khát nước gần chết, sau mấy giờ chạy nhảy hò hét. Thà cuốc bộ hơn chết khô! Cậu nhỏ bèn hào sảng tự đãi mình một ly chanh muối tổ chảng để lấy gân mà… cuốc. Nhiều hôm, mới về tới đầu chợ Ngã ba ông Tạ, trời đất đã tối hù. Từ đó, đi tắt vài con đường làng nữa mới tới nhà. Băng ngang khu nghĩa địa lúc trời tối, chỉ nghe tiếng mấy cây tre kẽo kẹt, đã sợ muốn rúm ró cả người.
Sách vở không có, vụ đi học, về học đã mất cả nửa ngày, học hành như thế làm sao khá được. Các bạn tôi, dù không ở xa trường, không khốn đốn vì một kế hoạch gây quĩ mua dép, cũng chẳng khá hơn tôi bao nhiêu. Trong hoàn cảnh di cư, các cậu ấy cũng phải đóng góp vào cuộc tái định cư của gia đình, cũng trôi nổi từ trại tạm cư này qua trại tạm cư khác. Trường học thì lúc ở trường tiểu học Trương Minh Ký, lúc rời qua trường tiểu học Lê Văn Duyệt. Năm học lại bị gián đoạn nhiều lần khi quân chính phủ đánh đấm quân Bình Xuyên. Rồi còn biết bao nhiêu lần thầy trò đi biểu tình khắp Sài Gòn Chợ lớn hô khẩu hiệu ủng hộ thủ tướng Ngô Đình Diệm, đả đảo kịch liệt cựu hoàng Bảo Đại.v.v…
Nếu không được giáo sư Lưu và các bạn ông cứu, chắc tôi không qua nổi bậc trung học đệ nhất cấp.
Mùa hè 1955 và 1956, sinh viên văn khoa Lưu và một nhóm sinh viên ở các phân khoa khác tổ chức lớp hè miễn phí. Năm đầu ở trường Cầu Kho, năm sau trường Chợ Quán. Cuối khóa hè 1955, các anh ấy còn tổ chức một cuộc thi văn chương. Hai cậu học trò đoạt giải nhì, giải ba, về sau thành những nhà văn, nhà báo nổi tiếng.
Giáo sư Lưu hồi đó, chắc chưa tới 20 tuổi. Những người dậy lớp hè, sinh viên năm thứ nhất, năm thứ hai, không chừng còn ở tuổi choai choai (teenage). Vậy mà nhớ lại, tôi chỉ thấy những con người hết sức trưởng thành, chững chạc.
Là sinh viên di cư, chắc họ còn gặp nhiều khó khăn, có nhiều vấn đề cần giải quyết hơn là bọn nhóc chúng tôi. Ngay cả việc biểu tình, họ cũng lãnh những vụ nặng hơn tụi tôi nhiều.
Chúng tôi xếp hàng dọc đường Công Lý phất cờ đón Thủ Tướng và các quốc khách hoặc đi vòng vòng quanh chợ Bình Tây hô khẩu hiệu thì chỉ mỏi cẳng và khát nước. Sinh viên thì biểu tình vây một khách sạn có viên chức Việt Cộng trong một ủy hội Quốc tế gì đó, có đập phá, có cảnh sát xô đẩy, một sinh viên bị thương mù cả hai mắt, về sau phải học nghề khâu giầy để sinh sống.
Những người trẻ ấy, họ cảm thấy có trách nhiệm lo lắng cho con em của các gia đình khác. Họ nhiệt thành tham dự vào những sinh hoạt liên quan đến số phận đất nước, đồng bào. Khó mà tưởng tượng rồi ra lại có kẻ biến thành gã đàn ông vô trách nhiệm, vô đạo đức như trong “Mùi đu đủ xanh.”
Xin kể một chút về ông Nguyễn, ông Phan.
Ông Nguyễn rời Việt Nam du học từ trước 1950. Đậu hai bằng tiến sĩ, hiện là giáo sư trường đại học UCSD. Thành công ở Mỹ, sống xa quê nhà nhiều thập niên, nếu ông Nguyễn có cảm thấy ít gắn bó với Người Việt, đất Việt, thì cũng là chuyện bình thường.
Nguyễn Đình Thắng
TS Nguyễn Đình Thắng,Chủ tịch Uỷ Ban “cứu người vượt biển”(và KC cùng cộng sự)
Nhưng cuối thập niên 70, khi đọc xong bài hồi ký của những thuyền nhân bị hải tặc Thái giam giữ ở đảo Ko Kra để hành hạ, ông Nguyễn giàn giụa nước mắt. Ông trở thành Chủ tịch Ủy ban báo nguy giúp người vượt biển (Boat People SOS Committee). Suốt hơn mười năm, cùng với ông Phan và một vài vị khác, ông Nguyễn dùng uy tín, sự quen biết, thì giờ, tiền bạc của mình vào việc cứu vớt thuyền nhân.
Nỗi khổ của người vượt biên, những nỗ lực, công trình của ông Nguyễn, ông Phan đưa tiếng kêu cứu của họ đến những tấm lòng nhân đạo khắp thế giới… nếu kể lại, cần hàng ngàn trang sách.
Thư này, chỉ kể với ông một chuyện nhỏ. Vì một sáng kiến của tôi, nẩy sinh hoàn toàn vì thiện ý, mà Ông Nguyễn, ông Phan đã gặp những chuyện phiền lòng.
Hồi ấy, ông Phan đang làm cai thợ ở một hãng đóng tàu thì bị một tai nạn. Với một ngón tay bị ống sắt đập nát, ông Phan được cho ngồi chơi xơi tiền lương bất khiển dụng.
Gọi điện thoại hỏi thăm, tôi gặp một ông Phan đang khoái trí. Ông ấy bảo rằng chắc trời xui đất khiến, từ nay ông có thể làm việc suốt ngày cho Ủy ban. Thế là ngày ngày, ông thợ ống nước bất khiển dụng của hãng đóng tàu, với bàn tay băng bó một cục, chăm chỉ đến văn phòng “Ủy ban báo nguy” dùng bàn tay còn lại để viết văn thư, thảo kế hoạch, giữ đúng nhiệm vụ của một giám đốc điều hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét