Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2019

“LỊCH SỬ CÓ THỂ THƯƠNG THẢO VÀ VIẾT LẠI THEO NHU CẦU”-TIẾN SĨ BÒ PHẠM HỒNG TUNG

TÔI KHINH BỈ VÀ CĂM PHẪN TÊN GIÁO SƯ SỬ HỌC PHẠM HỒNG TUNG

Đặng Tiến
Cảm ơn VIETNAM.NETđã có bài phỏng vấn để dư công luận biết rằng ở xứ ta rác rưởi cũng có thể trở thành giáo sư!
Đọc bài trả lời phỏng vấn VIETNAM.NET của Phạm Hồng Tung tôi không dám tin vào mắt mình! Căm giận! Thấy như muốn ngạt thở!
Ông bạn vong niên của tôi là Ngô Vưu, nhà giáo đã nghỉ hưu, người Huế, luôn điềm tĩnh có phần dịu dàng nữa cũng phải thốt lên rằng anh bị sốc trước bài trả lời của Phạm Hồng Tung!
Thú thật, tôi muốn đập phá một cái gì đó cho bõ tức.
Xách xe đạp và tôi lao ra đường, liền một mạch đến 50 km để giải tỏa bớt nỗi bức xúc.
Suốt chặng đường 50 km lại cứ vang lên hai tiếng Nà Sác. Nà Sác. Nà Sác.
Chắc hầu hết mọi người không biết địa danh này đâu.
Tháng Hai năm 1979, chiến tranh biên giới bùng nổ. Phương tiện truyền thông lúc đó rất hạn chế. Một tờ báo, một bản tin qua loa truyền thanh đã là rất quý rồi. Cuộc chiến diễn ra chớp nhoáng….Cuộc sống thì ngập đầy lo toan, vất vả, cực nhọc Nhưng tôi không tài nào quên được hai tiếng Nà Sác.
Nà Sác một bản nhỏ gần như vô danh thuộc huyện Hà Quảng – Tỉnh Cao Bằng. Xa vời vợi. Không rõ tôi đã đọc trên báo hay nghe qua loa truyền thanh mà biết rằng mờ sáng ngày 17 tháng Hai năm 1979 cả bản vẫn yên giấc sau Tết Nguyên Đán chưa lâu và đang vào độ Tết Xuân với đủ các lễ Tết của người Tày thì bất ngờ pháo gầm lên. Từng chùm đạn đổ xuống. Trong chớp mắt xóa sổ gần như hoàn toàn Nà Sác! Những người dân vô tội chết gần hết trong chớp mắt. Họ chết mà không biết chết vì lí do gì. Một thảm họa. Một cơn ác mộng. Một điều gì đó cực kì phi lí, cực kì tàn khốc…
Cho mãi đến tận cuối năm 1986, khi đi lính nhân đạp xe ra biên tôi mới ghé vào thăm Nà Sác được. Cái tên bản đặt theo tiếng Tày kia tôi cũng chỉ hiểu được một nửa Nà hay Na nghĩa là ruộng còn Sác nghĩa là gì đến nay tôi vẫn không biết….Bảy năm đã qua nhưng Nà Sác vẫn hầu như vắng bóng người. Giữa đám lau lách um tùm tôi vẫn thấy chơ vơ vài ba cái cột nhà cháy dở. Vẫn thấy bơ vơ một vài cái cối đá. Bơ vơ. Hoang vắng. Lạnh rợn người.
Chiến tranh, chiến tranh là điều người lương thiện chẳng ai muốn. Chiến tranh là chết chóc, là tàn phá…
Nhưng cuộc chiến tranh ăn cướp của Trung Cộng năm 1979 và những năm sau đó có cái gì đó quái gở, phi lí đến cùng cực.
Những người dân như người bản Nà Sác kia trở thành đối tượng tàn sát của bọn xâm lược. Những người dân ấy tuyệt đối không hiểu vì sao họ lại phải chết. Chết tức tưởi, chết oan nghiệt, chết mà không kịp hiểu lí do. Một cuốn chiến tranh đơn phương không tuyên bố tận cùng của sự khốn nạn đểu giả tàn ác….
Suốt dải biên cương từ Quảng Ninh sang Điện Biên có bao nhiêu Nà Sác? 6 vạn người Việt Nam đã chết phần lớn là những người dân vô tội. Quân xâm lược đã tàn sát những người dân ấy vì lí do gì? Vì lí do gì bọn chúng dùng lựu đạn cay, súng phun lửa, khói đốt lốp xe để giết sạch người dân trú ẩn trong một hang đá?….
Phạm Hồng Tung mang danh giáo sư sử học ăn lương cao ngất từ tiền thuể dân lẽ nào không biết những chuyện như thế? Ai cũng biết quan hệ giữa hai nước láng giềng đặc biệt là với Trung Quốc là vô cùng phức tạp, nhất là khi ta lại liền núi liền sông nhưng có nguyên tắc sử học nào như Tung đề nghị không? Rằng giới sử học hai nước nên ngồi lại với nhau để thống nhất quan điểm, thống nhất cách tiếp cận vấn đề; rằng viết về cuộc chiến tranh ấy không nên dùng các từ nhạy cảm như man rợ dã man!
Tung, người lên hỏi dân Nà Sác xem họ đã được bọn xâm lược đối xử như thế nào bằng pháo bầy, pháo chùm? Tung, người hãy lên Vị Xuyên hỏi cựu chiến binh đang canh giữ đền thờ liệt sĩ hỏi xem bọn Trung Cộng đã trút đạn pháo xuống đó như thế nào? Bọn Trung Cộng đã biến một vùng đất thành lò vôi thế kỉ, thành cối xay thịt người như thế nào? Tung, người hãy lên Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên mà nhìn hàng nghìn ngôi mộ lính chết ở mặt trận Vị Xuyên vào giữa những năm 80 để xem bọn xâm lược có dã man, có tàn bạo hay không?
Không thể tưởng tượng nổi Tung lại là Giáo sư sử học của Đại học Quốc gia, lại đang chịu trách nhiệm viết sử dạy cho học trò!
Tôi bày tỏ thái độ căm phẫn và khinh bỉ tên Tung.

‘Khi bị xâm phạm chủ quyền, cả dân tộc sẽ đứng lên’

Thứ Năm, ngày 14/2/2019 – 01:45
BÁO PHÁP LUẬT
‘Khi bị xâm phạm chủ quyền, cả dân tộc sẽ đứng lên’
(PL)- Để chống lại dàn quân khổng lồ từ Trung Quốc tràn sang, lực lượng tại chỗ của ta đã chiến đấu quả cảm đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
TIN LIÊN QUAN
“Tiểu đoàn 4 vào sẵn sàng chiến đấu 100%…” – ông Nguyễn Xuân Thu lúc đó đang là tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3 – Sao Vàng nhớ lại câu hiệu lệnh cuối cùng mình nghe được khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc 40 năm trước, chính thức bắt đầu.
Bởi khi lệnh chỉ huy từ trung đoàn chưa dứt, pháo kích từ phía Trung Quốc (TQ) nã vào đã phá hỏng hệ thống liên lạc. Chiến sĩ thông tin của tiểu đoàn đã hy sinh.
Đương đầu với dàn quân khổng lồ từ TQ
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm (nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam) lúc đó đang là phó chính ủy Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 đang đóng ở huyện Than Uyên, Hoàng Liên Sơn (nay là Lai Châu) cho hay phải đến ngày 18-2-1979, ông mới nhận được thông báo TQ đã đánh vào thị xã Lào Cai.
“TQ đưa đến 60 vạn quân, hơn 10 quân đoàn tấn công hàng loạt tuyến biên giới phía Bắc của chúng ta. Chiều sâu tiến vào của họ là 50 km, nếu tính cả chiều sâu hỏa lực là hơn 70 km” – Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm nhớ lại.
Còn với ông Nguyễn Xuân Thu, sau khi liên lạc bị cắt đứt, ba ngày liền tiểu đoàn chiến đấu độc lập trên trận địa của mình mà không có pháo binh và lực lượng bộ binh cơ động chi viện.
Dù vậy, toàn tiểu đoàn vẫn giữ chốt tới ngày 20-2-1979. Đến ngày 21, với sức tấn công của một sư đoàn bộ binh quân TQ và một tiểu đoàn xe tăng thì một số điểm trong trận địa của tiểu đoàn đã không cầm cự nổi.
Do lực lượng quá mất cân đối, tiểu đoàn phải lui về xây dựng trận địa phòng ngự tại cao điểm 300 phía Nam Đồng Đăng (Lạng Sơn) và bắt được liên lạc với trung đoàn. “Lúc đó trung đoàn mới biết tôi còn sống và bộ đội Tiểu đoàn 4 vẫn chiến đấu trên trận địa của mình trong những ngày mất liên lạc” – ông Nguyễn Xuân Thu kể.
Ông Phạm Văn Quang, nguyên Tiểu đoàn trưởng thuộc Trung đoàn 197, kể lại ngay từ ngày 17-2 đã nhận được lệnh cấp trên chặn quân TQ ở phía Bắc cầu Khánh Khê với tinh thần bằng mọi giá phải bẻ gãy mũi vu hồi chiến dịch bao vây chia cắt Lạng Sơn của địch.
“Đến ngày 21-2-1979 địch bắt đầu nã pháo, rồi bộ binh có xe tăng yểm trợ tiến đánh vào trận địa. Ta có pháo binh yểm trợ đã bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch. Suốt từ sáng cho đến 17 giờ, quân địch tổn thất nặng nề cả về người và xe tăng. Xác địch nằm la liệt trước trận địa” – ông Phạm Văn Quang hồi tưởng.
‘Khi bị xâm phạm chủ quyền, cả dân tộc sẽ đứng lên’ - ảnh 1

Cảnh hoang tàn đổ nát ở Lạng Sơn vào tháng 2-1979. Ảnh: TƯ LIỆU
‘Khi bị xâm phạm chủ quyền, cả dân tộc sẽ đứng lên’ - ảnh 2

Các lực lượng của bộ đội ta chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ Tổ quốc trước quân Trung Quốc. Ảnh: TƯ LIỆU
Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng
Nói về tổn thất ban đầu của ta trong cuộc chiến đó, Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm miêu tả: Địch gần như phá hủy cơ bản năm thị xã lớn của chúng ta là Lào Cai, Cam Đường, Cao Bằng, Lạng Sơn, Móng Cái.
Trung đoàn 148 nhận nhiệm vụ phòng ngự để bảo vệ dân, dàn quân từ Cốc San lên tuyến đường đi Sa Pa. Từ hai thị xã Lào Cai và Cam Đường, hàng vạn người dân hoảng loạn chạy sơ tán. Bộ đội ta tiến lên phía trước, còn dân chạy về phía sau để tránh bớt thương vong. 
Ông Phạm Văn Quang nhớ lại, đến ngày 25-2-1979 địch đã mở rộng tấn công vào nhiều trận địa. Có tiểu đội đã chiến đấu dũng cảm đến giây phút cuối cùng, cả tiểu đội hy sinh. Khi hết đạn, chiến sĩ đánh giáp lá cà với địch để chờ quân tiếp viện của ta đến.
Ông Quang nhớ mãi hình ảnh Tiểu đội trưởng Vi Văn Thắng vẫn ôm chặt tên địch ngay trên bờ công sự. Khi đồng đội gỡ tay ra và đưa anh về phía sau nằm, anh chỉ bảo: “Kê đầu tôi lên cao chút nữa để tôi nhìn thấy trận địa chốt của ta lần cuối”. Sau đó anh trút hơi thở cuối cùng.
Những bài học rút ra
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm cho rằng đây là lúc để chúng ta nhắc lại cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc, vì nó là lịch sử và phải nhắc lại đúng bản chất, tính chất, tên tuổi của nó.
Theo tướng Khảm, cuộc chiến này đã để lại cho cả hai bên nhiều bài học. Ông nói: Bài học của chúng ta là không được mất cảnh giác trong bất kỳ điều kiện và hoàn cảnh nào. Xây dựng đất nước chúng ta giàu đẹp nhưng không được lãng quên, phải luôn luôn bảo vệ Tổ quốc, chuẩn bị tốt nhất cho đất nước. Phía bên kia cũng phải rút ra những bài học, đó là bài học về sự hơn thua. “Họ nói dạy cho chúng ta một bài học nhưng ai dạy ai. Đó là cuộc chiến vừa phi lý vừa thiệt hại lớn cho TQ” – tướng Khảm nhận định.
Tướng Khảm cho rằng xảy ra xung đột, xảy ra chiến tranh cả hai bên đều tổn thất, hậu quả sẽ kéo dài. Vì vậy việc giải quyết các vấn đề bằng hòa bình, hữu nghị phải luôn được đưa lên hàng đầu. Bởi để xảy ra xung đột, chiến tranh là bài học lịch sử phải tránh, bất cứ nước nào dù có lớn mạnh đến đâu cũng vậy. “Nhưng khi đất nước bị xâm phạm chủ quyền thì cả dân tộc sẵn sàng đứng lên bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc” – Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm quả quyết.
Chung tay hàn gắn vết thương chiến tranhSau cuộc chiến tôi rất phấn khởi vì Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước đã chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai Đảng, hai nhà nước, hai dân tộc ngày càng phát triển. Biên giới Việt Nam và TQ trên bộ đang hiện thực là hòa bình hữu nghị…Trung tướng NGUYỄN HỮU KHẢMnguyên Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam
VIẾT THỊNH



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét