Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

                   LẠI NGHĨ VỀ MỘT CÂU TỤC NGỮ

                            “CỌP CHẾT ĐỂ DA…”


Tạp Bút
MANG VIÊN LONG


         Chúng ta vẫn thường nghe từ cửa miệng của người dân quê câu “kết luận” đơn giản khi nhận định về một người nào đó (đang sống hay đã chết) rằng: “Cọp chết để da” mà!
         Câu tục ngữ đầy đủ là “cọp chết để da/ người ta chết để tiếng” ngắn gọn ấy, dường như ai cũng thuộc và hiểu: Cọp được xem là “Chúa tể sơn lâm”, sống vẫy vùng ngang dọc một thời núi rừng, khi chết đi vẫn còn lưu lại tấm da của mình, như một “ghi dấu”. Con người là một sinh vật “thông minh và khôn ngoan” nhất của mọi sinh vật, còn gọi là “linh vật” vì có đầy đủ chủng tử Phật (Phật tánh) – rất khó được nên thân người. Theo Lời Phật dạy, con rùa mù lặn dưới đáy bể sâu, trăm năm mới nổi lên mặt nước một lần; và tấm ván trôi nổi trên biển chỉ có một lỗ nhỏ vừa đủ cho đầu rùa chui vào. Nếu rùa mù nổi lên đúng vào chỗ tấm ván, lại đúng ngay cái lỗ nhỏ ấy, thì mới được thân người. Ví dụ này, để chỉ rõ – thân người vô cùng khó được! Đã được rồi, cần phải sống cho xứng đáng, để không uổng một kiếp lang thang, trầm luân!
          Tuy vậy,  thời gian dành cho một đời người lại ngắn ngủi - ai ai rồi cũng sẽ bị chôn vùi dưới ba tất đất với đôi bàn tay trắng như lúc được chào đời! Thân xác sẽ rã tan thành cát bụi. Nghĩa là, sự vô thường của vạn pháp mà Đức Phật đã khuyến dạy từ hơn 2637 năm trước, vẫn luôn là chân lý – là định luật bất biến (và chẳng bao giờ ngoại lệ dành riêng cho một con người nào – ngay Đức Thế Tôn).
          Có lẽ, tất cả cũng đều nhận biết rằng, cuộc sống trên trái đất nầy, là một cõi tạm, không hơn không kém (vì từ ngàn xưa đến nay, có ai lột da đẻ sống đời đâu?)! Câu tục ngữ “cọp chết để da”  tuy chỉ có 4 chữ (đầy đủ hai phần là 9 chữ) giản dị ấy của tổ tiên bao đời nhắc nhở; nhưng đã đúc kết được một truyền thống đạo lý thương yêu và hiến dâng của cả Dân tộc đã có từ ngàn năm: Đây có thể xem là một “triết lý sống” thắm đượm tư tưởng của Đạo Phật: Cuộc sống hữu hạn – đôi khi rất ngắn ngủi, nhưng chúng ta cần phải sống một đời sống có ích cho bản thân, cho đồng bào, cho đất nước của mình; như con cọp (con vật) kia, sau khi chết, vẫn còn lưu lại bộ da đẹp, hữu dụng cho con người.  Cũng vậy, con người cần phải để lại tiếng thơm, tiếng lành, công lao hiến dâng (tự lợi và lợi tha) sau khi đã xả bỏ thân tạm! Con cọp chết đi, còn lại bộ da có thể làm áo, chăn, mũ hay có thể nhồi cao su, bông (…) hiển hiện lại hình dáng “cọp” bên cạnh cuộc sống mọi người! Là người, khi thân tạm đã vùi sâu rã tan trong lòng đất rồi, thì nhân cách, đạo đức, tài năng, sự cống hiến (…) sẽ là “hình bóng/ tấm gương” sống động cho cuộc đời còn lại.
           Ở đây, cũng xin được lập lại thâm ý của người xưa: “Người ta chết để tiếng” chỉ cốt quan tâm đến phẩm cách, đạo đức, lối sống (thuộc về cá nhân) và tài năng cống hiến (thuộc về tập thể); cả hai đều thuộc phạm trù tinh thần (nhiều hơn). Những “lưu dấu” về mặt vật chất, còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp, tế nhị, chỉ là điều thứ yếu mà thôi; bởi hình thức chưa có thể để thẩm định được chân giá trị đích thực của đời người, và hơn nữa, phần đông đều là những con người bình thường…  
            Tôi tự hỏi: Nếu chúng ta không làm được điều “giản dị” mà con cọp (con vật) đã làm được – thì chúng ta sẽ như thế nào?
            Như đã chia sẻ ngay từ đầu, câu tục ngữ ngắn gọn dễ nhớ dễ hiểu ấy, tất cả (có thể từ nhỏ đến già) ai cũng đều được “nghe & biết” cả - nhưng làm (thực hành)…thì đôi khi không, mà còn làm ngược lại?!
            Chúng ta nhìn nhận một điều: Đời sống thực tế đôi khi rất khó khăn, phức tạp (và cũng lắm gian nan) để tất cả có thể quyết tâm thực hiện cho được chân lý sau cùng của đời sống mà bao đời cha ông đã làm, đã vun đắp, đã hy sinh, để có được cho các thế hệ tương lai một tấm gương sáng, một đời sống đáng sống và tốt đẹp; nhưng, tùy theo khả năng, và hoàn cảnh, mỗi người cần nên làm tốt “phần nhỏ” (thuộc về cá nhân) những gì cần làm cho chính mình, mà không làm điều trái ngược lại! Cái “phần nhỏ” ấy có thể chỉ đối với bản thân, với gia đình, giòng tộc, hay bà con xóm giềng thân thương gần gũi mà thôi. Ví như “giọt nước nhiễu lâu ngày cũng đầy bình. Kẻ trí sở dĩ toàn thiện bởi chứa dồn từng khi ít mà nên” (PC 122)
            Bình thường, ai cũng tham sống, ưa sống sung sướng, và sợ chết, ngại sống khổ; nhưng nếu làm ngược lại kỳ vọng của tổ tiên, của Dân tộc = tức là “cọp chết không để da/ người chết không để tiếng(tốt)” (mà lại để tiếng xấu), thì chắc rằng “trăm năm bia đá thì mòn/ ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” – không thể xóa mờ lỗi lầm, tội ác đi được! Điều hệ trọng tiếp theo, là xã hội, đất nước, dòng tộc (…) cũng sẽ bị ảnh hưởng nguy hại đã đành, mà chính cá nhận họ sẽ lãnh nhận một “nghiệp quả” bi đát cho suốt cuộc trầm luân sau nầy. Có một nhà hiền triết đã nói: “Nước của trăm ngàn đại dương, cũng không thể gột sạch vết nhơ của người đã làm điều xấu ác!”. Hay lời dạy của Đức Phật: “Chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn xuống đáy bể, chẳng phải chui vào hang sâu núi thẳm; dù tìm khắp thế gian nầy, chẳng có nơi nào trốn khỏi ác nghiệp đã gây” (PC 127 – Phẩm Papavaggo).Tiếng xấu (nghiệp ác) sẽ theo ta như bóng với hình ở đời nầy và đời sau!
                         “Cọp chết để da
                           Người chết để tiếng!”
           Là chân lý đạo đức cho muôn đời vậy!

MANG VIÊN LONG
    

   

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét