NGHĨ VỀ
MỘT CHIẾC GIÀY BỊ RƠI
Tạp Bút
MANG VIÊN LONG
Câu chuyện nhỏ về “một chiếc
giày bị rơi” của Ông Gandhi tôi đã đọc được ở đâu đó rất lâu, nhưng hình
ảnh và lời nói của Ông thì không bao giờ quên được: Một lần, Ông Gandhi đi tàu,
vì lên vội khi tàu chuyển bánh, nên bị rơi mất chiếc giày còn mới. Ông vội vàng
cởi chiếc giày còn lại, ném xuống chỗ chiếc giày bị rơi. Hành khách trên tàu
lấy làm ngạc nhiên, hỏi: “Sao Ông lại làm vậy?”. Gandhi ôn tồn đáp: “Nếu có một người nghèo nào
lượm được chiếc giày thứ nhất thì người đó có thể tìm thấy chiếc thứ hai và như thế là có được đủ đôi giày để đi.” .
Việc làm và cách nghĩ của Ông
Gandhi rất bình thường, có thể nói là đơn giản, nhưng đã cho thấy rất rõ “Con
Người” ông – một vị anh hùng của
dân tộc Ấn Độ, được mọi người gọi một cách tôn kính là “Linh hồn lớn”, hoặc là “Thánh Gandhi”.
Phản ứng và suy nghĩ tự nhiên của
mọi người khi bị “rơi mất chiếc giày mới” (hay rơi mất vật dụng gì), là gắng
tìm lại cho được, rồi “chép răng chép miệng” hối tiếc, thở than khi biết chắc
sẽ mất luôn = ít ra, cũng trong giây lâu. Ông Gandhi không như vậy. Phản ứng
kịp thời của Ông khi tháo vội chiếc giày còn lại, quẳng chiếc giày xuống gần
chiếc giày bị rơi khi tàu đang chạy; khiến tôi rất khâm phục! Ông đã có phản ứng rất nhạy bén, chính xác,
một cách tự nhiên và bình thường! Đó cũng là “phản xạ” có được từ trong máu
thịt Ông; không có gì bất thường và đáng ngạc nhiên như người hành khách trên
tàu đã hỏi …
Có kinh nghiệm sống dày dạn, có ưu
tư quan tâm thường xuyên đến người khác, có cảm nhận sâu sắc mọi vấn đề thiết
thân với đời sống từ rất lâu – mới kịp thời phản ứng bằng hành động một cách
đúng đắn, hợp tình như vậy. Chúng đã trở thành “nguyên tắc sống” bất di
bất dịch trong đời Ông, để hình thành nên một nhân cách toàn thiện.
Đức “Từ Bi” không đòi hỏi nhiều điều
kiện khó khăn, không ràng buột cố định, mới thực hiện được. Nỗi cảm thông và
tình thương yêu giữa người với người, chỉ cần thể hiện …bằng “một chiếc giày”
bị rơi như thế là đã sáng rõ. Gandhi đã
có một hành động thật cao quý vì trong khi bản thân mình bị mất mát như thế, ông vẫn để tâm nghĩ đến người khác. Tấm lòng cao thượng, tình yêu thương, đôi khi
không hề “tốn kém” gì (dù là một chiếc giày như của Gandhi), mà chỉ là một nụ
cười cởi mở ấm áp, một lời nói chân tình thân thiện, hay một lần ghé thăm nhau
= là đã đủ rồi!…
Trong Đạo Phật, pháp bố thí đã được
Đức Phật truyền dạy cho hàng tại gia và cả xuất gia, rất rõ ràng từ hơn 25 thế
kỷ qua: Hạnh nguyện căn bản của người tu Phật là tự lợi và
lợi tha. Tự lợi là chọn một pháp môn tu phù hợp với mình nhằm thanh lọc tâm
thanh tịnh và thăng hoa tuệ giác để thành tựu giải thoát. Lợi tha là tùy duyên
làm lợi ích cho chúng sanh trong khả năng có thể. Trong vô vàn công hạnh lợi
tha thì bố thí là hạnh nguyện dễ thực hành và phổ biến nhất” (1). Bố thí có ba:
Tài thí (bố thí tiền, vật chất), Pháp thí (bố thí pháp) và Vô úy thí (bố thí sự
không sợ hãi). Chỉ một việc làm “nhỏ”, Ông Gandhi đã có thể thực hành 2 sự bố
thí: Đó là tài thí và pháp thí!
Winston Churchill đã có lần
chia sẻ: “chúng ta sinh sống bằng những gì chúng ta kiếm được, nhưng chúng ta tạo lập đời mình bằng chính những gì mà chúng ta cho đi.” (We make a living by what we get; but we make a life by what
we give). Tuy vậy, trong thực tế đời sống, có lắm người chỉ muốn “nhận về” chứ
không thích “cho đi”. Thâu về bao nhiêu cũng chưa vừa, mà bỏ ra chút đỉnh, đã buồn,
lo! Nếu tất cả biết được rằng “Trái hồ lô (trái bầu) về mùa thu thì khô
rụng; thân nầy cũng vậy, rốt cuộc chỉ còn một đóng xương mầu lông hạc; rõ thật
chẳng có gi bền chắc, chẳng có gì vui!” (PC 149 – Phẩm Jaravaggo);
thì bao giờ cũng mở lòng sống với tình thương yêu, chia sẻ, cảm thông, bởi đó
mới chính là điều tốt đẹp cần thiết nhất, tư lương duy nhất mà họ cần “tích
trữ” cho đời người ở kiếp nầy và kiếp sau!
Ngạn ngữ Anh cũng có câu: “Điều tôi
tiêu đi là tôi có, điều tôi giữ lại là tôi mất, điều tôi cho đi là tôi được” và “Giúp đỡ người khác là giúp đỡ chính mình”.
Những lời khuyên dạy ấy nhắc cho mọi thế hệ ghi nhớ, hãy sống cho tình yêu
thương và ban phát; chớ nên sống đời
khép kín, ích kỷ, tham lam bởi “điều tôi giữ lại là tôi mất” = tất cả đều sẽ hư
huyễn, giả tạm, theo luật sinh diệt vô thường của vạn pháp (Vạn pháp do duyên
sinh, cũng do duyên diệt).
Một nhà văn
đã tâm sự: “Người cho bao giờ cũng hạnh phúc hơn người nhận!”: Quả
vậy, niềm vui sướng, thảnh thơi, an lạc, đem lại cho “người cho” to lớn, lâu
dài; như tiếp thêm nguồn năng lực mầu nhiệm cho đời sống, có khi trong suốt cả
một đời người…
Giống như
chiếc giày của Gandhi đã quẳng xuống sân ga cách nay đã gần hai trăm năm, vẫn
còn mới nguyên một nhân cách tuyệt vời, như hương thơm của loài hoa bất tử mang
tên Gandhi…
MANG VIÊN LONG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét