Thứ Hai, 29 tháng 6, 2015

THƠ NGUYỄN BẮC SƠN VỚI NGÀY XƯA

                                 Tùy bút của NGỌC BÚT

Có một cô bé ngày xưa rất yêu thơ và tập tành làm thơ. Thơ cô là thơ con nít yêu cha mẹ yêu thầy cô trường lớp bạn bè. Lớn lên một chút là những bài thơ tình mơ hồ mông lung sương khói. Như nhiều cô bé thuở ấy. 
Nhưng không giống nhiều cô bé hồn nhiên thuở ấy ở các thành phố lớn, cô còn làm thơ… chiến tranh. Không thể khác được, vì cô gần như sống trong lòng nó, từ những ngày bé thơ ngủ hầm với ngoại trong vùng xôi đậu cho đến khi lớn lên thành thiếu nữ. Cô bị chiến tranh ám ảnh. Cô bị những cái chết phi lý trong chiến tranh ám ảnh. Cô bị những cuộc chia lìa vì chiến tranh ám ảnh. Và dường như cô già trước tuổi.

Hoài  là cô bé dường như già trước tuổi ấy. Bốn mươi hai năm trước.

Mùa hè năm cuối cùng bậc trung học đệ nhị cấp, một mùa-hè-đỏ-lửa với bao biến cố, người bạn lớn xa xôi đã gởi tặng Hoài một món quà tuyệt vời: tập thơ Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn(*). Hoài lập tức bị ấn tượng mạnh với giọng thơ mà - với riêng Hoài - hào sảng không phải hào sảng, bất cần không phải bất cần, mà là một cái gì trên cả hào sảng và bất cần.

Ta sống ở đời như một kẻ nhàn du
Trôi qua tháng, trôi qua ngày, trôi trên cuộc đời huyễn mộng
Trôi từ chiếc nôi ru đến nấm mồ
Trên trái đất có rừng già núi non cùng biển sóng
Trong Nguyễn Bắc Sơn có một kẻ làm thơ
Kẻ làm thơ đôi khi biến thành du đãng
Hoặc nhà tu theo khí hậu từng mùa…
                 (Chân Dung Nguyễn Bắc Sơn, trang 41)

Chìm khuất sau những câu thơ như ngông như nghênh ấy là một nỗi đau xót không nguôi cho phận người trong chiến tranh - của chính người viết những câu thơ ấy và của bao người chung quanh.

Mày về thăm ta như chuột lột
Thất thểu chỉ còn xương với cốt
Tráng sĩ kia hề qui cố hương
Thê thảm còn hơn thằng cốt đột
Tráng sĩ kia hề qui cố hương
Chinh chiến sao mày không chết tốt
Dăm đồng rượu trắng vội bày ra
Nhậu để khói sầu lên ngút ngút
         (Bài Hát Khổ Nhục, trang 28)

Hay có phải vì đau xót quá mà như hóa ngông nghênh bất cần?

Ngày trước mày hiền như đất cục
Giờ mở miệng ra là chửi tục
Hà hà ra thế con nhà binh
Ngôn ngữ thơm tho như mùi cứt
         (Bài Hát Khổ Nhục, trang 29)

Hoài có một nhóm bạn cùng lớp rất thân thương suốt bảy năm trung học ở một ngôi trường nhỏ nơi một quận lỵ nhỏ. Làm gì đi đâu cũng rộn ràng gái trai cả lớp. Năm mùa-hè-đỏ-lửa, Hoài đang học lớp cuối cùng bậc trung học. Bọn con trai trong lớp Hoài chỉ được tiếp tục học sau khi đâu Tú Tài II mà không dư một tuổi nào. Quá 18 tuổi là phải vào quân trường. Ở nhà quê, ít đứa được học đúng tuổi như Hoài, mà thường đi học trễ. Nên bọn con trai bạn Hoài hầu hết đều đi vào quân trường sau khi xong bậc trung học. Hoài đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn và Hoài thương bạn bè mình lắm.

Ngoài nghĩa trang có một tòa cổ miếu
Trưa học về chàng hay trốn vào đây
Gửi tâm hồn vào những đám mây bay
Đi tranh luận cùng thánh hiền thiên cổ

Đến thư viện chàng vội vàng trở lại
Chồng sách cao chôn mất nửa đời người
Còn thi ca?Ta không còn muốn nhớ
Những thiên đường không tưởng tuổi mê chơi
            (Những Năm Tâm Hồn Còn Trữ Tình…, trang 35)

Ph. là người bạn duy nhất trong lớp Hoài biết thổi sao. Tiếng sáo của Ph. rất tuyệt vời. Thực ra trong lớp có đứa nào ngoài Ph. biết thổi sáo đâu mà không tuyệt vời! Chỉ mấy tháng sau ngày rời quân trường TĐ, Ph. đã ra người thiên cổ.

Mùa bão rớt đưa tang trong thành phố
Anh không về theo ngõ tối bờ sông
Từng tối đến anh không về thổi sáo.
Vì phố lầu không có kẻ ngồi mong.
            (Những Năm Tâm Hồn Còn Trữ Tình…, trang 36)


Phương không về nữa không phải vì phố lầu không có kẻ ngồi mong, mà vì một viên đạn vu vơ vô minh nào đó ở tận miền Tây sông rạch bùn lầy. Và Th. nữa. Hoài đã kênh kiệu vô tình làm Th. đau đớn dằn vặt suốt những năm tháng thơ ngây chỉ vì tính trẻ con của mình. Th với Hoài đã là bạn hàng xóm bạn học với nhau từ thuở bắn bi. Hoài đã để Th. ra đi, lòng còn rất nặng, cũng vì một viên đạn vô minh ở Bồng sơn xa xôi, mà không một lời xí xóa cho nhau. Th. không còn kịp sống đến tuổi già để còn có lúc gặp lại mơ màng. Hoài nợ Th một lời xin lỗi Th. ơi.

Trùng bọt biển tắp chìm vào chân sóng.
Em là chim bay thoát tới trời xa
Ta còn ta trong cánh rừng hoài vọng
Vuốt tóc bồng theo dấu vết em qua.
            (Những Năm Tâm Hồn Còn Trữ Tình…, trang 35)

Và bạn lớn. Bạn lớn đã tặng Hoài tập thơ ấy trước khi vào quân trường. Một lời nhắn gởi gì chăng? Đường xa dịu vợi, bao nhiêu bất trắc đợi chờ trong bom đạn, biết có còn ngày trở về nguyên lành như xưa? Những câu thơ làm Hoài thắt ruột và thuộc lòng rất nhiều năm sau mỗi khi nhớ về bạn lớn – với trí tưởng tượng thuở 18 tuổi.

 Một ngày chủ nhật phơi giày trận
Ta bỗng tìm ra một vết thương
Vết thương bàng bạc như là khói
Ngưng đọng nhà ai ở cuối đường

Mày gửi một chân ngoài trận mạc
Mang về cho mẹ một bàn chân.
Mẹ già khóc đến mù hai mắt
Đời tàn trong lưa tuổi thanh xuân.

……………………………………

Ta mắc bệnh ung thư thời chiến
Thoi thóp còn một trái tim khô
Sợ hãi con người hơn thú dữ
Nhìn nơi nào cũng thấy hư vô
                  (Căn Bệnh Thời Chiến, trang 26 & 27)

Thơ Nguyễn Bắc Sơn. Một thời mới lớn của Hoài. Có vẻ như khập khiễng khi một cô bé mười tám tuổi sống trong sự bảo bọc của gia đình lại quá ngưỡng mộ lời thơ ngang tàng của  ông? Có phải thơ ông không hợp với cuộc đời Hoài? Xin hãy để chữ duyên tiền định trả lời. Dù sao Hoài cũng đã đọc thơ ông và những giòng thơ ấy đeo đẳng Hoài suốt mấy mươi năm.  

*

Qua bao biển dâu, mất mát và thất lạc nhiều thứ của đời mình, Hoài vẫn còn đây tập thơ ngày cũ. Giấy đã úa vàng. Nhưng thơ vẫn ngút trời một giọng rất riêng. Chiều mùa hè. Nắng như lửa và trời oi nồng ngột ngạt. Hình như là nắng và trời của bốn mươi hai năm trước. Những hoài niệm chợt sống dậy. Không phải để nuối tiếc (nuối tiếc gì những ngày bom rơi đạn nổ?!), mà  nhớ để cảm ơn và yêu thương cuộc đời này hơn, vì một điều thật đơn giản: đã có người SỐNG  như vậy, LÀM THƠ  như vậy, đem cả đời mình CHƠI VỚI THƠ như vậy. Để cuộc đời này, trong đó có Hoài, mãi còn có một CÕI tuyệt vời cho con người SỐNG VỚI, ngoài cơm ăn áo mặc đời thường.

 NGỌC BÚT
(Saigon, 5/2014)



(*) Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi, thơ Nguyễn Bắc Sơn, nhà xuất bản Đồng Dao, Saigon 1972. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét