Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Khuôn viên Chùa Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ ảnh Lê Hồng Đa

BUỔI SÁNG
KHI THỨC DẬY ...


                         

           
                                        

M
ặt trời hừng đông. Ngày mới lại đến. Buổi sáng bắt đầu cho một ngày mới của  đời sống. Cô giáo cũ dạy Triết của tôi năm  Đệ Nhất (lớp 12 bây giờ) đã ngoài 60 - mỗi lần đến thăm cô (hay bất ngờ gặp lại cô ở đâu đó) - Cô đều chép miệng nói: “Cuộc đời sao nhạt nhẽo, vô vị quá, phải không em?”.
Có lần cô tâm sự: “Buổi sáng, thức dậy, cô không muốn ra khỏi giường vì luôn cảm thấy buồn chán; cảm giác chán chường, vô vị, lạt lẽo cứ bao trùm kín mít đầu óc như một nỗi thất vọng lênh đênh kéo dài…”. Tôi hiểu cô. Đời cô đã trải qua bao thăng trầm, chứng kiến bao đổi thay, vô thường của kiếp sống. Cuộc đời còn lại thì quá ngắn ngủi. Cuộc sống đúng là hão huyền, như hoa đóm, giọt sương!
Khác với cô giáo dạy Triết của tôi, ông bạn láng giềng mỗi sáng gặp nhau ở sân - đều cười nhạt sau cái lắc đầu: “Mở mắt ra đã thấy công việc - lật đật xuống giường nhiều lúc quên cả xỏ dép - vào phòng đánh răng rửa mặt, vội vã thay áo quần, ra mở cửa đón khách… (ông là chủ của một hiệu thuốc Tân dược). Ngồi dính vào cái quày này cho đến 10 giờ đêm…”. Tôi hiểu ông. Ông đang buôn bán đắc đỏ, khách hàng ra vào nườm nượp, hằng ngày thu lợi hơn mấy trăm ngàn, cả bạc triệu, làm sao dám bê trễ, dứt bỏ? . Sống vội vã như bị dồn đuổi nên không biết “trời trăng mây gió” gì là phải . Và cái chứng bệnh “ăn không ngon, ngủ không yên” - luôn bồn chồn, mệt mỏi, thấp thỏm lo âu mà ông đã tốn khá nhiều tiền cho bác sĩ cũng không thuyên giảm cũng là phải!
Nhìn người, biết người - Tôi luôn có dịp “nhìn lại mình” để coi mình đã đón buổi sáng như thế nào, đã sống như thế nào trong ngày để tránh được hai thái cực nguy hại, vừa buồn thảm vừa hoang phí đời sống như thế.
Không giống cô giáo cũ, khi còn nằm trên giường biết mình đã thức dậy - Tôi luôn có niềm vui đầu tiên là “nhận biết mình còn sống!”. Tôi còn có mặt trên cõi đời này. Đó là một điều hạnh phúc. Một niềm vui lớn. Nghĩ nhớ đến mấy người bạn mà tôi vừa đưa họ lên nghĩa trang, hay vừa được mời đến “ăn giỗ” lần thứ nhất - lại cảm thấy dù gì, mình vẫn còn diễm phúc để sống, để làm việc hơn họ ít nhất là trong một buổi, một ngày. Thân còn khỏe. Trí còn sáng suốt. Tôi nghĩ mình còn có thể “mượn thân giả, làm việc, tu hành” thêm nữa. Đó là một ân huệ lớn mà mình được hưởng sao lại lãng quên, bỏ phí?
Như lệ thường, tôi thắp hương ở bàn thờ Phật, ông bà - ngồi bán già ở chiếc di van đối diện, ngửi mùi trầm thơm, nghe hơi thở đều đều nhẹ nhàng ra vô buồng phổi - để thấy giây phút buổi sáng hiện tại thật quý, thật đẹp, thật… đáng sống biết bao! (cho dù thời gian cảm nhận không lâu, cho dù sau đó, trong ngày có bận bịu với chuyện “cơm, áo, gạo, tiền” muôn thuở!). Tôi thường quán niệm bài kinh ngắn “Nhất Dạ Hiền” để luôn nhắc mình hãy sống hết lòng với phút giây hiện tại, dù cho nhân duyên có như thế nào:
                     “Quá khứ không truy tìm,
                     Tương lai không ước vọng,
                     Quá khứ đã đoạn tận,
                     Tương lai thì chưa đến…
                     Chỉ có pháp hiện tại,
                     Tuệ quán chính ở đây,
                     Không động, không rung chuyển!
(…)”           
          Biết sống với phút giây hiện tại, tôi không cảm thấy “cuộc đời sao nhạt nhẽo, vô vị quá” như lời cô giáo cũ bởi vì cùng lúc tôi cũng ý thức được, “thân người khó được” - có được rồi, thì hãy biết trân quý đời sống, để được có thời gian hoàn thiện mình. Thực hiện thêm những ước mơ cho mình, cho người dù là rất nhỏ. Tôi cũng thường âm thầm tự hỏi, những người thân của tôi, bạn hữu của tôi đã ra đi rồi, liệu họ có thể có đủ duyên lành để trở lại làm Người chăng? Hay là (…) Còn sống là còn có dịp làm điều tốt đẹp, còn có duyên gần gũi Phật pháp - sao lại có thể là “chán chường, vô vị, lạt lẽo cứ bao trùm kín mít đầu óc” nhỉ?
Vạn pháp đều do tâm ta tạo - rồi khiến ta vui hay buồn; hạnh phúc hay khổ đau; không có phép mầu nào có thể ban phát, chuyển đổi Tâm u tối, trì trệ, hoang mang quay cuồng như cô giáo cũ của tôi, khi luôn thấy đời “vô vị, chán chường”; là hệ quả tất yếu. Còn Tâm lăng xăng toan tính tham lam vô độ của người bạn láng giềng “luôn bồn chồn, mệt mỏi, thấp thỏm lo âu” cũng là “chuyện thường ngày” phải đến.
          Tôi luôn bắt đầu một ngày với niềm vui “biết mình vẫn còn hít vào thở ra” bình thường. Vẫn còn có dịp đọc kinh, niệm Phật, làm điều lành… tôi giữ nguyên niềm vui và sự tỉnh táo, thong thả bắt đầu việc mưu sinh như bao người chung quanh một cách cần mẫn. Làm gì cũng làm nhưng luôn tỉnh giác giữ tâm yên một chỗ. Gắng không cho nó xao động, chạy nhảy lung tung… Một buổi sáng yên tịnh, trong lành, tươi mát đã đem lại cho tôi suốt một ngày an vui, tha thiết với cuộc sống mà không hề có chút bận tâm nào đến ngày mai mình còn có mặt hay không trên thế gian này !

Những ngày cuối năm Đinh Hợi
                                                  


Bài 21 & 22



NHÂN NGÀY VU LAN,
NGHĨ VỀ  CHỮ “ HIẾU HẠNH”

Tạp bút:
MANG VIÊN LONG






          Còn ba hôm nữa mới đến ngày Rằm - ngày đại lễ Vu Lan, nhưng cô học trò nhỏ đã đến thăm người thầy cũ rất sớm, trên tay cầm mấy cành hoa hồng trắng. Nhìn thấy mấy cành hồng trắng - cảm giác đầu tiên là ông chợt nhớ lại mình - thân phận mồ côi Mẹ từ thuở lên 8 - cuộc đời trải dài mấy mươi năm sống lẻ loi thiếu vắng tình thương yêu đùm bọc, chở che của Mẹ. Ông thoáng ngậm ngùi - và cũng chợt nhìn thấy nét đẹp tinh khôi của  tấm lòng cô học trò  nhỏ nghĩa tình đã dành cho ông niềm an ủi, tuy là một nỗi nhắc nhở đau lòng!
-       Thầy cảm ơn em! Ông mỉm cười.
-        Em chia buồn cùng Thầy! Cô học trò vừa nói, vừa cắm lên túi áo ngưởi thầy cũ một đóa hoa hồng trắng - Cầu chúc Thầy an lành ngày Vu Lan…
          Cô học trò điềm nhiên đến bên cạnh chiếc tủ sách, lấy chiếc lọ thủy tinh nhỏ - cắm  mấy cành hoa còn lại vào đó - “Vu Lan nhắc nhở mọi người nhớ đến công ơn của Ông Bà, Cha Mẹ - thật là một điều lành phải không, thưa thầy” - Giọng cô ngập ngừng:
-       Vu Lan chỉ có một ngày - dài lắm là một mùa trăng - nhưng cũng may, nhờ có mấy ngày ấy mà con người còn có chút thời gian quay lại nhìn về dĩ vãng, nghĩ đến Ông Bà, Cha, Mẹ, Thầy Tổ…chứ nếu không - người thầy thở dài, không biết có còn ai nhớ tưởng đến ơn nghia sinh thành dưỡng dục của Ông bà,  Cha mẹ không nữa? - À, em cũng nên nhớ, ngày Vu Lan không chỉ dể báo đền  công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ -mà còn là ngày để tri ân Thầy tổ, bằng hữu và cả chúng sanh nữa, bởi vì tất cả cũng đã vì chúng ta mà chịu hy sinh…
-       Đâu phải đợi đến ngày Vu Lan mới “ chợt nhớ” đến Ông Bà, Cha Mẹ - giọng cô học trò nhỏ nhẹ - sự nhớ thương chăm lo ấy phải được thực hiện từng ngày - trong suốt cuộc đời, mới gọi là đền đáp phần nào công ơn trời biển của các đấng sinh thành, phải không - thưa thầy?

          Người Thầy không trả lời câu hỏi của cô học trò, mà đọc cho cô nghe một lời Phật day: “ Có hai hạng người, này các Tỳ kheo - ta nói không trả ơn được. Thế nào là hai? Cha và Mẹ”.
          Nhìn thấy cô học trò có vẻ trầm ngâm - ông cười:” Em hãy lắng nghe  lời dạy tiếp theo của Đức Phật khi khuyến nhủ các đệ tử phải giữ tròn hiếu hạnh - từ hơn 2500 năm trước nhé?”
           Ông đọc - giọng thành kính:
-       Nếu một bên vai cõng Mẹ, này các Tỳ kheo - một bên vai cõng Cha, làm vậy suốt một trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội - và dù tại đấy, Mẹ Cha có vải tiểu tiện, đại tiện; như vậy, này các Tỳ kheo - cũng chưa làm đủ, hay trả ơn đủ Mẹ và Cha.(…) Vì sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo -  Cha Mẹ đã làm nhiều cho các con, sinh thành, nuôi dưỡng, giới thiệu chúng vào đời…” ( Kinh Tăng Chi Bộ).

           Cô học trò nhỏ không dấu được vẻ xúc động, ngạc nhiên: “Thưa Thầy, vậy trong đời này rất hiếm có người làm được!”
           Giọng ông từ tốn :
-       Phật dạy vậy vì phải dạy cho rốt ráo, nhưng nếu tất cả chỉ làm theo lời Ngài được vài chục phần trăm thôi - hay thậm chí, vài ba phần trăm - cũng là điều đáng khen ngợi rồi!
           Người Thầy cúi xuống uống một ngụm nước trà - đốt một điếu thuốc - vẻ đăm chiêu, băn khơăn hiện rõ trên gương mặt đượm buồn - ông nhìn cô học trò, tâm sự: “Em thấy đấy - trong cuộc sống thực tế hôm nay - đã có biết bao trường hợp con không có lòng hiếu thảo đã đành, mà còn ăn ở rất bạc bẽo, vong ân - hay thậm chí còn rất vô lễ, lỗ mãng, hung bạo với Cha Mẹ mình nữa kìa! Báo chí đã đưa nhiều tin “động trời” về những đứa con bất hiếu, vô đạo xảy ra thường ngày, có lẽ em cũng đã được biết rồi?”
-       Dạ, em có đọc - cô học trò yên lặng giây lâu - ngẩng lên nhìn thầy - nói đâu xa, ngay trong khu phố em ở, cũng vẫn xảy ra nhiều vụ con đánh lại Mẹ Cha khi họ khuyên nhủ ân cần về chuyện học hành, cách sống, cách làm ăn tiết kiệm với tình thương yêu vô bờ!
-       Em biết nguyên nhân vì đâu mà đạo đức nói chung - lòng hiếu thảo nói riêng, ngày một suy kém, bị lãng quên trong đời sống mỗi người không? - Người thầy nhìn đứng lên đôi mắt cô học trò, chờ đợi.
-       Vì thiếu sự giáo dục ạ! Cô trả lời ngắn gọn.
-        Em nghĩ đúng một phần - ông cười nhẹ nhàng, không phải chỉ một lãnh vực giáo dục, mà còn nhiều lãnh vực khác cũng cùng nhau tác động khá sâu sắc, rất mạnh đến sự thoái hóa đạo đức, xem thường đời sống tâm linh - khi họ hùa nhau cùng cổ súy cho những giá trị kỷ thuật - vật chất, ca ngợi tính thực dụng, để cao mẫu người nhiều tiền, đạt danh vọng cao…mà không hề quan tâm đến những yếu tố Đạo đức!
          Cô học trò chợt thốt lên “Khi xã hội chỉ dạy về giá trị vật chất, về hận thù, tranh giành - thì con người vật chất, thù hận, tranh giành có mặt!. Khi xã hội tôn vinh tình thương yêu, lòng vị tha - thì những con ngừơi đạo hạnh, vì người có mặt, thưa thầy!”
-       Lời nhận xét của em là rất chí lý - gương mặt người thầy tươi sáng, rạng rỡ hằn lên - Ngày nay khó tìm ra một ông Carnot thời cũ? Khó tìm ra ông Mẫn Tử Khiên, ông Lão Lai - hay Lục Vân Tiên ( …) bởi vì  các cuốn sách như “ Quốc Văn Giáo Khoa Thư”“ Nhị Thập Tứ Hiếu” đã bị xem là “ lạc hậu” trong cái xã hội mà họ tự xưng là văn minh, tiến bộ!  Những cuốn sách ấy dường như không có trong sách giáo khoa cho học sinh cấp 1 và 2 như xưa nữa! - Ông chợt cười lớn - Đạo đức, tình thương yêu -không bao giờ cũ cả! Nó là “cái gốc “ cho mỗi con người, nhưng cái “ gốc” ấy đang bị lung lay, muốn nhổ lên - thì làm gì xã hội không bị rối lọan, gia đình không suy vi? Người ta đã nhân danh đủ thứ để bằng mọi cách thay đổi con người (theo ý mình) mà không biết rằng những việc làm ấy là phản lại quy luật tự nhiên về con người. Cái gì phản lại quy luật tự nhiên, thì sự thất bại (và tai họa) nằm ngay ở dưới chân rổi, em ạ!
          Cô học trò “nhiều chuyện” nhạy cảm chợt cười rất tươi: “Thưa thầy, ngay các câu khẩu hiệu treo ở vách mỗi phòng học - em cũng thấy nó xa lạ, cao vời, khó hiểu quá? Tuổi thơ tụi em chỉ thích cái gì gần gũi, dễ hiểu, dễ làm, thân thiết - vừa với tầm tay, sức vóc mình thôi! Thầy có thấy vậy không?”
-       Có thấy! - người thầy cười thân tình - làm sao mà không “thấy” khi mỗi ngày đều  bước vào lớp? - Im lặng một  lát, ông lại cười - ví dụ các câu cách ngôn, tục ngữ có giá trị tuyệt đối như “Thương người như thể thương thân/ một giọt máu đào hơn ao nước lã” (vvv) đã biến mất.  Câu “học tập tốt/ lao động tốt” đâu có gợi cảm sâu sắc bằng câu ngày xưa thường được treo ở mỗi lớp: “Ngày nay học tập/ Ngày mai giúp đời” ? Đó chỉ là một ví dụ nhỏ thôi - giáo dục tuổi thơ là phải tự nhiên, gần gũi, cụ thể -và  gieo vào tâm hồn trong trắng của các em những bài học nhân ái, yêu thương, giúp người - (chứ không phải “uốn nắn” chúng theo ý đồ của mình) - khi ấy - xã hội tất sẽ có những công dân tốt, cuộc sống sẽ an bình, hạnh phúc thôi! Nếu ngược lại, tất loạn - đó cũng là một “định luật” tự nhiên em à!
          Người thầy nhìn lơ đãng ra hiên nhà - cơn mưa nhẹ của những ngày đầu thu dịu mát - ông lấy đóa hồng trắng trên túi áo ra ngắm giây lâu - giọng đượm buồn: “Cách đây mấy năm - nhân ngày Đại Lễ Phật Đản Quốc Tế tổ chức tại VN - thầy được mời đọc bài tham luận về vấn đề “Vấn Nạn Gia Đình Và Giải Pháp Của Phật Giáo” tại Daklak, thầy đã có đề nghị “Hãy đưa vào chương trình học triết lý Phật Giáo - gọi tắt là giờ “Phật học” - dành cho cả ba cấp - vì nhận thấy sự ưu việt của giáo lý Phật Giáo trong nổ lực xây dựng một con ngừời nhân bản, vị tha - đầy đủ các đức tính “Bi - Trí - Dũng”, rất cần thiết cho một xã hội công bằng - tiến bộ…”; nhưng tiếng nói tha thiêt ấy cũng đã chìm vào dĩ vãng!
           Cô học trò như cũng đồng cảm với “nỗi buồn  không tên” của  thầy - cô chép miệng, thở dài: “Mọi tiếng nói chân chính, nhiệt thành thường hay bị lạc lõng, mất hút giữa sa mạc nóng bỏng của cuộc đời!”
           Người thầy gật gù - nói như chỉ để nhắc nhở cho chính mình:“Hãy cứ an vui sống cho Tình Thương Yêu - một ngày làm được như vậy, là đã hạnh phúc rồi!”
           Đôi mắt cô học trò chợt sáng lên như bắt gặp được một niềm vui lớn - cô mỉm cười, nhìn thầy :
-       Thưa thầy. Hạnh Phúc chính là Đạo Đức phải không ạ?
-       Em hiểu vậy là rất giỏi - ông cười, đó mới chính là niềm Hạnh Phúc đích thực, vĩnh hằng của đời người - em ạ! - giọng ông trở nên rắn rỏi - hạnh phúc mà không có nền tảng đạo đức, chỉ là một thứ giả dối, ngụy danh và đáng ghê sợ!
          Cô học trò khép nép đứng dậy, hơi cúi đầu: “Thưa thầy,  em  đã “làm phiền” thầy gần buổi sáng nữa rồi. Em cám ơn Thầy, xin phép thầy em về ạ!”.

Tặng “Tiểu đệ”

Mùa Vu Lan, PL 2554


MANG VIÊN LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét