Thứ Tư, 29 tháng 7, 2015

Ảnh Lê Hồng Đa

“THƠ DÂNG CHA MẸ”
                THƠ
                                
                       TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG



N
hân mùa Vu lan- báo hiếu PL 2551, Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn liên kết với Công ty Văn hóa Hương Trang (nhà sách Quang Minh) – đã cho ấn hành tác phẩm thứ chín – thi phẩm “Thơ Dâng Cha Mẹ” của Nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương, như một “quà tặng mùa báo hiếu” dành cho tất cả… Tôi nhận được món quà cao quý này từ tay nữ sĩ, khi chị ra Quy Nhơn tham dự cuộc hội thảo Văn học về Đào Tấn nhân kỷ niệm 100 năm ngày mất của ông
; Kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Nhà hát tuồng Đào Tấn – do Sở VH-TT Bình Định, Nhà hát Đào Tấn và Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc Việt Nam phối hợp tổ chức (từ 25- 28/8/2007).
          Cảm nhận đầu tiên của người đọc khi cầm trên tay tập sách là sách đã được in ấn quá công phu, mỹ thuật – nàng Thơ của “lá ngọc cành vàng” bao giờ cũng được chăm chút, trang điểm, theo đúng phong cách – trước khi ra mắt độc giả ! (Tập thơ lại được điểm tô thêm bằng những trang thư pháp của Vũ Hối, nhiều hình ảnh kỷ niệm, tư liệu ghi dấu thời gian …)
          Tôi thầm nghĩ, Nàng Thơ của Tôn Nữ Hỷ Khương đã được chị chăm sóc, nuông chiều, như một “quận chúa”. Làm như vậy cũng phải thôi – bởi vì “nàng thơ” là biểu tượng cho cái đẹp, cái cao quý, cái còn đọng lại của một đời người. Nàng phải được trân quý như thế.
          Khác với cái dáng vẻ đài các, quý phái bên ngoài – những trang “Thơ Dâng Cha Mẹ” lại là những lời trần tình, tâm sự, nhắc kể rất tự nhiên, trôi chảy hiền hòa nhẹ nhàng nhưng thắm đượm tình nghĩa tri ân, tri kỷ của một người con hiếu hạnh luôn hướng đời mình, tâm mình tưởng nhớ, và noii theo gương sáng của song thân dù đã ngàn trùng xa cách!
          Hơn 20 bài thơ “Dâng Cha…” (thi hào Ưng Bình Thúc Giạ Thị – 1887 – 1961) – dù là ở vào hoàn cảnh nào, dịp gặp gỡ nào, hay lúc một mình quạnh vắng – nữ sĩ cũng luôn      “Tưởng hồn cha hiện về đâu đó /Au yếm nhìn con bảo “đọc thơ” “:
                     “… Thơ rằng thơ vọng bốn phương
                     Lời rằng vàng ngọc, lời thường khắc ghi
                     Chữ rằng, ấy chữ tương tri
                     Tình rằng tình thật diệu kỳ, mênh mông.
                     Hương Giang nước vẫn xanh dòng
                     Ngự Bình trăng vẫn soi lòng cố nhân”.
                                                                        (Nước Vẫn Xanh Dòng)
          Từ “Khóc Cha” (tr.18) được nữ sĩ viết một ngày sau khi Cha mất (05.4.1961) đến “Đượm Tình Non Nước” (tr.60) – để tưởng nhớ 130 năm ngày sinh của phụ thân (09.3.1887 – 09.3.2007); là những vần thơ bi thiết, dạt dào yêu thương, thênh thang cõi lòng dành cho người thân, cho bằng hữu, cho đời, trong gần nửa thế kỷ :
                     “Có nghe mắt đọng sầu vương,
                     Có nghe nỗi nhớ niềm thương dạt dào!
                     Chiều lên giữa giấc chiêm bao,
                     Bâng khuâng mây trắng trôi vào hư vô!”
                                                                        (Trở Về)
          Nhớ tưởng đến Cha – cách tốt nhất là nhớ và làm theo lời cha dạy bảo : Đó cũng là một hình thức “báo hiếu” sâu sắc, ít có người con nào thực hiện đầy đủ. Riêng Tôn Nữ Hỷ Khương thì tình cảm nhớ thương luôn hòa quyện tự nhiên với gương sáng của cha, luôn phản ánh trung thực di huấn của cha trong từng cách sống, hơi thở, vần điệu …
                               “Sinh tiền cha vẫn dạy :
                               “Quên oán – nhớ ân sâu
                               Đó là phép nhiệm mầu
                               Của con người biết sống”
                                                              (Phải Biết Nhớ Ơn…)
          Phần “Thơ Dâng Mẹ…” tuy số lượng bài có khiêm tốn hơn, nhưng là những bài thơ in đậm dấu ấn của môt đời người : Khúc Ca Khánh Thọ (tr.62), Vu Lan Còn Mẹ (tr.67), Trái Gió Trở Trời (tr.69), và Mẹ Đã Xa Rồi (tr.69); đã được nữ sĩ trải lòng theo từng xúc cảm tràn đầy : “Mẹ là Biển cả bao la / Mẹ là Trời Đất chan hòa mến thương”.
                     “(…) Quỳnh Dao đông đủ bạn vàng,             
                     Cao dâng lời chúc, hân hoa nối vần
                     Bên thềm rực rỡ ánh xuân
                     Khúc ca khánh thọ bát tuần kính dâng
                                                   (Khúc Ca Khánh Thọ – lễ thọ 80 của Mẹ)
          Tuy đã trên 60 – nữ sĩ vẫn như còn thơ trẻ trong tình thương của Mẹ ngày nào :
                               … “Con sung sướng tươi cười
                               Cài đóa hồng lên áo
                               Tạ ơn Phật, ơn Trời
                               Với tấc lòng hiếu đạo
                                                              (Vu Lan Còn Mẹ)
          Và… Ngày “Mẹ Đã Xa Rồi” đã đến :
                               … “ Mẹ đã đi rồi, Mẹ đã đi,
                               Tiếc thương con biết nói năng gì !
                               Ra vào hôm sớm lòng cô quạnh,
                               Anh mắt hằn sâu phút biệt ly!...”
          Dù “nhớ Cha, khóc Mẹ” với lời thơ thật da diết, bi thương – nhưng sau phút giây quặn thắt xé lòng trước cảnh vô thường ngắn ngủi của đời người; Tôn Nữ Hỷ Khương không để cho lòng mình, thơ mình quá bi lụy, u sầu ; mà là một trời thương yêu, một cõi bao la của niềm tin, của sức sống, của bao hy vọng đang chờ đón dựng xây phía trước…
          Đọc “Thơ Dâng Cha Mẹ” của Tôn Nữ Hỷ Khương tôi có được niềm say mê như được nghe chính chị tâm sự – tôi theo dõi được những chặng đời buồn vui, hân hoan hay khổ đau – của một người con đang còn trôi nổi trên đời; nhưng tâm thành luôn hướng về song thân : “Cha con ta là đôi tri kỷ / Chung bóng chung hình giữa nước non” : Đó là một khối tình lớn, có lẽ là lớn nhất của một đời người, mà ta có thể tìm thấy trong tác phẩm, xuyên suốt lịch sử văn học của đất nước…
                               “Dòng Hương trăng nước mênh mông
                               Non Bình vời vợi tấc lòng nhớ thương!”
                               (Vang Vọng Hồn Thơ Tình Gia Thị)  

Mùa Vu Lan PL 2551

MANG VIÊN LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét