Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

 

 Nhạc phẩm “Sao chưa gặp lại trường xưa”của Nguyễn Khắc Phước: Một bản nhạc, một bài thơ, một dòng lệ .

                                                     Châu Thạch

Nếu bạn là cựu học sinh của bất kỳ một ngôi trường nào, khi nghe bài hát nầy bạn cũng đã thấy buồn. Nhưng nếu bạn là cựu học sinh của ngôi trường Nguyễn Hoàng,
một ngôi trường xưa của cổ thành Quảng Trị  nay đã mất tên trường thì bạn dễ dàng rơi lệ. Nếu bạn từng học Nguyễn Hoàng, nay nghe bài ca nầy mà bạn rơi lệ được thì đó là điều tốt cho bạn, vì nỗi buồn sẽ vơi đi theo dòng nước mắt. Còn nếu bạn không rơi lệ được, thì lệ ấy sẽ ở trong lòng bạn như một cơn gió lạnh, như một dòng sông băng, sẽ làm bạn đau lòng hơn nữa. Chắc chắn không mấy ai mà không thấy cảm xúc ngay từ khổ đầu của bài hát khi ca từ được cất lên mang hình ảnh một cựu sinh quay về  cô đơn nơi trường cũ:

Mênh mang nắng đổ hè trưa
Bâng khuâng đứng nhìn ngẩn ngơ
Tôi tìm trường xưa bên thành cổ vắng
Trường xưa đó nay đâu rồi
Tà áo trắng xưa đâu rồi
Và thầy cô xưa nay về đâu?

Đã có nhiều văn thơ rất cảm động viết về người học trò quay lại thăm trường, thấy lại chiếc bàn mình ngồi, gặp lại ông giáo già hay bất kỳ một ngóc ngách kỷ niệm nào còn lưu lại bao năm. Nhưng có lẽ không có trường hợp nào đau đớn giống như một cựu sinh Nguyễn Hoàng quay lại thăm trường cũ của mình, vì: “ Trường xưa đó nay đâu rồi, tà áo trắng xưa đâu rồi, và thầy cô xưa nay về đâu?”. Không còn gì cả! Trường mà không còn thì tà áo trắng, thầy cô xưa làm sao còn được!

Đoạn hai của bài ca có âm thanh như nhịp chảy của dòng sông, vang lên một âm điệu vui nhưng cũng tìm ẩn một nỗi buồn mênh mang như nỗi buồn khi đứng trước dòng nước lặng lờ, nơi tiếp giáp của sông và biển:

Quên sao những giọt mồ hôi
Quên sao những ngày sục sôi
Có người rời xa nẽo đường muôn lối
Đàn em bé vẫn yêu đời
Thầy cô vẫn cất cao lời
Từ dòng sông em ra biển đời.

Biển đời của học sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị không phải là đại dương bình lặng. Mỗi cựu sinh Nguyễn Hoàng đều phải cởi trên sóng to gió lớn của một thời ly loạn và không biết bao nhiêu người đã chìm đi trong cơn ba đào ấy. Những người vào được bờ cũng phải mang một linh hồn bạc thếch phong sương.

Bước qua phần ba và bốn của bài ca là tiếng kêu thương buồn não nuột, tiếng kêu gọi đàn của bầy chim tan tác:

Nguyễn Hoàng ơi!
Bao năm lưu lạc đường xa
Mang theo giấc mộng tuổi hoa
Mang theo lời dặn của thầy cô

Nguyễn Hoàng ơi!
Bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa
Bao nhiêu bè bạn trang lứa
Sao chưa về đây với trường

Đây là tiếng kêu mà các tập san “Chân dung  kỷ niệm Nguyễn Hoàng”, “Hương quê Nhà” và nhiều tập san trong ngoài nước của cựu học sinh Nguyễn Hoàng khắp nơi đã cố gắng bơi ngược dòng sông ký ức để mời nhau trở về đoàn tụ cùng nhau.

Thật ra thì biết bao người đã vượt ngàn dặm xa xôi để quay về với mảnh đất trường xưa, nhưng, chưa có ai trở về
với niềm vui trọn vẹn, vì: “Trường theo khói hương lên trời” như một câu trong đoạn cuối bài ca. Trường đâu còn nữa, trường mất cả tên rồi:

Mong sao đếm ngược thời gian
Cho viên phấn còn dở dang
Kể về trường xưa bên thành cổ vắng

Trường theo khói hương lên trời
Trường gieo nắng cho xanh đời
Trường vẫn còn đây trong tim mọi người.

Lời hát ở vế chót thâm thúy và như một bản bi hùng ca, nó mang âm hưởng của nỗi lòng cựu sinh Nguyễn Hoàng Quảng Trị, muốn quay về để viên phấn kể lại trường xưa. “Mong sao đếm ngược thời gian, cho viên phấn còn dở dang, kể về trường xưa bên thành cổ vắng”: Trí tưởng tượng tuyệt vời và ca từ đầy tính chất thơ, đầy hương vị.

Với tôi “ Sao chưa gặp lại Nguyễn Hoàng” không những là một bài ca mà còn là một bài thơ bi hùng và là một dòng lệ thương nhớ trường xưa chứa đầy cảm xúc ./.
                                                                    
 Châu Thạch

truongvantran@hotmail.com


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét