Thứ Sáu, 3 tháng 7, 2015

Ảnh Mai Lĩnh

TÁC GIẢ THÁI QUỐC MƯU,
 NÓI VỀ BÀI THƠ “XƯƠNG RỒNG”:

Xin thưa,


Trên Góc Thơ Đường ở trang Đất Đứng, có đăng bài thơ “Xương Rồng” của chúng tôi. Có 3 vị viết trên comment (xin xem phần dưới). Trong đó có bạn Diệp Kiếm Long đặt câu hỏi, tôi xin giải đáp:


Trước, tôi chân thành cám ơn Nữ sĩ Lê Liên có lời khen và lưu ý; Xin lỗi tác giả Diệp Kiếm Long, vì sự trả lời chậm trễ; Cám ơn tác giả Tửu Sĩ có lời giải thích hay.

Sau đâu là nội dung bài thơ và comment chúng tôi copy lại từ datdung.com:

 “XƯƠNG RỒNG”*

Trời đã cho ta thứ ngọc ngà
Cả đời không dám để lơ là
Lỏng lơi quý mụ giành cho được
Sơ sẩy các nàng ép nhủn ra
Đồi dốc đất cằn trơ bãi cỏ
Dòng khe nước ẩm ngát mùi hoa
Khom lưng xuống thấy dùi cui trọc
Thung thẳng chui vô cái Động Bà

Atlanta, July 10, 2014
Thái Quốc Mưu

* Chú: Xương rồng, một vị thuốc trị nhiều chứng bệnh. Nhưng Tựa bài nầy “Xương Rồng” - được viết trong  ngoặc kép. Vì vậy, “Xương Rồng” có nghĩa khác.

***

Dưới đây là nội dung comment của:
1 - Lê Liên | tuongphuc4758@yahoo.com ặ.7.2014
Bài thơ Hay quá!
Bái phục Liêu Tiên Sinh.
Nhưng lần sau nhớ ghi chú “Chỉ viết riêng cho quý ông” nếu không các thi tỷ, thi muội đỏ mặt tía tai... thì mệt lắm đó.
Cảm ơn Liệu Tiên sinh đã cho đọc. Chúc LTS An Vui.
Thân ái - Lê Liên

2 - Diệp Kiếm Long | diepkiemlong07@yahoo.com ẩ.7.2014
Cả bài thơ tôi đọc có thấy có gì liên quan đến cây xương rồng đâu? Xin tác giả vui lòng giải thích.
Diệp Kiếm Long

3 - Tửu Sĩ | tuusi@yahoo.com ậ.7.2014
Tác giả đã chú thích ở dưới là chữ xương rồng có nghĩa khác. Vậy nên đừng nghĩ đến xương rồng thì nó sẽ ra xương rồng . Bằng cứ nghĩ đến xương rồng thì nó sẽ ra u u minh minh.
Cái hay của Thái quốc Mưu là vậy đó./.

***

Tác giả xin trả lời:

Thực tế, nguyên tác bài thơ có nội dung như sau:

 “XƯƠNG RỒNG”

Trời đã cho ta thứ ngọc ngà
Cả đời không dám để lơ là
Lỏng lơi quý mụ giành cho được
Sơ sẩy các nàng ép nhủn ra
Trên dốc đất cằn trơ bãi cỏ
Ven khe nước ẩm ngát mùi hoa
Khom lưng xuống thấy đầu sư trọc
Xăng xái vào ra cửa Động Bà
Atlanta, July 10, 2014
Thái Quốc Mưu

Viết xong, tôi gởi cho bào đệ Kha Tiệm Ly, là người phụ trách Góc Thơ Đường, Kha vốn Phật giáo, tu sĩ tại gia. Kha, người mà tôi cùng các thi hữu thân thiết Hạ Thái Trần Quốc Phiệt, Châu Thạch, Nguyệt Lãng,… thường gọi đùa “Kha Đậu Hủ”, “Kha Ác Tăng”.

Vốn là đệ tử Nhà Phật, Kha không muốn xúc phạm đến các nhà sư, kể cả các tu sĩ Phật không phải là những vị chân tu. Cho nên, Kha chỉnh lại 3 chữ “đầu sư trọc” thành “dùi cui trọc”. Đây là một việc làm tốt từ một tu sĩ tại gia. Nhưng sự chỉnh lại đó ngoài ý thơ của tác giả.

Với tác giả, trong bất cứ tôn giáo nào ở bất cứ quốc gia nào. Giới tu sĩ chắc chắn không phải đều là những nhà tu hành lương thiện. Và, kẻ mượn áo nhà tu dối đời, làm việc xằng bậy chẳng phải ít. Vì vậy, chúng ta, dù có đạo, hay không theo bất kỳ tôn giáo nào cũng phải góp tay chung sức diệt trừ những tệ nạn trong các giáo hội, qua nhiều hình thức mà nhẹ nhất là dùng thơ văn châm biếm. Điều nầy, các nhà thơ tiền nhân chúng ta, đã kinh qua. Chẳng hạn, “Một sư đầu trọc ngồi khua mõ / Hai tiểu... ” của Hồ Xuân Hương. Bài thơ “Xương Rồng” không ngoài múc đích ấy.

Ở Việt Nam, chúng ta không ăn và coi thường các giống xương rồng, chỉ dùng để rào phân ranh đất. Người Mễ (Mexico) thì họ ăn hằng ngày. Ở Mỹ, hầu như chợ nào cũng có bán (sau khi róc sạch gai). Người Mễ ăn qua nấu nướng, ép lấy nước uống, hoặc xay chung với các loại trái cây khác. Hiện, một số người Việt cũng bắt đầu dùng.

Hai câu thơ 3+4: “Lỏng lơi quý mụ giành cho được / Sơ sẩy các nàng ép nhủn ra.” Lấy ý từ giá trị của cây xương rồng và việc ÉP xương rồng lấy nước.

Đặc biệt, xương rồng là một trong vài giống cây có thể sinh tồn trên sa mạc và hoang mạc.

Xương rồng trên hai vùng đất đó, hoa nở nhỏ, không cho mùi thơm. Nhưng nếu loại cây nầy mọc theo ven suối thì cây to, hoa lớn, mùi thơm lừng. Tác giả lấy ý từ tính đặc thù của nó mà viết hai câu 5 + 6: “Trên dốc đất cằn trơ bãi cỏ / Ven khe nước ẩm ngát mùi hoa”.

Cây xương rồng trong vườn bách thảo ở thành phố Omaha, bang Nebracka và ở hoang mạc   bang Arizona của Mỹ, thân thẳng đứng, TO gần bằng hai vòng tay người lớn và CAO trên bốn, năm mét.

Xương rồng bẹ (như bàn tay) có khả năng trị các chứng bệnh: đau lưng, tiểu đường, dạ dày, mệt mỏi, sốt,… Xin lưu ý: Phần nầy, tác giả viết sau khi tra cứu dược học, nhưng không có ý phổ biến như một thứ dược phẩm. Do đó, quý độc giả không nên tự ý dùng như một thứ thuốc trị bệnh. Mọi việc sử dụng trong trị liệu bắt buộc phải tham khảo từ giới y khoa chuyên nghiệp.

Còn hai câu 7 + 8, kể lại một hình ảnh sống động của một người đang đứng trên cao nhìn xuống, thấy MỘT đầu sư trọc đang xăng xái đi vào cửa Động Bà. Đầu sư mà trọc là lẽ tất nhiên, và sư vào động là chuyện bình thường như tất cả chuyện bình thường khác, tôi nghĩ không có gì phải lý giải.

Còn, với đề tài “XƯƠNG RỒNG” (được viết trong ngoặc kép), tự đó đã có ý nghĩa khác, cho nên, như bạn Diệp Kiếm Long thắc mắc (đã copy ở trên) “cả bài thơ không chỗ nào đề cập đến xương rồng”, rất chính xác.

Có điều, tuy tôi lý giải trên đây như thế, nhưng không phải như thế. Ý “ma ma Phật Phật” ở chỗ nầy. Bởi, ‘XƯƠNG RỒNG” ở đây (trong ngoặc kép) có nghĩa như sau: Việt Nho gọi xương rồng là LONG CỐT, mà long cốt là gì? Xin mượn đoạn văn trích sau trả lời:

“... Như vậy, các bà vợ Vua đều không có “long”, cho dù Long thê, Long nữ, Long mẫu hay... long tong.

Nếu có ai hỏi: Vua gọi vợ ông ta bằng gì? Đa số sẽ trả lời: Hậu, Ái hậu, Ái khanh, Ái nương,… Nhưng chính xác nhất, là, Vua gọi vợ ông ta bằng MIỆNG (mồm).

“Bửu bối” nhà vua được gọi là “Ngọc cốt” hoặc “Long cốt”. Còn “cái đầu trọc bẩm sinh” của nam giới, trong giới bình dân gọi là Quy đầu. “Cái ấy” của vua cũng gọi “Quy đầu”, nếu ai gọi là “Long đầu” (đầu rồng = đầu vua”) chỉ có nước bị chết chém. Đúng là rắc rối lôi thôi!

Có người cắc cớ hỏi: “Khi vua “làm chuyện nọ chuyện kia” được gọi là Long gì?” Câu hỏi được một tay “chọc trời khuấy nước” đáp, “Hoàng Thượng “làm vệ sinh” cho Hoàng Hậu. nghe kỳ khôi, nhưng đúng quá đi thôi!...” (trích từ: Blog Phạm Viết Đào, qua “Chuyện Phiếm Năm Rồng của Thái Quốc Mưu)”

 Để kết thúc, tôi xin mượn comment của bạn Tửu Sĩ |tuusi@yahoo.com ậ.7.2014

“Tác giả đã chú thích ở dưới là chữ xương rồng có nghĩa khác. Vậy nên đừng nghĩ đến xương rồng thì nó sẽ ra xương rồng . Bằng cứ nghĩ đến xương rồng thì nó sẽ ra u u minh minh. Cái hay của Thái quốc Mưu là vậy đó”.

Chân thành cám ơn bạn Tửu Sĩ đã viết một comment có nhận định thật tuyệt, và những vị đã viết comment.

Thái Quốc Mưu


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét