Truyện
ngắn Nguyệt Lãng
BÔNG
LẺ BẠN.
Sau ngày ấy, mọi người sum họp thì bố mẹ xa nhau, lúc
đó con mới hơn tháng tuổi.
Ngoại bắt mẹ đi lấy chồng còn bố thì không. Bố ở vậy
nuôi con. Chẳng biết những khi cô đơn hay ở ngoài bố có ai khác không nhưng
chưa bao giờ bố đưa một người đàn bà nào về nhà. Bố làm đủ thứ việc để kiếm
tiền nuôi hai bố con. Lớn lên con có tất cả trừ mẹ và, cho đến bây giờ cái cảm
giác thèm có mẹ luôn cháy bỏng trong con. Xót xa cho bố thì ít mà tủi thân thì nhiều…
Ngày
đầu tiên quen với chồng con, con lúng túng không biết trả lời ra sao khi anh ấy
hỏi về mẹ. Con đành phải bắt chước câu nói của bố khi có ai hỏi về mẹ con:
Đó là một
câu chuyện buồn!..
Có chồng con rồi, những lúc anh ấy đi vắng con mới
hiểu và thấy thương bố nhiều hơn, mới hiểu nỗi trống vắng cô đơn cùng cực khi
nửa kia của mình đâu mất. Chỉ mấy ngày vậy thôi mà như thế, còn bố thì gần như
cả cuộc đời. Có lúc tôi nghĩ hay là lòng bố đã đóng băng, những lúc ngồi trầm
ngâm hút thuốc một mình con trông bố giống như một pho tượng.
Bố sống lặng lẽ như một cái bóng, ít nói ít cười trừ khi hai bố con ở bên nhau. Con biết
con quan trọng với bố nhường nào mà chắc gì bố sống được đến ngày hôm nay nếu
không có con. Ngày gả con theo chồng con nghĩ là bố sẽ buồn lắm nhưng không, bố
vui vẻ chào đón mọi người với nụ cười mãn nguyện là đã làm xong bổn phận làm bố
của mình. Lúc ấy con bỗng cảm thấy tủi thân.
Lúc tiễn con ra xe hoa, con nhìn bố, trông đợi một
giọt nước mắt ứa ra từ sau làn kính lão bốn độ của bố nhưng mắt bố ráo khô. Ai
cũng cho là con khóc vì xa bố nhưng thật ra lúc ấy con tủi thân vì nghĩ là bố
hết thương con rồi.
Những lúc rỗi rãnh con ghé qua nhà, chủ ý thăm bố là
phụ mà cái chính là xem xem bố có đưa người đàn bà nào khác về hay không…Con dò
la từ hàng xóm, thăm hỏi từ bạn bè của bố nhưng họ nói trừ những khi bố đi vắng
còn lúc về nhà thì bố đóng cửa không tiếp xúc với ai. Trong nhà vẫn như lúc hai
bố con còn sống bên nhau, mấy cây kiểng vẫn xanh tốt, đồ đạc vẫn nằm y chỗ cũ kể cả cái bình hoa trên bàn
với những bông hoa con ưa thích vẫn được thay mới thường xuyên, đều đặn dù có lúc không phải là mùa trong vườn có bông
hoa ấy. Thế ra bố còn chu đáo hơn con nhiều.
Ngày con sinh bé Quỳnh Như con thấy bố vui lắm, tự tay
bố nấu những món con thích ăn mang vô nhà thương, bố không dám bồng cháu vì nó
bé nhỏ với đôi tay của bố nhưng bố thay tả cho cháu thành thục hơn con nhiều và,
bố còn hát ru khe khẽ làm cho mấy chị nằm chung phòng với con che miệng tũm tĩm
cười hoài.
Từ nhỏ con không có mẹ nên không biết mẹ chu đáo như
thế nào nhưng con thấy bố còn giỏi hơn bất cứ người mẹ nào đưa con đi đẻ. Trước
ngày con sinh, bố đã mua đủ thứ đồ cần thiết dùng cho một người đàn bà ở cữ, và
đều đặn đúng giờ thăm nuôi làm chồng con cũng thấy bối rối vì anh ấy không đúng
giờ như bố…
Mấy chục năm vừa làm đàn ông vừa làm đàn bà đã giúp bố
tích luỹ rất nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh, rồi cũng giống
như mọi bà mẹ thương con gái đẻ con so, bố đưa con về nhà và nuôi con đến khi
con cứng cáp mới cho chồng con rước đi. Cũng như lần con theo chồng, bố tiễn vợ
chồng con và cháu ngoại ra xe bố cũng không biểu lộ chút buồn, nhưng lần đó con
không tủi thân nữa vì con đã hiểu nỗi buồn thâm căn cố đế nằm im trong lòng bố
từ lâu rồi, nếu nó không chết đi thì có khi đã biến thành đá.
Cho tới bây giờ con không dám tin là mình đã hiểu bố,
chỉ biết rằng bố rất thương con. Từ lúc bố mất mẹ, bố bồng con đi khắp nơi như
mèo tha dưa cải - câu nói của bố - mãi cho đến khi con đến tuổi đi học thì bố
mới chịu dừng chân. Bố không để con cho mẹ nuôi vì sợ cảnh có con riêng không
làm mẹ hạnh phúc và, con là lẽ sống duy nhất của bố. Con lớn lên như những cây
cối trong vườn nhà, bên cạnh cụm bông lẻ bạn tím ngắt bờ rào mà không biết vô
tình hay hữu ý mà bố đã trồng
*
Buổi trưa bệnh viện im ắng, con giả bộ nằm ngủ, mặt
quay về phía cửa sổ nơi có dảy hành lang dài hun hút mà bố hay bế con đặt vào
chiếc xe lăn đẩy con đi thư giãn mỗi ngày. Con hé mắt nhìn xem, bố vẫn đứng ở
chỗ quen thuộc hút thuốc lá bên cạnh một người phụ nữ dáng hơi đẫy đà. Không lẽ
đó là người đàn bà của bố? Nếu thật như thế thì tại sao từ lâu bố không nói với
con. Hay là sức khoẻ bố kém rồi nên vì con mà bố phải tìm một người đàn bà để
giúp bố chăm sóc cho con.
Từ lâu bố không nói gì về chuyện bố sẽ đi bước nữa thì
liệu ở cái tuổi gần sáu mươi bố có va vấp gì không? Người đàn bà đó đến với bố
có thật lòng hay là chỉ nhắm vào tài sản của bố? Con không sợ mất phần gia sản
nhưng sợ bố không thể thích nghi với cuộc sống vốn đã quen lặng lẽ nay lại có
thêm một người khác chen vào. Và con cũng vậy, con thèm có một người mẹ nhưng
không dễ chấp nhận ai cũng có thể là mẹ của mình. Con không biết lần này con có
thể ở lại với bố bao lâu nhưng nếu bố cần có một người đàn bà bên cạnh cũng là
tốt cho bố và cho cả con.
Có nhiều đêm con không ngủ để suy nghĩ về điều này và
con cũng chưa hình dung cuộc sống sắp tới của bố và của con rồi sẽ ra sao,
nhưng con tôn trọng quyết định của bố. Biết đâu bố sẽ tìm thấy hạnh phúc bên
cạnh người đàn bà này… nếu vậy, con thật tình cầu mong như thế.
*
Buổi chiều hôm ấy, người đàn bà thay bố ở lại bệnh
viện, làm những việc bố đã làm cho con một cách thầm lặng. Bà ta có vẻ chăm chỉ
và ân cần, con dần có cảm tình với bà và cảm thấy ấm áp mỗi khi nhìn ánh mắt
của bà.
Có lẽ từ nhỏ con không có mẹ nên dễ gần gủi với những
phụ nữ ân cần với mình. Có lúc con có ý nghĩ phải chi mình có một người mẹ như
thế này. Có lẽ bố muốn để cho con làm quen với bà trước, muốn tạo sự thông cảm
giữa con gái và mẹ kế trước khi bố cưới bà ta làm vợ. Từ lâu, bố vốn hay tế nhị
trong các việc giao tiếp, có thể bố muốn ở con một lời đề nghị thay vì áp đặt
chuyện đã rồi với con. Nhưng dù sao, con cũng thấy buồn buồn, thấy mất mát cái
gì đó không rõ ràng, thấy như mình ích kỷ và nhẫn tâm với bố. Nếu như bố hỏi ý
con thì con sẽ trả lời ra sao đây?
Bố luôn làm vậy và làm đúng, và nếu như đó là điều bố
cần thiết thì con ủng hộ bố. Nhưng bố luôn im lặng, chỉ thấy ánh mắt bố vui
hơn, hình như bố yên tâm khi giao việc chăm sóc con cho người đàn bà ấy. Trong
thời gian ở bên con trong bệnh viện người đàn bà luôn tìm cách hỏi han về cuộc
sống trước đây của bố con mình, nhất là từ lúc mẹ con đi lấy chồng.
Nghe con kể, gương mặt bà ấy đượm buồn, có lúc bà ấy
quay mặt chỗ khác và khóc…Người này dễ khóc lắm, không khéo về sau bố phải khổ.
Chưa nói đến những cái bố không thể đáp ứng và những cái xấu chưa bộc lộ ra.
Đôi lúc con nghĩ bố không nên đi bước nữa, bố đã lâu rồi không bước đi coi
chừng bố ngã, nhưng mà bố chọn thì con bằng lòng, bố đã hy sinh cả đời cho con
thì không có lý do gì con cản trở bố. Chỉ cầu mong bố được vui.
*
Sau buổi tái khám, bố cầm tờ giấy kết quả xét nghiệm
nhìn con cười rạng rỡ. Vậy là con đã chiến thắng tử thần. Ý chí kiên cường thừa
hưởng từ bố đã có tác dụng với con. Mấy hôm nữa thì về nhà được rồi, về dưới
mái nhà bố con đã sống mấy chục năm, về với bé Quỳnh Như yêu quý của con.
Con dự định xin bố một chỗ khiêm tốn để lập bàn thờ
chồng. Lạ quá, từ sau buổi tai nạn, con ít khi nghĩ đến anh ấy và cũng chẳng
đau buồn gì lâu. Có lẽ con đã ảnh hưởng sâu sắc quan điểm của bố về sự sống và
cái chết, sự sum họp và chia lìa, buồn và vui, mất và còn…Tất cả với chồng con
hình như chỉ còn lại là cái tình, con sẽ đi lại con đường của bố cho đến khi
không thể.
Chẳng lẽ khi bố mất mẹ, bố chẳng phải là đang lúc trẻ
trai, lúc ấy bố trẻ hơn con nhiều và cuộc sống vô cùng khó khăn. Còn bây giờ,
con chẳng lo lắng gì miếng cơm manh áo, mà bé Quỳnh Như cũng đã bốn năm tuổi,
chẳng phải cắt áo làm tả lót, chẳng phải đi xin sữa hay bòn từng hột gạo nấu
cháo pha đường cho nó bú như hồi bố nuôi con.
Con chẳng phải làm gà trống nuôi con như bố vì chức
năng nuôi trẻ vốn là của đàn bà. Vã lại bây giờ trong nhà sắp có thêm một người
đàn bà nữa. Miễn là bố vui thì nhà sẽ đầy ắp tiếng cười, nhưng mà liệu bố có
quên được mẹ hay không hay là lại làm khổ người ta.
Từ xưa tới giờ tính bố không hay thay đổi, liệu bà ấy
về sống chung có làm xáo trộn cuộc sống của bố hay không. Bố sẽ phải thay đổi
và sẽ phải quen với cảnh có thêm một người đàn bà nữa, sự thay đổi vật chất
không sao nhưng thay đổi cả hành vi, tâm trạng, cách nghĩ, cách làm mới là điều
khó khăn. Liệu bố có thể thích nghi với hoàn cảnh mới và bà ấy có đủ kiên nhẫn
để chờ đợi bố quen dần? Ít khi có người đàn bà chịu mình là cái bóng của chồng.
Bà ta có thể sinh con đẻ cái cho bố không và nếu
không, cảnh lấy nhau cho ấm này kéo dài được bao lâu, lại còn con riêng của bà
ta nữa…Trăm thứ cần bố hành xử một cách hài hoà để có được niềm vui lúc về
chiều. Riêng phần con, con sẽ ủng hộ bố hết mình, cực bao nhiêu con cũng không
ngại chỉ sợ bố lại khổ thôi, mà lần này sức lực bố có còn chịu đựng một cú sốc
nữa hay không?
*
Bố không đón con ở bệnh viện về như con nghĩ, việc đó bố
để người đàn bà ấy lo. Ngày con xuất viện có thêm đứa con gái của bà ấy theo
cùng. Cả hai lặng lẽ và chu đáo như người làm thuê được trả công hậu. Khi xe
dừng trước cổng chỉ có bé Quỳnh Như ra mở cửa, nó ít khi được vào bệnh viện
thăm con nên khi xe vừa mở cửa nó đã nhào vào ôm con. Bố đang ở trong bếp làm
món ăn mừng con khỏi bệnh nên khi tất cả vào nhà thì bố mới xuất hiện. Hai bố
con ôm nhau, bé Quỳnh Như chen vào giữa.
Đứa con gái của người đàn bà thì loanh quanh đâu đó ở
sân vườn, còn bà ta thì quay mặt chỗ khác, con thấy đôi vai của bà ấy run lên
từng chập, có lẽ bà xúc động trước tình cảm của bố con con. Sau bữa cơm, bố đưa
con về phòng. Căn phòng quen thuộc đã gần năm năm từ khi con lấy chồng chưa có
dịp nào về ngủ một lần.
Ý nghĩ từ nay mình sẽ lại về ngủ nơi gắn bó mấy chục
năm làm con thấy sung sướng. Bây giờ có thêm bé Quỳnh Như nữa, con sẽ sống như
bố, cam chịu và lặng lẽ nhưng sẽ không buồn chút nào. Căn phòng sau bao nhiêu
năm vẫn không có gì thay đổi ngoài việc có thêm một khung ảnh treo ở đầu
giường. Đó là bức ảnh một người đàn bà ôm đứa bé sơ sinh với nụ cười rạng rỡ.
Lâu lắm rồi nên con không nhớ là mình chụp tấm ảnh này hồi nào nữa… Nhưng sao
là ảnh đen trắng mà không là ảnh màu nhỉ?
Con nhớ hồi đám cưới con đã có công nghệ chụp ảnh màu
rồi. Vậy là người đàn bà trong ảnh không phải là con, chỉ hao hao giống con
thôi, nó có nét giống người đàn bà đã thay bố nuôi con thời gian qua trong bệnh
viện, nhưng nụ cười có hơi khác, mang cái gì rất u ẩn. Hay là bố yêu mẹ rồi yêu
cả người giống mẹ? Có thể lắm.
Nằm một lúc lâu suy nghĩ miên man nên quên nói chuyện
với bé Quỳnh Như, nó nằm ôm con và ngủ tự lúc nào con cũng không hay. Con rón
rén bước ra ngoài, người đàn bà và đứa con gái của bà ta đã ra về còn bố thì
đang ở ngoài sân. Nghe tiếng động, bố ngước lên nhìn con cười, tay vẫn còn cầm
mấy cọng cỏ vừa nhổ. Bụi bông lẻ bạn vẫn xanh tốt. Tại sao bố không bỏ nó đi, bây
giờ bố đã hết lẻ bạn rồi còn gì? Bây giờ con mới là người lẻ bạn nhưng con sẽ
không trồng cây bông sầu thảm đó đâu.
*
Con xuất viện về nhà bố sống hơn một tháng. Thời gian
ấy chẳng thấy người đàn bà đó đến và cũng không nghe bố nhắc dù một lần. Chẳng
lẽ bà ta là người bố thuê để nuôi con trong bệnh viện, con mạnh khoẻ về nhà là
xong hợp đồng? Thấy bố không nhắc nên con cũng không dám hỏi nhưng con chưa bao
giờ thấy một người nuôi bệnh thuê nào tận tuỵ và ân cần đến vậy, ánh mắt đầm ấm
và dịu dàng như một người mẹ.
*
Bữa cơm tối xong, hai bố con con và bé Quỳnh Như ngồi
nán lại chuyện trò một lát rồi về phòng ngủ. Trong câu chuyện nhiều lúc con
muốn hỏi bố về bức ảnh bố treo đầu giường của con nhưng lần lựa mãi rồi thôi. Bé
Quỳnh Như hỏi đó có phải là con không, con nói dối đó là con, nó cười ngoặt
ngoẽo ôm chú gấu con rồi ngủ.
Con gỡ tấm ảnh xuống để coi cho rõ nhưng không dám bật
đèn sáng sợ con con thức giấc. Trong ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn ngủ con cố
giương mắt ra nhìn nhưng chẳng thấy được gì. Con suy nghĩ lung lắm, về người
đàn bà của bố, nếu bố ưng thì con cũng ưng, từ nhỏ con mất mẹ thì bây giờ có
người là mẹ cũng tốt chứ sao.
*
Buổi chiều, thức dậy mở cửa sổ nhìn ra vườn con thấy bố
đứng bên cây lẻ bạn trầm ngâm, con đưa tấm ảnh lên định hỏi bố nhưng thấy bố đã
gật đầu tỏ ra đã hiểu. Rồi bố bước vào nhà…
*
Buổi
sáng, khi con đang ở trong bếp làm bữa điểm tâm cho bố và mẹ con con thì bé
Quỳnh Như từ sân hớt hãi chạy vào. Nó nói ai đã cắt trụi bụi cây của ông ngoại.
Con nghĩ con bé nói chơi nên không để ý. Lát sau, con nghi có chuyện gì đó nên
chạy lên phòng bố, cửa phòng không khoá và thấy bố nằm bất động trên giường. Bố
đã chết. Những nhánh bông lẻ bạn nằm vương vãi khắp phòng. Con gọi hàng xóm đến
và sau đó nhờ bà con lo liệu việc an táng bố.
Sau
khi chôn cất bố xong, mẹ con con chẳng biết phải làm gì trong căn nhà quạnh
vắng nên có đứa bạn khuyên nên đi đâu đó một thời gian cho khuây khoả, hai mẹ
con con thu xếp hành lý chuẩn bị đi xa một chuyến. Mẹ con con thắp nhang trên
bàn thờ rồi ra thăm mộ bố thì con rất ngạc nhiên không biết ai đã trồng trên
nấm mộ tươi màu đất mới đầy những cây bông lẻ bạn.
Trước
khi ra xe, bé Quỳnh Như đem tới cho con một chiếc phong bì nhỏ trong đó có một
tấm ảnh vàng ố, người trong ảnh không ai khác, đó là bố và người đàn bà đã nuôi
con trong bệnh viện. Và đó là mẹ của con. Có lẽ bố mắc một chứng bệnh nan y nào
đó, bố biết mình không còn sống được bao lâu nên thu xếp cho mẹ con con gặp
nhau.
Có
thể là bố đã hết giận mẹ và hiểu rằng dù thế nào thì cũng không nên cắt đứt
tình mẫu tử thiêng liêng. Con ôm bé Quỳnh Như vào lòng mà khóc. Chuyến đi bây
giờ không cần thiết nữa và mẹ con con quay trở lại góc sân nơi có cây bông lẻ
bạn. Cây bông ấy lại đâm thật nhiều chồi. Bé Quỳnh Như ngắt đưa cho con một
cành, trên cành ấy đã nở hai chiếc bông màu tím, nhưng lạ thay, hai bông hoa ấy
chẳng bao giờ mọc đối xứng cùng nhau./.
Tiểu
sử Văn, Thi sĩ / Nha báo Nguyệt Lãng.
Nguyệt
Lãng là bút danh của ông Nguyễn Văn Thẩm. Nhà thơ Hoa Mộc Lan gọi đùa: “Người
thì mập ú mà lấy bút danh mỏng dánh”.
Ông
là Sĩ quan, thương binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Nguyệt
Lãng làm báo, viết văn, làm thơ trước tháng 4-75. Hiện nay viết văn, làm thơ là
nghề tay trái, với tiền nhuận bút rẻ mạt. Ruộng rẫy là nghề chính.
Ông
bán chữ nghĩa, nhưng không bán danh dự. Nghèo nhưng vẫn giữ chí khí kẻ sĩ.
Những
tên tư bản mới thừa tiền muốn có danh, thường mua văn, thơ ông. Làm xong bài
thơ ông bán đứt cho họ - tất nhiên để tên tuổi của kẻ mua, để chúng có chút
“văn chương, thơ thẩn” lòe người, bịp đời.
Tuy
bán chữ, nhưng, giống như hầu hết những Văn Thi Sĩ có sỉ diện, tuyệt đối Nguyệt Lãng không nhận tiền
thuê viết để ca tụng bất cứ ai. Ở trong nước, nhiều Nhà văn, Nhà thơ giống như
anh, buộc lòng phải bán chữ nghĩa để mưu sinh.
Chúng
tôi gặp nhau nhiều lần, bản chất thật của ông hoàn toàn khác biệt với giọng thơ
“cà tửng”, khi ông châm chọc thiên hạ.
Thơ
Đường của ông là tuyệt bút, dường như không đối thủ. Chữ nghĩa chân quê mà rất
mới, lạ, giàu hình tượng và ý tưởng.
Ngoài
đời Nguyệt Lãng nói năng nhỏ nhẹ, khôi hài, hay “khều” nhẹ đối tượng.
Nguyệt
Lãng là người con đại chí hiếu, tuổi bảy mươi, khi mẹ nằm nhà thương ông đút
từng miếng ăn, miếng nước, tối trải chiếu nằm dưới đất bên giường mẹ để chăm
lo.
Nguyệt
Lãng quê ở Bình Đại, Bến Tre. Sau tháng 4/75, trôi về vùng kinh tế mới Minh
Hưng, Bù Đăng, Bình Phước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét