Thứ Hai, 17 tháng 8, 2015

Ảnh Mai Lĩnh

BÀI SỐ 39 CVM


         NGÀY XUÂN, THĂM CHÙA THIÊN ĐỨC

                        VỚI ĐẶNG QUÝ ĐICH…

                                Tạp bút
                             MANG VIÊN LONG
       
            
   

     
        Nhà nghiên cứu, biên khảo Lộc Xuyên - Đặng Quý Địch  xuân nầy, đã bước vào tuổi 76, nhưng đã mang trong người hai cái bệnh tim mạch và cao huyết áp từ nhiều chục năm nay. Gần đây, lại “mang thêm” bệnh tiểu dường. Tuy vậy, với dáng người đẫm thấp, trông anh cũng còn khỏe mạnh. Anh cần mẫn trước tác, dường như ngày nào cũng viết (viết tay thôi), có tác phẩm lên đến hằng ngàn trang sách; cho đến hôm nay, anh đã xuất bản 17 tác phẩm; và đã hoàn thành 12 tác phầm bản thảo, đang chờ “đủ duyên” để xuất bản!

        Bước vào tuổi 60 - 70, ít có người nào thân được hoàn toàn không bệnh. Không bệnh nầy, cũng bệnh kia. Không nặng, thì nhẹ! Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương đã trên bảy mươi, mỗi lần nghe tôi thăm hỏi (qua điện thoại)“Dạo nầy chị có khỏe không?” - liền cười: “Đến tuổi nầy không đau mới lạ!”.
        Đừng nghĩ rằng, hễ làm bác sĩ rồi, thì “bệnh” sẽ sợ không ghé thăm đâu. Định luật vô thường (sinh/ lão/ bênh/ tử) không chừa cho riêng một ai, dầu là bậc đế vương, thần thánh (…). Có lần gặp nhau café vui, anh Lữ Kiều (Bác sĩ - tiến sĩ chuyên khoa tim mạch) “điểm mặt” những bệnh nhân của anh đang hiện diện trong bàn; cả thảy sáu người, nhưng đã có năm người là “bệnh nhân của anh” rồi (trong số ấy có cả anh Đỗ Hồng Ngọc, chỉ trừ họa sĩ Rừng ở xa Saigon)! Anh Đỗ Hồng Ngọc cũng cười: “Còn ông, mỗi ngày cũng phải tống vào bụng mấy viên…”. Làm người, đã có thân - thì phải có “duyên bệnh” (hay duyên nghiệp) để rời xa cõi tạm nầy. Không có viên linh đan nào có thể giúp con người “trường sinh bất từ” cả!
          Tuổi trên 60, 70 giống như chiếc xe đã sử dụng qua ngần ấy năm tháng, có khi quá tải, có khi “thoải mái” sử dụng ngày đêm mà không biết (hay không có thời gian, điều kiện) chăm sóc “tân trang”, theo dõi để kịp thời “tu bổ”, đợi cho đến khi xe chạy ì ạch, mới…đi tìm bác sĩ, bệnh viện! Chiếc xe đã “xuống cấp”, tùy theo mức độ - thì chuyện cho vào… gara là chuyện của thời gian thôi! Không có gì lạ cả! Đó là chuyện của “duyên bệnh & duyên mệnh” mà thôi! Điều mọi người có thể (có khả năng) làm được cho đời mình là phải luôn ý thức rằng “sống lâu hay chết yểu, điều đó không quan trọng - mà chính phải sống như thế nào?”.
          Anh Đặng Quý Địch theo chuyến xe buýt đầu ngày từ thị trấn Bồng Sơn vượt gần tám mươi cây số vào đến phường Bình Định lúc 8 giờ 30 phút. Anh dò dẫm ghé thăm nhà Trần Nhâm Thân ở gần ngã tư Quang Trung - Trần Phú trước vì gần trạm xe, rồi gọi báo tin cho tôi.
          Tôi đã có mặt ngay, dầu chuyến vào thăm xuân của anh hơi bất ngờ. Tôi cứ nghĩ, ngày càng thêm bệnh, anh khó “chống gậy” mà vượt qua 80 cây số để vào thăm chúng tôi. (Tết năm ngoái, anh cũng đã “chống gậy” vào thăm tôi tại nhà, khiến tôi nghĩ, có lẽ anh sẽ khó đi chơi thêm lần nữa!)    Sau tuần trà, thăm hỏi chuyện tết, chuyện nhà, chuyện sách báo; anh hỏi: “Ông sẽ cho tôi đi thăm Xuân ở đâu?” - “Anh cần đi thăm ở đâu, tôi sẽ chở anh đi thôi!”.
          Thấy anh phân vân, tôi hiểu Bình Định - An Nhơn không có gì xa lạ với anh. Anh đã có thời gian đi học ở đây. có thời gian “lui  tới” lúc đã đi dạy, rồi đi sưu tầm tư liệu để viết sách; nên nghĩ đến một địa danh mà có lẽ anh sẽ thích đến thăm dịp xuân. Tôi đề nghị: “Anh em mình xuống thăm chùa Thiên Đức, viếng tháp, đảnh lễ Thầy Thiện Nhơn đầu xuân nhé!”. Anh như sự nhớ: “Phải rồi! Từ lúc Ngài mất cho đến nay, tôi chưa có dịp xuống thắp hương cho Ngài. Lúc Ngài còn tại thế, tôi và Ngài có mối giao hảo rất thâm tình. Đôi lần đi Phật sự ở Hoài Nhơn, Ngài đều có ghé lại tệ xá thăm tôi!”.
              Sau bữa cơm thân tình với Trần Nhâm Thân, khoảng gần 2 giờ chiều, tôi đã chở anh trên chiếc xe DD cũ, cà rịch cà tang xuôi về thôn Háo lễ theo đường xuống Phước hưng…Dầu tôi đã chạy xe chậm, rất chậm, nhưng anh ngồi sau vẫn nhắc: “Chạy chậm thôi nghe ông! Đường lồi lõm đau đầu quá!”.
             Ngồi phía sau, anh nhắc kể về những kỷ niệm khó quên với Thầy Thiện Nhơn lúc Thầy ra Bồng Sơn thăm, khi anh vào ở Thiên Đức để viết cuốn “Phật Giáo Bình Định”, về bài thơ “Viếng Chùa Thiên Đức” gởi tặng bị cô dịch vụ đánh vi tính “biên tập” một chữ, bị Thầy “tra hỏi”…Xe chạy rề rà dọc con đường bê tông nhỏ, giữa cánh đồng xanh lúa, gió từ hướng biển đã thổi dạt dào, hương xuân như vẫn còn phảng phất quanh thôn làng yên ả tươi mát..
             Giọng anh phấn khởi:
                    “Danh lam Bình định tiếng tăm lừng
                      Thiên Đức còn đây giữa Phước hưng
                      Háo lễ đồng xanh bày trước mắt
                      Tân dân sông cái lượn sau lưng
                      Mây lành dày dặn ơn trời bủa
                      Móc ngọt đầm đìa đất Phật ngưng
                      Gắng sức tài bồi thêm nữa nữa
                      Chùa bao nhiêu ngói, bấy nhiêu mừng!”
          Anh vui vẻ kể: “ Bài thơ tôi viết “móc ngọt”, cô ấy nghĩ rằng có lẽ tôi viết sai, đã “chỉnh sửa” lại là “nước ngọt”- Thầy cười: “Ông nói đất ở đây “nước ngọt” chảy tràn đầy là ý thế nào?”. Tôi phải xin lỗi Thầy, đọc và viết lại nguyên bản; chuyện đã xưa cũ nhưng nhớ lại - kể cũng vui!”. Anh tâm sự: “Tuổi của bọn mình, còn đi được ngày nào, nên đi cho vui! Thăm anh em, bà con, chùa chiềng để thấy đời còn nhiều an ủi đáng quý!”. Nhân lúc vui, tôi cũng đã nhắc lại một lần Hòa Thương lên thị trấn có việc, đã bất ngờ ghé lại nhà thăm tôi. Tôi có hỏi vui “ Thưa Thầy, ngoài sách báo Phật giáo, Thầy có đọc truyện của “đời thường” nữa không?”. Thầy bảo có. Tôi hân hoan lấy hai tập truyện “Trái Tim Còn Lại” và “Người Giữ Cầu Bến Sông” mới xuẩt bản, viết tặng Thầy. Thời gian tham gia viết bài, biên tập cho Kỷ yếu, tôi gần Thầy nhiều hơn, để ghi lại “đôi điều” về Thầy, theo đề nghị của thầy Nhuận Tâm…
         Chúng tôi vào chùa - chùa vắng, cùng đi đến gian nhà khách phía bên trái, ngồi nghỉ. Lát sau, một chú Điệu từ phía nhà Tổ tiến lại: “Chào hai bác, hai bác cần gì ạ?”. Tôi đáp: “Thầy Nhuận Trí có ở chùa không, chú?” – “Dạ thưa, có! Thầy đang nghỉ trưa…”. Chú rót nước trà ra hai tách:  “Mời hai bác uống nước!”, Anh cầm tách trà hớp một ngụm nhỏ: “Khi nào Thầy dậy, chú thưa với Thầy có hai người muốn gặp nhé!”.
         Khi Hòa Thượng Thiện Nhơn con tại thế, đôi lần đến Tổ đình thăm Thầy, tôi cũng đã quen với vị Đại Đức nhiệt tình, nhu hòa Nhuận Trí. Thời gian tham gia biên tập cho Kỷ Yếu “Chào mừng đại lễ khánh thành sắc tứ Tổ đình Thiên Đức” (25 th 7 Đinh hợi – 2007), tôi quen thân Thầy hơn, bởi Thầy đã được Hòa Thượng tín nhiệm ủy quyền trông nom chùa mọi mặt…
          Chúng tôi đã được Thầy Nhuận Trí đến nhà khách, tiếp chuyện ngay sau đó khoàng mươi phút. Anh Đặng Quý Địch thăm hỏi về tình hình sinh hoạt của chùa sau ngày Hòa Thượng viên tịch, về người đệ tử “đặc biệt” của Hòa Thượng thường hát tân cổ nhạc ở gác chuông; nhắc kể vài kỷ niệm quý báu mà Hòa Thượng đã ân cần dành cho anh thuở trước! Anh vui vẻ nói: “Lúc Hòa Thượng ghé thăm tôi ở Bồng Sơn, tôi có dâng tặng Hòa Thượng cây gậy chạm đầu rồng do người con tặng cho tôi. Tôi nghĩ, mình không xứng đáng cầm gậy đầu rồng, nên tặng lại Hòa THương…Nếu nhà chùa còn giữ bảo vật của Hòa Thương để lại, Thầy có thể cho tôi xin lại cây gậy ấy, được không?”. Anh thành thật: “Tôi nghĩ, chắc Hòa Thượng cũng sẽ hoan hỉ thôi. Tôi muốn giữ lại để làm kỷ niệm về Hòa Thương…”. Thầy Nhuận Trí tươi cười: “Tôi có thấy, nhưng sau nầy, chưa biết cây gậy ấy ở đâu? Nếu tìm lại được, sẽ xin gởi Bác thôi…”.
            Theo sự hướng dân của Thầy Nhuận Trí, hai chúng tôi vào nhà Tổ thắp hương đảnh lễ Hòa Thượng. Lên chánh điện nguyện cầu. Chính Thầy đã đốt hương trao cho chúng tôi. và gióng hồi chuông Bát nhã…Vừa bước ra khỏi chánh điện, thầy Nhuận Trí nói: “Mời hai bác thăm tháp Ngài…”. Tại chiếc tháp được xây dựng đơn giản, nhưng trang trí mỹ thuật, trang nghiêm, chúng tôi đã lễ lạy Ngài như lúc Hòa Thượng còn sống, đã ghi lại vài tấm ảnh kỷ niệm bên nơi an nghỉ của Ngài - một vị Đại lão Hòa Thượng đức độ, khiêm cung, trọn đời luôn chăm lo cho công cuộc chấn hưng Chánh pháp…

(tạp chí VHPG số 199 th 4/2014)
Quê nhà, tiết nguyên tiêu Xuân Giáp Ngọ
2014
MANG VIÊN LONG





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét