KHA CÔNG TỬ
Truyện Ngắn: Thái Quốc Mưu
Kha Trân, người Hồ Nam, vốn dòng thế phiệt, nghĩa khí hơn người, lại thường hay bố thí kẻ nghèo hoặc kẻ sa cơ lỡ vận. Gặp năm hạn hán, cứ tung gạo kho, bạc tiền ra phát chẩn không chút đắn đo. Giúp người hàng vạn, không hề nghĩ việc đáp ân. Bởi vậy, từ ăn mày cho đến hảo hán anh hùng, kẻ biết Kha thì đầy thiên hạ, còn Kha biết người vốn chẳng bao nhiêu!
Có điều tánh tình phóng đãng, thích gái đẹp, rượu ngon, nên luôn lui tới Bách Hoa Lâu, hay những chỗ tương tự để vui chơi “ngàn vàng đổi lấy trận cười” là chuyện bình thường! Cho nên đã nhiều lần vào trường thi, nhưng chưa hề thấy tên đề bảng hổ.
Dù gia nhân vệ sĩ hàng đàn, nhưng Kha thích lai vãng một mình. Cha mẹ thường hay lo sợ điều bất trắc. Kha cười mà đùa rằng:
– Cái xác con có bao cân thịt, nếu gặp bọn cường đạo thì chúng chia nhau nhắm rượu, bụng chỉ lưng lửng, sợ tốn công, chắc chúng chẳng thèm làm đâu! Vả lại, thói thường con chưa hề mua thù chuốc oán với ai. Xin phụ mẫu cứ yên tâm.
Mẹ cha Kha chỉ biết lắc đầu.
Một buổi trên đường du hí, Kha thả lỏng tay cương nhìn hoàng hôn nhuộm vàng trên bãi dâu xanh, bất chợt phía trước có một bóng hồng phẩy liền tay áo. Ý chừng bảo chàng dừng lại. Kha gò cương. Đó là một cô nương tuổi chừng đôi tám, sắc đẹp chim sa!
Nàng vận lụa Tô Châu, chân mang hài gấm kiểu kinh thành. Tóc cài trâm ngọc, cổ choàng nhiễu đào. Mặt rạng như hoa, phong nghi thoát tục. Rõ ràng là con nhà khuê các. Nhưng cớ sao lại một thân một bóng giữa đàng, chẳng có a hoàn theo hầu? Nàng mở lời:
– Thiếp họ Phương, nhà không xa, nhưng hoàng hôn sắp tắt, đêm đen chực trùm lên mọi vật. Thiếp lấy làm lo lắm, nên không ngại xấu hổ nhờ công tử quá giang.
Kha vừa nghe, máu dồn rần rần lên mặt. Con nhà trâm anh ngàn vàng dễ gì đụng được gót chân! Nay lại tự dưng xin được ngồi cùng ngựa, dẫu nằm mơ cũng không được!
Ngựa bon trên đường vắng, tóc mây phơn phớt quyện mặt chàng. Tay trái ghìm cương, tay phải ôm vòng qua lưng người đẹp, hơi ấm và mùi hương xuân nữ làm Kha ngây ngất, cứ mong đường dài hơn, hầu kéo dài thêm giây phút thần tiên. Nhưng đến gốc liễu ven đường, nàng bảo gò cương.
Xuống ngựa, nàng chỉ Kha vào con đường lát đá rộng thênh thang, hai bên hoa lá đủ màu.
– Đi thêm vài trăm bộ là tới nhà thiếp!
– Ta có thể đưa nàng đến nhà được không?
Nàng nhăn mặt, nét kiều mỵ dù Tây Thi cũng thế là cùng:
– Sao lại được chứ? Gia đình thiếp bao đời nghiêm chỉnh, lại chấp nhận đứa con gái ngồi chung ngựa với người lạ hay sao?
– Dám hỏi phương danh?
– Thiếp họ Phương tên Ngân Phụng.
Lại nhoẻn miệng cười:
– … Là “chim phượng bạc” đó mà!
Rồi nheo một mắt ghẹo chàng. Bấy nhiêu đó cũng đủ làm cho Kha công tử cảm thấy trời đất ngả nghiêng!
Về nhà, Kha đâm ít nói, bỏ ngủ, biếng ăn. Tối ngày nằm lì trong phòng, mới mấy ngày mà như xác không hồn, lâu lâu lại gọi “Phương tiểu thư!” Cả nhà lo sợ, lương y hết cách. Rồi một ngày, Kha bỗng ngồi dậy, quyết tâm tìm đến nàng, bất chấp hậu quả sẽ ra sao!
Một bữa chiều. Ngựa vừa gò cương ngoài đường cái, lòng lại hồi hộp chẳng dám vào, bao can đảm tiêu tan đâu mất, đứng ngong ngóng xem coi có gặp người để hỏi thăm, thì may thay! Từ khóm hoa, Ngân Phụng tươi cười bước ra:
– Nay dám liều mạng đến đây à?
Chỉ chờ có thế, Kha vội chạy đến, quỳ dưới chân nàng mà rằng:
– Phương tiểu thư! ta không thể sống mà chẳng có nàng!
Lại cười :
– Cái chàng lãng tử nầy mà cũng si tình thế à? Còn bao mỹ nữ trước kia đâu hết rồi?
– Vẫn còn hàng tá2! Nhưng so với nàng khác nào sỏi đá với bảo châu? Như cú diều sánh với phượng hoàng? Chẳng phải một lần nàng bảo mình là Phượng Bạc (Ngân Phụng) đó sao?
– Mồm mép quá đi thôi!
Bèn nói:
– Hôm nay cả nhà đi vắng, chàng có thể vào chơi giây lát!
Kha mừng quýnh, líu ríu bước theo. Qua một ngõ rẻ thì thấy thấp thoáng xóm nhà san sát, mái đỏ, tường vàng. Mỗi nhà mỗi kiểu khác nhau.
Trước sân trồng đủ loại hoa khoe màu rực rỡ. Phương tiểu thư chỉ tay về ngôi nhà có vẻ bề thế hơn người, chung quanh kín cổng tường cao:
– Nhà thiếp đó!
Trong nhà bày biện đơn sơ nhưng ngăn nắp gọn gàng, mọi thứ đều sạch như lau. Hương thơm tỏa ngát. Trước sau trên dưới chẳng một bóng người. Rõ ràng cả nhà có chuyện đi xa như lời nàng vừa nói. Tim Kha rộn ràng.
Tánh hảo ngọt không chừa, vội ôm chầm lấy nàng, nói trong hơi thở:
– Được cùng nàng vui vầy một đêm, đến sáng chết cũng mãn lòng!
Phương cười chúm chím:
– Đã nói thì đừng hối đó nhé!
Rồi cùng nằm xuống. Da thịt Phương trắng ngần, tỏa ngợp hương ngây ngất. Chợt Kha ngồi dậy, ngắm nàng say đắm, rồi run giọng, nói như trong mê:
– Ôi! con phượng bạc nầy trị giá liên thành, dù ngàn con phượng vàng cũng không sao sánh được!
Phương nhéo đau:
– Cứ nói là đủ hay sao?
Mấy hôm si tình ngủ không được, giờ thỏa tình cũng không ngủ được. Thật oái oăm thay!
Gà gáy sáng, Phương ghẹo:
– Hãy ăn no đi, để sáng chết rồi làm con ma đói đó!
Kha hỏi lại:
– Cổ là nơi quyến rũ của nữ nhi, sao nàng lại chừa chỗ ấy mà không lột trần ra thế?
Phương giẫy nẩy:
– Bộ những chỗ khác không bắt mắt hay sao? Còn hỏi nữa, thiếp đem giấu hết bây giờ!
Rồi buồn buồn:
– Chẳng qua là từ nhỏ thiếp thường bị chứng phong hàn, hễ cổ lạnh thì bị ho mấy ngày liền đó thôi!
Gà lại gáy, Phương vừa nhỗm dậy, Kha vội ngăn lại:
– Trời vẫn chưa sáng mà!
Phương cười khúc khích:
– Rõ là sợ làm ma đói thật đây!
Hai người im lặng khá lâu, mới nghe Phương dặn dò:
– Gia phong thiếp vô vùng nghiêm khắc, nhưng vì quá thương chàng nên liều xấu hổ mà đành mở ngõ, leo tường! Một trăm lần không là chàng đừng bao giờ tự ý đến đây, dù có nhớ thiếp ruột tím gan bầm đi nữa… Chàng không thể quên và chớ liều lĩnh như lần nầy. Nhớ chỉ một lần nầy thôi nhé! Còn như có thương thiếp thì hãy về dựng một thư phòng riêng biệt, tự thiếp sẽ tìm đến. Phần chàng cũng nên khuya sớm sách đèn hầu có ngày bảng hổ đề tên cho rỡ ràng vọng tộc.
Rồi dặn dò:
– Hay chi ở phường bán sắc nuôi thân, sớm chiều trụy lạc! Dù cho sướng hết đời mình, thì cũng phải để phần cho tử cho tôn! Thói bướm hoa không phải là kế lâu dài, lũ buôn phấn bán hương mấy ai người chung thủy? Trong bụng chỉ muốn vơ cho đầy túi, nên ngoài miệng luôn ngọt chất mật đường! Mấy ai tính chuyện bạc đầu! Chàng không nên đến những nơi ấy!
Nếu là duyên trời định, không chê thiếp là kẻ đón chim Nam, vờn lá Bắc3 thì cơ may có ngày gặp lại.
Trước khi chia tay, Kha khắc vào cây đào trước sân nhà bốn chữ “lưu tại thiên thu4”, rồi nói:
– Để nhớ ngàn đời buổi gặp gỡ hôm nay!
Từ đó, Kha bỏ hẳn thói ăn chơi, suốt ngày miệt mài đèn sách, Kha ông cả mừng, mọi người thấy lạ.
Gần tháng mà chẳng thấy nàng đến, lòng Kha ngợp nỗi buồn, nhưng không dám nghĩ xa xôi quyết tâm trau giồi bút mực. Một hôm, nhớ nàng khôn xiết, bồi hồi bức rức không yên, bèn lấy bút mực họa ảnh nàng. Thủ pháp như thần, nét giống như in, rồi thuận tay đề bên dưới: “Ái thê Phương Ngân Phụng”, thì sao lưng có tiếng trong như suối reo:
– Năm nay triều đình có mở hội thi họa ảnh mỹ nhân nữa à?
Rồi cổ chàng bị siết chặt, đôi tay nõn nà quen thuộc tỏa ngát hương. Lại cười, nói:
– Ai là ái thê của nhà ngươi chứ? Không biết hổ thẹn chút nào!
Kha ôm nàng, thảy lên nhồi xuống như người ta thường đùa giỡn với trẻ thơ. Đêm ấy gầm trời một cõi, tự do tự tại, mưa gió dập vùi, không là bão tố mà cũng làm đổ lá nghiêng cây!
Từ đó đêm nào Phương cũng đến, nhưng dần trở nên nghiêm khắc với việc gối chăn. Kha chưa lo xong phần kinh điển thì đừng mong đụng tới người nàng. Đôi lần bị cưỡng, nàng đều giận dỗi, kiên quyết chối từ:
– Nam nhi mà đầu óc luôn nghĩ tới chuyện trên giường thì làm nên trò trống gì nữa! Nếu còn lôi thôi thì đừng mong gặp thiếp.
Nhiều khi thấy nàng cứ gần sáng đòi về, Kha cố giữ lại, nàng nói:
– Thừa lúc mọi người an giấc, thiếp lẻn đi, thì thiếp phải về trước lúc mọi người thức giấc chứ?
Kha chạnh lòng:
– Thế tại sao nàng không cho băng nhân5 tới nhà, để chúng ta đường đường chính chính ăn ở với nhau có hay hơn không? Tội gì phải lẻn lẻn lút lút (lẻn lút) như vầy!
– Đã thương nhau một lòng thì câu nệ gì chuyện mối mai! Biết bao kẻ trước khi thành chồng vợ, đã rình rang trăm thứ lễ nghi, để rồi một thời gian sau lại đồng sàng dị mộng đó sao?
Quen dần, Kha cũng không nhắc tới chuyện đó nữa!
***
Hôm ấy tiết đông chí, đêm dài lê thê6. Nàng lại không tới, lòng Kha buồn dào dạt. Canh hai nàng mới tới, vẻ mặt dàu dàu, Kha gặn hỏi nhiều lần, nàng mới chịu mở lời, nũng nịu:
– Thiếp hổng thèm nói đâu!
– Nói cho ta nghe đi mà!
– Khô… ông!
Đoạn kéo tay Kha áp lên bụng mình mà rằng:
– Người đâu dữ dằn quá, mới mấy tháng mà đã gởi giọt máu vào đây rồi!
Kha mừng ra mặt:
– Đó là chuyện mừng không hết, cớ sao nàng mặt ủ mày châu như thế?
– Phần thiếp thì mình đã tự liệu xong, còn phần chàng, thiếp không lo sao được? Chàng giải thích thế nào với mọi người về cái nghiệp chướng nầy đây?
Kha cương quyết:
– Đó là con của ta và nàng, thì nó là con của chúng ta. Bọn thế nhân dư lời, thừa tiếng, ta có sợ chúng đâu!
Mặt hoa mới rạng rỡ đôi phần:
– Uy vũ quá, nhưng hãy chờ xem!
Kha ôn tồn:
– Điều ta lo chính là nàng.
Phương cười vui:
– Chàng hãy yên tâm! Thực ra khi đã yêu chàng thiếp đã tính trước ngày nầy, và cũng định bụng tặng chàng một đứa con để mai sau nếu lỡ phân ly thì cũng còn kỷ niệm! Còn vẻ mặt đưa đám lúc nãy chẳng qua là thử bụng chàng đó thôi!
– Sao nàng nói gỡ điều gì vậy?
Ngân Phụng không đáp mà chu đôi môi đỏ mọng, nhìn chàng như trêu chọc. Kha lại bế nàng, nhưng nhẹ nhàng êm ái, không dám tung hứng như bao lần:
– Nàng giỏi lắm, vậy giờ hãy cho ta thêm một công chúa đẹp như nàng nữa đi!
Phương xỉ vào trán Kha:
– Khùng quá đi! Đừng có nằm mơ nữa!
Thấy nàng đi đi về về trong cơn mưa gió, Kha cầm lòng không đặng, nên cứ đòi danh chánh ngôn thuận, nàng một mực khước từ, lại dọa:
– Đã bao lần thiếp nói, chàng đã vội quên sao? Từ nay xin đừng nhắc tới chuyện nầy nữa!
Nàng đến thưa dần, có khi năm bữa mươi ngày, Kha nghĩ nàng bụng dạ nặng nề, nên lòng càng thương cảm.
Một đêm, nàng bồng con tới, vừa vào cửa, đã cười nói huyên thuyên:
– Hãy xem cái nghiệp chướng nầy có đáng nối dõi Kha gia không chứ?
Kha tột cùng kinh ngạc, mừng vui khó tả. Nhìn mẹ rồi lại nhìn con:
– Nàng quả là thần thánh không bằng!
Rồi quan sát Phương từ mặt đến chân
– Mới sinh nở mà sức khỏe nàng không hề suy suyển, vẫn đi đứng khoan thai, vẫn nói cười rôm rả, vẫn dung nhan như ngọc. Thật rõ khác thường!
– Chàng đặt cho con cái tên đi chứ!
– Phương Ân! Để nhớ ơn nàng đó mà!
Có vẻ xúc động, nàng chơm chớp mắt:
– Thiếp cũng nhớ ơn chàng vậy!
Đứa bé bụ bẫm, ngủ li bì, thức dậy là cười tủm tỉm, không nghe tiếng khóc. Kha cứ nhìn con, lòng tràn hạnh phúc, thấy thế Phương khều chàng, nhướng mày:
– Bộ không muốn có thêm công chúa nữa sao?
Kha chỉ sợ còn ngày ở cử, nàng lại giục:
– Đã nói không sao mà!
– Trong nhà ấm áp sao nàng không chịu cởi nốt khăn choàng?
Phương cười thành tiếng:
– Chắc công chúa của chàng ra đời từ cổ thiếp quá!
Kha cười sặc sụa, căn phòng rộn hẳn lên.
Trời cuối thu, gần sáng gió lạnh thấu xương, mà nàng cũng chỉ khăn the áo mỏng. Kha chạnh lòng thấy thương vợ vô cùng, bèn khoác cho chàng cái áo choàng lông thú. Nàng nói:
– Gió lạnh nầy không làm hại thiếp được đâu, khoác áo chỉ nặng nề thôi!
Tuy nhiên, nàng vẫn mặc vào cho yên lòng Kha.
Cả tháng sau nàng không đến, Kha bồn chồn trăm vạn thứ lo. Chàng tự trách mình, trách nàng. Suy cùng nghĩ tận, chàng quyết tìm đến Phương gia.
Như lần trước đến, Kha cứ theo đường lát đá đi vài trăm bộ, nhìn trái thấy bảng đề “Phương Gia Trang”.
***
Chủ nhân là lão bà độ khoảng sáu mươi, làn da tươi nhuận, phong thái phi phàm, đường đường mệnh phụ. Sau khi nghe Kha nói rõ mục đích chàng đến đây, Phương phu nhân nhìn chàng dò xét, ngờ vực hỏi:
– Tìm Ngân Phụng à? Công tử quen với nó tự bao giờ?
– Dạ hơn một năm nay! Thưa phu nhân!
– Hơn một năm? Công tử có lầm chăng?
– Tuyệt đối tiểu sinh không thể lầm, bởi tiểu sinh có lần đã đến nơi nầy. Không ngờ thời gian chỉ hơn một năm mà Phương gia trang lại hoành tráng hơn nhiều.
Phương phu nhân hơi phật lòng:
– Công tử đã đến nơi nầy? Phương gia ta trăm năm nay từ một viên sỏi cũng không dời chỗ, mà sao một năm nay lại “hoành tráng hơn nhiều” ta lại không biết kìa?
– Ít ra cây đào trước sân cũng được thay bằng gốc liễu.
– Đào, liễu gì chứ? Công tử nằm mơ hay cố đến quấy phá ta chăng?
– Tiểu sinh không dám và chẳng hề nằm mơ, vì năm trước tiểu sinh đã khắc trên cây đào bốn chữ “Lưu tại thiên thu”.
Phương phu nhân dằn mạnh chén trà, nước tóe xuống bàn:
– Ngươi nằm mơ thật rồi ! Người đâu? Tiễn khách!
Lấy từ tay áo, Kha dâng ngọc bội lên phu nhân:
– Xin phu nhân bớt giận, nếu như vật nầy không phải của Phương gia thì tiểu sinh xin cáo biệt.
Phu nhân cầm ngọc bội mà hai tay run bần bật;
– Ở đâu mà công tử lại có vật nầy chứ?
Kha quỳ mọp xuống:
– Phu nhân tha lỗi!
Kha kể lại hết sự tình. Phu nhân nghe xong, chân tay mềm nhũn, chén trà rơi vở tan tành:
– Hai người có con thật sao? Bồ Tát ơi! Sao lại có chuyện kinh thiên thế nầy?
Mỗi người đều có ý nghĩ riêng mình. Phần Kha, cứ ngỡ phu nhân trách mình đã xé rào, vượt qua vòng lễ giáo, nên tha thiết:
– Xin phu nhân tha tội! Tiểu sinh thật lòng muốn cùng nàng bái đường, kết nghĩa trăm năm phu phụ, nhưng không hiểu sao, nàng luôn chối từ!
Phu nhân xua nhẹ tay mà đôi mắt còn lim dim xem chừng mệt mỏi lắm:
– Công tử không có lỗi gì cả. Hãy đứng dậy! Theo ta!
Hai a hoàn dìu phu nhân qua một hành lang, đến một gian phòng bày trí trang nghiêm, màn gấm trướng nhung, khói hương nghi ngút, ở giữa có bệ thờ cao, trên đó thờ mấy hàng bài vị tiên tổ Phương gia. Đến một bệ thờ thấp hơn, nằm khiêm nhường ở một góc phòng, phu nhân chỉ vào đó ràn rụa nước mắt, nói với Kha:
– Con gái cưng của ta đây, xem có phải người mà ngươi muốn tìm không?
Kha bước tới, đưa mắt lên những hàng chữ trên bài vị: “Ái nữ Phương Ngân Phụng chi linh vị”.
Kha nhìn rồi hai chân như quỵ xuống:
– Không thể nào phu nhân ơi! Tên trùng tên một cách ngẫu nhiên chăng?
– Ta cũng chỉ mong như vậy, nhưng tên thì có thể trùng, nhưng ngọc bội nầy không thể có hai! Nó đã mất ba năm trước với tuổi trăng tròn! Lúc đó, nó cùng đám gia nhân về thăm ngoại tổ. Khi đến U Nhai Lâm, bọn tùy tùng bị tiểu phỉ giết sạch, chúng định cưỡng hiếp nó và người hầu, cả hai đều chống cự, chúng dùng thiết thủ móc họng cả hai! Ba năm nay nó nằm cô đơn lạnh lẽo tại phật địa của Phương gia7. Chuyện của ngươi và nó, ta không tin cũng không được, vì ngọc bội trên tay ta đây vốn là tín vật của Phương gia. “Sống theo mình, chết theo mồ!” Đó là gia quy hằng trăm năm của Phương gia để lại; còn nếu ta tin thì Bồ Tát ơi!… sao lại thế nầy…
– Xin phép phu nhân cho tiểu sinh được viếng Phật địa Phương gia?
Phu nhân gật nhẹ. Qua một hàng rào ở hậu viên, trước mắt hiện ra một vùng đất lô nhô mồ mả, cái thấp, cái cao, cái to, cái nhỏ, nhưng được xếp từng hàng, từng dãy. Hai bên lối đi, đủ loại hoa buồn bã đưa hương. Bấy giờ mùa đông, hoa đào nở rộ, rụng đầy trên đường, trên cỏ, khiến cho cảnh vật thêm hoang vắng lạnh lùng!
Phu nhân dừng bước trước ngôi mộ khá bề thế, hiểu ý, Kha tự đẩy cổng bước vào. Cây đào năm trước quen thuộc làm Kha xốn xang trong dạ. Kha reo lên:
– Phu nhân, xin hãy xem đây!
Nhìn bốn chữ “Lưu tại thiên thu”, phu nhân thở dài mà rằng:
– Vậy là nhà ngươi không nói ngoa rồi! Bồ Tát ơi…!
Kha nhìn quanh, chợt thấy chiếc áo choàng lông thú được xếp ngay ngắn để cạnh mộ bia, Kha vội ôm nó vào lòng rồi khóc rống lên. Phu nhân và hai người hầu chẳng hiểu cớ sự ra sao! Kha kể:
– Đây là chiếc áo mà chính tiểu sinh đã khoác cho nàng trước khi nàng ra về lần sau cùng đó phu nhân à! Ôi…!
Chủ tớ nhìn nhau kinh dị!
Kha lại thống thiết:
– Hiền thê ơi! Sao em không về cùng ta và con chứ? Em vẫn biết ta không thể nào sống mà chẳng có em mà!
Rồi như không còn nước mắt, Kha chỉ gào lên, khan cả giọng, quỵ xuống lết tới ôm nấm mồ, vuốt ve một hồi, đoạn lấy áo khoác trải choàng lên mộ, nói trong tiếng nấc:
– Hiền thê ơi, trời sang đông rồi, em khoác áo kẻo lạnh. Em cũng phải quàng cổ cho ấm. Anh đã biết rồi! Anh không bắt em phải mở khăn quàng ra nữa đâu!
Nói xong, Kha gục xuống, lịm đi!
***
Mùa xuân năm Mậu Tý, có dịp lai kinh, khi hầu trà, ta kể chuyện nầy cho La Thượng Thư nghe. Ngài bảo, ta kể tiếp, nghe xong, lại bảo: “Ngươi kết thúc như trên được rồi, dù theo ngươi nói, ĐÂY LÀ CHUYỆN CÓ THẬT, cũng không nên làm người đọc quá đau lòng.”
Rồi như mọi lần, cũng bảo ta ghi lại cho hậu thế mua vui. Nhưng Ngài lại pha trò: “Lần nầy chắc phải mua sầu rồi. Nghe chuyện nầy, ta cũng phải nhũn lòng!”
Atlanta, Feb. 19 – 2008
Thái Quốc Mưu
____________
Ghi chú:
[1] Quá giang: Nghĩa đen = sang sông bằng ghe, thuyền. Ở đây, xin đi nhờ ngựa
[2] Hàng tá: một tá tức là một “lố”, có 12 đơn vị.
[3] Theo ý câu thơ “Chi nghinh nam bắc điểu, Diệp tống vãng lai phong.”
[4] Lưu tại thiên thu: Nhớ mãi ngàn năm.
[5] Băng nhân: Người mai mối.
[6] Tiết đông chí: Được coi là giữa đông. Ngày nầy ở Bắc bán cầu dài nhất trong năm.
[7] Phật địa của Phương gia: Vùng đất chôn cất (nghĩa địa) của dòng tộc họ Phương.
Phụ chú:
Nội dung truyện Kha Công Tử tác giả dựa vào câu chuyện thật 100%, người trong cuộc là Nguyễn Đình Q. hiện ở Cali. Khi Q. còn là sinh viên, gia đình giàu có, tính tình rất phóng túng. Hàng ngày đi học bằng Vespa. Một hôm từ Sàigòn về thăm gia đình ở Biên Hòa, giữa đường Q. gặp D. một nữ sinh xinh đẹp đứng bên đường, chàng dừng xe tán tỉnh rồi chở nàng về cùng đường. Khi đến đầu con đường nhỏ vào nhà, nàng bảo Q. dừng xe rồi xuống đi bộ vào.
Từ đó, Q. sáng đi chiều về, mỗi lần đều gặp D. ở nơi cũ Q. đều chở D. Lâu dần họ yêu nhau. Những ngày cuối tuần Q. chở D. cùng đi Lái Thiêu chơi vườn, ăn trái cây. Một hôm, từ Lái Thiêu về, đến đầu đường nhỏ, trời mưa to, Q. mở “cốp” xe lấy trái cây, áo mưa cho D. choàng vào nhà. Q. vừa quay xe lại thì tiếng sét nổ long trời lở đất.
Những hôm sau, trên đường về, Q. không còn thấy D. đứng đón như mọi khi. Cuối tuần chàng tìm đến tận nhà D. trong một khu vườn nhỏ, gặp mẹ nàng đang ngồi vá áo. Q. hỏi D. bà cụ ngạc nhiên, bảo D. đã chết lâu rồi và chỉ hình D. trên bàn thờ. Nhìn hình, Q. kinh hoàng, hỏi mồ mả D. để ra thăm nơi an nghỉ của nàng. Bà cụ dẫn Q. ra sau vườn. Q. vô cùng khủng khiếp khi thấy trái cây, áo mưa mấy hôm trước chàng đưa cho D. vẫn còn nằm gọn gàng trên nền mộ đá.
Vào nhà, mẹ D. kể cho Q. nghe, D. đã chết trên một năm rồi. Nàng chết khi chạy xe đạp trên đường đi học, bị một chiếc xe Lam chở cây lồ ồ cặp bên hông xe chạy ngược chiều, một ngọn cây dài ra đâm thẳng vào cổ D. nàng bị treo lơ lửng một đoạn xe mới dừng lại. D, chết trên đoạn đường Q. vẫn gặp nàng.
Một điều lạ lùng, một lần Nguyễn Đình Q. lâm trọng bệnh, trong cơn mê sảng thường gọi tên D. Nguyễn văn T. bạn chí thân của Q. thường cõng Q. đến bệnh xá. Đưa ra ý kiến “Hay là mình cúng D, xin nàng. cứu giúp Q. trong cơn đau bệnh.” Sau khi cúng kiến xong mấy ngày Nguyễn Đình Q. trở lại mạnh khỏe như thường.
Điều kỳ dị, mỗi khi chúng ta nghe kể chuyện ma, thì ma chỉ xuất hiện ban đêm, nhưng Q. gặp D. ban ngày và đã chở nàng đi chơi Lái Thiêu nhiều lần. Thật lạ lùng!
Trong thế giới siêu nhiên có những điều (mà) với sự hiểu biết hạn hẹp của mình, tác giả không thể nào lý giải được.
Tác giả dựa vào câu chuyện thật kể trên, viết Kha Công Tử, lấy địa danh Trung Quốc, “phăng” thêm vài sự kiện để dẫn dắt bạn đọc có hơi hướng Liêu Trai.
Thái Quốc Mưu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét