Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Ảnh Lê Hoàng

                                           ĐỌC BÀI THƠ HAI NGƯỜI LÍNH
  
                                        (không biết tên tác giả)

 Phạm Đức Nhĩ

Tôi với anh
hai mái đầu xanh
xanh như màu quân phục...
làng tôi sông Hồng nước đục
quê anh Vàm Cỏ lở bồi
mẹ nhớ tôi, hết đứng, lại ngồi
má mong anh, vào nhà, ra ngõ


Tôi đã ngỏ lời
vào một đêm trăng tỏ
trước lúc lên đường
ba lô anh
có kỷ vật người thương
đêm giở ngắm
 trên đường hành tiến
 
Người này nói
anh đi bảo vệ quốc gia
người kia bảo
tôi vào nam cứu nước
tôi và anh
có bao giờ tính suy mất được
cho bản thân mình, cho mẹ, cho em
 chỉ nghe kèn trống nổi lên
người hối thúc
đưa ta vào chiến trận
 
Đồng quê tôi cỏ mọc xác xơ
nước quê anh cá chết dạt bờ
người con gái quê anh, quê tôi
héo hắt đợi chờ
mình mê mải
với giấc mơ Bạo Chúa
 
Tôi và anh
hai mái đầu còn xanh
xanh như màu quân phục
Nào...!
hãy khoác vai nhau
ta cùng chúc phúc

Để tôi về ngoài ấy đắp đê
nước Vàm Cỏ
cũng đang gọi anh về
cùng cày cấy
nuôi mẹ già anh nhé

Mê muội qua rồi
chia tay trên lối rẽ
gửi cho nhau
lời xin lỗi muộn màng
một cánh mai tươi
một nén hương vàng
ta về
tặng những người đồng đội
ta bá vai nhau
để những người kia xóa tội
dưới suối vàng
Họ...!
chắc cũng đã ôm nhau...!

Hai người lính không vũ khí đứng sát vai nhau, hưởng cái cảm giác yên bình, không còn đì đùng tiếng súng. Giữa 2 chiếc áo màu xanh không có làn ranh quốc - cộng. Chỉ có 2 khuôn mặt trẻ, 2 đứa con yêu của mẹ Việt Nam. Hai khuôn mặt tuy có chút phong sương (người lính TQLC ở miền Nam có vẻ “dày dạn” hơn) nhưng trông rất hiền, rất lính mà lại rất người, đã tạo cảm hứng để thi sĩ viết lên bài thơ chắc sẽ làm rung động nhiều trái tim ở cả 2 miền nam bắc.
Trước bài thơ dạt dào cảm xúc, thấm đẫm tình người này tôi muốn ngồi thật nghiêm trang, không nghiêng bên này, ngả bên kia để thưởng thức cái hay, cái đẹp của từng chữ từng câu và chia sẻ sự chiêm nghiệm của mình với độc giả.
TỨ THƠ CŨNG LÀ Ý
         Anh bộ đội miền Bắc tâm sự với người lính miền Nam về viễn ảnh hòa bình trên quê hương sau ngày Hiệp Định Paris có hiệu lực, chấm dứt cuộc chiến huynh đệ tương tàn giữa Nam Bắc Việt Nam.
          Tấm hình của hai người lính đã giúp cho tứ thơ “hiện thực” hơn, dễ “bắt” hơn và nhờ thế bài thơ sinh động hơn nhiều.
GIẢI THÍCH VÀ DIỄN DịCH
Vì ngôn ngữ thơ rất dân dã, giản dị và rõ ràng, người đọc có thể hiểu ngay từ cái liếc mắt đầu tiên nên tôi xin bỏ qua phần giải thích diễn dịch để đi thẳng vào phần phân tích và nhận định nghệ thuật.
PHÂN TÍCH VÀ NHẬN ĐỊNH NGHỆ THUẬT
Hình thức:
         Bài thơ có hình thức khá mới. Vẫn còn phảng phất mùi Thơ Mới nhưng đã có nhiều thay đổi để loại bỏ những khuyết điểm của loại thơ này.
-          Số chữ trong câu: câu ngắn nhất 3 chữ, câu nhiều nhất 11 chữ. Ở khoảng giữa, từ câu 4 chữ cho đến câu 10 chữ, loại nào cũng được sử dụng. Có thể nói tác giả đã sắp xếp, thay đổi câu chữ hoàn toàn thoải mái và tùy hứng.
-          Vần: bài thơ có vần; vần gieo liên tiếp. Do số chữ trong câu thay đổi với biên độ rộng nên hội chứng nhàm chán vần, cái giọng ầu ơ của thơ mới gần như biến mất. Hơn nữa, có đến 3 chỗ bắt đầu đoạn mới tác giả đã “thoát vận” nên bài thơ có vị ngọt rất vừa phải đủ để đưa tứ thơ nhẹ nhàng trôi nhưng hoàn toàn không gây cảm giác nhàm chán cho người đọc.
         Bài thơ đã rất thành công về mặt hình thức.
Ngôn ngữ:
Ngôn ngữ thơ dân dã, đơn giản dễ hiểu. Tuy nhiên, có lẽ chưa sống và tiếp xúc với người miền nam nhiều nên đôi lúc anh nói về người lính miền nam nhưng lời lẽ lại rất đậm mùi “bắc kỳ”:
              mẹ nhớ tôi hết đứng, lại ngồi
              má mong anh vào nhà, ra ngõ
và:
              ba lô anh
              có kỷ vật người thương
              đêm giở ngắm trên đường hành tiến
Cảm xúc:
         Ngôn ngữ, hình ảnh trong thơ lúc tôi, lúc anh, lúc Nam, lúc Bắc rất gần gũi và dễ cảm;  người đọc hiểu và chấp nhận ngay. Cảm xúc từ tứ thơ toát ra nhẹ nhàng nhưng cũng đủ để chảy thành dòng. Lần theo tứ thơ người đọc có thể cảm nhận trực tiếp tâm tình của tác giả mà hầu như không phải ngừng lại để lý trí làm công việc kiểm chứng.
Hồn Thơ
         Ưu điểm lớn nhất của Hai Người Lính khiến tôi (và vài người bạn thường trao đổi chuyện văn chương) vấn vương với nó, yêu thích nó ngay từ lần gặp mặt đầu tiên là chất thơ, hồn thơ của nó. (Tôi không dùng từ cảm xúc vì theo tôi, thơ có đến 3 tầng cảm xúc mà chất thơ, hồn thơ ngự ở tầng cao nhất, sang trọng nhất.) Bình thường, với những bài thơ có hồn, tứ thơ phải chuyển động một lúc khá lâu thì hồn thơ mới “nhập”. Có khi phải gần đến cuối bài hồn thơ mới bất ngờ xuất hiện. Nếu bài thơ dài thì hồn thơ có khi nhập, lúc xuất chứ không liên tục. Hồn thơ của Hai Người Lính chính là cái giọng (không phải lời) hồi hộp, háo hức, sung sướng trước cái hạnh phúc lớn lao tự nhiên đổ ập xuống người mình. Cái hơi nóng của cảm giác háo hức tỏa ra ngay từ những câu thơ đầu tiên và vẫn giữ được nhiệt độ lúc ban đầu ấy cho đến câu thơ cuối cùng.
KẾT LUẬN
Để kết luận, tôi kính cẩn xin phép cố thi sĩ Huy Cận được mượn ý 2 câu kết bài thơ Ngậm Ngùi để diễn tả trái sầu và ước mơ của hai người lính.
Lúc ấy trái sầu chiến tranh đang trĩu nặng trên cổ mỗi người dân Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc. Với 2 người lính trong ảnh thì trái sầu ấy to và nặng hơn nhiều bởi họ trực tiếp gánh chịu gian lao và đối đầu với sống chết.
Và đây là 2 câu thơ của Huy Cận (được sửa chữa chút đỉnh):
                             Chúng ta hãy khoác vai nhau
                             Để cùng nghe nặng trái sầu rụng rơi.
Ước mơ của họ - được giã từ vũ khí trở về với cuộc sống thanh bình – hơn ai hết, đang cháy bỏng trong lòng.
Nhưng buồn cho 2 người lính và buồn cho dân tộc Việt Nam. Giây phút trái sầu rụng rơi quá ngắn ngủi, chỉ như một thoáng mơ qua. Bừng tỉnh dậy sau cái thoáng mơ ngắn ngủi ấy (27/01/1973), trái sầu vẫn trĩu nặng trên cổ mỗi chúng ta và trên cổ mẹ Việt Nam yêu dấu.
Texas 05/2015
PHẠM ĐỨC NHÌ
nhidpham@gmail.com

Phụ Lục:

                             CHỜ TÔI VỚI        

Tám giờ mười lăm, tiếng súng thưa dần.
Tiếng súng thưa dần rồi im hẳn. Toàn nhìn đồng hồ, tám giờ hai mươi lăm.
Cho chắc ăn không còn là mục tiêu, Toàn bảo Kháng:
– Mày giơ ngón tay lần nữa coị
Không tìm đâu ra nhánh dương nào khác, Kháng giơ ngón tay trỏ lên ngang mắt ngắm nghía, cười cười thủ thỉ: "Đụ má, đừng bỏ tao đi nghe mảy!"
Toàn gắt:
– Đù má mày, giơ ngón tay lên.
Kháng rụt rè đưa ngón trỏ lên khỏi đầu, cao hơn mô cát một chút, rồi lại thụt xuống. Nhấp nhứ như vậy một lúc, Kháng để hẳn ngón tay cao hơn mô cát. Không thấy động tĩnh gì, Kháng nhích tay cao hơn, cao hơn tí nữa. Kháng giơ cả bàn tay, vẫn yên lặng. Toàn nhìn quanh kiểm soát đám đàn em. Tất cả đang nhìn Toàn chờ.
Toàn đẩy đẩy cái mũ sắt của mình lên cao khỏi mô cát. Không có gì.
Toàn ghếch đầu nhìn lên phía trước. Dãy đồi cát hình cánh cung trước mặt Toàn đầy người. Tất cả đều đứng dưới giao thông hào, chỉ lộ từ ngực trở lên.
Toàn đứng hẳn dậy. Lính tráng chỉ đợi có thế, cũng đứng hẳn lên. Tháo dây đạn, bỏ súng, bỏ mũ sắt xuống.
Binh nhất Phước đen, một tên cao bồi khác của Toàn, vụt băng mình lao về phía trước. Toàn hốt hoảng ra lệnh cho lính ứng chiến ngay lập tức, sợ có gì nguy hiểm cho Phước đen. Nhưng không, những người bộ đội phía bên kia nhào lên khỏi giao thông hào, ôm chầm lấy Phước đen. Phước đen móc trong túi ra gói thuốc mời, mời, mời... hết người này đến người khác.
Lính hai bên ùa lên phía trước, ôm nhau hò hét:
"Hết đánh nhau rồi! Hết chiến tranh rồi!"
Những bộ quân phục rằn ri miền Nam trộn lẫn những bộ quân phục cứt ngựa miền Bắc. Cố không khóc nhưng nước mắt Toàn cứ ứa ra, không kềm được. Nhưng việc gì phải kềm chứ! Toàn mặc cho nước mắt trào ra”…
(Cao Xuân Huy, Chờ Tôi Với trong tập Vài Mẩu Chuyện)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét