ĐỌC “TRÀ KHUYA & TRĂNG
THƠ MẶC PHƯƠNG
TỬ
Châu Thạch
TRÀ KHUYA & TRĂNG
Khuya khoắt đêm
Chung trà vơi bấy bận
Gió và sương
Bay qua
Từ miền ký ức xa xôi.
Đường mây vẫn trôi về
phương vô tận
Khoảng lặng đêm sâu
Tiếng vạc vọng bên trời.
Ta rót mời ta
Chung trà viễn mộng
Khoảnh khắc xanh
Từng điệp khúc thời gian
Ngọn đèn khuya
Diễm ảo chân trời cao rộng
Lá cỏ đầm sương
Tiếng chim thức non ngàn
Luân trầm khỏa nhịp sầu
tan
Một phen cánh bướm điểm
vàng lối hoa.
Ta rót mời ta
Đêm sâu đối ẩm
Rót vào thơ
Ngồi uống ánh trăng ngân
Mây trắng ngang trời
Hồn đêm thăm thẳm
Ngàn năm
Vầng nguyệt vẫn nguyên
Rằm.
Rồi ngàn năm
Vẫn từng trang kinh cũ
Núi vẫn xanh
Sông vẫn sáng tự dòng xưa
Và ta nữa
Với trăng sao hội tụ
Cát bụi nằm nghe nhịp thở
giao mùa.
Đêm thoát hình
Đất trời nghe lá thức
Sương vỡ nên lời
Đời vỗ nhịp phong vân.
Cùng hương trà
Ngoài kia vầng trăng đích
thực
Hoa cỏ theo về nhịp bước
thanh tân
Chuông chùa bạt gió vang
ngân
Ta nghe ta – giữa trong
ngần nọ kia./.
Mặc Phương Tử
Lời bình : Châu
Thạch
Vào vế thơ đầu tác giả viết:
Khuya khoắt đêm
Chung trà vơi bấy bận
Gió và sương
Bay qua
Từ miền ký ức xa xôi.
Đường mây vẫn trôi về
phương vô tận
Khoảng lặng đêm sâu
Tiếng vạc vọng bên trời.
Đọc vế thơ nầy
ta thấy ngay tâm trạng của người đã hoà chung cùng vạn vật. Ký ức thì chỉ khơi lại
trong tâm hồn tác giả, làm gì có “Gió và sương/ Bay qua” được. Vậy gió và sương
ở đây là tâm trạng của người đang độc ẩm, thấy dĩ vãng lướt qua trong tâm hồn mình man mát như
gió, lành lạnh như sương hoà cùng vạn vật bên
ngoài. Ở đây ta cũng thấy ký ức chỉ như gió và sương là thứ vừa nhẹ nhàng vừa
mát lạnh bay qua mà không dừng lại làm ray rức trong lòng. Điều đó chứng tỏ người uống trà đã vượt trên sự
vui, buồn của những kỷ niệm thăng trầm trong tục luỵ. Câu thơ kế tiếp “Đường
mây vẫn trôi về phương trời vô tận” vừa diễn tả bầu trời khoáng đảng mà cũng vừa
nói lên sự thanh thoát trong tâm hồn tác giả.
Đọc vế thơ nầy ta thấy tác giả
uống trà với một phong cách khác biệt:
-
Không biến mình thành
tiên ông đạo cốt, nhưng không để cho
mình uỷ mị vui, buồn theo tục luỵ thế gian.
-
Thanh tịnh hồn mình với
chung trà để biết “Khoảng lặng đêm sâu”, để nghe
“ Tiếng vạc vọng bên trời” hiện hửu, tức là
không xa lìa thực tại .
Qua hai câu đầu của vế thơ thứ
hai:
Ta mời ta
Chung trà viễn mộng
Chung trà viễn mộng là chung trà
như thế nào? Tôi đọc được một tác giả nào đó đã viết
như sau: “Em có muốn đi cùng tôi không?...Về phương trời viễn mộng...Một khung
trời thật đẹp, một ước mơ thật lãng mạn, một khát khao thật tráng lệ...Và những
gì đẹp nhất, lãng mạn nhất, huy hoàng tráng lệ nhất...thường không bao giờ có
thật, chúng chỉ nằm trong mơ”. Theo ý nghĩa nầy thì khung trời viễn mộng là ảo
tưởng, là hư cấu không bao giờ có thật và “chung trà viễn mộng” cũng chỉ là
uống chung trà để viễn vông mơ ước.
Tôi cũng đọc được trong triết lý
Phật giáo viễn mộng là: “Viễn ly điên đảo mộng
tưởng, cứu cánh niết bàn. Câu ấy trong Bát Nhã tâm kinh có nghĩa thoát ly được
mộng tưởng là thấy được mục đích và nền tảng của Niết Bàn”. Ở đây tác giả uống
“Chung trà viễn mộng” không phải để mộng hảo huyền mà để chứng nhập thực tế hiện
hửu quanh mình:
Khoảnh khắc xanh
Từng điệp khúc thời gian
Ngọn đèn khuya
Diễm ảo chân trời cao rộng
Lá cỏ đầm sương
Tiếng chim thức non ngàn
Luân trầm khỏa nhịp sầu
tan
Một phen cánh bướm điểm
vàng lối hoa
Tất
cả hình ảnh trên đều là thật, không là mộng. Điều đó chứng tỏ tác giả mời mình
một chung trà để thoát ly mộng tưởng, hướng về cứu cánh Niết Bàn. Ta cũng chú ý
đến hai câu thơ “Luân trầm khoả nhịp sầu tan/ Một phen cánh bướm điểm vàng lối
hoa”.
Luân
là trôi lăng, trầm là chìm xuống. Vế thơ cho ta thấy tác giả thưởng thức những
gì đang xảy ra trong thực tại. Khoảnh khắc xanh, điệp khúc thời gian, ngọn đèn
khuya, chân trời diễn ảo, lá cỏ, tiếng chim, tất cả hoà chung một điệp khúc lúc
trôi, lúc chìm làm tan biến mọi nỗi sầu trong tâm tưởng. Bây giờ tác giả tưởng
mình hoá bướm nhưng đây không phải là con bướm của “Hồn bướm mơ tiên” hay là
con bướm trong “Giấc mơ hồ điệp” là nhưng con bướm trong ảo
mộng, mà đây là một con bướm do sự cảm khoái từ thuộc linh và thuộc thể mà hình thành cảm
xúc thật như con bướm đang bay điểm xuyết lối hoa vàng . Tác giả thoát xác thành con bướm hiện
sinh vì tác giã đã viễn ly mộng ảo nên tâm hồn trở nên thanh thản như con bướm
đang bay giữa lối hoa vàng. Con bướm nầy mang ý nghĩa của sự nhập thế
làm đẹp cho đời.
Qua
vế thứ ba ta thấy trà thành thơ và thành trăng:
Ta rót mời ta
Đêm sâu đối ẩm
Rót vào thơ
Ngồi uống ánh trăng ngân
Mây trắng ngang trời
Hồn đêm thăm thẳm
Ngàn năm
Vầng nguyệt vẫn nguyên
Rằm.
Trà
bây giờ không những thành thơ và thành trăng mà hình như trà cũng thành phương
tiện cho thi nhân đạt đạo. Tôi đọc được một đoạn trong sự tích Đức Phật như sau:
“Ngay trước khi phật chết có người hỏi Phật sẽ về đâu? Tương truyền Phật trả
lời: giống như mây trắng biến mất”. Vậy ở đây tác giả “Đêm sâu độc ẩm/ Rót vào
thơ/ Ngồi uống ánh trăng ngân” để thấy “ Mây trắng ngang trời” phải chăng là
thấy hình ảnh của Phật, của giải thoát, của đạo bàn bạc giữa không gian. Nhờ đó
mà trong “Hồn đêm thăm thẳm” nghĩa là hồn tội lỗi của thế gian thì tác giả vẫn
chứng ngộ được “Ngàn năm/ Vầng nguyệt vẫn nguyên Rằm” nghĩa là ánh sáng viên mãn của đạo như trăng tròn vẫn treo giữa bầu trời, định hướng cho linh hồn sinh linh không lạc loài trong hồn đêm sâu thẳm.
Rồi ngàn năm
Vẫn từng trang kinh cũ
Núi vẫn xanh
Sông vẫn sáng tự dòng xưa
Và ta nữa
Với trăng sao hội tụ
Cát bụi nằm nghe nhịp thở
giao mùa.
Rồi ngàn năm đạo vẫn tồn
tại, đời vẫn còn và ta vẫn không chết. Đó là ý của vế thơ nầy. Vì sao cái ta
của nhà thơ không chết? Vì cái ta đó không là bản ngã nữa mà nó đã “Với trăng
sao hội tụ”, với “cát bụi nằm nghe nhịp thở giao mùa” nghĩa là “ta” đã thành
“thơ”, đã thành “mây trắng” hay nói khác đi nó hoà nhập vào trong viên mãn của đạo
nên ngàn năm tồn tại với “vầng nguyệt vẫn nguyên Rằm”.
Và vế cuối của bài thơ:
Đêm thoát hình
Đất trời nghe lá thức
Sương vỡ nên lời
Đời vỗ nhịp phong vân.
Cùng hương trà
Ngoài kia vầng trăng đích
thực
Hoa cỏ theo về nhịp bước
thanh tân
Chuông chùa bạt gió vang
ngân
Ta nghe ta – giữa trong
ngần nọ kia.
Sau đêm dài bình minh trở
lại, không gian nhộn nhịp, thời gian vẫn trôi và hồn thơ đã định nên mọi biến
động là niềm vui như hương trà, như trăng đích thực, như bước thanh tân mà
không mang ý nghĩa của sự biến đổi vô thường. Hồn thơ đã xa rời miền tục luỵ
cho nên khi nghe “Tiếng chuông chùa bạt gió vọng ngân” thì tác giả ngộ được chính bản thể nguyên
thuỷ của mình cho nên đã thót lên: “ta nghe ta- giữa trong ngần nọ kia”, nghĩa
là nghe thấy sự thanh tao mà không chấp sự “nọ kia” đang biến động.
“Trà khuya & Trăng” ẩn
chứa tư tưởng nhà Phật nhưng nó đích thật là một bài thơ của thi sĩ, không là
bài thơ rao giảng giáo lý của bậc tu hành. Bài thơ có đầy đủ tính chất của sự
trong trẻo, sự quyến luyến, sự lảng mạn quyện trong thơ và tư tưởng đem từ Phật
pháp là linh hồn siêu việt của bài thơ làm thăng hoa tứ thơ, làm thăng hoa từ
ngữ. Tôi không là người am hiểu Phật pháp, chỉ tâm đắc với bài thơ theo cảm
tính của mình, nên viết như lời ca khen của kẻ dại khờ. Kính mong tác giả và
quý vị lượng tình tha thứ nếu sai lầm ./.
Châu Thạch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét