Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Ảnh Lê Hoàng

Phạm Văn Nhàn

Về Nguyễn Bắc Sơn

Thủ bút Nguyễn Bắc Sơn



1.

Tôi thường gọi anh bằng cái tên thân mật hồi còn nhỏ: Hải. Sau này Hải dùng bút hiệu Nguyễn Bắc Sơn cho những bài thơ viết về chiến tranh đi trên tuần báo Khởi Hành do anh Viên Linh làm Thư ký, một tuần báo văn học nghệ thuật của quân đội rất nổi tiếng, không những trong giới “lính” chúng tôi, mà còn cả giới trí thức dân sự như giáo sư và sinh viên nữa.....
Năm 1972,  một tin vui đến cho Sơn: khi tập thơChiến Tranh Việt Nam Và Tôi được nhà xuất bản Đồng Dao ấn hành, tờ báo Sống của nhà văn Chu Tử giới thiệu ngay trên trang nhất, vào một chỗ trang trọng nhất của tờ báo lúc bấy giờ. Và,  Nguyễn Bắc Sơn đã thành danh và bay bổng trên con đường văn học miền Nam thời chiến tranh.

Hôm nay, hơn 30 năm sau, tập thơ của Sơn được chúng tôi ( Thư Ấn Quán ) in lại và gởi đến độc giả yêu mến thơ anh ( tháng 5/2005, theo phương pháp Book-on-demand ). Nhìn tập thơ của người bạn cũ nằm trên bàn làm việc của tôi ( do tôi và anh Trần Hoài Thư trình bày bìa), rồi nhìn lại tấm hình của anh, tôi thấy một niềm vui - bao - la - chi - lạ. Vâng, vui lắm! Khi tôi gọi điện về nhà thăm anh Từ Thế Mộng, và nhờ anh nói lại với Hải tập thơ đã in lại bên này, Hải vui, và vui cả trên hai con mắt của anh mở to, rất sáng. Tôi biết điều ấy! Tập thơ cũ, hình ảnh cũ của Hải lại về...

Mới ngày nào phải không Hải? Thoáng cái đã 18 năm, hình như vào khoảng năm 1987, 1988 thì phải khi tôi còn  đi làm kiếm sống bằng nghề “ thợ hồ ” sau những năm “ học tập cải tạo ” về trong thành phố của bọn mình lớn lên. Thỉnh thoảng, có những buổi sáng anh đến chỗ tôi làm. Và, ngày nào cũng cái quần kaki bạc màu, cái áo sơ mi màu nhạt ( thường là màu trắng hay màu mỡ gà ), đôi dép Nhật lẹt xẹt, cứ thế mà anh đi tìm bạn bè. Nói như anh Từ Thế Mộng: “ Ưa la cà với bạn bè, ai rủ cũng đi, không rủ cũng đi, đi bất cứ đâu, ở bất cứ nơi nào có bạn....”. Và, mỗi lần anh đến, tôi với anh lại đèo nhau trên chiếc xe đạp cà tàng của tôi, đến cái quán cà phê quốc doanh đặt trong  vườn hoa gần nhà ga thành phố. Một chỗ ngồi dành cho  những người lao động bình thường như kéo xe lôi, đạp xe ba gác...Những buổi sáng như thế thật yên tĩnh trong khuôn viên vườn hoa, anh lại đọc cho tôi nghe những bài thơ anh mới làm tối hôm trước.

Làm sao nhớ hết những bài thơ anh đọc cho tôi nghe trong khuôn viên vườn hoa năm ấy, khi mà bối cảnh xã hội lúc bấy giờ không cho phép tôi dám cầm bút trở lại, khi mà đầu óc còn xơ cứng, nặng nề, khi mà cái bao tử của cả gia đình bắt tôi phải thật sự kiếm sống bằng đủ nghề chân tay. Do đó, tôi cũng phải biết giữ mình với một khoảng cách “ văn nghệ, văn gừng ” sau ngày tôi ra khỏi trại. Chính tôi, không ai khác, phải giữ khung thành cho vững đừng để cho trái banh nào lọt lưới. Khổ thân. Tuy nhiên khi gặp lại bạn cũ và nhất là ngồi nghe lại những bài thơ của bạn mới làm, trong một khung cảnh im ắng....  là thấy vui rồi. Cho dù cái máu văn nghệ văn gừng ngày nào ...nó đã thoát hơi bay mất.

Với thơ của Nguyễn Bắc Sơn, không phải chờ đến năm 1972 mới thấy thơ anh hay qua nhận xét của những cây viết “ cổ thụ ” của văn học miền Nam  mà trước đó tôi đã đọc thơ anh, và rất chịu... Vâng, tôi không ngờ một người bạn thuở nhỏ mà tôi tưởng là  “ chỉ giỏi võ ” lại “ hay cả  thơ ” sau này nữa. 

Những năm còn quần quật trong quân ngũ, được nghĩ phép là về quê thăm gia đình, bạn bè. Tôi nhớ, có lần anh đưa tôi xem bài thơ Mật khu Lê Hồng Phong. Trong bài thơ có đoạn ...” Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát/ nghe súng rừng xa nổ cắc cù..” Tôi không thích hai câu thơ này lắm. Nghe “ nó ” làm sao ấy. Chỏi với câu 3, theo ý riêng của tôi lúc ấy: Chợt thấy lòng mình bát ngát. Vì anh cũng lính. Tôi cũng lính có chút máu văn nghệ trong người. Anh làm thơ, tôi không làm thơ, nhưng đã là nghe súng rừng xa nổ cắc cù là tụi mình “ phải cảnh giới- mất ngủ ” chứ không thể nào thấy lòng mình bát ngát được.Tôi có nói thẳng ý của tôi nhưng không có ý nghĩa là chỉ một câu thơ đó làm cho bài thơ mất hay. Phải nói là tuyệt nữa. Bởi vì  bài thơ gây một ấn tượng thích thú trong tôi, không biết có phải thơ của bạn mà tôi nhớ mãi trong khoảng thời gian đi lính của tôi  không? Vâng! Chỉ 4 câu thơ sau đó thôi: Mai ta đụng trân ta còn sống / Về ghé Sông Mao phá phách chơi / Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm / Đốt tiền mua vội một ngày vui.Đố anh lính trận nào khi đọc 4 câu thơ trên mà không nhớ? Thực tế quá, phải không? Bốn câu thơ trong bài thơ Mật Khu Lê Hồng Phongnày theo tôi trong suốt thời gian còn tiếp tục đời lính. Năm 1972, lên Kontum, rồi Pleiku công tác, từ Non Nước xuống Hàm Rồng về thị xã vào  ngày nghỉ cuối tuần, không phải chỉ có một Sông Mao của Nguyễn Bắc Sơn để người lính chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm; mà nơi nào trên quê hương lại không có những Sông Mao như vậy ? Một cái quận An Khê núi rừng nhỏ bé thôi cũng đủ cho ta thấy cả một khu Sông Mao ở đó. Và, còn đâu nữa, Tháp Chàm tôi đến cũng vậy. Không nói đâu xa, dưới chân đèo “ Ngoạn Mục ”, cái xã nhỏ tí ti người dân tộc nhiều hơn người kinh, thế mà, cũng có Sông Mao . Đừng nói chi đến những thành phố lớn có quân đội đồng minh trú đóng. Sông Mao trong thơ của Sơn còn “ nhẹ nhàng ” quá đỗi. Trước mặt, thì chết chóc. Sau lưng thì có quá nhiều Sông Mao. Thử hỏi, đời lính chúng tôi lúc ấy làm sao không thích những câu thơ của Sơn?

Chiến tranh! Nói thật lòng, chẳng ai thích đâu. Dù chúng tôi là những người lính một thời trực diện với cái chết ngoài chiến trường. Nhất là ở những  thôn xóm mà người lính đi qua. Điêu tàn. Xơ xác. Tôi nghiệp. Ai cũng mong có Hòa Bình. Ngay cả tôi cũng vậy thôi. Có người đọc thơ anh, nói anh “ phản chiến ”. Tuy nhiên, tôi biết, anh vẫn khoác áo lính cho mãi đến tháng 4/75. Nói lên ước mơ hoà bình trên một quê hương có quá nhiều chết chóc do chiến tranh gây nên, là phản chiến hay sao?

2.

Với chủ đề về thơ Nguyễn Bắc Sơn cho Thư Quán bản Thảo 20, chưa phát hành, mà bạn bè của Sơn ở hải ngoại gọi điện hay email tới hỏi tôi khi nào thì phát hành, nhớ gởi báo đến. Tôi vui. Trong những người bạn của Sơn ở Pháp có Phạm Tam Nại, trước 1975 Luật Sư, không biết có phải như trong bài thơ: Chúng Ta Không Phải Sinh Ra Để Sống Như Thế Này, trích đoạn:

 ...
bạn ta những thằng đang cởi trần kêu khổ
Trong những căn nhà hộp
Bỗng nhiên
Đứa trở thành quan tòa
Đứa trở thành thầy giáo
Đứa tài xế
Đứa nhà văn
Đứa quan ba
Thật quái gỡ

Trong thơ của Sơn, anh thường nhắc đến những người bạn một thời với anh. Cho nên, ngoài những bạn thuở còn nhỏ với Sơn, tôi còn biết có một người rất thân sau này khi anh đã vào lính. Đó là nhà thơ Sương Biên Thùy ( Lê Văn Chính ) khi anh  Chính đổi về tiểu khu Bình Thuận. Vì thế, khi làm chủ đề về thơ của Nguyễn Bắc Sơn, tôi gọi điện thoại nói rõ  cho anh Chính hay. ( sau này anh Chính lấy bút hiệu là Lê Mai Lĩnh ). Và, anh vui lắm, khi nhắc đến Nguyễn Bắc Sơn. Tôi nghe anh Trần Hoài Thư nói lại khi lên thăm anh ở Connecticut, anh lấy thơ của Sơn ra đọc và khóc. Do đó, với số chủ đề này, anh đã gởi đến tôi hai bài viết về Nguyễn Bắc Sơn ( phóng bút ). Bài 1: Nguyễn Bắc Sơn Chút Tình Mang Theo Xuống Mộ Chí dài khoảng 17 trang. Và bài 2: Binh Nhì Nguyễn Văn Hải dài 12 trang. Bài thứ 2 là bài viết theo thể loại vui khi anh đổi về Bình Thuận gặp Nguyễn Bắc Sơn. Nếu Thư Quán Bản Thảo đi hết một loạt hai bài này, gởi về Phan Thiết cho NBS đọc thì rất là “ đầy ấp tình bạn”. Tuy nhiên, sau khi tôi đánh máy ( đặc biệt chỉ dành riêng cho bạn tôi- Lê văn Chính ) tổng cộng 29 trang loại giấy 8 ½ x 11 rà soát lại và đưa vào trang Thư Quán Bản Thảo thấy chiếm quá nhiều trang ( trên 60 trang cho bài viết cùa anh Lê Mai Lĩnh) mà số trang của Thư Quán Bản Thảo lại có hạn ( 200 trang cho mỗi số ), do đó, bài viết thứ hai của bạn tôi viết về Nguyễn Văn Hải buộc tôi phải gác lại để có chỗ cho những bạn bè khác trong phần “ sáng tác văn học - thơ và truyện ) nữa. Một ý riêng nhắn bạn ta, lần sau gởi bài xuống cho tôi, bạn làm ơn gởi  cái floppy disk viết bằng font chữ Việt thì tiện cho tôi lắm lắm. Đi làm về, tối ngồi gõ 29 trang bài viết của bạn ( gõ bằng hai ngón tay như “ gà mổ thóc” ê cả người. Dù mệt, nhưng cũng phải gõ trên bàn phím, vì chữ nghĩa của bạn dành cho Nguyễn Bắc Sơn quá chân tình. Còn nói như anh Từ Thế Mộng ( trong nước ) khi viết về Nguyễn Bắc Sơn, anh ấy nói: Lê Văn Chính viết sao hay quá, 29 trang giấy chỉ trong 2 đêm là xong, còn anh viết có 4 trang thôi mà tới 20 ngày. Sáng nào cũng thức dậy khoảng 3 giờ sáng để viết .... Để rồi, từ trong nước, ngoài nước số chủ đề về thơ của Nguyễn Bắc Sơn cũng hoàn thành. 


Phạm Văn Nhàn
Viết năm 2005  (Thư Quán Bản Thảo số 20)
Sửa chữa bổ sung năm 2015


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét