Về một bản dịch tài hoa của dịch giả Thái Quốc Mưu
DIỆP KIẾM ANH
NỖI ƯU HOÀI
Việc nước cưu mang đến tuổi già.
Tận cùng trời đất mộng bình ca.
Gặp thời - giặc cỏ luôn vênh váo.
Hết vận - phận mình ngậm xót xa
Những tưởng chuyển lay vầng nhật nguyệt
Ngặt không quét nổi dãy Ngân Hà
Mái đầu nhuộm trắng mà quên phắt
Bóng nguyệt mài gươm vụt xế tà.
Thái Quốc Mưu
(Phỏng dịch từ bài Cảm hoài (Thuật hoài) của Đặng Dung)
Gần đây, nhân đọc bản dịch NỖI ƯU HOÀI của dịch giả THÁI QUỐC MƯU đăng trên Góc Đường luật của Website Đất Đứng, khiến nhiều người dâng trào nỗi bâng khuâng trước thời cuộc nhiễu nhương xen lẫn niềm cảm phục sự tài hoa nổi trội của người dịch.
Nguyên tác là một bài thơ rất nổi tiếng của danh tướng Đặng Dung (?-1414), không chỉ trong giới thơ văn mà cả trong đại bộ phận người Việt đều hầu như biết đến, lại còn được sử gia Trần Trọng Kim cho in hẳn vào trong cuốn Việt Nam sử lược của chính mình:
感懷 CẢM HOÀI
(述懷- Thuật hoài)
世事悠悠奈老何,Thế sự du du nại lão hà
無窮天地入酣歌。Vô cùng thiên địa nhập hàm ca
時來屠釣成功昜,Thời lai đồ điếu thành công dị
運去英雄飲恨多。Vận khứ anh hùng ẩm hận đa
致主有懷扶地軸,Trí chúa hữu hoài phù địa trục
洗兵無路挽天河。Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà
國讎未報頭先白,Quốc thù vị báo đầu tiên bạch
幾度龍泉戴月磨。Kỷ độ Long Tuyền đái nguyệt ma.
鄧容 Đặng Dung
Nội dung bài thơ là lời tự sự của một danh tướng cuối triều Hậu Trần trước việc thất bại trong công cuộc chống giặc Minh xâm lược nước ta. Dù bày tỏ mối hận bất lực trước thời thế nhưng chất tráng ca hào hùng khiến bài thơ rực toát lên đầy dẫy hào khí dân tộc của một tráng sỹ đang bôn ba trên đường cứu nước chống kẻ thù ngoại xâm với đầy quyết tâm và niềm tin sắt đá vào chiến thắng cuối cùng của dân tộc.
Lắm người trong chúng ta đã tiếp cận với nhiều bản dịch của bài thơ này qua các tác giả tài danh như: Tản Đà, Phan Kế Bính… Bài thơ đi vào lòng người đến độ dù đã trải qua hơn 600 năm mà khi đọc lại ai ai cũng thấy xúc cảm dạt dào cộng với niềm đồng cảm sâu sắc cùng nỗi u hoài của một con người đứng trước sự ngả nghiêng của vận mệnh đất nước…
Và sự đồng cảm đó càng thể hiện rõ nét nhất là việc đã có rất nhiều thế hệ về sau thử dịch lại bài thơ này với tham vọng làm mới ý thơ trong ngôn ngữ hiện đại. Một phần có thể do chưa có một bản dịch nào trước đây diễn đạt đủ sự “hoàn hảo” trong việc chuyển ngữ và chuyển ý để làm thỏa mãn sự thưởng thức của người đọc, phần còn lại – nhiều hơn – có lẽ do sự cảm khái từ nội dung bài thơ mỗi khi có biến động của nền chính trị đất nước trước hiểm họa ngoại xâm…
Chợt nhớ có lần cách đây vài năm, nhân đọc trong một số cũ của tạp chí KTNN, có bài của tác giả Kha Tiệm Ly (người hiện đang phụ trách GDL của Web ĐĐ) đăng trong mục Trà dư tửu hậu, phê phán kịch liệt bản dịch “thời đại mới” của một tay nhà báo cỡ khá, vì sự ấu trĩ của ông ta trong việc hiểu “chập chờn và sai” ý nghĩa của từ Hán Ngữ lẫn việc chưa rành lý thuyết của phép đối ngẫu trong việc làm thơ Đường luật…
Nói dông dài thế để thấy rằng việc “dịch lại” bài thơ Thuật hoài của Đặng Dung không hề đơn giản, thậm chí là không cần thiết khi đã có vô số bản dịch của các cây đa cây đề từ trước đến nay trong làng văn học Việt Nam hạ bút chuyển ngữ rồi. Tương tự như việc Lý Bạch quẳng bút đi khi đến chơi Hoàng Hạc lâu đã thấy thơ Thôi Hiệu đề từ cho Hoàng Hạc lâu vậy!
Thế nhưng, khi đọc bài phỏng dịch Nỗi Ưu Hoài của dịch giả Thái Quốc Mưu không ít người dậy sóng trong lòng, sẵn sàng chia sẻ tâm sự với người dịch và không thể không cảm phục cái tài hoa rõ nét trong bản dịch này. Nhưng vì sao là “phỏng dịch” chứ không phải là “dịch”? Phỏng dịch (phỏng 仿=倣= (Động) Bắt chước) nói nôm na là chỉ mượn ý và chêm thêm một số ý khác (thường là ý chủ quan) so với nguyên tác (tương tự nhưng gần với chủ đề nguyên tác hơn phóng tác, cảm tác…). Trong thể thơ Đường luật, phỏng dịch có thể xem như một bài họa nguyên ý.
Ở đây, dịch giả đã kín đáo và ý tứ đưa lòng mình vào bản dịch. Trong khi thể hiện sự đồng cảm với nguyên tác nhưng không quên nói lên nỗi ưu uất của thời đại mình trong tư cách chứng nhân của người trong cuộc đã từng tham gia vào sóng gió của sơn hà. Hai hoàn cảnh của tác giả và dịch giả cách nhau 600 năm nhưng cảnh ngộ của hai người gần như là một: Sự bất lực trước thời cuộc nhiễu nhương mà dù tâm hùng, chí cả, ước mơ “đội đá vá trời”… vẫn không thể xoay chuyển được càn khôn.
Những tưởng chuyển lay vầng nhật nguyệt
Ngặt không quét nổi dãy Ngân Hà
Đau đớn thay khi Hổ về đồng bằng cũng bị ngay cả Chó giỡn mặt – còn tệ hơn cả con Hổ bị nhốt trong cũi sắt mơ về một thời vang bóng của Thế Lữ nữa. “… nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ…” (Hịch tướng sỹ-Trần Hưng Đạo) thì bất cứ ai nặng lòng với sơn hà xã tắc, với tiền đồ dân tộc, với tương lai giống nòi… mà chẳng thấy bất bình cho hoạt cảnh tiểu nhân đắc chí đang dùng quyền lực may mắn có được để mưu cầu việc vinh thân phì gia, bất chấp cả những việc làm tán tận lương tâm, chôn vùi đạo lý, phỉnh dân, hại nước… và không thể không ngậm ngùi cảm thán khi nhìn lại thân phận kẻ sỹ bất lực của mình trước thời cuộc ba đào
Gặp thời - giặc cỏ luôn vênh váo.
Hết vận - phận mình ngậm xót xa
***
Bản dịch này còn nhiều điều gởi gắm ẩn tàng của dịch giả Thái Quốc Mưu mà bài viết này chưa đủ sức nhìn thấy và nêu ra hết, nhưng nỗi lòng của một người lính già ngồi kể lại chuyện Nguyên Phong thì chúng ta có thể phần nào cảm nhận được.
Xin chia sẻ và đồng cảm với dịch giả Nỗi Ưu Hoài bằng bài họa – kém cả ý lẫn tứ so với bản dịch – như để kết thúc bài viết đầy nặng lòng này.
TỬU CA
Vó câu song cửa tủi thân già
Sức kiệt lực cùng oải tiếng ca
Chi nữa hôm nào vung kiếm bén
Hết rồi dạo ấy vượt đèo xa
Tâm hùng gởi bạn đền sông núi
Chí lớn trao con đoạt hải hà
Dốc tửu gõ bồn mơ chiến trận
Duồng say trong gió lãng sương tà
DIỆP KIẾM ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét