Thứ Bảy, 1 tháng 8, 2015

Ảnh Lê Hoàng

PHIẾM CHO VUI

HOA KỲ HỐT RÁC VIỆT NAM VỀ XÀI


Thái Quốc Mưu

Ngày nay, người trong nước đi du lịch ra nước ngoài không ít, còn người có thân nhân ở nước ngoài nhiều hơn. Nhất là ở Mỹ. Nhờ đó, hai nền văn hóa Đông Tây không còn xa lạ, cách biệt như thời xa xưa. Tuy nhiên, dù du lịch đến Mỹ, định cư ở Mỹ hoặc có thân nhân từ Mỹ về nước kể chuyện Mỹ cũng không ai có thể tự hào biết nhiều về đất nước có gần 10 triệu cây số vuông.


Sau bảy, tám năm “thụ huấn” trong các trại “cải tạo” được trở về với gia đình. Tại địa phương tôi ở, tôi không còn là người mà là một thứ cặn bả, một thứ rác rưới của xã hội. Thậm chí còn hơn thế nữa! Chừng tháng sau, trong khi tôi đang lui cui xách nước từ giếng lên, thì một “vị” du kích, đến tự lúc nào, đứng phía sau cái chòi không mái không vách của tôi, vẫy vẫy tôi và gọi to, “Ê! Thằng già vô biểu coi” (khi ấy tôi 42 tuổi). Tôi vội vàng chạy vô, đứng trước mặt “vị quan du kích” ấy. “Ông” ta, khoảng hăm ba, hăm bốn tuổi, đưa cho tôi tờ giấy và bảo, “Ngày mai đem lương khô một tháng vô rừng lấy cốt chiến sĩ đem về nghĩa trang liệt sĩ.”

Là kẻ khi trong tù bị vợ “chia xa”, về không có cơm ăn, quần áo duy nhất chỉ là bộ đồ phát trong trại mà lưng áo được vá trọn bao cát. Với bầy con 6 đứa nheo nhóc, đi làm công không ai dám mướn vì sợ vấy với hủi, họ sợ bị “mời, gọi” lôi thôi. Phải đi hái mót bắp, đậu, chuối chín, đu đủ chín trên cây ăn qua ngày, (vì trái chín không chuyên chở được, chủ rẫy thấy thương tình cho hái ăn)… thì… lấy lương khô đâu mà đem theo một tháng?

Tối hôm đó, tôi thì thầm với phụ thân tôi, để bầy con lại cho cha già 72 tuổi, đã bị đánh tư bản tan tác, nên nghèo xác xơ. Tôi trốn lên Sàigòn, không hẹn ngày về, mỗi ngày tay cầm ly, tay xách ấm nước bán trà đá ở bến xe, tối mướn chiếu ngủ ở đó.

Do sống bất hợp pháp. Nhiều đêm bị “giặc càn” tôi chạy thụt mạng.

May, nhờ Trời xót thương…

Tôi đến Mỹ ngày 22-02-1992, tính đến khi viết bài nầy thì… trong 76 tuổi đời mà nương thân xứ người hết 24 năm, coi như một phần ba cuộc đời “vừa làm Việt Gian vừa là Việt Kiều Yêu Nước”. Vậy mà tôi vẫn là thằng tôi, một kẻ chân quê thứ thiệt, là kẻ có dân tộc tính đầy mình, nhất định không thèm... nói tiếng Mỹ. Ra cửa, trên đường gặp người bản xứ, chẳng thèm “Hi!”, chẳng thèm “How are you?” gì ráo, tôi chỉ đưa tay lên, cười là... xong.

Đi đâu gặp dân mũi tẹt da vàng đồng lứa nghe họ xổ tiếng Mỹ ì xèo, thấy hứng quá, không kềm lòng được tôi bèn xoạc, “Hao a-rờ du tùm lum”, kể cũng oai!

Ở Mỹ tôi trung thành với bản chất Chân Quê của Nguyễn Bính, vẫn “… cái yếm lụa sồi? Cái dây lưng đũi… cái áo tứ thân?... Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?”

Lúc mới đến Mỹ, hội bảo trợ đưa tôi vào làm hãng (ở Mỹ dù là Corporation nhưng “dân ta” vì “tự ái dân tộc”, chẳng thèm gọi là Công ty mà chỉ gọi là hãng (Company) mà thôi) bào chế dược phẩm, đi đâu gặp bạn bè họ hỏi tôi làm gì? Tôi đáp, “lau chùi cầu tiêu”. Họ ngạc nhiên, “ở đây làm gì có hãng cầu tiêu mà cần người lau chùi? Nói thật đi cha, anh làm hãng gì?” / “Hãng bào chế dược phẩm, nhưng phần hành là lau chùi cầu tiêu” / “À ra thế! Nhưng nè, ai có hỏi  thì anh nói là làm ở hãng dược chứ đừng nói lau chùi cầu tiêu nha!” / “Dược mẹ gì mà dược? Tôi chùi cầu tiêu thì nói chùi cầu tiêu. Sao lại phải nói là dược?” / “Ngày trước mình làm ông nầy ông nọ chẳng lẽ giờ qua Mỹ lại đi chùi cầu tiêu? Mình phải có tự ái dân tộc chứ anh!” / “Tự ái cái quái gì cho mất công, làm gì thì nói nấy cho xong. / Bộ anh không biết tự ái sao? Nếu mình làm Job (công việc) ngon thì mình nói để còn hãnh diện với người ta, chứ lau chùi cầu tiêu mà nói làm chi?” Thì ra, nhiều người vẫn thích cái “ảo” giữa đời.

Chả trách, có lần về nước trở qua Mỹ, ngồi nơi phòng chờ ở phi trường Tân Sơn Nhất, gần một “vị” khoảng gần năm mươi, dáng gầy gầy, tay chân gân guốc, màu da Phi châu… Buồn miệng tôi bắt chuyện mua vui. Khi tôi hỏi, “Xin lỗi, ở bển (Mỹ) chú làm hãng gì?” “Vị” ấy đáp rất “oanh liệt”, “Tôi có công ty riêng” / “Ồ vậy à! cho tôi xin lỗi”. “Trời bất dung gian”. Vị ấy muốn đi vệ sinh, cô vợ đang đứng tán gẫu gần đó, trở lại ngồi trông hành lý ngay ghế người chồng vừa đứng lên. Tôi tự nhủ, “mình chân quê thứ thiệt mà nhìn cô nầy còn chân quê rặc ròi hơn mình nữa..,” Tôi nghĩ ra câu châm ngôn, “Ở đâu, nơi nào cũng có người hơn mình” (hơn điều gì là việc khác). Thấy cô ta chân chất như khoai sắn, tôi gợi chuyện, “Bên Mỹ hai ông bà mở công ty gì vậy cháu?” / “Làm gì có công ty hả chú? Cháu đi làm hãng, còn chồng cháu thì cắt cỏ” (tức là nghề cắt cỏ thuê ở sân, vườn các tư gia). Lát sau, thấy vị ấy trở lại, tôi đứng lên, nhường ghế cho ông ta ngồi bên vợ mình.

Nhiều “Việt kiều ác ôn” ở Mỹ đi cày tróc vẩy, về nước nổ như B52 oanh tạc ầm ầm, như pháo kích đùng đùng. Thiếu điều điếc con ráy.

Công ty Dược tôi làm, rất nhiều nhân viên có 5 restroom (phòng vệ sinh), mỗi restroom có 10 bàn cầu, 5 bồn tiểu, cứ luân phiên lau chùi hoài, hết cái nầy đến cái kia, ngày lau chùi 8 tiếng, muốn “nát thở” chứ chơi sao? Nói tội lỗi với trời đất, phòng vệ sinh ở Mỹ còn sạch sẽ hơn cái “biệt thất” của những người đồng bệnh “cải tạo” với tôi khi trở về sum họp vợ con.

Sau giờ “công tác” ở hãng về, tôi giết thời gian bằng cách viết văn, làm thơ gởi cho vài tờ báo. Sau hai năm lau chùi cầu tiêu, tôi gom góp tiền đi làm của ba đứa con, ra tờ Tạp Chí Kiến Thức Phổ Thông Dân Việt và sống bằng nghề báo đến ngày nghỉ hưu.

Về văn học, thỉnh thoảng bạn bè ở khắp năm châu – kể cả trong nước, khi ra tuyển tập, họ mời tôi hợp tác. Tính đến nay, có khoảng 60 tác phẩm văn học viết chung ở Mỹ, Pháp, Úc, Canada,... Còn riêng mình, tôi có 11 tác phầm văn thơ, một tuyển tập nhạc và một CD ca cổ và chủ nhiệm trang nhà liêutiênsinh.com (vì tuổi già, tôi tự động bỏ hai năm rồi).

Tính tôi “ngông ngông” ăn ra ăn, làm ra làm, khi “chơi” thì hết biết, nên sách tôi viết không cuốn nào dưới 350 trang, có cuốn đến 600 trang. (Khác xa với những vị đầy thông minh, họ in một tác phẩm chừng hơn trăm trang, đôi khi còn ít hơn nữa. Để hầu khi “rặn” thêm tác phẩm nữa ra điều “ta đây” ra mắt tác phẩm thứ hai!).

Những vị cầm bút xưa nay “bị bệnh khen” không tiếc lời, họ khen tôi té lửa, khen đáo để. Thậm chí có vị ở Việt Nam còn viết cả cuốn sách 400 trang chỉ nói về tôi và giao công ty Amazone ở Mỹ phát hành toàn cầu. Wow! Kể cũng vui!

Nhưng vốn là RÁC tôi không muốn mặt mình phình lên như xác chết làm ô nhiễm xã hội.

Có những ông cầm bút thân thiết trong giới viết lách họ gọi tôi là “thợ đụng”, đụng thể loại nào tôi chơi thế loại đó! Chẳng kiêng cử gì cả. Từ Bình luận, truyện ngắn, truyên dài, các thể thơ, tản mạn, phiếm, cả Cổ Nhạc tôi cũng… chơi luôn. Có người với “ngụ ý chơi khăm” họ nói, “Thứ nào anh cũng “chơi!” Làm như tôi là lính viễn chinh khát gái vậy!

Về sinh hoạt văn học nghệ thuật, tôi đưọc bầu làm Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Đông Nam Hoa Kỳ và Florida, là thành viên International PEN và thành viên Văn Bút Đông Dương (Indochine Writes In-Exile). Dự Đại Hội Thi Ca Quốc Tế ở nhiều quốc gia, Và vài lần dự Đại Hội Truyền Thông Báo Chí Hoa Kỳ.

Về sinh hoạt quần chúng, ngày kỷ niệm không quân Hoa Kỳ, tôi được làm khách mời, chụp hình chung với tướng tư lệnh ba sao, kể cũng hay hay!

Còn Bộ Trưởng Du Lịch Hàn Quốc, sang Mỹ, trước khi trở về nước, tổ chức bàn tiệc chiêu đãi 12 người, chẳng biết vì sao lại mời tôi dự. Tính tôi hay chiều người, ai “ép ăn” thì đi. Khi sắp tàn tiệc, ông ta trao tôi tấm danh thiếp và dặn, “khi nào đến Seoul, ở đâu xin gọi tôi”. Khi ra về, ông ta vội vàng bước ra cửa, cúi rạp người rồi bắt tay tôi chào tạm biệt. Trời! Làm như tôi là… Chủ Tịch Nước… (nào đó) không bằng.

Đọc tin tức, thấy anh chàng gốc Phi Châu da đen thui, người ốm tong (kẻ mà Putin Tổng Thống Nga, khi đối diện với đồng nhiệm đấu lý không lại, bèn hùng hồn mạt sát với thủ hạ, “Tôi đã từng đấu với gấu, chẳng lẽ lại sợ thằng ốm nhách nầy sao?” (Thật lãng xẹt! Putin đúng là một lãnh tụ gương mẫu, một tay ngoại giao tầm cỡ, một cách nói “lịch sự” biểu hiện của kẻ còn thua… Rác Việt Nam như tôi) muốn đổi chiến lược Hoa Kỳ bằng cách quay lại Châu Á Thái Bình Dương, tôi liền viết “Thư gởi cho anh chàng có màu da đen thui, ốm nhách ấy, nhắc nhở đôi điều…”.

Được thư tôi, anh ta mừng húm mấy ngày sau tôi nhận được thư hồi đáp. Thư gởi tôi anh ta cám ơn lia lịa, lại còn bày đặt khuyến khích tôi vào trang mạng White House để tham gia chánh quyền Hoa Kỳ. Trời! Làm như tôi là “Tiến sĩ gió!”

Được chút thành công trong viết lách, nghề làm báo, “thừa thắng xông lên”, tôi mở công ty Quốc Tế Vụ, đưa học sinh từ Việt Nam sang Mỹ học. Gõ đúng cửa vào thời gian Mỹ còn hạn chế du sinh từ Việt Nam sang Mỹ, lại thành công. Với “chiến thắng không ngừng nghĩ”, nghe lời người bạn rủ rê, tôi cùng anh ấy thành lập công ty xuất nhập khẩu THÁI & NGUYỄN IMEX, INC. đưa máy lạnh, máy giặt, máy sấy, xe gắn máy về Việt Nam, nhập hàng gỗ từ Việt Nam qua Mỹ. Trời thấy “thằng nầy” tham quá, cho “chết” một lần để nó có kinh nghiệm sống. Thất bại 100%. Trắng tay! Giờ sắp theo ông theo bà, hưởng hưu và trợ cấp $700/tháng. Khi đau bệnh “bắt đền” chánh quyền Mỹ phải lo. Ai biểu để tôi bệnh làm chi, để “nó” lo cho đáng đời!

Đôi khi, bất chợt thấy trong người khác lạ bảo con cháu gọi xe cứu cấp, vài phút sau, xe đến trước nhà, bốn năm “ông Mỹ” bấm chuông reng reng, đập cửa rầm rầm, vác băng-ca, dụng cụ cứu cấp,… chẳng khác gì bọn cướp hùng hổ xông vào nhà, chạy lên lầu, ông thì đo huyết áp, ông nghe mạch, ông “điều tra” hôm qua ăn gì, sáng nay ăn gì, đã uống thuốc gì, phải “thật thà khai báo”,… Không thì “ông” cho “tự vận” trong đồn Police.

Xong, hè nhau khiêng ông cụ 70 ký xuống lầu, tống vô xe, đèn cấp cứu quay lia lịa, còi hú rợn người, trên đường tất cả xe đang chạy đều phải dạt ra hai bên đường và ngừng lại hẳn. Đến ngả tư đèn đỏ, còi hú dồn dập hơn, to hơn, báo cho xe chạy trên “khắp các nẻo đường đất nước” phải tránh xa, để xe cứu cấp vượt đèn đỏ khẩn cấp đưa “ông cụ về Dinh”.

Vào bệnh viện, nhiều cô y tá xinh như mộng, mỗi lần đo huyết áp miệng cười như hoa, khi tiêm thuốc, lụi xong thì “xin lỗi đã làm ông đau”. Hết y tá, đến Bác sĩ luân phiên hoài. Chán bỏ bu! Mẹ! Tôi chỉ là thứ Rác trong nước, mà Mỹ “nó ngô nghê” đến mức coi mạng sống tôi chẳng kém gì những công dân thượng đẳng trên thế giới. Đúng là đồ điên!

Nhớ lại, có lần về trong nước, tôi bị bệnh, “bồ nhí” đưa vào Chợ Rẫy, phải xì tiền mới được khám, mới có giường nằm, tim thuốc thì phải nạp vài chục ngàn để làm vừa lòng “quan y tá”. Không thì sao biết sau sẽ ra sao!

(Xin mở ngoặc, nói thêm chuyện xe cứu cấp, xe chống hỏa, để quý bạn đọc mua vui)

Hồi năm nẳm, một lần lái chiếc Mercedes đời mới, mua xong đi xin số xe, nhân viên phụ trách phải buộc miệng, “Xe ông đẹp quá! Đây là chiếc thứ hai ở tiểu bang mình”. Khi lái xe đi bưu điện lấy thư, lúc trở ra đường, chờ đèn xanh quẹo trái. Từ hướng trái, cách khoảng 300m, một xe chống cháy quay đèn, hụ còi inh ỏi, tự nghĩ còn xa, vừa lúc đổi đèn xanh quẹo trái liền, chạy chưa đầy 50 mét, nhìn kính chiếu hậu, thấy xe Police quay đèn sáng rực sau đuôi xe, tìm chỗ tấp vào, bấm kính xe xuống, hai tay để trên tay lái, thì xe cảnh sát “hộ tống” trờ tới, đậu sát bên.

Người cảnh sát nữ da màu, bụng bự, vú như hai trái dưa hấu, lúc lắc bước đến, “Chào ông, xe ông đẹp quá!” / “Cám ơn! Xin lỗi, tôi đã phạm lỗi gì?” / “Ông đã quẹo trước đầu xe chống cháy đang “thi hành công vụ”. “Ông có nhận lỗi không?”… Thế là… ký tên vào và nhận giấy phạt, chờ ngày “đối diện với quan tòa”.

Ngày ra tòa, ngồi chờ khá lâu, thì tới lượt “đứng trước vành móng ngựa” (nói vậy chứ chỉ đứng trước bàn làm việc của ông Tòa thôi). Quan tòa nói, “Ông có nhận lỗi không? / “Yes sir” / “Ông biết lỗi ông nặng lắm không?” / Yes Sir!” / “Thấy ông lớn tuổi, phạm lỗi lần đầu, tôi rất muốn tha ông, nhưng lỗi nầy nặng quá. Xin lỗi, tôi phải phạt ông $600 (sáu trăm). Ông có bằng lòng không?” / “Yes Sir!” / “Ông muốn khiếu nại không?” / “No Sir!”. Thế là nhận và “vác” giấy phạt đem về nhà.

Sau đó, nhận giấy từ tòa gởi đến, nội dung như sau: Nợ $600.00. Mỗi tháng trả tối thiểu $15.00. (cứ như vậy trừ dần cho tháng kế, đến khi nào trả hết thôi). Tính tôi vốn “sợ nợ”, liều mình, bấm bụng ký cái check trả quách một lần cho xong.

Tôi than với bằng hữu, “mới ra tòa, bị phạt sáu trăm”. “Họ hỏi, vụ gì vậy?” Đáp, “Đua với xe chống cháy.” Họ trợn mắt, cười rồi phán, “Đáng đời!”

Là kẻ lưu lạc quê người mà lọt thỏm vào thiên đàng hạ giới, thành công có, thất bại có, “vinh quang” tủi nhục đầy đủ. Vậy mà, tôi vẫn là tôi. Vẫn chân quê rặt ròi của người dân Nam Bộ.

Ở Mỹ, sau 5 năm, vào quốc tịch Mỹ, nhiều người thay tên đổi họ cho thành công dân Mỹ “chính thống”. Còn tôi, vốn quê mùa vẫn giữ Thái Quốc Mưu, nhưng ở Mỹ người ta “tự cải biên” biến tên tôi thành “Mưu, Quốc Thái”. Tôi rất khó chịu về cái tên quỷ quái nầy. Vậy mà, bây giờ ở trong nước, thỉnh thoảng tôi thấy có người đã đảo lộn họ tên như thế!

Với tôi, cái tên của Cha Mẹ đặt cho tôi, cũng như với Tổ Quốc Việt Nam có cái gì thiêng liêng cao cả và vĩnh hằng. Vì thế, với tổ quốc, tôi có châm ngôn “Non song tổ quốc cao hơn hết. Hãy đặt lên trên mọi vấn đề.” Bản chất thật thà, chân chất nhưng đầy khi phách của dân tứ chiếng Nam Bộ, nên không phe phái, bạc tiền hay quyền lực nào đủ sức mạnh đẩy tôi vào còn đường phản bội quê hương, dân tộc mình.

Có lẽ do “NGU” nên tôi nên tôi chẳng biết “phi thương bất phú, phi mại quốc bất vinh thân”. Và, tôi tự bảo, tự an ủi mình, thà ngu như mầy để về sau không bị lịch sử lên án, dân tộc nguyền rủa.

Có lần chơi biển, tôi thấy các nàng Mỹ, chân dài như cây cau lão, cô thì mặc quần xì, cô kia nịt ngực đều may bằng hình lá quốc kỳ Mỹ. Thậm chí, có cô thêu 3 chữ USA ngay trên Cái Quạt Giấy của Hồ Xuân Hương. Lạ! Ở nhiều quốc gia khác, nếu có kẻ nào xâm mình, may quần lót, nịt ngực có biểu tượng lá Quốc Kỳ nước đó, thì chắc chắn không tù mọt gông thì cũng “tự vận” trong đồn công an.

Khi về, tôi đến nhà người bạn Mỹ cùng xóm, dùng tay “hỏi cho ra lẽ”, vì sao những người ăn mặc như vậy mà Police không bắt. Ông ta cười đáp, “người ta thích Quốc Kỳ, yêu nước của mình, họ mới mặc như vậy. Ông không nhớ ở nước ông thường hô hào, “chỗ đó” là cái ngàn vàng, vậy lấy Quốc Kỳ, lấy đất nước mình giữ cái nghìn vàng có gì là tội lỗi? Nhưng ông nên nhớ, khi Quốc Kỳ bị cũ, rách ông phải xếp lại đàng hoàng, cho vô bọc nilon rồi đem giao cho Bưu Điện hoặc Ngân Hàng gần nhất. Ngược lại, nếu ông không làm như vậy mà đem Quốc Kỳ Mỹ ném vào thùng rác thì ông sẽ bị truy tố trước tòa án. Quái!

Sơ sơ đã thấy, ở quê hương tôi, tôi là rác, thậm chí còn tệ hơn rác, người Mỹ hốt rác từ Việt Nam về nước họ đặt rác lên bàn. Đúng là tên Sen Đầm Quốc Tế “điên” quá đi thôi!

Phần trên, tôi cố tình “huênh hoang, xạo và nổ” để có cớ lấy tôi làm điển hình cho những thứ “rác” mà Việt Nam đem vứt bỏ để bọn “Đế Quốc Mỹ” tha hồ nhặt đem về nước Mỹ, để rồi ngày nay sang thế hệ thứ hai của Rác, trong quân đội Mỹ có một Chuẩn Tướng, hàng chục Đại Tá, vài chục Trung Tá, còn cấp dưới hơn thì hàng hà sa số. Tất cả đều được đào tạo đúng với tiêu chuẩn sĩ quan quốc tế. Còn hàng dân chính thì biết cơ man nào kề xiết!

Thế nào là tiêu chuẩn Sĩ Quan Quốc Tế, tôi không rõ lắm. Có điều tôi biết chắc chắn rằng, với học vị Tiến sĩ Y khoa (Bác sĩ) tốt nghiệp ở Việt Nam, nếu qua Mỹ mà không học lại thì chỉ có nước ngày cày 8 tiếng ở hãng mà thôi. Từ học vị Bác sĩ, ta có thể tự suy nghĩ tiêu chuẩn Sĩ Quan Quốc Tế khác với bọn sĩ quan đào tạo kiểu Tàu phù như thế nào?

Sĩ Quan được đào tạo như bọn sĩ quan Tàu phù nếu trôi dạt ra nước ngoài chẳng ma nào thèm dùng chúng điều binh khiển tướng. Còn sĩ quan Mỹ đến bất cứ quốc gia nào cũng được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Đó là điều không ai có thể chối cãi.

Nếu thế hệ RÁC thứ thứ nhất ở Việt Nam, “không bị Đế Quốc Mỹ” hốt về Mỹ, thì những thứ RÁC như TUI làm sao được ngồi chung bàn “đớp hít” với Bộ trưởng Du Lịch Hàn Quốc? Làm sao được đứng chung chụp hình với Tướng Tư Lệnh Không Lực Mỹ, với Đại Sứ Mỹ, với mấy ông Giám Mục, Tổng Giám Mục cùng vô số Học giả, Tiến sĩ, Viện Sĩ… ở khắp nơi trên thế giới?… Và, làm gì có thế hệ RÁC thứ hai lớn lên ở Mỹ, đã cung ứng cho đất nước Mỹ vô số nhân tài, như Sĩ Quan, Hạm Trưởng, Nghị Viên, Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ, Cố Vấn Chánh Phủ, Bác sĩ, Luật sư, Nhà khoa học, Học giả…

Và, giả sử, nếu bây giờ thế hệ RÁC thứ hai đó còn ở lại Việt Nam họ sẽ như thế nào? Câu hỏi ai cũng có thể trả lời: “Lượm bọc là cái chắc!”

Nếu đất nước tôi không phí RÁC cho Mỹ hốt đem qua Mỹ, thì giờ đây làm gì có “huyền thoại” “Tập Cận Bình” hay quan chức của ông ta sang Mỹ phải đi cửa hậu để tránh bị RÁC ném thứ gì đó vào mặt mũi? Buồn thay!

Tiếc thay, đất nước tôi đã một thời hoang phí “RÁC!” Ai là kẻ chịu trách nhiệm những sai lầm nghiêm trọng và mất mát lớn lao nầy?

Người viết không đủ khả năng trả lời.

Atlanta, Aug. 01, 2015
Thái Quốc Mưu

Phụ chú: Những gì tôi “Nổ” về mình, nếu hình ảnh không lên được, vị nào muốn xem xin liên lạc với trang nhà mà quý vị đang xem.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét