CÀNH HOA TRĂM TUỔI KHÔNG TÀN
Tâm bút : Nguyễn Phan Ngọc An
Từ ngàn xưa đến nay , con người sống được tới tuổi 70 đã được gọi là thọ nên có câu tiền nhân để lại “ thất thập cổ lai hi”- Vũ trụ dường như cũng có phần tiến triển đổi thay nên đôi lúc có những người thọ đến 80 hoặc 90, nhưng hầu hết họ kéo lê tuổi thọ trong già yếu bệnh hoạn lê thê hay bất đắc chí chán nản chờ ngày về với tổ tiên thôi … Nhưng tại thành phố văn hóa miền Bắc Cali có một nhà văn thơ nữ đã thành danh từ mấy thập niên qua, bà sống khép kín trong cảnh cô đơn với tuổi đời chồng chất – Thơ văn bà đã tung bay khắp vòm trời hải ngoại hiện nay và cả trong nước thời đệ nhị Cộng Hoà … Ðến nay bà đã 99 tuổi vẫn miệt mài làm thơ, viết văn, soạn kịch, chủ trương những tuyển tập viết chung, tổ chức
những buổi sinh hoạt, những buổi ra mắt sách, nhất là bà đã cho xuất bản cuốn sách mang tựa đề “ BÌNH NGÔ ÐẠI CÁO” và cuốn truyện ngắn “ BÓNG CỚ NUƠNG TỬ” hiện vẫn chưa có cơ hội trình làng hai cuốn này dù đã in ấn mấy năm rồi nhưng hiện tại hết sạch chưa có dịp tái bản …
Cụ bà Trùng Quang, chúng tôi trân trọng để viết về bà, một nữ lưu hiếm có trong trời đất, triệu người may ra được một mà thôi …
Bà tên thật là Lê Thị Tuyên, sinh năm 1912, bút hiệu Trùng Quang, bà viết văn làm thơ từ trên nửa thế kỷ tại Hà Nội, bà sinh trưởng tại miền Bắc và thú vui của bà từ dạo còn xuân thời là viết văn và làm thơ tiêu khiển nên đã không ít báo chí thời đó biết đến tên tuổi của bà.
Sau khi bà di tản từ Bắc vào Nam, bà cư trú tại thủ đô Sài Gòn, thời gian di tản bỏ hết tài sản lại miền Bắc, bỏ hết những người thân yêu, mất quê hương yêu dấu nơi đã sinh trưởng ra bà, nơi cho bà bao kỷ niệm thân thương, bà đau buồn sinh bệnh và từ đó người thi văn sĩ này đã dường như mất trí nhớ , các Bác Sĩ chẩn đoán bà bị bệnh thần kinh nên đã làm thủ tục đưa bà sang Nhật chữa trị.
Thời gian sống tại nước Nhật bà đã học nói tiếng Nhật và viết Nhật Ngữ như những sinh viên du học thời đó. Ðặc biệt hơn bà đã bỏ công sức nghiên cứu về văn hóa nước Nhật, nhất là về tư tưởng và đời sống của giới phụ nữ Nhật – Bà đã thụ huấn tròn khóa học làm “ nhân hình” búp bê tại nước Nhật và đã thành công được khen ngợi từ những giáo sư chuyên nghề mỹ thuật đã dạy nghề cho bà.
Về lại Sài Gòn sau hai năm học nghề học chữ và di dưỡng tâm thần tại Nhật, cũng là một điều rất đặc biệt là khi bà nhìn được nền văn hóa của nước người, ý chí và niềm tin thúc đẩy tâm hồn yêu chuộng văn hóa đến tột đỉnh, bệnh thần kinh đã chấp cánh xa bay, trả lại cho bà những ngày tháng xa quê tâm hồn bình yên . Khi về nước bà sáng lập ra xưởng làm búp bê tại thủ đô Sài Gòn cốt để tuyên truyền và vinh danh tà áo dài của phụ nữ Việt Nam vì tất cả hình dáng búp bê đều phục sức bằng chiếc áo dài tha thướt của quê hương Việt Nam, do đó bà mới chủ tâm đặt tên là xưởng Búp Bê Văn Hóa.
Lúc đó vào thập niên 50 - 60, bà gia nhập thi đoàn Quỳnh Dao, một thi đoàn toàn nữ giới là thi nhân do bà Cao Ngọc Anh sáng lập - Vào thời đó, thơ văn rất được trọng vọng nên bà được mọi người mọi giới quý trọng – Cho đến ngày nay học viên của bà phần đông định cư các nước trên thế giới và Hoa Kỳ, quý trọng yêu thương bà có dịp là tìm đến thăm viếng bà – Ðó là niềm an ủi cho bà vui trong cuộc đời còn lại .
Thời gian trôi qua trong niềm vui hàng ngày chăm sóc và dạy kềm nghề nghiệp cho học sinh, bà cũng quên đi nỗi trống vắng trong tình cảm riêng tư, bà đúng là một người phụ nữ tiết hạnh khả phong, ở vậy thờ chồng, làm việc lợi ích cho xã hội, bà chưa hề để mang một tai tiếng gì dù là một góa phụ cô đơn khi tuổi còn xuân sắc – Nha Tiểu Công Nghệ và Nha Mỹ Thuật của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa thời đó thấy sự thành công của Búp Bê Văn Hóa và thấy được tài năng của bà đã mời bà cộng tác với chính phủ để mở thêm các cơ sở lớn rộng hơn nhưng bà đã từ chối, bà sống khiêm cung, không tham vọng, chỉ vui với những gì chính bà đã tạo ra.
Với bản tính hoạt động tích cực vào lãnh vực văn hóa nghệ thuật nước nhà, sau nhiều năm công nghệ Búp Bê đã thành công bà đứng ra sáng lập trường dạy về nữ công gia chánh với tiêu đề “ Trường nữ công “PHƯƠNG CHÍNH” ngay tại thành phố hoa lệ Sài Gòn .
Trường Phương Chính chuyên dạy Việt Ngữ, Sinh Ngữ, Nữ Công, về nữ công có các lớp : May, thêu, làm bánh, nấu ăn, cắm hoa, đàn Piano, trang điểm, uốn tóc… Bà còn mở thêm các lớp dạy Anh Ngữ, Pháp Ngữ và Nhật Ngữ … các lớp đều có các giáo sư chuyên môn phụ trách giảng dạy - Tổng cộng có 15 giáo viên phụ trách trường Phương Chính. Trường Phương Chính thời ấy đã được Bộ Quốc Gia Giáo Dục khen thưởng và công nhận ngang hàng với các trường Trung học dạy chữ, bà đã được lãnh ba bằng khen ngợi vinh danh từ các đơn vị cao cấp của chính phủ VNCH - Bằng cấp tốt nghiệp của trường Phương Chính có giá trị qua các nước Tây Âu như nước Pháp chẳng hạn. Trường Phương Chính ban ngày chuyên dạy về những môn học trên, ban đêm còn dành thì giờ dạy
thêm chữ quốc ngữ cho trẻ em và cả phụ nữ nhà nghèo không có tiền và không có phương tiện đến trường ban ngày.
Nói về nữ văn thi sĩ Trùng Quang thì ai cũng một lòng thương kính và ngợi khen, một tâm hồn phụ nữ Việt Nam hiếm có, một tinh thần cao quý vững chãi khác nào nam nhi chi chí , cuộc đời bà đã dành trọn cho văn hóa cho nghệ thuật đến tuổi 99 vẫn không ngừng hoạt động mà lại còn hoạt động thật tích cực… Ðã nhiều lần bà bàn thảo với nhóm chị em phụ nữ chúng tôi những hoài bão trong thâm tâm mà bà chưa thực hiện hoặc không thể thực hiện một mình với số tuổi quá cao, chúng tôi ai cũng nể phục tâm hồn cao cả của bà và luôn xem bà như người mẹ thương kính của mình.
Trong suốt thời gian xây dựng và phụ trách xưởng Búp Bê Văn Hóa và Trường Nữ Công Phương Chính, trường đã đào tạo thành công, thành danh rất nhiều học viên, có những người du học nước ngoài thỉnh thoảng về thăm bà trong tình thương yêu tôn kính, nhưng mọi việc có bao giờ được êm xuôi mãi như hoài bão trong tim óc con người, rồi bà cũng phãi khăn gói ra đi tìm tự do, tìm đất sống nơi phương trời vô định … Bỏ tất cả vì lý tưởng chung, vì thời cuộc đất nước, bà ra đi với hai bàn tay trắng, hiện nay căn nhà của bà với 4 tầng lầu tại thủ đô Sài Gòn vẫn còn đó nhưng đã thay tên đổi chủ từ dạo bà bỏ nước ra đi cách nay gần 30 năm dài đăng đẵng.
Người phụ nữ tài hoa này khi vượt biên đã được tàu Pháp cứu vớt đưa về nước Pháp cho định cư tạm, tên gọi con tàu là “Tàu Ánh Sáng”- Vào đảo được mấy ngày bà bị chứng bệnh tê thấp đau nhức cả người không hoạt động đi đứng được, bà chỉ còn một hoạt động duy nhất bằng tim óc và bàn tay năng nổ cho văn học nước nhà, thế nên thời gian còn nằm trong bệnh viện bà đã viết nhiều bài về giá trị cho cuộc chiến Việt Nam, cuộc nội chiến tương tàn nồi da xáo thịt lẫn nhau, một cuộc chiến đã làm đau thương chủng tộc, đau đớn trái tim bà trong suốt thời gian cư ngụ trên đất Pháp - Ðặc biệt bà đã phụ trách một mục quan trọng trong tờ báo bán nguyệt san tại miền Ðông nước Mỹ với tiêu đề “ NGÀN TRÙNG XA CÁCH HỎI TIN NHAU”
trong mục này bà luôn luôn viết về những giai đoạn thăng trầm khổ đau của người Việt Nam khi Sài Gòn thất thủ, những câu chuyện thật đã xãy ra cho cuộc chiến tranh Việt Nam đã làm không ít người Việt lưu vong rơi lệ !
Một thời gian dài định cư tạm nơi nước Pháp, bà được sang Hoa Kỳ và từ đó bà lại tiếp tục nghiệp văn thơ, viết với cả sự say mê không giả tạo, ngoài những giờ giấc dành cho sinh hoạt bản thân bà còn dành thì giờ đi học các lớp ESL và College của các trường Anh Ngữ tại miền Bắc California, một ý chí đáng khâm phục, một tâm hồn luôn muốn vươn lên và tiến thân không ngừng nghỉ, bà chỉ mới bỏ trường khi tuổi đang dần vào cửu thập niên. Bà đã làm nhiều bài thơ xướng và được các thi hữu nhiệt tình họa lại, có khi đến cả 60 bài họa lại từ các thi hữu quý mến bà.
Bà đã chủ trương cuốn thơ “Ðồng Tâm Hội Bút” năm 1987 gồm 142 tác giả tham gia phần đông là những thi nhân đã thành danh của nhiều thập niên qua. Năm 2003 bà đã được lãnh giải thưởng danh dự với bài văn “ VIẾT VỀ NƯỚC MỸ” do tờ Việt Báo Kinh Tế miền Nam Cali tổ chức – Năm 2004 bà cho xuất bản cuốn “BÌNH NGÔ ÐẠI CÁO” đây một thành quả hiếm hoi trên vũ trụ này khi một con người hăng say làm việc văn hóa với số tuổi quá cao - Cuốn Bình Ngô Ðại Cáo ghi chép về danh nhân Nguyễn Trãi, viết về thành tích chiến thắng chống xâm lăng của ông - Khi bà cho trình làng đã được đông đảo độc giả khắp bốn phương ủng hộ nên hiện tại không còn và có lẽ trong thời gian gần đây bà sẽ cho tái bản theo yêu cầu của một số đông độc giả
gần xa. Kềm theo cuốn sách còn có một bức tranh đúng theo văn bản bằng chữ Hán - Bản chữ Hán này được các chuyên gia sưu tầm tại viện Bác Cổ bên nước Pháp.vì khi quân đội Pháp rời Việt Nam đã mang theo tất cả tài liệu văn học Việt Nam về nước Pháp - Ðây là một công trình giá trị văn học mà chắc chắn đồng hương hải ngoại phải khâm phục ý chí vượt bực của bà, mấy ai cuộc đời gần một thế kỷ mà vẫn không ngừng hoạt động.
Năm 2006 vừa qua, cụ lại bỏ công sức chủ trương cuốn truyện ngắn “ BÓNG CỜ NƯƠNG TỬ”gồm tất cả tác giả là nữ giới khắp nơi đóng góp những truyện ngắn, tùy bút, bút ký, hồi ký … Nội cái tên của tuyển tập văn này cũng đã nói lên cái ý chí bà Trưng, bà Triệu oai phong lẫm lẫm trong nội tâm bà - Dự tính bà sẽ cho trình làng vào đầu năm 2007 nhưng xui rủi sau đó bị té thang lầu chấn thương phần xương phải nằm điều trị mất 3 tháng liền tại bệnh viện miền Bắc California - Bà còn đang dự tính tiếp tục thực hiện cuốn 2 với những cây bút nữ giới đông đảo hơn, chúng ta hãy chờ xem người phụ nữ tài hoa này bao giờ mới chịu ngưng nghỉ hoạt động cho nền văn hóa Việt Nam, phải thành thật mà nói rằng bà Trùng Quang là một biểu tượng
đáng quý và hiếm có trong nền văn học Việt Nam, bà xứng đáng là người mẹ tinh thần cao cả của lớp tuổi hậu sinh chúng tôi.
Tôi xin thay mặt một số anh chị em thi văn hữu thân thích để viết bài “ CÀNH HOA TRĂM TUỔI KHÔNG TÀN” nhằm mục đích vinh danh nhà văn nhà thơ tài hoa Trùng Quang cả một đời dành cho sự nghiệp văn chương Việt Nam, bà mãi là một đóa hoa thơm trong làng văn học đến trăm tuổi vẫn không tàn.
Sau đây thân mời quý độc giả thưởng thức một vài bài thơ tiêu biểu qua bút pháp của nữ văn thi sĩ Trùng Quang :
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét