Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015


CÓ  MỘT  THỜI  NHƯ  THẾ  
Truyện ngắn Tuyết Linh


Khi biết mình đang mang thai đứa con đầu lòng ,ngày cũng như đêm, chị cứ nước mắt vắn nước mắt dài! Dì chị, dì Út chỉ lớn hơn chị hai tuổi, đã quát mắng chị:
-Mầy lạ quá, có chồng thì có con, mắc gì khóc hoài? Hại cho cái thai đó.
Chị mếu máo:
-Nhưng Tần có muốn có con với ông ấy đâu?

Dì chị mím môi, dáo dác nhìn quanh, như sợ có ai nghe thấy những gì Dì sắp nói:
-Thiệt tình, vậy mầy muốn có con với ai? Tao thấy chồng mầy, gia đình chồng mầy mừng  lắm mà, ai cũng nâng niu mầy như trứng mỏng, còn muốn gì nữa?

Tần đứng dậy, một mình bước ra ngoài hiên. Hai cây me nước đứng hai bên chiếc cổng sắt ra vào, nặng oằn trái trên cao.Những trái me cong vòng tròn màu xanh và hồng phơn phót, nứt phơi cả ruột trắng phau, đang rung rinh trong gió.Chị bước chậm  đến chiếc cổng, nhìn ra ngoài. Con đường Bá Đa Lộc chạy từ chân nhà Thờ Núi đá xuống , ngang qua trước ngôi biệt thự nhà chị rồi chạy thẳng tuột đến bờ biển.Thường ngày, ngoài những giờ học sinh , sinh viên đi  học và về, con đường còn lại vắng ngắt, lặng lẽ! Giờ này, khi nắng chiều chỉ còn thoi thóp chút màu vàng nhạt trên các ngọn cây được trồng dọc theo con đường để phủ bóng mát cho khách bộ hành, càng vắng lặng hơn.Chị thở dài, hai tay bám chặt vào những chấn song, như một người tù đứng sau cánh cửa sắt nhà tù, thả ánh mắt chạy dài theo  lòng  đường, thầm hỏi : “Đã qua hết hè lâu rồi anh ấy làm gì nhỉ? Có đi học đều đặn không?” Chị chợt nghe lòng quặn một niềm đau! Chị mím môi và để  mặc những dòng nước mắt tuôn chảy trên đôi má gấy khô. Chị thầm thì một mình: “Tần ơi, sao mầy tệ quá, mầy phụ người ấy rồi, mầy biết không?Trời đất sẽ trừng phạt mầy, thứ bạc tình!”
Một tiếng động nhẹ như tiếng chân ai len lén  bước đi trên thềm nhà, khiến chị quay lại. Nhưng không, đó chỉ là tiếng chiếc lá khô bị cơn gió thổi lăn trên thềm. Ánh chiều đã xuống thấp. Chị đưa tay quẹt khô dòng nước mắt rồi quay trở vào nhà. Đèn trong phòng ăn đã dược bật sáng, mọi người trong nhà đang quay quần bên mâm cơm chờ chị. Tần bước đến lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế còn trống bên cạnh người chị chồng. Bác Cả nói mà không nhìn chị:
-Mợ chịu khó ăn một chút gì đi, bầu bì ai mà chả bị hành? Cậu ấy đêm nay trực nhật, không về đâu.
Tần cầm đủa lên:
-Em xin mời Bác, mời cô giáo Thanh và dì Út xơi cơm ạ.

Mấy tháng trước đây, sau giờ hết ngồi lớp, Hiển thường đạp xe thẳng đến nhà Tần.Dựng xe xong vào nhà chào Ba mẹ Tần,Hiển đi một mạch xuống nhà ngang, nơi Tần và Dì Út thường ngồi nhặt những hòn sạn nhỏ li ti trong thúng gạo những chiều hai Dì cháu rỗi rảnh. Không đợi mời, Hiển tự nhiên kéo ghế ngồi đối diện với Tần. Những lúc ấy dì Út đứng dậy, nguýt Hiển một cái “À, đã có người tự nguyện làm chim câu, nhặt thóc cho nàng Tấm, tớ đi học bài tiếp đây” Hiển ngước lên nhìn dì Út, mĩm cười, nụ cười chấp nhận thương đau, thật dễ thương! Dì Út thường nói  như vậy mỗi lần dì cháu nhỏ to tâm sự với nhau. Hiển đã nhiều lần bị cha Tần gọi lên nhà trên “dạy dỗ”: “ Con đến chơi, thăm em Tần mươi phút rồi về cho bố mẹ con khỏi mong, với lại em Tần còn phải học bài chứ!”Hiển vâng dạ với cha Tần rất là ngoan ngoản, nhưng rồi hôm sau đâu lại vào đấy, ngồi suốt hai tiếng đồng hồ, khi chiều phủ xuống và Tần nhắc nhẹ Hiển về Hiển mới chịu về.
Mối tình học trò của Tần và Hiển chỉ có thế. Họ học cùng trường nhưng khác lớp.Hiển học trên Tần hai  lớp. Khi anh sắp thi Tú Tài toàn phần thì Tần bước vào năm Đệ Nhị để cuối năm thi bằng Tú Tài I. Cuối năm đó Tần cũng lấy được bằng Tú I, còn Hiển đậu vào năm thứ I Đại Học Sư Phạm. Đã học khác trường nên họ cũng ít gặp nhau hơn.Thỉnh thoảng cuối tuần Hiển mới đạp xe đến thăm Tần. Họ tíu tít kể cho nhau nghe những chuyện trong trường lớp của mỗi đứa.

Cuối năm đó bỗng nhiên cha Tần lâm bệnh nặng, ho suốt ngày và kêu rất khó nuốt nơi cuống họng.Cả nhà lo cho cha vào nằm bệnh viện để theo dõi bệnh trạng rất lạ lùng hiếm hoi vào thời đó. Nhưng rồi chỉ 4 tháng sau, cha Tần qua đời, để lại ngưòi vợ trẻ với 6 đứa con.Tần và hai em trai là con của má lớn, đã qua đời khi Tần là chị cả mới 6 tưổi đầu. Cha Tần lấy vợ kế , lúc đó bà mới 21 tuồi, gái quê nhưng đã qua một đời chồng, không con.Từ đó chị em Tần có bà mẹ kế. Bà sanh liên tục cho cha Tần ba đứa con nữa. Chị em Tần yêu thương bà như mẹ đẻ.
Người cha mất đi gia đình Tần như gảy cây cột trụ, như rắn không đầu. Mẹ kế Tần đẹp thì rất đẹp, nhưng là gái quê, ít học không biết làm gì để cán đáng một gia đình trí thức, có địa vị như cha Tần. Tài sản mà cha Tần để lại cũng khá bộn bề, gồm 4 căn phố cho thuê, một tàu đi biển đánh cá với đầy đủ công nhân và tài công, hai xe đò chạy khách ở lục tỉnh, một chiếc xe nhà có tài xế đưa đón chị em Tần đi học..Mẹ kế Tần một goá phụ trẻ quê mùa làm sao đây? Tần là chị lớn nhưng cũng chỉ mới mười bảy mười tám tuổi đầu, biết gì hơn cái ăn cái học? Hai đứa em trai Tần cũng chưa đến tuổi vị thành niên, còn tuổi ăn tuổi học!
Cuối cùng ba chị em Tần là anh chị lớn trong gia đình phải  bàn tính với nhau. Cậu em kế, kém Tần một tuổi đưa ý:
-Chị Tần đã xong Tú I, không cần học thêm nữa chị lấy chồng đi để tụi em yên tâm  mà lo phận mình. Dù gì tụi em là con trai cũng dễ sống, cùng lắm là vào Quân Đội, lấy Quân Đội làm nhà. Phần chị , một là chị lấy anh Hiển, hai là chị lấy cái ông Bắc Kỳ có sẵn hai cái bông mai vàng vẫn theo đuôi chị từ 2 năm nay đó. Chị nói má bán hết tài sản đi, vì có ai trông nom được đâu, để rồi cũng bị người ta dòm ngó sang đoạt hết, em và thằng Tùng mỗi đưá xin má một chút giắt lưng nhập ngủ là xong. Còn chị, cũng cần có chút ít phòng  thân, con gái 12 bến nước làm sao?
Thế là những lời cố vấn của cậu em trai 17 tuổi  được mọi ngưòi râm rấp y theo.
Người lợi nhất trong vụ chia tài sản này là má kế Tần. Ba chị em Tần chỉ chia nhau một căn phố, phần còn lạì  để hết cho má kế  lo nuôi dưỡng bầy em sau.
Sau đó, khi hết thời gian thọ tang cha Tần tự quyết định là nhận lời lấy Kha, một người không yêu thương, hay có quan hệ giao tiếp gì trước đó.Kha vốn là một viên Trung Uý trong QĐVNCH, thường ngồi trên chiếc Vespa màu xanh xám đậu ở gốc quanh con đường Tần đi học qua mỗi ngày. Con đường Quang Trung đầy bóng mát mà mỗi ngày Hiển cũng thường chờ đón đưa Tần cùng đến trường hay về nhà. Kha cũng vậy anh cũng chờ đón Tần để chỉ ngắm nhìn Tần một bận rồi anh vọt xe đi làm. Anh kiên nhẫn chờ đón, mặc dù anh biết rõ trên đường Tần đi hay về đều có Hiển bên cạnh. Sau này, khi Kha ngỏ lời xin cưới Tần và được Tần nhận lời, Kha thường nhắc đi nhắc lại:” Em không hối hận chứ, Tần?” Những lần bị hỏi như thế, Tần thường giương đôi mắt nâu đen tinh nghịch và cũng đầy tự tin nhìn Kha:
-Anh đã quyết định hỏi cưới Tần và được Tần nhận lời, còn những thứ khác, anh hỏi làm gì?
Kha, tuy là người có học thức, có danh phận,  nhưng khi anh theo đuổi Tần, người con gái đẹp của một gia đình nề nếp, trâm anh thì anh đã ba mươi hai tuổi. Lý do mà anh muộn màng trong
việc lập gia đình vì khi từ Bắc di cư vào Nam lánh nạn năm 54, anh chỉ có 2 anh em,anh và cô em gái còn đi học. Anh được bố mẹ anh dặn dò là phải chăm lo cho cô em ăn học đến nơi đến chốn, thay bố mẹ dựng vợ gả chồng cho cô em rồi mới tới lượt mình là anh trai. Cô Thanh, em gái của Kha, lúc rời Hànội theo anh vào Nam đã 22 tuổi, mới hứa hôn với một ông thầy giáo, còn kẹt lại HàNội. Vì vậy khi vào Nam cô không vội lấy chồng, chần chừ chờ đợi ông giáo. Kết cuộc hôn phu của cô bị kẹt luôn ở Bắc. Kha cũng tiến thối lưỡng nan, không dám lập gia đình vì sợ thất hứa với bố mẹ, thành ra hai anh em cứ ế chảy ế dài. Cho nên, mãi khi cô em lập gia đình với một ông Trung Úy bạn đồng khóa Trừ Bị Thủ Đức với Kha, Kha mới hỏi cưới Tần.

Cuộc đời Tần đã sang trang sau cái chết của người cha và cuộc hôn nhân không cân xứng về tuổi tác, cũng như những nhận thức trái lề thói của cả hai người ở hai miền Nam Bắc vào thời điểm gần nửa thế kỷ trước. Kha già dặn, chửng chạc, khó tính nghiêm túc bao nhiêu thì Tần, cô Tiểu thư vừa rời ghế nhà trường trong hoàn cảnh phải tự chọn lựa người bạn trăm năm , như tìm một nơi nương tựa, một mái che khi nắng gió trở trời. Tần không hiểu hết ý nghĩa của một cuộc sống lứa đôi, trong ý nghĩ của nàng Kha là người đàn ông lớn tuổi, có học thức, có địa vị,có nhà cửa sẵn sàng, nàng có lẽ sẽ không vất vả khổ cực gì để kiếm miếng ăn manh áo, như  thể nàng tiếp tục cuộc sống trong gia đình bên cạnh cha mẹ nàng vậy thôi.

Với Hiển,Tần thật sự cũng không biết là tình cảm của nàng dành cho Hiển là thứ tình gì nữa. Chưa bao giờ nàng tự hỏi về điều này vì trong thâm tâm nàng tình cảm dường như chỉ là thứ tình bè bạn, mông lung và lóng lánh. Khi vắng mặt thì thấy chút thiếu chút mong. Mà thật ra, giữa Tần và Hiển chưa có sự chia cách bao giờ. Hai người bạn như hình với bóng từ lúc cả hai còn là học trò lớp đệ ngủ. Bốn năm năm đi sớm về trễ lúc nào cũng có nhau, thân thuộc cho đến nỗi không hề nghĩ tới sự chia cách, nói gì đến một lần mất nhau vĩnh viễn? Tần nhớ hôm Tần báo cho Hiển cái tin Tần sẽ lấy chồng, Hiển đã không tin mà còn cười sặc sụa:-"Chồng là gì mà Tần đòi lấy hả? Tần có biết khi người con gái đi lấy chồng là sẽ xa cách hết bạn bè, người thân, hay không?" Tần buồn buồn:-"Tần biết, nhưng Tần phải..."-" Sao lại phải?" Từ đó, Tần không gặp lại Hiển dù mãi đến hai năm sau Tần mới lên xe hoa, bởi Tần phải chờ mãn tang cha. Chỉ có một bài thơ cuối cùng gửi lại Hiển. Bây giờ, ở phưong trời nào đó Hiển còn nhớ bài thơ ấy của Tần?

Theo giòng thời gian và cuộc đổi đời năm 75, gia đình hai vợ chồng Tần cùng bốn người con gái khăn gói lên đường theo diện HO. Cũng như mọi người Việt khác tị nạn trên một xứ sở lạ người lạ cảnh, bước đầu gia đình Tần cũng không tránh khỏi những khó khăn gian nan để tạo lập lại
cuộc đời từ những bàn tay trắng. Tần phải tìm công việc làm ban đêm để ban ngày cùng các con
đến trường học lại, bỏ vào đầu một mớ chữ để kiếm việc làm. Tần học được hai năm thì đuối vì sức khoẻ không cho phép. Cứ ngày cùng các con đi học, đêm đến thì đi làm để mẹ con sinh sống, thì sức thần cũng không chịu nổi huống hồ là Tần, một thiếu phụ năm đó đã gần năm mươi tuổi?
Kha, chồng Tần sau những năm  trong trại cải tạo cũng sức cùng lực kiệt, thất vọng , hụt hẫng
chán nản nên để mặc bầy con cho Tần muốn làm sao thì làm!

Bốn mươi mấy năm sau, đứa con gái đầu lòng mà khi mang thai nó, Tần hết sức đau khổ vì sự hoài thai ngoài ý muốn của Tần, lại là đứa đón mẹ về ở chung với nó khi Tần và Kha chia tay nhau sau bốn mươí hai năm chung sống. Ngọc thường tiếc rẽ nói với Tần:
- Con  không hiểu sao ba mẹ sống với nhau từng ấy năm, lại có thể chia tay nhau một cách dễ dàng như vậy?
- Con thấy chuyện ấy dễ dàng lắm sao?
- Thì từ lúc con khôn lớn đến giờ có thấy ba mẹ cãi nhau ầm ĩ như vợ chồng con bây giờ đâu?
Tần cười nhẹ:
- Đã là Dược sĩ rồi mà con còn hỏi mẹ câu đó!
Ngọc đỏ mặt:
- Thì con cứ nghĩ vợ chồng phải có cãi nhau, giận nhau thì mới không muốn chung sống với nhau nữa.
- Con không biết sao, sóng ngầm mới là sóng dữ. Hơn hai mươi năm nay gia đình ta theo thời cuộc đã đến nước Mỹ này để định cư. Mẹ đã vì tương lai của mấy chị em con mà cố sống  nốt cuộc đời thường bên cạnh bố con. Những gì xảy ra giữa mẹ và bố thì cũng chỉ có bố mẹ biết nhau thôi. Bố con có những lỗi lầm với mẹ ngay từ lúc hai người mới lấy nhau. Bố con cũng là một người tốt, biết nhận lỗi và thường xin mẹ tha thứ cho. Nhưng mẹ lại là người đàn bà cố chấp, luôn mang trong lòng một mối hận về bố con, mẹ chấp nhận đánh đổi tất cả hạnh phúc một đời người để chỉ giữ lại lòng oán hận đó.
Ngọc chen vào:
- Mà chuyện gì nông nỗi vậy mẹ? Sao chẳng bao giờ con nghe bố mẹ nhắc nhở đến chuyện ấy?
- Cần gì mà nhắc hả con? Trong lòng bố mẹ ,ai mà chẳng nhớ đến chuyện ấy?
- Chao ôi, sao mà phức tạp quá! Tụi con không làm sao hiểu được bố mẹ!
- Tụi con là những đứa  trẻ đến nơi này lúc còn quá nhỏ, dễ dàng hoà nhập với nếp sống thực tiễn, và đơn giản của người phương Tây. Tụi con khó lòng mà hiểu nổi những sâu kín đến tinh tế của một người phương Đông một khi họ đã không muốn phơi trãi tâm hồn họ.
- Mẹ à, có phải một người có học thức, có địa vị như bố mẹ thì lại càng phức tạp hơn không?
Tần cười buồn:
- Không phải thế đâu, con gái của mẹ. Tất cả  những gì mà  con cho là phức tạp đối với một người trí thức, cũng không khó hiểu gì ngoài hai chữ "Sĩ diện" đâu!
- Rốt cuộc rồi, con nghĩ có lẽ từ lúc ba mẹ lấy nhau đến khi chia tay nhau, khoảng thời gian dài hơn bốn mươi năm, và con đã chừng này tuổi, chúng con vẫn không hiểu được bố mẹ, cách  nào lại có thể chịu đựng nhau lâu đến thế!
-Thôi đừng quan tâm đến chuyện ấy nữa. Một ngày nào đó tụi con cũng sẽ hiểu ra thôi.
Những buổi hàn thuyên như vậy giữa Tần và con cái xảy ra thường lắm. Khi thì đứa này, lúc thì đứa khác. Tần rất mệt mỏi vì rất khó giải thích với con, mặc dù Tần biết các con Tần  đã lớn, đã thành danh, và cũng có thể cho rằng chúng đã thành nhân. Chúng đang sống tiếp cuộc đời của bố
mẹ chúng nó. Ngọc là đứa con gái lớn nhất của Tần và Kha, đã có chồng từ hơn mười năm nay và đã có một đứa con. Kế Ngọc là Liên, Bích và Mai, các cô này cũng đã có gia đình và có con.
         Cuộc sống hiện tại của Tần rất cô đơn, lặng lẽ. Tuy nhiên nhờ ở chung với con cháu, làm những việc vặt vảnh trong nhà giúp con nên Tần cũng không  lấy gì làm buồn chán. Tần cũng lại là người mê đọc sách báo. Con cái hay bạn bè đến chơi với nàng thường đem sách báo đến tặng nàng. Tần dùng thời gian hàng ngày của nàng một cách hữu ích vì hợp với sở thích.
         Có một lần cách nay chừng ba năm, nhân chuyến đi CA thăm gia đình đứa con gái vì công việc làm, định cư bên ấy suốt hơn mười năm, Tần bất chợt gặp lại Hiển khi đến thăm nhà một người bạn. Tần sửng người khi nhìn thấy người đàn ông vừa bước vào nhà người bạn chủ nhà
lại là Hiển. Hiển khi nhìn thấy Tần cũng thảng thốt:
-Là…Tần?
Tần run rẩy ấp úng:
-Anh nhận ra Tần sao?
Hiển đưa bàn tay đặt ngay chỗ trái tim mình và nói:
-Tần ở chỗ này của tôi đã gần năm mươi năm rồi.
-Ủa, hai người có quen biết nhau sao? Tiếng anh Thảo chủ nhà kinh ngạc kêu lên.
Hiển quay sang anh Thảo, giọng vẫn còn run vì những xúc động bất ngờ:
-Xin lỗi anh Thảo, đây là một sự cố quá bất ngờ! Vâng, chúng tôi là bạn của nhau từ năm mươi năm trước…
-Không sao, không sao, hai bạn cứ vui vẻ trò chuyện, tôi đi lấy nước uống.
Tần ngồi như tượng, mắt nhìn xuống đất. Một nỗi niềm ân hận khiến mắt nàng cay. Hiển nhìn trân trối về phía Tần, lúc sau Hiển nói trong tiếng thở dài:
-Gia cảnh Tần bây giờ ra sao? Em hạnh phúc không?
Nghe Hiển hỏi đến hạnh phúc của mình, Tần chỉ muốn oà lên khóc, nhưng niềm tự trọng đã giữ Tần lại:
-Gia đình Tần cũng bình thường thôi anh ạ. Anh ở ngay đây, Bắc Cali này?
-Vâng, gia đình tôi định cư ở đây suốt từ năm 92 đến giờ. Còn Tần cũng ở đây sao?
- Không, Tần ở bang Pennsylvania cũng từ năm 92. Con cái Tần lớn cả rồi, lần này Tần về đây thăm đứa con gái nhân dịp ghé thăm anh Thảo là bạn văn thơ mới quen mấy năm nay.
-Em vẫn còn viết lách?
Tần không trả lời, lại hỏi:
-Anh có nhận được bài thơ chót Tần gửi cho anh năm 65 không?
-Có, năm đó là năm cuối tôi thi tốt nghiệp Đại Học Sư phạm khoa ngoại ngữ.
-Anh vẫn học được…
-Tôi phải học thôi vì không có cách nào khác khi em bỏ tôi đi lấy chồng.Chợt Hiển cao giọng nói tiếp:
       Lối về và cả lối em đi
       Đừng hỏi thăm và đừng gửi thơ
       Những khoảng đường xưa lưu luyến ấy
       Sẽ còn sống mãi ở trong mơ
       ……..
 thơ của Tần đấy phải không?
Tần vụt đứng lên, nói qua giọng đầy nước mắt:
-Xin anh, Hiển. Hãy quên hết cho Tần đi. Ứơc gì không có ngày hôm nay…Quay vào phía nhà trong, Tần nói:
-Anh Thảo ơi, Tần về đây.
Thảo nói vọng ra:
-Về chi vội, tôi đang chuẫn bị mời các bạn đi ăn cơm trưa để đánh dấu cuộc hội ngộ hiếm hoi này.
- Cám ơn anh Thảo, Tần phải về vì có hẹn với con gái về ăn cơm nhà. Rồi Tần nhỏ giọng nói với Hiển:
- Vì lỗi lầm của Tần ngày xưa, anh hãy quên ngày hôm nay, anh Hiển.
Hiển đứng lên nắm lấy bàn tay đã lạnh buốt của Tần:
-Dù em có thế nào đi nữa tôi vẫn không quên được em.
Tần rụt tay rời khỏi bàn tay của Hiển rồi bước vội ra cửa. Lần đó Tần đã khóc như mưa sau khi ngồi vào trong xe. Lỗi tại Tần, đã xem thường tình yêu của Hiển và đã rời đi để lấy chồng.
Từ lần gặp lại đó đến nay Tần không gặp lại Hiển mặc dù nhiều lần Hiển gọi phone cho Tần. Lần nào Tần cũng nài nĩ Hiển :”Hãy chỉ nên nhớ chúng ta đã có một thời như thế thôi, anh ạ.”

Cuộc đời đã tiếp diễn với Tần trong nỗi buồn cô đơn, hiu hắt . Rồi hạ sẽ qua đi và thu sẽ tới như muôn đời trời đất như thế!

Tuyết Linh (Hạ 2012)

TUYẾT  LINH



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét