Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2015

Ảnh Đặng Đức Cương

GÁC CU !
Đặng Thừa Quân

Mới sáng sớm, ông Hai đã vác cái ống kích cùng anh ngói vào bìa rừng. Với thân hình gầy guộc và nước da chai nắng xạm màu, ông châm thuốc rồi quan sát cái cành vươn ra từ cây bằng lăng già cỗi.
Chà! Chỗ này mà gác lồng thì đố anh nào thoát được!

Dưới con mắt nhà nghề của ông, lồng phải được treo ở nơi phía trước thoáng đãng, có vài cành chính để lũ tụi nó còn thấy và dương oai diễu võ với nhau. Cái giống chim cu này nó thế, không bao giờ chấp nhận một kẻ lạ huơ lạ hoắc nào ở đâu đến xâm phạm lãnh thổ của mình được.
Ông Hai gác anh ngói lên đó, gớm! Coi anh chàng kìa! Lúc nào cũng hừng hực lửa như muốn đốt cháy cái lồng cho dù được ông Hai phủ quanh một màu xanh lá.
Anh ngói hay lắm, tiếng gù hậu của anh âm đồng và ngân như tiếng chuông của cái nhà thờ đầu xóm. Cái hậu liên hoàn này nó vang đến tận miền xuôi, theo như ông nói thì có người lặn lội cả trăm cây số chỉ đến để nghe anh ngói gù mấy tiếng, có người bỏ ra cả chục triệu đồng muốn mua anh, gớm! Cả trăm giạ lúa chứ có ít à! Nói thế chứ ông Hai quí anh ngói lắm, ông coi như bạn, ông có thể ăn củ khoai nướng trong những ngày đông chứ anh ngói thì lúc nào cũng mè, cũng đậu, với ông, con chim cu này là tất cả với cái tuổi già sắp hết.
Mặt trời lên gần nửa ngọn cây, sương bắt đầu đọng giọt trên lá, ông Hai lấy ống kích thổi véo von vài bài, ông gọi như thế chứ ông có biết nốt nhạc nào đâu. Cái ống này cũng ngộ, hễ nghe âm thanh nó réo rắt là anh ngói trong lồng cũng cất giọng hòa theo, cứ như Khúc Dương và Lưu Chính Phong đang hợp tấu bản Tiếu Ngạo Giang Hồ vậy.
Thấy anh ngói say sưa quá, ông Hai lùi dần rồi ngồi lên tảng đá sau cái ụ mối cũ quá nửa thân người, cách anh ngói hơn trăm bước chân, đủ để quan sát mọi động tĩnh. Cái tẩu gỗ trên môi bắt đầu tỏa khói, ông quan sát từng đàn chim trời đang bay về phía bìa rừng.
Đang mùa bắp, ôi thôi nào là két, phượng hoàng đất, bồ chao, cà cưỡng kéo nhau từng đàn, từng đàn đi ăn từ lúc trời còn chạng vạng tối. Giờ thì no nê cả rồi, với lại cũng là lúc mọi người ra đồng thu hoạch. Chúng đành gác lại bữa tiệc vào ngày mai.
Cánh rừng bỗng nhộn nhịp hẳn, ông Hai quan sát từng đàn bay về, nhưng đôi mắt vẫn đăm chiêu như thường lệ, dường như ông chờ một cái gì đó khác…
Hết ba tẩu thuốc, mặt trời cũng gần đến ngọn cây, ông Hai vẫn ngồi đó như pho tượng, mắt không rời khỏi cành bằng lăng treo anh ngói, có lẽ cu cậu mệt, không còn hưởng ứng nhiệt tình theo tiếng ống kích của ông Hai nữa.
Ông Hai vê vê mấy cái lá thuốc nhồi vào cái tẩu, chợt anh ngói gáy liên hồi, than mình nhấp nhổm lên xuống…
Kia rồi !
Anh ngói tinh thật, một đàn cu cườm khoảng hơn chục con từ phía cánh đồng bay đến. Chúng đậu trên cành bạch đàn sau lung ông. Như pho tượng chẳng dám nhúc nhích, ông Hai biết cái giống này tinh lắm, nhìn từ xa là chúng biết có nguy hiểm nào đang rình rập không. Ông liếc mắt nhìn lên.
 Chà! Hơn chục con, đàn này chắc hay!
Anh ngói trong lồng thúc liên hồi, và dường như đàn cu cườm cũng phát hiện ra có kẻ xâm chiếm lãnh thổ, chúng bắt đầu đối đáp nhau bằng cái thứ âm thanh mê hoặc, nào là giọng thổ, nào là giọng đồng, con thì kim pha son…
Ông Hai say sưa nhìn đàn chim rừng mà lòng khoan khoái, chẳng uổng công lặn lội hơn chục cây số từ lúc gà gáy. Ông liếc sang anh ngói, chà! Đúng là mãnh tướng trải qua hơn trăm trận, trước một đám uy vũ như vậy mà vẫn không sợ sệt, ông thường ví anh ngói như Quan Vân Trường trong tích Tàu, giờ là lúc đơn đao phó hội đây.
Bỗng một con từ cây bạch đàn sau lưng ông vút qua cành bằng lăng.
Con này đẹp thiệt!
Ông Hai tấm tắc khen thầm, mình dài thon như bắp chuối, cườm lấp lánh từ đầu xuống tận vai, và cái giọng son của nó thì không lẫn đi đâu được. Ông Hai chắc mẩm phen này sẽ dính được con đầu đàn về làm địch thủ cho anh ngói.
 Hai mãnh tướng đấu với nhau bất phân thắng bại, anh ngói thúc ba gù hậu thì anh đầu đàn này cũng thúc lại như thế, mà theo người trong nghề như ông giọng gù này gọi là Kim Bất Hoán, ngàn con mới có một. Đám trên cây bạch đàn cũng vù qua như thể trợ lực cho thủ lãnh. Con đầu đàn quả là ghê gớm, “đấu khẩu” nãy giờ mà vẫn bình tĩnh đứng quan sát, ông Hai cứ chắc mẩm nó sẽ lao vô đá và dính cái bẫy ông đã giăng sẵn. Nhưng không! Giờ nó nhảy lên cành phía trên và nhường chỗ lại cho đám đàn em.
 Đám mới bay sang cũng tỏ hiếu chiến lắm, có thủ lãnh đứng bên trợ lực, và như muốn chứng tỏ bản thân, chúng thúc gù liên hồi, đám chim mái cũng nhiệt tình cổ vũ, con thì xòe cánh, con thì nhấp nhổm, con thì gật lên gật xuống như thách thức kẻ lạ mặt.
 Ông Hai như bất động, chắc cũng hơn nữa tiếng đồng hồ từ khi đàn chim bay đến, hai chân ông tê cứng nhưng ông đâu rời mắt, phần vì sợ đàn chim giật mình bay mất, phần vì trận này không dễ ai cũng được ngồi đây thưởng thức như ông.
Ông không nghe anh ngói thúc nữa, anh bước tới bước lui trên cái chạc ổi trong lồng, cườm cổ phùng lên,thỉnh thoảng lộn ngược một vài vòng. Rồi, đã đến lúc kết thúc đây!
 Ông hiểu anh ngói quá mà, với chiêu trò này thì chẳng “chủ nhà” nào có thể nhịn được kẻ xâm lăng cả. Ông Hai nhìn lên con đầu đàn, nó vẫn đứng yên tại chỗ, vẫn thúc cái giọng son riêng biệt của nó, nhưng chẳng tỏ động tĩnh gì trước chiêu trò của đối thủ. Cái đầu nó hơi gật gật ra vẻ: À, mày đang dụ tao đó hả?
 Thiệt là thủ lãnh! Ông Hai xém xíu nữa vỗ đùi theo cái thói quen khi ông khen một ai đó, ông chưa từng khen con chim cu nào từ khi ông có anh ngói. Nhưng con đầu đàn này làm ông nghĩ lại, nó mà về với sự chăm sóc và nuôi dưỡng của ông biết đâu trở thành ngói đệ nhị, ngói đệ tam, ông gật gù với cái ý nghĩ thoáng qua.
Tạch! Cái lồng bẫy sập xuống, lông chim bay tung tóe, đàn chim bị đánh  động tung cánh vụt bay mất dạng sau bìa rừng. Ông Hai bật dậy bỗng ngã dúi xuống đất, ông mải nghĩ đến ngói đệ nhị, đệ tam mà quên mất đôi chân đang tê cứng. Ông lết từng bước tới cành bằng lăng lấy cái chạc ba dỡ lồng xuống, không phải một mà đến hai con. Ông gật gù đắc ý nhìn anh ngói. Bỏ hai con chim đôi mắt còn hằn lên sự sợ hãi vào chiếc lồng mang theo, ông nhìn lần lượt từ đầu đến chân, chẳng thấy cái cườm nào chạy dài xuống vai cả, ông xoay xoay cái lồng để nhìn lần nữa thiệt kỹ, tuyệt nhiên không phải, thì ra đây là hai anh cu lính trong đàn, ông Hai chặt lưỡi tiếc rẻ.
Ông biết, giờ thì không còn cơ hội để có ngói đệ nhị, đệ tam nữa, cái giống này, một lần thì nhớ mãi. Ông tỉu nghỉu bước về mà cứ nấn ná ngoái lại nhìn ra phía sau bìa rừng.
Tổ cha tụi bay, cái đồ ngựa non háu đá mà!
Lẩm bẩm một mình riết cũng chán, ông Hai nở nụ cười bí hiểm, thôi kệ! Còn bầu rượu để ở đầu giường, tối nay…
Ông nhìn hai con cu lính sợ sệt nhảy loạn xạ trong lồng ./.

 Đặng Thừa Quân




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét