Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Ảnh Nguyễn Khắc Phước

        


                  HẠT GIỐNG TÂM HỒN

                           Tạp bút
                     MANG VIÊN LONG 


           
           “Giống theo nghĩa thông thường là “hạt để gieo trồng”, dành cho người làm ruộng, làm vườn, và sau nầy – được sử dụng trong ngành sinh học, y học; nhưng ít ai quan tâm đến chuyện “hạt giống được dùng trong các ngành tâm lý, giáo dục,  đạo đức, xã hội…

             Việc sử dụng “giống” trong nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu, thực nghiệm, và công bố kết quả rất nhiều, trong việc cải tiến năng xuất và chất lượng “giống” được nuôi trồng. Khoa học kỹ thuật ngày nay tiến bộ rất nhanh, nên nhân loại đã nhận được nhiều lợi ích rất phong phú, nhằm nâng cao đời sống vật chất của bản thân ngày càng tốt hơn. Điều nầy dễ nhận biết, bởi nó thiết thân với đời sống “cơm ăn & áo mặc & nước uống” hằng ngày của tất cả!
             Cũng vì thế, người ta đã quá chăm chút đến cuộc sống vật chất, dường mỗi ngày đều có những “sản phẩm mới”, nhằm phục vụ tối đa cho thân xác; mà hầu như “quên bẵng” rằng, trong mỗi thân xác ấy, đều có hai nhu cầu luôn song hành, cần được cân đối, và đòi hỏi phải được “công bình”! Nếu phần “ xác” nặng hơn phần “hồn” thì lập tức cá nhân ấy sẽ bị “bệnh hoạn & tha hóa”, và dĩ nhiên, xã hội cũng sẽ bị vạ lây bởi sự “điên đảo & hỗn loạn” theo cái đà tiến không cân bằng ấy! Chúng ta đều nhận biết được rằng, chưa phải người có thân thể khỏe mạnh, to béo, là người luôn được yên lành, hạnh phúc – theo nghĩa đích thực của đời sống!
             Một xã hội được xem là phát triển tốt đẹp, tiên tiến, văn minh, khi những thành viên trong khối cộng đồng ấy, có đời sống an vui, bình đẳng, và tự do. Một con người được gọi là hạnh phúc thật thực khi cả “thân & tâm” đều được an lạc. Thân được no ấm, khỏe mạnh, và tâm hồn được trong sáng, vui vẻ!
              Do vậy, muốn có đời sống an lành, hạnh phúc, yêu cầu bức thiết nhất là cần có sự cân bằng giữa thân và tâm trong mỗi con người; nên “hạt giống tâm hồn” luôn luôn cần thiết cho những mảnh đất tâm cằn khô, rối loạn, hoang phế ấy!
              Vậy “hạt giống tâm hồn” sẽ là gì?
               Làm thế nào để “gieo trồng” chúng?
              Hạt giống cần thiết để cho một tâm hồn được an tịnh, vui tươi, cao thượng: đó là nỗi cảm thông với người sâu sắc, tình thương yêu giữa người và người chân thành, sự chia sẻ đùm bọc nhau không phân biệt, và lòng độ lượng bao dung rộng lớn. Đạo Phật đã bao gồm những “hạt giống” ấy trong bốn chữ “Từ/Bi/Hỷ/Xả” của “Tứ Vô Lượng Tâm” từ hơn hai ngàn năm trăm năm trước!
               Nếu gieo vào “mảnh đất tâm” sự kiêu mạn, thù hận, ích kỷ, tham đắm (…), thì những “hạt giống” ấy, sẽ sinh sôi, nẩy nở, phát triển trong lòng ta; dẫn dắt, xô đẩy ta đi vào con đường tự hủy mình trong tăm tối, khổ đau, cho đến suốt cuộc đời, là điều không tránh khỏi! Đức Phật đã từng khuyến dạy rất rõ: “Chẳng phải bay lên không trung, chẳng phải lặn xuống đáy bể, chẳng phải chui vào hang sâu núi thẳm; dù tìm khắp thế gian nầy, chẳng có nơi nào trốn khỏi ác nghiệp đã gây!” (PC 127 - Phẩm Papavaggo).
             Có một thực tế rất đáng lo ngại, là “những hạt giống chết người” kia, rất dễ phát triển, và phát triển rất mạnh, mà không cần sự “chăm sóc & phân bón” gì cả! Chúng giống như loài cỏ dại mọc trong ruộng lúa, dù qua bao mùa vẫn cố nhổ đi, thuốc diệt trừ – cũng không dễ gì mất hết! Loại bỏ, tiêu trừ cái xấu cần phải có lòng kiên trì, quyết tâm, như từng ngày “diệt cỏ”, thì mảnh đất tâm kia mới có thể sạch sẽ, quang đãng, để ươm mầm cho những hạt giống tốt sinh trưởng được! Bởi vì, bản chất của cái tâm phàm phu nặng nghiệp là “Hễ biếng nhác làm lành giờ nào, thì tâm liền ưa chuyện ác giờ ấy” (PC 116 - Phẩm Papavoggo). Và “Tâm phàm phu cứ lén lút đi một mình, rất xa, vô hình dạng, như ẩn náu hang sâu; điều phục được tâm, thì giải thoát khỏi vòng ma trói buộc!” ( PC37 - Phẩm Cittavaggo).
               Lại nữa, cỏ dại không trồng mà mọc – mọc tốt; còn cây lúa, cây khoai (…), dốc lòng chọn giống, cấy trồng, phân nước, chăm sóc, theo dõi mỗi ngày, đôi khi lại còi cọc, không được xanh tốt như ý! Đó là một điều nghịch lý trong đời sống thực tế, mà chúng ta cũng dễ nhận ra: “Điều xấu ác dễ làm hơn điều thiện lành! Việc tha hóa phát triển nhanh hơn việc tốt!”; điều xấu ác không ai khuyên dạy mà thông thạo; còn điều tốt đẹp cao thượng luôn được nhắc nhở, thì không nhớ làm! Đây cũng chính là “cái gốc” của mọi khổ đau, trầm luân của kiếp người!
              Muốn cho “mảnh đất tâm” được trở lại sự trong sáng, khoáng đãng, tươi nhuận để có thể gieo hạt giống thiện lành, cần tỉnh giác “nhìn lại mình” nghiêm khắc, với tâm mong cầu an vui. Cần loại dần tạp niệm, ô nhiễm đã bám rễ từ nhiều tháng năm, nhiều kiếp. Nên lánh xa mọi sự cám dỗ bất thiện giữa một xã hội ngày càng có cơ hội chạy theo dục vọng và vật chất. Mỗi ngày nên gieo vào mảnh đất yên lành, tươi mới ấy một hạt giống của tình thương yêu, của sự cảm thông, và nỗi bao dung, sẻ chia gần gũi thân tình…Ngày qua ngày, sự cần mẫn “gieo hạt” với tâm thành, chắc chắn sẽ đem lại cho ta bao niềm vui, an ủi, và hạnh phúc chân chính ở cõi nhân sinh giả tạm nầy. Theo thời gian, những hạt giống ấy sẽ xanh tốt hơn, sinh trưởng tự nhiên, bởi đã là phần máu thịt không thể tách rời của ta vậy!
                Chính vì sự “gian khó” không ai có thể làm giúp cho ai được trong việc “gieo hạt” nầy, nên mỗi người phải “tự tay” trồng lấy hạt giống thiện lành, và tự mình nuôi dưỡng, chăm sóc, mới mong có kết quả tốt đẹp được!  “Làm dữ bởi ta, mà ô nhiễm cũng bởi ta; làm lành bởi ta, mà thanh tịnh cũng bởi ta, chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được!” (PC 165 - Phẩm Attavaggo).
                Hạt giống “Từ/Bi/Hỷ/Xả” sẽ đơm hoa kết trái thơm lành cho đời ta và tất cả!
                Hạt giống “Tham/Sân/Si/Mạn/Nghi/Tà Kiến” sẽ luôn làm ô nhiễm đời ta, đời người, vì hoa trái là chất độc hại, sẽ giết chết dần mọi đời sống trên hành tinh nầy…

Quê nhà, ngày cuối tháng 4 năm 2015


MANG VIÊN LONG




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét