Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Ảnh Tác Giả




“NỤ HÔN MUỘN”,

NỖI NIỀM MỘT THỜI TUỔI TRẺ

Tạp bút
MANG VIÊN LONG


Sau năm 1978, tôi về lại quê nhà; ngoài vài ba bạn học, bạn văn đồng hương cũ, tôi có dịp gặp và “quen thêm” vài người bạn văn trẻ khác khi họ tìm đến thăm chơi – trong đó có Nguyễn Hữu Duyên. Lúc ấy, anh đang làm biên tập và phóng viên cho đài truyền thanh huyện, còn vợ anh là một cô giáo.

Nguyễn Hữu Duyên rất thường đến thăm tôi. Chúng tôi cùng nhau trò chuyện chân tình về sinh hoạt gia đình, về công việc làm ăn, và cả những ước mơ. Tôi nhận ra một tình cảm ưu ái rất mực mà anh đã dành cho tôi, một nỗi cảm thông gần gũi của tình anh em. Thuở ấy, tôi cũng đã được anh cho đọc đôi bài, và nhận thấy ở anh có một tiềm năng văn học – rất đáng khích lệ.
Những lần gặp nhau sau nầy, dầu tôi “chưa đủ duyên” để cầm lại cây bút sau hơn mười mấy năm tạm gác lại vì sinh kế và sự xáo trộn tình cảm, nhưng tôi vẫn luôn động viên, an ủi anh tiếp tục ước mơ ấy, khi nhận thấy trong anh có niềm đam mê thơ văn rất lớn…
Sau đó, tôi lại được biết Nguyễn Hữu Duyên thay đổi nơi làm việc, làm nhiều nghề, rồi trôi nổi từ nơi nầy đến kia – rất khổ! Tuy thời gian cách xa khá lâu, nhưng mỗi khi có dịp về thăm quê, là anh ghé lại nhà tôi trước tiên.
Tôi rất vui khi biết rằng trong đời sống tha hương rẫy đầy khó khăn, Nguyễn Hữu Duyên vẫn dành thời gian đọc và viết, và tham gia các sinh hoạt văn học nghệ thuật mà từ thuở còn là sinh viên anh vẫn rất ham thích. Hôm nay, tôi lại vui hơn khi nhận được bản thảo tập truyện đầu tay của anh gởi về…
Dầu ở quê xa, tôi vẫn thường “theo dõi” từng bước đi của anh nơi đất khách, qua thư và những trang viết anh gởi về chia sẻ! Tôi đã đọc 12 truyện ngắn trong “Nụ Hôn Muộn”, và nhận ra, đây chính là “những nỗi niềm một thời tuổi trẻ không bao giờ quên” của anh! 
Tuổi trẻ của Nguyễn Hữu Duyên – giống như bao người trẻ tuổi khác, cũng luôn dành những trang đời hồn nhiên với bao ước mơ cho tình yêu, gia đình, bằng hữu và sự nghiệp…
Trong truyện “Hoa Ngọc Anh” anh đã tâm sự: “Ở tuổi mười chín, hai mươi, tôi chưa cảm nhận hết được những cái tuyệt vời trong thơ ông, nhưng tên gọi Trường Thi - bến My Lăng, lại cho tôi những cảm giác khát khao được đến đó để hụp lặn, vẫy vùng dưới làn nước trong xanh, mát rượi vào mỗi chiều khi tan học. Và tôi thường đến đó, nằm phơi mình trên đám cỏ dọc bên sông, cùng bè bạn đàn hát cho đến khi trời nhá nhem tối mới đạp xe về nhà. Và, duyên số mầu nhiệm đã đưa em đến với tôi để hai đứa mãi mãi ghi tên mình trong khúc sông ấy như một bản tình ca đẹp.”
“Nụ Hôn Muộn” có những cuộc tình đẹp, trong sáng, nhưng, phần lớn “thực tế không phải lúc nào cũng trọn vẹn như ước mơ”, mà luôn xảy đến bao nghịch cảnh, bao chia xa đau xót. Chúng ta cùng nghe một lời chia sẻ: “Vì nghèo mà má của Thu đã nói như tát nước vào mặt: Cậu đang nằm mơ đó sao? Cậu phải biết thân phận của mình chứ? Đỉa mà đòi đeo chân hạc! Nhiều lúc tôi tự hỏi: Sao tôi lại phải yêu Thu mà không phải là người con gái khác để khỏi lâm vào cái cảnh nhục nhã này? (Chỉ Có Một Tình Yêu). Một lần khác: “Cuối năm 1976, tôi trở về quê để theo học ở trường sư phạm. Từ dạo đó, hai đứa biệt tin nhau. Hai mươi lăm năm sau, tôi đưa con vào Sài gòn để dự thi đại học thì gặp lại Hoàng. Cũng trên chiếc cầu Thị Nghè gần bên Thảo Cầm Viên, cô bé Hoàng mười sáu tuổi năm nào, nay đã trở thành một phụ nữ trên bốn mươi tuổi. Hoàng khóc, khóc cho số phận bất hạnh. Nàng có chồng năm mười chín tuổi. Ly hôn khi chưa đến ba mươi tuổi. Đứa con trai duy nhất lại lêu lỏng nghiện hút xì-ke và đã chết vì Aids…” (Nụ Hôn Muộn).
Với tình yêu (và hạnh phúc), có lẽ lời của Bà Bảy trong “Mùa Xuân Đang Đến Gần” là lời đáng ghi nhớ: “Nhưng có điều này, tôi phải nói cho cô biết, nếu cuộc sống gia đình mà lấy đồng tiền làm nền tảng có thể dẫn đến những bi kịch, đó là điều không thể tránh khỏi. Bà Bảy đưa tay lấy bát nước chè nóng uống một ngụm rồi nhìn sang An, nói:
-       Con hãy tự quyết định lấy chuyện của mình. Má ra sau vườn có việc…”
Bên cạnh những trang tình “Nụ Hôn Muộn” của Nguyễn Hữu Duyên có nhiều bất trắc, nghịch duyên đau lòng, thì những trang đời, cũng gặp vô vàn bất hạnh, chua xót! Nỗi bất hạnh bắt đầu từ sự nghèo khó của vùng quê trong buổi giao thời, mà cũng chính vì tấm lòng quá chơn chất, yêu quý lý tưởng, đôi khi trở thành “gàn” của anh. Một đồng nghiệp đã từng nói với anh (một nhân vật xưng tôi): “Ông sinh nhầm thế kỷ rồi. Bởi bây giờ làm gì còn có một Chu Văn An dâng sớ chém bảy nịnh thần, và tất nhiên, câu chuyện Quang Trung - Nguyễn Huệ nhiều lần cầu Nguyễn Thiếp đã trở thành cổ tích” (Chuyện Về Một Cái Truyện Không Được Đăng Báo). Có đôi lúc, anh cũng tự “nhìn lại”, nhưng “Có một điều rất kỳ lạ là hắn không quan tâm đến lĩnh vực kinh tế. Hắn kể rằng, năm mười hai mười ba tuổi, hắn chứng kiến hai anh em ruột vì tranh giành miếng đất mà phải chở cái hòm đặt trên miếng đất ấy theo kiểu một mày chết hai tao chết. Hắn tởm lợm và khinh bỉ cái cảnh cốt nhục tương tàn nhục nhã và xấu xa…” (Chuyện Của Hắn).
Thực tiễn đời sống đã có lúc giúp cho một nhân vật trong “Chuyện Của Muôn Đời” chua xót nhận ra: “Học giỏi thì có thể có điểm mười, nhưng điểm mười thì chưa chắc đã học giỏi. Và đâu phải thiên hạ không biết những việc sắp đặt thứ hạng, mua giải ở một số gameshow giải trí gần đây trên truyền hình, cộng đồng mạng nói ầm lên đấy. Nhưng cũng chẳng thay đổi được gì. Chuyện của muôn đời mà!” Hay là lời trần tình với bạn: “Hưng ơi, trong cuộc sống này, chỉ nghĩa tình thôi, thì chưa đủ để giúp nhau một cách trọn vẹn, phải không cậu? Đời là thế mà!” (Chuyện Về Một Cái Truyện Không Được Đăng Báo).
Dù đã nhận ra thực tế phũ phàng, và lắm đắng cay, đôi lần bị hụt hẫng và thất bại, nhưng “bản chất” đã vậy: “Hắn gàn và lập dị, đến nỗi hắn gần như không còn một thằng bạn, kể cả cái thằng bạn nghèo khổ ngày xưa mà hắn thường cho tiền để cả nhà nó mua gạo sống qua ngày, nay làm ăn khá ở Sài Gòn cũng lờ hắn đi, coi như không biết hắn đang ở thành phố này. Hắn nghĩ, có lẽ nó không muốn một ai còn biết những ngày đói rách của gia đình nó” (Chuyện Của Hắn). Và ước mơ xưa, với hình ảnh người thầy giáo mẫu mực không thể phai mờ trong ký ức, cho dầu đã bao năm gian khổ: “Hình ảnh của thầy thật đạo mạo và sang trọng, chân đi giày xăng-đan, áo sơ mi trắng bỏ trong quần tây được ủi thẳng tắp, túi áo có hai cây bút, một cây nguyên tử màu đỏ dùng để sửa bài, chấm điểm, một cây pilot màu xanh dùng để soạn bài, ra bài tập. Và, tôi mê cái nghề dạy học bắt đầu từ đó. (Mơ Ước Bên Đời).
Mười hai truyện trong “Nụ Hôn Muộn” đã có đến tám truyện có nhân vật chính là “Tôi” – hai phần ba, là truyện ghi nhận về mình! Đây không phải là một trường hợp đặc biệt, bởi vì, theo nhận định của tôi, trong những trang viết đầu tiên, tác phẩm đầu tay – của bất cứ tác giả nào – cũng bắt đầu như thế! Viết về đời mình nhiều hơn, về nỗi niềm gần gũi đau đáu của chính mình qua bao tháng năm, là một việc tự nhiên, và hợp lẽ! Nguyễn Hữu Duyên đã “viết về mình” rất chân thành, không giấu diếm, không cường điệu! Đây là một điểm sáng, một ưu điểm, rất đáng trân trọng và chia sẻ…
Đọc từng trang viết của anh, tôi như được nghe anh tâm sự, trải lòng bày tỏ, cảm thấy dạt dào một tình cảm thương mến, như khi chứng kiến cái chết nhẹ nhàng “như không” của “hắn”: “Khoảng gần một tháng sau, hàng xóm phát hiện hắn chết tại phòng trọ, trong tư thế áo còn bỏ trong quần, bên cạnh hắn là cái vali sách…” (Chuyện Của Hắn). “Hắn” đã chọn sống hết lòng cho tình thương yêu, cho lý tưởng một đời với văn chương chữ nghĩa – thật cao quý biết bao!
Cuộc đời vẫn đang trôi chảy…


Quê nhà, tháng 8 năm 2014


MANG VIÊN LONG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét