Thứ Ba, 1 tháng 9, 2015

Ảnh bìa tác phẩm của Tác Giả

NGƯỜI KHÔNG GIỐNG AI.

Truyện Ngắn

TRẦN MINH NGUYÊT



                 Hắn là bạn thân của tôi từ thuở tóc còn để chởm đến bây giờ - Hắn có một cái tên rất ấn tượng: “ Trần Đại Hà”. Do vậy mà lũ bạn của Hắn và tôi hay gọi Hắn bằng cái tên trìu mến là “ thằng cầu Nại Hà” hay là người - giữ - cầu - Nại – Hà. Là bạn rất thân của Hắn, đôi khi thấy lũ bạn đùa giỡn quá trớn, tôi cũng cảm thấy tội nghiệp - xót xa, trong khi đó Hắn lúc nào cũng cười tỉnh bơ xem như không có việc gì xảy ra cả! Và, đôi khi, tôi còn có cảm giác Hắn lại tỏ ra thích cái tên đó nữa chứ. Nhiều lần bực mình - tôi gắt :

-       Bộ cậu đông cứng lại rồi à? Sao cậu không phản ứng gì hết vậy? Đùa giỡn gì mà quái ác quá?
        Hắn cười hiền:
-       Lỗi đâu phải ở họ, tại ba, mẹ mình đặt tên vậy mà. Với lại họ gọi đùa vậy chứ có ác ý gì đâu ?
        Hắn còn nói thêm:
-       Như thế này mà cậu thấy buồn rồi sao? Ở xóm này ai cũng yêu quý mình, nhưng họ luôn dặn mình là không được đến nhà họ vào ngày mồng một, ngày rằm; có người còn cẩn thận hơn cấm cửa mình vào buổi sáng nữa kìa, họ sợ mình mang điều không may đến cho họ. Ban đầu mình buồn lắm, nhưng lâu dần mình quen rồi…
       Tôi không biết nói gì để an ủi Hắn trước một sự thật quá đau lòng và quá quắt như thế - đành yên lặng lãng sang chuyện khác.




        Người ta thường nói: “Không ai thương mình bằng chính mình thương mình”. Vậy mà Hắn nhiều lần bảo với tôi : “ Mình ghét cái bản mặt của mình nhất, ghét kinh khủng, ghét thâm căn cú đế, ghét cái tính chẳng giống ai của mình!”. Lần đầu nghe vậy, tôi ngạc nhiên, tròn mắt nhìn Hắn, nhưng lâu dần tôi cũng quen dần với những câu chuyện mà Hắn bảo là “chằng giống ai” của mình, quen đến nỗi chúng ngự trị trong đầu óc của tôi, và lúc nào buồn tôi dùng chúng để tự an ủi cho mình. Mặc dù đã quen nhưng cứ nghĩ lại và nhớ đến điệu bộ của Hắn là tôi không sao khỏi phì ra cười.

            Chuyện đầu tiên mà Hắn vẫn thường ca cẩm đó là chuyện hắn sinh ra trong một cái lều rách nát, không gọi là nhà được, túp lều ấy lại tọa lạc ở một bãi đất hoang bên bờ sông Đại Hà - tên của con sông cũng gần giống như Cầu Nại Hà trên con đường dẫn xuống cõi chết. Vậy mà không hiểu sao ba, mẹ Hắn lại chọn nơi này làm túp lều hạnh phúc cho họ và còn lấy luôn tên cây cầu đặt cho Hắn nữa chứ?. Ba, mẹ Hắn cùng cảnh mồ côi sớm, ông bà nội, ngoại của cả hai người cùng dắt dìu nhau, kẻ trước người sau - cùng nhau viễn du đến nơi vô định mà không hẹn ngày về. Lúc còn sống, họ là những trưởng lão cái Bang hàng bốn túi, nên khi họ ra đi, không có gì để lại cho hắn cả, chỉ có một mảnh dất cắm dùi, hắn cũng bán nốt để chữa trị cho mẹ lúc nằm viện. Cha, mẹ chết khi Hắn học hết lớp 11, vậy là năm 12 Hắn vừa mò cua, bắt ốc, vừa sống nhờ vào tình thương yêu đùm bọc của các cô chú trong họ và bà con xóm giềng. Được cái Hắn rất sáng dạ, học ít nhưng  vẫn học rất giỏi. Và cuối năm, Hắn đã thi đậu vào trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh trước sự ngỡ ngàng của những người thân và hàng xóm. (Họ không ngờ thằng bé khù khờ, quần áo xốc xếch, quanh năm lấm lem bùn đất lại giỏi như vậy). Thế là bà con làng xóm lại có dịp nhắc lại giai thoại Hắn mặc áo mưa đi học vào mùa hè khi trời nắng như đổ lửa. Nhà  nghèo quá, Hắn luôn đến trường trong bộ đồ rách bươm, vá chằng, vá đụp và đủ màu sắc. Mẹ Hắn cứ nhặt được miếng vải nào lành lặn, bất kể màu gì - là để dành để chằm quần áo cho Hắn. Nhìn Hắn lúc đó giống như một con cá ngũ sắc vậy. Một người bà con xa đến thăm ba, mẹ  và cho Hắn một bộ đồ áo mưa bằng nhựa màu nâu. Vậy là chiều đó hắn mặc bộ đồ áo mưa đi học, khi cô giáo bắt cởi bộ áo mưa ra, Hắn thành ra trần như nhộng, còn chúng tôi thì được một trận cười nghiêng ngả.
                   Ngày Hắn nhập trường, bà con cô bác giúp cho hắn một ít tiền đủ cho Hắn mua vé xe và sống những ngày đầu tiên khi bước chân vào đại học. Hắn lại phải vừa lo học, vừa lo cơm, áo hàng ngày cho chính mình. Hắn làm gia sư, phụ việc ở quán ăn, bốc vác, cho đến việc thông cống, sửa hầm cầu, không chuyện gì mà hắn không làm. Vậy mà trong khi tôi học ở Trường tổng hợp phải tất bật, lo lắng với các kì thi đi, thi lại, còn Hắn học phần nào cũng qua một cách nhẹ nhàng, có lúc tôi không hiểu Hắn có phép màu gì nữa?




                 Năm năm đại học rồi cũng trôi qua, tôi và Hà cùng ra trường. Hắn không còn gì ở quê nữa, bàn thờ ba, mẹ ngày Hắn vào Đại học đã gởi họ vào ngôi chùa làng, để có người hương khói, chỗ túp lều rách nát ngày nào giờ chỉ là một bãi đất trống, lau sậy mọc um tùm. Vậy mà Hắn không ở lại thành phố, nơi phồn hoa có nhiều cơ hội cho Hắn xin được việc làm tốt, Hắn nhất quyết đòi về quê. Đêm cuối cùng ở thành phố, tôi hỏi Hắn:
-       Cậu quyết định về quê thật à?
-       Thật chứ sao không? Hắn quả quyết trả lời
         Tôi nhìn lướt lên mặt hắn, một gương mặt chai sạm với đôi mắt trũng sâu vì những đêm mất ngủ, tôi thực sự thấy thương Hắn. Tôi không muốn phải xa Hắn nhưng tôi không muốn hắn phải khổ thêm nữa.
          Tôi tiếp tục góp ý:
-       Cậu về quê làm gì? Rất khó xin việc. Hãy ở lại đây đi,  mình nghĩ với tài của cậu không mấy chốc sẽ làm giàu lên thôi.
        Hắn mân mê li trà tên tay - cười buồn, đáp lời tôi:
-       Tôi cũng có lúc nghĩ như cậu vậy. Nhưng tôi không thể xa ba, mẹ tôi, không thể xa những người đã cưu mang tôi, và hơn nữa làng mình đã giữ của tôi biết bao kỉ niệm vui, buồn….
          Tôi bật cười:
-       Cậu làm thơ à? Cậu lãng mạn và đa sầu đa cảm quá rồi! Còn hơn mấy ông nhà thơ nữa mà?.  Người chết, người sống gì cậu cũng nhớ hết vậy? Ai bảo cậu đi luôn đâu? Nếu thích cậu cũng có thể xin nghỉ phép về thăm quê mà?
-       Cậu đừng khuyên tôi nữa, tôi đã quyết định rồi, sẽ không đổi ý đâu. Hắn nhăn mặt đáp lời tôi.
        Tôi bỗng dưng cảm thấy ghét cái tính ngang bướng của Hắn nên nói lẫy:
-       Tùy cậu thôi! Cậu muốn làm sao thì làm, mình không dám can thiệp vào dời riêng của cậu nữa.
       Hắn biết tôi giận, vội ôm lấy vai tôi - hạ giọng, năn nỉ:
-       Trước kia mình không có gì hết, là một thằng bé mồ côi mà vẫn sống được, giờ mình đã là ông kỉ sư rồi, làm sao chết đói mà cậu lo?




             Dù có bằng tốt nghiệp loại Khá trong tay, nhưng thân cô thế cô Hắn không xin được việc làm vừa ý. Người ta vẫn thường nói đi nói lại đến nhão nhẹt câu “ Quý trọng nhân tài, ưu tiên hiền tài” . nhưng Hắn vác đơn đi đến đâu, cũng khó chui qua “ cánh cửa hẹp”. Cuối cùng, cũng xin được làm một chân quản lý máy điện của công ty may mặc ở huyện. Còn tôi một thằng kiến thức chỉ lõm bõm, lơ mơ thôi nhưng tương lai thì rộng mở. Ba, mẹ tôi nhờ sự quen biết của mình đã xin cho tôi vào dạy ở trường cao đẳng gần nhà.
         Hắn làm việc vất vả chứ không nhàn hạ gì. Tổ điện của Hắn có bốn người, ba người trên Hắn học Trung cấp Điện, Hắn có bằng cấp cao nhất Kỉ sư Điện, vậy mà trong phòng, Hắn chỉ là một người để sai vặt, phải làm đủ mọi việc từ sửa điện, bắt ống nước, đến việc giữ các hóa đơn chi phiếu. Hắn về quê ở tạm nhà tôi, bốn tháng sau khi có việc, nhận được những đồng tiền lương ít ỏi. Hắn thưa với ba, mẹ tôi cho hắn ra dựng nhà ở riêng trên bãi đất hoang um tùm lau sậy mà trước kia là nhà của Hắn. Và sau đó không bao lâu, một ngôi nhà bằng tre được dựng lên giống như ngôi nhà nhỏ trong rừng của Bảy chú lùn vậy. Đúng là Hắn lập dị, làm những chuyện không đâu vào đâu cả, vậy mà không hiểu sao, cha, mẹ tôi cứ đem Hắn ra làm gương cho tôi và mấy đứa em của tôi học theo mới chết chứ.
         Hắn lại ghét hắn về cái khoản cưới vợ. Đầu tiên,  Hắn yêu một cô gái làm kế toán ở cùng công ty, nhưng khi biết Hắn mồ côi, và ở trong một ngôi nhà tranh vách đất gần bờ sông, ba mẹ của cô gái kia cấm cửa không cho con mình qua lại với Hắn nữa. Mà cũng không cần cha, mẹ ngăn cản, cô gái kia không muốn có một người chồng nghèo hèn như vậy làm chỗ dựa vững chắc cho cuộc đời có quá nhiều ước mơ cao vời của mình. Chỉ hai tháng sau khi chia tay với Hắn, cô ta lên xe hoa với một anh chàng hào hoa, nghe đâu làm việc ở cảng. Hắn cũng đẹp trai, gương mặt khôi ngô - nên rất nhiều cô gái theo đuổi, nhưng cứ quen Hắn một thời gian là họ bỏ hắn để đi lấy chồng khác. Nghe thấy vậy - tôi hay đùa Hắn:
-       Cậu chắc tích được nhiều phúc lắm? Cô nào ế ẩm, không có ai, chỉ cần quen cậu một thời gian là có chồng liền.
      Hắn cười buồn:
     - Cái số mình nó vậy mà! Nhưng mình nghĩ đó không phải là tình yêu đâu? Rồi mình sẽ tìm được một người vợ đúng nghĩa của chữ yêu cho cậu xem.
     Và rồi người vợ đúng nghĩa, cái tình yêu đúng nghĩa của Hắn, cũng xuất hiện. “Hễ có mong chờ và hy vọng – là sẽ có kết quả thôi” – Hắn đã tâm sự vậy khi báo tin vui với tôi. Vợ Hắn - một cô gái nghèo, mẹ mất sớm ở với cha và mẹ kế. Học hết lớp 12, không có điều kiện học tiếp nên nghỉ học xin vào công ty may. Cô có duyên – xinh xắn, nên chỉ một thời gian ngắn cô cũng tìm cho mình được một anh chàng hào hoa, giàu có. Những tưởng mình có thể đổi đời nên cô quá tin vào lời dụ ngọt kia, rồi đã đánh mất đời con gái. Khi giọt máu đã tượng hình trong bụng, thì người tình hào hoa phong nhã giàu có kia  cũng quay lưng để mặc cô trong nỗi sợ hãi khốn cùng. Bầy tình xưa nay vẫn vậy – nhưng sao có lắm kẻ còn mờ mịt để lại sập vào đó nhỉ? Thì ra, cảnh sang giàu, tiền bạc – luôn làm lu mờ tâm trí, và là hấp lực mảnh liệt cho tất cả mọi người sao?
        Cô muốn tìm đến cái chết để chấm dứt mọi chuyện thì gặp Hắn. Hắn không những cứu cô khỏi chết mà còn cùng cô về nhà chịu lỗi với ba, mẹ cô. Thế là một đám cưới chóng vánh xảy ra, không hân hoan, không mong đợi.     Tôi lại một lần nữa làm kì đà cản mũi:
-       Cậu bị làm sao vậy? Cậu cứu cô ấy là được rồi, sao lại nhận đứa con là con của cậu chứ?
       Hắn lại giở trò biện minh cho mình:
-       Cô ấy hoàn cảnh cũng tội lắm. Với lại đứa trẻ có tội gì đâu chứ? Đành rằng nó không phải là con mình, nhưng cậu nghĩ mà xem mọi người xin trẻ mồ côi về nuôi làm con thì sao?
       Tôi cự lại:
-       Đó là những người giàu có mà không có con, còn cậu còn trẻ, vả lại cậu có thể có những đứa con do chính mình đẻ ra mà.
-       Tôi yêu cô ấy cậu à - Hắn thì thào, rồi cậu sẽ thấy vợ tôi tuyệt vời như thế nào - Hắn ra vẻ hài hước
       Tôi một lần nữa lại ôm đầu kêu lên: “Cậu đúng là ngớ ngẩn, không giống ai”.




            Không ai nghi ngờ gì về bé Mai - con đầu lòng của vợ chồng Hắn cả, vì ai cũng nghĩ nó là con Hắn, chỉ có tôi là biết rõ sự thật mà thôi. Sau bé Mai, vợ Hắn sinh thêm cho Hắn hai thằng con trai bụ bẩm, mà Hắn đặt tên là Hải, Sơn. Hắn tự hào khoe với tôi nhà Hắn có đủ núi, biển. sông, nước – vì vợ hắn tên Thủy. Vợ Hắn khéo tay, chịu khó, chìu chồng, yêu con hết mực. Hắn ngập tràn trong hạnh phúc. Rồi thì hai vợ chồng Hắn cũng xây dựng được một ngôi nhà ngói khang trang, và trong nhà  sắm đầy đủ các tiện nghi, có của ăn của để. Cuộc sống như vậy đã là mơ ước của biết bao người.   Nhưng rồi một hôm hắn lại tìm tới tôi với một vẻ mặt thiễu não:
-       Tôi có một chuyện thật khó xử, tôi không biết phải giải quyết làm sao? Cậu giúp tôi với?
-       Tôi quan trọng vậy sao? Mà là chuyện gì? Tôi cố đùa cho Hắn bớt căng thẳng
-       Ba ruột con Mai tìm gặp tôi, xin nhận lại con?
        Hắn còn muốn nói thêm điều gì - nhưng tôi đã ngắt lời, phản đối:
-       Không được! Mai là con của cậu và Thủy, cậu nhất định không được đồng ý đâu đó. thằng Sở Khanh đó không có tư cách nhận lại con. Nó có bằng chứng lý lẽ nào đâu?
-       Ban đầu tôi cũng giận lắm, cũng muốn cho hắn một nắm đấm vào ngay giữa cái bản mặt điểu cán khinh khỉnh của nó - nhưng nhìn nó tiều tụy quá, tôi có cảm giác nó đang đau nặng, sắp chết cậu à?
-       Mặc xác hắn, Tôi bực tức hét lớn.
      Hắn vẫn nhỏ nhẹ, kiểu mưa dầm thấm lâu:
-       Ông ấy sắp chết, phải để Mai nhìn mặt ba nó chứ, nếu không thì không còn kịp cậu à?
-       Vậy cậu muốn làm gì thì làm đi, hỏi tôi làm gì? Tôi trừng mắt nhìn Hắn.
        Hắn thấy tôi giận không dám nói gì thêm, lẳng lặng đi về. Tôi không hiểu Hắn thuyết phục Thủy như thế nào mà sau đó hai vợ chồng Hắn dẫn bé Mai đi thăm người đàn ông kia, và để bé Mai ở lại bên ông ta những ngày cuối đời.




       Dự án qui hoạch dất đai, một con đường mới sẽ được mở ngang qua nhà Hắn, và bỗng dưng những lô đất trước kia rẻ như bèo, Hắn mua chỉ để trồng thêm rau, cải ra chợ bán, kiếm thêm thu nhập, bây giờ lại trở nên có giá trị ngàn vàng. Vậy là vợ chồng Hắn tự dưng trở nên giàu có. Rồi dự án đình lại, khu đất lại trở nên hoang vắng như xưa, những người mua đất của Hắn cất nhà mặt mày trở nên ủ rủ, buồn hiu. Hắn lại sang bàn với tôi:
-       Tôi và vợ tôi bàn với nhau lấy lại đất, trả lại tiền cho họ cậu à?
       Tôi tròn mắt ngạc nhiên, nhưng tôi biết Hắn nói thật:
-       Tại sao cậu lại làm như vậy? Thuận mua, vừa bán chứ cậu có ép họ đâu chứ?
-       Tôi cũng biết như vậy, nhưng cứ nhìn thấy khuôn mặt buồn như đưa đám và nghe tiếng thở dài của họ là lòng tôi lại xốn xang không chịu nổi - Hắn phân bua
         Tôi cố ngăn Hắn lại:
-       Nếu cậu thấy khó chịu thì sẳn có tiền cậu lên huyện mua một ngôi nhà khác để ở, nơi đồng hoang, cỏ cháy này cậu luyến tiếc làm gì?
    Tôi đã nói đến vậy rồi mà Hắn vẫn gàn, bướng:
-       Họ làm cả đời mới có một ít tiền những tưởng mua được một nơi lí tưởng để làm nhà, vậy mà…. Tôi có cảm giác như đang đi lừa họ vậy?
       Sáng hôm sau vợ chồng Hắn trả tiền lại cho những người mua nhà, và lấy lại đất. Hắn đã “khùng” rồi, không ngờ Thủy - vợ hắn, cũng “ ngớ ngẩn” theo. Cuối cùng Hắn cũng bán được đất của mình cho những người nghèo khổ, cơ nhỡ với giá rẻ mạt mà còn cho họ trả góp nữa.
       Và lần này - không phải riêng tôi mà cả xóm đều có chung một nhận xét : “ Vợ chồng hắn không giống ai, lập dị nên luôn làm những chuyện không đâu vào đâu cả”. Nói vậy thôi, chứ mọi người trong cái xóm ai cũng yêu thương gia đình của Hắn. Họ xem Hắn như người thân của họ vậy. Hắn không trở nên giàu có như Hắn đã nói với tôi ngày nào, mặc dù Hắn có nhiều cơ hội. nhưng tất cả - ai ai cũng nghĩ và thấy rõ được rằng cuộc sống của gia đình Hắn đang thật Hạnh Phúc và tuyệt vời…

TRẦN MINH NGUYÊT
                    










Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét