Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Anh Mai Linh

Đây là bài viết được khen ngợi nhưng cũng bị chỉ trích khá nặng ở hải ngoại. Ở trong nước thì một số bạn văn đã lên tiếng đồng tình.
Tác giả chỉ muốn viết "thuần túy văn chương" nhưng đôi khi "bất đắc dĩ" cũng dính dáng một chút chính trị. Mong thông cảm.
PHAM DUC NHI


CÓ MỘT DÒNG SÔNG NHƯ THẾ

Phạm Đức Nhì và nhà thơ Trịnh anh Đạt (đeo kính) tại triển lãm "MỸ THUẬT MÙA XUÂN" Phạm Đức Nhì đang thưởng thức thơ tình của nữ sĩ Đoàn Lê nhân ngày 8 tháng 3.

Trong một chuyến về thăm quê hương, nhờ trang Web Trần Nhương tôi đã quen biết nhà thơ, họa sĩ Trần Nhương ( chủ trang Web ). Nhà thơ kiêm họa sĩ này rất cởi mở, vui vẻ, và nhiệt tình giúp tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với các nhà văn,

nhà thơ Việt Nam trong đó có nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam. Biết quê vợ tôi ở Đồ Sơn, anh Trần Nhương đã mách nước cho tôi đến tìm gặp một nhà thơ nổi tiếng của Hải Phòng, làm chủ khách sạn Hoa Thành Đạt đồ sộ ở Đồ Sơn, nhà thơ Trịnh Anh Đạt. Trịnh Anh Đạt và tôi đã mau chóng vượt qua được cái hàng rào xã giao khô cứng. Chúng tôi có nhiều buổi ngồi uống chè Núi Đối nói chuyện thơ, đọc và nghe thơ của nhau. Hai anh em đã thân nhau và trao đổi với nhau khá nhiều điều sâu kín. Qua Trịnh Anh Đạt tôi nhận được giấy mời tham dự ngày thơ Nguyên Tiêu và gặp, trò chuyện với một số nhà thơ trong Hội Nhà Văn Việt Nam. Rời các sân thơ Văn Miếu tôi may mắn được tháp tùng một nhóm các nhà thơ miền Bắc đi ăn khuya. Bên chén chè, ly rượu các anh đã cho phép tôi bước vào khung trời thơ rất riêng tư, rất chân thật của mỗi người. Sau đó, nhân cuộc triển lãm mỹ thuật của một số họa sĩ Hải Phòng tôi lại được gặp các anh một lần nữa. Những cuộc trò chuyện bên lề này đã giúp tôi vỡ lẽ ra nhiều điều thú vị; sự hiểu biết về thơ ca của tôi cũng được mở rộng thêm. Tôi đã được các tác giả tặng nhiều tập văn, thơ có giá trị tham khảo. Anh Đạt cũng cho tôi một phần khá nhiều trong số thơ anh sưu tập. Và đặc biệt, anh đã cao hứng viết tặng tôi một bài thơ kỷ niệm Ngày Thơ Nguyên Tiêu tại Văn Miếu.

PHÚT BÌNH YÊN VĂN MIẾU

( Tặng Phạm Đức Nhì, nhà thơ Mỹ gốc Việt )

Anh từ Texas về đây

Bạn thơ dang rộng vòng tay đón chào

Bỏ qua thủ tục ngoại giao

Toàn thằng lính trận thuở nào choảng nhau!

Người mẻ trán, kẻ sứt đầu

Trở giời trái gió ngấm đau một mình

Duyên thơ nối nhịp ân tình

Rời tay súng, chẳng phải rình rập ai

Vào nơi trọng dụng hiền tài

Qua Khuê Văn Các sánh vai cùng người

Thơ hay vụt thả đỏ trời

Rưng rưng ánh mắt rạng ngời lửa thiêng!

Vượt lên giông bão trăm miền

Quê hương ơi! Phút bình yên diệu kỳ!

Văn Miếu Quốc Tử Giám

Nguyên Tiêu Canh Dần

Trịnh Anh Đạt

Sau khi tôi trở về Mỹ, anh Đạt và tôi cũng thỉnh thoảng điện thoại thông báo cho nhau những nét mới trong sinh hoạt văn học ở trong nước và hải ngoại. Tháng 10 năm 2010 gia đình anh Đạt qua Mỹ dự lễ cưới của con gái ở California. Sau khi chu du vài thành phố có đông người Việt tỵ nạn anh Đạt gọi điện thoại hỏi tôi:

" Chiến tranh đã chấm dứt hơn 30 năm mà sao người Việt hải ngoại vẫn còn ác cảm, vẫn đối đầu với những người Cộng Sản ?

Tình cảm của anh Đạt dành cho tôi sâu đậm như thế nên tôi thấy mình có bổn phận phải cho anh câu trả lời thành thật.

Sau 30/4 /1975 chính sách cải tạo đã làm cho người dân miền Nam ngỡ ngàng choáng váng. Sau kỳ hạn 2 tháng, rồi 3 năm, hàng trăm ngàn cựu quân nhân, viên chức chính quyền miền Nam vẫn biền biệt không về, vẫn còn phải chịu đọa đày trong

các trại tập trung rải rác khắp nơi trên đất nước. Lúc đó gia đình những người đi cải tạo mới biết mình bị lừa. Sự lừa dối ấy, cùng với những hệ quả đau thương khác của chính sách cải tạo, dường như đã đâm một nhát dao vào ngực người dân miền Nam, đã đào một con sông ngăn cách lòng người Nam Bắc. Vết thương ấy giờ vẫn còn đang rỉ máu; con sông ấy giờ vẫn còn rất rộng và chưa có cầu nối liền hai bờ. Và tôi viết tiếp câu trả lời bằng một bài thơ.

BỜ VẪN QUÁ XA

( trả lời một người bạn )

(Tặng bạn thơ Trịnh Anh Đạt và cô vợ người Hoa)

Tôi, người lính Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù

năm 75, 29 tháng tư

khi đoàn tàu chở đơn vị tôi

chuẩn bị rời Vũng Tàu hướng ra Đông Hải

thương cha mẹ già, đàn em dại

tôi bước lên bờ

ở lại quê hương

nhưng cha mẹ già chưa được gặp

cũng chưa thấy mặt đàn em

các anh, những người chiến thắng

súng dí sau lưng

đẩy tôi vào trại tập trung

rồi bằng những lời dối trá

trái tim vô tình

tia nhìn thù hận

các anh cướp mất của tôi

những tháng năm đẹp nhất cuộc đời

tôi có người bạn

đói lòng moi mấy củ khoai

các anh đập nát xương bàn tay

mãi mãi mang thương tật

một người khác

lâu ngày thèm thịt

chụp vội con nhái bên đường

bỏ vào mồm nuốt chửng

báng súng AK

các anh lao vào ngực, vào bụng

cho đến khi con nhái phòi ra

con nhái lúc vào màu xanh

lúc ra thành màu đỏ

tôi trở về trên đôi nạng gỗ

nhìn nhà dột, cột lung lay

cha chết đọa đày

các em tứ tán

mẹ tuổi già, sức yếu

vẫn giãi nắng, dầm sương

tôi cắn răng lìa bỏ quê hương

tìm sự sống

trở về thăm quê mấy lần

trên đường từ Nam ra Bắc

tôi cũng đôi khi nếm được

chút dư vị của chiến tranh

tôi gặp cả thương binh

từ hai phía

kẻ chống nạng, người ngồi xe lăn

kẻ mất tay, người sẹo đầu, vẹo cổ

họ buồn tủi vì phải sống đời đói khổ

nhưng không thấy ai lên tiếng oán hờn

với họ, giữa chiến trường

" chuyện thường tình mũi tên hòn đạn."

ở Mỹ, tôi quen vợ chồng người Hoa

vợ giáo chức, chồng luật sư

yêu nhau tha thiết

nhưng định mệnh trớ trêu, oan nghiệt

cô vợ bị hiếp dâm

ít lâu sau đẻ thằng con

đen như cột nhà cháy

anh chồng ôm mặt khóc như điên như dại

chạy ra khỏi phòng sanh

vợ tay nắm chặt thành giường

ngất lịm

trở về nhà

cô vợ trẻ người Hoa

đã có thể gạt nước mắt cho đi đứa con khác màu da

để mỗi ngày người chồng

khỏi thấy vết thương lòng

bị chà đi, xát lại

nhưng các bạn tôi

làm sao có thể chặt bỏ bàn tay của mình?

làm sao có thể cắt bỏ lá phổi của mình?

nên mỗi lúc trở trời,

đau đớn

lại nhớ đến các anh

không giống những thương binh

( mũi tên hòn đạn vô tình )

các bạn tôi mang thương tật

bởi đôi tay độc ác

bởi trái tim độc ác

của các anh

sau chiến tranh

đối xử với những người ở bên kia chiến tuyến

nhưng cùng tiếng nói, màu da

biết bao nhiêu phương cách đưa ra

các anh chọn phương cách tàn độc nhất

các anh đã tự đào dòng sông ngăn cách

nay lại ngồi chễm chệ trên bờ

í ới vẫy chúng tôi qua

tiếc rằng…… bờ vẫn… quá xa.

Thấy tôi mon men ở bên này bờ sông Trịnh Anh Đạt đã lội ra đón tôi ở giữa dòng. Cứ mỗi dạo ngồi bên nhau uống chè nói chuyện thơ, dòng sông ấy trong tôi lại hẹp đi một ít. Một lần tôi ngồi ăn kẹo, uống chè với anh Đạt và vợ anh- chị Hoa- nói chuyện tình yêu, gia đình, nuôi dạy con cái. Không khí thật đầm ấm, vui vẻ. Tôi có cảm giác như mình đang ngồi trong nhà mình, trò chuyện với những người thân trong gia đình mình. Lúc ấy dòng sông trong lòng tôi cứ hẹp dần, hẹp dần. Cuối cùng chỉ còn như sợi tơ óng ánh trên mặt đất.

Tiếc thay, còn quá ít Trịnh Anh Đạt, quá ít Trần Nhương. Và vẫn chưa ai nghĩ đến chuyện bắc cầu. Hình như họ còn chưa

biết, hoặc chưa muốn công nhận, đã hiện hữu một dòng sông như thế.

Viết xong tháng chạp năm Canh Dần ( tháng 1 năm 2011)

Phạm Đức Nhì


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét