Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

Anh Mang Vien Long & Huu Thuan

BÓNG MÂY NGÀY CŨ

Truyện Ngắn
Mang Viên Long




            Một trong những bức thư gởi về hưởng ứng công việc làm bức tượng kỷ niệm cho người bạn văn nhân ngày giỗ đầu của anh được đăng trên vài tạp chí văn nghệ lúc bấy giờ là Ngọc Vân ở tận miền Tây xa xôi. Kèm theo bức thư ngắn, là tấm bưu phiếu. Sau khi tổng kết, nhóm anh em chủ trương đã gởi đến từng người có hảo tâm chia sẻ một thư cám ơn, và bảng ghi danh sách đóng góp đính kèm với một tấm ảnh chụp bức tượng đồng bán thân do điêu khắc gia Đỗ Thiện tình nguyện làm giúp!

           Ngọc Vân và Tuyên bắt đầu thư từ thăm nhau và trao đổi thơ văn từ dạo đó…Tuyên rất vui khi biết được một cô nữ sinh còn đang học năm cuối bậc trung học dệ nhị cấp đã có tấm lòng trân quý thơ văn đến vậy! Hằng tuần, anh đều nhận được thư và thơ của Ngọc Vân một lần, từ một thị trấn nhỏ miền Tây lặng lẽ và thơ mộng.  Cả thư và thơ đều chứa chan tình cảm hồn nhiên, trong sáng, và điều khiến Tuyên đôi lúc ngạc nhiên là ở tuổi nữ sinh đầy ắp mơ mộng ấy, Ngọc Vân rất nhạy cảm trước mọi biến chuyễn của đời sống đang nóng bỏng  vây bủa chung quanh.
           Hai năm sau, Tuyên bị chi phối bởi lệnh “tổng động viên” phải tạm rời xa nơi đang tập sự luật sư khi vừa được mãn hạn quy định; và ngay tức khắc, anh được đưa vào Đồng Đế cùng hàng ngàn sinh viên từ các phân khoa đại học Saigon và Huế. Quân trường Đồng Đế nhỏ hẹp, nắng và gió cát đã là nơi nhốt đầy tuổi trẻ đang trản ngập sức sống và ước vọng. Chiến tranh đang bắt đầu tàn phá tuổi trẻ đến tận cùng.
          Qua giai đoạn một – một buổi sáng chủ nhật, Tuyên được gọi ra khu tiếp tân (sau mấy tháng trời không có ai đến gọi) vì có thân nhân đến thăm. Nghe rõ tên mình được nhắc đi nhắc lại mấy lần trên chiếc haut – paleur treo ở cành cây gần khu căngtin  – Tuyên cũng không tin là anh đang có thân nhân chờ? Tuyên không còn cha mẹ. Người anh cả thì đang ở tận Saigon – không thể đi hết đoạn đường dài gần năm trăm cây số đến thăm anh như vậy. Tình thương của anh dành cho Tuyên quá ngắn. Ngắn đến nỗi – vài trăm mét cũng không thể đến dược cơ mà. Còn lại duy nhất người chị nghia tình yêu thương anh hết mực nhưng sự nghèo khó và đàn con nheo nhóc, đã cầm chân chị lại  ở quê nhà rồi! Vậy thì ai còn nhớ đến anh khi đã chui vào bước đường cùng thế nầy?
         Tuyên vẫn ra khu tiếp tân dang có rất đông thân nhân từ cac tỉnh dồn về thăm, không khí nhộn nhịp - ồn ào, đã xóa đi cái tĩnh lặng hiu hắt ngày thường của một khu bờ biển hoang vắng. Tuyên nghĩ: “ Mình được ra ngoài, được tự do vài giờ, cũng quý  hơn là nằm chèo queo trên chiếc giường sắt hay ngồi nhâm nhi ly café chờ tiếng kẻng gọi cơm trưa…”
           Một cô gái trạc 18 tuổi phân vân nhìn lên bảng tên ghi trên ngực áo của Tuyên – bước lại gần, giọng miền Tây trong và ấm: “ Thưa, có phải anh là Đặng Thế Tuyên không ?”.
-       Đúng rồi – anh nhìn sững lên gương mặt bầu bỉnh, tóc lòa xòa ngang vai của một cô nữ sinh áo dài trắng vừa học hết năm cuối đệ nhị cấp – cười, xin lỗi…tôi đang gặp ai đây nhỉ?
-       Em là Nguyễn Ngọc Vân ờ…
-       Ồ! Tuyên reo lên, em đấy hả? Anh thật bất ngờ,,,
Tuyên cầm lấy bàn tay Ngọc Vân như cầm tay mọt cô em gái, lách đám đông tìm đến một chiếc quán khá rộng, mát – phía cuối bãi…





              Ngọc Vân và Tuyên vẫn giữ liên lạc với nhau bằng những cánh thư đầy ắp  thơ và  mộng, cho mãi đến năm 75 thì thất lạc nhau. Tuyên trở về quê nhà năm 78, học nghề sửa dồng hồ và cả nghề sửa radio để kiếm sống. Cuộc đời Tuyên coi như đã sang trang mới khi vừa ở tuổi hai mươi tám – từ đó, anh dò dẵm lật từng trang cho đời mình, qua bao tháng năm, trong sự cô độc và nghèo khó. Người chị ở quê chồng tuy cách xa anh mười cây số, nhưng vẫn luôn là nơi ấm áp còn lại ở quê mỗi khi anh đạp xe đến thăm chị…
                    Người khách hàng đầu tiên đến sửa đồng hồ nơi chiếc tủ nhỏ của anh đặt ở góc phố là một cô gái trạc hai mươi bốn tuổi. Chiêc đồng hồ hiệu Telda nữ cũ, có lẽ đã bỏ đó khá lâu nay mới được dòm đến. Trong lúc Tuyên chăm chú tháo mở chiếc đồng hồ gỉ sét, gắng sửa chiếc đồng hồ mở hàng khó “ăn” nầy, thì  cô gái ngồi chiếc ghế cạnh tủ - thỏ thẻ kể chuyện về chiếc đồng hồ Telđa…Chiếc đồng hồ là kỷ niệm khó quên của cô khi thi đậu Trung học đệ nhất cấp được mẹ mua cho. Chiếc đồng hồ là bạn thiết ở bên cô bao năm học thi , vào trường thi, vân vân…Kể về chiếc dồng hồ Telda mà Tuyên tưởng chừng cô đang kể về cuộc đời thăng trầm của chính cô vậy. Tuy chưa phải là đã già để ưa ngồi nghe kể chuyện cũ, nhưng Tuyên nghĩ – có giọng cô thỏ thẻ bên tai lúc nầy, cũng đỡ buồn, là điều hay…
            Sau lần sửa đồng hồ đầu tiên ấy – cô gái lại phải đến chỗ Tuyên vài ba lần nữa, bởi chiếc đồng hồ “cứng đầu” không chịu chạy lâu hơn vài ngày! Tuyên biết tay nghề của mình còn yếu nên mới xảy ra trở ngại, anh sẵn sàng chỉnh sửa lại, mà không hề lấy thêm tiền, dù là tượng trưng. Nhưng, về sau – Tuyên lại nghĩ, cũng phải cám ơn chiếc đồng hồ cũ, bởi nhờ nó mà Tuyên biết thêm về cô gái – Lệ Thủy, tốt nghiệp trường cán sự điều dưỡng Huế, đang làm việc ở bệnh viện An Bình. Cô cán sự điều dưỡng nầy có giọng nói khe khẻ, dịu dàng – nhưng có lẽ cũng rất kỹ tính! ( nghe cô kể về việc giữ gìn chiếc đồng hồ, khi tắm giặt, cũng như lúc đi ngủ - cũng đủ biết…).
           Theo lời giới thiệu của Lệ Thủy – Tuyên dã tìm đến nhà thăm Thủy và mẹ nàng đang sống trong một gian nhà tranh ở ngoại ô thị trấn. Mẹ Thủy chờ chồng từ bao năm qua, nhưng đã phải chờ thêm đến ba năm rồi mà vẫn chưa thấy bóng hình? Ba Thủy xuống tàu tập kết ra  miền Bắc vào cuối thu năm 54 – khi nàng vừa mới được sinh ra vài tháng. Nàng lớn lên chỉ biết ba qua lời mẹ kể, và tấm ảnh nhỏ mà bà dấu kỹ trong mấy lớp giấy nylong…
            Mẹ Thủy chơn chát, người rất thàng. Tuyên rất vui vì đã được hòa nhập vào gia đình Thủy nhanh chóng, nhờ người mẹ luôn dành cho anh một sự ưu ái dặc biệt. Có lẽ, Tuyên đã yêu thương Thủy – cũng bắt đầu từ nụ cười, ánh mắt – giọng nói thân tình của mẹ nàng mối lần gặp lại anh. Một hôm bà nói – rất tự nhiên: “ Tuyên ơi! Nếu con  yêu thương con Thủy nhà bác – bác sẽ “cho không” con, không đòi hỏi gì cả!”. Thủy có vẻ giận mẹ - nàng lườm bà sắc lẻm, nhưng sau đó có vè gần gũi với Tuyên hơn trước.
             Tuyên nghĩ đến sự sa cơ nghèo khỏ và nhất là sự cô đọc của mình – nên chẳng bao lâu sau, đã nhờ chị đến hỏi cưới Thủy…Cuộc tình mặn nồng kéo dài được năm năm – Thủy sinh được hai con – một gái, một trai – là kết thúc. Thuận theo ý muốn của Thủy – Tuyên dành cho nàng chọn nuôi cô con gái đầu; còn Tuyên nuôi cậu con trai út vừa lên ba tuổi…




            Hai mươi hai năm sau, Tuyên vào Saigon thăm con đang làm việc ở công ty xây dựng Hoàng Phát sau khi ra trường Kiến trúc – thì bệnh tim của anh tái phát. Huân – con trai của anh, đưa anh vào cấp cứu ở bệnh viện Tim Mạch gần nhà lúc gần mười giò đêm. Tại căn phòng cấp cứu đặc biệt –  bác sĩ Ngọc Vân đã gặp lại Tuyên!
             Sau cơn nguy kịch –Tuyên đã tỉnh lại, anh ngơ ngác nhìn, thoáng thấy Ngọc Vân, lòng vô bàng hoàng, ngạc nhiên - nhưng không dám nhận là Ngọc Vân của gần ba mươi năm xa cách. Ngọc Vân của năm 72 anh gặp ở khu tiếp tân Đồng Đé lòa xòa tóc ngang vai hồn nhiên, cởi mở - với Ngọc Vân trong chiếc áo blouse tráng tóc ngắn, lặng lẽ, trầm tĩnh –có bảng tên đính ở ngực áo, là một chăng?
            Ngọc Vân vẫn tự nhiên chăm sóc anh, dặn dò cho cô y tá trực theo dõi huyết áp, máy đo nhịp tim đang được đeo ở cánh tay anh từng đợt mười phút.  Sau khi bảo cô y tá tiêm cho Tuyên mũi thuốc ở vai -cô yên lạng bước ra khỏi phòng…
            Lúc Ngọc Vân trở lại thì Tuyên đã ngủ thiếp…
            Trước giờ thay trực buổi sáng, Ngọc Vân đã đến xem lại bệnh án của Tuyên đêm qua – cười chúm môi: “ Anh đã khỏe lại rồi! Nhưng trái tim anh có vấn dè đấy: Động mạch chủ bị hẹp gần hết mức cho phep! Buổi chiều sau giờ làm việc – tôi sẽ ghé lại vậy…” –
            Tuyên chưa kịp nói gì – Ngọc Vân đã thản nhiên bước ra khỏi phòng. Tuyên băn khoăn và hoang mang – chờ buổi chiều.
             Rồi buổi chiều cũng đã đến…
            Cô y tá đưa Tuyên đến nơi Ngọc Vân đang ngồi ở góc trái khu bệnh viện, rồi quay lại phòng trực. Tuyên do dự ngòi trên chiếc ghế đá dài – bên cạnh Ngọc Vân.
            Ngọc Vân điềm tĩnh, thoáng nhìn Tuyên – nói như lơ đãng:
-       Sau năm 75 anh đã sống thế nào? Tôi vẫn theo dõi anh – nhưng anh quá tệ, không đi tìm tôi?
-       Anh biết em ở phương nào mà tìm? Tuyên thở dài – nhìn xa xăm lên bầu trời chiều lờ lửng mây trắng.
             Ngọc Vân mở chiếc túi xách, lấy ra một tập vở dày – và một phong bì thư lớn. Cô nhìn ngắm mấy vật ấy trên tay giây lâu như cố níu giữ dĩ vãng – rồi đưa về phía Tuyên: “ Anh hãy xem lại những vật nầy đi! Em đã giữ chúng gần ba mươi năm rồi…”. Tuyên giở từng trang vở, là những bài thơ được viết chăm chút, ghi dáu từ năm 1971. 72 cho đến năm 1983…”. Tuyên nhớ loáng thoáng đã có bài anh đã  được đọc rất say mê trước đây trong từng phong thư hằng tuần.
              Tuyên chợt dừng lại ở bài thơ “ Hạnh Phúc”, dược viết vào ngày 16 tháng 7 năm 1972. bài thơ đã có thời khiến anh bang khuâng mơ tưởng:
              “thăm những vòm cây
                người yêu dấu có đôi mắt sầu
                ông bạn, nhớ ông vô cùng
                hôm qua trời mưa em đi về miền đèo heo hút gió
                những con bò con ngựa ốm teo nhẩn nha ăn cỏ bên vệ đường
                biết gì không ông bạn, nhớ ông vô cùng
                ta từng mơ ước một đàn bò
                một đàn bồ câu, đàn ngỗng, đàn vịt, đàn gà…
                ngày yên vui nơi quê nhà
                và cũng phải có thêm chú ngựa ngoan
                ta hồn nhiên như đôi bạn nhỏ
                đánh xe dạo quanh phố phường đá sỏi
                bạn huýt sáo luôn mồm
                mắt em cười long lanh
                hạnh phúc lớn lên trong lồng ngực bình thường (…) “
           (..)ta về nằm ngữa mặt nhìn trăng
                đêm êm đềm thoảng hương lúa chin
                ta về, ta về cùng nỗi nôn nao thơ dại
                hạnh phúc lớn lên trong lồng ngực bình thường

               bạn yêu dấu ơi bạn đang nghĩ gì
               khi sáng mai này
               chim nhỏ bay về đậu bờ vai hót lời mơ ước…”
            Và nầy  nữa, bài “ Quên Mất Thời Lẻ Loi” – viết vào ngày 2 tháng 8 năm 72 đầy ắp ước mơ và nỗi nhớ của tuổi thương yêu:
            “buồn ơi xưa thăm thẳm
              em đứng khóc một mình
              đêm vô cùng vô tận
              người xa người lặng thinh
              nhớ thành phố trăng soi
              nhớ thành phố sương mờ
              một góc đời bé mọn
              hẹn sẽ về mai sau
              anh hiền như đất quê
              em hiền như cỏ dại
              giòng sông xanh bình lặng
              ngước nhìn trời chứa chan
              anh sẽ về phải không?
              sao trời long lanh khóc
              lá đường đêm rã mục
              gót nhỏ nhẹ thầm thì
              thương anh và thương em
             *
             anh về từ phiêu bạt
             anh về như từ mơ
             em nửa đời ngóng chờ
             em nửa hồn xiêu lạc
             nhìn nhau vui chất ngất
             vỡ tung bờ chia phôi
             tóc huyền xưa có bạc
             quên mất thời lẻ loi
             khờ như đôi bạn nhỏ
             chưa hề nói yêu thương
             thênh thang lưng ngựa bạch
             sầu mỏng hơn tơ vương (…)”
             Phong thư lớn – chứa những lá thư cũ mầu của chính Tuyên đã viết trong nhiều năm, những tấm ảnh của anh một thời đây dó của tuổi trẻ…Tuyên như choáng ngợp trong vúng kỷ niệm tràn ngập quanh anh qua hai kỷ vật mà anh không ngờ chúng vẫn còn sống bên Ngọc Vân cho đến hôm nay.
-       Sau năm 83, em không còn làm thơ nũa? Tuyên nhìn Ngọc Vân áy náy.
-       Sau năm 83 – em lập gia đình rồi…
-       Cho đến bây giờ?
-       Cho đến năm 2005…
-       Thì…  thế nào?
-       Anh ấy đã quyết định sang định cư hẳn ở Mỹ khi gia đình bảo lãnh…
-       Sao em không đi cùng?
-       Em không thể rời xa mẹ em và cái thị trấn nhỏ bé nặng tình thuở xưa đã từng dõi theo từng bước chân em và những người thân, và những bạn bè yêu quý một thời không bao giờ quên …. Ngọc Vân chợt cười – lạnh lùng – Em quê mùa, ngu muội quá, phải không anh?
-       Còn các con?
-       Em chỉ có một đúa con gái, nó không thể bỏ em…
            Lúc trao lại hai kỷ vật ấy cho Ngọc Vân – Tuyên đã bất ngờ cầm lấy tay nàng – đưa lên môi hôn: “ Ạnh xin lỗi em!”. Nàng vẫn ngồi yên. Nhìn ngắm Tuyên – với ánh nhìn lạ lẫm như lần gặp đầu ở khu tiếp tân Đồng Đế. Hôm nay – sau gần ba mươi năm thất lạc nhau – ánh nhìn ấy lại thêm  trĩu nặng bao nỗi thương xót cho mình, cho người.
           Tuyên giữ mãi bàn tay thon thả, bàn tay ân tình, bàn tay cứu người – giúp đời của Ngọc Vân, như chẳng bao giờ muốn buông ra.
           Buổi chiều xuống rất thấp. Những áng mây trắng vẫn lờ lửng trên cao – Tuyên bất giác biết mình đã tìm lại được bóng mây ngày cũ đã lưu lạc bao phen tưởng đã mù xa sương khói–  lòng anh rộn ràng ấm áp một niềm vui đã bao năm tẻ lạnh, và cũng nhận ra rằng - đời mình vẫn còn rất nhiều diễm phúc…


Quê Nhà, tháng 6 năm 2012
MANG VIÊN LONG
            
                  

                      -


          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét