Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

LÃNG CA,

TẬP THƠ ĐẦU TAY
CỦA CHÀNG LÃNG TỬ 70 TUỔI!

Mang Viên Long


      “Lãng Ca” là một tập thơ ghi dấu nhiều giai đoạn của đời sống, tính từ mốc thời gian 1960 (khi nhà thơ vừa tròn 18 tuổi) đến năm 2014 (lúc nhà thơ đã trên 70) – trải dài hơn nửa thế kỷ! Chàng lãng tử nhà thơ ấy – chính là Lữ Kiều!

      Thật ra, anh đã làm thơ (và viết văn) từ năm 16, khi đang còn là cậu học sinh Quốc học nhiều khát vọng. Lữ Kiều làm thơ rất sớm, có bài đăng báo cũng rất sớm – nhưng, dường như anh ít khi “làm thơ” mà “chỉ sống” với thơ nhiều hơn! Tôi có cảm giác, anh “lơ là & lãnh đạm” với thơ. Anh không đi tìm thơ, mà thơ đến tìm anh?
      Lãng Ca là tập thơ đầu tay của anh – khi tuổi đời đã trên 70. Tôi nghĩ, nếu không có sự “nhắc nhở & thúc giục” của bằng hữu, thì có lẽ đến năm 80 tuổi (hay 90 – hay không bao giờ) Lãng Ca mới được “chào đời”? (và dĩ nhiên không biết số phận của những trang thơ tâm huyết một đời ấy sẽ ra sao?).
        Lẽ ra, tập thơ nầy đã được anh em góp ý giới thiệu vào đầu năm 1982, nhưng ở thời điểm giao thời luôn xáo trộn ấy có quá nhiều khó khăn nên nó bị xếp lại, và tiếp tục bị “lãng quên” cho tới hôm nay – nghĩa là hơn 30 năm sau. Tôi nghĩ đến cái “nhân duyên” của Lãng Ca như lời ghi đầu tác phẩm: “Tập thơ nầy dành tặng bằng hữu, và gia đình. Cám ơn tình thân bền lâu ấy” (28.11.2014). Và, theo như lời chia sẻ của anh – tập Lãng Ca chỉ in vỏn vẹn 30 cuốn, dành riêng tặng các thân hữu mà thôi!
       Mở tập Lãng Ca ra xem, tôi nhận ra ngay một phong cách trình bày và bố cục cho toàn tập rất mới. Tôi biết Lữ Kiều đã bắt đầu “mê” sắc mầu thiên nhiên từ năm 40 tuổi và hơn 30 năm qua, anh luôn bị lôi cuốn vào “trò chơi” thầm lặng nầy (có khi “bỏ bê” cả làm thơ, viết văn, và việc khám chữa bệnh!) – nên đã có thừa kinh nghiệm để chăm chút cho “đứa con muộn” nầy khá kỹ, khá xinh xắn!. Bên cạnh đó, có thêm sự góp phần điểm tô của quý anh Đinh Cường, Thân Trọng Minh, Nguyễn Trọng Khôi, Lê Ký Thương bằng những bức minh họa mỹ thuật; nên tập thơ có một “bộ mặt” lạ, hấp dẫn. Tranh bìa 1: Thân Trọng Minh. Bìa 4: Phác họa chân dung Lữ Kiều của Đỗ Hồng Ngọc. Trình bày và dàn trang: Lê Ký Thương. Vậy là bằng hữu của Lữ Kiều đã “chia sẻ” cùng anh để lo cho “đứa con muộn” chào đời - thật ấm áp nghĩa tình!
        Tôi nghĩ, đây là một tập thơ đẹp, ghi dấu nhiều kỷ niệm của bạn bè đã một thời cùng anh gắn bó,  và đồng cảm!
        Lời tựa cho Lãng Ca đã được Lữ Quỳnh viết từ năm 1982. Có ba lời Bạt của Châu Văn Thuận & Tác Giả & An Nhiên. Phần “Cảm nhận sau những dòng thơ” của 5 tác giả thân hữu quen thuộc với làng văn: Thụy Văn, Phan Duy Nhân, Nguyễn Thi Khánh Minh, Khuất Đẩu, và Đỗ Hồng Ngọc. Toàn tập có 46 bài thơ, được sắp xếp làm 5 giai đoạn, theo thời gian, hành trình đi vào thơ của anh kể từ năm 1960 – bắt đầu từ “Bài Áo Lụa” (trang 11).
            Ở phần 1 – “Thời Nhỏ Bên Dòng Sông Thơm Ngát”:
            Hồn nhiên với tình yêu đầu đời chợt đến chợt đi như cơn heo may mong manh buổi đầu thu thoáng chút nắng hanh vàng, giống như bao chàng trai trẻ xứ Thần kinh thơ mộng của một “thời nhỏ” bên dòng sông ắp đầy  ước vọng và kỷ niệm êm đềm:
                      “ Người xa xôi buồn như loài cỏ lạ
                        Rừng mùa thu sương khói ngủ chân trời
                        Tôi run run bước chân loài hươu nhỏ
                         Gió se mình chạm tới vóc xanh xao

                        Thời tuổi trẻ chỉ một lần thơ dại
                        Mùa thu qua sương khói cũng bay xa
                        Con hươu xưa đã lạc vào trong phố
                        Hơi rừng sâu chừng còn dấu trên vai(…)”
                             (Bài Áo Lụa- trang11)
           “Con Đường” (1962 – 1969) là chặng đường bước dần vào đời tiếp theo của lãng tử; bảy năm - gồm 10 bài thơ. Bài “Người Bạn Gái Vùng Giới Tuyến” (tặng Kim Cúc) dài 9 trang, là bài thơ trĩu nặng tâm sự riêng chung về người bạn gái là một cô giáo, về học trò “buổi sáng cầm bút vô trường/ buổi chiều cầm cày ra ruộng/ những mảnh áo quần tả tơi/ những hàng nút khuy sút mất”, về một vùng địa đầu đêm ngày bất an “những chuyến B52 bay qua/ những giờ đại bác pháo kích”, về nỗi đau buồn của chiến tranh mãi còn ghi dấu u tối trong những tâm hồn hồn nhiên, trong trắng…
              Phác họa đôi nét về sự cô độc, quạnh hiu của nàng ở vùng giới tuyến, khi tuổi đời còn rất trẻ:
                         “ (…)Buổi sáng mở mắt giật mình
                                 Trăng không còn ngoài cửa
                                  Nàng thức dậy đốt đèn
                                  Soi trên tường bóng nhỏ
                                  Ôi gác trọ hắt hiu
                                  Bạn bè không còn nữa (…)”
               Ngôi trường vùng quê nơi nàng đang gắn bó:
                         “(…) Trường nàng nằm bên dòng sông
                                   Dòng sông gầy như cánh tay
                                   Bao dung che chở
                                   Nàng trông xuống lũ học trò
                                   Năm mươi đứa mặt mày lem luốc
                                   Những con mắt đóng ghèn
                                    Những bàn tay ghẻ lở (…)”
          “Con Đường” đã bắt đầu gập ghềnh, ghi dấu sâu đậm từng bước chân chàng lãng tử một thời xuân mộng thuở nào, đang lênh đênh dấn thân cùng bao nỗi muộn phiền, ưu tư không lối thoát; qua những cung bậc trầm lắng hoang mang, thất vọng, ở bốn bài ghi nhận “Bài Sương” (1 - 2 - 3 & 4) được lưu giữ từ năm 1966 đến năm 1968.
            Xin mời đọc “ Bài Sương 4”(1968):
                                      “Thôi ta đã nặng tuổi đời
                                       Xế trưa ngọn nắng bồi hồi bóng em
                                       So vai đời cũng lặng im
                                       Ta như sợi khói phù du bên người
                                       Ngẩn ngơ một tiếng gượng cười
                                       Sinh ra hồn đã rong chơi một mình
                                       Giờ đây lòng vẫn lênh đênh
                                       Tình em ta có giữ gìn đươc chăng?”
              Những trang “Giữa Đời Sống Của Chúng Ta” (1969 – 1975) được mở ra bằng bài “Mậu Thân” với nỗi hân hoan ngậm ngùi dấu kín; rồi “Đời Sống” kết thúc nơi “Quán Nghèo Cảm Khái” cùng “bạn bè dăm đứa ngồi như câm/ có em lung linh ngậm ngùi một bóng”  – là những giai điệu buồn của tuổi trẻ, của Quê hương một thời không bao giờ quên.
                                “Cất tiếng cười ròn vui mừng tuổi
                                  Tay giơ cao chào bạn hữu thân tình
                                  Ta đã sống qua những ngày biển lửa
                                   Có chút vui nào không đượm nổi đao binh?

                               …Bởi đã sống rất kề cái chết
                                   Tôi xin em một phút cảm ơn đời
                                   Có bàn tay nào khoan dung bằng tay Phật
                                   Dẫn ta đi qua những lối ma trơi?(…)”
                                         (Mậu Thân – trang 63)
               Khi nỗi bi thương đã quá căng đầy, lòng đớn đau đã quá dày dạn – những”cảm khái” nơi quán nghèo chỉ còn là những tiếng thở dài não nuột của chàng lãng tử nghệ sĩ; nghe man mác, nhưng bất tận:
                              “Hởi cô gái đêm chong đèn ngồi
                                Trong quán rượu nghèo nàn cảm khái
                                 Phải chi ta còn tuổi hai mưoi
                                 Lòng sẽ mê em, ngọt ngào biết mấy!

                            … Này một chút tình chung trong đáy cốc
                                Ôi sắt se người cũ vẫn dịu dàng
                              Hỡi ơi sợi tóc mình chưa bạc
                              Sao gửi phụ tình theo chén men?”
                  Phần “Sau Ngày Ngưng Chiến Tranh” (30 tháng 4 năm 1975) gồm bốn bài là bốn đoản khúc buồn đau tiếp nối chặng đường trên cuộc hành trình còn đang mờ xa phía trước; với bao hoang mang, dâu bể ngổn ngang. Bài “Phục Sinh 1” mở đầu cho những trang đời từ đó:
                              “Khi đứng lại giữa hai hàng cửa đóng
                                Không còn ai từ dạo đó trở về
                                Thôi, buộc thắt lưng cầm đèn cháy sáng
                                Để một mình bước trọn kiếp thừa sai
     
                           … Ôi chén đắng sao không đành uống sạch?
                                Còn chia chi cho kẻ ở bên đời
                                Môi em nhạt có bao giờ e ngại
                                Lời điêu ngoa cám dỗ một tình vui? (…)”
                  Bài “Từ Biệt 1981”:
                        “(…)Bốn mươi tuổi, đêm đã dài quá nửa
                                Có sá gì ngơ ngẩn tiếng chuông rơi
                                Từng khuôn mặt chia hồn ta vạn lối
                                 Còn lối nào đưa ta khỏi cuộc chơi

                            …Đành câm lặng một mình trời địa ngục
                                Đứng quay lưng cho hạnh phúc qua đi
                                Cả em nũa từ đây là nỗi nhớ
                                Nỗi ngậm ngùi cay đắng cuộc từ ly(…)”
                 Phần cuối – có lẽ khi Lãng Ca bị “bỏ quên” từ năm 82, nên chàng lãng tử đã lầm lũi bước thêm “Những Khúc Tiếp Nối Ba Mươi Năm Qua” (1983 – 2014) trên quãng đời còn lại? Bước chân dặm trường đã mỏi, nhưng hồn thì đã thăng hoa:
                Khúc “Thời 50 Tuổi”:
                       “(…) Hỡi trăng xanh
                                Một ngày nào em sẽ tặng ta
                               Vòng hoa trên mộ chí
                               Như ta đã tặng em
                              Đóa hồng thời mới gặp(…)”
                Trở về “Ngồi Bên Mộ Mẹ”:
                     “(…) Con vẫn biết lòng con như trái rụng
                              Có chọn gì đất sạch để nương thân
                              Thì cũng tạm bên đời như ở trọ
                              Tạm bên người cho hết cuộc phù vân(…)”
                Một trong “Bốn Đoạn Thơ Cuối Cho Bạn”:
                     “(…) Phải, một tình bạn thôi
                              Có khi đau lòng nhau
                             Trong căn nhà cuối ngõ
                             Em mơ hồ như khói sương

                             Bởi người bạn thường đến muộn
                             Và ra về không kịp chia tay”
                Và khúc “Từ Biệt”:
                    “(…) Giọt nến tàn đêm khuya
                             Rơi trên bàn tôi lặng lẽ
                            Đứa trẻ trong ta vẫn ngông cuồng
                            Hồn nhiên lăn theo hòn bi đỏ(…)”
                Hòn bi đời lãng tử vẫn hồn nhiên lăn đi cho đến lúc không còn tiếp tục “lăn” đi nữa –  phải chăng đó là viễn ảnh của tất cả chúng ta hôm nay nơi cõi tạm rẫy đầy phiền não, khổ đau? Thái độ “hồn nhiên lăn theo” của chàng lãng tử Lữ Kiều có lẽ, cũng là một sự “tự do lựa chọn cuối cùng” cho thân phận mình của người trí thức biết tìm về với cõi an lành miên viễn với lẽ “tùy duyên” ngàn đời của vạn pháp?
                Lần theo “dấu chân” lãng tử qua từng chặng đường dài hơn nửa thế kỷ nhiều gian khó, bất hạnh; chúng ta như được “nhìn lại” chính những bước chân lao đao, chông chênh của mình trong cuộc thăng trầm bơ vơ, lặng thầm, và vô cùng cô độc một thời – đã và đang đi qua dời mình!
               Vì đã có được những giây phút hạnh phúc như vậy – nên xin được gởi lời cảm ơn chàng lãng tử nghệ sĩ tài hoa đã chia sẻ hôm nay…!
             
Quê nhà, những ngày cuối tháng 12 – năm 2014

MANG VIÊN LONG



     
   
               

                      
                     

     

          

    
                
    


                              
                 
                               
     
      


             


            

       
      
        
     


          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét